VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Cách "Chụp Ảnh Đường Phố" trong 31 ngày với Eric Kim

Đăng lúc: . Đã xem 7956 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Chụp ảnh ban ngày
Cách "Chụp Ảnh Đường Phố" trong 31 ngày với Eric Kim

Cách "Chụp Ảnh Đường Phố" trong 31 ngày với Eric Kim

Trước khi chụp ảnh đường phố, lúc nào tôi cũng bị những người khác chung quanh gây áp lực, phiền hà. Nếu bạn cũng gặp phải vấn đề như vậy, hãy bảo vệ quyền lợi của mình và giữ vững lập trường
Nhận thấy đây là chủ đề chụp ảnh không dễ, cần học hỏi kinh nghiệm của nhiều người khác, mỗi người mỗi chút, nên xin chuyển dịch giới thiệu anh em bài chia sẻ của Eric Kim, một nhiếp ảnh gia đường phố người Hàn khá quen thuộc với anh em.

Dark-Skies-Over-Tokyo-2.jpg

Mở đầu bài chia sẻ, Eric Kim nói:
Nhiếp ảnh đường phố đã giúp tôi trở nên một con người tốt hơn. Trước khi chụp ảnh đường phố, lúc nào tôi cũng bị những người khác chung quanh gây áp lực, phiền hà. Nếu bạn cũng gặp phải vấn đề như vậy, hãy bảo vệ quyền lợi của mình và giữ vững lập trường. Điều này không chỉ hữu ích cho việc chụp ảnh đường phố của bạn, nhưng còn cho chính cuộc sống riêng tư của bạn nữa.

LỜI MỞ ĐẦU

"Bạn bỏ lỡ mất 100% những cú ghi bàn mà bạn không thực hiện."
[Wayne Gretsky, một cầu thủ khúc côn cầu nổi tiếng]
Đối với lĩnh vực nhiếp ảnh đường phố, một trong những vấn đề lớn nhất mà hầu hết những người mới vào nghề là làm sao để vượt qua nỗi sợ của họ lúc ban đầu, khi chụp ảnh những con người xa lạ giữa chỗ công khai (mà không xin phép).

Chụp ảnh người không quen biết mà không xin phép thì đúng là lạ thật. Phần lớn các xã hội trên thế giới đều dạy việc chụp ảnh một người lạ mà không được phép của họ thì không đúng đắn về đạo lý. Quả thực chúng ta được thích nghi theo xã hội chống lại việc làm ấy đến nỗi phải lo lắng về những hậu quả xảy đến, nếu làm như vậy. Chúng ta lo sợ những bức ảnh chúng ta chụp người khác có thể trở thành cớ gây ra sự thù ghét, chửi mắng dành cho chúng ta, hay thậm chí còn gọi cảnh sát để xử lý chúng ta nữa. Do đó, những người “bình thường” không ai đi chụp ảnh người lạ mà không xin phép cả—thế nhưng đã có ai bảo người chụp ảnh đường phố là người “bình thường” đâu ?

Nếu có thể đưa ra con số ước lượng, rõ ràng là tôi đã chụp trên 300.000 bức ảnh đường phố trong 5 năm vừa qua trên các đường phố. Trong số những bức ảnh ấy, chỉ có ba lần tôi vấp phải phản ứng tiêu cực. Lần thứ nhất, tôi gặp một ông lão túm lấy cánh tay tôi và hỏi tôi làm gì vậy, lần thứ hai là một người đàn ông ở khu buôn bán Los Angeles tìm cách giật chiếc máy ảnh khỏi tay tôi, và lần thứ ba một lão võ sư người Tàu (đang cỡi xe đạp) giáng một đòn karate vào gáy tôi sau khi tôi chụp ảnh ông ta vào ban đêm với đèn flash. Chẳng cần nói thêm thì các bạn cũng biết là tôi vẫn còn sống (và rất mạnh khỏe) và chưa hề bị đấm đá, bị đâm chém hoặc bị giết (vẫn chưa). Do đó, giả như bạn đưa 3 trải nghiệm tiêu cực kia ra so sánh với 300,000, thì chỉ mới là 0,001%-- một tỉ lệ chẳng nghĩa lý gì cả. Người ta ai cũng có thể bị xe cán, bị chết trong một tại nạn máy bay hoặc trúng số kia mà. Biết đâu được.

Nhưng ngoài những gì vừa kể, tôi hiếm khi gặp chuyện rắc rối trong việc chụp ảnh những người xa lạ. Tôi có thể lý giải là đa số những bức ảnh tôi chụp người khác — có người lấy làm vui thích, vinh dự, nhưng cũng có người cho là tầm thường. Tuy nhiên. Mọi thứ đều tùy thuộc vào cách bạn thực hiện. Nếu bạn làm một cách vụng trộm và bị “bắt quả tang”– người ta sẽ nổi cáu ngay. Nếu bạn làm một cách công khai, ngay thẳng, và nụ cười luôn nở trên môi—người ta sẽ chẳng cảm thấy bất cứ sự khó ưa nào từ phía bạn. Hãy chắc chắn là bạn sẽ gặp một số người nhìn bạn với ánh mắt thích thú nhưng cũng sẽ có những người yêu cầu bạn phải xóa bức ảnh chụp họ—nhưng nếu những điều đó không bao giờ xảy ra, thì còn tệ hơn nhiều.

Với mục đích của cuốn sách này, tôi muốn lập ra một tiến trình 30 ngày trong đó bạn có thể vượt qua nỗi sợ khi chụp ảnh đường phố. Tôi là một người đề xuất khá thành công ý tưởng về tri thức “mở”—những thông tin được chia sẻ rộng rãi và vô tư với những người khác. Khi mới bắt đầu chụp ảnh đường phố, việc vượt qua nỗi sợ là thử thách gay go nhất đối với tôi. Bây giờ thì tâm hồn tôi đã nhẹ nhàng thư thái khi chụp một bức ảnh, thậm chí có lúc chỉ cách chủ thể có 25 phân.

Hãy bắt đầu một cách thoải mái vào một ngày nào đó mang lại cho bạn cảm giác thư thái nhất, và cũng hãy cảm thấy thanh thản khi bỏ qua đôi chút những gì chung quanh, nếu bạn muốn. Diễn tiến có thể gặp nhiều khó khăn (từ ngày đầu tiên bạn rất sợ chụp ảnh ảng đường phố cho đến ngày cuối cùng bạn không còn sợ nữa).

Nói gì thì nói, việc chỉ đọc tập sách này thôi thì cũng không giúp bạn vượt qua được nỗi lo sợ khi bắt đầu chụp ảnh đường phố. Bạn có thể đọc hằng trăm cuốn sách dạy bơi lội, những bạn sẽ chẳng thực sự học được gì trừ khi bạn nhảy xuống nước. Do đó, tôi gợi ý với bạn là sau mỗi chương, bạn hãy đi ra ngoài chụp ảnh và cứ tiến hành một số thử nghiệm.




NGÀY THỨ NHẤT
HÃY XÁC ĐỊNH BẠN ĐANG SỢ ĐIỀU GÌ?


Nếu muốn vượt qua nỗi sợ khi muốn chụp ảnh đường phố, trước hết bạn cần phải tìm hiểu thấu đáo lý do tại sao bạn sợ chụp ảnh những người xa lạ trên đường phố. Có phải bạn sợ người ta cho bạn là một kẻ đáng ghét ? Sợ bị bắt giữ ? Sợ người ta thù hằn ?

Thế thì bạn hãy ngồi xuống và viết ra một liệt kê tất cả những lý do tại sao bạn sợ chụp ảnh đường phố. Sau đó hãy chọn ra 3 lý do quan trọng hơn cả và viết ra ý tưởng của mình. Những nỗi sợ mà bạn viết ra có thực sự hợp lý không ?

