JPEG (Joint Photographic Experts Group)
Phổ biến nhất trong ba định dạng nói trên, JPEG là định dạng file trong đó các dữ liệu của bức ảnh bị nén lại nhiều nhất để giảm thiểu sự chiếm dụng bộ nhớ. Việc nén này làm giảm đáng kể chất lượng ảnh, nhưng nhờ kích thước file nhỏ, JPEG thuận tiện cho việc gửi e-mail và tải lên các website vừa cho phép thích nghi đọc được trên bất kỳ máy vi tính nào.
Có nhiều cỡ ảnh JPEG khác nhau để bạn chọn khi chụp với một máy ảnh kỹ thuật số (KTS). Các máy ảnh hiệu Canon thường có ba lựa chọn “L”, “M” và “S” tương ứng với cỡ ảnh lớn, vừa và nhỏ. Các hãng máy ảnh khác cũng có những cách khác nhau để thể hiện chế độ này, và tốt nhất bạn nên xem phần hướng dẫn sử dụng.
Với một máy ảnh KTS, JPEG được tạo ra ngay khi bạn bấm nút chụp và thường đủ nét để in ra ở khổ ảnh thông thường cũng như chia sẻ trên web. Một số chương trình hỗ trợ chỉnh sửa ảnh chuyên dụng như Photoshop cho phép bạn chuyển đổi một file JPG vừa sửa sang một định dạng file nén khác.
Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là mỗi khi chỉnh sửa xong một bức JPEG, bạn cần đổi tên file hoặc đường dẫn nếu không file mới vừa được tạo sẽ save đè lên file gốc khiến bạn sẽ không thể khôi phục lại được. Với các thẻ nhớ dung lượng khiêm tốn, JPEG là lựa chọn số 1 giúp người dùng lưu giữ được nhiều bức hình.
TIFF (Tagged Image File Format)
Mặc dù ngày càng hiếm gặp trên các dòng máy ảnh KTS nghiệp dư, TIFF vẫn còn khá phổ biến ở các model cao cấp như Nikon D300 và Olympus Camedia C-7070WZ. Định dạng này đang bị chính các nhà sản xuất máy ảnh từ bỏ dần vì nó choán khá nhiều không gian bộ nhớ. So với một bức ảnh JPEG có cùng một lượng điểm ảnh, TIFF có kích thước file lớn hơn gấp 10 lần. Từ khi chất lượng ảnh JPEG ngày càng tốt hơn, TIFF dần dần bị thất sủng hoàn toàn ở nhánh máy ảnh không chuyên.
Niềm an ủi lớn nhất của TIFF là nó nén ảnh ở mức độ bức hình chưa bị suy giảm chất lượng. Do đó, ảnh file TIFF trông sống động chi tiết hơn. Tuy nhiên, trừ phi bạn đặt nặng vấn đề chi tiết ảnh và đang sở hữu những thẻ nhớ có dung lượng cao, TIFF là file nặng, “ngốn” quá nhiều bộ nhớ.
Được mệnh danh là “âm bản” của các máy ảnh KTS, định dạng RAW được rất nhiều hãng máy ảnh phát triển và duy trì dành riêng cho các nhiếp ảnh gia muốn can thiệp sâu vào chất lượng bức hình sau chụp.
RAW được ca ngợi là giúp thu thập và giữ lại được nhiều thông tin nhất về một bức ảnh số. Cũng giống như cách một bức hình được tráng rửa từ một phim âm bản, một file ảnh RAW cũng cho phép người dùng chỉnh sửa, can thiệp để trở thành một bức ảnh số hoàn mỹ nhất.
Trong khi ảnh JPEG và TIFF được chính máy ảnh tự động thay đổi các thông số sao cho phù hợp thì một file ảnh RAW là bức hình thô chưa “xào nấu” để người dùng tự điều chỉnh sao cho mãn nhãn nhất. Trong những điều kiện sáng yếu, tính chi tiết của các gam sáng và tối của bức hình có thể bị mất nếu bạn chọn file JPEG và TIFF. Tuy nhiên, với ảnh RAW, nếu phơi sáng chuẩn bạn có thể khôi phục lại các chi tiết này thông qua một số thao tác điều chỉnh.
RAW được tìm thấy nhiều hơn ở các dòng máy ảnh số ống kính rời (D-SLR), mặc dù gần đây nó xuất hiện cả ở tầng máy bán chuyên như Canon Powershot G9 và Panasonic Lumix FZ50. Mặc dù kích thước file lớn hơn JPEG, RAW vẫn còn “thon thả” hơn so với ảnh TIFF.
Một điều cần lưu ý là mỗi hãng máy ảnh lại có một định dạng RAW riêng. Chẳng hạn Canon đặt tên là file .CRM trong khi Nikon ký hiệu là .NEF. Vì vậy, bạn sẽ cần trang bị phần mềm chuyên biệt kèm theo để chỉnh sửa những bức ảnh kiểu này. Nếu bạn muốn chia sẻ ảnh dạng này, hãy chuyển đổi nó về dạng file phổ biến hơn như JPEG.
Từ khóa: Định dạng file ảnh, Thuật ngữ, Thuật ngữ nhiếp ảnh