VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Tổng quan máy ảnh, cám biến và các loại ống kinh

Đăng lúc: . Đã xem 7955 - Người đăng bài viết: Trần Ngọc Thu Trang
Chuyên mục : Ống kính (LENS)
Tổng quan máy ảnh, cám biến và các loại ống kinh

Tổng quan máy ảnh, cám biến và các loại ống kinh

vuanhiepanh.com Bài viết giới thiệu tổng quan máy ảnh, cảm biến và các loại ống kính hy vọng sẽ giúp các bạn nắm được những kiến thức cơ bản hữu ích cho quá trình tác nghiệp của mình

TỔNG QUAN MÁY ẢNH 

Nhiếp ảnh số đã vượt qua nhiếp ảnh phim và trở nên phổ biến. Những người làm nghề ảnh chụp ảnh dùng phim bất đắc dĩ phải thay đổi thiết bị ghi hình và cập nhật công nghệ số, hoặc "ngồi chơi xơi nước" hoài cổ về thời hoàng kim trong quá khứ. Còn trong thế giới ảnh nghệ thuật, máy ảnh chụp phim vẫn được ưa chuộng. Lời khuyên thật đơn giản: hãy cứ chọn cho mình những công cụ ghi hình cần thiết và phù hợp miễn sao gặt hái thành quả như mong muốn.

Trước đây, một thợ chụp chuyên nghiệp có thể tùy chọn cho mình một chiếc máy ảnh giữa vô số những kiểu máy ảnh chụp phim—phản xạ ống kính đơn (SLR single lens reflexes), ống kính kép (twin lens reflexes), máy dùng khung ngắm trắc viễn (rangefinders), và một số khác, tùy mẫu mã người ta nhìn thấy mà đặt tên cho chúng—khi chọn công cụ cho công việc làm ăn của họ. Hiện nay, cùng với sự xuất hiện của công nghệ và phần mềm kỹ thuật số, hầu hết những người chụp ảnh nghiêm túc và lành nghề đều có thể tin cậy vào khả năng một máy ảnh số phản xạ ống kính đơn, hay còn gọi là D-SLR (digital single-lens reflex).

Một chiếc D-SLR là một công cụ ghi hình quan trọng, như các máy ảnh chuyên chụp phim, cho phép ngắm các đối tượng qua ống kính và ghi lại hình ảnh trên cảm biến. Tiến trình này diễn ra qua một gương lật phản quang và cầu phản xạ ngũ giác đưa hình ảnh đến ống ngắm mà người ta gọi là “nhìn sao chụp vậy” (WYSIWYG - What You See Is What You Get). Thật khó hình dung được, mỗi khi bạn nhấn phím chụp để chụp một bức ảnh, một gương phản xạ nằm giữa ống kính và cảm biến lật lên, màn trập mở ra, và cảm biến được phơi sáng trong một thời gian nhất định. Đồng thời bộ vi xử lý ghi nhận các thông tin hình ảnh đã được cảm biến ghi lên thẻ nhớ. Tốc độ chụp liên tiếp của một số máy ảnh ngày nay rất cao, nhiếp ảnh gia thể thao và báo chí sử dụng, chúng có thể chụp đến 8 - 11 bức ảnh trong một giây và có thể chụp liên tục 160 - 200 ảnh mới đầy bộ nhớ đệm.

Có hai loại máy ảnh D-SLR dành cho tất cả các nhu cầu và mục đích.

  • Trước hết là loại máy ảnh mang dáng dấp truyền thống, cơ bản là được thiết kế dựa trên kiểu máy ảnh chụp phim 35mm (Full Frame) với kích thước bằng khổ tương đương phim 35mm hoặc nhỏ hơn (Crop 1.5x, 1.4x, ...). Những người chụp ảnh vốn thường sử dụng cả hai loại máy ảnh phim chuyên nghiệp khổ trung (medium format) và khổ lớn (large format) đều nhận thấy rằng, trong một số trường hợp, loại D-SLR đời mới có thể mang lại hình ảnh chất lượng tốt hơn so với hình ảnh mà họ có thể có được từ phim. (thuật ngữ “khổ” của một máy ảnh là để nói về kích thước âm bản của máy ảnh chụp phim và kích thước của cảm biến của máy ảnh KTS. Khổ lớn là muốn nói đến những máy ảnh cho ra phim âm bản cỡ 4,5 inch và lớn hơn, trái lại, khổ nhỏ là để chỉ về những máy ảnh khổ 35mm). Những người trước đây sử dụng các máy ảnh phim compact và rangefinder thuộc hàng cao cấp cũng đang bị hấp dẫn với tính chất hữu dụng và chất lượng hình ảnh số do D-SLR mang lại.
  • Loại thứ hai là phần số gắn trên SLR medium format (digital back). Đơn thuần chỉ là bộ phận số gắn trên máy ảnh dùng phim medium format. Một vài nhà sản xuất cho ra những chiếc D-SLR khổ lớn bằng cách sử dụng các cảm biến CCD lớn hơn (medium số). Những loại máy ảnh này có xu hướng được dùng để chụp những bức ảnh đòi hỏi độ phân giải cao, như phong cảnh, thời trang hay ảnh tĩnh vật chẳng hạn.