Dưới đây là liệt kê những điều có thể bạn đã viết ra:
  • Sợ bị bắt
  • Sợ bị hành hung
  • SỢ bị cho là “hâm”
  • Sợ máy ảnh bị người ta đập vỡ
  • Sợ bị chửi rủa
  • Sợ phải bắt gặp những ánh mắt khó hiểu của người khác.
Tôi xin chia sẻ tất cả những nỗi sợ tiềm tàng dựa vào kinh nghiệm bản thân tôi trong việc chụp ảnh đường phố hơn 5 năm qua.

1. Sợ bị bắt
Tùy quốc gia mà bạn đang có mặt, hãy tìm hiểu kỹ các luật lệ về chụp ảnh đường phố và hãy am hiểu triệt để. Nếu đang ở Mỹ, thì có một qui định đầy đủ về những gì có thể làm nơi công cộng. Hãy in ra để biết rõ quyền lợi của bạn và luôn mang theo bên mình.

2. Sợ bị hành hung
Tôi có bao giờ nghe nói một người chụp ảnh đường phố nào đó bị đánh trọng thương do chụp ảnh những người lạ trên đường phố đâu. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi đã chỉ gặp ba tình huống hiếm hoi bị người ta động chân động tay đôi chút. Không có tình huống nào gọi là nghiêm trọng cả. (nhưng ở Việt Nam – hãy coi chừng bị cướp giật, có khi còn bị hành hung trên đường, dẫn đến tai nạn! – ND)

3. Sợ bị người khác cho là “hâm”
Đây là điều mà bạn sẽ phải “chung sống” với nó thôi. Nói cho cùng, thì làm quái gì mà phải bận tâm đến chuyện người khác nghĩ làm gì kia chứ ? Sau đây là một trích dẫn tuyệt vời mô tả việc bình phẩm, chỉ trích :

Nếu nhận ra mình đang bình phẩm chỉ trích người khác, rõ ràng là bạn chơi không đẹp rồi. Khi thấy ai đó sống cuộc sống của họ một cách chân thực mà ta cảm thấy như muốn điên lên, thì đúng là ta đã không sống đúng cuộc sống của mình rồi đấy. – trích Nghệ Thuật Đấu Tranh (Art of War).

4. Sợ bị đập vỡ máy ảnh
Ở đây cũng vậy, nói chung, người ta không phải ai cũng hiếu chiến. Giả như có ai đó muốn gây sự, chỉ việc đáp lại bằng cách xóa hết những ảnh chụp họ đi. Việc này thường làm cho hầu hết những người như thế bỏ qua cho bạn.

5. Sợ bị chửi rủa
Như người ta thường nói, “Gậy gộc và đá có thể khiến tôi gãy xương, nhưng lời nói thỉ chẳng bao giờ có thể làm tôi bị thương được”. Nếu ai đó chửi rủa bạn vì chụp ảnh họ, hãy nghĩ đến những tác động của chúng. Tất nhiên có thể bạn cảm thấy mình có lỗi, nhưng rốt cuộc những chửi rủa đó có thực sự gây tổn hại cho bạn không ? Có làm cho bạn bị thương tổn về mặt thể lý không ? Hãy nhận thức cho rõ là vào cuối ngày bạn vẫn còn sống, và cuộc sống của bạn sẽ tiếp diễn.

6. Sợ phải bắt gặp những ánh mắt khó hiểu của người khác
Bất cứ khi nào có người nhìn bạn một cách khó hiểu, bạn chỉ việc mỉm cười đáp lại. Cách này xóa tan mọi cảm giác e ngại nơi người đó.
Hãy suy nghĩ thật kỹ về những nỗi lo sợ của bạn đối với việc chụp ảnh đường phố. Chúng thực tế hay viển vông ?



NGÀY 2
XIN PHÉP


Mặc dù nhiếp ảnh đường phố nên được chụp một cách hồn nhiên vô tư và không cần phải được phép, nhưng xin phép là một cách làm tốt để bạn trực tiếp đối đầu với những nỗi sợ của mình. Tôi nhớ lại lần đầu mới chụp ảnh trên đường phố, tôi cứ đinh ninh mọi người rất ghét bị chụp ảnh. Tuy nhiên, tôi muốn tìm hiểu người ta sẽ phản ứng như thế nào nếu tôi xin họ được chụp, nên đã ra khỏi nhà và đích thân thử xem sao.

Theo kinh nghiệm, nếu tôi vừa xin người ta cho phép được chụp ảnh họ vừa nở một nụ cười trên môi, thì có khoảng từ 80 đến 100% người ta sẽ đồng ý. Khi đã cảm thấy tự nhiên để xin phép người lạ được chụp ảnh họ, bạn sẽ bắt đầu dần dà trở nên có quyết tâm chụp ảnh họ mà không phải xin phép.

Để bắt đầu, dưới đây là một số cách để bạn có thể tiếp cận người khác và xin phép họ để chụp ảnh :

Xin lỗi, bạn (cách xưng hô có thể thay đổi tùy theo đối tượng - ND) có gương mặt thật khả ái. Bạn có phiền khi tôi chụp một bức ảnh không ?

Xin cảm phiền, tôi là một sinh viên thực tập nhiếp ảnh và một trong những bài tập của tôi là chụp ảnh những người có gì đó rất thu hút. Bạn có phản đối khi tôi chụp một bức ảnh không ?

Tôi biết việc này có vẻ hơi kỳ cục, nhưng tôi hoàn toàn bị hấp dẫn bởi đôi mắt của bạn. Bạn có lấy làm phiền khi tôi chụp một bức ảnh không ? 

Bạn có một nụ cười thật rạng rỡ. Bạn vui lòng cho tôi chụp một bức ảnh nhé ?

(nếu bạn nhìn thấy một ai đó ăn bận một cách thú vị) Ô, tôi chưa bao giờ thấy ai mặc một bộ trang phục ấn tượng như bạn. Bạn có phiền khi để tôi chụp một bức ảnh không ?

Tôi đã từng chụp nhiều bức ảnh những người ăn bận cực kỳ bắt mắt trên các đường phố. Bạn vui lòng để cho tôi chụp bạn một bức ảnh nhé ?

Khi dùng những câu nói như thế, bạn đang giải thích một cách chính xác lý do bạn muốn chụp ảnh người khác trên đường phố. Miễn là bạn không khiến người khác tưởng bạn có ý định gì đó có vẻ thâm hiểm và tỏ ra cho thấy bạn vô hại, thì người khác sẽ không phản đối việc bạn chụp ảnh họ đâu. Nếu có chăng, thì đó là người ta thích có được bức ảnh chụp họ (trong trường hợp họ nhận nó để chứng tỏ họ lấy làm thích thú về việc bạn chụp ảnh cho họ).


NGÀY 3
TRÁNH TIẾP XÚC BẰNG MẮT


Có bao giờ bạn đi ra ngoài và cảm thấy khó chịu khi một ai đó nhìn bạn không ? Hoặc khi ngoái lại, bạn bắt gặp có người đang nhìn theo bạn ? Một khi thấy bạn để ý, họ liền quay nhìn chỗ khác ngay.

Là con người, chúng ta có trực giác khá đặc biệt khi có ai đó nhìn mình. Thậm chí chúng ta còn có thể cảm nhận được từ khóe mắt khi có ai đó liếc nhìn chúng ta nữa kia. Do đó, bạn có thể vận dụng điều đó để làm lợi thế cho mình. Đừng nhìn trực diện người khác hoặc để cho ánh mắt giao nhau nếu bạn không muốn bị để ý khi chụp ảnh đường phố. Hãy làm như bạn đang nhìn đâu đâu ấy.

