Mình chụp ảnh đường phố khá nhiểu, trong đó ảnh chụp bằng điện thoại nhiều hơn cả trong vài năm qua và mình cũng luôn khích lệ anh em sử dụng tối đa khả năng của cái máy ghi hình mình đang có, dù là máy gì, hãng nào, dẫu cho đó chỉ là cái điện thoại "cùi" nhưng đủ hài lòng và dùng tốt nó. Mình cũng luôn tự thấy mình vẫn chỉ là người đang tâp tành, nên mượn bài viết của nhiếp ảnh gia đường phố Romanas Naryškin cho anh em nào thích chủ đề này và đang bắt đầu có ý chụp loại ảnh đường phố này.
Dẫn nhập
Trong khi những người chụp phong cảnh thường thấy mình đơn độc, lầm lũi câu ảnh hoặc những người chụp ảnh thể thao luôn trong tư thế chăm chú chuẩn bị sẵn sàng chĩa chiếc ống kính to đùng về phía người khác, thì việc chụp ảnh những con người ngẫu nhiên ở những chỗ công cộng là một tiến trình đôi khi lại phải dè dặt.
Tôi tin chắc là nhiều người trong chúng ta đã phải tiếc nuối vì máy ảnh vẫn nằm nguyên trong túi xách khi đứng trước những tình huống thú vị hằng ngày. Trong bài viết này, tôi sẽ đưa ra một số mẹo chụp ảnh đường phố dành cho người mới bắt đầu. Mong rằng sẽ giúp bạn bắt đầu sử dụng máy ảnh của mình cách thoải mái hơn, chẳng phải lo lắng khi chạm trán với các đối tượng.
1. Chụp ảnh đường phố là gì ?
Cơ bản, chụp ảnh đường phố là một thể loại nhiếp ảnh ngẫu nhiên được thực hiện tại những nơi công cộng, như là trên một đường phố, trong một quán ăn hay thậm chí cả trên một phương tiện vận tải công cộng. Điều này tương tự như cách chụp ảnh phóng sự và hầu hết liên quan đến con người (và/hoặc động vật) tại một nơi nhộn nhịp đông đúc (mang lại một bối cảnh thuật chuyện), như một thành phố chẳng hạn. Tuy nhiên, những người chụp ảnh đường phố thường tập trung vào cuộc sống hằng ngày của những người xa lạ, thay vì một số loại sự kiện quan trọng mà các phóng viên chụp ảnh phóng sự báo chí quan tâm nhiều hơn. Thông thường, những người chụp ảnh đường phố cố gắng hết sức để giữ mình không bị để ý trong lúc chụp ảnh.
Mục đích của chụp ảnh đường phố là nắm bắt những cảnh tượng, không bị tác động bởi người thực hiện, từ đó đưa ra một câu chuyện và chủ đề tự nhiên. Câu chuyện và chủ đề có thể là khía cạnh quan trọng nhất của một bức ảnh đẹp về đường phố. Henri Cartier-Bresson, với ống kính tiêu cự 50mm luôn gắn trên máy, được xem là nhiếp ảnh gia đường phố nổi tiếng nhất mọi thời, “cha đẻ của nhiếp ảnh báo chí”, có lần đã nói : “Trước hết, tôi khao khát nắm bắt cho được tất cả những gì cơ bản, trong phạm vi một bức ảnh chụp tình huống đang mở ra trước mắt tôi”.
Chụp ảnh đường phố là chủ đề mà những ai chụp ảnh đều luôn có một sự thúc dục hết sức tự nhiên là cố gắng ghi lại hình ảnh cuộc sống đang cuộn chảy chung quanh. Chúng ta thường thấy mình, trong vai những người quan sát, bị cuốn vào một số tình huống và để ý đến những chi tiết thú vị của những con người trên đường phố. Tuy nhiên, cầm máy ảnh bấm chụp lưu giữ lại được những khoảnh khắc ấy là một việc rất khó. Ghi nhận và kể lại một câu chuyện thông qua ảnh chụp là một trong những việc rất khó thấu triệt trong chụp ảnh đường phố. Chủ yếu nó liên quan đến vấn đề “không-chỉ-có-vậy” của việc chụp ảnh vì trong thực tế nó phong phú đầy đủ ý nghĩa hơn mấy tấm ảnh được kể.
