VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Phóng viên ảnh Na Sơn: Mỗi bức ảnh là một câu chuyện

Đăng lúc: . Đã xem 5729 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Nhiếp ảnh truyền thông
Phóng viên ảnh Na Sơn: Mỗi bức ảnh là một câu chuyện

Phóng viên ảnh Na Sơn: Mỗi bức ảnh là một câu chuyện

vuanhiepanh.com Nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh Na Sơn không thuộc biên chế của bất cứ tờ báo nào, nhưng anh luôn có mặt ở hầu khắp các nơi đang có những vấn đề xã hội quan tâm.

Na Sơn có phải là tên khai sinh của anh không? Nhiều người thắc mắc cái tên giống Tây quá?
 
- Không, tên khai sinh của tôi nghe cũng bình thường và chắc không gây thắc mắc lắm, nhưng tên Na Son gắn với tôi nhiều đến nỗi bây giờ khi nghe tên thật của mình tôi cứ ngỡ người ta gọi ai đấy.

 Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa
 Phóng viên ảnh Na Sơn đang tác nghiệp

 - Anh tự đặt tên cho mình có ý nghĩa gì ko?
 
- Thực ra là thế này, tôi xuất thân từ dân kinh doanh, học marketing khi chuyển nghề, tôi nghĩ việc tìm một nghệ danh cũng giống như branding một sản phẩm. Ngắn gọn, nghe một lần phải nhớ, và tên tôi là Sơn nên tôi đặt là Na Sơn, đơn giản thế thôi. Kiểu như NA - là viết tắt của Nhiếp Ảnh hay có khi là tên của ... cô nào đấy cũng nên.
 
Đối tượng là bạn đọc
 
Các bạn trong giới nhiếp ảnh và báo chí gọi anh là Phóng viên của những chuyến đi, tôi gọi anh là Người thời sự - nhưng có người gọi anh là Người của những sự kiện nóng. Anh thấy cái nào tương đối đúng với mình? 
 
- Cũng chẳng biết nói thế nào. Những cách gọi đó vừa có cái đúng vừa có cái chưa đúng. Thực ra tôi hay đi, chụp những vấn đề thời sự mà tôi quan tâm và nghĩ rằng bạn đọc sẽ quan tâm hơn là những sự kiện thời sự diễn ra hàng ngày (vấn đề - sự kiện: là sự khác nhau chủ yếu)
 
Anh đi và làm theo đơn đặt hàng hay tự bản thân thấy cần thiết...
 
- Cả hai
 
Hình như anh là phóng viên tự do?
 
- Đúng, tôi là phóng viên ảnh tự do, không bị ràng buộc bởi bất cứ tòa soạn nào, tôi làm phóng viên cho... bạn đọc, và chỉ quan tâm đến bạn đọc.
 
Vấn đề xã hội nào được anh ưu tiên hơn cả cho những chuyến đi?
 
- Những vấn đề có tác động lớn đến đời sống xã hội: Chiến tranh, thiên tai, thảm họa... nhưng có cả những vấn đề của cuộc sống đời thường. 


- Blog của anh có lượng độc giả truy cập hàng ngày rất lớn, Một số bloger gần như mong tin và ảnh về những chuyến đi của anh, và cả ảnh “thương mại nghệ thuật” của anh hàng ngày, chúng tôi thấy anh đưa hình ảnh và thông tin những vấn đề có thể gọi là "nóng" trước cả khi các báo đưa tin và nhận định..., anh có cách nhìn rất nhân văn về con người, đất nước bằng tình yêu và niềm tự hào rất Việt Nam ngay sau khi trở về.
 
Ví dụ như đợt đi Mỹ Lai giữa tháng 3 vừa rồi hay gần nhất là ra đảo Lý Sơn tuần trước, hay những hội hè đình đám khắp mọi miền đất nước. Đưa thông tin lên blog anh sẽ không có tiền nhuận ảnh và nhuận bút sao anh vẫn đưa?
 
- Tôi nghĩ blog cũng là một kênh thông tin. Tính quan trọng và tầm ảnh hưởng của nó chắc không cần phải bàn cãi nhiều. Đối với tôi, làm cho báo hay blog cũng không khác nhau lắm, vì đối tượng nhắm đến đều là bạn đọc, họ cần những hình ảnh, thông tin chính xác và thực tế.




