Zoom bằng… chân: Bạn đừng dùng chức năng zoom số của camera trên điện thoại, bởi vì nó sẽ làm giảm chất lượng ảnh chụp. Nếu có thể, hãy di chuyển tới gần chủ thể (hoặc chờ cho đối tượng tiến gần tới bạn).
Để ý ánh sáng: Ánh sáng ảnh hưởng tới chất lượng ảnh chụp. Tuy không phải lúc nào bạn cũng có được điều kiện ánh sáng lý tưởng khi chụp, nhưng nên tránh ánh sáng chói chang vào buổi trưa để không bị hiện tượng “cháy” sáng.
Giữ chắc điện thoại khi chụp: Để tránh bị nhòe hình, hãy cầm chắc tay máy. Tuy nhiên thực hiện điều này với chiếc điện thoại vừa nhỏ vừa nhẹ có vẻ không dễ. Vậy nên, bạn có thể lợi dụng một bờ tường gần bên, tỳ tay vào đấy, hoặc nếu có một chân đế giữ điện thoại cố định là chắc ăn nhất.
Làm gọn phông nền: Nếu bạn muốn có được bức ảnh chân dung đẹp, hãy để ý phía sau chủ thể. Cố gắng chọn hậu cảnh đơn giản, gọn gàng. Không gì tệ hơn là những cành cây hoặc vài thứ gây mất tập trung khác lộn xộn phía sau chủ thể.
Tăng độ phân giải: Thiết lập độ phân giải cho camera của điện thoại ở mức cao nhất có thể. Độ phân giải cao hơn sẽ đem đến chất lượng ảnh cao hơn.
Cẩn thận với độ trễ của màn trập: Hãy chắc chắn bạn giữ chặt điện thoại cho đến khi thấy ảnh chụp xuất hiện trên màn hình. Hầu hết màn trập của camera trên điện thoại đều có độ trễ. Nghĩa là, camera vẫn trong quá trình chụp sau khi bạn đã nhấn nút chụp. Độ trễ mất chừng 1 giây hoặc hơn, nhưng như vậy cũng đủ để làm nhòe hình.
Chọn góc chụp: Kích cỡ nhỏ gọn của điện thoại có thể đem lại cho bạn cơ hội khám phá ra những góc chụp đáng giá mà bạn không thể có với máy ảnh số ngắm-chụp hoặc ống kính rời (DSLR). Với cùng một chủ thể, hãy chụp thử từ nhiều góc độ hoặc độ cao khác nhau.
Giữ sạch thấu kính: Hãy chắc chắn rằng thấu kính trên điện thoại luôn được giữ sạch sẽ. Mọi người thường nhét điện thoại trong túi quần chung với đủ thứ thường dùng khác (như chìa khóa, thanh nhớ USB…). Điều đó có thể khiến thấu kính bị dính bẩn hoặc tệ hơn nữa là bị trầy xước.
Lấy đầy khung hình: Hãy để chủ thể tràn đầy màn hình. Đó là một cách đơn giản để có được những bức ảnh đẹp, nổi bật trên những màn hình nhỏ. Ví dụ, bức chân dung bao gồm đầu và vai thường trông ấn tượng hơn so với các bức ảnh chụp toàn thân.
Chụp nhiều và thường xuyên: Chụp nhiều giúp bạn nâng cao kỹ năng, và làm tăng cơ hội có được một bức ảnh thật đẹp. Trừ khi dung lượng bộ nhớ của máy bị hạn chế, chụp thường xuyên khi có thể, và xóa bỏ đi sau đó.
Chúc các bạn thành công!
Ý kiến bạn đọc