Ống kính góc rộng (wide-angle lens) thường cùng lúc mang lại nhiều điều thú vị cũng như thất vọng đối với người chơi ảnh.

Thế nào là một ống kính góc rộng?

Như chúng ta đã biết, từ một khoảng cách đặt máy như nhau, một ống kính có tiêu cự (focal length) càng ngắn thì góc ảnh càng rộng, nghĩa là càng thu được vào máy ảnh một không gian lớn hơn, ngược lại, tiêu cự càng dài thì không gian thu vào máy càng hẹp. Nhưng ống kính có tiêu cự bao nhiều thì được coi là một ống kính góc rộng?

Tạo ấn tượng với ống góc rộng

Đối với một thân máy toàn khổ (full-frame) có bản phim là 35mm (Xem thêm)- hoặc cảm biến 36×24mm đối với máy ảnh kỹ thuật số, một ống kính tiêu chuẩn có tiêu cự vào khoảng 50mm. 50mm là tiêu cự cho góc ánh giống nhất với khả năng thu nhận không gian hình ảnh của mắt con người. Những ống kính có khả năng mở rộng hơn tầm góc ảnh tiêu chuẩn (tức có tiêu cự nhỏ hơn 50mm) sẽ được coi là ống kính góc rộng. Các ống kính góc rộng cũng được chia làm 3 loại chính: Góc rộng, góc siêu rộng và góc cực siêu rộng. Đó là đối với thân máy toàn khổ. Vậy với thân máy gắn cảm biến cúp nhỏ (APS-C) thì sao? Do gắn cảm biến cúp nhỏ, hình ảnh thu về máy của cùng một tiêu cự sẽ bị hẹp hơn. Bảng sau sẽ cho ta thấy các giá trị tương đương về khái niệm góc rộng khi lắp ống kính vào các loại thân máy khác nhau.

Bảng qui đổi tiêu cự theo các tiêu chí góc rộng của ống kính

Bảng trên cho thấy, một ống kính có cự tiêu cự từ 40mm đến 58mm khi lắp trên thân toàn khổ sẽ được coi là một ống tiêu cự tiêu chuẩn,  trong khi đó, để được gọi là một ống tiêu cự tiêu chuẩn trên thân máy DX (có hệ số 1.5x như của Nikon), ống kính phải đạt tiêu cự khoảng 28mm. Như vậy, khi gắn trên thân toàn khổ, một ống kính có tiêu cự 24-35mm sẽ được coi là một ống góc rộng, còn để được coi là một ống kính có góc rộng trên thân gắn cảm biến cúp nhỏ 1.5x, ống phải có tiêu cự là 16-24mm và trên thân 1.6x là 15-21mm.

Các đặc điểm và cách sử dụng ống kính góc rộng

1. Góc máy (position) và phối cảnh (perspective)

Khi sử dụng ống rộng, góc đặt máy rất quan trọng, ảnh hưởng lớn tới các đường thẳng của chủ thể. Góc đặt máy (so với phương thẳng đứng với mặt đất), ví dụ khi chụp một tòa nhà cao, nếu đặt máy thẳng đứng, chân đế và đỉnh tòa nhà sẽ có hình ảnh bằng nhau, nếu đặt máy chếch lên đỉnh, đỉnh tòa nhà sẽ có kích thước nhỏ hơn trong ảnh), khi chụp với ống góc rộng, do xu hướng khuếch đại các hiệu ứng phối cảnh, người chụp cần để ý nhiều hơn tới phối cảnh của chủ thể để tránh việc chủ thể bị đổ sấp, đổ ngửa không mong muốn, đồng thời chủ động tận dụng đặc điểm này để tạo tính nghệ thuật cho bức ảnh. Người chụp nên thử nghiệm các góc đặt máy khác nhau để tạo ấn tượng cho bức ảnh.

