Mặc dù có kích cỡ và hình dáng khá giống với các model tiền nhiệm, nhưng Nikon D4 được trang bị một cảm biến CMOS full-frame 16.2-megapixel và được hậu thuẫn bởi bộ xử lý mới EXPEED 3, cho khả năng chụp ảnh HDR và giảm nhiễu ở ISO cao tốt hơn.
Ngoài khả năng loại bỏ bớt việc sử dụng đèn flash ở những điều kiện ánh sáng thấp, các nút bấm trên Nikon D4 còn được chiếu sáng (backlit) nên có thể nhìn rõ trong bóng tối. Dải ISO của máy chạy từ 100 – 12.800, nhưng thực tế có thể mở rộng đến 50 – 204.800, rất ấn tượng.
Những điểm mới khác của Nikon D4 là màn hình LCD 3.2-inch với độ phân giải VGA; có khả năng phóng lớn ảnh chụp lên 46x; và một cảm biến ánh sáng xung quanh có thể tăng/giảm độ sáng màn hình tùy thuộc điều kiện ánh sáng. Hệ thống lấy nét AF 51 cải thiện độ nhạy sáng đến -2 EV, và có thể lấy nét đầy đủ ở khẩu độ lên tới f/8. Video cũng được nâng cấp từ khả năng quay video 720p của D3S lên 1080p với tốc độ 30fps. Cùng nhiều chi tiết khác nữa.
Theo đánh giá của imaging-resource, Nikon D4 có kích thước gần tương tự như D3S, chỉ có chiều dài ngắn hơn tiền nhiệm một chút: 160 x 156,5 x 90.5mm, và nặng 1.340g (gồm thân máy, pin và thẻ nhớ). Cảm giác cầm máy trên tay cũng tương tự như D3S, nhưng D4 vẫn có những khác biệt đáng lưu ý, được trình bày kỹ hơn ở bên dưới.
Các đường nét trên thân máy của Nikon D4 được bo tròn hơn và các phần thẳng ít hơn. Tuy nhiên, hầu hết các nút bấm và tùy chọn vẫn được bố trí tương tự như D3S nên những người dùng model cũ sẽ không cảm thấy lạ lẫm.
Có thể thấy, các chi tiết như microphone, đèn hẹn giờ, nút Function, nút xem trước Depth of Field, các nút nhả ống kính của Nikon D4 vẫn có vị trí tương tự như D3S. Nút gạt chuyển đổi chế độ AF có thay đổi một chút, có thiết kế giống D7000, bỏ đi nút CMS của D3S. Nút gạt này cho phép chuyển đổi giữa hai chế độ lấy nét tự động AF và bằng tay MF, một nút tròn nằm giữa nút gạt này được sử dụng phối hợp với vòng xoay điều chỉnh các lệnh (Command dial) nằm ở mặt sau của Nikon D4, nhằm điều chỉnh chế độ lấy nét và vùng lấy nét AF.
Nhiều chi tiết mặt trước của D3S đã được thay đổi trên D4
Một trong những thay đổi dễ thấy nhất là mối quan hệ giữa nút chụp và vòng xoay chỉnh các lệnh thứ cấp (Sub-Command). Khu vực phía dưới nút chụp dốc hơn và bánh xe xoay được đẩy lên cao hơn một chút, đồng thời phần mặt trên máy được lượn sâu xuống phía dưới thân máy, nhằm làm cho việc di chuyển ngón tay ở khu vực này thuận tiện hơn. Đường viền màu đỏ phía trước cũng mảnh hơn, trông thanh lịch hơn.
|
|
Nikon D4 | Nikon D3S |
Ở mặt trên máy, nơi góc trái có 3 nút điều khiển thì có một nút đã được thay đổi, đó là nút Command Lock được thay bằng nút chọn chế độ đo sáng, do đó bánh xe xoay của chế độ này sẽ không còn nằm ở bên phải phần lăng kính nữa. Vòng xoay Drive mode cũng được che chắn ở phía trước, trong khi các model khác để lộ ra rõ hơn, điều này khiến bạn sẽ phải dùng tới hai ngón tay để xoay nó, thay vì chỉ cần một ngón tay đối với D3S. Mặt trên phía bên phải bạn cũng nhận thấy một nút đỏ mới nằm ngay đằng sau nút chụp, đó chính là nút quay phim.