Tuy nhiên, cần lưu ý là việc này chỉ nên được sử dụng như một bước đầu để vượt qua nỗi sợ của bạn đối với việc chụp ảnh đường phố mà thôi. Ở cuối tập sách này, tôi động viên bạn hãy giao tiếp với các chủ thể bằng mắt.


NGÀY 4
CHỤP TỪ NGANG HÔNG


Chụp từ ngang hông là cách chụp rất hay để bắt đầu chụp ảnh đường phố thoải mái mà không cần xin phép người khác. Chụp từ ngang hông là sao ? Cơ bản đây là một kỹ thuật qua đó bạn chụp ảnh với máy ảnh của bạn được đặt ngang hông hoặc một bên người mà không đưa ống ngắm lên ngang mắt. Ưu điểm của kỹ thuật này là người khác không nhận ra bạn đang chụp ảnh họ. Ngay giây đầu tiên bạn đưa máy ảnh lên ngang mắt, người ta biết ngay là bạn đang định chụp ảnh họ rồi.

Vậy, làm thế nào để bạn chụp từ ngang hông mà không bị để ý ? Thứ nhất, bạn giữ máy ảnh bằng cả hai tay và giữ nó ngang thắt lưng. Thứ hai, khi chụp từ ngang hông, bạn không cần phải nhìn thẳng vào máy ảnh. Tốt hơn, là hãy nhìn ra đâu đó. Thứ ba, bạn phải bảo đảm các thiết đặt của máy ảnh đều chính xác và đang sử dụng đúng loại ống kính.

Nếu đang chụp bằng một chiếc DSLR, tốt nhất bạn nên sử dụng một ống kính tiêu cự 35mm hoặc góc rộng hơn. Như vậy, nếu bạn có một máy ảnh DSLR có hệ số crop (crop factor) như 1.6x chẳng hạn, bạn phải chụp chí ít là với ống kính 24mm hoặc 28mm trên máy ảnh của bạn (sẽ tương đương với 35mm - 40mm). Nếu bạn có một máy ảnh cảm biến ‘full-frame’, bạn có thể phải chụp với ống kính 35mm hoặc 24/28mm. Lý do là khi bạn chụp từ ngang hông, thì rất khó chủ động sắp xếp bố cục và lên khung cho bức ảnh của bạn. Trường hợp sử dụng một ống kính có tiêu cự dài, góc nhìn hẹp, bạn sẽ không thể lên khung cho bức ảnh của bạn chính xác được.

Việc kế tiếp bạn cần làm là thiết đặt chính xác cho máy ảnh của bạn. Việc đầu tiên tôi thường làm là hình dung trước mình sẽ đứng cách bao xa với chủ thể, rồi lấy nét thủ công. Do đó, nếu bạn hình dung mình sẽ chụp người khác ở khoảng cách chừng 1,5m, hãy giữ cho ống kính của bạn được lấy nét trước ở khoảng cách ấy bằng thiết đặt thủ công. Sau đó, giữ cho máy ảnh của bạn ở chế độ ưu tiên khẩu độ A / Av. Khép khẩu nhỏ từ f/8 - 16 tuỳ trường hợp để bạn có độ sâu trường ảnh dày, giúp cho việc lấy nét của bạn dễ dàng hơn. Sau nữa, bạn phải thiết đặt ISO khoảng từ 800 đến 1600 (tùy ánh sáng ngoài trời mạnh hay yếu). Bạn chỉ việc set trị số ISO đủ cao để tốc độ chụp vượt trên 1/320 giây (vốn sẽ bắt dính được ngay cả những người đang di chuyển).

Đến đây thì máy ảnh đã được cài đặt và tất cả những gì bạn cần làm là chỉ việc chụp. Khi tiếp cận người khác, bạn đừng nhìn thẳng vào họ trong lúc chụp từ ngang hông. Hãy tiến đến gần, và nhẹ nhàng chĩa máy ảnh của bạn lên. Hãy thử nghiệm qua nhiều góc chụp khác nhau. Hạ máy ảnh xuống một bên người và chụp những người đang ngồi trên các băng ghế hoặc chụp các chủ thể bằng cách nâng máy lên ngang ngực.

Chụp ảnh từ ngang hông là cách rất tuyệt để cảm thấy thoải mái hơn khi chụp ảnh đường phố, đặc biệt khi bạn tỏ ra vô tư hơn. Tuy nhiên, một khi bạn đã vượt qua để cảm thấy thoải mái với việc chụp ảnh đường phố, tôi khuyên bạn nên bớt chụp từ ngang hông đi. Tại sao ? Đôi tay bạn không bao giờ có thể lên khung và bố cục cho một cảnh chụp tốt như mắt bạn được.



NGÀY 5
LÀM RA VẺ NHƯ ĐANG CHỤP MỘT CÁI GÌ ĐÓ KHÁC


Một thao tác rất hiệu quả với ống kính góc rộng là tiến đến gần mọi người và làm ra vẻ như đang chụp một thứ khác.

Phần chủ chốt đưa việc này đễn chỗ thành công chính là vận dụng ngôn ngữ cơ thể của bạn để tỏ ra như bạn đang chụp ảnh một “thứ gì đó khác”.

Chẳng hạn, giả như bạn nhìn thấy một người đang ngồi cạnh một tấm biển quảng cáo hấp dẫn, hãy chú ý quan sát biển quảng cáo ấy từ xa (trong khi vẫn nhìn vào nhân vật đang ngồi kia). Sau đó bắt đầu chậm rãi tiến đến gần, đôi mắt vẫn chăm chú nhìn lên biển quảng cáo. Từ từ cúi xuống, và lên khung cho bức chụp sao cho cả người kia lẫn biển quảng cáo đều lọt vào khung hình. Xong rồi đứng lên, đưa mắt nhìn tấm biển quảng cáo lần nữa, và rời đi.

Nếu bạn quay lại và tìm hiểu xem người ta phản ứng ra sao—bạn sẽ thấy họ đi quanh, nhìn lên tấm biển quảng cáo, nhún vai, và tiếp tục cuộc sống thường nhật của họ.



NGÀY 6
HÃY CHỤP KHI ĐANG ĐEO TAI NGHE NHẠC


Một mẹo tôi đã được biết từ những người chụp ảnh đường phố tìm cách vượt qua nỗi sợ của họ là chụp trong khi đang mang tai nghe.

Tuy tốt nhất là bạn đừng nên chụp khi đang mang tai nghe (bạn có thể lỡ mất những cơ hội chụp ảnh có thể xuất hiện chung quanh, do bạn không được đánh động bởi âm thanh), nhưng đây là một cách hay để “thâm nhập” và trở nên thanh thản khi chụp ảnh ngoài đường.

Không chỉ có vậy, khi người khác nhìn thấy bạn đang chụp ảnh với chiếc tai nghe đang máng trên đầu, họ sẽ có cảm tưởng như bạn không thể nghe thấy họ nói gì—và không nghĩ là bạn đang chụp ảnh họ. Cũng vậy, có người cảm thấy phiền khi bạn chụp ảnh họ và bắt đầu lẩm bẩm chê trách, bạn có thể át đi những lời đó bằng tiếng nhạc đang vang lên trong tai mình.



NGÀY 7
LUÔN MỈM CƯỜI


Trong thế giới hiện đại, thật hiếm khi tình cờ nghe được một tiếng “xin chào” hay bắt gặp một nụ cười từ một ai đó không quen biết. Tuy nhiên, bất cứ khi nào điều đó xảy đến, nó luôn làm cho ngày sống của chúng ta thêm thú vị. Tôi nhớ một hôm khi đang trở về nhà, tôi nhìn thấy một gã bự con gân guốc đang ngồi trên một chiếc băng ghế nhìn mọi người đi qua. Không hiểu tại sao, một cách bản năng, bỗng dưng tôi mỉm vười với gã và đưa tay vẫy chào. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy anh chàng cơ bắp nặng đến hơn 120kg ấy nhìn lại tôi và mỉm cười như một đứa trẻ. Anh ta rạng rỡ hẳn lên và thái độ tử tế của anh ta làm tôi ấm lòng.

