SỰ PHÁT MINH RA ĐÈN CHỚP ĐIỆN TỬ
Sự phát minh ra đèn chớp điện tử, một dụng cụ tạo ra sự phóng thích cấp thời một tia điện trong một ống khí nén, được dành cho hai anh em nhà phát minh người Pháp : Laurent và Augustin Séguin. Năm 1925, họ đã trình bày kỹ thuật Stroborama ứng dụng cho nhiếp ảnh và cho phép hoạt nghiệm (Strobocopie) : Kỹ thuật bắt đứng hình ảnh của một động cơ đang vận hành bằng những ánh chớp nhanh được lặp lại nhiều lần trong một chu kỳ nhất định.Những loại khí mà họ đã sử dụng cho kỹ thuật này là những khí hiếm : Khí Krypton cho nhiếp ảnh và khí Néon cho phép hoạt nghiệm. Những loại khí này đã cho phép tạo được những tia chớp tồn tại trong một phần triệu giây. Năm 1929, Séguin và Libessart cho ra đời một “ống chớp” (Flash Tube) đạt đến tốc độ một phần tỷ giây : đó là thời gian để bắt đứng những vật thể vỡ ra từ một vụ nổ, văng đi với tốc độ 14Km/giây. Trong những năm 30 của thế kỷ XX, nhà vật lý học người Mỹ Harold Edgerton bắt đầu những cuộc nghiên cứu của ông tại Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Massachussets (MIT : Massachussets Institute of Technology). Ông bắt đầu với những ánh chớp trong tự nhiên, và năm 1931 những ánh chớp trong ống gaz chứa đựng khí Krypton hay hơi Thủy ngân.
Trở lại với nước Pháp, năm 1936 giáo sư Paul Laporte của Đại học Khoa học Nancy đã lần đầu tiên sử dụng khí Xénon trong các cuộc thí nghiệm của ông. Kết quả thử nghiệm của Paul Laporte đã khai sinh ra thế hệ đèn chớp mà đến nay ta vẫn còn đang sử dụng. Xénon là một khí hiếm, về lý tính nó trơ và nặng (Ký hiệu nguyên tử 54). Khi bị ion hóa, Xénon trở thành một chất dẫn điện, giống như một chất dẫn điện kim loại, nó có thể tải được một dòng điện lớn với tốc độ nhanh. Lúc đó nó trở nên nóng sáng (Incandescent), có nhiệt độ gần với nhiệt độ của bề mặt mặt trời. Chiếc đèn chớp điện tử đầu tiên do Paul Laporte phát minh phát ra một nguồn sáng có quang phổ tương tự như quang phổ mặt trời (Solar spectrum), mà nhiệt độ màu được xác định là 5.500o Kelvin.
Ngay sau đó Edgerton đã ứng dụng khí Xénon trong một loạt công trình thí nghiệm của ông. Đầu năm 1937, ông đã cho ra mắt những bức ảnh mang tính thương mại đầu tiên được chụp bằng đèn chớp điện tử, sử dụng khí Xénon. Năm sau đó (1938) ông đã chế tạo ra những chiếc đèn chớp điện tử đầu tiên có điện áp thấp, với những tụ điện có dung lượng lớn. Trong thời gian xảy ra thế chiến thứ 2, hãng Kodak của Mỹ đã tung ra thị trường hiệu đèn Kodatron có công suất lớn dành cho các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Cùng thời gian đó Edgerton, Germeshausen và Grier cũng sản xuất ra những loại đèn chớp điện tử dành cho ngành không ảnh. Riêng ở Pháp năm 1947, người ta cũng đã bán ra thị trường những chiếc đèn chớp điện tử đầu tiên được sản xuất tại Châu Âu với tên thương mại “Éclatron” mà trong nhiều năm trời, từ này đã được hiểu đồng nghĩa với từ đèn chớp điện tử.
Trong gần một nửa thế kỷ qua, nhờ vào những tiến bộ vượt bực của các ngành kỹ thuật có liên quan, đèn chớp điện tử đã không ngừng được cải tiến. Cho đến ngày nay, đèn chớp điện tử đã đạt đến trình độ tự động hóa và điện toán hóa hoàn toàn. Và người ta đã không hổ thẹn khi gọi chúng là “đèn chớp điện tử thông minh” (Intelligent Flash) hay “đèn chớp điện tử biết tư duy” (Thinking Flash).
SỰ VẬN HÀNH CỦA ĐÈN CHỚP ĐIỆN TỬ
I.-NGUYÊN LÝ VÀ CẤU TẠO CỦA ĐÈN CHỚP ĐIỆN TỬ :
Đèn chớp điện tử gồm có 4 thành phần chính :1. Một nguồn cung cấp điện, tùy theo chủng loại người ta có thể dùng pin, accu hay điện nhà để làm nguồn năng lượng chính cho đèn chớp điện tử.
2. Một tụ điện hay một nhóm tụ điện (Electricity Condenser) để dự trữ nguồn năng lượng điện. Khối lượng điện được dự trữ trong tụ tùy thuộc vào dung lượng của tụ (được tính bằng Microfarads) và điện áp mà chúng được nạp (tính bằng Volts).
3. Một bóng chớp, đúng ra là một ống chớp (Flash tube) được làm bằng thạch anh (Quartz) hay thủy tinh chứa đầy khí Xénon được nén với một áp suất khoảng 100 Torrs (Áp suất của một cột 100 mm thủy ngân). Mỗi đầu ống có một điện cực bằngTungsten. Cực dương của bóng đèn được nối với cực dương của tụ điện. Cực âm của bóng đèn được nối với cực âm của tụ điện. Bóng chớp còn có một điện cực thứ ba, gọi là điện cực mồi.
4. Thiết bị trập để làm cho khí Xénon trở thành chất dẫn điện vào thời điểm chính xác lúc màn trập của máy ảnh được mở ra hoàn toàn. Khi vận hành, thiết bị trập tạo ra một xung điện lớn (từ 2.500 đến 25.000 Volts) đi qua thành bóng chớp, làm ion hóa khí Xénon. Tính bền của khí Xénon lúc ấy bị giảm đột ngột khiến cho nguồn điện chứa đựng trong tụ được phóng thích qua hai điện cực, làm cho khí Xénon bị nóng sáng (Incandescent) và trở thành dạng dịch tương (Plasma). Trong khoảnh khắc phóng điện của tụ, khí Xénon đã được đốt nóng đến gần 6.000oC và trở thành nóng sáng như bề mặt mặt trời, tạo nên một chớp sáng trắng cực mạnh.
II.-BÓNG CHỚP :
Bóng chớp còn được gọi là bóng xả vì thực tế trong bóng chớp xảy ra quá trình phóng thích một dòng điện cao áp trong một khí ion hóa.Bóng chớp được chế tạo ở dạng ống, bằng thủy tinh Borosilicate hoặc bằng thạch anh (Quartz) với nhiều ngoại hình khác nhau : hình chữ U, hình vương miện, hình vòng tròn, hình xoắn ốc (đèn chớp điện tử có công suất lớn) hoặc đơn giản là hình ống dài (đèn chớp điện tử công suất nhỏ). Bóng đèn được bơm đầy khí Xénon, được nén ở áp suất khoảng 100 Torrs. Hai đầu bóng là hai điện cực Tungsten. Cực âm chứa đựng một vật liệu phóng thích điện tử (chất Baryum) có tác dụng trì hoãn quá trình đen hóa trong ruột bóng chớp do hiện tượng bốc hơi của Tungsten. Điện cực mồi được chế tạo bằng nhiều cách khác nhau, tùy theo loại đèn : hoặc bằng cách xi mạ một lớp kim loại trên bề mặt ống chớp, hoặc kéo một sợi kim loại dọc theo bóng chớp, hoặc quấn một sợi kim loại theo chiều xoắn ốc xung quanh bóng chớp.
FLASH TRÊN ĐIỆN THOẠI CHỤP ẢNH:
Hiện tại, điện thoại di động được trang bị hệ thống đèn trợ sáng khá tốt, gồm hai loại là đèn trợ sáng LED và đèn trợ sáng Xenon. Tuy nhiên không phải bất cứ chiếc điện thoại nào cũng được trang bị đèn Flash LED, và tất nhiên chưa chắc chiếc điện thoại chụp ảnh nào được trang bị đèn Flash Xenon cũng chụp ban đêm đẹp hơn chiếc điện thoại chỉ có đèn Flash LED.
Flash Xenon
Đèn Flash LED sử dụng đi-ốt phát sáng để chiếu sáng cho ảnh chụp trong điều kiện thiếu ánh sáng, còn đèn Flash Xenon (tương tự như đèn Flash trên máy ảnh) dùng một ống phóng điện với cấu tạo là một ống thủy tinh được nạp đầy khí Xenon. Nếu so sánh trên 1 đơn vị (bóng), một bóng LED cho cường độ chiếu sáng và cự ly chiếu sáng thấp hơn một bóng Xenon, tuy nhiên mức tiêu thụ điện năng của một bóng LED thấp hơn rất nhiều so với một bóng Xenon. Đèn Flash Xenon còn gây ra thêm một nhược điểm nữa cho ảnh chân dung, đó là hiện tượng mắt đỏ, và chỉ có rất ít máy điện thoại chụp ảnh được trang bị đèn Flash Xenon có chức năng chống mắt đỏ. Đèn Flash LED có thể hỗ trợ quay phim ban đêm, song đèn Flash Xenon không thể làm được điều này. Đôi khi chính khả năng chiếu sáng mạng của đèn Flash Xenon làm cho bức ảnh của bạn bị sáng quá mức, trong khi đèn Flash LED cho ánh sáng dịu hơn nhưng đôi khi ảnh của bạn bị ảnh hưởng bởi màu đèn LED (ngả sang xanh).
Flash LED
Hiện tại, có khá nhiều máy của Sony Ercisson, Nokia, Samsung, LG được trang bị đèn Flash LED (Dual LED Flash) đôi (hai bóng) cho cường độ chiếu sáng mạnh hơn đèn Flash LED đơn. Thậm chí các model C905, K850 của Sony Ericsson còn được trang bị đèn Flash LED ba bóng (song song với đèn Flash Xenon) để hỗ trợ lấy nét và quay phim ban đêm.
Đèn Flash led của Samsung Galaxy Note 10.1
Ngoài ra, để làm nên một tấm ảnh đẹp khi chụp bằng điện thoại di động, bạn cần lưu ý một vài điều. Thứ nhất, số chấm (số pixel) không quan trọng vì con số này chỉ phản ánh độ lớn của ảnh, còn ảnh đẹp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như bộ cảm biến, bộ xử lý, thấu kính máy sử dụng và quan trọng nhất là yếu tố người chụp. Thứ hai bạn nên chọn các máy có hỗ trợ lấy tiêu cự tự động (Auto Focus), các máy này thường được thiết kế phím chụp ảnh hai nấc nhấn, nấc đầu để lấy tiêu cự và nấc thứ hai để chụp ảnh. Thứ ba, bạn cần hiểu rõ khả năng chụp ảnh mà chiếc máy của mình có thể đạt được, cũng như hiểu rõ ưu và nhược điểm và thành thạo các kỹ năng sử dụng chế độ chụp trên máy điện thoại, để có thể có một tấm ảnh ưng ý. Ngoài ra, bạn còn cần hiểu các nguyên tắc cơ bản của nhiếp ảnh, cũng như biết cách tận dụng ánh sáng tự nhiên và chủ động sử dụng đèn trợ sáng, cũng như cần biết kỹ thuật cầm chắc máy (“kỹ thuật bốn ngón” - sử dụng kỹ thuật bốn ngón cầm chắc máy, hai ngón cầm đầu và hai ngón cầm đuôi máy, ngón trỏ của bạn sẽ nằm đúng vị trí nút chụp hình chuyên dụng ), cũng như vệ sinh thường xuyên ống kính máy ảnh của điện thoại.
