1. Làm việc với những người chuyên nghiệp
Món ăn được trình bày đẹp và hợp lý làm tăng sức hấp dẫn cho ảnh. |
Để có được ảnh đẹp thì tất nhiên nội dung của ảnh cũng phải đẹp rồi. Hãy tìm những người mà bạn biết có khiếu nấu ăn chẳng hạn như mấy người bạn học chuyên về ẩm thực, một chuyên gia trang trí món ăn hay bố của một người bạn có vài món ngon tuyệt cú mèo. Họ sẽ giúp bạn tạo ra một bức ảnh đẹp vì vốn món ăn đẹp sẵn rồi. Trong nhiếp ảnh về ẩm thực, không chỉ cần có đồ ăn ngon mà đôi khi những yếu tố nhỏ nhắn xinh xinh trang trí cho món ăn sẽ làm tăng sức hấp dẫn của tấm ảnh. Này, nếu bạn không tìm được bất kì ai trong số những người ấy? Không sao, hãy tự đãi bản thân mình một bữa ăn sớm tại một nhà hàng nào đấy (trước khi mặt trời lặn và mọi người cũng kéo nhau đến ăn tối). Hãy chọn một vị trí ngồi ngay sát cửa sổ hay gần cửa ra vào. Sắp đặt bất cứ thứ gì bạn cảm thấy có liên quan lên bàn rồi gọi một vài món ăn đầy màu sắc hoặc được trang trí hoành tráng. Như vậy là bạn chuẩn bị có mấy tấm ảnh đẹp rồi nhá!
2. Chụp góc cao
Ảnh chụp góc tương đối cao nhưng chưa cao hẳn, cho hiệu ứng tương đối đẹp. |
Với một số loại đĩa ăn thì việc chụp từ trên cao có thể không ra ảnh đẹp. Nhưng thường thì chụp góc cao sẽ tạo ra những tấm ảnh có độ tương phản cao và rất đẹp. Bạn sẽ có thể thấy từng luồng ánh sáng phản chiếu lên món ăn hoặc ánh sáng từ cửa sổ hát vào. Đôi khi ảnh cũng sẽ có mấy cái bóng được tạo ra bởi ảnh sáng đầy huyền bí. Đừng chụp góc quá rộng vì khi đó thức ăn trông kém hấp dẫn. Trèo hẳn lên ghế hoặc một vật gì cố định để lấy góc cao. Nếu chụp ở nhà, bạn có thể dùng chân máy để tăng tính ổn định.
3. Chụp nhỉnh hơn tầm mắt nhìn
Chụp góc cao nhỉnh hơn so với mắt nhìn. Món bò kho tại Stucafe, 19 Nguyễn Hữu Huân - Nha Trang, điều kiện studio. |
Tôi thường thích góc chụp này vì nó cho phép phóng tầm nhìn ra xa và tương đối bao quát. Nếu bàn ăn kín món ăn, nhiều vật dụng thì khi chụp góc này, phần background sẽ được xóa mờ một cách đẹp hơn. Điểm chính của góc chụp này là hơi nhỉnh người lên so với tầm mắt nhìn.
4. Chụp kín khung ảnh
Chụp kín khung ảnh, món bắp còi chiên bột. |
5. Gạt bỏ tất cả để tập trung vào tâm điểm
Dĩa rau như hấp dẫn hơn với việc lấy nét rất mỏng vào chiếc lá. |
Thường thì ảnh ẩm thực là phải rõ món ăn, tuy nhiên cũng không cần nhất thiết phải như vậy. Đôi khi tập trung lấy nét vào một điểm nhỏ của món ăn có thể khiến tấm ảnh đẹp ngỡ ngàng. Bạn hãy tìm một góc máy lạ cho phép bạn tập trung lấy nét một cọng hành nhỏ, tạo ra tấm ảnh giống như bạn chỉ muốn nhìn ngắm cọng hành ấy. Hơi khó để tạo ra ảnh đẹp với cách chụp này nhưng nếu bạn chụp nhiều, bạn sẽ tìm ra sự thú vị trong từng tấm ảnh, từng góc độ.
