VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Các tiêu chí chọn mua máy ảnh DSLR

Đăng lúc: . Đã xem 18570 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Máy ảnh DSLR
Các tiêu chí chọn mua máy ảnh DSLR

Các tiêu chí chọn mua máy ảnh DSLR

vuanhiepanh.com vua nhiếp ảnh giúp bạn những tiêu chí chọn được một chiếc DSLR phù hợp, bên cạnh nghiên cứu về tính năng hay thiết kế, người dùng cũng nên xác định nhu cầu sử dụng thực tế cùng khả năng tài chính của mình.
Máy ảnh chuyên dụng DSLR có hiệu năng tốt, nhiều tùy chỉnh cài đặt và chất lượng ảnh chụp vượt trội so với cả máy ảnh du lịch/phổ thông lẫn smartphone. Máy ảnh DSLR cũng cho phép bạn chuyển đổi ống kính một cách dễ dàng để chụp trong nhiều điều kiện khác nhau.
 
Trong khi máy ảnh không gương lật (CSC) cũng có thể chuyển đổi ống kính và chất lượng ảnh chụp đã tiến những bước dài trong thời gian gần đây, chất lượng của máy không gương nói chung vẫn còn kém so với máy DSLR.
 

Nếu như DSLR là lựa chọn nhiếp ảnh dành cho bạn, sau đây là những điểm cần lưu ý trước khi mua sắm.


Số "chấm" có đồng nghĩa với chất lượng ảnh chụp?

 
Không phải cứ model nào có cảm biến nhiều Megapixel hơn cũng đều cho chất lượng ảnh chụp tốt hơn. Tuy vậy, chụp ảnh bằng máy có cảm biến độ phân giải cao sẽ cho phép bạn thoải mái cắt ảnh và in khổ lớn hơn ảnh chụp bằng máy ít "chấm".
 
Phần lớn các model máy ảnh hiện đại (và cả smartphone cao cấp) đều có độ phân giải trên 10 Megapixel. Con số này là quá thừa nếu bạn chỉ sử dụng máy ảnh để in ấn khổ nhỏ. Ảnh chụp 5 Megapixel là đủ sắc nét để in lên khung 20 x 25 cm. Ảnh 8 Megapixel là đủ sắc nét để in kích cỡ 28 x 36 cm. Bạn có thể in ảnh 10 Megapixel lên kích cỡ tối đa là 33 x 48 cm (mặc dù in độ lớn này sẽ khiến mất một lượng chi tiết nhỏ).
 
Hiện nay, máy ảnh DSLR phần lớn đều có cảm biến độ phân giải 13 Megapixel trở lên. Ở độ phân giải này, bạn có thể in ảnh lên khung ảnh 33 x 48 cm, và thậm chí là lên khung 40 x 60 cm. Máy ảnh có cảm biến độ phân giải càng lớn thì càng dễ dàng zoom và chỉnh sửa trên Photoshop, song như đã nói ở trên, độ phân giải lớn không đảm bảo ảnh chụp sẽ có chất lượng tốt.
 
Ngoài ra, máy ảnh có độ phân giải lớn sẽ tạo ra các file ảnh có kích cỡ lớn hơn, chiếm nhiều chỗ hơn trên thẻ nhớ và máy vi tính bạn dùng để lưu trữ. Ảnh chụp có độ phân giải quá lớn cũng có thể khiến tốc độ chụp liên tiếp chậm hơn (do bộ nhớ đệm sẽ bị lấp đầy quá nhanh).
 

Chú ý tới kích cỡ cảm biến

 
Các máy ảnh có cảm biến lớn hơn và ống kính (lens) chất lượng tốt hơn sẽ chụp ra ảnh đẹp hơn – bất kể là ở bao nhiêu "chấm". Kích cỡ cảm biến và chất lượng ống kính là lý do vì sao DSLR có chất lượng ảnh chụp hoàn toàn vượt trội so với smartphone.
 
Nếu bạn không có điều kiện sử dụng thử các sản phẩm cần mua, hãy kiểm tra kích cỡ cảm biến của các mẫu DSLR này và so sánh thông số kích cỡ cảm biến với các sản phẩm cùng tầm giá.
 
