1. T* nghĩa là gì?
T* (đọc như tee-star), là viết tắt từ transparent (trong suốt). Zeiss dùng thuật ngữ này để chỉ lớp tráng phủ (coating) ống kính của mình với hàm ý lớp tráng này trong suốt, cho 100% ánh sáng đi qua, vừa giảm các lỗi quang học (như tán xạ, phản chiếu,…) vừa làm ảnh sáng hơn, vừa cho màu trung thực hơn và tương phản cao hơn.2. Chất lượng quang học của ống kính T*
Nhìn chung, các tay chơi máy lâu năm trên các diễn đàn hoặc blog cá nhân đều đồng tình rằng Zeiss cho tông màu ấm hơn Canon và Nikon, thiên về sắc đỏ-hồng-tím. RENDERING/DRAWING (tôi không dịch sang tiếng Việt hai thuật ngữ này) của ống kính Zeiss nói riêng và ống kính Đức nói chung được đánh giá cao, thường tạo chiều sâu không gian hơn so với ống kính của Nhật Bản (tuy nhiên, vấn đề này thuộc về sở thích nên mỗi người sẽ có đánh giá khác nhau).Ống kính Zeiss 2.8/21 T* được thừa nhận là nét nhất trong tiêu cự của nó (khoảng 20-24mm) và vượt xa cả ống kính Leica R tương đương. Nó được đánh giá là ngang tầm với ống kính 3,4/21 ASPH cho máy Leica M (nên nhớ rằng ống kính góc rộng của hệ máy rangefinder tốt hơn rất nhiều so với ống góc rộng của hệ SLR).
Một vài ống kính mới cũng được đánh giá rất cao về mọi mặt, chẳng hạn như 2/100 T* Macro (vừa có khẩu lớn, nét hơn cả đối thủ từ Leica và rẻ hơn nhiều).
Bokeh của Zeiss được đánh giá rất cao. Chúng ta sẽ thường gặp cụm từ “creaming bekeh” trên các diễn đàn bàn về T*. Nhưng bokeh luôn luôn là sở thích cá nhân nên không thể nói tất cả mọi người đều hài lòng với Carl Zeiss ở khoản này.
Tuy nhiên, Carl Zeiss chưa bao giờ đứng đầu về độ nét của ống kính. Rất nhiều ống kính Zeiss T* thua đối thủ cùng tiêu cự của Canon hay Nikon về độ nét. Nhưng những người quan tâm tới việc chụp ảnh (thay vì chơi thiết bị) đều hiểu rằng độ nét chưa bao giờ là yếu tố quan trọng nhất trong nhiếp ảnh.
3. Chất lượng vỏ (build)
Ống kính T* hiện nay do hãng Cosina của Nhật lắp ráp theo thiết kế của Carl Zeiss. Chất lượng vỏ được đánh giá là gần như ngang ngửa với Leica và vượt xa Canon, Nikon, Pentax, Sony,… Các chữ số và ký hiệu được khắc chìm lên thân ống kính, không sợ bị tróc sơn như sản phẩm của nhiều hãng khác.Ống T* ngàm ZE (cho Canon) được cho là chắc chắn hơn so với sản phẩm cùng loại ngàm ZF, ZK và tương đương với ngàm ZF.2. Ngàm ZF.2 vừa có chip điện tử để chỉnh khẩu độ trên thân máy (có thể tăng giảm từng 1/3 khẩu) vừa có vòng khẩu độ trên thân ống kính, rất tiện lợi cho người thích quay phim.
Một vài nghệ sĩ có tiếng trên internet, nhất là Ken Rockwell, cho rằng ống kính T* đời mới hoạt động không tốt trong điều kiện thời tiết giá lạnh vì vòng lấy nét làm bằng kim loại, rất khó điều khiển bằng tay trần khi nhiệt độ quá thấp (dưới 0 độ C) – nhưng có ai đảm bảo rằng chip điện tử hoạt động tốt để lấy nét chính xác trong những điều kiện như vậy?
4. Khiếm khuyết của Zeiss T* mới
Không có cái gì là hoàn hảo, kể cả ống kính Zeiss T*. Một số thử nghiệm chỉ ra rằng độ tương phản cao của ống kính T* trong vài trường hợp làm cho ảnh bị mất chi tiết nhưng về cơ bản, đây vẫn là một thế mạnh của Zeiss, nhất là trong điều kiện ánh sáng yếu hay khung cảnh có độ tương phản thấp.Hầu như mọi ống kính của Carl Zeiss hiện nay đều có hiện tượng field curvature. Hiện tượng này rất dễ phát hiện khi mở khẩu lớn và chụp mặt phẳng như bức tường, phần tường ở tâm ảnh nét thì phần ở rìa ảnh mờ, phần ở rìa nét thì tâm lại mờ. Nhưng các tay máy chuyên nghiệp thường có những cách để tận dụng nó này để tăng độ nét cho bức ảnh. Cách hạn chế rất đơn giả: khép khẩu.
