Cố định hình ảnh
Nhà phát minh người Pháp Joseph Nicéphore Niépce đã tạo ra bức ảnh chụp vĩnh cửu đầu tiên vào năm 1822. Ông tráng một bản thủy tinh với bitumen, chất bị cứng đi trong ánh sáng mặt trời. Sau khi đặt bản thủy tinh trong một buồng tối và phơi sáng nó trong 8 giờ, ông rửa sạch đi bitumen mềm, chưa bị phơi sáng bằng dầu hoa oải hương, để lại một hình ảnh vĩnh cửu. Bức ảnh ở đây, Cảnh nhìn từ Cửa số ở Le Gras, là thí dụ xưa nhất còn lưu giữ được của kĩ thuật trên và được chụp hồi năm 1826.
Nhà tiên phong hay kẻ lừa gạt?
Bức ảnh màu đầu tiên xuất hiện chính xác khi nào thì vẫn còn là một bí ẩn. Năm 1851, một giáo sĩ người Mĩ tên gọi là Levi Hill đã công bố rằng ông đã hoàn thiện một kĩ thuật màu. Tuy nhiên, ông từ chối chia sẻ các chi tiết của quá trình của ông cho đến khi ông có bằng sáng chế trong tay. Nhưng chẳng ai hoan nghênh cả và vào năm 1856, cuối cùng ông đã tiết lộ phương pháp của mình – lúc đó, những người đương thời đã tẩy chai và xem ông là kẻ lừa đảo.
Các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Quốc gia Lịch sử nước Mĩ ở thủ đô Washington và Viện Bảo tồn Getty ở Los Angeles sau này đã chứng tỏ rằng kĩ thuật của Hill có thể tái tạo màu sắc một cách thô sơ, nhưng ông còn bổ sung thêm các sắc tố bằng phương pháp thủ công nữa.
(Ảnh: Levi Hill/Information Technology and Society Division, National Museum of American History)
Màu cộng
Cơ sở lí thuyết của nhiếp ảnh màu được thiết lập vào năm 1861. Trong một bài thuyết trình tại Hội Hoàng gia ở London, nhà vật lí và toán học James Clerk Maxwell đã trình bày rằng người ta có thể tái tạo mọi màu sắc trong tự nhiên bằng cách kết hợp màu đỏ, lục và lam.
Ông chứng minh ý tưởng trên bằng cách đưa ba kính chiếu ảnh đen trắng kẻ ô vuông qua những bộ lọc màu đỏ, lục và lam. Sau đó, ông chồng ba ảnh này lên nhau, sử dụng ba máy chiếu – mỗi máy có một bộ lọc màu tương ứng.
Kết quả là một bức ảnh màu trọn vẹn. Bức ảnh trên tái dựng lại hiệu ứng đó, nhưng được tạo ra sau này. Kĩ thuật tổng hợp màu cộng của Maxwell là cơ sở của phần lớn kĩ thuật nhiếp ảnh và in ấn ngày nay.
(Ảnh: James Clerk Maxwell)
Màu trừ
Thay vì hòa trộn những màu cơ bản để tạo ảnh, một phương pháp khác tạo ra ảnh màu là trừ các màu ra khỏi ánh sáng trắng. Kĩ thuật này do nhà nhiếp ảnh người Pháp Louis Ducos du Hauron đi tiên phong hồi cuối thập niên 1860. Ông đặt tên cho nó là kĩ thuật chụp ảnh màu tự nhiên.
(Ảnh: Louis Ducos du Hauron)
Hướng đến trọn quang phổ
Trong những ngày đầu sơ khai của nhiếp ảnh màu, đa số hình ảnh có chất lượng màu sắc nghèo nàn. Bạc halide dùng trong chất nhũ tương nhạy sáng có tính nhạy cao với ánh sáng lam chứ không nhạy với những màu sắc khác.
Nhà quang hóa học và nhiếp ảnh gia người Đức Hermann Wilhelm Vogel đã giải bài toán này vào năm 1873 khi ông phát hiện thấy những chất nhuộm nhất định có thể làm tăng độ nhạy của bạc halide đối với màu đỏ và màu lục.
Ý tưởng của Vogel ban đầu được áp dụng cho phim đen trắng nhưng chúng đã đặt nền tảng cho kĩ thuật nhiếp ảnh màu đích thực trong thế kỉ thứ 20.
(Ảnh: Kodak)
Ảnh màu nổi
Vào cuối thế kỉ thứ 19, nhiếp ảnh màu là một thú vui tao nhã – và phú quý – mà các nhà hóa học muốn chiếm lĩnh. Nhưng vào năm 1895, một nhà phát minh người Mĩ tên là Frederic Ives đã nghĩ ra một phương pháp rẻ tiền hơn và đơn giản hơn để tạo và xem những bức ảnh như thế. Cái gọi là hệ Kromskop tạo ra ba kính chiếu ảnh đen trắng chụp qua những bộ lọc màu, như Maxwell đã làm. Nhưng Ives còn chế tạo một dụng cụ xem ảnh kết hợp ánh sáng từ những hình ảnh này để tạo ra một bức ảnh không chỉ có màu mà còn có ba chiều nữa. Nó nhanh chóng trở nên nổi tiếng nhưng tính bất khả thi việc việc tạo ra ba sự phơi sáng cho từng bức ảnh cuối cùng đã mang đến cái chết của kĩ thuật.
Bức ảnh nổi này là ảnh chụp màu sớm nhất được biết của San Francisco, chụp sau trận động đất năm 1906.
(Ảnh: Viện Smithsonian)
Ảnh màu thương mại
Năm 1907, anh em nhà Lumière tung ra kính ảnh màu Autochrome, một hệ thống xây dựng trên phương pháp cộng màu đã trở thành dạng thức thương mại thành công đầu tiên của nhiếp ảnh màu. Trong 30 năm tiếp sau đó, công ti của anh em nhà họ đã bán ra hàng triệu tấm kính ảnh có khả năng tái tạo màu sắc một cách sống động.
(Ảnh: Helen Messinger Murdoch)
Sự xuất hiện của phim chụp hiện đại
Hạn chế của kính ảnh màu là giá thành cao của nó và đòi hòi thời gian phơi sáng lâu. Vì thế, khi hãng Kodak tung ra một sản phẩm cạnh tranh rẻ tiền hơn, nhạy sáng hơn gọi là Kodachrome vào năm 1935, nó lập tức thành công ngay. Kodak sản xuất Kodachrome cho đến năm 2009 thì dừng, vì nhu cầu giảm sút do sự sử dụng rộng rãi của nhiếp ảnh kĩ thuật số.
(Ảnh: Chalmers Butterfield)
Nguồn: New Scientist
Ý kiến bạn đọc