Hai định dạng cảm biến có mặt trên thị trường hiện nay là CCD và CMOS, trong đó cảm biến CMOS được sử dụng rộng rãi hơn nhờ có chất lượng gần bằng CCD song lại tiết kiệm pin hơn rất nhiều. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý tới các thuật ngữ về kích cỡ cảm biến như APS-C và full-frame, trong đó full-frame là loại cảm biến lớn nhất có mặt trên các mẫu DSLR được sản xuất hàng loạt.
 
Cuối cùng, hãy lưu ý rằng ngay cả các sản phẩm cỡ nhỏ như Sony RX1 và RX1R cũng đã được trang bị cảm biến full-frame với chất lượng ảnh chụp rất tốt. Do đó, nếu yếu tố kích cỡ là tối quan trọng với bạn, hãy cân nhắc tới các sản phẩm này.
 

Chỉ mua thân máy?


Phần lớn các mẫu DSLR có mặt trên thị trường đều có tùy chọn chỉ mua thân máy. Bạn sẽ phải mua thêm một ống kính (lens) rời để sử dụng DSLR. Một số model khác, đặc biệt là các dòng máy cấp thấp, được bán kèm với một ống kính đa-mục-đích cho chất lượng ảnh chụp khá ổn.
 
Tuy vậy, các ống kính được bán kèm thân máy thường có tốc độ khá chậm, do đó bạn sẽ không thể chụp được ảnh chuyển động trong điều kiện thiếu sáng mà không có đèn flash. Nếu thường xuyên chụp trong nhà, bạn nên cân nhắc đầu tư mua ống kính có tốc độ nhanh hơn.
 

Lựa chọn ống kính

 
Nếu bạn xác định được sẽ mua DSLR để phục vụ cho mục đích gì (chụp tele, chụp macro, hoặc chụp sử dụng hiệu ứng, ví dụ như mắt cá), hãy cân nhắc về các mẫu ống kính tương thích với dòng máy mà bạn đang cân nhắc.
 
Nếu thấy ống kính đi kèm thân máy không hữu dụng, bạn nên chọn chỉ mua thân máy và đầu tư vào các mẫu ống kính mà bạn muốn mua. Khi mua ống kính, bạn cần cân nhắc tới các yếu tố như: chụp xa hay chụp gần, bạn cần chụp chuyển động tốc độ cao và chụp trong điều kiện thiếu sáng (đòi hỏi khẩu độ cao) hay không, yêu cầu về kích cỡ và cân nặng là gì, có hỗ trợ tính năng ổn định hình ảnh hay không...
 
Với nhiều người, lựa chọn ống kính còn quan trọng hơn lựa chọn thân máy. Do đó, mua ống kính dựa trên… sở thích hoặc thiết kế cũng là một lựa chọn hợp lý, bởi bạn càng yêu quí bộ đồ nghề của mình thì sẽ càng có cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ hơn.

 

Ổn định hình ảnh

 
Ngay cả khi bạn có thể giữ máy rất chắc tay trong khi chụp, bạn vẫn có thể chụp phải các bức hình mờ, đặc biệt là trong các điều kiện thiếu sáng mà bạn không thể dùng flash (ví dụ như trong viện bảo tàng hoặc trong nhà thờ). Trong các điều kiện chụp này, cửa trập phải mở lâu hơn để thu được đủ ánh sáng cho bức hình. Cửa trập mở càng lâu thì ảnh của bạn càng dễ bị mờ do rung tay hoặc mẫu chuyển động trong khi chụp.
 
Nhằm giúp tránh các vấn đề này, các nhà sản xuất đưa ra giải pháp ổn định hình ảnh (image stabilization). Có rất nhiều cách thực hiện ổn định hình ảnh trên máy ảnh:
 
- Ổn định hình ảnh quang học: Được sử dụng trên máy không gương lật và DSLR, ổn định hình ảnh quang học (Optical Image Stabilization – OIS) là phương pháp ổn định hình ảnh phổ biến nhất. Biện pháp này sử dụng cảm biến con quay bên trong thân máy (hoặc ống kính) để phát hiện ra các trường hợp rung tay, sau đó ổn định lại đường đi của ánh sáng khi truyền tới cảm biến. Trên DSLR, cảm biến con quay thường được đặt trên ống kính.
 
- Ổn định hình ảnh bằng cảm biến: Công nghệ này khá tương đồng với OIS. Trong ổn định hình ảnh bằng cảm biến, cảm biến con quay (chỉ được đặt trong thân máy) sẽ phát hiện chuyển động rung, và sau đó di chuyển vị trí cảm biến để đảo ngược lại tác dụng của chuyển động rung. Công nghệ này có mặt trên cả một số mẫu máy ảnh phổ thông, song chủ yếu vẫn được dùng trên DSLR.
 