Là con người, chúng ta ai cũng được liên kết với nhau để trở thành những con người dễ gần gũi. Nếu mỉm cười với một người nào đó, tức là bạn chứng tỏ cho họ thấy bạn vô hại và muốn cởi mở với họ. Nếu gặp ai bạn cũng mỉm cười, thì bạn sẽ thấy có rất, rất nhiều người mỉm cười đáp lại. Cuộc sống nhẹ nhỏm và thú vị.

Khi ra ngoài để chụp ảnh, hãy luôn mỉm cười. Trong trường hợp có người để ý thấy bạn đang chụp ảnh họ, hãy mỉm cười và nói với họ lời cảm ơn. Việc này loại bỏ sự nghi hoặc nơi họ đối với bạn và dành cho bạn sự tin tưởng nhiều hơn. Đừng chỉ áp dụng điều này trong việc chụp ảnh đường phố, nhưng hãy áp dụng suốt đời. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy chỉ một chút vận động cơ bắp ở miệng mình sẽ lại mang lại cho mình nhiều lợi ích đến chừng nào.



NGÀY 8
SAU ĐÓ HÃY NÓI CHUYỆN VỚI HỌ


Alfred Eisenstaedt có lần đã nói :
Giao tiếp với người khác thì quan trọng hơn là chỉ việc nhấn phím chụp. 

Tuy rất thích chụp ảnh những người trên đường phố, nhưng tôi thực sự cảm thấy thú vị khi nói chuyện với họ hơn. Nếu bạn chụp ảnh một ai đó, bạn chỉ nắm được một phần rất nhỏ tâm hồn của họ và làm cho họ dễ tổn thương. Bằng cách nói chuyện với những người vừa được bạn chụp ảnh, bạn tạo ra một nối kết nhân văn với họ và thậm chí bạn còn có thể được họ kể cho nghe những câu chuyện hấp dẫn trong cuộc sống. Mặc dầu không phải chụp ảnh người nào tôi cũng nói chuyện với người đó, nhưng tôi cố làm điều ấy một cách thường xuyên, bất cứ lúc nào có thể.

Sau khi chụp ảnh một ai đó, hãy mỉm cười với họ và hỏi thăm về sinh hoạt hằng ngày của họ hoặc trao đổi với họ chuyện thời tiết. Tuy cả hai điều như vậy chỉ là những chuyện thông thường, nhưng hầu hết mọi người ai cũng có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện dựa trên hai khâu đột phá ấy. Do đó, đừng nói chuyện với người khác chỉ để nói cho qua rồi thôi. Hãy chân thật và lắng nghe nhiều hơn là nói.



NGÀY 9
HÃY CHỤP BẰNG MÁY ẢNH NHỎ GỌN
Hoặc chỉ bằng một chiếc điện thoại



Máy ảnh của bạn càng lớn thì càng gây nên nhiều nghi hoặc phiền toái. Do đó, nếu bạn muốn hết sức kín đáo có thể, hãy tìm cách chụp ảnh bằng một chiếc máy ảnh nhỏ. Loại ‘point-and-shoot’ mà tôi khuyên bạn nên dùng là Ricoh GRDIII, vì đây là loại máy ảnh duy nhất có tiêu cự ống kính cố định 28mm f/1.9, gần như không có độ trễ màn trập và lấy nét theo vùng. Máy hoàn toàn màu đen và khó bị người khác phát hiện, có thể chụp được những bức ảnh đẹp lạ thường. Với ống kính 28mm, máy còn để cho bạn đến gần để chụp các chủ thể với góc chụp rất rộng. (Hoặc rất nhiều máy ảnh Mirrorless nhỏ gọn mạnh mẽ như của Sony như dòng Alpha A7, Fuji các dòng X, Pana như dòng Pen F... hoặc một chiếc máy nhỏ gọn nào mà bạn cảm thấy phù hợp và thích dùng. Thậm chí thiết bị ghi hình đó chỉ là chiếc điện thoại có camera đang có trong túi của bạn, bất kỳ hiệu gì - ND)

Một gợi ý khác là sử dụng một chiếc điện thoại khi chụp ảnh đường phố. Cách này rất hay bởi vì bạn có thể làm như mình đang nhắn tin hoặc lướt web, trong khi thực ra bạn đang chụp những gì xuất hiện trước mặt mình. Không chỉ có vậy, bạn có thể mang theo bất cứ nơi đâu và có nhiều cơ hội để chụp ảnh đường phố.


NGÀY 10
HÃY CHỤP CÙNG VỚI MỘT NGƯỜI BẠN
(hoặc nhóm nhỏ)



Khi chụp ảnh đường phố cùng với một người bạn hoặc một nhóm người thì sự dạn dĩ của bạn tăng lên rất nhiều. Lý do đằng sau việc đó là có một “phân tán trách nhiệm” khiến bạn cảm thấy thoải mái trong khi chụp những người lạ, bởi vì những người khác cũng đang làm như vậy. Ngoài ra còn có một cảm giác an toàn trong trường hợp có ai đó quá để ý đến việc bạn đang chụp ảnh họ, bạn sẽ có sự “hỗ trợ” từ người bạn hoặc cả nhóm.

Khi chụp ảnh đường phố theo nhóm, lý tưởng hơn cả là nên theo nhóm khoảng 3 người. Nếu có quá nhiều người chụp ảnh hợp thành một nhóm, những người chung quanh sẽ có phản ứng. Nếu muốn kín đáo hơn nữa (chỉ cần có thêm một người khác) bạn hãy đi cùng một người đã quen với việc chụp ảnh đường phố. 

Chụp ảnh theo nhóm (hoặc theo cặp) sẽ giúp các bạn khích lệ nhau để thực hiện các bức chụp và tiếp cận với các chủ thể. Nếu cần tìm một người để kết đôi, bạn hãy lên Facebook, Flickr, Google+, 500px, v.v… có thể sẽ có những người cùng có mối quan tâm như bạn. Trên thế giới cũng đang có những nhóm kết hợp với nhau để chụp ảnh đường phố, chỉ cần tra cứu Google là tìm ra ngay.



NGÀY 11
TỎ VẺ NHƯ MỘT KHÁCH DU LỊCH


Hình ảnh điển hình về khách du lịch là một ai đó đội chiếc mũ rộng vành, mang đồ soóc, và tướng tá bụi bặm. Không mấy ai bận tâm đến khách du lịch cho lắm, khi bắt gặp họ lủng lẳng chiếc máy ảnh bên người và chụp hết mọi thứ một cách tình cờ. Do đó, nếu bạn phục sức và hành động như một khách du lịch, người ta sẽ không để ý đến bạn nhiều.

Vậy, trong trường hợp có người gây khó dễ không cho bạn chụp ảnh họ, hãy nói với họ bạn là du khách và xin lỗi vì làm họ khó chịu. Nếu bạn nói với họ những lời như thế, họ tỏ ra thông cảm và chỉ nhìn bạn hơi lạ lùng đôi chút. Sau đó bạn chỉ việc mỉm cười rồi bước đi và tiếp tục chụp ảnh.



NGÀY 12
BỐI RỐI SAU KHI CHỤP ẢNH AI ĐÓ


Một kỹ thuật đặc biệt hữu hiệu khi chụp ảnh đường phố là làm ra vẻ bối rối sau khi chụp ảnh ai đó. Chẳng hạn, khi chụp ảnh người nào đó tôi sẽ đến gần họ, cúi xuống và sau khi chụp xong tôi liền nhìn quanh như thể đang bối rối lắm. Người ta thường nhìn thấy tôi như vậy và cứ ngỡ tôi là một khách du lịch bị lạc đường hoặc đang lúng túng thế nào đó, và họ không nhận ra là tôi chụp ảnh họ.




