Mới đây, NSNA Trần Nhân Quyền, giảng viên của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh cho ra mắt triển lãm ảnh cá nhân gồm 60 bức ảnh đen trắng. Chúng tôi đã nhiều lần đến chiêm ngưỡng và mỗi lần lại phát hiện ra một chi tiết lạ trong các tác phẩm. Sự ngạc nhiên ấy dẫn tôi đến gặp tác giả. Anh cười thỏa mãn và nói: “Xem ảnh đen trắng anh nên xem kỹ ngay từ đầu bởi nếu chỉ lướt qua thì sẽ bỏ sót không ít chi tiết. Chơi ảnh đen trắng, tuy mộc mạc trong ngôn ngữ thể hiện, song trong chiều sâu, nghệ thuật nhiếp ảnh được phơi bày rất rõ”.
Thực vậy, nghệ thuật nhiếp ảnh là “cuộc chơi” của ánh sáng. Điều này đã khiến nhiếp ảnh tách bạch rõ là một bộ môn nghệ thuật khác với hội họa. Đương nhiên, trong hai loại hình này cũng rất cần hình khối, bố cục, sắc độ, song nhiếp ảnh lợi thế hơn, rõ ràng hơn về ánh sáng. Trong hội họa, người ta có thể tạo ra những ánh sáng phi lô-gíc, nhưng chắc chắn sẽ có ít họa sĩ nào muốn đánh đố người xem với thứ ngôn ngữ ấy trong tác phẩm của mình. Tôi nhớ, cách đây chưa lâu, trong festival mỹ thuật trẻ có nhiều bức tranh đánh đố kiểu này. Những tác phẩm hội họa đó thường tạo ra ấn tượng rất hoang mang cho người xem. Tuy nhiên việc làm đó của các họa sĩ vẫn được coi là “tìm tòi” khuynh hướng nghệ thuật mới. Nhiếp ảnh không như vậy. Và “cuộc chơi” ánh sáng đối với nhiếp ảnh được thể hiện rất rõ qua ảnh đen trắng.
Tác phẩm "Kính mắt" của NSNA Trần Nhân Quyền. |
Cái khó thứ hai là kỹ thuật. Theo NSNA Trần Nhân Quyền thì kỹ thuật ảnh đen trắng rất khó, đây là đang nói về việc xử lý ảnh phim theo truyền thống. Từ chỗ đậm tới chỗ nhạt chỉ một chút là đã rất khác nhau. Rửa phim đen trắng nếu không khéo thì sẽ bị “bệt màu” từ trong buồng tối. Ra ảnh, có những khoảng trắng trong vùng đen không được thể hiện rõ ràng. Vậy nên về kỹ thuật phải rất tỉ mỉ và có nhiều bí quyết. Một trong những bí quyết không được NSNA Trần Nhân Quyền tiết lộ là tỷ lệ pha các chất hóa học trong nước tráng ảnh. Đối với ảnh kỹ thuật số chuyển thành ảnh đen trắng xem ra có nhiều phần xử lý rất dễ dàng, đặc biệt là với các chức năng của phần mềm xử lý ảnh. Có lẽ vì ảnh đen trắng đơn điệu, thiếu màu sắc mà nhiều nhiếp ảnh gia bây giờ không còn chú trọng đối với “dòng ảnh” này.
Cái khó thứ ba chính là tính “mộc mạc” trong ngôn ngữ thể hiện. NSNA Trần Nhân Quyền cho biết: “Mộc mạc chính là lợi thế của ảnh đen trắng. Với hai màu đen và trắng, tác giả có thể giấu những phần không ưng ý. Ngược lại, hoặc muốn lột tả vẻ đẹp trước ống kính thì sự mộc mạc đó cũng tạo ra nhiều lợi thế hơn”.
Trên nhiều diễn đàn nghệ thuật bây giờ cũng nhắc đến sự mất dần của ảnh đen trắng. Khi được hỏi đến lý do tại sao bây giờ không chụp ảnh đen trắng nữa thì nhiều thành viên cho rằng, có hai lý do chính. Một là, khi chụp ảnh đen trắng nhiều người có xu hướng sử dụng bằng máy ảnh phim, xử lý hậu kỳ trong buồng tối truyền thống. Trong khi đó hiện nay những hóa chất này không được bán rộng rãi như xưa. Lý do thứ hai là điều kiện chụp ảnh đen trắng rất “kén” thời tiết, nếu không được ngày nắng đẹp, trời trong thì bộ ảnh đen trắng làm ra đôi khi vứt bỏ.
NSNA Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam nói: “Trong nhiều cuộc triển lãm ảnh gần đây do Hội NSNA bảo trợ, ban tổ chức thường có những giải riêng cho ảnh đen trắng như một cách ủng hộ, khuyến khích cho thể loại ảnh này. Tôi cho rằng, những tác giả biết sử dụng ảnh nghệ thuật đen trắng truyền thống để thể hiện tính nghệ thuật trong nhiếp ảnh là lựa chọn khôn ngoan, dễ tạo dựng hướng đi riêng, ngôn ngữ riêng”. Mặc dù Hội NSNA Việt Nam có nhiều hỗ trợ đối với ảnh đen trắng và những tác giả chụp ảnh đen trắng như vậy, song “cuộc chơi” ảnh đen trắng xem ra quá tầm đối với nhiều tay máy trẻ. Thế mới biết, ảnh đen trắng giản dị, một mạc mà rất "khó xơi".
Ý kiến bạn đọc