VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Thiết bị dành cho studio chụp ảnh

Đăng lúc: . Đã xem 21503 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Thiết bị phụ
Thiết bị dành cho studio chụp ảnh

Thiết bị dành cho studio chụp ảnh

vuanhiepanh.com
Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin xây dựng phòng ảnh (studio) của nhiều bạn đọc gửi tới Vuanhiepanh.com trong thời gian gần đây, chúng tôi xin có bài tư vấn xây dựng studio sau đây. Xin chân thành cảm ơn các bạn đã quan tâm tới Vuanhiepanh.com

Thiết bị ánh sáng phòng ảnh

1. Diện tích phòng ảnh (studio area)

• Diện tích phòng ảnh càng rộng càng tốt, cho phép sử dụng các ống tiêu cự linh hoạt, nhất là tiêu cự dài. Để ảnh có tỷ lệ tự nhiên, chân thực nhất, máy nên đặt cách chủ thể ở khoảng cách tối thiểu là 5m.
• Phòng ảnh chụp chân dung 1 – 2 người cần có diện tích tối thiểu 4 m x 3 m (12 m2). Đây dường như là diện tích nhỏ nhất cho một mini-studo. Với diện tích này, hệ thống phông màn hậu cảnh sẽ bị hạn chế, không thể lắp được các hệ thống cồng kềnh nhiều lớp phông
• Phòng ảnh chụp nhóm người, hậu cảnh có chiều sâu với nhiều đồ vật, phông màn nhiều lớp, diện tích tối thiểu cần có là 6m x 5m (30 m2).

$ Cấu hình tối thiểu: 4m x 3m (12 m2)
$$ Cấu hình mạnh: 6m x 5m (30 m2) hoặc lớn hơn.

2. Ống kính (lens)

• Chụp ảnh studio thường không đòi hỏi phải xóa phông cao nên không nhất thiết phải sử dụng các ống kính có khẩu độ mở lớn như f/1.4 hay f/2.8.
• Các ống có khẩu độ mở tối đa f/3.5, f/4 đều hoạt động tốt trong studio.
• Phòng ảnh loại lớn kết hợp với thân máy toàn khổ FX có thể sử dụng thuận tiện với đủ loại ống kính, nhất là các ống có tiêu cự tầm trung như 70-200mm.
• Phòng ảnh cỡ nhỏ, kết hợp với chơi thân máy cảm biến cúp nhỏ APS-C/DX (ví dụ 1.5x Nikon, 1.6x Canon) cần có ống kính góc rộng hơn, tiêu cự ngắn như 24mm, 35mm hay 50mm. Tuy nhiên góc không nên rộng hơn nữa (như 17mm hay 18mm) do các ống góc siêu rộng thường có độ cầu sai lớn, gây hiện tượng méo ảnh, làm lệch lạc đáng kể tỷ lệ người và khuôn mặt khi phải chụp gần, làm ảnh mất tự nhiên.
• Mặc dù chụp trong studio luôn có thể sử dụng chân máy đặt máy chụp cố định, bảo đảm triệt tiêu hiện tượng rung tay máy, các ống kính có chống rung cũng rất hữu dụng và cho phép chụp cầm tay di chuyển linh hoạt hơn, tạo thuận lợi chụp ở góc máy bất kỳ.
$ Cấu hình tối thiểu: Ống cố định 35mm và 50mm, hoặc ống zoom 24-70mm
$$ Cấu hình mạnh: Ống cố định 35mm, 50mm, 85mm; ống zoom 24-70mm, 70-200mm

3. Đèn ảnh và phụ kiện (flash & accessories)

• Yếu tố quan trọng nhất của một studio là hệ thống đèn ảnh gắn hộp tản sáng (soft-box) hay các loại ô hắt sáng và tản sáng (relecting & shoot-through umbrellas).
• Có thể sử dụng các tấm hắt sáng (reflectors).
• Cần có các hộp tản sáng cỡ nhỏ (chụp cận cảnh khuôn mặt và nửa người) và cỡ lớn (chụp toàn thân).
• Cần có ô hắt sáng để điều chỉnh diện tích hắt sáng, khống chế khoảng sáng hậu cảnh (trên phông).
• Mỗi đèn cần có chân đứng (tripod), củ nối đèn với chân đèn kèm lỗ cắm ô, gá đèn.
• Mỗi đèn cần có bộ kích nổ có dây hoặc không dây (để chủ động di chuyển).
• Kích nổ cần đạt đồng bộ tối đa (flash sync speed) 1/250s hoặc cao hơn để chụp bắt nét khi chủ thể chuyển động tạo dáng. Kích nổ càng nhiều kênh càng tốt để từ một bộ phát (transmitter) đồng thời điều khiển được nhiều bộ nhận (receiver) gắn ở các đèn khác nhau.
• Có thể sử dụng củ nhại (slave) ăn theo đèn chính.
• Có thể sử dụng các đèn flash thông thường hoặc đèn chuyên dụng chụp studio có công suất lớn hơn và ăn thẳng vào điện nguồn sẽ khỏe hơn và giảm thời gian chờ đợi nạp đầy sau mỗi lần chụp.
$ Cấu hình tối thiểu (3 đèn): 1 hộp tản sáng nhỏ, 1 hộp tản sáng lớn, 1 ô hắt sáng, 1 ô tản sáng. Trong trường hợp này, 2 đèn gắn gắn cố định với hộp tản sáng, 1 đèn dùng linh hoạt tạo bóng tóc, khống chế ánh sáng phông dùng với ô hoặc không ô (bố trí trên cao hoặc phía sau chủ thể), 2 tấm phản quang.
$$ Cấu hình mạnh (6 đèn): 2 hộp tản sáng nhỏ, 2 hộp tản sáng lớn (một hộp vuông to, một hộp hình chữ nhật dài nhỏ), 1 đèn bóng tóc (gắn ô), 1 đèn khống chế ánh sáng phông (gắn hoặc không gắn ô). Một số đèn thông thường có chụp đèn lọc màu các màu khác nhau (đỏ, vàng, v.v…). Ghi chú: Để thuận tiện và đỡ mất công di chuyển đèn, có thể lắp 3 lớp đèn, mỗi lớp 8 đèn lắp chia đều 4 góc và giữa mỗi cạnh: Lớp dưới cùng cách mặt đất khoảng 70cm, lớp 2 cao khoảng 1.80m và lớp 3 cao khoảng 3m gắn kèm theo hệ thống công tắc bật tắt từng đèn.

