VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

10 kỹ thuật sáng tạo ảnh với nước

Đăng lúc: . Đã xem 7209 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Chụp ảnh ban ngày
10 kỹ thuật sáng tạo ảnh với nước

10 kỹ thuật sáng tạo ảnh với nước

vuanhiepanh.com Chơi với chụp ảnh nước dù cầu kỳ nhưng đôi khi sẽ đem lại những bức ảnh độc nhất vô nhị.
Dưới đây là 10 kỹ thuật chụp nước mà bạn có thể thử nghiệm.

1. Chụp bong bóng nước


...Bong bóng nước đôi khi tạo những hình dáng rất đẹp mắt với những hiệu ứng cầu vồng. Vì thế, nếu khéo léo bắt được các khoảnh khắc này, bạn sẽ tại nên những bức ảnh rất ấn tượng.
Ở đây, các bức ảnh chụp bọt nước được thực hiện ở những khúc quanh của suối hay dưới chân thác, nơi bạn có đủ không gian chọn lựa vị trí đặt máy. Tốt nhất nên dùng DSLR thay vì máy tự động vì bạn sẽ được chủ động hơn.
Bạn có thể sử dụng ống thường có chức năng Macro, hoặc nếu không sử dụng ống Macro là tốt nhất vì các ống này chụp "close-up" hoàn hảo hơn. Bạn có thể chọn ISO cao hơn một chút, nhưng cũng không nên quá mức 400 để tránh nhiễu.
Hãy tìm một vị trí đứng thuận lợi nhất, có thể trên tảng đá nào đó, hay thậm chí phải lội ra giữa dòng. Chọn tốc độ chụp cao, chừng 1/1000 giây trở lên là hoàn hảo, hoặc có thể thử với tốc độ cao hơn (1/2000 hay thậm chí 1/4000 giây) hay sử dụng kèm flash nếu cần.
Do các bong bóng có độ phản xạ cao nên có thể sẽ khó lấy nét vào các bong bóng nước khi máy ở chế độ lấy nét tự động. Tốt nhất, nên chuyển về chế độ lấy nét tay và sử dụng chân máy nếu có thể.
Độ mở tùy thuộc vào điều kiện ánh sáng hiện trường. Nên chọn ánh sáng chiếu thuận để có phông nền đen giúp các bọt nước nổi bật hơn. Cũng như lấy nét, bạn nên thử đo sáng bằng tay với các thông số tùy chọn, chụp vài kiểu để kiểm tra, khi thấy khoảng độ mở nào hợp lý trong điều kiện sáng đó thì hãy bắt đầu chụp.
Với kiểu chụp này, bạn sẽ thấy bong bóng luôn biến đổi không ngừng, nếu lỡ mất khoảnh khắc các bọt tạo hình gì đó vào thời điểm nhất định, bạn sẽ không bao giờ thấy lại được khoảnh khắc thứ hai. Tuy nhiên, bù lại, bạn có thể tự hào mỗi bức hình sẽ đều là những bức độc nhất vô nhị, không cái nào giống cái nào.

2. Chụp giọt nước


...Chụp giọt nước là một trong những kỹ xảo chụp tốc độ cao mà lại không đòi hỏi quá nhiều các thiết bị chuyên dụng.
Để thực hiện, bạn cần chuẩn bị máy ảnh, ống kính Macro, chân máy, đèn (tốt nhất là đèn ngoài), một đĩa sâu lòng rộng, một túi nhựa đựng nước, tấm phông màu và dây bấm chụp.
Đặt máy ảnh ở trước vị trí mà giọt nước sẽ rơi với độ cao khoảng trên 3cm so với bề mặt đĩa chứa nước và khoảng cách từ máy ảnh đến đĩa khoảng 15 – 20cm. Đặt tấm phông màu phía sau chiếc đĩa. Đặt đèn flash ở cạnh bên phải, hướng về tấm phông để hắt sáng trở lại cho giọt nước.
Đặt chiếc túi nhựa đựng nước ở phía trên chiếc đĩa khoảng 12-15cm, có thể cố định nó trên giá nếu cần.
Dùi một lỗ nhỏ ở dưới đáy của chiếc túi nhựa, vừa đủ nhỏ để có thể nhỏ giọt đều đều. Chuyển máy ảnh về chế độ lấy nét tay. Nếu thấy khó khăn với việc lấy nét vào giọt nước, ngay tại chỗ rơi bạn có thể đặt tạm một chiếc bút hay gì đó giúp việc lấy nét dễ dàng hơn.
Chuyển máy ảnh về chế độ chỉnh tay với tốc độ 1/60 giây và độ mở f/22. Đặt đèn flash ở mức chỉnh tay với mức công suất từ 1/64 đến 1/32. Công suất đèn thấp nhằm để khoảng chớp đèn rất ngắn, chỉ khoảng 1/4000 giây, đủ để đông cứng giọt nước dù tốc độ máy ảnh chỉ ở mức 1/60 giây. Tắt toàn bộ đèn trong phòng. Lưu ý nước phải chảy liên tục. Chụp với khoảng 7 - 10 ảnh liên tiếp, sau đó xem lại và chỉnh sửa thông số nếu cần.
Để chụp một bức ảnh giọt nước rơi xuống nối với giọt nước bắn lên, giải pháp là điều chỉnh lỗ túi nhựa sao cho tốc độ rơi các giọt nước là hợp lý nhất. Và để tìm ra tốc độ hợp lý này, chỉ có cách là chụp thử và thử, liên tục cho đến khi có được tốc độ tối ưu. Thông thường chụp ảnh kiểu này người chụp phải tốn khoảng 400 kiểu thử nghiệm khác nhau mới có thể có được 5 kiểu dùng được.
Ngoài nước, bạn cũng có thể thử nghiệm với các chất lỏng khác như sữa, café, mực… mỗi chất liệu đều có những vẻ đẹp của riêng mình.

3. Chụp ảnh phản chiếu


...Ở những mặt phẳng tĩnh lặng như ao, hồ, cảnh phản chiếu có thể tạo nên những bức ảnh phong thủy lộng lẫy.
Để chụp được, đầu tiên là bạn phải chọn một ngày hoàn toàn lặng gió. Khi chụp, các hình ảnh phản chiếu có xu hướng tối hơn. Đặt mặt nước làm tiền cảnh sẽ làm sáng bức ảnh phản chiếu. Tuy nhiên, nếu như trời quá sáng và việc đo sáng vào mặt nước sẽ làm mất chi tiết vùng sáng, bạn có thể dùng kính lọc ND Grad để cân bằng.
Một điều cần lưu ý là kể cả những ngày lặng gió, trên mặt nước vẫn có thể có gợn sóng dù chỉ hơi lăn tăn. Để tránh điều này, bạn có thể sử dụng thời gian chụp lâu hơn để làm nhòe các gợn. Nhưng điều đó sẽ dẫn đến hậu quả là lá cây hay ngọn cỏ trong ảnh cũng có thể theo đó mà mờ đi. Giải pháp cho vấn đề này là chụp một bức với tốc độ nhanh, một bức với tốc độ chậm rồi ghép hai bức làm một trong phần mềm xử lý ảnh hậu kỳ.

4. Chụp ảnh sông suối


...Nếu nơi bạn sống có con sông hay suối nào chảy qua thì cảnh tượng dòng nước chảy giữa một rừng cây hay thảm cỏ xanh sẽ là những bức ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nhất là khi thời tiết chuyển mùa.
Bạn có thể dùng ống góc rộng để chụp toàn bộ phong cảnh hay ống tele để chụp một khúc quanh nào đó. Sử dụng chân máy và dây bấm với tốc độ thấp để tạo hiệu ứng dòng chảy cho nước. Có thể sử dụng thêm kính lọc phân cực để hình ảnh trông rực rỡ. Bạn nên chuẩn bị thêm cả ủng để có thể lội xuống nước nếu cần có một góc ảnh đẹp. Thực tế cho thấy mặc dù đứng trên bờ vẫn có thể có được ảnh đẹp, nhưng để tạo ấn tượng cho ảnh, tốt nhất vẫn nên lội ra giữa dòng.
Sử dụng tốc độ khoảng 1/8 đến 1/15 giây, hoặc thử thêm một vài tốc độ khác nếu cần cho đến khi có được tốc độ ưng ý. Chỉ lưu ý một điều, tốc độ chậm làm mờ dòng nước thì cũng sẽ làm mờ cảnh cảnh vật nếu nó chuyển động (chẳng hạn lá cây bị gió thổi). Vì thế, tốt nhất vẫn nên chụp hai kiểu và ghép làm một bằng phần mềm.

