VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Phơi sáng trên Android và Windows Phone

Đăng lúc: . Đã xem 8152 - Người đăng bài viết: Trần Ngọc Thu Trang
Chuyên mục : Chụp ảnh bằng điện thoại
Phơi sáng trên Android và Windows Phone

Phơi sáng trên Android và Windows Phone

Khi đã bước chân vào nghề nhiếp ảnh chắc chắn các bạn sẽ nghe thấy cụm từ chụp ảnh phơi sáng. Vậy chụp ảnh phơi sáng là gì và kỹ thuật để chụp được một bức ảnh phơi sáng đẹp không cần dùng đến máy ảnh chuyên nghiệp mà chỉ cần trên tay 1 chiếc smartphone, hãy cùng vuanhiepanh.com tìm hiểu vấn đề này.

Nếu bạn là người ham thích chụp hình trên smartphone chắc chắn đã không ít lần nghe về cụm từ chụp ảnh phơi sáng hay phơi đêm. Vậy chụp ảnh phơi sáng là gì và làm thế nào để có được một bức ảnh phơi sáng ưng ý nhất, bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn để bạn có thể tự chụp cho riêng mình những bức ảnh ấn tượng.

Chụp ảnh phơi sáng là gì?

Chụp ảnh phơi sáng hiểu một cách nôm na đơn giản nhất là việc thiết bị sẽ mở màn trập lâu lên đến vài giây hoặc hơn để cho ánh sáng vào nhiều hơn. Vì thế chụp ảnh phơi sáng thường được áp dụng trong việc chụp ảnh phong cảnh/tĩnh vật ban đêm vì môi trường thiếu sáng.
Ngoài ra dưới sự sáng tạo không ngừng của nghệ thuật nhiếp ảnh thì thuật ngữ phơi sáng còn áp dụng vào chụp ban ngày, thể loại ảnh chuyển động nghệ thuật, light painting, … với các phụ kiện hỗ trợ thích hợp đi kèm.

Thiết bị cần có để chụp ảnh phơi sáng

1. Smartphone có khả năng chỉnh tay các thông số

Tất cả các máy Lumia, LG G4, Samsung Galaxy Note 5/S6 Edge Plus, HTC One M8/M9, một số dòng tầm trung trở lên của OPPO như Mirror 5, R7 Lite, Find 7/7a, …, Asus Zenfone 2, Lenovo Vibe Shot, Xiaomi Mi4/4i/4C, Sony Xperia Z series (với chế độ pháo hoa) và còn khá nhiều máy trên thị trường hiện nay nữa có khả năng này.


Giao diện chỉnh tay các thông số trên các máy Lumia
Để nhận biết máy mình có khả năng chỉnh tay các thông số, đặc biệt là khả năng tùy chỉnh tốc độ màn trập, trong ứng dụng chụp ảnh của bạn sẽ có chế độ mang tên đại loại như Thủ công, chuyên gia, Pro, Manual, …
Chế độ thủ công trên LG G4
Chế độ chuyên gia trên các máy OPPO
Chế độ Pro trên Lenovo Vibe Shot
Giao diện ứng dụng Camera FV5 Lite trên các máy Android

2. Chân máy ảnh (tripod)

Đây là phụ kiện bắt buộc phải có vì dù máy bạn có chống rung quang học "5 trục 12 hướng" gì đi nữa thì tay bạn cũng không thể cầm chắc máy trong hàng mấy giây được. Giá loại chuyên dành cho điện thoại trên thị trường hiện nay dao động từ mấy chục cho tới mấy trăm ngàn tùy vào kích cỡ, vật liệu làm nên.