Quá khứ liêu xiêu

2. Độ méo ảnh (distortion)

Các ống góc rộng thường có độ méo hình cao hơn. Đặt máy càng gần chủ thể thì độ méo hình càng tăng, vì vậy, để bức ảnh có giá trị nghệ thuật, khi sử dụng ống góc rộng, người chụp cần tìm hiểu về độ méo hình của ống kính đang sử dụng để kiểm soát tốt độ méo hình, chuyển nhược điểm này thành những ưu điểm có chủ đích trong khuôn hình. Lưu ý: Độ méo hình ở đây đề cập đến độ méo (phình to, lồi ở giữa và các cạnh) không mong muốn và không kiểm soát được chứ không phải có chủ đích trong sản xuất như đối với ống kính mắt cá (fisheye lens).

Cũng do đặc điểm ống góc rộng có xu hướng khuếch đại các chi tiết trong đó có các sai sót cúp hình, độ lệch chéo của các đường nét của chủ thể và các chi tiết sai sót khác do đặt lệch máy ảnh, người chụp cần chú ý hơn tới các chi tiết này khi sử dụng ống kính góc rộng, đặc biệt là các chi tiết ở sát mép ảnh.

3. Có nên cúp hình tất cả mọi cảnh vật?

Một xu hướng khó cưỡng lại khi sử dụng ống góc rộng là người chụp có mong muốn thu vào khuôn hình càng nhiều không gian chủ thể; nói cách khác, người chụp muốn “lấy được tất cả mọi thứ” vào một bức ảnh. Sở dĩ có xu hướng này là do người chụp bị choáng ngợp bởi khả năng mở rộng góc ảnh của ống kính góc rộng, nhất là khi sử dụng trong các không gian có giới hạn như các tòa nhà hay hang động. Đây là một hạn chế lớn nhất khi sử dụng ống góc rộng.

Mặc dù không có gì sai trong việc sử dụng ống góc rộng để cúp được nhiều không gian hơn nữa vào khuôn hình, ống góc rộng không phải được dùng chủ yếu để “lấy được nhiều hơn”. Nếu muốn chụp được nhiều không gian hơn với một ống kính bất kỳ, ống tiêu chuẩn 50mm chẳng hạn, bạn chỉ cần lùi xa chủ thể hơn nữa cũng sẽ thu vào khuôn hình được toàn bộ không gian mong muốn. Hơn nữa, do tỷ lệ in ảnh thường nhỏ, khi cố gắng cúp hình toàn bộ cảnh vật, các chi tiết trong ảnh sẽ trở nên nhỏ tí xíu và không tạo nét đặc biệt cho bức ảnh.

Cúp hình tất cả nhưng không hề ấn tượng

Ống góc rộng thực chất thường được nhiếp ảnh gia sử dụng để có thể chụp gần hơn với các hiệu ứng và bố cục ấn tượng hơn. Điều có thể làm cho nhiều người ngỡ ngàng khi biết được rằng, với ống kính góc rộng lại càng nên tiến gần hơn tới chủ thể đẻ có thể tạo ra những bức ảnh đẹp.

Chủ thể nổi bật trên nền hậu cảnh rộng lớn

Tiến gần hơn tới chủ thể

4. Thể hiện cá nhân

Ống kính góc rộng là công cụ hiệu quả cho việc thể hiện cái riêng tư, cá nhân của nhiếp ảnh gia do các hiệu ứng khuyếch đại phối cảnh. Người chụp ống góc rộng có cơ hội thử nghiệm và thể hiện cách nhìn riêng đối với cảnh vật và chủ thể, một điều hết sức quan trọng để có được những bức ảnh đẹp và độc đáo.

Thử nghiệm với hiệu ứng “chân dài”

Một số hình ảnh với ống kính góc rộng Tokina AF 11-16mm f/2.8 AT-X Pro DX trên thân cúp nhỏ Nikon. Cảnh Đại Nội (Huế).

: