VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Ảnh khỏa thân và những định kiến

Đăng lúc: . Đã xem 21558 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Chụp ảnh người
Ảnh khỏa thân và những định kiến

Ảnh khỏa thân và những định kiến

vuanhiepanh.com Tuy nhiên, những ảnh nude này cũng gây tranh cãi. Những tranh luận về nhóm ảnh khỏa thân chủ yếu xoay quanh việc các nhân vật trong ảnh liệu có bị ép buộc cởi đồ để chụp những bức hình hở hang như thế hay không.

1. Tranh cãi ảnh nude thời Pháp thuộc

Ảnh nude dường như luôn chông chênh trên lằn ranh giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật, thậm chí bị coi là dung tục. Bên cạnh đó, là những thành kiến về người mẫu nude, nhiếp ảnh gia nude về việc họ có “lối sống buông thả”, đạo đức có vấn đề, dễ gây ảnh hưởng xấu cho xã hội…
Chèn hình ảnh nếu có
Những bức ảnh Nude từ thời Pháp thuộc vẫn đang là đề tài tranh cãi của giới nhiếp ảnh, các nhà phê bình và cơ quan quản lý
Chất lượng ảnh đã giảm sút do bị chụp lại nhiều lần, song những gì còn lại vẫn cho thấy bản gốc rất đẹp” – nhà nhiếp ảnh Hữu Bảo nói về những bức ảnh nude thời Pháp thuộc.

Không phải nhân học hình ảnh

Những bức ảnh phụ nữ Việt khỏa thân này nằm trong số hàng nghìn bức ảnh về Việt Nam dưới thời Pháp thuộc của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng người Pháp Pierre Dieulefils (1862-1937). Sau đó, chúng được nhà sưu tập bưu ảnh nổi tiếng người Pháp Philippe Chaplain mua và lưu giữ. Ông Philippe Chaplain đã cho Tạp chí Xưa và Nay mượn bộ sưu tập của mình.
Theo quan điểm của ông Hữu Bảo, những bức hình đó rất chuẩn về bố cục lẫn ánh sáng, đường nét, đồng thời sinh động. Các ảnh này đã được trưng bày trong triển lãm Để hiểu hơn về một Hà Nội xưa do Tạp chí Xưa và Nay phối hợp với Thư viện Hà Nội tổ chức hồi đầu năm 2010.
Tuy nhiên, những ảnh nude này cũng gây tranh cãi. Những tranh luận về nhóm ảnh khỏa thân chủ yếu xoay quanh việc các nhân vật trong ảnh liệu có bị ép buộc cởi đồ để chụp những bức hình hở hang như thế hay không. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng đó là những tấm hình dàn dựng phi thực tế trong chủ ý dã tâm của người Pháp. Người dân do đó phải tuân thủ mệnh lệnh “bắt cởi phải cởi, bắt chết phải chết” của chủ.
Chèn hình ảnh nếu có
Theo một nhà nghiên cứu, những bức ảnh này chính là cái nhìn của phương Tây về phương Đông
Ý kiến ngược lại cho rằng những bức ảnh đó chỉ là tác phẩm của những người muốn Á Đông hóa, An Nam hóa đề tài nude – một đề tài mỹ thuật hàn lâm vốn luôn được mến chuộng. Bố cục của các tác phẩm cũng được phân tích là quen thuộc và nhan nhản trong nghệ thuật cổ điển.
TS Đào Thế Đức – thư ký tòa soạn Tạp chí Xưa và Nay, nói: “Giờ đây, nếu nhìn tổng thể những bức ảnh đó, chúng ta cũng không thể nói đích xác chúng được bố trí hay không và bố trí đến đâu”.
Tuy nhiên, theo TS Đức, đó chắc chắn không phải là những tư liệu nhân học hình ảnh. Ông cho biết: “Nhân học hình ảnh phải do người dân tự thể hiện. Nhờ đó, những bức ảnh, thước phim cho thấy rõ người dân thực sự muốn thể hiện mình ra sao. Nó hoàn toàn không phải cái nhìn của người ngoài cuộc. Trong khi điều thấy rõ trong những bức ảnh này chính là cái nhìn của phương Tây về phương Đông. Qua cái nhìn đó, phương Đông trở nên hơi kỳ quặc, lạ lẫm, thậm chí có phần nào lạc hậu”.
TS Đức cho rằng những tác phẩm này không chỉ không do người dân tự chụp mà còn ít khả năng do người Việt chụp. Nó chính là những bức ảnh do người Pháp chụp với tinh thần Tây phương dễ nhận thấy. “Thời đó, chắc chỉ có mấy ông Tây mới bắt đàn bà con gái lột trần ra chụp ảnh như vậy thôi”.