Khi sở hữu một chiếc máy ảnh, bạn cần hiểu rõ nó, thành thạo sử dụng, và nó sẽ là công cụ phục vụ cho ý muốn của bạn. Luôn nhớ rằng công nghệ mới luôn được cải tiến không ngừng đươc nâng cao. Ngay khi bạn vừa mua một chiếc mẫu mới và làm quen với việc sử dụng nó, thì một mẫu khác mới hơn sẽ có mặt trên thị trường. Vì vậy, hài lòng và khai thác tối đa công cụ hiện có, đầu tư ý tưởng và những dự án ảnh của mình nhiều hơn.

CẢM BIẾN

Cảm biến ảnh bên trong một chiếc máy ảnh số thay thế cho tấm phim. Có hai loại cảm biến chính được sử dụng trên các máy ảnh D-SLR. Đó là CMOS (Complementary Metal Oxide Semiconductor) và CCD (Charge Coupled Device).

Cả hai loại cảm biến có những đặc tính riêng, và chúng có nhiều nét đặc trưng khác nhau có thể cần phải lưu ý khi mua. Ngày nay, các hãng hầu hết chỉ sản xuất máy ảnh cảm biến CMOS. Trước đây, điều này thật quan trọng khi xem xét một số file ảnh chụp thử và xem xét những điểm đặc trưng của đời máy mà bạn có ý định mua.

Khả năng chụp ở điều kiện ánh sáng yếu khi sử dụng độ nhạy ISO cao cũng là điều quan tâm. Một số rất tuyệt vời với ánh sáng tự nhiên bình thường song lại rất tồi khi được sử dụng với độ nhạy ISO cảm biến ở mức cao. Hãy kiểm tra độ “nhiễu” hay “nhiễu hạt” khi ở ISO cao. Hãy nghiên cứu kỹ và chọn một cảm biến phù hợp với thể loại nhiếp ảnh mà bạn quan tâm nhất.

Trong khi, vào thời còn chụp phim, bạn có thể mua máy ảnh rồi sau đó mới quyết định cần mua loại phim nào, thì hiện nay, bạn phải đưa ra quyết định quan trọng đó ngay từ đầu. Chẳng hạn, nếu cảm biến ít sắc nét hơn so với máy ảnh khác, hoặc tính chất đặc trưng về màu sắc không phù hợp sở thích, thì có thể bạn sẽ hối tiếc vì chọn lựa của mình. Một số máy ảnh D-SLR có tích hợp sẵn chức năng làm sắc nét để bù cho các bộ lọc khử răng cưa, nguồn gốc chính của hiện tượng “bị mờ nét”.

Thoạt tiên, có thể bạn không nghĩ rằng kích thước vật lý của cảm biến là một yếu tố cần cân nhắc, mà cho rằng chất lượng của tập tin ảnh mới được coi là yếu tố chủ chốt. Tuy nhiên, cảm biến nhỏ trên một chiếc D-SLR có thể là 25.7mm x 16.7mm, so với một chiếc máy ảnh chụp phim khổ 35mm truyền thống là 24mm x 36mm. Trong trường hợp này, một ống kính 50mm, nếu trên một máy Full Frame được coi là một ống kính tiêu chuẩn, thì hình ảnh crop nhỏ tương đương như máy cảm biến FF gắn một ống kính 75mm.

