Chiếc máy ảnh được tuỳ biến dành riêng cho những nhà thiên văn học hay người dùng yêu thích tìm hiểu vụ trụ bao la mang tên EOS 60Da. Đây là mẫu máy được phát triển từ EOS 60D, chữ "a" trong tên gọi của máy là viết tắt của từ "astrophotography" (nhiếp ảnh thiên văn). Sự khác biệt lớn nhất giữa 60Da và 60D là bộ lọc hồng ngoại (IR) cùng với cảm biến độ nhiễu thấp. Bộ lọc hồng ngoại trên EOS 60Da đã được Canon thiết kế lại giúp máy ảnh lọc được những ánh sáng ở bước sóng H-Alpha (Hydrogen Alpha) tốt hơn, cho phép nhiếp ảnh gia có thể chụp những hiện tượng như tinh vân Đầu Ngựa (Horsehead) hay tinh vân Hoa Hồng (Rosette)...
Bộ lọc hồng ngoại trên những máy ảnh thông thường ngăn chặn ánh sáng ở bước sóng mà hầu hết các vật thể, chòm sao phát ra. 60Da với bộ lọc được tuỳ biến sẽ giúp khắc phục điều đó, dĩ nhiên là bạn không thể sử dụng 60Da để chụp dưới mặt đất vì khi đó ảnh sẽ bị ám đỏ.
Ngoài sự khác biệt đó ra, dường như 60D và 60Da chia sẻ cấu hình phần cứng với nhau. Máy được trang bị cảm biến APS-C 18MP, dải ISO lên 6400, màn hình LCD 3", cáp AV cho phép chụp ảnh với màn hình gắn ngoài ở chế độ Live View. Tính năng chụp không phát ra tiếng (Silent Shooting) sẽ giúp giảm tối đa hiện tượng rung do màn chập gây ra khi máy được gắn vào ống kính tele chụp rất xa hoặc kính thiên văn.