Hoàn toàn không gợi dục

Song, điều kỳ lạ là những bức nude trên hoàn toàn không có tính gợi dục. “Tôi đã nói chuyện với một số người trong triển lãm, nhưng không ai cho rằng những tác phẩm này dung tục cả”, ông Hữu Bảo cho biết. Tuy nhiên, những tạo hình khó có thể coi là như trong cuộc sống thông thường. Một người mẫu gánh nước nhưng yếm lại trật ra hở ngực. Mấy phụ nữ cùng ngồi quanh tẩu thuốc và cũng hở ngực một cách lạ thường.
Những bức ảnh này chính là cái nhìn của phương Tây về phương Đông. Qua cái nhìn đó, phương Đông trở nên hơi kỳ quặc, lạ lẫm, thậm chí có phần nào lạc hậu.
Một vài khuôn mặt lặp lại của thiếu nữ nude tại một số bức ảnh dạng tư liệu khác khiến nhà nhiếp ảnh Hữu Bảo nghĩ đến việc đây chính là người mẫu. Tuy nhiên, tại sao họ lại dám chụp những bức ảnh không có điểm gì chung với Nho giáo như vậy, điều này cũng còn bí ẩn. Nhưng dù sao đi nữa, những ảnh nude này vẫn mang giá trị tư liệu đặc biệt. Nhất là khi chúng còn được người Pháp dùng làm bưu thiếp – một phương tiện truyền tải thông tin, quảng bá nghệ thuật và tuyên truyền tư tưởng vào thời thuộc địa.
chup khoa than
“Những bức ảnh này chính là cái nhìn của phương Tây về phương Đông. Qua cái nhìn đó, phương Đông trở nên hơi kỳ quặc, lạ lẫm, thậm chí có phần nào lạc hậu”
TS. Đào Thế Đức
chup khoa than
 
“Rõ ràng đây là những hình tư liệu quý. Giờ đây, điều dễ thấy nhất là về nhân chủng học người Việt đã thay đổi quá nhiều”, ông Hữu Bảo đánh giá. Cũng theo nhiếp ảnh gia này, “trong những bức hình nude thời đó những khuôn mặt người Việt to và bè hơn chứ không thanh thoát như bây giờ. Ở một vài khuôn hình, chúng ta còn thấy khuôn mặt họ hơi nhô ra và có nét gãy. Căn cứ vào các đồ vật để so sánh, chiều cao của họ cũng chỉ khoảng 1 m 50. Rõ ràng nếu đặt trong tương quan với chúng ta bây giờ, những bức nude này cho thấy sự khác biệt thú vị. Và cũng vì thế, tôi rất thích cách thể hiện của tác phẩm. Bằng cách chọn những phụ nữ rất dung dị, họ không vệ nữ hóa ảnh nude mà chọn cách thể hiện đúng người Việt, theo tinh thần Việt, theo đúng tỷ lệ của người Việt. Đây chính là cách mà danh họa Nguyễn Phan Chánh vẽ Tiên Dung – Chử Đồng Tử sau này. Nếu nói đến eo thon, tỷ lệ vàng thì không phải. Nhưng toàn bộ tác phẩm nói lên được một tinh thần Việt Nam và dễ được chấp nhận”.
Trong những bức ảnh đó, các thiếu nữ nhìn thẳng không e ngại. Nhưng họ cũng không hề có các tạo dáng khó, phô diễn đường cong lựa theo ánh sáng. Chúng gợi một cảm giác mộc mạc, chân phương, dễ mến. “Đây là phong cách chụp rất phổ biến của những bức ảnh nude chụp vào thế kỷ 19”, nhiếp ảnh gia Ngô Xuân Phú – cũng là người đã theo học nhiếp ảnh tại Hà Lan trong 2 năm, cho biết.