 Ảnh minh họa
 Một người đàn ông Lebanon tức giận vì nhà mình bị rocket của Israel bắn nát đang hôn tấm poster ảnh lãnh tụ phe Hezbollah để bày tỏ thái độ - Beirut 1/8/2006

Chuyên nghiệp 100%
 
Là phóng viên tự do, chi phí cho những chuyến đi không nhỏ. Chúng tôi theo dõi thông tin trên báo, được biết anh không chỉ đến khắp mọi miền đất nước Việt Nam mà còn tự bỏ tiền đi ra nước ngoài làm báo, có cả chuyến đi đến những vùng chiến sự nóng bỏng ở Trung Đông? Anh tìm nguồn đầu tư phục vụ bạn đọc từ đâu?
 
- Tôi là một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp 100%. Nghĩa là thu nhập hoàn toàn dựa vào chụp ảnh. Ngoài mảng ảnh báo chí, tôi còn khá "mát tay" với việc chụp ảnh thương mại, nên có thể gọi là "lấy ngắn nuôi dài".
 
Lấy ngắn nuôi dài... nhưng chi phí cho “dài” quá lớn, mà tiền thu lại từ “dài” lại khiêm tốn? tức là anh đam mê nghề báo?
 
- Cũng không khiêm tốn lắm, cũng có nhiều chuyến đi dài không bị...lỗ. Vì khi đi, ngoài đề tài chính, tôi còn làm một số đề tài phụ khác và chúng giúp tôi cân bằng chi phí. Ví dụ như tôi có thể làm thêm một số phóng sự ảnh về du lịch, về cuộc sống và các đề tài khác để bán cho các tạp chí.  



 Ảnh minh họa
Bãi rác nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) 11/2005
Ảnh minh họa
 Khu giải tỏa đường Phạm Thế Hiển, Q.8, TPHCM

Anh đánh tiếng và các báo sẵn sàng mua ngay sao?
 
- Vâng, tôi đánh tiếng trước cả khi tôi đi ấy chứ. Thường thì tôi lập ra một kế hoạch cho mỗi chuyến đi, những đề tài sẽ làm, những báo, tạp chí nào sẽ dùng chúng.
 
Các báo sẵn sàng mua tin ảnh của anh? Vì tiếng tăm đặc biệt?
 
- Tôi nghĩ là tôi làm tốt, chuyên nghiệp và sự tin tưởng các báo, tạp chí dành cho tôi là có cơ sở.



Rất nhiều tư liệu ảnh và tin có tính chất lịch sử... mà anh thu lượm được ở những nơi anh đến, anh chưa sử dụng hết, anh có định làm một cuốn sách hay một triển lãm ảnh không?
 
- Chắc chắn là có, nhưng phải đợi thờì điểm. Bây giờ người ta làm triển lãm và ra sách ảnh dễ dãi quá. Quan trọng là để làm gì? Triển lãm hay làm sách với tôi không chỉ phục vụ thị trường. Trước tiên mình phải cảm thấy hài lòng và an tâm đã.

 Ảnh minh họa
 Nguyễn Quang Vinh, (Nho Quan, Ninh Bình), 6 tuổi, lần đầu tiên trong đời tập bơi trong sân nhà bị ngập lụt. Lụt lội kéo theo sau cơn bão Lekima ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ được coi là lớn nhất trong vòng 45 năm qua

Sống chết mong manh lắm
 
Anh kể cho tôi nghe một chuyến đi anh thú vị nhất và ấn tượng nhất ở trong nước và nước ngoài được ko?
 
- Có lẽ chuyến đi đáng nhớ nhất của tôi đến giờ vẫn là chuyến đi vào vùng đất Lebanon năm 2006, khi chiến sự đang nổ ra giữa Israel và phe Hezbollah. Hôm đó tôi vào khu phía nam thủ đô Beirut, trong vùng kiểm soát của Hezbollah và là vùng bị oanh kích nặng nề suốt ngày đêm.
 
Anh chàng lái xe địa phương cho biết vừa có 1 vụ oanh kích vào thường dân, có nhiều trẻ em chết. Bọn tôi quyết định đến đó. Đến nơi thì cũng đã có một số phóng viên các hãng đang ở đó, nhưng người của Hezbollah không cho vào và cảnh báo nguy hiểm, vì rất có thể máy bay Israel còn quay lại.  

