VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Gương phản xạ trong máy SLR/DSLR - đôi điều cần biết

Đăng lúc: . Đã xem 6811 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Máy ảnh DSLR
Gương phản xạ trong máy SLR/DSLR - đôi điều cần biết

Gương phản xạ trong máy SLR/DSLR - đôi điều cần biết

Gương phản xạ mang đến nhiều ưu điểm cũng như là đi kèm với không ít nhược điểm
Gương phản xạ ( reflex mirror ) là một trong những thành phần quan trọng , cấu tạo nên chiếc máy ảnh SLR - Single Lens Reflex , nghĩa là ngắm phản xạ một ống kính . Như tên gọi của nó , nếu không có chiếc gương phản xạ này , máy ảnh sẽ không còn được gọi là Reflex nữa .

Trong một máy ảnh SLR thông thường , gương phản xạ được đặt nghiêng một góc 45 độ để phản xạ hình ảnh thu được lên màn ngắm . Khi bấm nút chụp , gương phản xạ sẽ được lật lên để ánh sáng đến được film/sensor trước khi màn trập mở ra , bắt đầu quá trình phơi sáng .

Những máy ảnh SLR 35mm đầu tiên hay các máy SLR khổ lớn có gương phản xạ sau khi lật lên sẽ nằm yên tại vị trí mới , chứ không quay trở về vị trí ban đầu ngay lập tức như các máy SLR/DSLR khổ nhỏ hiện đại . Tính năng quay trở về ngay lập tức , tiên phong bởi Asahi Kogaku ( Pentax ) , đã tăng độ tiện dụng của gương phản xạ lên rất nhiều .

Gương phản xạ mang đến nhiều ưu điểm cũng như là đi kèm với không ít nhược điểm .

Ưu điểm của gương phản xạ chủ yếu nằm ở sự thuận tiện , dễ dàng trong thao tác sử dụng . Với gương phản xạ , người chụp có thể xem được chính xác khung hình mình muốn chụp , bao gồm cả vùng ảnh rõ mờ ( DOF ) .

Nhược điểm do gương phản xạ và cái hộc chứa nó ( mirror box ) mang đến rất nhiều . Chúng khiến máy ảnh to và nặng hơn , ống kính cũng bị to và nặng hơn , thiết kế khó khăn hơn mà chất lượng lại kém hơn , do không vào sát mặt film / sensor được . Gương phản xạ phải được đặt đúng vị trí sao cho khoảng cách từ gương phản xạ đến màn ngắm bằng đúng với khoảng cách từ gương phản xạ đến mặt phẳng film/sensor . Chỉ cần sai lệch một chút thì ảnh chụp ra sẽ không giống với ảnh xem trên màn ngắm .
Khi gương phản xạ lật lên trong quá trình phơi sáng , khung ngắm sẽ bị tối đen ( black out ) , không còn quan sát được hình ảnh đang chụp . Thời gian di chuyển của gương phản xạ cũng khiến gia tăng độ trễ từ khi bấm máy đến khi ảnh thực sự được chụp ( shutter lag ) . Cuối cùng nhưng không kém phần nghiêm trọng là chuyển động lật lên của gương phản xạ cùng với va chạm của nó vào thành hộc gương sẽ tạo ra rung động , khiến cho ảnh chụp ra có thể bị mờ .

Những chiếc gương phản xạ đầu tiên gần như phản xạ 100% ánh sáng thu được lên màn ngắm . Khi đo sáng TTL ra đời , người ta khắc những đường mảnh trên mặt gương phản xạ để một ít ( < 10% ) ánh sáng đi qua , đến được cảm biến đo sáng nằm phía sau gương . Khi lấy nét tự động ra đời , gương phản xạ chỉ còn phản xạ 2/3 lượng ánh sáng lên khung ngắm , 1/3 còn lại sẽ được phản xạ vào bộ phận lấy nét . Và khi những máy ảnh gương cố định ( gương mờ ) ra đời , chỉ có 1/3 luọng ánh sáng là đi lên khung ngắm , còn 2/3 lượng còn lại sẽ đi đến film/sensor

Để hạn chế các nhược điểm gây ra bởi gương phản xạ , người ta lần lượt nghiên cứu , phát triển các công nghệ , các tính năng như điều khiển sự lật gương bằng động cơ từ tính - giúp gia tăng tốc độ chuyển động của gương , hệ thống hấp thụ chấn động ( mirror dampening ) , tính năng hãm gương ( mirror brake ) , khoá gương ( mirror lock up ) - tất cả đều nhằm mục đích hạn chế tối đa rung động gây ra bởi gương phản xạ .

Nhìn chung , gương phản xạ cùng hộc gương tạo ra rất nhiều nhược điểm , nhưng do ưu điểm mà nó mang lại rất lớn , lần át tất cả những nhược điểm kia , nên kể từ lúc ra đời đến nay , máy ảnh SLR dần thay thế các loại máy khác trở thành loại máy ảnh phổ biến nhất .

Mặc dù vậy , vào thời điểm hiện tại , các loại máy ảnh mirrorless - không gương - đã và đang mon men lật đổ sự thống trị của các máy ảnh SLR . Liệu điều đó có trở thành hiện thực hay không , chúng ta hãy cùng nhau chờ xem .
Tác giả bài viết:
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 5/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close