EOS M100 có kích thước xấp xỉ (R) 108,2mm x (C) 67,1mm x (S) 35,1mm, và nặng 266g (chỉ tính thân máy). Những con số này làm cho nó trở nên to hơn và nặng hơn một chút so với EOS M10 (108,0mm x 66,6mm x 35,0mm, 265g), nhưng sự khác biệt là khó nhận ra khi bạn cầm máy ảnh này trên tay. EOS M100 sử dụng một cảm biến CMOS cỡ APS-C 24,2 megapixel hỗ trợ Dual Pixel CMOS AF, và bộ xử lý hình ảnh mới nhất DIGIC 7. Mặc dù có kích thước thân máy nhỏ, máy ảnh này có chất lượng hình ảnh xuất sắc và có thể tạo ra hậu cảnh mất nét mờ mịn và sự chuyển màu phong phú giống như các máy ảnh số cỡ APS-C hiện hữu khác của Canon.
Nhận xét đánh giá về Canon EOS M100
EOS M100: Truyền nhân xứng đáng của M10?
Sự xuất hiện của Canon EOS M100 có lẽ là tin đáng nghe đối với các fan dòng M, muốn sở hữu một chiếc máy ảnh chất lượng cao, gọn nhẹ mà điều kiện kinh tế không quá dư dả cho lắm.
Trong lúc người dùng amateur cũng như dân chuyên còn đang chìm trong những cuộc tranh luận tưởng như vô tận về EOS 6D Mark II, hay sôi sùng sục với “bộ tứ siêu đẳng” gồm siêu phẩm chân dung EF 85mm f/1.4L IS USM cùng 3 ống kính tilt-shift TS-E 50, 90, 135mm f/2.8L Macro mà Canon vừa cho ra lò ngày hôm qua (cũng vừa tròn 2 tháng từ lúc EOS 6D Mark II, chính thức xuất hiện), thì Canon cũng lặng lẽ ra mắt một chiếc máy ảnh ống kính rời không gương lật, mang tên EOS M100, thay cho EOS M10 đã được 2 năm tuổi. Theo thông cáo báo chí cùng những hình ảnh được Canon công bố thì EOS M100 có hình thức tương tự EOS M10: cực kỳ nhỏ gọn, màn hình cảm ứng lật 180 độ, không hot-shoe, tuy nhiên cũng có đôi chút khác về lớp vỏ cũng như bố trí nút giúp cầm nắm và chụp ảnh dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, về công nghệ bên trong thì M100 vượt trội hơn EOS M10 khá nhiều, dường như Canon đang cố gắng hết sức để giành giật thị phần mảng không gương lật, mà cán cân vốn đang nghiêng về Sony và Fuji. Tương tự như EOS M10 trước đây, M100 đã gặp phải không ít chỉ trích về việc quá ít nút bấm, cũng như thiếu đi hotshoe. Tuy nhiên, với mục đích là một chiếc máy ảnh ống kính rời phân khúc phổ thông, nhắm đến đối tượng khách hàng “chụp chơi”, hay khách nữ thích selfie, cần máy thật nhỏ gọn, thì 2 yếu tố trên có hay không đều không quan trọng. Đó là về đặc điểm ngoài. Còn công nghệ bên trong thì so với các máy ảnh sử dụng cảm biến crop 1.6x khác được trang bị DIGIC 7 thì cũng không có gì khác biệt lớn, như dải ISO được nâng lên tới 51200, Dual Pixel CMOS AF, khả năng quay video Full HD 60p.. Nhưng ở M100 lại có một điểm khác khá thú vị, đó là nhờ có wifi mà khi bật lên, người dùng M100 có thể chia sẻ cho nhau các cài đặt thông số chụp ảnh ưa thích của mình, từ máy này sang máy khác.
Điểm qua một vài đặc điểm chính của M100 so với EOS M10:
Cảm biến CMOS APS-C 24,2mpx với Dual Pixel CMOS AF (so với 18mpx với Hybrid CMOS AF II).
Bộ xử lý ảnh DIGIC 7, so với DIGIC 6
Dải ISO 100-25600, mở rộng lên 51200, so với 100-12800, mở rộng lên 25600 (dải ISO này giống như tất cả các máy crop khác được trang bị DIGIC 7).
Tốc độ chụp liên tiếp tối đa 4 fps, khóa focus thì tăng lên 6,1 fps.
Khả năng quay video FHD 60p (so với 30p)
Trình xử lý ảnh RAW tích hợp trong máy
Bluetooth, Wifi, NFC (thay vì chỉ Wifi và NFC).
Theo Canon cho hay, máy có 2 phiên bản màu đen và trắng. Sản phẩm sẽ được lên kệ vào tháng 10 tới, với các mức giá khác nhau, như thân máy và kit EF-M 15-45 IS STM sẽ có giá 599$, còn bộ 2 kit EF-M 15-45 IS STM và EF-M 55-200 IS STM sẽ có giá 949$.
Một vài hình ảnh EOS M100:
Qua những gì Canon đã ra mắt kể từ nửa cuối năm 2016 cho đến giờ, chúng ta có thể thấy dường như Canon đang có tham vọng áp đảo đối thủ tại phân khúc giá rẻ, mà điển hình với EOS 200D, và giờ là EOS M100. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đó thì chặng đường còn rất dài. Hãy cùng chờ xem những gì sẽ diễn ra tiếp theo