 Ảnh minh họa
 Sập cầu Cần Thơ 9.2007
Ảnh minh họa
Chị Đỗ Thị Tuyết, nạn nhân sống sót sau vụ Thảm sát Mỹ Lai ngày 16/03/1968 trước tấm bảng đề danh sách người thân trong gia đình mình bị giết hại. (Sơn Mỹ - Quảng Ngãi ngày 16/03/2008)
Ảnh minh họa
Lễ tế vong linh lính Hoàng Sa của dòng tộc họ Phạm, đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi ngày 20 tháng Hai Âm lịch hàng năm để tưởng nhớ những người lính thuộc Hải đội Hoàng Sa từ thời các chúa Nguyễn đi mở đất và cắm mốc chủ quyền của Viẹt nam trên đảo Hoàng sa. (Lý Sơn, Quảng Ngãi tháng 03/2008)

Tôi không chịu bỏ về, nói anh chàng lái xe vòng ra phía sau "đột nhập" vào khu vực ấy. Chúng tôi vào trong thì khói còn bốc ngùn ngụt. Xung quanh im ắng lạ thường, không có một bóng người. Ngay cả những du kích Hezbolah, mọi khi lấp ló đâu đó sau những dãy nhà đổ nát cũng không thấy nữa. Cảm giác lúc đó là hơi rờn rợn.
 
Anh chàng lái xe, tên là Ibrahim nói: "Mình nên rời khỏi đây, tao thấy không bình thường". Tôi cố nán lại chụp vài tấm ảnh những ngôi nhà đổ nát, có một căn phòng chắc của 1 fan hâm mộ đội tuyển Brasil trên tầng 2 bị bắn toang hoác.
 
Bỗng nhiên có tiếng ầm, ì rất to trên đầu, càng lúc càng lớn. Chúng tôi thấy một chiếc máy bay ném bom của Israel lượn ngay trên đầu, chưa bao giờ tôi thấy một chiếc máy bay tiêm kích gần thế. Ibrahim hô to: "Chạy thôi!". Hai chúng tôi tức tốc chạy về xe, lái như điên ra khỏi chỗ đó.
 
Nhưng hình như trong lúc hoảng, anh chàng lái xe đã lạc đường. Dừng xe để định vị lại xem mình đang ở đâu, chúng tôi thấy chỗ chúng tôi dừng cũng đầy tràn không khí im ắng đầy chết chóc.
 
Chiếc máy bay kia vẫn ầm ì trên đầu - chúng tôi bị nghi ngờ và bị "theo". Lúc đó tôi nghĩ, tiêu rồi! nó mà chơi một quả rocket xuống thì 2 cái máy ảnh chắc nát vụn như tương. Tôi trấn tĩnh nói với Ibrahim: "Mày đừng có chạy nữa, nó tưởng mình có vấn đề, nó bắn đấy, cứ đường hoàng lái chậm ra giữa đường, trên nóc xe mình có dán chữ Press và TV, chắc nó không dám "chơi" đâu".
 
(Trên nóc xe của cánh báo chí hoạt động ở Lebanon lúc bấy giờ đều dán chằng chịt những chữ Press, TV rất to màu xanh, đỏ, cam để máy bay Israel biết khỏi bắn nhầm). Miệng nói cứng thế nhưng lúc đó tôi cũng hoảng.
 
Mới hôm trước ở gần Tyre, xe của Chữ thập đỏ còn bị bắn tan xác, cái chữ trên nóc xe chúng tôi ăn thua gì? Chúng tôi lái chầm chậm tìm đường về khu trung tâm, chiếc máy bay ầm ì một lúc rồi đi. Lúc đó người mới bủn rủn ra, biết mình thoát.
 
Sau chuyến đi ấy, anh cảm nhận nghề phóng viên chiến trường chắc rõ hơn?
 
- Vâng, tôi thấy rõ sự nguy hiểm của phóng viên chiến trường và càng phục những bậc đàn anh, những người đã xông pha vào những nơi khốc liệt nhất.
 

 Ảnh minh họa

Tôi cũng nhận ra: ranh giới giữa cái sống và cái chết nhiều khi rất mong manh.
 
Anh là người không chỉ ưa khám phá mà còn ưa những nơi khó khăn và nguy hiểm?
 
- Những nơi ấy chúng... ưa tôi đấy chứ!
 
Thế nơi nào ở trên đất nước mình anh thấy nặng lòng nhất khi đến "thăm"?
 
