Chụp ảnh ‘xoá phông’ được hiểu đơn giản là kiểu chụp mà chủ thể thì rõ nét, còn cảnh vật xung quanh thì bị mờ đi, qua đó làm nổi bật đối tượng chụp. Cách thức này thường được áp dụng trong thể loại ảnh chân dung, ảnh đời thường với phần hậu cảnh “thiếu đẹp” hoặc đơn giản là khi muốn làm mờ xung quanh để tránh sự phân tâm khi xem ảnh. Còn theo thuật ngữ chuyên môn, kỹ thuật này được gọi với cái tên là “độ sâu trường ảnh nhỏ”, “nét nông” hoặc “DOF mỏng”.
Thực hiện việc này với máy ảnh chuyên nghiệp có cảm biến lớn cùng ống kính có thể thay đổi là điều quá dễ dàng, còn với những chiếc camera trên smartphone thì sao?
Một bức ảnh được chụp bằng Galaxy Note 4. Ảnh: LQ
Trước hết cần hiểu về cơ chế của việc “xoá phông” này và tại sao các máy DSLR lại có thể chụp “xoá phông” được.
Có 3 yếu tố chính cấu thành nên độ sâu của trường ảnh, đó là: Khẩu độ ống kính,tiêu cự ống kính và khoảng cách từ đối tượng đến hậu cảnh (background) phía sau. Ngoài ra, kích thước cảm biến cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả này. Trong đó:
- Khẩu độ ống kính càng lớn, “xoá phông” càng mạnh.
- Tiêu cự càng dài, xoá phông càng mạnh.
- Hậu cảnh (phông nền) càng xa, hoặc đối tượng chụp càng gần máy thì phông càng bị xoá mạnh
- Cảm biến lớn thì ảnh sẽ đẹp hơn, và “xoá phông” cũng tốt hơn.
Một vài thông số ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh (phần màu xanh).
Trong 4 yếu tố trên thì có tới 3 yếu tố được quyết định bởi thiết bị, chỉ có yếu tố “hậu cảnh xa” là có thể điều chỉnh được. Thế nhưng đối với camera trên một chiếc smartphone, với kích thước mo-dun chỉ ngang bằng hoặc nhỏ hơn đầu ngón tay thì cả 3 yếu tố khẩu độ, tiêu cự và kích cỡ cảm biến đều bị hạn chế khá nhiều.
Chẳng hạn với chiếc Galaxy Note 4 của Samsung là một trong những thiết bị di động được đánh giá cao ở khoản chụp ảnh. Camera trên Note 4 có kích thước cảm biến 1/2,6” (bằng khoảng 1/6 kích thước cảm biến FullFrame theo mỗi chiều) cùng độ dài tiêu cự là 4,8mm. Khi quy đổi theo tỷ lệ so với cảm biến FullFrame, Galaxy Note 4 có thể được coi như là một chiếc máy ảnh có ống kính với tiêu cự 4,8 x 6 (khoảng 28mm ứng với máy Fullframe). Với tiêu cự này thì chúng ta có thể ghi được những bức ảnh với góc khá rộng, thường thích cho việc chụp ảnh phong cảnh hơn là chụp chân dung “xoá phông”. Để chụp chân dung tốt thì tiêu cự của ống kính thường từ 50mm trở lên.
Ảnh LQ
Còn về khẩu độ, Note 4 có khẩu độ khá lớn là f/2.2 (khẩu độ f/x, x càng nhỏ thì khẩu càng lớn). Tuy nhiên với kích thước cảm biến nhỏ như vậy thì khẩu độ này có lẽ không có nhiều tác dụng trong việc xoá phông, mà đơn giản chỉ là cho lượng ánh sáng vào nhiều hơn. Thậm chí một vài mẫu máy hiện nay có khẩu độ lên tới f/1.9, tuy nhiên cũng không thể làm độ sâu trường ảnh giảm đi được bao nhiêu.
Nói vậy để thấy, những chiếc camera phone không được sinh ra để chụp ảnh chân dung thuần tuý, chúng thường hướng tới mục đích chụp đa đạng, đặc biệt là chụp ảnh phong cảnh. Tuy nhiên nếu muốn có hiệu ứng “xoá phông” để tạo sự ấn tượng cho bức ảnh, chúng ta vẫn có thể áp dụng một vài thủ thuật dưới đây:
Kéo đối tượng lại gần máy và xa phông nền
Đây là yếu tố duy nhất có thể thay đổi được trong 4 yếu tố kể trên. Cách này có thể áp dụng đối với bất cứ loại thiết bị chụp hình nào chứ không chỉ là điện thoại.
Kết quả dễ thấy nhất là khi chụp ở chế độ macro (chụp cận cảnh), hầu hết được bị xoá phông khá mạnh.
Ảnh cận cảnh chụp bằng iPhone. Ảnh: LQ
“Kéo dài” tiêu cự bằng cách lắp thêm ống kính
Sự nở rộ của chụp ảnh điện thoại kéo theo các phụ kiện cho lĩnh vực này cũng phát triển theo. Có khá nhiều loại ống kính được sản xuất để lắp vào điện thoại, chẳng hạn như ống macro, ống wide hay ống tele. Ống tele là loại ống có tiêu cự dài đến khá dài, có thể dùng trong việc chụp chân dung tương tự những ống tele cho máy ảnh. Giá của loại phụ kiện này có thể lên tới hàng triệu đồng.
Lens tele cho smartphone. Ảnh: Techz
“Xoá phông” bằng phần mềm
Nếu không thể đáp ứng nhu cầu của bạn bằng các giải pháp phần cứng thì chúng ta có thể sử dụng các biện pháp về mặt phần mềm. Đó là các ứng dụng cho phép khoanh vùng chủ thể mong muốn, sau đó làm mờ phần còn lại, tạo cảm giác như bức ảnh xoá phông thực thụ.
Một bức ảnh được làm mờ hậu cảnh bằng phần mềm trên ASUS ZenFone 4. Ảnh: LQ
Một số dòng máy hiện nay như Sony Xperia hay ASUS ZenFone,… đã được cài sẵn tính năng này trên camera mặc định, ngoài ra bạn cũng có thể cài thêm ứng dụng như AfterFocus trên Android hoặc Tadaa SLR trên iOS. Không chỉ làm mờ phông, những ứng dụng này thậm chí còn tạo ra hiệu ứng bokeh khá đẹp mắt cho bức ảnh chân dung của bạn. Đơn giản hơn, một vài ứng dụng có cho phép tạo hiệu ứng Tilt-Shift chẳng hạn như Snapseed, Camera 360 hay Instagram cũng là một cách làm mờ phông nền hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc