VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Thủ thuật chụp ảnh bằng smartphone

Đăng lúc: . Đã xem 6312 - Người đăng bài viết: Trần Ngọc Thu Trang
Chuyên mục : Chụp ảnh bằng điện thoại
vuanhiepanh.com Bạn biết cách chụp ảnh bằng Sử dụng smartphone (điện thoại có hệ điều hành) thay cho chiếc máy ảnh kỹ thuật số là thói quen của nhiều bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chụp để cho ra tấm ảnh đẹp mắt.
Ngay trước mắt bạn là bầu trời lúc chạng vạng với ánh mặt trời đỏ rực. Bỗng dưng bạn muốn khoe khoảnh khắc ấn tượng này lên Facebook cho bạn bè cùng chiêm ngưỡng. Điều đó sẽ không thành vấn đề khi trong túi của bạn có một chiếc điện thoại thông minh với những công cụ tuyệt vời giúp bạn có được những tấm ảnh đẹp nhất.
Đa phần đều cho rằng ảnh đẹp phải được chụp từ máy ảnh chuyên dụng, điều này không sai. Tuy nhiên bằng những thao tác đơn giản, bạn cũng có thể có được tấm ảnh như ý từ chiếc điện thoại smartphone.

1. LAU SẠCH ỐNG KÍNH

Một trong những vấn đề thường gặp của việc chụp ảnh bằng điện thoại thông minh chính là dấu vân tay dính trên ống kính. Bạn đã cầm và sử dụng chiếc điện thoại cả ngày, vì thế hãy nhớ lau sạch những dấu vân tay trên camera trước khi chụp ảnh. Điều này thật sự cần thiết khi bạn chụp ảnh ngoại cảnh, vì nó sẽ giúp ánh sáng đi vào cảm biến tốt hơn và bạn sẽ có tấm ảnh sắc nét hơn.

2. LẤY NÉT

 
Lấy nét là chìa khóa giúp ảnh chụp của bạn sắc nét ấn tượng. Hãy dành một ít thời gian để lấy nét và chắc chắn rằng thiết bị của bạn đã lấy nét chính xác vào những gì bạn muốn. Không nên lúc nào cũng chỉ dựa vào tiếng “bíp” lấy nét của điện thoại mà bạn cần học cách quan sát bằng mắt. Nếu nó không lấy nét một cách chính xác, hãy dùng thao tác chạm để lấy nét, điều này giúp bạn dễ dàng có được một tấm ảnh đẹp. Đặc biệt khi muốn chụp những đồ vật nhỏ, bạn nên chuyển sang chế độ chụp macro và phải đảm bảo cự ly chụp đừng quá gần. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy nét vào đúng chủ thể.

3. BỐ CỤC

Hãy suy nghĩ về những gì bạn đang tìm kiếm và hình ảnh bạn muốn chia sẻ cho mọi người. Tấm ảnh của bạn có thể được chỉnh sửa hoặc cắt bớt để trông hoàn hảo hơn, vì thế hãy tập trung vào chủ thể mà bạn muốn chụp và đừng để các chi tiết có nguy cơ làm rối tấm ảnh lọt vào khung ảnh của bạn.
Các nhiếp ảnh gia thường sử dụng quy tắc một phần ba để đưa chủ thể muốn chụp vào vị trí lý tưởng trong khung ảnh. Vì vậy bạn nên bật chức năng “grid line” để có thể canh chỉnh cho đối tượng muốn chụp vào đúng vị trí mong muốn.

4. QUAN SÁT ÁNH MẶT TRỜI

Ánh sáng mặt trời là điều kiện lý tưởng cho những tấm ảnh đẹp về bầu trời và cây lá. Tuy nhiên bạn đừng để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào ống kính điện thoại vì nó sẽ gây ra quầng sáng che phủ hết tấm ảnh của bạn. Trong điều kiện chụp đối diện với mặt trời, bạn có thể dùng bàn tay che ống kính để ánh sáng không làm ảnh hưởng đến tấm ảnh.
Khi chụp người, bạn nên chọn vị trí sao cho cái bóng của người được chụp nằm phía sau họ, như vậy bạn sẽ có được một tấm ảnh đủ sáng và chi tiết.