Như vậy, ống kính 50mm trên máy ảnh DSLR full-frame sẽ có góc thu hình rộng hơn là khi gắn trên máy ảnh DSLR crop sensor. Ống kính 50mm của máy ảnh DSLR full-frame là ống kính normal tiêu chuẩn nhưng khi gắn trên máy ảnh DSLR crop sensor lại là một ống kính góc hẹp hơn, tương đương với một tiêu cự dài hơn. Chẳng hạn ống kính 50mm gắn trên máy ảnh số có bộ cảm biến nhỏ tỷ lệ là 1.6x sẽ là 80mm.

Cảm biến càng lớn, lưu nhận càng nhiều ánh sáng. Kích thước 1.8" còn được gọi là APS-C và có dao động một chút khác biệt như APS-C film có kích thước 25.1 x 16.7 mm, APS-C của Sony là 21.5 x 14.4 mm, Nikon "DX" là 23.7 x 15.7 mm, trong khi Canon thì có khi thì nhỏ hơn khi thì lớn hơn, như 22.2 x 14.8 mm và 28.7 x 19.1 mm. Cảm biến ảnh của máy ảnh DSLR và của máy ảnh Mirroless có kích thước Micro Four Thirds (17 x 13mm), APS-C (24 x 16mm), hoặc Full-Frame (36 x 24 mm). Các máy ảnh du lịch nhỏ hoặc điện thoại có kích thước cảm biến rất nhỏ. 1/2.5" là kích thước phổ thông nhất trong một số máy PnS giá rẻ; với điện thoại, ngoài 1/2.5" còn có 1 / 3.2, 1 / 2.3, 2/3, 1 / 3.2... với 1/2.7 là tương đương 5.37mm x 4.04mm là rất nhỏ dành cho camera điện thoại.

Cảm biến lớn hơn có thể chứa các điểm ảnh có kích thước lớn hơn. Khả năng chụp trong môi trường thiếu sáng tốt hơn. Chẳng hạn một máy ảnh Full Frame và một máy ảnh APS-C có cùng số lượng điểm ảnh là 16MP. Thì điều đó không có nghĩa là chất lượng hình ảnh cũng sẽ tương đương. Trên diện tích FF lớn hơn, các điểm ảnh lớn hơn, ghi nhận nhiều ánh sáng hơn, chất lượng ảnh sẽ tốt hơn.

TÔI CẦN LOẠI ỐNG KÍNH NÀO?

Sau khi sắm máy ảnh là sắm ống kính. Thường một chiếc máy ảnh khi được bán kèm them một ống kính Kit như 18-55mm là ống kính phù hợp cho người bắt đầu. Sau một thời gian sử dụng thành thạo thiết bị, quen thuộc với các cách canh khung sắp xếp bố cục, nhạy bén khoảnh khắc, chụp ảnh có ý tứ... thì bắt đầu định hình nhu cầu chủ để rõ ràng, và phát sinh nhu cầu mua ống kính phù hợp.

Có nhiều loại ống kính với công dụng khác nhau. Để biết được mình nên mua loại nào, bạn cần phải biết mình muốn dùng nó để chụp những gì. Các ống kính có nhiều dạng và kích cỡ - và đều có đặc tính riêng. Điểm quan trọng nhất của một ống kính chính là độ dài tiêu cự, gọi tắt là tiêu cự. Tiêu cự là khoảng cách nằm trên trục tính từ trung tâm quang học của ống kính đến điểm hội tụ trên mặt phim hay cảm biến khi ống kính lấy nét ở vô cực. Tiêu cự ống kính càng dài thì độ khuếch đại hình ảnh càng lớn, kích thước tiêu cự và hình ảnh tỷ lệ thuận. Hình ảnh chụp bằng ống kính tiêu cự 100mm có hình ảnh gấp đôi hình ảnh chụp bằng ống kính 50mm trên cùng máy ảnh.

Một ống kính dùng cho hai loại máy ảnh số có kích thước cảm biến ảnh khác nhau sẽ có cùng độ khuếch đại nhưng khác góc thu hình. Chẳng hạn ống kính 50mm trên máy ảnh DSLR Full-Frame (tương đương kích thước film 35mm) có góc thu hình rộng hơn khi gắn trên máy ảnh DSLR Crop Sensor (tỷ lệ x1.3 hoặc x1.6 với dòng máy DSLR Crop sensor của Canon; Còn Nikon, Pentax, Sony thường là x1.5; hay các dòng máy chuẩn Four Thirds thường là x2). Từ đó, ống kính 50mm trên máy ảnh DSLR Full-Frame là ống tiêu chuẩn normal thì khi gắn trên máy DSLR crop sensor lại là ống kính góc hẹp hơn, tương đương ống kính có tiêu cự dài hơn trên FF. Chẳng hạn ống kính 50mm gắn trên máy ảnh số có cảm biến tỷ lệ x1.5 là 75mm.