6. Lấy nét vào phần trên của món ăn
Lấy nét vào phần trên của món ăn và bao quát một phần bàn ăn. |
Một số tấm ảnh ẩm thực chỉ tập trung lấy nét vào phần trên của món ăn, tạo ra chiều sâu cho cả bức ảnh. Góc chụp cũng không nên quá cao hoặc quá thấp, tốt nhất là hơi ngang so với tầm mắt nhìn. Chụp góc này giúp bạn lấy được các chi tiết trên bề mặt bàn ăn, thay vì chỉ thấy đĩa và thức ăn nếu chụp thẳng từ trên cao. Nhớ là lấy nét đúng vào phần trên của món ăn để tránh ảnh bị loãng bởi các yếu tố khác. Không có gì tệ hơn khi bạn tưởng bạn đã chụp được một tấm ảnh tuyệt đẹp nhưng khi mang vào máy tính xem kỹ mới thấy hoá ra bạn lấy nét nhầm vào…cái đĩa.
7. Chụp góc thấp
Chụp góc thấp và lấy nét vào khay đá tạo ra nét độc đáo cho tấm ảnh. |
Khi bạn chụp ảnh ở góc thấp, thường là thấp hơn một chút so với tầm mắt nhìn. Điều này giúp ảnh của bạn có bố cục xa gần tốt hơn, chủ thể được lấy nét còn background thì mờ đi. Nếu thức ăn được bày trí theo một hàng thẳng thì càng tạo thêm chiều sâu cho tấm ảnh. Để chụp đẹp ở những góc thấp, bạn cần một ống kính có khẩu độ lớn và tiêu cự hợp lý chẳng hạn như 50mm f1.4 USM. Với khẩu độ lớn có thể đến 1.4, bức ảnh sẽ cực kỳ ấn tượng, bạn cũng nên chọn khẩu độ sao cho hợp lý vì việc xóa phông đôi khi có thể làm ảnh trông giả hơn. Chụp sao cho món ăn và đĩa đựng vẫn còn đủ nét nhé.
8. Chụp ảnh trong quá trình nhâm nhi
Hãy tưởng tượng món "Bánh xe cầu hôn" này sau khi ăn xong sẽ như thế nào nhỉ? |
Chụp ảnh ẩm thực không những chụp các tấm ảnh “trọn vẹn” mà đôi khi biến tấu đi một chút sẽ thú vị hơn. Một miếng bánh bị mất một nửa hay một chiếc đùi gà đang bị xé phây từng miếng nhỏ làm tăng độ hấp dẫn của các tấm ảnh. Đồ ăn được tạo ra để ăn và chúng ta có thể chụp sự thay đổi theo từng giai đoạn nhâm nhi. Vì vậy, trước khi ăn hãy chụp một tấm. Sau đó ăn bớt đi một ít, lại chụp. Sau đó ăn sao chỉ còn vài mẩu nhỏ đầy hấp dẫn, lại chụp. Cứ thế, bạn tạo ra một câu chuyện ăn uống thú vị.
9. Chụp nguyên liệu và quá trình chế biến món ăn
Tấm ảnh này rất đẹp vì nó thể hiện được các yếu tố vô cùng hài hòa. |
Nếu bạn được phép vào khu vực bếp của nhà hàng, hoặc đôi khi bạn hứng chí muốn tự mở một show ẩm thực cho riêng mình tại nhà riêng, bạn hãy tranh thủ chụp lại những nguyên liệu và cách chế biến. Có thể là gian bếp ngổn ngang đĩa, gia vị và thịt sống. Hãy chụp lại chính bạn đáng yêu thế nào trong bộ tạp dề hay múa may với nồi niu xoong chảo. Mọi người đều muốn biết làm thế nào một món ăn ngon được làm ra, sự công phu của nó. Hãy lưu ý là các chương trình về ẩm thực luôn hút khách theo dõi, vì vậy ảnh của chính bạn làm đều bếp cũng sẽ khiến bạn bè thích thú.
10. Học cách sử dụng ánh sáng tự nhiên
Ánh sáng tự nhiên hắt vào món ăn làm tăng thêm phần hấp dẫn. |
Có rất nhiều cách để đánh ánh sáng hắt vào món ăn nhưng những nhiếp ảnh gia ẩm thực chuyên nghiệp từ các tạp chí luôn khuyên bạn: hãy sử dụng ánh sáng tự nhiên, đặc biệt là ánh sáng hắt ra từ cửa sổ. Bạn có thể chụp được một tấm ảnh với độ tương phản không quá gắt, mịn màng, cho cảm giác ánh sáng dịu nhẹ và tự nhiên.
Ý kiến bạn đọc