FLASH TRÊN MÁY ẢNH :
Thông thường, đèn flash của máy ảnh du lịch không đủ mạnh để chụp phong cảnh đêm. Nhưng nhiều người quá lệ thuộc vào đèn flash tích hợp, kết quả là cho ra những bức ảnh nhá nhem thiếu sáng. Trong trường hợp này, nên có chân máy hoặc tìm mặt phẳng đặt máy xuống, dùng chế độ chậm để chụp cho đủ sáng hơn là tìm cách bật đèn
Đèn flash của A3300 IS cho độ chiếu sáng tốt nhất đến khoảng cách 5m.
Một số máy ảnh du lịch tiên tiến có thêm tính năng điều khiển cường độ của đèn flash. Nếu máy ảnh của bạn có chức năng này, tốt nhất nên giảm cường độ đi một chút và bù thêm bằng tốc độ cửa trập chậm lại hoặc độ mở rộng ra, ảnh trông sẽ tự nhiên hơn.
Tuy nhiên, hầu hết các máy ảnh du lịch đều không cho phép người chụp chỉnh flash. Vì thế, việc quyết định dùng đèn hay không tùy thuộc vào bạn nhận thức về cảnh và đối tượng cần chụp. Nếu dùng đèn, hãy áp dụng những cách thức ở trên. Nếu quyết định chọn không dùng đèn và dùng tốc độ chậm, hãy lưu ý tìm một chân đế vững chắc cho máy ảnh để tránh rung.
Flash rời :
Trong nhiếp ảnh, không thể phủ nhận những tác dụng tích cực mà đèn flash rời mang lạiLý do sử dụng flash rời
Bổ sung ánh sáng: Đèn flash rời có khả năng tăng ánh sáng lên gấp 15 lần so với đèn flash con cóc tích hợp trên máy ảnh, khoảng cách hiệu quả có thể cao hơn 4 lần và mức độ bao trùm ánh sáng cũng rộng hơn.
Điều chỉnh được nhiều góc hơn so với một góc cố định ở flash tích hợp: đèn flash rời có khớp gập và khớp xoay nên có thể điều chỉnh được nhiều góc đánh sáng. Khớp gập có thể điều chỉnh từ góc vuông lên đến góc thẳng so với thân đèn. Khớp ngang có thể quay quanh trục theo một vòng tròn (xoay theo chiều kim đồng hồ). Với sự điều chỉnh linh hoạt về xoay gập, đèn flash có thể đánh sáng trực diện, đánh sáng phản xạ dội trần hoặc đánh sáng chéo tùy theo nhu cầu người sử dụng.
Đèn flash rời có thể sử dụng kết hợp với các thiết bị hỗ trợ khác để tăng hiệu quả trong nhiếp ảnh. Ví dụ: gắn thêm diffuser - một thiết bị làm bằng nhựa gắn vào flash có tác dụng khuếch tán và làm dịu ánh sáng.
Đèn flash rời có thể thiết lập chế độ đo sáng tự động, thiết lập đo sáng tùy chỉnh, dùng như một nguồn sáng phụ, đồng bộ với máy ảnh để chụp với tốc độ cao, bù sáng với nhiều mức khác nhau.
Flash ngoài có thể gắn chân đế hoặc đặt vào giá đỡ để rời, dễ dàng điều chỉnh theo ý muốn.
