1. Tăng cường độ sâu trường ảnh
Khi chụp những bức ảnh phong cảnh với những cảnh rộng bao quát và chiều sâu rất lớn thì việc đảm bảo được các chi tiết đầy đủ trong ảnh yêu cầu người dùng cần phải khép khẩu nhỏ. Bởi khẩu độ càng nhỏ thì trường ảnh càng sâu và khiến các đốm sáng trong ảnh có hình ngôi sao nhiều cánh (phụ thuộc vào số lượng lá khẩu của ống kính) rất lung linh và rực rỡ.
Ảnh được chụp với khẩu khép nhở và phơi sáng lâu
Tốc độ màn trập: 15s Khẩu độ: 16 ISO: 200
Tuy nhiên, điểm yếu của việc khép khẩu độ ống kính nhỏ là rất ít ánh sáng đi vào sensor, vì thế bạn cần hỗ trợ cho việc này bằng cách tăng độ nhạy sáng ISO hoặc giảm tốc độ chụp (đôi khi là cả hai).
2. Sử dụng tripod
Với khẩu độ nhỏ, tốc độ đóng máy chậm, bạn cần phải giữ máy thật ổn định trong suốt quá trình chụp (thời gian chụp có thể từ vài giây cho tới vài chục giây cho một bức ảnh).
Thực ra ngay cả khi chụp với tốc độ màn trập chậm và sử dụng thân máy, ống kính có tính năng chống rung hình ảnh thì bạn vẫn nên dùng tripod. Để đảm bảo rằng ảnh ko rung do những tác động như bấm máy hay thả tay, bạn nên sử dụng thêm dây bấm mềm hoặc điều khiển từ xa.
3. Điểm nhấn trong ảnh phong cảnh
Tất cả các bức ảnh đều cần một điểm nhấn và ảnh phong cảnh cũng không phải ngoại lệ. Ảnh phong cảnh không có điểm nhấn để hút tầm mắt người xem thì sẽ rất trống rỗng, không tạo được điểm dừng cho ánh nhìn tổng thể cả bức ảnh cho người xem.
Điểm nhấn trong ảnh giúp người xem hiểu được ý đồ của tác giả
Điểm nhấn trong ảnh có thể là bất kỳ điểm nào trong cảnh bạn định chụp, từ một tòa nhà, cái cây, tảng đá hay bóng... Tuy nhiên, bên cạnh việc chọn tiêu điểm, bạn cần phải chú ý đến cả vị trí tiêu điểm đặt ở đâu cho thích hợp nhất.
4. Tiền cảnh, hậu cảnh
Một bức ảnh đẹp phải đảm bảo có tiền cảnh, hậu cảnh và trung cảnh. Điểm nhấn trong ảnh thường được đặt ở trung cảnh với hậu cảnh làm nền và tiền cảnh là đường dẫn hút ánh mắt của người dùng.
Tiền cảnh và hậu cảnh giúp tạo chiều sâu cho bức ảnh
Để làm được điều này bạn nên tạo cảm giác về độ sâu trong bức ảnh bằng cách nâng đường chân trời lên hoặc tạo các đường dẫn đi sâu vào ảnh.
5. Bầu trời - chủ thể không thể thiếu trong ảnh phong cảnh
Một yếu tố cần để ý đến là bầu trời trong phong cảnh. Hầu hết các bức ảnh phong cảnh cảnh đều phải có một phần của bầu trời hoặc bầu trời chiếm phần lớn trong bức ảnh.
Bầu trời luôn là một phần không thể thiếu trong các bức ảnh phong cảnh
Nếu bầu trời không có gì đặc biệt và tiền cảnh hấp dẫn thì bạn chỉ nên đặt đường chân trời ở 1/3 trên của ảnh. Nếu các bạn thấy bầu trời cao xanh và đẹp với các đám mây hình dạng khác nhau hoặc có màu đẹp thì hãy để nó tỏa sáng với đường chân trời đặt ở 1/3 dưới của ảnh.
Bạn có thể tăng hiệu ứng của bầu trời bằng cách xử lý ảnh sau chụp hoặc sử dụng kính lọc (ví dụ kính lọc phân cực CPL, ND hay IR).
6. Đường dẫn
Trước khi chụp ảnh phong cảnh bạn hãy tự hỏi “Làm thế nào để có thể dẫn dắt ánh mắt người xem vào bức ảnh?” Có rất nhiều cách để thực hiện điều này (chụp ảnh có tiền cảnh là một ví dụ) nhưng một trong những phương pháp tốt nhất là tạo ra các đường dẫn thu hút hướng nhìn của người xem vào bức ảnh.