Cũng phải nói thêm rằng đây là một hiện tượng rất phổ biến. TẤT CẢ ống kính 50mm đều có field curvature (kể cả Leica), chỉ khác nhau ở dạng cong của trường nét mà thôi (có ống kính “cong” về phía trước, cũng có ống kính lại “cong” kiểu lượn sóng).
Ống normal và tele T* hiện nay cũng gặp lỗi focus shift. Giả sử ta mở ống kính 1.4/85 hết khẩu (f/1.4) và lấy nét tại đó rồi khép xuống f/4 chẳng hạn thì trường ảnh sẽ tăng lên đáng kinh ngạc (ví dụ trường nét từ 1m tăng lên thành gần 100m) – tham khảo thêm tại blog Lloyd Chambers (chuyên gia hàng đầu về T* hiện nay).
Cách khắc phục cũng đơn giản: chụp ở khẩu nào thì mở sẵn khẩu đó và lấy nét tại đấy luôn. Ví dụ, muốn chụp ở khẩu 4 thì khép luôn 4 rồi chụp chứ đừng mở 1.4 (hơi khó chịu khi ánh sáng yếu vì mọi người sẽ muốn mở hết khẩu để viewfinder sáng hơn).
Những người thích chụp phong cảnh có thể sẽ muốn phàn nàn về hiện tượng vignette (tối ở bốn góc ảnh) của ống kính T* hiện nay nhưng những người chụp đời sống (trong đó có tôi) lại rất thích hiện tượng này. Rất may là các phần mềm xử lý ảnh hiện nay hầu hết đều đã có tính năng sửa vignette theo profile thiết lập sẵn cho từng ống kính nên đây cũng không còn là vấn đề. Tương tự với một số lỗi quang học khác như “viền tím” hay “color bokeh”.
Lấy nét cũng là một vấn đề lớn với ống kính T* mới vì tất cả đều báo nét không thực sự chuẩn xác (kể cả Canon, Nikon và Pentax). Điều này do chính Lloyd Chambers thử nghiệm và khẳng định. Cách khắc phục là mua thêm focus screen, lắp kính phóng đại cho viewfinder và tất nhiên là tập lấy nét tay.
Trong mọi trường hợp, LiveView là giải pháp tốt nhất để lấy nét với ống kính T*.
5. Tại sao lại chỉ có ống MF mà không có AF cho Canon, Nikon, Pentax?
Vì Sony và Zeiss ký thỏa thuận với nhau và vì Zeiss không ký được thỏa thuận với các hãng kia. Nếu muốn đưa motor lấy nét tự động vào, Zeiss sẽ phải làm cái việc được gọi là reverse engineering, tức là mày mò xem máy ảnh Canon/Nikon lấy nét ra sao rồi mới thiết kế hệ thống lấy nét cho ống kính. Điều này tất nhiên là tốn kém cả thời gian lẫn tiền bạc mà hiệu quả thì hạn chế.Nhưng lấy nét tay có lợi thế của riêng nó và bởi vậy, dòng ống kính này được dân quay phim ưa chuộng hơn hẳn ống kính tự động. Lý do sẽ được trình bày ngay dưới đây.
6. Tại sao Zeiss T* phù hợp để quay phim?
Ảnh động với ảnh tĩnh là rất khác nhau. Khi xem phim, chúng ta thường gặp những cảnh quay thay đổi điểm lấy nét (ví dụ, cảnh các nhân vật đang ngồi nói chuyện thì điện thoại reo – ban đầu máy quay lấy nét ở các nhân vật, sau đó chuyển dần nét sang chiếc điện thoại ở xa). Nghe thì quá dễ: xoay cái vòng lấy nét là xong chứ gì ! Rất tiếc là đời không đơn giản vậy.Ống kính nói chung có một bệnh gọi là BREATHING (dịch nôm na là “thở”). Hiện tượng này có thể mô tả đơn giản như sau: khi ta thay đổi điểm lấy nét thì TIÊU CỰ của ống kính thay đổi theo. Có thể tìm được rất nhiều ví dụ minh họa trên YouTube qua từ khóa “lens breathing”.