3. Các loại filter (tùy chọn thêm)

Các loại filter như star, ND giúp thú vui chụp ảnh phơi sáng của bạn trở nên thú vị và thành phẩm mang tính độc đáo cao hơn. Chẳng hạn filter star giúp những ánh đèn được chụp lại sẽ tỏa tia như trên các máy DSLR/Mirrorless chụp vậy. Hoặc các filter ND 4/8/1000x đem lại khả năng tận dụng tối đa khả năng phơi sáng của thiết bị như LG G4 có thể phơi sáng tối đa 30 giây nhưng không lúc nào cũng có thể phơi lâu như vậy vì ảnh sẽ cháy mất chi tiết hoặc tệ hơn là trắng xóa.


Gắn filter sao giúp các ánh đèn tỏa tia ra giống như trên các máy ảnh DLSR/Mirrorless vẫn hay làm
Ngoài ra bạn còn có thể phơi sáng vào ban ngày như chụp sông, suối, biển với các filter ND.

Các thông số cần nắm vững khi chụp ảnh phơi sáng

1. Cân bằng trắng (White Balance – WB)

Dễ hiểu nhất thì đây là chế độ xử lý màu sắc của bức ảnh với mục đích cho ra màu trắng đúng với màu mà mắt người có thể cảm nhận. Thường khi chụp tự động máy sẽ lo phần xử lý này cho bạn, tuy nhiên với điều kiện ánh sáng phức tạp hơn hoặc khả năng của máy hạn chế thì bạn hãy tự thiết lập thông số này cho đúng.


Trên các smartphone hiện nay thường có các chế độ như ánh sáng ban ngày (hình mặt trời), âm u (hình đám mây), ánh sáng huỳnh quang (hình bóng đèn dài) và bóng đèn sợi tóc (hình bóng đèn tròn). Ngoài ra một số trường hợp còn có tùy chọn đèn flash và nến. Cách sử dụng rất đơn giản là ở trong môi trường ánh sáng như thế nào thì bạn chọn tương ứng hoặc chọn sao mắt bạn thấy ưng ý là được.
Ngoài một số tùy chọn có sẵn, một số máy của HTC hay LG G4 còn có chế độ cân bằng trắng theo độ K giống như trên máy ảnh chuyên nghiệp. Chế độ này giúp lựa chọn cân bằng trắng chi tiết và chính xác hơn với thông số thường chạy từ 1.200 (màu da cam) cho tới 15.000 (màu xanh da trời).

2. ISO

Hay còn gọi là độ nhạy sáng, ISO càng thấp thì ảnh càng mịn, đẹp và ngược lại càng cao ảnh sẽ bị bệt chi tiết, nhiễu hạt nhiều làm bức ảnh kém đi sức hấp dẫn. Dải ISO phổ biến của hầu hết các điện thoại hiện nay chạy từ 100 – 800, đặc biệt với một số smartphone có camera được đầu tư có thể lên tới 3200, 4000 hoặc con số khủng là 12.800 như trên Sony Xperia Z3 trở về sau, bộ đôi Lumia 950/950 XL mới được trình làng của Microsoft.

3. Lấy nét thủ công (Manual Focus)

Cái này khá dễ hiểu, thay vì bạn chạm lên màn hình vị trí muốn lấy nét như bình thường thì giờ bạn phải chọn trên một thanh trượt để bắt máy lấy nét ở một khoảng cách cố định. Khi điều kiện ánh sáng yếu và khả năng lấy nét của camera điện thoại còn nhiều hạn chế thì đây là điều bạn bắt buộc phải làm. Tuy không thuận tiện trong thao tác như trên máy ảnh nhưng làm nhiều sẽ quen, bạn cứ tập chụp và chỉnh nhiều lần đối với một góc chụp để biết được đâu là khoảng lấy nét tối ưu nhất đối với máy của mình.