Ngành công nghiệp nhiếp ảnh đang có những sự thay đổi lớn dựa theo hướng đi của thị trường điện thoại cũng như máy tính bảng. Sau khi tích hợp hệ điều hành Android vào máy compact, hàng loạt các sản phẩm khác cũng có màn hình cảm ứng như thiết bị đo sáng và mới đây nhất chính là đèn flash. Metz 52 AF-1 là đèn flash đầu tiên có chân cắm hot-shoe sở hữu màn hình cảm ứng.
SỬ DỤNG FLASH HIỆU QUẢ
Để chụp ảnh với đèn flash đẹp hơn, bạn nên tìm hiểu các chế độ và thiết lập của flash. Nhưng quan trọng là bạn phải hiểu cách đèn flash hoạt động như thế nào, nghĩa là quá trình chụp ảnh với đèn flash xảy ra như thế nào.Sau đây là 9 cách để tránh ảnh bị quá chói hay độ tương phản quá cao khi chụp với đèn flash.
1. Nguồn sáng càng khuếch tán, ánh sáng càng dễ chịu
Chắc hẳn bạn từng được khuyên không nên chụp ảnh khi nắng gắt, hoặc nên đợi lúc mặt trời khuất sau mây. Tương tự như vậy, kết quả sẽ tốt hơn khi bạn dùng kỹ thuật đánh bounce (đánh flash vào tường, trần nhà để dội sáng) hoặc dùng một nắp chụp để tạo ánh sáng tản.
Dùng nắp chụp để khuếch tán ánh sáng.
Những kỹ thuật này đều khai thác quy luật sơ khởi về chiếu sáng: Nguồn sáng rộng thường chiếu lên chủ thể ánh sáng dịu và hấp dẫn hơn. Còn tia sáng hẹp như từ đèn pin hay mặt trời (tuy lớn hơn nhiều so với trái đất, nhưng theo góc độ của máy ảnh thì hẹp hơn) là loại ánh sáng khó chịu làm cho bóng đổ trong ảnh rõ rệt hơn và độ tương phản cao hơn. Nhưng nếu bạn khuếch tán ánh sáng lên một vùng rộng hơn làm nguồn sáng lớn hơn và tản, bạn có thể làm dịu ánh sáng và giảm độ tương phản để ảnh trông tự nhiên hơn. Tìm hiểu và áp dụng quy luật này về ánh sáng, bạn có thể làm thay đổi chất lượng ảnh chụp.
2. Nguồn sáng càng xa càng ít bị hiệu ứng
Điều này rất hiển nhiên, nhưng chúng ta nên ôn lại vài điều cơ bản về khoa học.
Theo định luật vật lý, độ sáng bị giảm bớt với bình phương khoảng cách. Nếu đặt nguồn sáng cách vật cần chụp 3m, chủ thể sẽ chỉ nhận ¼ ánh sáng so với lượng ánh sáng nó nhận được ở khoảng cách 1,5m.
Chủ thể chỉ nhận ¼ ánh sáng khi cách nguồn sáng 3m so với lượng ánh sáng nó nhận được ở khoảng cách 1,5m.
Nói theo thuật ngữ nhiếp ảnh, đó là độ giảm 2 stop (nấc) về giá trị phơi sáng. Nghĩa là bạn có thể hoàn toàn thay đổi ánh sáng lên chủ thể bằng cách dời ngọn đèn đến gần hay xa chủ thể hơn.
3. Đèn flash hầu như không có tác dụng lên hậu cảnh
Đèn flash của máy ảnh không có tác dụng đối với hậu cảnh nếu hậu cảnh ở khá xa chủ thể.
Giả sử bạn đang chụp ảnh ở ngoài trời. Bạn có thể di chuyển nguồn sáng gần hơn hay xa hơn để thay đổi độ phơi sáng tương đối lên chủ thể, nhưng hậu cảnh sẽ có cùng độ phơi sáng nếu mọi yếu tố khác không thay đổi. Bạn có thể tự do thay đổi vị trí của đèn flash và các thiết lập mà không cần phải quan tâm đến những gì xảy ra ở sau chủ thể.
Điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ chiếu sáng được phần hậu cảnh xa bằng đèn flash của máy ảnh.
4. Có thể tiết giảm cường độ flash
Bạn không cần phải lúc nào cũng dùng flash hết cường độ. Dĩ nhiên, máy ảnh của bạn luôn cố phơi sáng ảnh chụp đúng mức khi chớp flash. Nhưng đôi khi máy không thực hiện đúng như vậy, nhất là khi chụp một chủ thể rất gần. Nếu bạn thấy chủ thể bị phơi sáng quá độ, hãy thử giảm cường độ của flash. Hãy tham khảo sách hướng dẫn đi kèm máy ảnh và tìm các thiết lập trên máy ảnh để thực hiện việc này. Nếu không, bạn có thể thử dùng giải pháp “công nghệ thấp” bằng cách phủ một lớp vải mỏng hay tấm giấy trắng lên flash để giảm cường độ ánh sáng.
5. Ánh sáng có màu
Ánh sáng có một màu rõ ràng gắn kết với nó được gọi là nhiệt độ màu (color temperature), được tính bằng độ K (Kelvin). Máy ảnh có tính năng điều chỉnh nhiệt độ màu, gọi là cân bằng trắng (white balance), và đa số người dùng chúng ta thường để ở chế độ tự động Auto. Nhưng tùy theo máy, bạn có thể chỉnh ở thiết lập nhiệt độ cụ thể nào đó hay chọn chế độ chiếu sáng Sunset (hoàng hôn), Overcast (có mây), Tungsten (bóng đèn dây tóc), Florescent (đèn huỳnh quang) hay Candlelight (đèn nến).
Dưới đây là chỉ số độ K của các thời điểm trong ngày hay môi trường ánh sáng:
• Chạng vạng = 12000
• Bóng râm = 7500
• Có mây = 6500
• Sáng sớm hay chiều tối = 4300
• Bình minh và hoàng hôn = 3000
• Đèn nến = 2000
Nếu thấy ảnh bị ngả màu khi xem trên máy tính, bạn có thể dùng công cụ cân bằng trắng trong trình biên tập hình ảnh để chỉnh sửa.
Sự khác nhau của nhiệt độ K cho màu sắc trong ảnh khác nhau. Ảnh: PCWorld Mỹ.
Trong các ảnh trên, bạn có thể thấy tác dụng cân bằng trắng trong cùng một cảnh. Quả bí bên trái được chụp ở nhiệt độ khoảng 3000K, còn quả bên phải được chụp ở 5500K.
6. Tránh hiện tượng mắt đỏ
Trong điều kiện thiếu sáng, mắt của người được chụp phải dãn rộng ra để giúp nhìn rõ hơn. Khi ánh đèn flash đi qua, ánh sáng được phản chiếu trên võng mạc đỏ của tròng đen mắt, làm mắt bị đốm phát sáng như hiện tượng “mắt quỷ”.
Bạn nên biết lý do có hiện tượng mắt đỏ là vì flash được đặt quá gần ống kính của máy ảnh, ánh sáng chiếu đến mắt và bị phản chiếu lại rồi bị ống kính chụp được. Có vài cách để tránh hiệu ứng mắt đỏ:
• Tránh chụp trong điều kiện tối.
• Có thể tắt flash và dùng ánh sáng xung quanh.
• Để flash xa ống kính.
Đa số người dùng máy ảnh số ống kính rời DSLR thường chọn cách sau cùng. Khi đó, bạn có thể cầm flash rời trên tay, gắn flash lên giá, hay cho flash chiếu dội lên tường hay trần nhà.
7. Flash dạng vòng dùng để chụp cận cảnh
Ảnh chụp chân dung gần có thể bị hỏng vì ánh sáng từ flash chiếu không đều. Và các ảnh chụp cận cảnh (macro) có thể bị cháy sáng và bị bóng trông xấu đi. Giải pháp để khắc phục tình trạng này là dùng một loại đèn flash gọi là ring flash (flash dạng vòng).