2.  Nổi chìm trong định kiến: Trọng Thanh – ẩn số đơn độc

Một nghệ sỹ từng nhận được không ít lời bình phẩm đầy thành kiến. Một nghệ sỹ dám chụp, dám bàn về ảnh nude. Đã có lúc, ông – cũng như lĩnh vực nghệ thuật mà mình theo đuổi – chịu những định kiến nặng nề của xã hội và người trong giới. “Nói đơn giản anh Trọng Thanh là một trong những người đi đầu, đi lặng lẽ, đơn độc trong cuộc kiếm tìm ảnh nude”, ông Nguyễn Thắng- Tổng biên tập Báo ảnh Việt Nam – nói.
 
ảnh nude, nude, Trọng Thanh, ánh sáng, định kiến
Có một thời, ảnh Nude không được coi là nghệ thuật mà bị đánh đồng với sự phi đạo đức
 

Ngột ngạt

Cái nhìn của những năm 80 thế kỷ trước về ảnh nude – khi cố nghệ sĩ Trọng Thanh bắt đầu lần bước chụp thể loại này – khá khắc nghiệt. “Nude không được coi là nghệ thuật. Nó bị đánh đồng với đạo đức. Mọi người nhìn thể loại này như biểu hiện suy đồi lối sống”, ông Thắng nhớ lại.
Hơn thế, nghệ sĩ thời đó cũng đã có một tấm gương “tày liếp” từ những năm 60. Hồi đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam (sau này được giải thưởng Hồ Chí Minh) có chụp một vài tấm ảnh khỏa thân. Oái oăm là một trong những cô người mẫu đó lại lên Hà Nội mà chưa xin phép bố mẹ nên người nhà đi báo công an. Khi công an tìm thấy, cô khai trong thời gian đó có mấy nhà báo chụp ảnh nude cho mình.
“Công an mới đến cơ quan tôi để làm việc. Lúc bấy giờ tôi cũng ngây thơ, có bao nhiêu phim đưa cả cho họ xem, nghĩ rằng việc mình sáng tác nghệ thuật thì không sao… Tôi bị đưa lên ô tô rồi cho thẳng vào Hỏa Lò… Sau một tháng tôi nhận lệnh tha, ghi rõ đã chụp ảnh khỏa thân làm hại cho thuần phong mỹ tục, nên cảnh cáo tha”, sau này nghệ sĩ Mai Nam nhớ lại.
Sau chuyện chấn động của nghệ sĩ Mai Nam, nghệ sĩ dù có nghĩ nude là nghệ thuật thì cũng không ngây thơ đến mức “trình làng” việc mình chụp nude nữa. Cho dù việc chụp một vài cô thiếu nữ dân tộc tắm suối như một phong tục vẫn được công khai phần nào.
“Vì thế thông tin về việc anh Trọng Thanh chụp nude cũng rất buồn cười”- ông Thắng nói – “Nó là chuyện bí mật, tuyệt đối không công bố. Nhưng nghệ sĩ đã chụp, đã làm nên tác phẩm bao giờ cũng muốn chia sẻ. Rồi tin lan ra cách nào đó mà rất nhiều người rỉ tai nhau rằng anh chụp nude, chụp nude rất đẹp. Tại Báo ảnh những năm 90, thỉnh thoảng lại có những cuộc “sinh hoạt nghiệp vụ” nho nhỏ về ảnh nude của anh Thanh. Thường, khi chỉ có 2-3 người được chọn trong phòng, anh đóng kín cửa và chúng tôi xem ảnh. Anh chọn người xem khá kỹ – phải là những người muốn tìm hiểu cái mới, bởi với anh và nghệ sĩ chúng tôi, chụp nude là sáng tác nghệ thuật”.
ảnh nude, nude, Trọng Thanh, ánh sáng, định kiến
Chân dung nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thanh – Ảnh: do gia đình cung cấp