Mặt trên của Nikon D4 (ảnh trên) và D3S (ảnh dưới) với một số thay đổi
Nikon D4 không chỉ có một joystick mà có 2 joystick, trong đó một cái dùng để chọn nhanh các điểm lấy nét tự động, cái còn lại dùng để truy cập nhanh tới các chế độ chụp khi dựng máy theo chiều dọc.
Chế độ Live view cũng có một nút xoay bao quanh để lựa chọn giữa chế độ quay phim và chụp ảnh tĩnh, nút Lv ở giữa giúp kích hoạt chế độ Live view.
Hầu hết các nút và điều khiển khác tương tự như D3S, bao gồm cả màn hình LCD hiển thị trạng thái ở phía sau, và khe cắm thẻ nhớ.
Đặc biệt, các nút bấm và tùy chọn của Nikon D4 đều được chiếu sáng nên người dùng máy ở điều kiện ánh sáng thấp vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy các nút bấm này. Ảnh dưới đây cho thấy các nút được chiếu sáng như thế nào:
Ngay bên dưới phần để gắn dây đeo là một nút tròn mới dành cho mạng Wi-Fi WT-5A 802.11n Wireless Transmitter. Một chi tiết mới nữa là một jack cắm tai nghe để kiểm soát âm thanh trong lúc quay phim.
Cảm biến định dạng FX của Nikon D4 có độ phân giải hiệu dụng 16.2 megapixel, tăng so với 12.1 megapixel của các model D3 và D3S. Cảm biến mới này của Nikon có kích thước 36.0 x 23.9 mm, đạt độ phân giải tổng là 16.6 megapixel. Cảm biến được mạ một lớp chống phản xạ, và kích thước điểm ảnh là 7.3 micron, giảm so với 8.45 micron ở D3 và D3S.
Ở tỉ lệ 3:2 của cảm biến, Nikon D4 cho hình ảnh ở độ phân giải lên tới 4.928 x 3.280 pixel. Máy còn có hai hệ số crop khác là 1.2x hoặc 1.5x (cũng với tỉ lệ cảm biến 3:2), và một chế độ tỉ lệ 5:4 giảm kích thước hai cạnh bên. Ở tất cả các chế độ, đều có 3 tùy chọn về độ phân giải.
Nikon D4 được trang bị bộ xử lý ảnh thế hệ mới nhất EXPEED 3 của Nikon, một cải tiến lớn so với D3 và D3S, mang lại chất lượng ảnh vượt trội so với tiền nhiệm.
Nikon D4 cung cấp dải ISO tiêu chuẩn 100 - 12.800, trong đó chỉ số trên tương đương mức cao nhất của D3S và chỉ số dưới tương đương mức thấp nhất của D3. Đáng nói là, D4 có thể mở rộng độ nhạy sáng ISO đến mức ấn tượng: 50 - 204.800, với bước nhảy 1/3, 1/2, hoặc 1 EV trong các mức ISO từ 50 - 25.600, và bước nhảy 1 EV với các mức ISO cao hơn.
D4 cũng cung cấp một chức năng Auto ISO có khả năng tự nhận diện loại ống kính đang được gắn lên thân máy, tự động chọn tốc độ màn trập cao hơn khi ống kính có một tiêu cự lớn hơn. Có 5 chế độ để điều chỉnh Auto ISO để tăng giảm tốc độ màn trập.
Không chỉ cung cấp sức mạnh xử lý để mở rộng phạm vi độ nhạy sáng của máy ảnh mặc dù độ phân giải cảm biến cao hơn, vi xử lý EXPEED 3 của Nikon D4 còn cho phép tăng hiệu suất chụp. Máy có thể chụp ảnh RAW hoặc JPEG độ phân giải đầy đủ với tốc độ lên đến 10 khung hình/giây ở chế độ tự động lấy nét và phơi sáng. Khi khóa AF và AE từ shot đầu tiên, tốc độ chụp tăng lên 11 khung hình mỗi giây.
