Hiểu rõ chiếc điện thoại của mình.
Bạn cần nắm được cách sử dụng điện thoại. Đâu sẽ là phím tắt để bật máy ảnh? Như vậy bạn sẽ không bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp. Nếu như dùng iPhone, bạn có thể chọn nút Home để làm phím tắt, còn với Android, ứng dụng QuikCam sẽ giúp bạn bật máy ảnh nhanh chóng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên quen với việc máy ảnh hoạt động như thế nào để nắm được tốc độ chụp và thời gian chụp xong hình từ khi bấm nút vì đó không phải là thế mạnh của việc chụp hình bằng điện thoại.
Lưu ý tới ánh sáng.
Ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng nhất của chụp ảnh. Ngay cả với máy ảnh “xịn”, nếu ánh sáng không tốt thì cũng không thể có một bức ảnh đẹp được. Vì vậy, khi chụp chân dung bạn nên chú ý xem chủ thể đã đủ sáng chưa. Nếu bạn chụp trong nhà, nguyên tắc chụp sẽ là ánh sáng luôn ở sau lưng bạn. Nếu ngược lại, ảnh sẽ bị ngược sáng, chủ thể bị tối đi cho dù nguồn sáng có tốt đến đâu. Và một điều nữa, bạn hãy cầm chắc điện thoại nhé, rung nhẹ cũng đủ để làm hỏng bức ảnh của bạn rồi. Ở iPhone, bạn có thể dùng ứng dụng Pro Cam để hạn chế rung khi chụp ảnh. Người dùng Android cũng có thể làm tương tự với ứng dụng Camera 360. Khi chụp ảnh ngoài trời, ánh sãng sẽ đủ để bạn thỏa sức sáng tạo giống như tác phẩm dưới đây của Alexander chụp với ứng dụng Hipstamatic trên iPhone:
Tránh sử dụng zoom kỹ thuật số.
Về bản chất, zoom kỹ thuật số là phóng to hình ảnh chứ không phải phóng gần đến vật thể như chúng ta thường nghĩ. Nó sẽ làm vỡ ảnh. Nếu có thể bạn nên tránh sử dụng nó, mà hãy tiến gần vào chủ thể cần chụp.
Chụp ảnh tuân theo bố cục.
Bạn nên tuân theo quy tắc “một phần ba” trong nhiếp ảnh. Rất nhiều ứng dụng chụp ảnh của iPhone hay Android hỗ trợ bạn chụp theo quy tắc này bằng cách hiện lên các đường lưới để chia màn hình. Đặt chủ thể vào điểm giao nhau của các đường này sẽ làm bố cục bức ảnh của bạn rõ ràng hơn. Hình minh họa dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quy tắc này.
Để ý tới phông nền.
Ống kính trên điện thoại không thể làm mờ cảnh nền như ở ống kính chuyên dụng. Vì thế bạn nên chọn nền đơn giản để nổi bật chủ thể cần chụp, hoặc cũng có thể ném quy tắc này sang 1 bên để chụp 1 bức ảnh đường phố đa màu sắc với khả năng sáng tạo của bạn.
Sử dụng linh hoạt các ứng dụng.
Với sự hỗ trợ của công nghệ, các bức ảnh của bạn sẽ tưới tắn, độc đáo hơn. Có rất nhiều ứng dụng viết cho iPhone hay Android, ví dụ như Instagram, PicPlz, Molome, Hipstamatic và MoreLomo. Muốn tạo ra 1 bức ảnh toàn cảnh (paronama) bạn có thể sử dụng đến ứng dụng có tên Dermandar.
Hiệu ứng phổ biến có trên các ứng dụng phải nói đến tilt-shift (ống kính trượt). Nó làm bức ảnh của bạn trông giống như đang ở trong thế giới đồ chơi vậy.
Nên chụp nhiều ảnh.
Cố gắng nháy máy nhiều lần sẽ giúp bạn tránh được rung, mờ hay các tác động bên ngoài ảnh hưởng lên bức ảnh. Hơn nữa, có nhiều ảnh sẽ cho bạn nhiều lựa chọn hơn.
Thử với các góc chụp khác.
Đôi khi chụp kiểu thẳng đứng sẽ nhàm chán. Hãy thử với các góc chụp khác nhau, bạn không mất gì cả và biết đâu bạn sẽ tìm thấy 1 góc chụp thú vị trong số đó. Nghiêng máy 1 chút, cũng có thể tạo nên 1 bức ảnh độc như thế này:
Giữ sạch ống kính.
Những vết bụi bẩn hay dấu tay người có thể làm ảnh hưởng tới bức ảnh của bạn. Hãy lấy 1 tấm vải nhỏ để lau ống kính, đừng dùng khăn giấy vì có thể làm xước nó đấy nhé.
Dùng thêm phụ kiện nếu có thể.
Các phụ kiện như chân máy Joby của GorillaMobile, gắn ống kính chuyên dụng lên iPhone với iPhone SLR Mount... đều không làm ảnh hưởng đến điện thoại của bạn, mà còn làm bức ảnh của bạn chuyên nghiệp hơn. Chỉ có một vấn đề: giá thành của chúng không hề rẻ.
Ý kiến bạn đọc