Biểu tượng đẹp

Chính vì các buổi “họp nhóm” hết sức lẻ tẻ như thế mà số người được xem ảnh nude của nghệ sĩ Trọng Thanh không nhiều, và không ai dám chắc mình đã được xem hết tác phẩm của ông. Công chúng càng ít có cơ hội tiếp xúc với những bức ảnh đó. Tuy nhiên, phản hồi tốt từ những người đã có duyên may này đã khiến ảnh của Trọng Thanh mau chóng trở thành một biểu tượng ảnh nude đẹp.
“Tôi nghe đồng nghiệp xem ảnh của anh Thanh và bảo trời ơi, bộ ngực đẹp thế này mà làm mẹ, nuôi con phải tốt lắm”, bà Dương Thị Nga – cán bộ nghỉ hưu của Thông tấn xã Việt Nam (cơ quan mẹ của Báo ảnh) – cho biết. Thiên chức của người phụ nữ đã được ông mô tả đạt đến thế.
“Tôi nói không phải vì tôi là con của bố, nhưng bạn bè của bố tôi đều nói rằng ảnh của bố tôi thực sự nghệ thuật và không thể nghĩ đến điều gì thiếu trong sáng”, chị Thu Trang – con gái cố nghệ sĩ – cho biết.
Tất nhiên, ảnh nude của ông không phải tuyệt đối đẹp. Nó cũng có những hạn chế rất lịch sử – điều kiện chiếu sáng còn lạc hậu của một studio lúc bấy giờ.
“Thực sự mà nói, lúc đó Báo ảnh Việt Nam cũng chưa có một studio. Cả Hà Nội cũng vậy. Mãi tới khi anh Thanh mất vài năm, chúng tôi mới nhập được thiết bị chiếu sáng cho studio của mình. Còn những năm chụp nude, anh chủ yếu chụp trong phòng làm việc, với ánh sáng tự tạo, phông là tấm vải buông không thay đổi”, ông Thắng nói.
“Tôi đã được xem những tác phẩm nude gần như cuối cùng của nghệ sĩ Trọng Thanh”, nhiếp ảnh gia Hoài Linh nói. “Điều kiện làm việc bấy giờ của nghệ sĩ cũng còn eo hẹp. Chính vì thế, dụng cụ chiếu sáng nhiều khi do chính ông chế ra. Chẳng hạn, ông từng dùng đèn halogen dùng để gắn các tường rào bảo vệ để làm đèn chiếu. Trong khi, việc chụp trong phòng lại đòi hỏi và phụ thuộc vào nguồn chiếu sáng, trang thiết bị vô cùng. Chính vì thế, trong những tác phẩm này, dù có tìm tòi ánh sáng vẫn còn nét cứng”.
Một số người đã từng xem ảnh của nghệ sĩ cũng đều cho biết chưa từng thấy một bức nude nào của ông chụp ngoại cảnh. Điều này hẳn bắt nguồn từ bầu không khí kém cởi mở với ảnh nude thời kỳ đó.
chup khoa than
“Có điều này tôi muốn nói từ lâu. Người đời có khi vẫn bảo anh đào hoa. Nhưng anh chân thành thì đúng hơn. Một người không giàu, không đẹp trai, lại thấp và nóng tính mà có bao nhiêu người đồng ý làm mẫu nude. Nó chứng tỏ anh đáng tin cậy”.
chup khoa than
 