Nikon D4 khởi động máy trong khoảng 0,12 giây, độ trễ màn trập là 0,042 giây.
Ở mặt sau máy là một màn hình LCD 3.2-inch mới lớn hơn so với màn hình 3.0-inch của D3 và D3S. Tổng độ phân giải của màn hình chống xước này không đổi so với tiền nhiệm là 921.600 dot, góc nhìn cũng không đổi với 170 độ theo cả chiều dọc và chiều ngang.
Tuy nhiên, màn hình của D4 có khả năng tự điều chỉnh độ sáng nhờ được trang bị một cảm biến ánh sáng gần, do đó người dùng không cần phải điều chỉnh độ sáng màn hình bằng tay. Người dùng còn có thể phóng to hình ảnh lên 46 lần khi cần kiểm tra độ nét.
Máy cũng có một màn hình phụ ở phía trên, như các model tiền nhiệm.
Kính ngắm
Kính ngắm của Nikon D4 cũng là loại mới, với chất lượng tương đương mắt người và vùng ngắm 100% khi sử dụng ở định dạng FX 3:2, và 97% khi sử dụng ở các hệ số crop 1.2x hoặc DX. Ở định dạng FX 5:4, vùng ngắm đạt 100% theo chiều dọc và 97% theo chiều ngang.
Khác biệt duy nhất trong thiết kế kính ngắm đó là nó hơi thấp hơn so với các model cũ, nên làm giảm kích thước của khu vực kính ngắm.
Hệ thống lấy nét
Nikon D4 là máy ảnh đầu tiên thể hiện hệ thống lấy nét tự động 51 điểm của Nikon, có tên Advanced Multi-CAM 3500FX. Cảm biến lấy nét mới đã cải tiến vùng làm việc từ -2 đến +19 EV (ISO 100, 20°C/68°F), và có thêm một chế độ Focus Release dùng để ưu tiên lấy nét cho khung hình đầu tiên, sau đó sử dụng lấy nét đó cho các khung hình tiếp theo.
Trong 51 điểm lấy nét, có 15 điểm ở khu vực trung tâm là loại cross-type, có khả năng nhạy cảm với các chi tiết ở cả hai chiều ngang và dọc, trong đó 9 điểm có thể lấy nét ở khẩu độ f/8 với những ống kính Nikkor tương thích gắn trên bộ chuyển đổi teleconverter TC14E hoặc TC17E, trong khi điểm trung tâm có thể lấy nét ở khẩu độ f/8 với ống kính gắn trên TC20E III (những điểm còn lại lấy nét ở khẩu độ f/5.6 hoặc thấp hơn).
Nhờ cảm biến đo ma trận màu mới, cũng được dùng để nhận diện cảnh, D4 còn có khả năng theo dõi hình ảnh 3D tốt hơn, xử lý được cả những vật thể nhỏ hơn và ít lỗi hơn. Những cải tiến khác bao gồm khả năng nhận biết điểm lấy nét tự động nào đang được sử dụng ở chế độ Dynamic AF, và khả năng duy trì các điểm AF đã chọn ngay cả khi máy ảnh bị xoay.
D4 cũng cung cấp cho người dùng khả năng chọn các chế độ lấy nét khác nhau: 51 điểm, 1 điểm, 9 điểm hoặc 21 điểm. Máy có thể nhận diện khuôn mặt ngay cả khi đang sử dụng kính ngắm.
Ngoài ra, D4 còn cho phép chọn nhanh chế độ AF bằng một nút ở mặt trước của máy, gần nơi gắn ngàm ống kính, giống trên Nikon D7000, trong đó vành xoay ngoài cho phép chọn lấy nét tự động hay bằng tay, còn nút ở giữa được nhấn để chọn AF mode. Hai joystick khác ở mặt sau còn được dùng để chọn điểm lấy nét khi cầm máy dọc hoặc ngang.
