VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Lưu ý khi CHỤP ẢNH TRONG SƯƠNG MÙ

Đăng lúc: . Đã xem 6785 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Chụp ảnh phong cảnh
Lưu ý khi CHỤP ẢNH TRONG SƯƠNG MÙ

Lưu ý khi CHỤP ẢNH TRONG SƯƠNG MÙ

vuanhiepanh.com Với những tính chất rất đặc thù, sương mù là một công cụ mạnh mẽ giúp nhấn mạnh vào chiều sâu, hình dạng hay thậm chí màu sắc của vật. Mọi thứ hiện lên trên ảnh không nhất thiết phải rõ ràng, sắc nét với đầy đủ chi tiết nên tạo cảm giác hơi “ảo”, có phần bí ẩn và tĩnh lặng. Tuy nhiên, nếu không biết cách điều tiết hợp lý, người chụp có thể dễ dàng thu được một tác phẩm nhạt nhẽo do không có nội dung hay điểm nhấn cụ thể.
Chụp ảnh trong sương mù đòi hỏi người cầm máy phải có kỹ thuật do phải đối mặt với những hạn chế về tầm nhìn cũng như sự suy giảm của màu sắc và độ tương phản.

[IMG]

Trong rừng sâu. Ảnh: Andrew Evans.

Ánh sáng trong sương mù có tính chất phân tán mạnh và tương đối đồng đều nếu nhìn từ mọi hướng. Cường độ sáng yếu vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều tà cũng là nguyên nhân khiến người quan sát có cảm giác mọi vật ở khoảng cách xa trông rất mờ ảo. Các hệ thống đo sáng ma trận trên máy ảnh, kể cả dòng DSLR tương đối hiện đại thường có xu hướng phơi sáng non khi chụp trong sương mù do độ tương phản của cảnh quá thấp và nồng độ ánh sáng trắng môi trường tuy không mạnh nhưng lại phân tán khá đồng đều. Tương tự như việc nhiếp ảnh khi trời có tuyết, chụp trong sương đòi hỏi phải điều chỉnh bù phơi sáng và cân bằng trắng hợp lý.

[IMG]
Người mới chơi thường chụp phải những bức ảnh không có độ sâu và điểm nhấn cụ thể.
Ảnh: Ecliptomaniacs.

Với những tính chất rất đặc thù, sương mù là một công cụ mạnh mẽ giúp nhấn mạnh vào chiều sâu, hình dạng hay thậm chí màu sắc của vật. Mọi thứ hiện lên trên ảnh không nhất thiết phải rõ ràng, sắc nét với đầy đủ chi tiết nên tạo cảm giác hơi “ảo”, có phần bí ẩn và tĩnh lặng. Tuy nhiên, nếu không biết cách điều tiết hợp lý, người chụp có thể dễ dàng thu được một tác phẩm nhạt nhẽo do không có nội dung hay điểm nhấn cụ thể.

Một trong những điểm gây khó khăn cho những người mới học chụp là không có bất kỳ một quy tắc cố định nào dành cho việc chụp ảnh trong sương mù. Khi đối diện với những hoàn cảnh cụ thể, bản thân người cầm máy phải biết cách điều chỉnh các thông số phơi sáng, độ mở và ISO cho hợp lý. Sương mù càng dày thì tầm nhìn càng thu hẹp, màu sắc và độ tương phản cũng bị suy giảm đáng kể. Điều này làm tăng sự khác biệt giữa các đối tượng ở khoảng cách khác nhau, đồng thời khiến việc cô lập những đối tượng ở xa trở nên cực kỳ khó khăn. Với những người mới bắt đầu, trước hết hãy tập trung lấy nét vào một số chủ thể nằm gần máy như bãi cỏ, mặt nước hay nhành cây trong sương sớm.

[IMG]
Ánh sáng mặt trời xuyên qua những cây thông trong rừng quốc gia Baker-Snoqualmie, bang Washington, Mỹ. Ảnh: Ethan Welty.