“Tôi vẫn nghĩ, nếu số phận không mang anh đi sớm thế, giờ đây biết đâu ta sẽ được xem nhiều ảnh nude đẹp của anh. Bởi bây giờ, điều kiện máy móc đã khá hơn. Trong tôi, Trọng Thanh vẫn là người mà có thể vét bao nhiêu thời gian tiền bạc cho nhiếp ảnh là vét sạch”, ông Nguyễn Thắng nói.
“Có điều này tôi muốn nói từ lâu. Người đời có khi vẫn bảo anh đào hoa. Nhưng anh chân thành thì đúng hơn. Một người không giàu, không đẹp trai, lại thấp và nóng tính mà có bao nhiêu người đồng ý làm mẫu nude. Nó chứng tỏ anh đáng tin cậy”.
“Và điều nữa, tôi nghĩ ngay từ những khi còn chịu quá nhiều thành kiến như thời anh Trọng Thanh chụp ảnh, nhu cầu chụp nude của nhiều người là có thật”.
Rất tiếc, do một số lý do, cả cơ quan và gia đình của nghệ sĩ Trọng Thanh không có các bức ảnh nghệ thuật của ông để cung cấp cho bài viết này.

3. “Quả pháo” chưa kịp nổ

Cầm giấy phép rồi mà không thể triển lãm; sách ảnh nude được tái bản đến 3 lần… Trường hợp của nhiếp ảnh gia Thái Phiên là những nghịch lý về ảnh nude theo kiểu “thấy vậy mà không phải vậy” – một quả pháo chưa kịp nổ…
 
Chèn hình ảnh nếu có
Thái Phiên, cũng như bao nhiếp ảnh gia khác, vẫn đau đáu với những thăng trầm của thể loại ảnh khỏa thân. Việc tìm cho nó một “danh phận” về nghệ thuật tại Việt Nam vẫn đang gặp nhiều rào cản vô hình

Leo phải cành cụt

Cuối năm 2007, nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên làm nức lòng người đam mê chụp ảnh nude khi trở thành nghệ sĩ đầu tiên được cấp phép triển lãm thể loại ảnh này. Tuy nhiên, có cảm giác rất rõ, anh chỉ như một chú kiến nhỏ “leo phải cành cụt, leo vào leo ra”.
“Điều gì khiến triển lãm đã cấp phép rồi mà không thành ư? Tôi cũng chỉ nghe nói lại là sau đó có một ý kiến cho rằng thể loại này quá nhạy cảm, là hạ thấp hình ảnh “phụ nữ ba đảm đang”… Rồi tôi nhận được cuộc gọi đề nghị xin tự rút triển lãm. Tôi nói không. Đó chỉ là một đề nghị bằng miệng của Sở VH-TT Hà Nội nhờ Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN chuyển lời lại. Giấy phép vẫn còn thời hạn nhưng đến địa điểm nào cũng bảo là kín chỗ. Một giám đốc nhà triển lãm đã nói nhỏ với tôi: đó là chỉ đạo từ Sở VH-TT Hà Nội. Tôi vẫn kiên trì cho tới khi ký được hợp đồng với phòng trưng bày, thì nhà quản lý lại nói thời điểm chưa phù hợp. Tất cả những lý do đó, tôi cho là nguyên cớ, không phải nguyên nhân…”, Thái Phiên buồn bã thở dài.
 
Chèn hình ảnh nếu có
Bức Vũ trụ, tác phẩm mới sáng tác của nghệ sĩ Thái Phiên – Ảnh: NV cung cấp
Sau này Thái Phiên cũng làm lại hồ sơ 2 lần nữa (tại Hà Nội và Huế). Cũng có tới hai hội đồng thẩm định. Họ cùng phê ảnh đẹp, không vi phạm thuần phong mỹ tục, đề nghị cơ quan quản lý cấp phép. Lúc đó tới bài toán nan giải, gây tranh luận: phải xuất trình hợp đồng giữa người chụp và mẫu. “Đó là một hợp đồng cá nhân cần giữ bí mật. Tôi thà không triển lãm còn hơn là để lộ nhân thân riêng tư của người mẫu”, anh nhìn nhận.