4. Tốc độ màn trập (Shutter Speed)

Đây là nhân tố rất quan trọng trong việc chụp ảnh phơi sáng vì chỉ đơn giản máy mở màn trập càng lâu thì ánh sáng vào cảm biến càng nhiều và giúp các vật thể chuyển động như sóng trên mặt nước, xe, người, ngôi sao, máy bay, … trở nên nhòe tạo ra sự lung linh, ảo diệu hơn cho bức ảnh. Với các smartphone chỉnh tay thông số này thường có thời gian tối đa từ một giây (các dòng Lumia cấp thấp, Lenovo Vibe Shot, các máy Xiaomi, …) cho tới bốn giây (Lumia dòng hỗ trợ ống kính Zeiss như 640/640 XL trở lên), 10 giây (Samsung Galaxy Note 5/S6 Edge Plus), 30 giây (LG G4) hoặc 32 giây (OPPO Find 7/7a).


5. Bù trù sáng (EV)
Với nhiều trường hợp bạn muốn thêm hoặc bớt chút ít độ sáng trong bức ảnh sau khi đã chụp xong thì có thể tăng/giảm thông số này khi phơi sáng đối với tấm ảnh tiếp theo nếu bên cạnh tùy chọn tăng/giảm tốc độ màn trập/ISO.

Kinh nghiệm chia sẻ

* Lưu ý đây chỉ là những chia sẻ được người viết học hỏi và rút kinh nghiệm từ chính môi trường thực tế trải nghiệm, mang tính tham khảo, giao lưu chứ hoàn toàn không mang tính áp đặt, máy móc.


1. Hãy luôn giữ ISO ở mức thấp nhất có thể

Như đã nói bên trên, ISO thấp mang lại chất lượng ảnh cao nhất. Và chính điều này giúp cho một bức ảnh phơi sáng luôn đẹp và tốt hơn so với việc sử dụng chế độ tự động và giơ máy lên chụp thông thường. Lựa chọn ISO có thể ở mức 50, 64 hoặc 100 ở một số smartphone, cứ hãy lựa chọn mức thấp nhất mà bạn có thể thấy.


Sài Gòn về đêm - Lumia 920, ISO 100, phơi sáng 1 giây
Nếu bức ảnh bạn chụp ra tối, không như mong muốn dù đã tăng tốc độ màn trập lên mức lâu nhất có thể thì công việc còn lại là bạn từ từ tăng ISO lên đến khi bức ảnh sáng như ý muốn. Tất nhiên ISO cao sẽ khiến ảnh bị nhiễu, bạn có thể hậu kì sau đó để giảm bớt sự ảnh hưởng tiêu cực này.
Kênh Tàu Hủ lên đèn - Lenovo Vibe Shot, tốc độ màn trập 1 giây (đã tối đa), ISO 400 (tăng để đảm bảo độ sáng)

2. Lấy nét chủ thể chính

Với ảnh phơi sáng thường chủ đề chính là phong cảnh với khoảng cách chủ thể ở xa. Một số smartphone gần đây có hệ thống lấy nét tự động khá tốt nên bạn có thể thử trước khi chuyển hẳn sang lấy nét thủ công bằng cách chạm lên màn hình vị trí muốn lấy nét. Nếu khả năng máy lấy nét ổn bạn hoàn toàn có thể dùng để chụp tiếp nếu không thì bạn “giúp máy một tay” trong việc lấy nét. Một điểm mình nhận thấy sau khi chụp nhiều dòng máy và nhận được chia sẻ từ nhiều “trùm” trong lĩnh vực phơi sáng bằng điện thoại là không nên lấy nét ở vô cực. Nhiều bạn vẫn thường nghĩ lấy nét ở vô cực sẽ giúp ảnh nét “từ đầu tới đuôi” nhưng thực tế ống kính tích hợp trên điện thoại đều thuộc loại cho góc nhìn rất rộng nên để trường ảnh sâu và chi tiết rõ nhất chỉ cần lấy nét ở một khoảng trước vô cực. Tùy vào máy, khung cảnh, đối tượng lấy nét mà sẽ có khoảng chọn lấy nét khác nhau và quan trọng hơn là bạn phải chụp nhiều trên thiết bị của mình để biết chính xác khoảng tiêu cự nét toàn dải.


