VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

NHỮNG KINH NGHIỆM CHỤP ẢNH PHONG CẢNH

Đăng lúc: . Đã xem 15397 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Chụp ảnh phong cảnh
NHỮNG KINH NGHIỆM CHỤP ẢNH PHONG CẢNH

NHỮNG KINH NGHIỆM CHỤP ẢNH PHONG CẢNH

vuanhiepanh.com Với những người thích chụp ảnh, việc đi du lịch kết hợp chụp ảnh vừa là tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên vừa để thỏa mãn sở thích. Nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm sẽ chia sẻ cùng bạn kinh nghiệm chụp ảnh ngoại cản

Kinh nghiệm chụp ảnh ngoài trời


Chụp ảnh ngoại cảnh, bao gồm phong cảnh, cỏ cây, hoa lá, cảnh sinh hoạt, con người. Theo ông Nhiệm, bạn cần biết nơi sẽ đến như thế nào, cái hay cái đẹp của nơi đó. Ví dụ, tháng 5 là mùa cấy lúa ở miền Bắc, từ tháng 9, tháng 10 là mùa nước nổi ở Đồng Tháp, cũng là mùa thích hợp nhất để chụp ảnh ruộng bậc thang vùng Tây Bắc... Đó là những thông tin tốt để tham khảo. Tuy nhiên, bạn không nên lập trình sẵn “mùa nào thức nấy”. Đôi lúc, bạn chụp mùa lúa vừa gặt xong cũng rất đẹp và tạo nên nét đặc sắc riêng cho bức ảnh.

  
 

Ảnh: Hoàng Thế Nhiệm

Hình đẹp thường được chụp vào buổi sáng sớm (từ 5 - 8 giờ) và buổi chiều (từ 16 - 18 giờ). Khi đó, người chụp thường có nhiều cảm xúc và ánh sáng dễ chịu.

Sau khi chọn được thời điểm chụp, bạn sẽ chọn vị trí chụp. Khi thời điểm chụp và vị trí chụp đã được chọn xong thì việc còn lại là tạo hình cho bức ảnh. Nhiều người cho rằng chụp ảnh ngược sáng sẽ đẹp nhưng đó chỉ là khái niệm tương đối, đôi lúc chụp thuận sáng sẽ đẹp hơn. Người chụp cần thử nhiều ánh sáng khác nhau, cả ngược sáng và thuận sáng, khi thử mới biết ảnh có đẹp thực sự hay không.

Cũng như vậy, định dạng panorama (góc ảnh toàn cảnh rộng, tỷ lệ tương ứng giữa chiều rộng và dài là 3:1), thường được sử dụng trong chụp ảnh phong cảnh; nhưng không phải lúc nào cũng thích hợp. Định dạng này giúp bạn nhìn được toàn cảnh nhưng sử dụng tùy thời điểm và bối cảnh cụ thể.

Điều cần chú ý là nếu không có không gian ba chiều, ảnh sẽ không đẹp. Bạn cần xử lý ảnh sao cho có mảng khối, chỗ sáng, chỗ tối, chỗ đậm, chỗ nhạt.

Đối với người chụp ảnh chuyên nghiệp, mỗi lần đi là mỗi lần tốn kém về thời gian, sức lực, thời tiết thay đổi. Người cầm máy cần đầu tư có cân nhắc về vật chất, kiến thức và thời gian để tạo nên những bức ảnh có phong cách riêng của mình, cần biết tận dụng cơ hội thiên nhiên ban cho; vì thế không nên dễ dãi với bản thân mà rơi vào trạng thái "lười nhác", bởi có thể sẽ có lúc phải tiếc nuối vì đã bỏ qua cơ hội tốt. Việc chụp ảnh là niềm vui nhưng cũng là niềm trăn trở của người chụp ảnh chuyên nghiệp, bỏ lỡ cơ hội chụp khoảnh khắc nào đó sẽ rất dằn vặt.

Nhà nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm tiết lộ bức ảnh Thác Bản Dốc - từng được mang đấu giá - của anh chụp trong điều kiện ánh sáng cực kỳ hiếm. Anh cho biết miền núi thường tắt nắng nhanh, hơn 4 giờ chiều là đã hết nắng. Hôm đó, anh chờ hơn 5 giờ chiều và may mắn chụp được những tia nắng cuối ngày hiếm hoi.