Nhà quản lý không tin Hội đồng thẩm định

Trong chừng mực nào đó, sau những lần xin phép triển lãm “hụt” của Thái Phiên, uy tín của các hội đồng thẩm định nghệ thuật đã rất gần với không có gì! “Nghệ sĩ không mắc mớ với hội đồng nghệ thuật mà lại vướng vì sự vô cảm của các nhà quản lý. Nghệ sĩ và nhà quản lý cứ như ở hai chiến tuyến”, Thái Phiên nói.
“Sau triển lãm không thành, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trần Quốc Chiêm giải thích với phóng viên rằng cầu Cần Thơ vừa sập, dịch cúm, bao nhiêu người đang rơi vào cảnh khổ thì chưa nên triển lãm ảnh nude. Tôi nói với chính người phóng viên đó, nếu nhà hàng xóm có tang thì ta không nên mở nhạc lớn, điều đó trong văn hóa ứng xử là đúng. Nhưng không thể vịn vào cớ sập cầu, lũ lụt, vật giá leo thang, cúm gà, dịch tả… để không tham dự SEA Games, không tổ chức thi hoa hậu hay ngưng các chương trình giải trí khác. Nếu nói như thế thì chờ cho đến khi nào mới có thể triển lãm? Một lần nữa, nhà quản lý lại đưa ra nguyên cớ, không phải nguyên nhân”, Thái Phiên bức xúc.

Vẫn đeo đuổi đam mê

Tốn kém là thế, hết lòng vì đam mê là thế nhưng nhiều khi chính những người xung quanh cũng hiểu lầm anh. “Biết làm sao, nhiều lúc nghĩ cũng tủi nhục lắm, tôi làm nghệ thuật mà cứ phải lén lén, lút lút như đi ăn trộm. Bởi không thể nói tôi đang sáng tác ảnh nghệ thuật nude được”.
Không có phòng chụp riêng, mượn bạn bè hoài cũng ngại, muốn chụp phải đi mướn khách sạn, tìm xem ở đâu có phòng đẹp, ánh sáng ưng ý. Tìm mãi cũng được một vài nơi có không gian phù hợp. Nhưng cứ một nam một nữ vào khách sạn để làm gì thì ai cũng đoán được, khó có thể phân bua…
“Có lần tôi mướn khách sạn để chụp một cô 23 tuổi. Lần đó tìm được một phòng trên tầng 3 có cửa sổ rộng rãi, cả phòng sáng bừng ánh sáng trời rất đẹp”, anh nhớ lại. “Thế là tuần sau, tôi lại dẫn một cô 21 tuổi vào, đòi đúng phòng đó. Cô lễ tân nhìn tôi bằng ánh mắt khó hiểu, chả biết thán phục hay khinh rẻ nữa. Rồi đến tuần sau nữa tôi lại dẫn một cô còn trẻ hơn cả hai cô kia và đòi vào cho được chính cái phòng ấy. Vẫn cô lễ tân đó. Cô quét mắt lên tôi rồi quay lưng đi. Tôi cầm chìa khóa đi lên phòng mà thấy ánh mắt vẫn còn nóng sau gáy”.
Chuyện “phá vòng vây” của Thái Phiên cũng hại tim không kém. Có chuyến anh cùng người mẫu tới hồ sen. Cô gái khỏa thân bước xuống hồ thì đằng xa tít có bà chèo thuyền tới. Người chưa đến mà tiếng đã vang tới nơi: “Bớ người ta, ăn trộm sen”. Hai anh em cuống cuồng bỏ chạy. Chạy cả chục mét rồi mới sực nhớ cô người mẫu chưa mặc đồ…
Nhưng chụp nude còn là những câu chuyện tình người cảm động nữa. Có lần, Thái Phiên cùng người mẫu xuống một thung lũng đá. Vừa chuẩn bị chụp thì trời đổ mưa ào ạt, sấm sét nổ rền trời. Nhiếp ảnh gia cất hết đồ nghề, rồi nói với người mẫu phải mau mau mà leo lên thôi.
“Tôi nói ngắn gọn: anh đi trước, em đi sau, rồi cười và băng băng vượt qua những mỏm đá dưới cơn mưa rất trơn trợt, nguy hiểm. Mưa to kèm sấm chớp đì đùng, tôi cố chạy vượt lên trước rất xa, không một lần quay lại nhìn người mẫu”, Thái Phiên nhớ lại. “Một lúc sau cô gái mới lóp ngóp bò qua hết những tảng đá trơn. Lên đến bờ, cô ôm mặt khóc vì cho rằng tôi đã bỏ cô ta trong lúc gian khổ. Tôi giải thích đang vác chân máy bằng kim loại – miếng mồi ngon của sấm sét, nếu đi cùng thì cả hai có thể gặp nguy hiểm. Nên tôi phải chạy càng xa càng tốt. Nhưng nếu nói cho cô ta biết trước thì sợ cô lại lo lắng cho tôi”…
Giờ đây, tạm gác lại niềm mơ ước triển lãm ảnh nude, Thái Phiên vẫn ra bắc vào nam để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình. Trong chuyến ra Hà Nội đầu tháng 5, dù rất bận rộn nhưng anh vẫn cố hẹn với một đồng nghiệp chụp ảnh nude. Anh ngậm ngùi: “Chúng tôi gặp nhau để cùng chia sẻ những thăng trầm về thể loại ảnh khỏa thân. Biết đâu, tôi thất bại nhưng lại là viên gạch lát đường để anh em có thể triển lãm được ảnh nude”.