Dưới đây là một liệt kê các dòng ống kính khác nhau và một số ứng dụng của chúng.

Có ba loại ống kính cơ bản:

  • góc rộng
  • trung bình (tiêu chuẩn)
  • tê-lê

Một ống kính được phân loại cụ thể dựa trên tiêu cự của nó.

  • 50mm là độ dài tiêu cự truyền thống đối với một ống kính tiêu chuẩn.
  • Dưới 50mm được xem là một ống kính góc rộng.
  • Trên 50mm được cho là ống kính tê-lê.
  • Các ống kính vượt quá 300mm được xem là ống kính siêu tê-lê.

Ống kính trung bình (normal):

Là ống có độ dài tiêu cự tương đương đường chéo khung phim hoặc cảm biến của máy ảnh dùng ống kính này. Chẳng hạn máy ảnh phim 35mm, kích thước khung phim là 24mm x 36mm có đường chéo là 43mm thì tiêu cự trung bình là từ 45mm - 55mm. Nhiều người bảo ống có tiêu cự tầm trung này tương đương góc nhìn của mắt người, phù hợp với nhiều tình huống chụp. Mình thích cách phân biệt trên hơn.

Đặc tính của ống kính trung bình:

  • Góc thu hình khoảng 45°, xấp xỉ góc nhìn phối cảnh như mắt người.
  • Chủ đề giữ đúng tỷ lệ, không bị biến dạng.
  • Đa dụng trong nhiều hoàn cảnh chụp.

 

Ống kính tiêu chuẩn (50mm) cho ra một góc ngắm từ 45 đến 55 độ, tương đương với góc nhìn của mắt thường. Do đó, nó mang lại hình ảnh với dáng vẻ tự nhiên; nó ghi hình các vật thể theo cách gần giống như chúng ta có thể nhìn thấy trên thực tế.

Do loại ống kính này ghi hình các đối tượng giống như chúng ta nhìn thấy, nên chúng mang lại những hình ảnh trông rất “tự nhiên bình thường” và, vì thế, chúng được sử dụng rộng rãi như một ống kính đa mục đích.​

Ống kính góc rộng (wide-angle):

Là ống kính có tiêu cự ngắn hơn và dĩ nhiên góc thu hình rộng hơn ống kính 35mm đối với máy ảnh DSLR Full-Frame. Nói về cái ống 35mm được nhiều người chụp ảnh chuyên nghiệp "xem" là ống tiêu chuẩn (normal) nhưng bản chất nó là ống wide. Loai ống góc rộng này sử dụng trong ảnh đại cảnh, kiến trúc... và đắc dụng khi ghi hình ở hoàn cảnh bị hạn chế góc chật, hoặc người dùng muốn có hiệu ứng góc rộng. Với loại ống góc rộng, chỉ cần thay đổi nhỏ trong góc chụp (vị trí đặt máy) có thể làm một khung ảnh bình thường trở nên độc đáo và ngược lại.

Đặc tính của ống kính góc rộng:

  • Góc thu hình từ 60° - 180°
  • Vùng ảnh rõ (dof) rất sâu
  • Tăng sự nổi bật của chủ đề ở gần trong phối cảnh rộng, ống càng có tiêu cự ngắn, hiệu ứng này càng tăng. Tỷ lệ gần xa rất mạnh tạo tương quan tiền cảnh hậu cảnh độc đáo nếu dùng đúng cách.
  • Đường chéo là phần mạnh nhất trong tầm nhìn góc rộng, kéo hướng nhìn về hộ tụ rất xa. chẳng hạn con hẻm cụt có thể như một ngõ sâu hun hút.
  • Hạn chế các chủ đề hình dạng tròn, mặt người ở gần góc và cạnh khung dễ bị biến dạng.

 

Với một số lượng khá lớn những ống kinh góc rộng tiện dụng thuộc loại có tiêu cự từ 8mm đến 35mm, thì việc chọn lựa thật là kỳ công và có thể gây nhiều bối rối. Cơ bản mà nói, ống kính càng rộng, việc sử dụng nó càng phải chuyên biệt.