2. Dám nghĩ dám làm
Việc gì bạn phải cứ phải mãi loay hoay đến chuyện máy ảnh với những thủ thuật phức tạp về chụp ảnh, trừ một điều là sự thôi thúc chính mình chụp ảnh. Bạn sẽ thấy chẳng có vẻ gì là ghê gớm khi đọc được bài viết này, nhưng một khi bạn đã đặt chân ra đường phố, thì mọi sự có thể sẽ trở nên ít thoải mái hơn. Tất nhiên, thỉnh thoảng người ta có thể mỉm cười với bạn hoặc chẳng chút quan tâm gì đến máy ảnh của bạn, vậy thì càng hay. Nhưng có lúc bạn có thể bắt gặp mình rơi vào tình huống ít thân thiện hơn.
Bạn có thấy bức ảnh ở trên đây không ? Hai thanh niên ở bên phải đang lầm bầm chửi rủa gì đó về phía tôi trong khi vẫn còn cách xa hàng trăm mét. Tôi đã không đặt máy ảnh xuống, thật khó mà làm vậy. Rốt cuộc họ đã trở thành những đối tượng thú vị và tôi thích sự tương phản về mặt cảm xúc giữa họ và người phụ nữ lớn tuổi kia. Thật thú vị khi bức ảnh ấy còn mang lại cho tôi ý tưởng như là đang mang theo bên mình một người bạn bất cứ lúc nào tôi muốn chụp vài bức ảnh đường phố.
Ngay cả khi không thỏa thuận được với kiểu người quá khích, thì phải can đảm lắm mới xâm nhập được vào không gian riêng tư của ai đó để chụp ảnh họ mà không cần phải xin phép. Hãy suy nghĩ về những động lực của bạn. Sao bạn lại chụp những bức ảnh ấy ? Chẳng lẽ bạn đang làm điều gì đó sai chăng ? Bạn có sẽ nổi nóng hay bực tức khi nhìn thấy ai đó đang chụp ảnh bạn không ? Hà cớ gì mà một người có thể nổi nóng với bạn vì bạn chụp ảnh, trừ phi bạn khiến họ bực tức.
Điều quan trọng là phải biết cư xử một cách thân thiện và đừng làm cho các đối tượng nổi khùng lên. Dây mình vào một cuộc xung đột có thể ngầm ngấm phương hại đến tâm trạng trong ngày của bạn lẫn đối tượng. Hãy cố gắng tỏ ra thân thiện và biết quan tâm, mỉm cười với người đang để ý bạn – cứ giấu giấu diếm diếm thì có thể dẫn đến ngờ vực. Hãy chắc chắn là bạn không làm gì bất hợp pháp. Hãy đọc kỹ bất cứ qui định nào của luật pháp về chụp ảnh nơi công cộng. Đa số các quốc gia đều cho phép chụp ảnh. Đôi lúc bạn có thể được những người có thẩm quyền ủng hộ khi bạn chẳng làm điều gì sai trái – hãy luôn tự tin. Tuy nhiên, chụp ảnh trẻ em, chẳng hạn, có thể đẩy bạn vào rắc rối. Các luật liên quan đến trẻ em thường nghiêm ngặt hơn.
Tất nhiên có thể bạn muốn chọn một phương pháp khác và sẵn sàng xin phép để được chụp ảnh ai đó. Trong khi có thể làm gián đoạn diễn biến tự nhiên của sự kiện (hãy nhớ kỹ, không ai có thể bảo đảm bất cứ thứ gì đáng chú ý sẽ xảy ra đầu tiên), một số người làm cho các đối tượng thích thú, thậm chí còn cố ý tạo dáng để được chụp ảnh.
Nếu vẫn cảm thấy khó khăn, nhưng thực sự cứ muốn thử chụp ảnh đường phố, thì bạn hãy bắt đầu từ những tình huống đơn giản. Tránh tất cả các trường hợp bạn thấy đối tượng đang đối diện với mình. Sau hết, hãy dùng những cách xử trí đơn giản để đừng quá tập trung vào sự dè dặt của mình. Thử nghe bản nhạc ưa thích nhất trong khi ra ngoài, chẳng hạn. Việc này có thể giúp bạn cảm thấy mình như một người quan sát cuộc sống chung quanh, thay vì là một thành phần trong đó, và giữ cho bạn khỏi bất cứ phản ứng không mong muốn nào.
3. Được thôi…Nhưng sẽ ra sao nếu tôi không muốn mình bị để ý ?
Thật dễ giữ mình để khỏi lộ diện hơn khi đã học được cách phản ứng vào lúc bị bắt gặp đang chụp ảnh. Lối cư xử tự nhiên ít lôi kéo sự chú ý hơn. Trước tiên, hãy học biết tiên liệu. Điều này sẽ giúp bạn rời mắt khỏi máy ảnh lâu hơn, nhưng lại cho phép bạn nắm bắt được khoảnh khắc quyết định. Hãy nhìn mọi vật chung quanh. Nhìn những gì mọi người đang làm, nơi họ đang đi và ai là người mà họ có thể gặp trên đường. Cũng cần để ý đến những gì đang bao quanh bạn. Hãy tìm những hình thù, màu sắc, những áp-phích quảng cáo thú vị và những đối tượng phụ. Nhanh chóng bước vào một vị trí thích hợp. Nếu không được, hãy cứ di chuyển loanh quanh. Cuối cùng, khi có thể là lúc câu chuyện mở ra, hãy nhanh tay chụp. Hãy có những cài đặt chính xác ngay cả trước khi bạn bắt đầu, và, nếu có thể, cứ lấy nét sẵn cho một khoảng cách đã được dự liệu trước - việc này sẽ tiết kiệm cho bạn những giây quý giá. Đến đây, những gì còn lại cần làm là nâng máy ảnh lên và bấm máy.
Bạn cũng có thể thực hành thêm các kỹ thuật giữ cho mình kín đáo bằng cách chụp từ ngang hông với máy ảnh có dây đeo. Chỉ việc che ống kính lại, chọn một khoảng cách phù hợp từ ống kính đến tiêu điểm để bảo đảm mọi thứ đều nằm trong khoảng cách lấy nét hợp lý, và hướng thẳng máy ảnh vào đúng hướng rồi chụp. Theo thời gian, bạn sẽ tự tìm ra cho mình những hiểu biết tốt hơn về ống kính đang sử dụng. Lúc ấy bạn cũng sẽ xử lý bố cục một cách tự tin hơn.
Giả như, do tình cờ, bạn bị để ý và không cảm thấy được tươi cười khi đưa ra lời xin lỗi, thì đừng rời máy ảnh khỏi mắt sau khi đã chụp. Chỉ việc tiếp tục chụp những thứ chung quanh bạn, hoặc làm ra vẻ như vậy. Đồng thời tắt luôn chức năng lấy nét tự động – đối tượng có thể không nhận ra bạn vừa chụp ảnh họ. Luôn nhớ - những người trên đường phố rõ ràng là ngại nói chuyện với bạn cũng giống như bạn ngại chụp hình họ vậy. Có thể họ sẽ cố làm bộ như không nhìn thấy bạn.
4. Tôi nên dùng loại máy ảnh nào ?
Bây giờ bạn đã sẵn sàng ngang dọc trên đường phố rồi, đây là lúc chọn công cụ tốt nhất cho công việc. Loại máy ảnh và ống kính nào bạn nên mang theo ? Tắt một lời – hãy dùng bất cứ máy ảnh nào bạn đang có. Nếu là một chiếc máy DSLR cỡ lớn – thì tốt cho bạn, nhưn nếu là một chiếc máy du lịch hay là một điện thoại thông mình chỉ có độ phân giải 5 megapixel – cũng đủ để có ảnh tuyệt vời. Điều quan trọng là bạn làm chủ cái máy ảnh / điện thoại của mình, thao tác lanh lẹ, tuỳ chọn (nếu có) phù hợp nhất có thể trong từng tình huống.