Chụp ảnh cũng cần “thiên thời, địa lợi”


 
Ảnh: Hoàng Thế Nhiệm

Yếu tố địa lợi ở đây chính là thiên nhiên. Chẳng hạn như lúa chín, lúa cấy, nước nổi, hoa nở… Những yếu tố này tạo cảm xúc cho người chụp ảnh bấm máy.

Còn thiên thời chính là thời tiết, bao gồm các yếu tố như mây, gió... Tuy nhiên, không phải lúc nào trời nắng cũng tốt. Các yếu tố như cây cối, núi non, sông ngòi, biển, đảo… mười năm cũng không thay đổi. Các thông số thay đổi gồm nắng, gió, nước dâng, sóng lên… người chụp cần thể hiện rõ, tạo nên sắc thái khác biệt cho bức ảnh. Nếu không ghi lại sự dao động của thiên nhiên thì bức ảnh chỉ là sự ghi nhận kho cứng, không thể hiện ý tứ của tác giả.

Với các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, thời tiết càng ‘lạ’ càng thích. Trong những tình huống thời tiết xấu nhất, người cầm máy vẫn có thể có những bức ảnh đẹp, quan trọng là chủ đề chính không bị che. Ví dụ như một cơn giông đang tới, bạn chụp những tia nắng cuối cùng trong ngày; hoặc mọi người cuống quít kéo lưới trở về... Bạn cũng có thể chụp cảnh trước khi trời mưa hoặc lúc vừa dứt cơn mưa.

Đôi lúc, bạn chụp cây khô vẫn đẹp. Quan trọng là “người xem có cảm nhận giống như cảm xúc của mình khi bấm máy hay không”.

Cách chụp những cảnh khác nhau


Trước tiên là con người trong ảnh phong cảnh. Khi chụp ảnh phong cảnh, có người hay không không quan trọng. Bức ảnh sinh động hay không là do chủ đề chính: Hình ảnh nói điều gì?. Tóm lại, cảnh là chính, còn con người là phụ, là ‘gia vị’ cho ảnh.

 
Ảnh: Hoàng Thế Nhiệm

Với nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm, con người trong ảnh là những người tình cờ gặp, có thể chỉ là một điểm nhỏ, trang phục đặc biệt và đồng bộ. Nói chung, con người phải có nét hay, lạ. Ví dụ: Chụp cảnh hoa đào nở, hai phụ nữ dân tộc đang đi làm; hoặc dưới vườn hoa mận trắng, một người đi làm về, có căn nhà phía trước mặt.

Khi chụp sương mù và mây, nhiều người thường chụp không ra hình. Theo nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm, lý do là vì người cầm máy chụp chưa đúng thời điểm và cần lưu ý thời điểm này xảy ra rất nhanh. Anh chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh sương mù để mù ra mù, mây ra mây: “Tại Sapa, mù thường có 2 tầng mây, bạn chụp trước khi tầng mây thứ nhất tràn tới hoặc chờ mây thứ nhất xuống sẽ tạo ra nét tương phản cho bức ảnh”.

Về kinh nghiệm chụp cảnh biển, biển thường có núi, vân cát, sóng lớn, ghềnh đá, thuyền, con người, thủy triều… Người cầm máy nên chụp những nét lạ như khúc cây ngay giữa biển, thuyền thúng, thuyền nan. Bạn có thể ghi lại sự dữ dội của biển, những con sóng lớn, mây soi bóng xuống bãi cát vào lúc sáng sớm, một cây cầu tre đơn độc giữa biển, mây cuồn cuộn kéo tới, biển buồn…

Riêng về cảnh núi, nhà nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm quan niệm núi là thể rắn, cứng. Bạn chụp ảnh quá cứng sẽ không đẹp, vì vậy cần thêm chất liệu mềm là nước, bao gồm cả mây và sương. Núi có nước hòa quyện mới hấp dẫn như quan niệm 'sơn thủy' của phương Đông. Bạn có thể chụp nhiều lớp núi có sương mù, sau cơn mưa, cuối mùa đông gần mùa xuân có nhiều hơi nước…
Tác giả bài viết:
Nguồn tin: dulichvietnam.com.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 4/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close