Những hạt nước li ti trong không khí mỗi khi trời có sương mù khiến ánh sáng bị tán xạ mạnh. Các nguồn sáng đối diện ở khoảng cách xa như mặt trời, đèn pha ô tô thường bị làm “mềm” đi rất nhanh và hầu như không có tác dụng trong việc tạo hiệu ứng đổ bóng. Tuy nhiên, một số vệt sáng mảnh nếu chiếu theo phương chếch với người quan sát vẫn có thể tạo ra những vùng sáng khác hẳn môi trường xung quanh (dân nhiếp ảnh thường gọi là “ray” sáng). Ví dụ thường thấy nhất là hình ảnh những tia nắng mặt trời chiếu xiên qua kẽ lá trong rừng cây vào buổi sáng sớm. Tiếp cận, thay đổi góc nhìn theo hướng gần song song hoặc vuông góc với luồng sáng, tăng thời gian mở cửa trập, khép sâu khẩu độ là những bí quyết giúp tăng hiệu quả khi chụp với những đối tượng đặc biệt này.

[IMG]
Hẹn gặp lại anh phía bên kia. Ảnh: Jason Hill.

Sương mù giúp nhấn mạnh dạng bao ngoài của đối tượng vì nó làm giảm màu sắc và các chi tiết trên bề mặt, đồng thời khiến hậu cảnh trở nên đều hơn do hiệu quả của việc hạn chế tầm nhìn. Vì vậy, bạn có thể áp dụng thể loại nhiếp ảnh ngược sáng (silhouette) nếu chọn được vị trí và thời điểm thích hợp. Trong đa số tình huống, nên mở khẩu để phông nền mịn hơn, đối tượng chính được cô lập tốt hơn và trừ sáng đi một vài eV để ảnh không bị cháy.
Chụp một rừng cây, dãy núi hay một khu phố trong sương là một việc khó khăn vì những đối tượng này có chiều sâu tương đối lớn trong khi tầm nhìn bị hạn chế nhiều. Hãy cố kiếm một vị trí khác nằm ngoài tầm ảnh hưởng của màn sương (trên đỉnh núi, ngoài bìa rừng, tầng thượng của một tòa nhà cao…) để tác nghiệp.

[IMG]


Ảnh bên trái ngoài cùng chụp với thời gian phơi sáng ngắn, giúp nhấn mạnh vào kết cấu dày đặc của làn sương. Hai ảnh bên phải chụp với thời gian phơi sáng lâu, thể hiện tốt độ sâu và độ tương phản giữa các vật thể nằm ở những khoảng cách khác nhau.
Ảnh:Cambridgeincolour.

Nhiếp ảnh trong sương mù phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố phơi sáng. Thời gian mở cửa trập ngắn giúp “đóng băng” chuyển động của các hạt nước nhỏ trong không khí (và các chuyển động khác), từ đó, nhấn mạnh vào kết cấu của làn sương đồng thời giảm độ sâu thể hiện trên ảnh do tầm nhìn bị hạn chế. Ngược lại, thời gian mở cửa trập lâu tầm vài phút sẽ làm cho làn sương trở nên mềm mịn hơn đồng thời tăng độ tương phản giữa các vật thể ở những khoảng cách khác nhau. Nên đẩy thời gian phơi sáng lên cao khi sương mù dày đặc hoặc khi cần chụp các đối tượng có độ sâu lớn như con phố, cây cầu, hàng cây…

Một trong những yếu tố quan trọng khi nhiếp ảnh trong sương mù là bảo vệ ống kính và máy ảnh khỏi hiện tượng đọng nước. Sự ngưng tụ sẽ tăng lên đáng kể nếu nhiệt độ thiết bị cao hơn hẳn môi trường xung quanh và màn sương trở nên quá dày đặc. Vì vậy, không nên sử dụng máy ảnh ngay sau khi bạn vừa rời khỏi nhà hay đem từ trong người ra. Hãy đặt các thiết bị quan trọng vào túi chống ẩm (hoặc túi nhựa kín) rồi đợi cho nhiệt độ trong túi ngang bằng với nhiệt độ môi trường trước khi đem ra tác nghiệp. Thời gian chờ thường vào khoảng 10 phút hoặc lâu hơn thế nếu tiết trời trở lạnh. Luôn mang theo một miếng vải mỏng để lau ống kính và thân máy trong trường hợp sương xuống quá nhiều vào buổi chiều tối hoặc đêm khuya.



Nguồn tin: Số Hóa
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 5/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close