- Tôi không hiểu rõ lắm từ "nặng lòng" nhưng cảm giác của tôi khi đi làm vụ sập cầu Cần Thơ cũng cực kỳ nặng nề. Sự kiện đó ám ảnh tôi thì đúng hơn. Tôi đặt tên cho phóng sự ảnh của mình là: "Ám ảnh, những mất mát, đau thương bao phủ khắp nơi". Tôi không quá cứng rắn khi chứng kiến những cảnh đó, mà vẫn phải cố dằn xuống để lấy lại cái "tỉnh" để chụp.
 
Tôi cũng có đến đó, chứng kiến tận mặt hình ảnh người chết còn nằm lẫn đống bê tông đang chuẩn bị được đưa lên, tôi hiểu và chia sẻ cảm giác của anh.
 
- Nhiều lúc tôi thấy mình ác độc khi chĩa ống kính ghi lại những khoảnh khắc đau khổ của những người thân của các nạn nhân. Tôi không sợ lúc chụp những đống đổ nát, những xác người, nhưng tôi sợ nhất chụp những ánh mắt người thân họ. Tôi vẫn chụp, vì bạn đọc và xã hội đang quan tâm và cần phải được biết những sự thực xảy ra ở đó.
 

 Ảnh minh họa
Thợ làm than tổ ong ở khu vực cảng Hà Nội - 2007

Ảnh phải biết "nói chuyện"
 
Ngoài việc đi làm báo, anh dùng "ngắn" nuôi "dài" bằng các album ảnh cưới và chụp người mẫu cũng rất nổi tiếng và được truyền tụng là “ảnh biết nói chuyện”. Nghệ thuật của anh cũng mang tính "Thời sự"?
 
- Tôi nghĩ đã là ảnh thì phải đẹp, dù báo chí hay là ảnh thương mại cũng cần đẹp và sáng tạo. Tôi có thế mạnh riêng, việc tôi chụp ảnh thương mại có hơi hướng báo chí thì cũng là dựa trên thế mạnh của mình. Tôi thích ảnh phải "nói chuyện" được. Ít ra nó còn đọng lại cái gì đó sau khi người ta xem.
 

Đồng nghiệp có dịp đi làm chung với anh kể với mọi người: Ngón tay của anh hầu như chả bao giờ rời khỏi cái nút nấm trên thân máy. Chỉ một chớp sáng thoáng qua, một tiếng động phía sau hay phía trước... mà có thể mắt anh chưa nhận ra rõ ràng thì anh đã chĩa máy về phía đó và bấm xong ảnh rồi. Chả có gì thoát khỏi tầm mắt anh.
 
- Một tấm ảnh thường được chụp trong đơn vị thời gian tính bằng 1/100 giây hoặc hơn rất nhiều nên thường thì phải luôn trong tư thế sẵn sàng, và quan trọng là mình phải đoán trước được hành động. Tôi luyện cho mình cách chụp không cần đưa máy lên mắt ngắm vì tính khoảnh khắc trong ảnh là 1 trong các tiêu chí hàng đầu.
 
Điều đó tạo nên những khoảnh khắc Na Son mà ít người có được?
 
- Nhưng không có nghĩa là tôi chụp nhiều, chụp liên thanh kiểu "xay lúa". Tôi rình rập khoảnh khắc thì đúng hơn.
 
Nhưng anh cương quyết không bỏ sót những gì qua mặt…
 
- Bấm đúng lúc mà không cần phải bấm máy nhiều, cái đó tùy thuộc nhiều vào kinh nghiệm và cách cảm nhận, phán đoán của bản thân. Bằng chứng là máy của tôi có chế độ chụp 9 hình/1 giây nhưng chẳng bao giờ tôi dùng đến.  
 
Sắp tới anh đã có kế hoạch đi đâu chưa?
 
- Tất nhiên là có rồi, sẽ là một chuyến đi nước ngoài. Tôi vẫn lang thang với nghiệp của một người chụp ảnh tự do, nhưng tôi cũng đang xây dựng một nhóm có tên Vietimages - để cùng làm những công việc như tôi. Họ đều rất trẻ, say mê nghề nghiệp và chịu khó học hỏi, ngay cả chính tôi nhiều khi cũng học được nhiều từ sự sáng tạo của họ.
 
Hy vọng anh sẽ chia sẻ với bạn đọc tiếp tục về các chuyến đi. Cám ơn anh đã dành thời gian trò chuyện. Chúc anh và nhóm VietImages luôn bận rộn để tạo ra được nhiều nguồn đầu tư phục vụ bạn đọc.

Nguồn tin: Thể thao ngày nay/tin 247
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 4.7/5

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Close