VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Cách nhìn khác về Leica

Đăng lúc: . Đã xem 13926 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Máy ảnh cơ (phim)
Cách nhìn khác về Leica

Cách nhìn khác về Leica

vuanhiepanh.com Hiện nay, nhiều bài nói về máy ảnh Leica. Tôi không cho rằng đây là những bài viết dở nhưng chúng khiến độc giả hiểu lầm rằng các phóng viên ảnh lão làng của thế giới đều xài máy Leica chứ không dùng máy của hãng khác và Leica có những ‘quyền năng’ mà thực ra nó không hề có.

Tôi trích lại đoạn đầu bài viết “Thiết bị không quan trọng đâu“:

Henri-Cartier Bresson
Henri-Cartier Bresson
Henri-Cartier Bresson hít một hơi thật sâu rồi đẩy mạnh cánh cửa, bước vào trong cửa hàng máy ảnh tráng lệ. Ông cầm chặt chiếc ví đã lép kẹp trong tay, đưa mắt nhìn chiếc ống kính ông hằng ao ước, rồi liếc sang bảng giá.
Đoạn, cha đẻ của ảnh báo chí hiện đại – mà khi đó mới chỉ là một phóng viên nghèo – buông một tiếng ‘merde’ đầy uất ức. Ông quay lưng bước đi, và từ đó đến cuối đời không bao giờ bước chân vào một cửa hàng bán máy ảnh nào nữa.
Tôi hoàn toàn không phản đối rằng máy ảnh và ống kính của Leica chất lượng rất tốt, có thể nói là hàng đầu thế giới.

Nhưng như thế không có nghĩa là tất cả các phóng viên ảnh đều phải dùng máy Leica, càng không có nghĩa rằng bất kỳ chiếc máy ảnh và ống kính Leica nào cũng vượt trội so với sản phẩm của các hãng khác.

Về các phóng viên, chúng ta cần nhớ rằng thời xưa họ không được tòa soạn trang bị nhiều như bây giờ. Bresson có lẽ đã phải dành dụm tiền lương trong nhiều năm mới đủ mua một bộ máy ảnh Leica – nó là thứ quá xa xỉ.

Trước và ngay khi đã có máy Leica, Bresson cũng không chỉ dùng một máy ảnh. Phóng viên luôn luôn cần hai máy trở lên. Có nhiều lựa chọn khác nhau. Kodak, Zeiss, thậm chí Canon và Nikon đều từng có máy rangefinder. Nếu tôi nhớ không lầm thì Bresson đã dùng máy Kodak Retina cùng với Leica chứ không phải chỉ có Leica và Leica.

Các phóng viên Mỹ, nhất là phóng viên chiến trường, được đầu tư khá hơn, vì họ phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt hơn. Ai đó nên thử hỏi xem Nick Út đã ‘đút lợn’ để mua Leica hay được tòa soạn trao cho vài chiếc để tác nghiệp.

Nói chung, Leica thời ấy cũng gần giống như dòng máy 1Ds thời nay. Có thì tốt, không có thì vẫn phải dùng máy khác mà chụp.

Anh chàng Mad Max đoạt World Press Photo với bộ ảnh mẹ con chị Mùi ở cầu Long Biên đâu có dùng Leica. Anh ta chụp với máy Canon 5D và ống kính 24mm/2.8 rẻ tiền.

Nếu chụp ảnh chiến sự, bộ máy đó không đủ nhanh, và cũng chẳng đủ bền. Và người ta cần những thứ cao cấp hơn, chắc chắn hơn. Cũng như Robert Capa muốn xách máy Leica ra chiến trường hơn là đồng hành với một chiếc Kodak Retina. Nhưng nếu không có Leica thì ‘thứ tốt nhất là thứ ta đang có’.

Cũng cần hiểu rằng tất cả các máy rangefinder đều ‘im lặng’. Nếu bạn thích nghe tiếng kêu loạch xoạch lớn của các máy DSLR thời nay, thì đừng nhầm tưởng đó là tiếng của màn trập. Không, đó là tiếng kêu của gương lật (lens reflex trong Single Lens Reflex – SLR – là để ám chỉ cấu trúc gương này). Máy rangefinder hoạt động theo cơ chế khác, và không có gương lật, nên tất cả chúng đều không ầm ĩ như SLR-DSLR.

Lễ cưới của công nương Diana Spencer với thái tử Charles chỉ cho dùng máy Leica M7 có lẽ vì các phóng viên khi ấy không ai còn dùng Kodak, Voiglander hay Zeiss Ikon nữa. Những dòng máy ấy hầu như không còn tồn tại vì thất thế trước máy SLR của Canon, Nikon rồi. (nhưng hiện nay Voiglander và Zeiss đã hồi sinh Bessa và Ikon)

Về mặt chất lượng, bạn có thể tìm kiếm trên Google những so sánh thực tế giữa Leica M7 với Contax G2. Có nhiều hơn một ý kiến khẳng định rằng G2 hoàn toàn có thể cho chất lượng vượt trội với giá thấp hơn rất nhiều so với M7. Chiếc G2 lại còn nhỏ và nhẹ hơn nữa, dù không chắc chắn bằng.

Về nội dung, như bạn đã thấy, chỉ các phóng viên ảnh mới thích dùng Leica. Còn các nhà nhiếp ảnh thời trang thì không. Các bậc thầy về ảnh phong cảnh lại càng không – Ansel Adams chưa bao giờ dùng máy Leica để chụp phong cảnh.

Ống kính của Leica ư? Chưa chắc đã so được Carl Zeiss ở một số tiêu cự và khẩu độ. (Nhưng ít ra vẫn chắc chắn hơn, cầm ‘sướng tay’ hơn,…)

Đối với nhiếp ảnh, độ nét không phải là tất cả, nhất là khi bạn chụp trên phim.

Cá nhân tôi cho rằng, Leica cũng như Apple. Họ có triết lý riêng của họ. Giá cao, nhưng khách hàng vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua. Nó là một thứ văn hóa.

Một chiếc máy Leica sản xuất từ nửa thế kỷ trước khi tôi ra đời sẽ vẫn hoạt động tốt nửa thế kỷ sau khi tôi chết. Khi mua một chiếc máy Leica, bạn sẽ không nghĩ tới chuyện bán đi để nâng cấp. Bạn hiểu rằng chiếc máy ấy là một người đồng hành, là một phần trong cuộc sống của bạn. Nó không chỉ là một công cụ thông thường.

Leica vẫn giữ qui trình sản xuất thủ công rất tỉ mỉ. Họ muốn mỗi chiếc máy và ống kính đều là một tác phẩm nghệ thuật.

Thêm nữa, chế độ bảo hành của họ rất tốt. Trong 3 tháng đầu (hy vọng tôi nhớ đúng), bạn có thể đem đến bảo hành vì bất kỳ hỏng hóc nào, họ sẽ sửa, không hỏi một câu (ít nhất họ hứa vậy).

Vì thế, Leica rất đắt!

Tóm lại, Leica rất tuyệt, nhưng đó không phải là lựa chọn duy nhất. Và nếu ai đó cứ suốt ngày ba hoa về lịch sử hào hùng của Leica, về những bức ảnh không thể chụp được nếu không có Leica,… thì, bạn nên tin tôi, gã đó là một gã thiếu thông tin – hoặc là nhân viên tiếp thị của Leica!

Nguồn tin: akarivn.wordpress.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 57 trong 14 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 4.1/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close