Ảnh đường phố được biết đến với những chiếc máy ảnh Leica dùng film. Nhưng, hôm nay là lúc mà hàng loạt máy ảnh không gương lật xuất hiện, hàng loạt điện thoại thông minh đủ khả năng ghi hình cảnh đường phố. Chất lượng cao, nhanh nhạy, kích thước nhỏ và không gây tiếng ồn, đáp ứng đủ tiêu chí để bạn thực hiện chủ đề ảnh của mình. Hãy nhớ là do trọng lượng, kích cỡ và dáng dấp cồng kềnh, chiếc DSLR sẽ đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn để giữ cho mình ít bị phát hiện khi đi ngoài phố.
Ống kính máy ảnh nào phù hợp cho chụp ảnh đường phố từng gây ra một cuộc tranh luận thú vị. Có những người chụp ảnh tin tưởng việc sử dụng ống kính tiêu cự dài và chỉ việc đứng chụp từ xa giúp họ không bị để ý và bảo đảm đối tượng chụp vẫn luôn tự nhiên. Riêng tôi cho rằng đó là một phương pháp có phần hơi không ổn, nên tôi không bao giờ dùng một ống kính có độ dài tiêu cự quá 85mm (có trên máy ảnh FF) vào việc chụp ảnh đường phố. Hãy tưởng tượng một người chụp ảnh chĩa một chiếc ống kính khổng lô 70-200mm về phía bạn từ bên kia đường phố thử xem ! Tôi chẳng thấy ai lấy làm vui sướng vì việc đó cả. Hãy nhìn thẳng vấn đề - máy ảnh kích cỡ lớn quả là không ổn đối với ai không phải là người chuyên chụp ảnh.
Tất cả những ống kính đen trắng to đùng đều đáng sợ và khó làm cho đối tượng chụp của bạn mỉm cười được, chứ chưa nói đến việc chẳng mang lại chút thân thiện nào với người lạ. Đó là một trong những lý do tại sao nhiều người chụp ảnh đường phố tay nghề cao lại thích những ống kính nhỏ, góc rộng có chất lượng tốt nhất. thường là tiêu cự từ 20mm - 35mm (FF). Ngoài một số chi tiết khác ra, loại ống kính như thế cũng giúp cho việc duy trì sự kín đáo. Tuy nhiên, lợi thế hàng đầu của một ống kính góc rộng chính là cảm giác về ý nghĩa của sự có mặt, sự hiện diện của người chụp trong bối cảnh. Một phối cảnh từ xa được nhìn thấy qua ống kính góc rộng luôn lôi kéo người sử dụng nhập cuộc, làm cho họ cảm thấy như thể mình đang ở trong bức ảnh được chụp. Như thể họ là một phần của câu chuyện đang mở ra. Một ống kính như vậy cho phép có được nhiều hậu nền hơn, mà nói đúng ra chính là bối cảnh. Nhìn vào một hình ảnh bằng ống kính 200mm có cảm giác như bạn đang nhìn một vật gì đó ở rất xa. Hoàn toàn khác với việc đứng ngoài để quan sát. Vì thế, tôi thường chọn một ống kính góc rộng, trong phạm vi từ 50mm đến 24mm hặc thậm chí nhỏ hơn. Sở thích của bạn có thể thay đổi.
5. Thiết lập máy ảnh
Khi chụp mấy bức ảnh đường phố, tôi thích chụp chế độ A ưu tiên khẩu độ và gia giảm EV tuỳ bối cảnh ánh sáng. Nếu tôi muốn chụp một người đang đi bộ xuống phố, nhưng lên khung cho bức chụp của mình sao cho có được nhiều nền trời bên trong mà bối cảnh hơi thiếu sáng thì sẽ tăng EV chẳng hạn. Nhưng nếu tôi muốn bắt dính những chuyển động, tôi sẽ ưu tiên tốc độ với chế độ S, chọn tốc độ từ 1/250s trở lên.