4. Phông màn, thảm (backdrops plus)

• Số lượng phông càng nhiều càng tốt nhưng tối thiểu cần có một phông tối màu và một phông sáng màu.
• Có thể sử dụng các phông có họa tiết hậu cảnh (tùy nhu cầu và sự sáng tạo của từng studio). Nếu muốn dễ dàng bóc tách người khỏi phông để thay phông nền trên máy tính, nên sử dụng phông màu xanh lam hoặc xanh lục (vì đây là 2 màu tương phản với da người, dễ bóc tách).
• Phông có thể vừa đủ chiều cao hậu cảnh phía sau (thường là 3-4m) hoặc dài (6-8m) để có thể chùm lên ghế/kệ ngồi để chụp chân dung, người mẫu chuyên nghiệp.
• Có thể sử dụng hệ thống kéo phông tự động có gắn mô-tơ điều khiển hoặc phông vải căng ngang có móc để đưa lên, tháo xuống thay thế.
• Phòng có thảm màu tối, xám xanh nhạt hoặc đỏ. Nếu cần chụp ở tư thế nằm, cần có thảm (ga) vải mịn sáng màu (trắng hoặc xanh lam nhạt).
• Tường hai bên phông nên có màu sẫm như màu đen hoặc xám.
• Trần studio cũng có thể lắp tấm che (di động) có màu đen và trắng để thay đổi đen/trắng dễ dàng.
$ Cấu hình tối thiểu: 1 phông trơn sẫm màu (xám), 1 phông trơn sáng màu (xanh lam nhạt hoặc trắng).
$$ Cấu hình mạnh: Hệ thống phông kéo tự động nhiều lớp, đủ loại trơn và họa tiết, có thể tích hợp nhiều hệ thống cùng nhau.

5. Máy tính, máy in và phần mềm (PC & Software)

• Máy tính cần có cấu hình mạnh và bộ nhớ lớn có khả năng xử lý ảnh và cho phép mở/ xử lý nhiều ảnh cùng lúc
• Card đồ họa cần mạnh, phản ánh màu trung thực.
• Màn hình càng lớn càng tốt, nên sử dụng màn hình lớn tỷ lệ 16×9 (wide screen) để đưa thanh công cụ ra bên ngoài ảnh.
• Cần cài đặt đúng chế độ hiển thị màu sắc của màn hình để phản ánh màu sắc trung thực nhất.
• Máy tính cần tích hợp đầu đọc thẻ đa năng đọc được các loại thẻ khác nhau.
• Cần có chuột (mouse) tốt, nhạy và chính xác.
• Cần có ổ ghi DVD để lưu trữ ảnh cũng như sao lưu ảnh cho khách hàng.
• Có thể tích hợp máy in ảnh sẽ làm dịch vụ hoàn thiện hơn, tăng giá trị gia tăng (và lợi ích) cho studio
• Cần cài các phần mềm chỉnh sửa ảnh mạnh như Adobe Photoshop CS (2,3,4,5) và các bộ lọc (plugins) hiệu quả như Portraiture, Lightrooms, cũng như các ứng dụng bút lông (bruches) chỉnh sửa tóc, lông mi, v.v…
• Cần làm chủ một số kỹ năng chỉnh sửa ảnh cơ bản như ánh sáng, màu sắc xóa mụn nhọt, tạo hậu cảnh nhòa mờ, v.v…

6. Hoa và vật dụng (flowers plus)

• Phòng ảnh sẽ phát huy tác dụng hơn nếu có một số đồ đạc, vật dụng tạo dáng cho chủ thể.
• Cần có một số bó hoa to nhỏ, khăn màu, mũ, vài tấm vải voan trắng và màu trong suốt, v.v…
• Cần một số ghế, kệ đặt chân nhiều tầng, một số hộp màu khác nhau để tạo dáng.
• Tùy vào nhu cầu, mục đích chụp ảnh và qui mô phòng ảnh để xây dựng phòng ảnh sáng tạo. Phòng ảnh sáng tạo luôn hỗ trợ hiệu quả cho những ý tưởng và bố cục ảnh sáng tạo.

Nguồn tin: Vinacamera
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 24 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 4.8/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close