- Ổn định hình ảnh số: Không giống như các tính năng ổn định hình ảnh quang học hay cảm biến (chỉnh sửa hình ảnh ngay trong quá trình chụp), ổn định hình ảnh số sẽ cố tạo ra một bức ảnh "ổn định" hơn bằng cách thay đổi các tùy chỉnh của máy ảnh, hoặc sửa ảnh sau khi đã chụp ảnh.
 
Có rất nhiều cách để thực hiện ổn định hình ảnh số, trong đó có thể kể đến Intelligent ISO (ISO Thông minh). Tính năng được trang bị nhiều cho các sản phẩm phổ thông này sẽ tự động tăng mức ISO khi phát hiện ra vật mẫu đang chuyển động. Nhờ đó, máy ảnh của bạn có thể sử dụng tốc độ cửa trập nhanh hơn, thu lại được vật thể đang chuyển động và giảm độ mờ. Tuy vậy, ISO cao hơn sẽ khiến ảnh dễ bị nhiễu hơn.
 

Ống ngắm


Phần lớn các mẫu DSLR có mặt trên thị trường hiện tại có màn hình LCD bên cạnh một ống ngắm (viewfinder). Khi chọn mua DSLR, bạn cần kiểm tra xem ống ngắm của máy có tái tạo đủ độ sáng, có tái tạo đủ trường nhìn và màn hình lấy nét có đủ rõ ràng hay không.
 
LCD có tính năng Live View: Live View trên màn hình LCD là một tính năng tuyệt vời, trong trường hợp bạn không thể phối cảnh qua ống ngắm. Nếu màn hình LCD của máy ảnh là loại không thể điều chỉnh vị trí được, Live View vẫn sẽ giúp bạn chụp với tripod thoải mái hơn.
 
Điểm yếu của màn hình LCD là chúng có thể bị phản chiếu hoặc lóe sáng, khiến bạn khó có thể sử dụng trong khung cảnh có quá nhiều ánh sáng. Ngoài ra, trong chế độ Live View, phần lớn các mẫu SLR đều phải lật gương, khiến khả năng tự động lấy nét của máy bị chậm đi rất nhiều.
 
Ống ngắm quang học: Ống ngắm quang học trên DSLR hiển thị chính xác những gì ống kính "nhìn thấy", song lại hơi bị cắt hình ở các góc. Phần lớn các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thích sử dụng ống ngắm quang hơn, vì ống ngắm quang có dải nhạy sáng tương đương với mắt người và không bị trễ thời gian. Điểm yếu của chúng là đôi khi bạn có thể có cảm giác đang nhìn qua "đường hầm".
 
Ống kính quang học thường được trang bị cho các mẫu máy ảnh đắt tiền (khoảng 1500 USD trở lên).
 

Đèn flash

 
Khi mua máy ảnh, bạn phải biết flash được sử dụng là loại gì, và bạn có thể tùy chỉnh flash đến mức độ nào. Một vài mẫu DSLR có đèn flash tích hợp vào thân máy. Một vài mẫu khác có hot shoe – cổng gắn đèn flash rời. Một số mẫu máy ảnh sẽ có cả đèn flash tích hợp lẫn hotshoe. Nếu một mẫu máy ảnh có hot shoe nhưng không có flash tích hợp, bạn nên kiểm tra kĩ xem đèn flash rời có được bán kèm máy hay không.
 
Đèn flash tích hợp khá tiện dụng, song chất lượng sẽ kém hơn đèn flash rời. Nếu bạn muốn sử dụng DSLR để chụp ảnh cuộc sống hàng ngày, hoặc nếu bạn cần di chuyển nhiều và muốn giảm thiểu cân nặng mang theo, bạn có thể cân nhắc mua các model có đèn flash tích hợp.
 
Ngược lại, nếu bạn muốn cải thiện đáng kể chất lượng ảnh chụp trong điều kiện chụp thiếu sáng, bạn nên sử dụng đèn flash rời. Đèn flash rời sẽ cho ánh sáng rộng hơn, xa hơn so với đèn flash tích hợp sẵn, tạo ra ánh sáng ổn định hơn song cũng sẽ làm tăng cân nặng và giảm tính di động của máy ảnh.
 