Flash dạng vòng là một dụng cụ có nhiều đèn flash bao quanh ống kính thay vì đặt ở phía trên máy ảnh. Các flash này chớp lên cùng lúc, tạo thành một vòng ánh sáng chiếu lên chủ thể từ nhiều phía. Các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp – và dĩ nhiên là dư khả năng về tài chính – thỉnh thoảng mua loại flash dạng vòng tối tân này để dùng với máy ảnh DSLR của họ. Những người dùng Canon có thể chọn loại Macro Ring Lite giá 500 USD để chụp cận cảnh.
Flash dạng vòng Photojojo Ring Flash Adapter. Ảnh: PCWorld Mỹ.
Dĩ nhiên, mức giá 500 USD hay cao hơn là một số tiền khá lớn để mua loại flash mà đôi khi bạn mới dùng đến. Bạn có thể tự làm một đèn flash dạng vòng rẻ tiền với giá chỉ khoảng 10 USD bằng những món đồ gia dụng như chén nhựa, keo dán, băng keo và giấy kim loại. Hay bạn có thể mua một loại như Ring Flash Adapter của Photojojo giá không đắt lắm, chỉ 40 USD.
8. Flash phủ giúp giảm bóng đen
Một số người dùng có thể cho rằng đèn flash chỉ dùng để thay thế ánh sáng mặt trời, nên chỉ dùng flash để chụp vào ban đêm hay trong điều kiện thiếu sáng khác. Nhưng flash đôi khi còn có công dụng hơn thế nữa.
Flash phủ giúp giảm bóng đen - Ảnh: Huy Thắng.
Bạn có thể dùng flash để chiếu phủ vào những vùng tối thường xuất hiện khi chụp ngoài trời dưới ánh sáng mặt trời chói chang. Hãy đặt flash của máy ảnh ở chế độ “Fill” hay “Forced Flash” (trong tiếng Việt thường được gọi là "bồi đèn" hay "đánh bồi"). Trong chế độ này, flash lúc nào cũng sẽ chớp, ngay cả khi có đủ ánh sáng. Bằng cách này, bạn có thể chiếu phủ sáng vào các vùng tối và ngay cả những vùng có độ tương phản trong ảnh chân dung. Hay khi bạn hướng máy ảnh chụp về phía mặt trời, đèn flash chế độ đánh bồi cũng giúp có thể ngăn chủ thể trở nên bị đen do chụp ngược sáng.
9. Chiếu sáng nhiều điểm để chụp chân dung tốt hơn
Một trong những hạn chế của việc dùng một đèn flash của máy ảnh là nó chỉ phát ra một nguồn sáng. Và như vậy sẽ tạo hình ảnh trông không thực và vùng tối nhiều độ tương phản.
Để giải quyết vấn đề này, bạn nên dùng nhiều đèn flash. Việc này cũng rất dễ thực hiện. Hầu hết các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp thường dùng cách chiếu sáng 3 điểm. Một đèn chính chiếu sáng mặt chủ thể, một đèn khác để chiếu phủ vào vùng tối không muốn có và một đèn chiếu sáng ngược để thêm sáng cho cảnh xung quanh.
Bạn có thể dùng phương pháp chiếu sáng 3 điểm bằng cách thêm 1 hay nhiều đèn flash phụ. Flash phụ có một bộ cảm biến để giúp nó tự động chớp khi nó cảm nhận flash chính của máy ảnh chớp lên. Các loại flash này không đắt tiền và dùng được với hầu hết các loại máy ảnh kỹ thuật số. Chúng rất thuận tiện vì bạn có thể đặt flash phụ bất kỳ chỗ nào bạn thích: trên giá flash, chân 3 càng hay thậm chí trên mặt bàn gần đó. Dùng thêm đèn flash, bạn có thể dễ dàng thiết lập nhanh studio của riêng mình.
Ý kiến bạn đọc