Lumia 920 mình đang sử dụng cho khoảng lấy nét tốt ưu toàn dải ở mức 85 – 90% thanh lấy nét

3. Lựa chọn tốc độ màn trập phù hợp

Sau khi chọn ISO, lấy nét thì với tốc độ màn trập, bạn cứ để auto và chụp thử một tấm xem thử kết quả. Thường một số máy sẽ tính toán tốc độ màn trập phù hợp với thông số bạn định sẵn để ảnh đúng sáng nhưng trong một vài trường hợp do giới hạn tốc độ màn trập tự động tối đa không vượt mức 1/2 giây nên ảnh sẽ bị tối, mất chi tiết trầm trọng. Lúc này bạn hãy mạnh dạn đẩy thời gian phơi sáng lên, hãy thử ở nhiều mức khác nhau và chọn ra mức tối ưu nhất cho khung hình của mình.


Đêm yên ả dưới chân cầu Bình Lợi - OPPO Mirror 5, ISO 100, tốc độ màn trập 4 giây

4. Nên chọn chế độ hẹn giờ khi chụp

Lý do sử dụng tripod là giúp máy không bị rung lắc khi phơi sáng. Và việc bạn chạm vào máy khi chụp ảnh cũng sẽ là tác nhân khiến ảnh không sắc nét. Tốt nhất bạn nên kết hợp với chế độ hẹn giờ khi chụp, thường là khoảng 2 – 5 giây để sau khi bấm, thời gian đếm ngược sẽ giúp triệt tiêu hết rung động do tay bạn tác động vào.
Nêu chế độ hẹn giờ không có khi bạn chỉnh tay các thông số thì hãy ưu tiên việc bấm chụp bằng nút trên màn hình cảm ứng thay vì nút cứng. Điều này nghe có vẻ khá mẫu thuẫn khi nhà sản xuất tích hợp phím cứng thêm vào máy để có trải nghiệm chụp ảnh tốt hơn nhưng trong trường hợp tối thiểu hóa rung động như chụp ảnh phơi sáng thì chắc chắn việc bạn cố gắng nhấn nút cứng trên thân máy đã được gắn vào tripod sẽ tạo ra rung động lớn hơn nhiều so với lúc chạm nhẹ vào màn hình cảm ứng vốn hiện nay đã rất nhạy.

5. Kiểm tra thành quả thật kỹ càng trước khi tiếp tục hoặc kết thúc chụp

Đây là giai đoạn quan trọng mà nhiều người thường bỏ qua. Khoảnh khắc rất quan trọng trong nhiếp ảnh nhưng khi chụp phơi sáng thì bạn không thể vội được. Sau khi chụp xong, nhất là những tấm đầu tiên bạn cần soi lại thật kỹ độ nét, màu sắc, bố cục để rút kinh nghiệm cho những tấm chụp sau. Đặc biệt khi bạn lấy nét thủ công thì việc cố gắng zoom 100% bức ảnh chụp ra để kiểm tra độ nét là điều hết sức quan trọng vì chắc chắn bạn chẳng hề muốn rằng khi thấy trên điện thoại rất nét (vì thường mật độ điểm ảnh rất cao) nhưng khi xem lại trên máy tính và phóng to 100% thì mới phát hiện độ nét chưa tới phải không nào.


Những ánh sao "băng"  - LG G4, ISO 50, phơi sáng 8 giây
Bạn hãy cố gắng sau zoom để soi thật kỹ độ nét ngay sau khi chụp xong nhé

6. Hãy chụp nhiều tấm và thử ở nhiều góc độ khác nhau

Việc chụp nhiều tấm một lúc không chỉ cung cấp cho bạn lựa chọn ra được tấm ảnh có khoảnh khắc đẹp nhất mà còn giúp bạn có kinh nghiệm hơn trong việc chụp ảnh phơi sáng. Đừng vội hài lòng khi bạn vừa chụp được một tấm mà nghĩ trong bụng là rất đẹp rồi vì trong cuộc sống thì luôn tồn tại yếu tố “biết đâu bất ngờ”. Tương tự vậy, chụp ở nhiều góc độ, cách nhìn khác nhau cho bạn được cái nhìn tươi mới hơn về sự vật, khung cảnh, tư duy mỹ thuật cởi mở và đa chiều hơn. Hãy nhớ chụp ảnh phơi sáng thì không nên vội, chụp một trăm một ngàn ảnh về chọn ra một tấm để đời luôn là thành quả mà ngay cả nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hướng tới.