Một lợi ích khác của đèn flash rời là giúp đèn flash nằm cách xa ống kính, giúp giảm hiện tượng mắt đỏ. Đây là một yếu tố quan trọng bởi chế độ giảm mắt đỏ tích hợp sẵn trong máy ảnh thường khá vô dụng, và thậm chí còn có thể gây khó chịu cho người dùng. Một số đèn flash rời thậm chí còn có thể xoay được, giúp bạn phản chiếu ánh sáng lên trần nhà, giúp tạo ra khung cảnh tự nhiên hơn. Cuối cùng, đèn flash rời sẽ tiết kiệm pin cho thân máy hơn, bởi flash rời sử dụng pin của riêng mình.
 
Hãy mua những chiếc máy ảnh cho phép bạn có thể lựa chọn chế độ flash dễ dàng, bao gồm On (bắt buộc bật flash ngay cả khi cảm biến máy ảnh nhận diện đủ ánh sáng trong môi trường), Off (không bật flash, ngay cả khi thiếu sáng) và Slow-Sync (đôi khi còn được gọi là Nighttime – Chụp đêm).
 
Chế độ Slow-Sync khá hữu ích bởi trong chế độ này, máy ảnh sẽ sử dụng tốc độ cửa trập thấp kết hợp với đèn flash, giúp cho các chi tiết trong nền không bị mất. Nếu bạn không thấy chế độ này, hãy thử xem qua các chế độ flash đã được cài đặt sẵn của máy ảnh. Một số máy có tính năng khóa phơi sáng flash (Flash Exposure Lock). Khi sử dụng tính năng này, bạn sẽ lựa chọn các tùy chỉnh nhất định và sau đó "khóa" các tùy chỉnh này lại để chụp ảnh trong một khung cảnh khác.
 

Tự động lấy nét (AF)

 
Khi mua DSLR bạn sẽ phải nghiên cứu khá nhiều về các hệ thống tự động lấy nét của máy. Một trong những điểm đáng lưu ý nhất là số lượng "điểm lấy nét" của hệ thống AF trên máy. Càng có nhiều điểm lấy nét thì máy ảnh càng có thể phát hiện ra mẫu vật lấy nét ở nhiều vị trí trên khung hình.
 
Số lượng điểm lấy nét là rất quan trọng nhưng tốc độ lấy nét của hệ thống cũng rất quan trọng. Ngoài ra, DSLR thường không bị tình trạng "shutter lag" ("trễ cò", nhấn nhò một lúc rồi máy ảnh mới bắt đầu chụp) giống như máy ảnh phổ thông.
 
Để chụp ảnh trên DSLR, trước hết bạn cần nhấn một nửa cò để lấy nét. Quá trình này có thể mất một khoảng thời gian nhất định, tùy vào mỗi loại máy. Khi thử máy tại cửa hàng, điều đầu tiên bạn cần làm bao giờ cũng là thử tốc độ lấy nét.
 
Tự động lấy nét liên tiếp cũng là một tính năng hữu ích, đặc biệt là trong trường hợp bạn chụp mẫu vật chuyển động. Một vài mẫu DSLR còn hỗ trợ cả tính năng tự động lấy nét liên tục trong khi đang quay video. Đây là một tính năng rất tiện dụng, song nếu bạn đang sử dụng microphone gắn ngoài khi quay, video của bạn sẽ có cả âm thanh của ống kính trong quá trình lấy nét.
 

Kích cỡ

 

Máy ảnh DSLR lớn hơn và nặng hơn các loại máy khác rất nhiều, do đó bạn sẽ phải quan tâm tới kích cỡ của máy. Một mẫu DSLR có thể hoàn toàn vừa vặn với tay người này song lại là quá lớn hoặc quá nhỏ trong tay người khác. Nếu bạn kích cỡ và cân nặng là yếu tố quan trọng số 1 của bạn, hãy cân nhắc máy không gương lật sử dụng ống kính rời.
 

Bộ thổi bụi bên trong thân máy

 
Nếu bạn thường xuyên thay ống kính, hãy tìm một model DSLR có tích hợp tính năng thổi bụi. Tính năng này sẽ giúp giữ cho cảm biến của bạn không bị dính bụi, gây ảnh hưởng chất lượng ảnh chụp. Trong trường hợp thường xuyên chụp ảnh ngoài trời, trong môi trường nhiều đất, bụi, bạn vẫn sẽ phải làm sạch máy một cách thủ công.
 