Hiệu ứng ống kính góc rộng có thể làm méo hình ảnh và việc sử dụng nó, nếu có, cũng rất hạn chế. Tôi sẽ gợi ý là nên có một ống kính 24mm hoặc 28mm—tiêu cự này phổ biến hơn— để bắt đầu là tốt nhất.

Ống kính góc rộng 35mm thường được dùng như ống kính tiêu chuẩn bởi vì, mặc dầu độ dài tiêu cự có hơi nhỏ hơn ống kính tiêu chuẩn 50mm một chút, nhưng sự khác biệt không lớn. Nó có thể mang lại cho người chụp ưu điểm về độ sâu trường ảnh rất dày, một lợi ích thực sự cho người mới bắt đầu vốn chỉ chụp ở những nơi có không gian hạn chế và muốn có hình ảnh lọt vào vùng lấy nét càng nhiều càng tốt.

Do góc nhìn rộng hơn ống kính tê-lê và ống kính tiêu chuẩn, nên rõ ràng ống kính góc rộng chính là loại được dùng cho những nơi có không gian hạn chế hoặc đối tượng rộng lớn. Chụp ảnh gia đình dịp lễ họp mặt vào lúc có đến hàng chục người thân tề tựu lại với nhau là việc không thể, trừ khi bạn sống trong một ngôi nhà rất rộng—hoặc có một ống kính góc rộng để chụp.

Chụp ảnh phong cảnh cũng là một lĩnh vực mà ống kính góc rộng rất hữu dụng. Việc dùng ống kính góc rộng có thể giúp cho lấy cận cảnh đối tượng chính để làm cho nổi bật lên trong khung hình, trong khi vẫn giữ nét tối đa cho hậu cảnh như ý muốn.​

Ống kính télé ( ống kính tiêu cự dài, ống kính tầm xa):

Là ống kính có độ dài tiêu cự lớn hơn tiêu cự của ống kính normal. Loại ống này cho ta góc nhìn hẹp đến rất hẹp, tức là khuếch đại rất lớn các thành phần nhỏ của chủ đề trong khung ảnh. Vì vậy, ống tele hữu dụng khi cần lấy chi tiết một chủ đề mà ta không thể tiếp cận. Ống có tiêu cự càng dài thì độ khuếch đại hình ảnh càng lớn và khoảng ảnh rõ càng mỏng. Phối cảnh chụp bởi ống kính tele có hiệu ứng "mỏng/ dẹt", các mặt phẳng trong khung sát lại với nhau, có thể tạo bố cục độc đáo nhưng cũng tạo đối tượng ở xa to hơn bình thường như mặt trăng/ mặt trời.

* Đặc tính của ống kính télé:

  • Độ khuếch đại lớn
  • Vùng ảnh rõ mỏng, tách chủ đề với hậu cảnh (xoá phông)
  • Tiêu cự càng lớn, phối cảnh bị dồn ép lại, chiều sâu ảnh giảm
  • Dài và nặng hơn các loại khác


Ống kính Canon 800mm f/5.6 Fixed Super Telephoto IS USM

Chúng ta ai cũng biết ống kính tê-lê tầm dài có thể đưa đối tượng chụp vào ngay giữa bức ảnh; các đối tượng chụp có vẻ ở rất xa khi chụp với ống kính tiêu chuẩn, thì lại có vẻ như nằm cách trước mặt người chụp chỉ vài bước chân khi chụp bằng ống kính tê-lê.

Ống kính tê-lê được sử dụng rất nhiều chứ không phải chỉ để chụp ảnh thể thao. Góc thu hình (tiếp nhận ánh sáng) hẹp và khả năng phóng đại rất lớn giúp cho người chụp thu ngắn khoảng cách giữa họ với điểm chủ đạo của bức ảnh. Ống kính cho phép bạn chụp được cảnh chụp với tỉ lệ nhỏ hơn, vì thế mà đối tượng chụp của bạn không bị mất. Hiệu ứng này làm cho các ống kính tê-lê đặc biệt thích hợp với chụp ảnh phong cảnh khung hẹp khi có ý muốn tách riêng các chi tiết trong một vùng rộng lớn hỗn độn.