5. ĐÈN FLASH

Cường độ ánh sáng của đèn flash điện thoại không cao. Trong điều kiện ánh sáng yếu nó có thể làm sai lệch màu sắc. Tuy nhiên, đèn flash rất cần thiết trong việc chụp cận cảnh. Nếu chụp trong nhà, đèn flash sẽ giúp làm sáng chủ thể và cảnh vật xung quanh. Tuy nhiên khi chụp người, bạn đừng chụp quá gần vì sẽ gây lóa mắt đối tượng và xuất hiện bóng ở đằng sau (nếu đứng gần bức tường hay tấm vách) khiến không thấy rõ được cảnh vật xung quanh. Bạn nên đứng ở một khoảng cách xa hợp lý.

6. GIỮ ỔN ĐỊNH

Điện thoại thông minh thường có hai tùy chỉnh cho việc chụp ảnh ở điều kiện ánh sáng yếu. Một là chụp trong một thời gian dài để cảm biến thu được đủ ánh sáng, tuy nhiên việc này có thể khiến tấm ảnh của bạn bị mờ. Hai là chỉnh ISO cao lên, nhưng việc này sẽ khiến ảnh của bạn bị nhiễu như xuất hiện những đốm màu không mong muốn. Bình thường điện thoại của bạn sẽ tự chỉnh hai thông số này và kết quả là bạn có tấm ảnh vừa mờ và vừa nhiễu.
Vì thế để có tấm ảnh tốt hơn, bạn nên đặt điện thoại lên những điểm tựa cố định như mặt bàn hay lan can. Trong trường hợp máy của bạn có phần hỗ trợ kiểm soát được thông số ISO, bạn nên sử dụng chúng để tăng chất lượng hình ảnh.

7. TRÁNH ZOOM

Khả năng zoom có hầu hết trên các điện thoại, tuy nhiên đa phần là zoom kỹ thuật số. Cho nên trong quá trình zoom sẽ gây ảnh hưởng về chất lượng ảnh, vì thực tế điện thoại chỉ dùng một phần của bộ cảm biến ảnh và tái tạo một bức ảnh với kích thước như bạn mong muốn. Kết quả là bạn thu được ít thông tin cho tấm ảnh. Nếu muốn chủ thể lớn hơn, bạn có thể di chuyển lại gần hơn hoặc dùng công cụ để cắt xén giúp chủ thể trông có vẻ to hơn và chi tiết hơn.

8. CHỈNH ÂM THANH XUỐNG VÀ TĂNG TỐC MỌI THỨ

Một số điện thoại chú trọng đến âm thanh chụp của máy ảnh. Đôi lúc, việc này làm chậm quá trình chụp. Bạn thường đợi âm thanh của điện thoại phát ra khi chụp xong một tấm rồi mới bắt đầu chụp tấm tiếp theo. Vì thế, nếu muốn chụp nhanh, tốt nhất bạn nên tắt nó đi. Tương tự, với hầu hết các điện thoại giúp bạn xem ảnh vừa mới chụp lâu hơn mức cần thiết, hãy giảm thời gian xem lại nếu bạn muốn chụp ảnh nhanh hơn.

9. SAI LẦM KHI QUAY VIDEO THEO CHIỀU DỌC

Nhiều người có thói quen sử dụng điện thoại để quay phim, tuy nhiên họ lại không xoay ngang điện thoại khi quay phim. Kết quả thu được là một đoạn phim thẳng đứng theo chiều dọc, kéo mọi thứ trông dài hơn. Nếu muốn quay phim để up lên YouTube, Facebook hoặc trình chiếu trên ti-vi, hãy nhớ quay ngang điện thoại khi quay phim nhé.

10. PHẦN MỀM HỖ TRỢ

Có hàng loạt ứng dụng miễn phí hỗ trợ cho việc chỉnh sửa ảnh. Bạn có thể cắt ảnh để loại bớt những hình ảnh không cần thiết cũng như điều chỉnh độ tương phản và màu sắc có thể thiếu trong bản gốc. Hoặc bạn thay đổi độ bão hòa của tấm ảnh, có thể tăng cường được màu sắc, thay đổi sang màu đen hay trắng, có thể che giấu nhiễu của ảnh. Bạn cũng có thể thêm vài họa tiết giúp tấm ảnh sinh động hơn. Một số phần mềm được sử dụng là Photoshop Touch, Perfectly Clear, Instagram, Line Camera, Camera360…

Nguồn tin: herworldvietnam.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 5/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close