Trong ảnh tĩnh thì breathing chẳng có ảnh hưởng gì (có ai thấy được đâu). Nhưng trong ảnh động thì khác: hãy tưởng tượng là đang xem phim mà tự dưng khung hình cứ zoom ra zoom vào thì khó chịu tới mức nào. Ống kính của Zeiss hơn hẳn sản phẩm của Canon, Nikon ở khoản này.
Ngoài ra, vòng lấy nét của Zeiss được thiết kế tốt hơn rất nhiều. Cộng thêm các thiết bị hỗ trợ thì người quay phim có thể chuyển nét cực kỳ mượt và chính xác. Ống kính máy ảnh tự động thông thường không thể nào so được.
Tiếp theo – và không kém phần quan trọng – là Zeiss cân chỉnh toàn bộ dòng lens của mình để cho ra màu sắc gần như tương đồng 100%. Điều này cũng rất đáng kể trong quay phim. (Hãy tưởng tượng tiếp: Nhìn một chùm ảnh mỗi tấm một tông màu hẳn là khá khó chịu rồi. Xem phim mà mỗi cảnh một tông thì còn ngứa mắt hơn nữa.)
Cũng chính việc phải cân chỉnh cho các ống giống nhau như vậy mà chi phí sản xuất tăng thêm nhiều (cần máy móc xịn và có các công đoạn kiểm tra thủ công).
7. Ống T* nào đáng mua?
Tất cả đều đáng mua nhưng nên lựa chọn tiêu cự và khẩu độ phù hợp với mục đích sử dụng.Distagon 3.5/18: Nhanh hơn nửa khẩu so với đời cũ (ngàm C/Y), chất lượng được cải thiện nhiều, mắc bệnh chung của ống góc rộng là lóa và viền tím nếu mở hết khẩu, là ống rộng nhất của Zeiss hiện nay và chắc chắn vẫn là lựa chọn số một nếu muốn rộng hơn 20mm (Zeiss có thiết kế ống 2.8/15 và có thể sẽ ra trong một vài năm tới nhưng giá của nó thì…). Nhược điểm là hơi to (phi 82), như vậy thì không dùng chung filter với các lens khác được. Phù hợp nhất cho thể loại phong cảnh.
Distagon 2.8/21: Vô đối về độ nét và màu sắc, tất nhiên là nên khép khẩu để đạt chất lượng tối đa. Phi 72 nên dùng chung được filter với vài lens khác. Điểm dở là tiêu cự hơi lỡ cỡ một chút nhưng đây luôn luôn là một siêu sao trong làng ống kính, không phải nghi ngờ. Phù hợp nhất cho ảnh phong cảnh.
Distagon 2.8/25: Nét kém nhất trong dòng T*, field curvature nặng nhất và vignette tệ nhất, nhưng bù lại thì rất nhẹ nhàng gọn gàng, có thể lấy nét rất gần (7cm). Có thể dùng cho mọi thể loại ảnh, trừ macro, nhưng đòi hỏi khả năng sáng tạo cao ở người sử dụng.
Distagon 2/25: Khi tôi bổ sung những dòng này vào bài thì chiếc ống kính bị trì hoãn gần 2 năm trời đã có mặt trong các cửa hàng và nếu bỏ qua vấn đề lấy nét thì nó đang là chiếc ống kính 25mm tốt nhất cho một chiếc máy DSLR mà chúng ta có thể có được.
Distagon 2/28: Đây là tiêu cự tiêu chuẩn của ảnh báo chí – đời sống trước khi có những ống kính 24mm khẩu lớn như 24/1.4L của Canon. Khẩu lớn, lấy nét dễ, chất lượng hơn xa 2.8/25 (về độ nét là chính). Bệnh field curvature cũng khá nặng nên phải cẩn thận khi dùng. Phù hợp cho mọi thể loại, trừ macro.
Distagon 2/35: Tiếp tục là một ống nhỏ gọn, nét ơi là nét và giá không quá “chát”. Cái hay (và dở) của ống này là nó ở giữa giữa về mọi mặt: tiêu cự vừa vừa, méo vừa vừa, vignette vừa vừa,… Phù hợp cho mọi thể loại, trừ macro.
Distagon 1.4/35: ”Goliath” của dòng T* hiện nay. Chất lượng tuyệt hảo ngay cả khi mở hết khẩu – nói ngắn gọn là đắt xắt ra miếng. Nhược điểm là hơi to và nặng (và đắt, đương nhiên). Phù hợp cho mọi thể loại, trừ macro.
