VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Đâu là dòng máy ảnh phù hợp với bạn?

Đăng lúc: . Đã xem 8686 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Máy ảnh DSLR
Đâu là dòng máy ảnh phù hợp với bạn?

Đâu là dòng máy ảnh phù hợp với bạn?

Những dòng máy ảnh chuyên nghiệp, đắt tiền chưa chắc đã phù hợp với nhu cầu nhiếp ảnh của bạn. Vì vậy, hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra quyết định.
Một số người cho rằng, bạn không thể chụp ảnh tốt khi trong tay không có lấy một chiếc DSLR. Quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Cũng giống như cho rằng mọi người phải có một chiếc Macbook Pro thì mới có thể chơi game "đỉnh".
Đơn giản vì nó không đúng sự thực, nhất là trong thời đại hiện nay, khi mà các thiết bị số luôn được trang bị những tính năng cao cấp nhất. Thậm chí ngang hàng với các thiết bị chuyên dụng, nhất là trong nhiếp ảnh.
Theo như quan niệm sai lầm trên, đã có rất nhiều người lãng phí một khoản tiền để sắm một chiếc DSLR, trong khi không thể tận dụng hết tính năng hay chất lượng ảnh không xứng với tên tuổi của chúng. Đây là lý do bạn nên xem xét lại lựa chọn của mình.
Bài viết dưới đây được tham khảo từ trang Make Use Of sẽ đưa ra một số ưu, nhược điểm của các thiết bị số có khả năng chụp ảnh hiện nay, dành cho những ai đã lựa chọn sai hoặc còn đang lưỡng lự trong việc lựa chọn dòng máy phù hợp. Từ đó có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn và đưa ra những quyết định đúng đắn khi chọn mua thiết bị nào phục vụ tối ưu cho niềm đam mê nhiếp ảnh của mình.
Smartphone

Nhiếp ảnh chưa bao giờ phổ biến như hiện nay, khi mà các thiết bị smartphone này càng nhiều và chúng luôn được trang bị những tính năng chụp ảnh tiên tiến nhất. Trên thực tế, có rất nhiều những bức ảnh đẹp hay các cuộc thi nhiếp ảnh tầm cỡ quốc tế liên quan đến chính thiết bị này mà không phải các thiết bị chuyên nghiệp như DSLR hay mirrorless.
Điểm mạnh
Sự tiện dụng và giá thành rẻ là ưu điểm lớn nhất của thiết bị này. Hầu như tất cả các smartphone hiện nay đều trang bị camera, không phải 1 mà thậm chí là cả 2 chiếc. Điều đó giúp ích rất lớn cho người dùng trong việc chụp ảnh.
Hơn nữa, các thiết bị này còn tối ưu hóa cho người sử dụng, bạn chỉ cần chạm hay thao tác một vài bước trên thiết bị là có thể cho ra những bức ảnh đẹp mà không cần quan tâm chúng làm như thế nào. Đây là điều mà những người mới làm quen đến nhiếp ảnh rất quan tâm.

Ngoài ra, các hãng thứ ba luôn quan tâm đến thiết bị này khi phát triển rất nhiều các phụ kiện và phần mềm đi kèm phục vụ cho nhiếp ảnh. Vì thế, các nhiếp ảnh gia luôn có một kho tàng các công cụ để thỏa sức sáng tạo và phục vụ cho niềm đam mê.
Điểm hạn chế
Không thể khẳng định rằng, smartphone có thể thay thế hoàn toàn các dòng máy ảnh chuyên nghiệp.  Cho dù có nhiều ưu điểm nhưng smartphone không thể tránh khỏi những thiếu sót. Không thể hoán đổi ống kính là vấn đề lớn nhất. Mặc dù đã có các phụ kiện ống kính rời đi kèm nhưng bạn không thể có tiêu cự zoom đến 400mm hay tính năng chống rung quang học.
Và tất nhiên, smartphone không chỉ sử dụng để chụp ảnh. Do vậy, những tính năng chụp ảnh sẽ chỉ được trang bị một cách cơ bản nhất. Nếu muốn những bức ảnh trở lên chuyên nghiệp hơn hay kiếm tiền với nhiếp ảnh, smartphone sẽ không phải là lựa chọn thích hợp.
Máy ảnh point and shoot