4. Cổ tích nude của Dương Quốc Định

 
Mỗi bức nude với Dương Quốc Định như một câu chuyện cổ tích – thanh khiết và thánh thiện. Chúng ít gây tranh cãi, hầu như ai xem cũng thích. Bạn bè anh thường nói chúng mang vẻ ngọt ngào của những câu chuyện thần tiên.
 
ảnh nude, nude, ánh sáng, định kiến, Dương Quốc Định, triển lãm, Giấc mơ chiều, nude về hoa
Một tác phẩm trong bộ nude về hoa của nghệ sĩ Dương Quốc Định – Ảnh: Nhân vật cung cấp

Người đi tìm những mẫu hình thanh khiết

Dương Quốc Định chụp nude khá muộn, sau hàng chục năm chỉ gắn bó với hội họa giá vẽ. Bù lại anh là “ông vua” giải thưởng ảnh nude với gần bốn chục huy chương và cúp vàng tại các giải trong nước lẫn quốc tế. Tác phẩm đầu tiên đoạt huy chương vàng ở Ấn Độ năm 2005. Tác phẩm mới nhất đoạt giải Giuliano Carrara lần thứ 7 tổ chức tại Ý năm ngoái.
Những tác phẩm nude của Dương Quốc Định ít gây tranh cãi, hầu như ai xem cũng thích. Bạn bè anh thường nói chúng mang vẻ ngọt ngào của những câu chuyện thần tiên. Những người nữ trong ảnh của anh thường không có sắc rực rỡ của nắng trời mà dìu dịu cái đẹp biết nhún nhường. Dường như công chúng dễ yêu ảnh nude của anh cũng vì sự nhẹ dịu này, cũng vì trong mỗi con người ai cũng còn phần dành cho cổ tích nữa.
Thế giới nude với Dương Quốc Định phải đẹp và thiêng liêng. Vì thế, anh không chấp nhận người mẫu có vấn đề về đạo đức. Điều này, nhà nhiếp ảnh thẩm định rất kỹ: “Nếu ai hỏi, nhỏ mẫu này mà thanh khiết cái gì thì tác phẩm của tôi đã không còn thanh khiết nữa rồi. Mà đó mới là điều tôi đi tìm”.
Thế nên, nhiều người muốn làm mẫu cho anh mà không được. Có cô không thích nude thì cuối cùng lại trở thành nhân vật trong ảnh nude của anh. Mỗi lần tìm mẫu, anh đều đến gặp gỡ cả gia đình, chia sẻ với họ và người mẫu. Còn chuyện thuê mẫu, anh tuyệt đối không làm. “Mình trả tiền, họ nhận tiền để họ khỏa thân thì đã là không tôn trọng vẻ đẹp của họ rồi. Thế thì ảnh sao thanh khiết được”, anh nói.
Nếu so với phương Tây, nơi một cô người mẫu nghiện chất kích thích vẫn có thể hóa thân thành thiên thần, quan điểm này của anh có vẻ không chuyên nghiệp. Nhưng anh nói: “Họ đã có người mẫu nude chuyên nghiệp rồi, còn ta thì chưa. Họ coi chụp nude là bình thường, ta coi là không bình thường. Chúng ta đang trải qua những bước ban đầu”.