Một góc Sài Gòn tráng lệ - Lumia 920, ISO 100, phơi sáng 4 giây
Một góc nhìn khác về trung tâm Sài Gòn - OPPO R7 Lite, ISO 100, phơi sáng 2 giây

7. Hãy lựa chọn chất lượng ảnh tốt nhất có thể

Đây là công việc bạn phải làm trước khi chụp ảnh phơi sáng. Với một số smartphone sẽ cung cấp cho bạn các tùy chọn về file ảnh lưu trữ ra đạt mức tốt, xuất sắc hay trung bình. Hãy đảm bảo bạn hãy chọn loại tốt nhất có thể. Ngoài ra hiện nay, các máy dòng Lumia cao cấp như 1020, 1520, 830, 930, 950, LG G4, … cho khả năng lưu ảnh ở định dạng RAW. Nếu có bạn hãy chọn ngay định dạng này cho những tấm ảnh phơi sáng của mình để giữ lại nhiều thông tin, giúp việc hậu kì sau này tốt hơn.


Cầu Bình Lợi cũ - LG G4, ISO 50, phơi sáng 8 giây, ảnh đã qua hậu kì từ file ảnh RAW đuôi .DNG

8. Hậu kì ảnh

Để có được một bức ảnh phơi sáng như ý, ngoài yếu tố con người, thiết bị, thông số phù hợp thì công đoạn hậu kì cũng góp công lớn trong việc làm nên vẻ đẹp của một bức ảnh. Chỉnh sửa ngay trên thiết bị thì bạn có thể chọn một số ứng dụng chỉnh sửa nổi tiếng như SnapSeed, Pixlr, Photoshop Express,… Trên máy tính thì quen thuộc với Photoshop, Lightroom. Các thông số bạn cần chú ý và điều chỉnh tăng lên một tý như độ nổi khối (clarity), độ sắc nét (sharpen), giảm nhiễu (noise, color noise reduction), độ bão hòa màu (saturation).


Một thoáng cầu Bình Lợi - LG G4, ISO 50, phơi sáng 8 giây, chưa hậu kì
Một thoáng cầu Bình Lợi - LG G4, ảnh đã qua hậu kì

9. Quan trọng là bạn thấy đẹp

Những chia sẻ bên trên chủ yếu mang tính đóng góp, giúp bạn biết được cách tạo nên bức ảnh phơi sáng nét, đủ sáng. Về màu sắc thì không có quy chuẩn nào cụ thể trong nghệ thuật nhiếp ảnh, có thể bạn mong muốn giữ lại những gì tự nhiên, chân thật nhất nhưng cũng có thể bạn thích bức ảnh mang màu xanh huyền diệu buổi đêm, màu vàng rực rỡ ánh đèn hay tím hoài cổ bí ẩn, … Tính quyết định về màu sắc được bạn chọn ngay từ khi bắt đầu chụp với cân bằng trắng và trong hậu kỳ với các bộ lọc màu. Vì thế ở phần bên trên mình không nhắc đến chế độ cân bằng trắng trong chia sẻ, một phần vì đa số các smartphone hiện giờ có thể tự động làm tốt việc này và chính là ở sở thích về màu sắc của từng người.


Bạn muốn xanh hay vàng, tất cả tùy thuộc vào lựa chọn của bạn - Lumia 920, ISO 100, phơi sáng 1 giây


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 5/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close