NGÀY 13
LOAY HOAY VỚI MÁY ẢNH KHI ĐANG CHỤP



Trong một cuốn video tôi xem trên YouTube chiếu cảnh Garry Winogrand đang chụp ảnh đường phố, anh ấy loay hoay và xử trí với chiếc máy ảnh của mình trong lúc chụp ảnh những người lạ (khi đến rất gần). Mặc dù thực sự là đang chụp ảnh những người trước mặt mình, nhưng có vẻ như anh đang cố điều chỉnh máy ảnh và chưa biết phải làm thế nào với nó.

Bạn có thể thử áp dụng kỹ thuật này. Sau khi chụp ảnh người nào đó, hãy nhìn chăm chăm vào máy ảnh của mình, sờ soạng quanh nó, nhấn hết phím này sang phím khác. Như vậy sẽ khiến cho người khác có cảm tưởng như bạn chỉ đang thử máy chứ không phải là chụp chủ thể ở đằng trước. Nếu thực sự bạn muốn thử nghiệm, hãy chụp một bức ảnh, rồi cứ loay hoay, loay hoay mãi với chiếc máy ảnh. Hãy chắc chắn là bạn đã xem Garry Winogrand thực hiện và hiểu rõ kỹ thuật của anh ấy.



NGÀY 14
ĐỪNG SỢ SỆT TRÁNH ÁNH MẮT NGƯỜI KHÁC



Nếu bạn muốn làm cho mình đủ can đảm để chụp ảnh đường phố, thì có một áp dụng rất hay là đừng tránh ánh mắt người khác. Lý do là khi những người mới bắt đầu chụp ảnh đường phố đi ra khỏi nhà và chụp ảnh, nỗi sợ lớn nhất của họ là có người để ý họ. Do đó, cách tốt nhất để vượt qua nỗi sợ là tiếp cận trực diện với nó.

Lần tới khi bạn đang ở giữa chỗ đông người trên một chuyến xe buýt hoặc tàu điện ngầm và có nhiều ngồi đối diện với bạn, thì hãy đáp lại ánh mắt họ đang nhìn chằm chằm vào bạn. Tôi không có ý nói là bạn nhìn chăm chăm lại họ với ánh mắt hằm hè—nhưng chỉ việc nhìn thẳng vào mắt họ. Nếu họ để ý và nhìn bạn, đừng đưa mắt nhìn sang chỗ khác. Thay vào đó là hãy nhìn lại họ và mỉm cười rồi lên tiếng chào họ. Đa phần người ta phản ứng lại một cách tích cực, trong khi một số khác thì nhìn lảng đi. Trường hợp bạn đăm mắt nhìn một ai đó và họ phản ứng lại một cách tiêu cực, bạn chỉ việc xin lỗi và nói bạn tưởng nhầm họ là một người quen (điều này hiếm khi xảy ra). Một khi đã nhận thức được việc chạm mắt với người lạ không đến nỗi quá khó chịu, bạn sẽ tiếp tục làm như vậy khi chụp ảnh đường phố.




NGÀY 15
HÃY ĐẾN THẬT GẦN
(với ống kính góc rộng chất lượng)



Nhiếp ảnh gia lừng danh Robert Capa có lần đã nói :
Nếu các bức ảnh bạn chụp không đẹp, điều đó có nghĩa là bạn đã đến không đủ gần.

Khi nhìn vào những bức ảnh của đa số những người mới bắt đầu chụp ảnh đường phố, tôi thấy là họ đã không đến đủ gần và ảnh họ chụp đều có vẻ xa cách và rời rạc.

Bước cần thiết đầu tiên là hãy có cho được một ống kính góc rộng chất lượng. Nếu bạn đang chụp với máy ảnh DSLR có hệ số crop 1.6x, tôi thực lòng khuyên bạn hãy có một ống kính 24mm hoặc 28mm có hiuệ suất ngang ngửa với ống kính 35mm. Nếu là một chiếc DSLR ‘full-frame’, tôi khuyên bạn hãy bắt đầu với một ống kính 35mm. Tôi cho rằng 35mm là độ dài tiêu cự lý tưởng cho việc chụp ảnh đường phố vì nó rất linh hoạt. Nó cho phép bạn bắt dính toàn bộ một hậu cảnh khi bạn lui lại một bước, và giúp bạn có một bức chụp cận cảnh tuyệt vời khi tiến đến một bước.

Có nhiều lợi ích trong việc chụp ảnh đường phố bằng ống kính góc rộng chất lượng. Trước hết, bạn có thể tiết kiệm được thời gian thay vì phải zoom đi zoom lại để bắt dính khoảnh khắc quyết định. Thứ hai, vì bạn không thể zoom, nên buộc bạn phải đến gần chủ thể hơn và chụp những bức ảnh tạo ra cảm giác gần gũi và riêng tư. Cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng, những ống kính chất lượng thường có kích thước nhỏ hơn ống kính zoom và do đó, ít làm người khác lo ngại hơn.




NGÀY 16
NÓI ĐIỀU GÌ ĐÓ TRƯỚC KHI CHỤP ẢNH MỘT AI ĐÓ



Một thủ thuật khác giúp người ta thư thái trước khi bạn chụp ảnh họ, đó là nói chuyện với họ. Ví dụ, nếu bạn nhìn thấy một người đàn ông đang đi trên góc phố có đôi một chiếc mũ rất đẹp, hãy làm cho ông ta biết được điều đó trước khi chụp ảnh ông ta. Chậm rãi tiến đến gần ông ta với một nụ cười trên môi và nói, “Ông có một chiếc mũ quá tuyệt” và tiến hành chụp một vài bức ảnh.

Đa số người ta đều thấy mình “được người khác nịnh” khi gặp chuyện như vậy và lấy làm vui thích vì bạn quan tâm đến việc chụp ảnh họ. Vẫn có những người sẽ không phản ứng tích cực trước kỹ thuật này, nhưng thường thì nó thành công hơn là thất bại.




NGÀY 17
ĐỪNG XIN PHÉP



Định nghĩa tổng quát về nhiếp ảnh đường phố là chụp những bức ảnh hồn nhiên vô tư và không phải xin phép. Tuy có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng việc xin phép khi chụp ảnh các chủ thể tùy thuộc vào phản ứng của họ dành cho bạn và chiếc máy ảnh của bạn.

Ví dụ, hãy nghĩ đến những người bạn của bạn lúc nào cũng sẵn sàng tạo dáng và mỉm cười để bạn chụp ảnh cho họ. Khi người ta tạo dáng trước máy ảnh thì bạn không thể nhìn vào tâm hồn thực sự của họ được. Thế nhưng, khi bạn chụp họ vào một lúc vô tư nào đó, bạn nhìn thấy một phản ánh trung thực về tính cách của họ một cách chân xác hơn nhiều.


NGÀY 18
TẬP TRUNG VÀO CÁC PHẦN KHÁC TRÊN CƠ THỂ



Khi chụp ảnh đường phố, bạn không chỉ cần chụp gương mặt người khác. Thay vào đó, hãy tập trung vào những phần khác nhau trên cơ thể.

Hãy chụp đôi giày, hai bàn tay, đôi chân, và cả mái tóc ... của họ nữa. 

Người ta thường ý thức được khi bạn chụp ảnh gương mặt của họ, nhưng không mấy để ý đến việc bạn chụp những phần cơ thể nào đó, vì không làm cho họ bị nhận diện trong các bức ảnh của bạn.