Đường dẫn hướng người xem đi sâu vào ảnh
Những bức ảnh phong cảnh có đường dẫn thường tạo cảm giác tập trung hơn cho người xem, giúp người xem ảnh hiểu được chủ thể mà người chụp muốn hướng mình tới.Các đường dẫn trong ảnh tạo ra độ sâu cho bức ảnh, tỉ lệ và là trọng tâm của bức ảnh, bản thân nó cũng tạo nên họa tiết của tấm hình.
7. Trong tĩnh có động
Khi chụp ảnh phong cảnh, hầu hết mọi người đều chụp ảnh tĩnh và bị động – tuy nhiên phong cảnh thì hiếm khi hoàn toàn tĩnh, bạn hãy đặt một vài chuyển động vào trong ảnh sẽ tạo ra cảm xúc và điểm nhấn cho bức ảnh.
Bức ảnh khi được phơi sáng đủ lâu sẽ làm bức ảnh có các chuyển động của mây, cây, gió...
Nhìn chung khi chụp được những chuyển động này bạn cần đặt tốc độ màn trập chậm (đôi khi là vài giây), khép khẩu nhỏ để lên được các chi tiết, sử dụng kính lọc chuyên dụng (CPL, ND và IR) hoặc chụp vào lúc sáng sớm, sẩm tối khi có ít ánh sáng để có thể tiến hành phơi sáng.
8. Thời tiết và thời điểm chụp
Một cảnh có thể thay đổi hoàn toàn khác phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Vì thế lựa chọn đúng thời điểm chụp rất quan trọng. Rất nhiều nhiếp ảnh gia mới vào nghề cho rằng bầu trời đầy nắng là thời gian tốt nhất để chụp ảnh ngoài trời. Tuy nhiên nếu thời tiết khi bạn chụp có mưa thì bạn đang nắm trong tay cơ hội có những bức ảnh với cảm xúc thật và có gì đó hơi ảm đạm.
Bạn hãy thử tìm kiếm những cơn bão, gió, sương mù, các đám mây dày, tia nắng rọi qua bầu trời tối đen, cầu vồng, bình minh, hoàng hôn... và sáng tạo các cách chụp khác nhau thì tốt hơn nhiều so với việc chờ đợi một ngày nắng vàng trời xanh khác.
Hoàng hôn chạng vạng luôn là "giờ vàng" để chụp phong cảnh
Có một số nhiếp ảnh gia chỉ chụp vào một thời điểm nhất định nào đó trong ngày, như là lúc chạng vạng bởi vì đó là lúc ánh sáng đẹp nhất và phong cảnh trở nên sống động. Ánh sáng trong “giờ vàng” tạo ra các góc đẹp, các họa tiết lạ, các chiều không gian thú vị.
9. Đường chân trời
Đường chân trời luôn đượcđặt ở 1/3 ảnh. Tuy nhiên đôi khi bạn có thể chụp phá cách
Trước khi chụp ảnh phong cảnh, bạn hãy tập thói quen đặt ra 2 câu hỏi về đường chân trời:
- Đường chân trời có thẳng không? – Mặc dù có thể xử lý sau khi chụp nhưng dù sao thì bạn cũng nên đặt camera sao cho đường chân trời luôn thẳng.
- Đường chân trời được đặt ở đâu? – Một đường chân trời tự nhiên nên được đặt ở 1/3 trên hoặc dưới của bức ảnh, không nên đặt ở chính giữa. Tất nhiên bạn có thể phá vỡ quy tắc, song định luật 1/3 tỏ ra khá hiệu quả trong phần lớn các bức ảnh.
10. Thay đổi cách nhìn
Nếu chỉ làm theo 9 mẹo nhỏ trên, bạn sẽ có thể chụp được một bức ảnh ưa nhìn chứ chưa đến mức làm người khác phải trầm trồ. Nếu thật sự muốn tạo ra một kiệt tác, bạn hãy tích cực suy nghĩ trước khi chụp. Bạn có thể bắt đầu bằng việc tìm kiếm một địa điểm ít người đặt chân đến, khám phá thiên nhiên xung quanh và thử nghiệm nhiều góc chụp khác nhau.
Ý kiến bạn đọc