Một ống kính tê-lê có độ dài tiêu cự dài hơn thường có độ sâu trường ảnh mỏng hơn ống kính góc rộng, hoặc thậm chí cả ống kính tiêu chuẩn. Tính chất này có thể được dùng để làm mờ hậu cảnh nhằm tạo ra một chủ thể rõ ràng tách biệt khỏi hậu cảnh.

Bạn phải lưu ý đến yếu tố này khi sử dụng ống kính tê-lê để chụp ảnh phong cảnh mà trong đó, càng có nhiều phần của bức ảnh lọt vào vùng lấy nét càng tốt. Việc này thường đòi hỏi tốc độ chụp chậm và khẩu độ nhỏ để tạo trường ảnh dày hơn. Một giá ba chân sẽ là cần thiết nhằm giữ cho máy ảnh hoàn toàn không bị rung lắc.

Một ống kính tê-lê tầm ngắn—90mm, 110mm, hoặc 135mm- là lý tưởng để chụp chân dung. Nó cho phép người chụp duy trì được một khoảng cách thích hợp với chủ thể, trong khi vẫn giúp cho sử dụng độ sâu trường ảnh hạn chế nhằm tránh làm rối loạn hậu cảnh.​

Ống kính zoom (đa tiêu cự) hay Ống Kính tiêu cự cố định (Fixed)

Ống kính thay đổi được tiêu cự. Nếu tiêu cự thay đổi trong khoảng tiêu cự ngắn được gọi là wide-zoom (chẳng hạn ống 14-24mm); nếu thay đổi trong khoảng tiêu cự dài được gọi là tele-zoom (chẳng hạn ống 100-400mm); nếu thay đổi từ tiêu cự ngắn đến tiêu cự dài thì được gọi đơn giản là zoom (chẳng hạn ống 18-200mm).

*Đặc tính của ống kính zoom:

  • Cơ động của nhiều tiêu cự.
  • Có thể chụp zoom in / zoom out
  • Phù hợp với nhiều hoàn cảnh cần phản ứng nhanh


Ống kính Sigma 150-600mm F/5-6.3 DG OS HSM

Do ống kính zoom ngày càng đạt chất lượng tốt, nên chúng trở nên phổ biến hơn. Vài năm trước, một ống kính zoom có thể không chất lượng bằng một ống kính độ dài tiêu cự cố định và được xem là một thay thế rẻ hơn so với việc mua một số ống kính tiêu cự cố định.

Tình trạng đó đã nhanh chóng thay đổi, và một số ống kính zoom sắc nét và nhanh nhạy nhất hiện nay đã có nhiều trên thị trường. Ống kính zoom cho phép người chụp ảnh mang theo ít trang thiết bị hơn, do nó thường có thể thay cho hai, hoặc thậm chí ba, ống kính thông thường. Một ống kính zoom chất lượng cao thường đắt tiền và giá của nó tương đương với hai hoặc ba ống kính tiêu cự cố định.

Nếu phải chọn giữa ống kính tiêu cự cố định và ống kính zoom tiêu cự tùy biến, thì bạn nên chọn loại cố định. Lý do rất đơn giản: Khẩu độ không đổi nhiều trường hợp lợi sáng hơn. Với một ống kính zoom tùy biến, khẩu độ có thể hạ xuống đến hơn một f-stop. Chẳng hạn, nếu bạn zoom từ 28mm đến 135mm và bắt đầu với khẩu độ f/3.5, bạn có thể kết thúc bằng f/5.6. Nhưng ống fixed một tiêu cự thì phải dịch chuyển để có khung ảnh như ý muốn, không thể ngồi một chỗ zoom ra vào.

Ống kính Macro

Các loại ống kính thông thường có khoảng cách lấy nét tối thiểu xấp xỉ gấp 10 -30 lần độ dài tiêu cự. Chẳng hạn ống kính 50mm thì khoảng cách lấy nét gần nhất có thể là 50cm. Nên loại ống kính macro hay micro là ống kính một tiêu cự được thiết kế đặc biệt để có thể lấy nét cực gần và cho hình ảnh cực nét ở cự ly gần. Ống macro thường có tỷ lệ phóng đại 1:1 tức là kích thước vật thể bao nhiêu trong thực tế thì trên bề mặt phim hay cảm biến ảnh cũng có kích thước như vậy.​


Ống kính Macro Nikon 200mm f/4

Ống macro thường được dùng để chụp các loại côn trùng, bò sát, hoa lá nhỏ, các chi tiết nhỏ phục vụ nghiên cứu. Người ta còn gắn thêm các ống nối (tube) để tăng độ khuếch đại, thậm chí gắn qua hệ thống ống nối đặc biệt ống macro với kính hiển vi để chụp vi trùng. Nếu bạn thích thú với việc chụp côn trùng, cận cảnh cỏ cây hoa lá, hoặc bất cứ đối tượng nhỏ bé nào, thì ống kính macro có thể là thứ bạn cần.