Định dạng file

 
DSLR cho phép tạo ra các bức ảnh chụp định dạng RAW (thu lại tất cả các thông tin từ cảm biến, không nén, không chỉnh sửa). File RAW cho phép bạn chỉnh sửa một cách thoải mái nhất khi sử dụng Lightroom hoặc Photoshop. Tuy vậy, nếu máy ảnh của bạn vừa mới được tung ra thị trường, bạn sẽ phải đợi các nhà phát triển phần mềm hỗ trợ định dạng RAW của mẫu máy ảnh đó.
 
DSLR cũng tạo ra ảnh chụp định dạng JPEG. Bạn có thể xem và chỉnh sửa ảnh JPEG trên bất kì chương trình nào. JPEG là một định dạng nén, giúp ảnh chụp chiếm ít dung lượng hơn, song cũng có chất lượng ảnh kém hơn định dạng RAW.
 

Chế độ chụp liên tục


Nếu bạn thường xuyên chụp tại các sự kiện thể thao, chụp trẻ em, vật nuôi hoặc chụp các mẫu vật chuyển động nhanh, khó đoán trước khác, chế độ chụp liên tiếp tốc độ cao (burst) sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Trong chế độ này, bạn chỉ cần giữ cò để chụp nhiều bức ảnh liên tiếp.
 
Số lượng ảnh bạn có thể thu được trong một lần chụp liên tiếp phụ thuộc vào bộ nhớ đệm của máy (và tốc độ chụp). Khi bộ nhớ đệm đã bị đầy, tốc độ thẻ nhớ sẽ ảnh hưởng tới tốc độ chụp. Do đó, bạn cũng nên cân nhắc đầu tư thẻ nhớ đắt tiền hơn (Class cao hơn) để tăng tốc độ chụp. Trong mọi trường hợp, DSLR phải chụp được ít nhất là 3 khung hình/giây ở độ phân giải cao nhất của cảm biến.
 

Nhận diện khuôn mặt

 
Nếu được trang bị chế độ này, máy ảnh của bạn sẽ nhận diện các khuôn mặt trong khung hình và sau đó tùy chỉnh nét và độ phơi sáng cho các khuôn mặt này. Trong khi tính năng này nghe giống như là một "chiêu trò" quảng cáo của các nhà sản xuất, sự thực là tính năng nhận diện khuôn mặt sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều ở các sự kiện như đám cưới hoặc họp mặt gia đình. Thông thường, tùy chọn này nằm trong menu tự động lấy nét (AF) của máy.
 
Tính năng nhận diện khuôn mặt rất phù hợp cho các khung cảnh thân mật: trong các buổi họp gia đình, bạn bè, bạn sẽ thường quá tập trung vào máy ảnh của mình và do đó rất dễ chụp out nét. Đây cũng là một lợi thế khi chụp cùng flash. Nếu bật tính năng nhận diện khuôn mặt, đèn flash sẽ chỉ tập trung chiếu vào những người có trong khung hình mà không chiếu toàn bộ căn phòng.
 

Bộ nhớ

 
Nếu đã có thẻ nhớ từ trước, bạn có thể chọn máy ảnh tương thích với thẻ nhớ và phụ kiện của mình.
 
Phần lớn các máy ảnh trên thị trường đều sử dụng thẻ nhớ chuẩn SD, một số có thể hỗ trợ 2 chuẩn mở rộng SDHC, SDXC. SDHC có độ lớn tối đa là 32GB, song lại không tương thích ngược với các máy ảnh/thiết bị cũ sử dụng cổng SD thế hệ đầu. Chuẩn SDXC cho phép mở rộng lên tới 2TB, song thẻ nhớ SDXC cũng sẽ không tương thích với các máy chỉ có cổng SD, SDHC cũ.
 
Vấn đề tương thích của thẻ nhớ cũng có thể khiến bạn đau đầu. Một vài mẫu DSLR sử dụng chuẩn MicroSD hoặc MicroSDHC, vốn là các phiên bản cỡ nhỏ của thẻ SD thông thường và không tương thích với các cổng SD loại thường. Một số sản phẩm của Sony sử dụng thẻ nhớ MemoryStick của riêng Sony trong khi Olympus thì lại sử dụng chuẩn XD.
 
Mua và nâng cấp các loại thẻ nhớ ít gặp này có thể rất tốn kém, do đó bạn nên nắm rõ chiếc máy mà mình sắp mua sử dụng chuẩn nào. Tốt nhất, hãy luôn lựa chọn thẻ SD/SDHC bởi bạn có thể dùng các thẻ này trên gần như bất kì chiếc máy ảnh nào có mặt trên thị trường hiện nay.
 

Quay video

 
Phần lớn các mẫu DSLR có mặt trên thị trường đều có tính năng quay video độ phân giải HD. Sử dụng DSLR để quay phim sẽ bất tiện hơn so với máy quay chuyên dụng, nhưng chất lượng video thu được là rất tốt. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng hiệu ứng ống kính máy ảnh để quay video trên DSLR. Video sẽ chiếm nhiều dung lượng thẻ nhớ, do đó trước khi quay bạn phải chuẩn bị sẵn các thẻ có dung lượng cao.
 
Tốc độ thẻ nhớ cũng là khá quan trọng. Thẻ nhớ SD được phân chia thành các Class dựa theo tốc độ; Class càng cao thì tốc độ đọc/ghi càng nhanh. Nếu bạn muốn quay video tốc độ cao (ví dụ như 720p tốc độ 120 khung hình/giây), bạn phải chọn thẻ nhớ Class 4 hoặc 6 trở lên.
 

Pin

 
Loại pin mà DSLR sử dụng cũng rất khác nhau. Một số máy sử dụng pin tiểu, loại không sạc hoặc có thể sạc được. Nhiều model DSLR sử dụng pin sạc đi kèm theo máy, vốn có giá lên tới vài chục USD.
 
Thời lượng pin và giá của máy ảnh không phải lúc nào cũng tương đồng: có những loại giá rất đắt sẽ tiêu tốn pin rất nhanh, trong khi những loại rẻ hơn có thể trụ được trong một vài ngày. Trong mọi trường hợp, mua pin dự phòng luôn là một ý tưởng tuyệt vời. Nếu mua máy sử dụng pin tiểu (AA), bạn sẽ nhận ra rằng việc thay pin quá thường xuyên sẽ làm cho bạn khó chịu.
 

Giao diện

 
Khi đánh giá máy ảnh, bạn cần phải nắm rõ khoảng thời gian cần thiết để thay đổi các tùy chỉnh cần thiết như độ phân giải, flash, chế độ… là bao nhiêu. Nếu máy có quá nhiều nút bấm và giao diện không đủ trực quan, bạn có thể để lỡ mất các khoảnh khắc quan trọng trong lúc loay hoay tìm cách điều chỉnh.
 

Giá bán

 
Các nhà sản xuất đã tung ra rất nhiều lựa chọn DSLR, với giá chỉ từ vài triệu đồng lên tới hơn 100 triệu đồng. Nếu bạn mới bắt đầu học nhiếp ảnh, hãy lựa chọn một chiếc máy ảnh trong tầm giá dưới 25 triệu đồng. Các model này sẽ có các chế độ chụp được cài đặt sẵn, dễ sử dụng. Trên các model này, bạn cũng có thể học tự tạo ra các chế độ chỉnh tay (Manual). Quan trọng nhất, ở tầm giá này bạn vẫn có thể mua được các sản phẩm cho chất lượng ảnh chụp rất tốt với chi phí đầu tư không quá cao.
 
Ngoài ra, nếu có dự định nâng cấp lên các model cao cấp hơn của cùng một nhà sản xuất, bạn có thể cân nhắc mua ống kính và phụ kiện dựa theo một chuẩn nhất định của nhà sản xuất đó (ví dụ, ống kính F-Mount của Nikon) để sử dụng trên các mẫu DSLR tương lai của mình.
 

Kết luận

 
Với tất cả các tiêu chí trên đây, rõ ràng bạn khó có thể kết luận đâu là chiếc DSLR tốt nhất trên thị trường. Do đó, khi mua DSLR, bạn phải cân nhắc tới mức giá, kích cỡ và quan trọng nhất là mục đích sử dụng và nhu cầu của mình. Ngoài ra, một model DSLR có thể có nhiều mức giá trên thị trường, đôi khi sự chênh lệch lên tới vài triệu đồng, do đó hãy tham khảo nhiều cửa hàng trước khi mua.
Tác giả bài viết:
Nguồn tin: (Digital Arts Online/VnReview)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 27 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 4.5/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close