Máy ảnh point and shoot (ngắm và chụp) hay còn gọi là máy ảnh compact, dòng máy này được trang bị ống kính cố định ở trước máy ảnh, có tốc độ màn chập và khẩu độ cố định. Hầu hết các dòng máy này đều là máy kỹ thuật số, bạn chỉ cần ngắm vào vật cần chụp và nhấn nút, mọi việc còn lại chiếc máy sẽ xử lý. Khác với camera trên smartphone, máy ảnh compact có những ưu thế nhất định.
Điểm mạnh
Máy ảnh compact có một ưu điểm rất lớn đó là dễ dàng sử dụng. Chúng được thiết kế đơn giản, ít chức năng, và gần như tự động hoàn toàn mà bạn không phải lo lắng bất cứ điều gì, khá giống với camera trên smartphone. Điều này rất phù hợp cho những người có ít hoặc không có kinh nghiệm chụp ảnh.
Kích thước nhỏ gọn của thiết bị này cũng là một ưu điểm. Bạn có thể bỏ túi chúng dễ dàng và mang nó đi khắp mọi nơi mà không hề cảm thấy vướng víu. Thậm chí nhiều mẫu máy hiện nay còn nhỏ gọn hơn rất nhiều so với smartphone, giúp tăng tính linh động và tiện lợi hơn khi sử dụng.
Là một thiết bị chuyên về chụp ảnh hơn smartphone, dòng máy này cũng bổ sung thêm các tính năng như zoom kỹ thuật số, đèn flash, hệ thống lấy nét tiên tiến cũng như các hiệu ứng chuyên nghiệp hơn. Quan trọng là những bức ảnh cung cấp đạt độ sắc nét và chân thực hơn.

Cuối cùng giá cả của thiết bị này được đánh giá cao hơn hẳn. Nhiều dòng máy hiện nay rẻ hơn rất nhiều so với smartphone, trong khi độ tiện lợi và chất lượng hình ảnh không hề thua kém. Đây được coi là thiết bị rẻ nhất trong thế giới máy ảnh.
Điểm hạn chế
Bởi vì chúng được thiết kế cho những người mới làm quen với nhiếp ảnh, do đó máy ảnh compact không nâng cao được nhiều kinh nghiệm. Nếu bạn muốn tự động, nó sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng nếu bạn muốn kiểm soát sâu hơn các thông số của bức ảnh, thiết bị này sẽ không đáp ứng được.
Ví dụ, ống kính cố định là một hạn chế lớn. Bạn không thể nhận được một chiếc máy vừa có khả năng chụp phong cảnh lẫn tele hay macro. Hơn nữa, máy sử dụng cảm biến nhỏ dẫn đến khả năng chụp thiếu sáng kém, ảnh mờ và độ nhiễu hạt cao.
Cuối cùng, chính vì giá thành rẻ dẫn đến chúng thường được làm từ vật liệu rẻ tiền và trông không hề chuyên nghiệp. Đối với nhiều người quan tâm đến hình thức thì đây là điểm trừ rất lớn.
Máy ảnh Mirrorless

Những "tân binh" thường khá bỡ ngỡ khi nghe thấy dòng máy này. Hiểu đơn giản, đây như một phiên bản thu gọn của những chiếc DSLR với việc loại bỏ cơ chế gương lật bên trong, bạn sẽ ngắm và chụp ảnh thông qua màn hình hiển thị thay vì qua ống ngắm quang học. Do đó, kích thước của dòng máy này nhỏ gọn hơn nhiều. Dòng máy này thường dùng cho những người đã có khá nhiều kinh nghiệm về nhiếp ảnh.
Điểm mạnh
Đầu tiên phải kể đến kích thước nhỏ gọn do loại bỏ cơ chế gương lật của thiết bị này. Thậm chí nhiều mẫu mirrorless khi chưa nắp ống kính chỉ nhỏ ngang với chiếc máy ảnh compact. Nhờ việc loại bỏ này, mọi thao tác hầu như đều sử dụng thông qua màn hình LCD phía sau máy, ngay cả khi ngắm đối tượng, lấy nét và chụp.
Khác với máy ảnh compact, dòng mirrorless cho phép hoán đổi ống kính, giúp tiện lợi hơn trong nhiều thể loại chụp ảnh cũng như nâng cao tối đa chất lượng ảnh chụp. Với thiết bị này, bạn vẫn có thể sử dụng chúng một cách tự động. Tuy nhiên, máy vẫn cho phép thiết lập trực tiếp các thông số chụp  bằng tay, giúp việc chụp ảnh trở lên chuyên nghiệp hơn cũng như kiểm soát thiết bị tốt hơn.