NGÀY 19
CHỤP Ở MỘT NƠI ĐÔNG NGƯỜI



Chụp ảnh đường phố ở một nơi đông đúc thì dễ dàng hơn nhiều so với chụp ở chỗ thưa người. Nếu có một đám đông xô bồ nhộn nhịp chung quanh mình, bạn dễ dàng ẩn mình vào giữa họ và người ta ít nhận ra bạn đang chụp ảnh họ. Nếu bạn đang sống ở một khu ngoại ô ít người, hãy vào thành phố và đến chỗ có người đông đúc. Cũng nên thoải mái tham dự các lễ hội, chợ phiên và các cuộc diễu hành thường tập trung rất nhiều người muốn đến những nơi ấy để chụp ảnh.



NGÀY 20
CHỤP Ở NƠI ÍT NGƯỜI



Một khi đã cảm thấy thoải mái với việc chụp ảnh ở những nơi đông người, bạn hãy chuyển sang chụp ở nơi ít người. Việc này khó khăn và bất tiện hơn nhiều, nhưng sẽ giúp bạn chinh phục được nỗi sợ của mình trong việc chụp ảnh đường phố.

Khi chụp ảnh những người lạ mà không có nhiều người khác chung quanh, bạn phải chuẩn bị để giải thích những gì bạn đang làm vì không thể len mình vào một đám đông người được. Nếu người khác hỏi bạn đang làm gì, hãy bình tĩnh giải thích bạn là một người chụp ảnh đường phố và bạn thích chụp những con người xinh đẹp và hấp dẫn. người ta có thể hơi phân vân về lý do bạn làm như vậy, nhưng hãy cố hết sức tỏ ra trung thực.

Có thể người ta cũng phản đối việc bạn chụp ảnh mà không xin phép. Hãy bình tĩnh giải thích sự tuyệt diệu của việc chụp được một bức ảnh mà không phải xin phép ai cả—rằng bạn có thể đi sâu vào việc mô tả một cách tự nhiên và ấn tượng về họ. Nếu người ta yêu cầu bạn phải xóa những bức ảnh, thì bạn có hai lựa chọn: 1. xóa, hoặc 2. từ chối và bỏ đi. Tôi thường nhận thấy nếu có ai đó nhã nhặn yêu cầu xóa những bức ảnh đã chụp họ, bạn chỉ việc làm theo để tránh phiền phức. Tuy nhiên, nếu muốn khẳng định quyền lợi của mình (và thực sự thích bức ảnh đã chụp) bạn có thể từ chối và bỏ đi.

99% người khác sẽ không bao giờ đuổi theo bạn. Còn đối với 1% những người làm như vậy, bạn có thể tiếp tục khẳng định quyền lợi của mình và giải thích cho họ các quy định về chụp ảnh đường phố. Nếu họ dọa sẽ gọi cảnh sát, bạn có bảo họ gọi. Tuy nhiên, như đã nói, tôi thích tránh sự phiền phức hơn và chỉ việc xóa ảnh (sau này, bạn vẫn có thể khôi phục lại bằng cách sử dụng phần mềm xử lý ảnh trên máy tính ở nhà, nếu bạn thích bức ảnh thực sự).




NGÀY 21
HÃY ĐẾN NHỮNG NƠI BẠN CẢM THẤY KHÔNG THOẢI MÁI



Nếu thực sự muốn có thêm sự mạnh dạn trong việc chụp ảnh đường phố, bạn đừng chỉ chụp ở những nơi mình cảm thấy dễ chịu. Ví dụ, nếu bạn không có gì lý thú để chụp ảnh, thì hãy đến một nơi trong thành phố. Mặc dầu không muốn đến nơi nguy hiểm nhất để chụp ảnh (theo cảm nhận của bạn), bạn hãy đến một nơi không quen thuộc với bạn.

Chụp ảnh ở một nơi xa lạ thường có thể phải tốn thời gian để thích nghi, nhưng bạn lại có dịp gặp gỡ với rất nhiều người thuộc các tầng lớp kinh tế xã hội khác nhau. Điều này cho phép bạn chụp được nhiều nhóm người đặc trưng hơn (thay vì là những người trông giống như khách du lịch và vô hại)). Ở đây, tôi không định nói bạn phải chụp ảnh những người trông giống như xã hội đen, buôn bán ma túy, hay tội phạm, mà hãy sử dụng phán đoán của mình và đặt ra những giới hạn. Có điều lạ là—đôi khi những người trông bặm trợn nhất lại là những người dễ thương nhất trên đời.




NGÀY 22
HÃY LUÔN SẴN SÀNG GIẢI THÍCH



Khi chụp ảnh đường phố, bạn phải biết chính xác lý do bạn định chụp ảnh một người nào đó. Vì thế, hãy luôn sẵn sàng để giải thích lý do tại sao bạn chụp họ.

Cách của tôi là nói ra lý do tại sao mình chụp ảnh. Ví dụ, nếu cho rằng họ có một nụ cười rất đẹp, bạn hãy nói với họ. Nếu thích màu áo quần họ đang mặc, và cho rằng họ là người đầy cá tính, hãy nói cho họ biết. Nếu bị hấp dẫn bởi gương mặt của họ, bạn cũng hãy làm cho họ biết được điều đó.

Theo kinh nghiệm bản thân, tôi đã nhận ra rằng đa số người ta không mấy quan tâm đến việc lấy lại bức ảnh người khác chụp họ—miễn là họ được bảo đảm ảnh chụp họ không bị đưa ra để làm một điều gì đó đáng ghê tởm. Hiện nay, cùng với chứng hoang tưởng về internet và quyền riêng tư của bạn, người ta chỉ lo sợ bạn có thể dùng ảnh chụp họ để cách nào đó đánh cắp căn cước hoặc thứ gì đó của họ. Đừng quên giải thích lý do tại sao bạn chụp và hãy luôn làm như vậy.


NGÀY 23
ĐỪNG CHỤP CHO ĐẾN KHI HỌ NHÌN BẠN



Một kỹ thuật của Thomas Leuthard thường sử dụng khi chụp ảnh đường phố là chĩa thẳng máy ảnh vào mặt ai đó và chờ cho đến khi họ quay lại mới chụp. Ông bảo rằng vào lúc người ta nhận ra ông, thì bức ảnh họ đã được chụp xong, và họ nhìn ông một cách tự nhiên và vô tư.

Như vậy, để tiếp tục gia tăng sự dạn dĩ khi chụp ảnh đường phố, bạn hãy luôn kiên nhẫn và chờ cho người ta nhìn vào bạn. Việc này cần phải mạnh dạn nhiều, nhưng bức ảnh thì rất “đáng đồng tiền bát gạo”. người ta nói con mắt là cửa sổ tâm hồn. Do đó, khi có người nhìn thẳng vào bạn vào lúc bạn đang chụp ảnh họ, bạn cảm thấy một kết nối nhân văn với chủ thể bạn chụp mà nếu họ không nhìn vào bạn thì sẽ không được như vậy.




NGÀY 24
RA TRƯỚC MẶT NGƯỜI KHÁC ĐỂ CHỤP



Thi thoảng, lúc đang ra ngoài để chụp ảnh đường phố, bạn sẽ nhìn thấy những con người thú vị từ phía đằng sau họ. Đừng ngại—hãy mạnh dạn đi ra trước mặt họ và chụp ảnh họ. Nói chung là chụp ảnh người khác phía sau lưng thì không hấp dẫn, bởi vì gương mặt người ta mới thực sự hấp dẫn khi nhìn vào.

Do đó, nếu bạn nhìn thấy ai đó mà bạn muốn chụp ảnh nhưng họ lại đang quay lưng về phía bạn, hãy nhanh chóng vượt lên trước họ, và từ từ quay lại, tiến về phái họ và chụp. Bạn cũng có thể dùng kỹ thuật này khi người ta đang đứng yên nơi một trạm xe buýt hoặc ở một nơi nào khác. Từ từ đi quanh họ và chụp ảnh họ.