Thường tiện dụng với các tiêu cự 35mm, 50 hoặc 60mm, 100, 105mm, và như ống 200mm trong hình là loại quý hiếm; loại ống kính này tương tự với ống kính thông thường ở chỗ chúng có thể lấy nét đến mức không hạn chế, nhưng chúng lại được thiết kế nhằm lấy nét ở những khoảng cách cực kỳ ngắn. Chúng được dùng để chụp cận cảnh.​

Ống kính mắt cá (Fisheye)

Gọi là ống kính mắt cá bởi vì nó cho ra những hình ảnh trông giống như mắt cá, loại ống kính này có góc rộng rất lớn. Nó có thể mang lại một góc nhìn 180 độ và một vòng tròn hay một bức ảnh ‘full-frame’ bị méo lệch đi rất nhiều ở các phần rìa. Do đây là loại hình ảnh duy nhất nó có thể tạo ra, nên rõ ràng là việc sử dụng nó rất hạn chế. Tất cả đường thẳng không đi qua tâm đều bị uốn cong, càng xa tâm càng cong.​


Ống kính Fisheye Nikon 16mm f/2.8

 

Ống kính Tilt-Shift

Ống kính trượt khá đắt tiền, nhưng nếu thích chụp ảnh các toà nhà cao tầng, bạn sẽ tìm thấy sự hữu ích của nó. Là loại ống làm cho các đối tượng trong ảnh bị thu nhỏ lại như chụp mô hình, đồ chơi. Về nguyên tắc, tilt-shift là kĩ thuật dịch chuyển hoặc nghiêng ống kính (chuyên dụng) để tạo ra những bức ảnh mà chủ thể trong ảnh có kích thước trông nhỏ hơn so với thực tế. Từ tilt-shift nhắc đến hai cách dịch chuyển khác nhau: tilt có nghĩa là quay (nghiêng) ống kính và shift là dịch chuyển ống kính song song với mặt phẳng của ảnh. Việc quay ống kính giúp bạn điều khiển được mặt phẳng tiêu diện (plane of focus (PoF)) tạo hiệu ứng chỉ làm rõ một phần của bức ảnh, cụ thể là ảnh chỉ sắc nét ở bề ngang giữa ảnh và bị mờ hai vùng trên và dưới.

Một ống kính tilt-shift cho phép máy ảnh giữ được tư thế thẳng đứng và song song với tòa cao ốc và nhờ vào việc di chuyển các vòng kính phía trước để có thể đưa toàn bộ tòa nhà lọt vào khung hình. Bạn thực hiện thao tác này bằng cách cho phần trước của ống kính trượt lên để gom phần đỉnh tòa nhà vào khung hình mà không cần phải chĩa máy lên. Sử dụng ống kính trượt sẽ ngăn không cho các đường dọc chụm lại trên đỉnh, nhưng vẫn mang lại cảm giác như đang nhìn tòa nhà từ dưới lên.​


Canon lens TS-E 24mm, f/3.5 L II. Bên phải: Canon lens TS-E 17mm, f/4 L

Teleconverters 

Là thiết bị quang học gồm cụm thấu kính gắn vừa với thân máy và ống kính và gia tăng độ dài tiêu cự hiệu quả của ống kính. Đa số ống kính chuyển đổi tầm xa đều xuất xưởng với các phiên bản 1.4x hoặc 2x. Một ống kính phiên bản 2x sẽ chuyển đổi một ống kính 200mm thành 400mm, tuy có làm khẩu độ tối đa bị giảm xuống 2 ‘stop’. Nên phải bù sáng bằng cách cài đặt ở tốc độ chụp chậm hoặc mức ISO cao hơn. Đây là phụ kiện rất hay để mở rộng phạm vi ống kính tê-lê của bạn, nhưng phải bảo đảm bạn mua được ống kính chuyển đổi tốt nhất có thể.


Nguồn tin: camera.com.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 3.2/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close