Màn trập
Tốc độ màn trập của Nikon D4 là từ 1/8.000 đến 30 giây, tăng giảm theo các bước 1/3, 1/2, 1 EV, và chế độ Bulb (chụp dưới bóng đèn). Tốc độ đồng bộ đèn flash x-sync là 1/250 giây.
Màn trập có tuổi thọ đã được đánh giá là 400.000 lượt chụp, gấp đôi Nikon D800.
Phơi sáng
Nikon D4 có một cảm biến đo sáng mới độ phân giải 91.000 pixel. Chế độ đo sáng 3D Color Matrix Metering III so sánh các cảnh đã được đo sáng với cơ sở dữ liệu có trong máy ảnh để xác định các giá trị đo sáng thích hợp. Nó có thể nhận ra được vị trí của 16 khuôn mặt người trong một khung hình ngay cả khi sử dụng kính ngắm.
Các chế độ đo sáng khác bao gồm center-weighted (tập trung khoảng 75% năng lực đo sáng vào một vùng khoảng 8, 12, 15, hoặc 20mm ở trung tâm khuôn hình), và chế độ spot (đo một vùng tròn khoảng 4mm ở trung tâm của điểm lấy nét AF được chọn).
Nikon D4 cung cấp một dải giá trị bù sáng từ -5 đến +5 EV, được thiết lập với các bước nhảy là 1/3, 1/2, hoặc 1 EV. Ngoài ra, máy có khả năng chụp bracket từ 2-9 khung hình, với các bước nhảy giá trị phơi sáng là 1/3, 1/2, 2/3, hoặc 1 EV, ở cả các điều kiện phơi sáng có đèn flash hoặc ánh sáng có sẵn.
Nikon cũng đã cải tiến hiệu suất cân bằng trắng của D4, mang lại những bức ảnh đáng tin cậy hơn. Người dùng cũng có một tùy chọn giữ lại độ ấm của ánh đèn sợi đốt trong chế độ Auto, điều mà ít có nhà sản xuất nào cung cấp.
Ngoài 2 chế độ Auto, 4 chế độ Custom, chế độ chỉnh nhiệt độ màu theo độ Kelvin, có 12 chế độ thiết lập sẵn. Các chế độ cân bằng trắng định sẵn gồm: đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang (7 loại), ánh sáng mặt trời trực tiếp, đèn flash, trời có mây, dưới bóng râm. Các chế độ cân bằng trắng cũng có thể được chọn trong chụp ảnh bracket, mà D4 có thể lưu lại 2-9 ảnh có độ cân bằng trắng khác nhau.
Bộ lọc sáng tạo
Mặc dù là một máy ảnh chuyên nghiệp, nhưng Nikon D4 cũng đước trang bị một tính năng thường thấy nhiều hơn trên các máy ảnh DSLR thông thường, đó là chế độ chụp HDR (high dynamic range). Chế độ này cho phép chụp 2 ảnh ở hai giá trị phơi sáng khác nhau, với độ phơi sáng chênh lệch có thể là từ 1, 2, hoặc 3 EV, rồi kết hợp chúng vào 1 bức ảnh. Máy cũng cung cấp 3 mức độ "trơn mịn" của ảnh ghép là thấp, vừa, cao.
Máy còn có chức năng Active D-Lighting giúp tạo ra độ phơi sáng cân bằng hơn. Người dùng cũng có thể chụp bracket với 2-5 bức ảnh được lưu ở các mức Active D-Lighting khác nhau.
D4 cũng được trang bị chức năng Picture Controls, cung cấp 6 chế độ định sẵn: Standard, Neutral, Vivid, Monochrome, Portrait, Landscape, cho phép người dùng tùy biến và thiết lập các hiệu ứng khác nhau cho bức ảnh. Máy có riêng một nút để truy cập chức năng này, thuận tiện hơn cho việc chuyển đổi các chế độ chụp cho phù hợp với đối tượng.
Video
Tính năng quay video của Nikon được cải tiến hoàn toàn trên dòng máy DSLR chuyên nghiệp D4. D4 có thể quay video Full HD (1080p, 1920 x 1080 pixel) ở các tốc độ 24/30 khung hình mỗi giây. Đối với video 720p (1.280 x 720 pixel), máy có thể quay với tốc độ 60 khung hình mỗi giây.
Video có thể được quay bằng cách sử dụng dữ liệu từ các điểm ảnh trên toàn bộ chiều rộng của bộ cảm biến hình ảnh ở định dạng FX, hoặc với hệ số 1.5x (định dạng DX), lấy dữ liệu từ trung tâm của hình ảnh mà không ảnh hưởng đến độ phân giải video.
Nikon D4 cho phép điều chỉnh tốc độ màn trập, khẩu độ, và độ nhạy sáng ISO trong lúc quay. Máy cũng có khả năng tự động lấy nét liên tục, bao gồm phát hiện và theo dõi khuôn mặt, cũng như khả năng lấy nét bằng tay.
Video được ghi ở định dạng H.264 / MPEG-4 AVC, độ dài tối đa của clip là 29 phút, 59 giây khi sử dụng chất lượng Normal. Mặc dù có nút quay phim chuyên dụng, người dùng vẫn có thể dùng nút màn trập để bật/tắt chế độ quay phim.
Người dùng có thể điều chỉnh âm lượng của microphone gắn trong hoặc gắn ngoài thông qua màn hình LCD. Máy còn có một jack cắm tai nghe, để người dùng kiểm soát chất lượng âm thanh của video đang quay.
Đáng chú ý, người dùng có thể dẫn thẳng nội dung full HD trên máy hoàn toàn không nén ra màn hình ngoài thông qua cổng HDMI. Trong khi truyền nội dung như vậy thì máy sẽ không ghi nội dung vào thẻ nhớ.
Một tính năng video khác nữa là máy có thể cho phép chọn một tốc độ khung hình và quay ở chế độ time-lapse (có độ trễ giữa các khung hình), kết quả là một video có khả năng chạy ở các tốc độ từ 24x đến 36.000x.
Chống chịu thời tiết
Thân máy bằng hợp kim magie có kết cấu tương tự xe tăng của Nikon D4 được niêm kín hoàn toàn, có khả năng chống chịu độ ẩm, bụi bẩn, các tác động điện từ.
Kết nối
Nikon D4 được trang bị khá nhiều cổng kết nối ngoài, gồm USB High-Speed, cổng Type-C mini HDMI, cổng RJ-45 Ethernet (100Base-T), cổng gắn điều khiển từ xa (gắn được thiết bị GPS), 2 jack cắm microphone và headphone. Không có cổng A/V out.
Truyền file không dây
Nikon D4 tương thích với bộ truyền file không dây mới WT-5A, cho phép truyền trực tiếp ảnh từ máy ảnh tới một máy chủ FTP trên một mạng không dây, tự động hoặc bằng tay. WT-5A lấy nguồn từ máy ảnh thông qua một cổng mới nằm bên dưới cạnh trái của thân máy.
Nikon cho biết hãng đang phát triển một ứng dụng di động để điều khiển máy ảnh thông qua WT-5A, bao gồm khả năng điều khiển nút chụp từ xa.
GPS
Nikon D4 có thể kết nối với một thiết bị GPS, cho phép lưu lại vị trí địa lý của bức ảnh được chụp.
Lưu trữ
Nikon D4 có hai khe cắm thẻ nhớ, có thể thiết lập để sử dụng đồng thời cả hai thẻ.
Đáng lưu ý là, ngoài định dạng thẻ CF, D4 còn là máy ảnh duy nhất hiện nay hỗ trợ định dạng thẻ nhớ XQD mới, một định dạng thẻ nhớ thế hệ mới vừa được công bố hồi tháng 12/2011. Với định dạng này, D4 có thể tăng tốc độ đọc ghi với số khung hình ghi được nhiều hơn 1/3 so với định dạng CF.
Pin
D4 sử dụng một bộ pin sạc lại được EN-EL18 lithium-ion, có thể chụp 2.600 shot trong một lần sạc.