NGÀY 25
ĐỪNG QUÁ SUY NGHĨ



Khi chụp ảnh đường phố, bạn đừng để cho mình bị “tê liệt” vì những đắn đo suy nghĩ. Nói khác đi, càng suy nghĩ khi chụp ảnh đường phố, sự dạn dĩ của bạn càng suy giảm. Bạn phải ngăn chặn tất cả những tín hiệu trong đầu cứ bảo bạn không nên chụp ảnh những người không quen biết mà không xin phép họ. Bạn cứ việc tiến hành.

Khi ra ngoài chụp ảnh và bắt đầu suy nghĩ quá nhiều không biết người ta sẽ phản ứng lại như thế nào, tôi cảm thấy “lạnh chân” và không muốn lại gần các chủ thể. Tuy nhiên, tôi cố suy nghĩ về những thứ khác khi rời khỏi nhà để chụp ảnh (một bộ phim mà tôi thích xem, những email tôi mong nhận được, hoặc tối nay sẽ ăn gì) những thứ giúp tôi tránh được tình trạng bồn chồn khi chụp ảnh đường phố.




NGÀY 26
HÃY THỰC HIỆN CÚ BẤM MÁY ĐẦU TIÊN



Có những ngày bạn “chẳng có chút cảm giác gì”. Có những ngày bạn cảm thấy “gan góc đầy mình”, rồi cũng có những ngày bạn thấy mình thật nhút nhát.

Đừng để cảm xúc làm chủ việc chụp ảnh đường phố của bạn. Cảm xúc chỉ giúp bạn thăng hoa hơn mà thôi—chính công việc cần cù và sự bền bỉ mới giúp bạn đạt đến đỉnh cao. Ngay cả vào những ngày bạn chẳng có chút gì là “cảm hứng”, tôi khuyên bạn hãy cứ vượt qua và đi ra ngoài để chụp ảnh.

Phần khó nhất là cú bấm máy đầu tiên khi bạn đang ở ngoài. Bạn có thể bước đi mà cảm thấy như có hàng trăm người đang dán mắt vào bạn, và bạn bắt đầu thấy căng thẳng, nhịp tim dồn dập. Lời khuyên của tôi là bạn hãy phá vỡ nó đó đi và chỉ việc thực hiện cú bấm máy đầu tiên.

Thực hiện cú bấm máy đầu tiên giống như khi bạn “đề” chiếc xe hơi của mình vậy. Bạn sẽ có tia lửa điện khởi động, và dần dà bạn sẽ “nóng máy” lên. Hãy bấm cú bấm máy đầu tiên như một “giải tỏa”. Chụp một bức tường trống trơn hay chụp ai đó từ rất xa. Đừng lên bố cục làm gì. Chỉ cần bấm máy để bạn có thể nghe được tiếng “click” của nó—và làm quen lại với âm thanh ấy.

Sau đó hãy tiếp tục chụp, và bắt đầu lên bố cục lại. Hãy tiến đến gần người khác, miệng luôn mỉm cười. Sau một loạt cú bấm máy liên tục, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn—và tự hỏi, “sao mình lại sợ kia chứ ?”


NGÀY 27
HÃY NÂNG CAO TAY NGHỀ THÊM NỮA



Lần đầu tiên khi mới chụp ảnh đường phố, tôi bắt đầu sử dụng ống kính 50mm với một máy ảnh có độ crop nhỏ 1.6x, có hiệu suất tương tự như một ống kính 80mm. Một năm sau, tôi chuyển sang ống kính 50mm với máy ảnh ‘full-frame’. Những năm kế tiếp, tôi sử dụng ống kính 35mm cũng với chiếc ‘full-frame’ ấy. Trong vòng mấy năm xuống phố chụp ảnh, giờ đây tôi bắt đầu chụp ảnh khá hơn với ống kính 24mm vẫn với chiếc máy ‘full-frame’ như trước.

Tôi đã để ý thấy ống kính góc rộng hơn mà tôi đang sử dụng cứ buộc tôi phải gần gũi với các chủ thể và tiếp cận hơn nữa. Tôi cũng nhận ra là càng đến gần các chủ thể, những bức ảnh tôi chụp càng trở nên hấp dẫn hơn. Khi bạn chụp bằng một ống kính góc rộng gần sát với chủ thể, thì hiện tượng méo ảnh mang lại cho người xem cảm tưởng như họ đang hiện diện như một phần trong bức ảnh của bạn, thay vì chỉ là một người đứng ngoài nhìn vào. Hơn nữa, nếu cúi thấp xuống, bạn có thể mở rộng phối cảnh khiến cho các chủ thể có vẻ cao lớn, mạnh mẽ và tuyệt diệu hơn nhiều.

Có thể bạn chưa quen với việc nhìn thấy người khác dưới những hiệu ứng mở rộng bằng một ống kính góc rộng như trong đời thực, làm cho các bức ảnh bạn chụp trông hết sức độc đáo và hấp dẫn. Do đó, trong hành trình chụp ảnh đường phố của mình, hãy sẵn sàng sử dụng ống kính góc rộng khi có điều kiện để vượt qua nỗi sợ của mình. Bruce Gilden thậm chí còn dùng đến ống kính 21mm nữa kia, và đó là điều tôi khát khao mình sẽ làm được trong tương lai.



NGÀY 28
HÃY MANG THEO DANH THIẾP CỦA BẠN



Người ta tôn trọng người có uy tín. Hãy vận dụng điều đó để làm lợi thế cho mình và hãy mang theo danh thiếp của bạn. Nếu người ta thắc mắc bạn đang làm gì, bạn chỉ việc giải thích những gì bạn nhận thấy rất hấp dẫn nơi họ (gương mặt, trang phục, cách họ giao tiếp, v.v…) và giải thích cho họ biết bạn là người chụp ảnh đường phố và chẳng làm hại ai.

Sau đó hãy trao họ danh thiếp của bạn trên đó có tên, địa chỉ liên lạc, website, thậm chí còn sẵn lòng gửi ảnh qua email cho họ nữa. Khi bạn làm như vậy, người ta sẽ nghĩ rằng bạn là người chuyên nghiệp chứ không phải một gã thậm thụt nào đó chỉ tình cờ chụp ảnh trên phố. Người ta rất thích khi bạn gửi ảnh cho họ (hãy nghĩ việc đó tuyệt vời như thế nào khi bạn bè ‘tag’ cho bạn trên Facebook), vì thế, việc sẵn lòng gửi ảnh qua email cho họ là một cử chỉ rất đẹp.

Không chỉ có vậy, việc chia sẻ những thông tin riêng tư của bạn với họ còn làm cho họ tin rằng bạn chẳng có gì phải giấu diếm. Trường hợp người ta bực tức khi bạn chụp ảnh họ, bạn vẫn có thể nói với họ là họ đã có sẵn số điện thoại của bạn rồi—và có thể gọi cả cảnh sát cũng được. Sau hết, bạn có quyền chụp ảnh công khai.

Về chuyện danh thiếp, tôi khuyên bạn dùng loại chất liệu có thể in được ảnh của bạn ở mặt sau. Tuy không rẻ, nhưng chất lượng rất tốt và gần như lúc nào bạn cũng có một chiếc cặp hồ sơ mini luôn mang theo bên mình.




NGÀY 29
CHỈ VIỆC BỎ ĐI



Có một số người bạn không thể giải thích hay thông cảm được. Những người như thế không mảy may bận tâm đến những lý lẽ bạn đưa ra, họ chỉ đơn giản chẳng thèm nghe bạn nói, thế thôi. Lời khuyên của tôi trong các tình huống ấy là chỉ việc bỏ đi. Khi bạn bắt đầu bỏ đi, hiếm khi có người rượt theo. Và đối với một phần trăm rất thấp về những người chạy theo và vỗ lên vai bạn, bạn cứ việc quay lại và hỏi họ muốn gì.