Đây dường như là thiết bị lai giữa dòng máy compact và DSLR, nhỏ gọn và hữu ích cho những nhiếp ảnh gia thường xuyên phải di chuyển hay cho những chuyến du lịch nhưng vẫn đủ chuyên nghiệp để bạn tự do sáng tạo và nâng cao tính nghệ thuật cho bức ảnh.
Điểm hạn chế
Trong khi có kích thước nhỏ gọn và tính di động cao, một số nhiếp ảnh phàn nàn rằng chúng quá nhỏ và không có cảm giác thoải mái khi cầm trên tay. Hơn nữa, nếu so với một chiếc DSLR tương đương, mirrorless có phần hụt hơi khi đem lại chất lượng hình ảnh kém, khả năng lấy nét chậm cũng như tốc độ chụp liên tiếp không cao.
Ngoài ra, dòng mirrorless khá kén chọn ống kính và thường phải thông qua ngàm chuyển nếu muốn dùng nhiều loại ống kính. Tuổi thọ pin của dòng máy này cũng kém hơn DSLR do luôn phải sử dụng màn hình LCD.
Do cao cấp hơn các dòng máy trước, do đó mức giá của thiết bị cũng cao hơn khá nhiều, chưa kể việc phải đầu tư một khoản kha khá cho các ống kính và phụ kiện đi kèm nếu như muốn trở lên chuyên nghiệp hơn.
Máy ảnh DSLR

Nếu muốn trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, chắc chắn bạn phải có cho mình một chiếc DSLR. Nhưng trước tiên, hãy trau dồi kinh nghiệm về nhiếp ảnh. Đây được coi là thiết bị chuyên nghiệp cao cấp nhất trong thế giới máy ảnh số.
Điểm mạnh
Trong số tất cả các tùy chọn máy ảnh kỹ thuật số, dòng máy này cung cấp chất lượng hình ảnh tốt nhất. cũng giống như dòng máy mirrorless, dòng DSLR cũng có khả năng hoán đổi ống kính, nhưng thể loại đa dạng dễ dàng sử dụng hơn.

DSLR gần như đáp ứng mọi nhu cầu chụp ảnh của người dùng với rất nhiều mức giá, tính năng cũng như chất lượng. Thậm chí, ngoài khả năng chụp ảnh, nhiều thiết bị còn hỗ trợ tốt khả năng quay video chất lượng cao mà không hề kém cạnh các thiết bị chuyên dụng.
Điểm hạn chế
Vấn đề lớn nhất ở thiết bị này là độ phức tạp, với rất nhiều nút nhấn, menu và các tính năng, người dùng sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định để làm quen và sử dụng chúng. Đây là lý do tại sao rất nhiều nhiếp ảnh gia mới "vào nghề" từ bỏ ngay khi họ mới bắt đầu.
Kích thước cồng kềnh và trọng lượng cao cũng là một trở ngại cho những ai dấn thân vào "nghề chụp ảnh". Bạn phải trang bị một túi đựng riêng để có thể mang thiết bị này đi, chưa kể ống kính và rất nhiều phụ kiện khác.
Giá cả của thiết bị này cũng là điều đáng phải bận tâm. Chưa tính đến ống kính, một thân máy tốt và phù hợp với nhu cầu chụp cũng đã ngót nghét cả chục triệu đồng. Nhưng ít ai sử dụng DSLR mà chỉ sắm cho mình một loại ống kính, thậm chí nhiều ống kính cao cấp còn có giá gấp 2 đến 3 lần giá của một thân máy.

Quan trọng hơn hết là việc bảo quản dòng máy này. Với nhiệt độ và độ ẩm cao như ở Việt Nam, các thiết bị này thường rất dễ bị ẩm mốc nếu như không biết cách sử dụng và bảo quản. Hơn nữa, việc thay đổi ống kính thường xuyên cũng dẫn đến máy và ống kính bị bụi bẩn, vì vậy việc vệ sinh chúng thường xuyên là điều cần thiết.
Nhìn chung, các dòng máy ảnh kỹ thuật số luôn có những điểm mạnh, yếu riêng. Do đó, việc lựa chọn thiết bị nào phù hợp với khả năng và nhu cầu chụp ảnh của mình là rất quan trọng. Bạn muốn chụp ảnh ở khắp mọi nơi và chỉ để thỏa mãn thú vui, smartphone và má ảnh compact sẽ là lựa chọn hoàn hảo. Mặt khác, nếu muốn theo đuổi nhiếp ảnh chuyên nghiệp như một nghề nghiệp, bạn nên thực sự đầu tư vào một chiếc DSLR thích hợp, hoặc một chiếc mirrorless như một thiết bị đi kèm.
Nhưng quan trọng hơn hết: kỹ năng của một nhiếp ảnh gia không được quyết định bởi thiết bị của mình!. Vì vậy, hãy luôn học tập, trau dồi kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng nhiếp ảnh của mình để có thể làm chủ được thiết bị cũng như thỏa mãn niềm đam mê.
 
Tác giả bài viết:
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 27 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 4.5/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close