Tùy theo các kết quả sau đó, bạn sẽ muốn chọn một tốc độ chụp khá nhanh để bắt dính chuyển động lại. Ban ngày thì chẳng có vấn đề gì, nhưng ngay khi mức độ ánh sáng bắt đầu giảm dần thì việc chọn một ISO cao hơn sẽ trở thành thiết yếu. Hãy xem 1/200 giây gần như là độ nhạy tối thiểu cần chọn. Đôi lúc, có thể bạn giảm bớt tốc độ chụp xuống với ý đồ chụp một chuyển động mờ nhoè chung quanh đối tượng cố định, tách riêng nó nổi bật khỏi bối cảnh, thì bạn có thể chụp tốc độ màn trập chậm hơn tuỳ ý.
6. Về độ sâu trường ảnh (dof)
Độ sâu trường ảnh không được sâu cũng vẫn là những bức ảnh đơn giản trông rất đẹp. Một ống kính 50mm f/1.8 chụp một chiếc giày cũ – dof mỏng trông rất tuyệt, dẫu chỉ là một chiếc giày. Nhưng với chụp ảnh đường phố, độ sâu trường ảnh không được sâu thì khó để bức ảnh tốt được. Với máy ảnh có thể điều chỉnh khẩu độ, bạn chọn khẩu độ đủ nhỏ (f/4 - f/16 tuỳ tình huống) để có trường ảnh đủ sâu, với điện thoại thì không phải lo lắng điều này vì chụp một trung cảnh đến đại cảnh thì trường ảnh luôn rất sâu.
Độ sâu trường ảnh đủ sâu - khoảng ảnh rõ dày - giúp mang lại nhiều bối cảnh cho câu chuyện hơn, theo nghĩa đen. Thi thoảng bạn có thể để ý thấy mình ghi được nhiều đối tượng thú vị trong khung hình thay vì Dof mỏng xoá mù mịt hậu cảnh.
7. Chất lượng hình ảnh
Trong chụp ảnh đường phố, chất lượng ảnh lại chiếm vị trí thấp trong bảng đánh giá. Đối tượng, phong thái, câu chuyện, ánh sáng và bố cục – tất cả những thứ đó đều quan trọng nền tảng hơn độ sắc nét cao và độ nhiễu thấp... như các bác review đánh giá. Hiểu đúng được tất cả những điểm đã nêu sẽ dẫn đến những bức ảnh tuyệt vời, thậm chí có chút gì đó không rõ ràng và bị nhiễu. Tuy nhiên, ngay cả hình ảnh sắc nét nhất cũng vô dụng nếu chẳng có gì để xem thực sự, ngoại trừ chi tiết chính xác và màu sắc rõ ràng.
Một chiếc máy đủ dùng, có khả năng bắt dính khoảnh khắc khi cần thiết, và quan trọng là có ánh sáng tốt, câu chuyện thú vị và bố cục xuyên suốt, nội dung truyền tải rõ ràng, ý tưởng mới mẻ... thì có nhiều khả năng bạn thấy sung sướng về những gì bạn đã làm.
8. Lời kết
Lang thang tìm kiếm chủ đề và hãy tập trung chụp. Đừng nản lòng khi gặp khó khăn trong việc tìm cách tiếp cận chụp hình người xa lạ mà bạn gặp. Bạn có thấy một ai đó đang ăn uống trên đường phố không ? Hoặc một ai đó đang đọc báo và không nhìn đường họ đang đi không ? Có người nào đó đang đi vào ngõ phố vắng vẻ không ? Hãy cố gắng tìm cho được một bối cảnh đẹp cho các bức ảnh của bạn, tìm cho ra ánh sáng hấp dẫn để làm nổi bật đối tượng chụp của bạn, có thể tách họ ra khỏi phần còn lại của thế giới chung quanh.
Quan trọng hơn cả, hãy nhanh chóng nâng máy ảnh của bạn lên và không một chút nghi ngờ cũng như không bỏ lỡ giây phút chủ chốt, “khoảnh khắc quyết định”, như Henri Cartier-Bresson khao khát.
Ý kiến bạn đọc