Nếu họ là người cực đoan và lý sự, bạn cần phải giữ vững lập trường và thử dùng một số lý lẽ. Nếu bạn nói mà họ vẫn không hiểu ra, bạn hãy bỏ đi. Trường hợp họ lại đi theo và vỗ vai bạn lần nữa, hãy cứ tiếp tục đi và coi như không có họ. Đối với kiểu người như vậy, bạn càng chú ý đến họ, họ sẽ càng lấn tới.




NGÀY 30
CHỤP BẰNG ĐÈN FLASH



Chụp ảnh với đèn flash là kỹ thuật cuối cùng bạn cần thực hiện để chứng tỏ bạn thực sự thoải mái, không còn lo sợ khi chụp ảnh đường phố. Sao lại chụp với đèn flash ? Bạn không chụp bằng đèn flash để làm người khác sợ hoặc gây ra phản ứng (nếu chụp người nào đó bằng đèn flash, trước đó bạn phải nhận được sự đồng ý của họ đã) nhưng đúng hơn là để chụp một cảnh tượng theo một cách khác. Khi chụp trong bóng râm, ngược sáng hoặc ban đêm—đèn flash hoạt động như một tia sáng đủ mạnh giúp tô sáng và làm nổi bật chủ thể hơn. Tùy cách bạn xác định vị trí đèn flash để có thể tạo ra những hiệu ứng trực quan khác nhau và ánh sáng riêng cho bạn.

Kỹ thuật tôi đang sử dụng là do tôi học từ Bruce Gilden và những người khác chụp ảnh đường phố bằng đèn flash như Charlie Kirk, Dirty Harrry vốn hay dùng một ngàm có thể tháo rời khi sử dụng đèn flash. Tại sao ? bởi vì nó cho phép bạn linh động hơn nhiều với đèn flash và kiểm soát được độ chiếu sáng của bạn. Thay vì bị hạn chế vào một hướng chiếu sáng, bạn có thể đặt đèn flash nhiều cách khác nhau. Ví dụ, nếu có ai đó đang đứng trước một bức tường và bạn đưa đèn flash sang bên trái gương mặt họ, bạn có thể tạo ra một chiếc bóng đổ dài và hấp dẫn phía bên phải gương mặt họ, nếu cúi thấp xuống một chút và giữ cho đèn flash đánh lên, bạn có thể tạo ra bóng đổ ngược lên phía trên và thậm chí còn tạo ra một phong thái rất liêu trai.

Trước khi ra ngoài và chụp ảnh đường phố bằng đèn flash, bạn cần phải thiết đặt máy ảnh cho chính xác. Khi chụp bằng đèn flash, tôi luôn đặt máy ảnh ở chế độ thủ công và sử dụng tính năng lấy nét từng vùng (giữ cho máy ảnh luôn được lấy nét trước ở khoảng cách 1,2 mét, tiêu cự 24 hoặc 35mm, khẩu độ f/16 và ISO 800). Tôi điều chỉnh tốc độ chụp tùy theo ánh sáng chung quanh mà tôi muốn có trong các bức ảnh của mình. Nếu chụp ban ngày dưới một bóng râm, tôi sẽ dùng f/16, ISO 800, và1/125 giây. Trường hợp chụp ban đêm, thì sẽ là f/11, ISO 800, và 1/3 - 1/10 giây (để có thêm chuyển động mờ trong hậu cảnh).

Tiếp đến là cách tiến hành. Khi chụp ảnh đường phố với đèn flash, tôi bước đi hơi nhanh và luôn tập trung nhìn để tìm ra những chi tiết—hoặc những con người thú vị có thể kể lên được một câu chuyện gì đó. Tôi thường tìm kiếm những người có trang phục ấn tượng như cà-vạt, kính mắt độc đáo, áo quần sặc sỡ, biểu cảm thú vị, hay những chiếc quần hoặc đôi giày có màu đỏ chói. Tôi cố tránh không chụp những người vô gia cư và những người trông quá “lộ liễu” (tức là muốn nói đến những người biểu diễn đường phố hoặc những người ăn mặc quá “mát mẻ”).

Nếu đang đi bên phải đường và những người khác đi bên trái, tôi sẽ nhằm một ai đó từ phía xa xa và chuẩn bị chụp. Khi có người cách tôi chừng 1 mét, tôi sẽ bước một bước sang phía trái họ đang đi tới, cúi thấp xuống, chìa máy ảnh có đèn flash ra và chụp. Sau đó tôi thường nhìn vào mắt họ, mỉm cười và nói “cảm ơn” rồi đi tiếp. Đa số họ đều đáp lại bằng một nụ cười, nói “cảm ơn” rồi tiếp tục đi.

Nếu có người đứng yên một chỗ, tôi thường đi vòng quanh và đến thật gần rồi chụp bằng đèn flash. Nếu cảm thấy đang vội, thường thì tôi không nói gì và cứ tiếp tục đi. Phản ứng tôi hay bắt gặp là người ta hoặc có vẻ lúng túng, hoặc ngoái lại đằng sau để xem tôi chụp gì. Dù gì đi nữa, có lúc ánh đèn flash gây chú ý và người ta không biết như vậy để làm gì. Bạn cũng có thể nghĩ về đèn flash như một kiểu “súng bắn điện” có thể làm họ bối rối trong chốc lát.

Theo kinh nghiệm của tôi, ban ngày, khi bạn chụp dưới các bóng râm, người ta ít để ý đến đèn flash hơn. Khi chụp bạn đêm với đèn flash, bạn hầu như làm cho người khác sợ, tùy cách người ta bị gây chú ý. Thi thoảng người ta hoàn toàn không bận tâm. Nhưng, nói chung, bạn sẽ gây ra những phản ứng nơi người khác khi chụp với đèn flash vào ban đêm hơn ban ngày. Nhưng dù sao thì chụp với đèn flash vào ban đêm thực sự mang lại cho bạn những cái nhìn đầy cảm xúc vào tính cách của người khác.





NGÀY 31
BẢO HỌ CỨ GỌI CẢNH SÁT



Có những người sẽ không lắng nghe những gì bạn nói và dọa sẽ gọi cảnh sát. Tuy có rất nhiều lần tôi chỉ việc xóa các bức ảnh và đi tiếp, song vẫn có những lúc tôi khuyên bạn hãy giữ vững lập trường và cứ việc gọi cảnh sảt. đây là một rắc rối phải giải quyết với cảnh sát, nhưng thường có một trong hay điều sau đây xảy đến:

a) Nếu bạn bảo họ gọi cảnh sát, nhưng họ vẫn tiếp tục càu nhàu bạn, và cuối cùng là bỏ đi (bạn đang gặp một người hay dọa dẫm).

b) Bạn chờ cảnh sát đến,và cảnh sát hỏi có chuyện gì. Người kia kể lại câu chuyện, và sau đó cảnh sát nói bạn có quyền chụp ảnh trên đường phố, rồi bảo cả hai người đi đi.​



Nhiếp ảnh đường phố đã giúp tôi trở nên một con người tốt hơn. Trước khi chụp ảnh đường phố, lúc nào tôi cũng bị những người chung quanh gây áp lực, phiền hà. Nếu bạn cũng gặp phải vấn đề như vậy, hãy bảo vệ quyền lợi của mình và giữ vững lập trường. Điều này không chỉ hữu ích cho việc chụp ảnh đường phố của bạn, nhưng còn cho chính cuộc sống riêng tư của bạn nữa.

Tác giả bài viết:
Nguồn tin: EricKim-Streetlife Photography​
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 5/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close