Planar 1.4/50: Ống kính tiêu chuẩn. Rẻ nhất. Dễ chụp nhất. Tốt trên cả máy crop lẫn fulframe. Phù hợp cho mọi thể loại, trừ macro.
Makro-Planar 2/50: Đang là ống kính đa dụng nhất của Zeiss. Có thể dùng cho mọi thể loại từ phong cảnh đến macro, từ chân dung studio đến đời thường nhếch nhác. Nhược điểm duy nhất là đắt gấp đôi 1.4/50 và “hoành tráng” quá mức kỳ vọng.
Distagon 1.4/85: Chẳng có hãng nào không làm được ống 85mm tốt cả. Nhưng Zeiss thì làm được một chiếc 85mm xuất sắc. Điểm yếu của nó là bị bệnh focus shift và khó lấy nét chính xác ở f/1.4 (mà một chiếc ống kính không thể lấy nét chính xác thì chắc chắn là không nét rồi). Phù hợp cho mọi thể loại, trừ macro.
Makro-Planar 2/100: Huyền thoại mới. Chuyên gia Lloyd Chambers nói đây là chiếc ống kính 100mm tốt nhất mọi thời đại cho đến lúc này. Phù hợp cho mọi thể loại với độ nét và tương phản đáng kinh ngạc ở mọi khẩu độ.
8. Zeiss sẽ ra thêm ống gì?
Có lẽ sẽ không có ống kính zoom như thời ngàm C/Y. Một số ống kính có thể sẽ xuất hiện trong tương lai gần – theo dự đoán và kỳ vọng của tôi – là:
2.8/16 fisheye: Zeiss chưa có ống kính mắt cá nào mới và nhiều khả năng họ sẽ tung ra sản phẩm cạnh tranh với các hãng khác trong phân khúc này.
2.8/15: Phiên bản ngàm C/Y cũ chậm hơn nửa khẩu độ từng được đánh giá rất cao nên có lẽ Zeiss sẽ giới thiệu trong thời gian tới để cạnh tranh với những ống kính như 14mm f/2.8 của Canon. Vấn đề là, theo xu hướng của các bản nâng cấp như Distagon 1.4/35 và Distagon 2/25 thì ống kính mới sẽ rất to, rất nặng và rất đắt. (đã giới thiệu vào tháng 3/2012)
2/85: Một ống kính nhỏ gọn (nên là phi 58) nữa. Hẳn là những người chuyên chụp phong cảnh sẽ thích. Chuyên gia Lloyd Chamber cho rằng sẽ có một ống kính tiêu cự 75mm và suy nghĩ của ông cũng rất có lý vì tiêu cự lạ cũng là một cách để “câu” khách.
2/135: Cũng là một ngôi sao thời C/Y. Thiết kế mới có thể sẽ tạo ra một chiếc ống kính hoàn hảo cho thể loại chân dung. Có người dự đoán sẽ có khẩu độ lớn hơn, cụ thể là f/1.8 nhưng tôi tin rằng Zeiss sẽ giữ truyền thống của mình với dòng T*, tức là họ sẽ không đưa ra các tiêu cự “phi truyền thống” như f/1.8. (đã giới thiệu vào tháng 9/2012)
55/1.0: Đây là kỳ vọng điên rồ nhất của tôi. Zeiss sẽ ra một phiên bản kỷ niệm với khẩu độ f/1.0 để đè bẹp Nikon và Nikon. Ống kính này, nếu xuất hiện, sẽ hầu như không có lỗi quang học (may ra có vignette và chắc chắn có field curvature), siêu nét, cực kỳ tương phản, màu sắc hoàn hảo và dĩ nhiên là đắt kinh hoàng (dù sao vẫn rẻ hơn Leica).
Bổ sung Feb 04, 2013:
Đánh giá hiệu ứng 3D trên các ống kính T* ngàm C/Y:25/2.8 Distagon – Medium
28/2.8 Distagon – Very strong
35/2.8 Distagon – Medium
50/1.7 Planar – Very strong
50/1.4 Planar – Strong
60/2.8 Makro Planar C – Strong at closeups,medium at infinity
85/2.8 Sonnar – Strong
135/2.8 Sonnar – Strong
180/2.8 Sonnar – Strong
200/3.5 Sonnar – Medium
200/4 Sonnar -Low
35-70/3.4 Vario Sonnar – Strong
80-200/4 Vario Sonnar – Strong
Ý kiến bạn đọc