Mỗi năm một người mẫu

ảnh nude, nude, ánh sáng, định kiến, Dương Quốc Định, triển lãm, Giấc mơ chiều, nude về hoa
Giấc mơ chiều – tác phẩm lấy ý tưởng từ bài Thiếu nữ ngủ ngày của Hồ Xuân Hương
“Tôi coi nude như một bộ phim, chỉ có điều đó là phim một hình ảnh”, Dương Quốc Định thổ lộ. Do đó, mỗi năm một lần, sau khi định ra được kịch bản tác phẩm, anh mới đi tìm người mẫu. Dễ thấy, với ý thức giữ sự thanh khiết cho ảnh nude, nhân vật này của anh không bao giờ là phản diện.
Với mỗi cuộc kiếm tìm như thế, nhà nhiếp ảnh chọn nhân vật cho mình, chứ không phải tìm người để chụp. Như thế, nên việc tìm kiếm khó chủ động. Có lúc anh phải mất tới 7 tháng mới ra nhân vật mình muốn. Có khi, ai đó đến tình nguyện làm mẫu, anh phải nói chờ thêm thời gian để xem có nghĩ ra điều gì phù hợp không.
Đã 7 năm nay Dương Quốc Định làm việc theo cách này. Sự thay đổi đề tài khiến anh chưa hề bị mất cảm xúc. Và như một duyên may, anh nói: “Trời luôn ban cho tôi đúng người mà tôi cần. Tuy nhiên, chắc chắn trước khi chụp mẫu đều phải có việc ký cam kết. Như thế mới có một lá chắn bảo vệ theo đúng luật đồng thời khi công bố tác phẩm cũng không sợ. Mẫu có bị tác động mà bôi xấu tôi cũng không được”.
Nhưng họ bôi xấu anh sao được. Những người mẫu sau một năm làm việc với anh, hầu hết đã trở thành người thân trong nhà. Khi họ có gia đình, đích thân anh sẽ chụp và tặng họ một bộ ảnh cưới. “Không có họ thì không có tôi. Tôi chỉ là người may mắn được họ làm mẫu”.

Thần hoa

Trong bộ ảnh nude năm 2011 của mình, Dương Quốc Định chọn hoa và nữ thần làm đề tài. Cũng trong bộ ảnh đó, anh còn tự vẽ body painting cho người mẫu. Những năm học ở trường mỹ thuật đã có thêm đất trong nghề nghiệp của anh. Người mẫu, sau những giờ vẽ và chụp đã hóa thân thành những người hoa – thần hoa – ngoan như mùa xuân vậy.
“Tôi muốn nhắn gửi rằng phụ nữ cũng như hoa, đẹp để được chăm sóc và nuôi dưỡng chứ không phải để chiếm hữu. Tôi cũng dựng lên họ với thế giới đủ cả nước, lửa, đất…”, anh bộc lộ.
Để đạt điều đó, Dương Quốc Định tìm mẫu có cơ thể đầy sức sống và khuôn mặt thần thánh. Cơ duyên đến khi cô gái theo người thân đến nhà anh chụp ảnh nghệ thuật. Những câu chuyện xung quanh các tác phẩm nude của anh khiến chính cô cũng muốn có một bộ ảnh nude như vậy.
Lúc đó, cô bé ăn mặc kín đáo, quần jeans, áo có cổ. Mặc dù vậy, Dương Quốc Định đã thấy cô có thể trở thành mẫu cho mình. “Nhìn bề ngoài không thể biết đẹp hay không. Nhưng tôi không quan tâm điều đó vì có thể sửa được. Cái tôi không thể thay đổi nổi là thần thái và bản chất”, anh nhìn nhận.
Sau này, quả đúng như anh đã nhìn, bộ ảnh rất trong sáng và giàu sức sống.
 


Nguồn tin: Sưu tầm
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 31 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 4.4/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close