5. Chụp động vật thiên nhiên trên nước


...Các loài chim như vịt trời hay thiên nga đang tung tăng trên mặt nước có thể trở thành những điểm nhấn đẹp mắt cho loạt ảnh này.
Đồ nghề có thể chỉ cần ống zoom khoảng 70 – 200mm, kính phân cực để tránh lóa trong những ngày nắng. Nếu không, bạn có thể tận dụng các máy nhỏ gọn siêu zoom khác. Để có thể cầm chân các con chim hay vịt trên hồ, tốt nhất, bạn nên chuẩn bị một ít thức ăn hoặc ít bánh mỳ vụn, nhờ người khác cho ăn trong khi bạn tìm vị trí chụp thích hợp.

6. Chụp ảnh thể thao dưới nước


...Hầu hết máy ảnh, kể các các máy không gương lật ngày nay đều có tốc độ lấy nét tương đối nhanh, vì thế, khi chụp ảnh thể thao dưới nước như lướt sóng hay đua thuyền, người chụp có thể đặt niềm tin vào tốc độ lấy nét tự động của các máy ảnh này.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể thử chế độ lấy nét chỉnh tay với kỹ thuật lấy nét trước đối với một số môn thể thao nhất định. Kỹ thuật này áp dụng cho những môn mà bạn biết chắc nhân vật sẽ phải đi qua một điểm nào đó, chẳng hạn như cuộc đua thuyền chèo. Theo đó, lấy nét vào điểm mà người chuyển động chắc chắn sẽ đi qua. Khi người gần đến nơi, hãy bấm chụp liên tục đón đầu để vừa tránh độ trễ cửa trập, vừa đảm bảo khả năng thành công cao khi người đi qua vùng lấy nét. Hãy sử dụng đúng tốc độ cần thiết, không cần quá nhanh đến mức “đông cứng” chủ thể mà đôi khi có thể hơi lia theo để có hậu cảnh nhòe mờ tạo cảm giác chuyển động.

7. Chụp ảnh dưới nước


...Để chụp ảnh dưới nước, điều đầu tiên là bạn cần có một lớp vỏ chống nước tốt cho máy nếu không muốn sau khi chụp ảnh, máy của mình trở thành đồ bỏ. Hiện trên thị trường có một số máy tự động có sẵn lớp vỏ chống nước và bạn có thể thử nghiệm trước với những máy ảnh loại này.
Bạn cần chọn nơi nước lặng và trong để tránh bất kỳ hiệu ứng không mong muốn nào do các vật thể trôi nổi có thể ảnh hưởng đến ảnh của mình. Ánh sáng dưới nước có thể yếu hơn nên bạn sẽ phải tăng độ mở hoặc ISO khi cần. Bạn cũng phải tiếp cận đối tượng đủ gần để có thể có được chi tiết đầy đủ thay vì chỉ hình dáng đơn thuần. Lưu ý các đối tượng dưới nước qua ống kính trông sẽ gần hơn là khoảng cách thực tế.
Có thể sử dụng đèn flash tích hợp trên máy ảnh để chụp khi cần có thêm ánh sáng. Nhưng tốt nhất nên chuẩn bị một đèn lắp ngoài công suất lớn hơn và có thể điều chỉnh hướng chiếu sáng. Đèn flash cũng hữu dụng nhằm làm “đông cứng” chuyển động của cá hoặc rong rêu. Do dưới nước ánh sáng thường sẽ ngả xanh, vì thế lưu ý không nên để cân bằng trắng tự động mà chuyển sang chỉnh theo chế độ.

8. Chụp ảnh mưa giả


...Dùng màn mưa rơi làm hậu cảnh cho đối tượng cũng có thể tạo nên những bức ảnh thú vị. Nếu ngại phải ra ngoài trời mưa thật, bạn có thể thực tập với màn mưa giả mà vẫn đem đến cảm xúc nhất định cho bức ảnh của mình với những thiết bị hết sức đơn giản.
Trong ví dụ này, mưa nhân tạo được tạo bằng cách đổ chậu nước từ trên xuống. "Nhân vật chính" là những bông thủy tiên vàng. Thiết bị là Nikon D300, ống Tamron 90mm f/2.8 và chân máy.
Để phông nước nhòe mờ, máy được chụp với tốc độ chậm với đèn đánh hậu trong quá trình dội nước. Nên chụp với phông tối để làm nổi bật dòng nước. Đèn được điều khiển từ xa bằng hồng ngoại trên D300. Các máy khác có thể dùng các thiết bị hỗ trợ kích đèn không dây khác vốn rất sẵn có trên thị trường.

9. Chụp băng


...Nếu may mắn ở những vùng có mùa băng giá, bạn có thể chọn những vật thể bị đóng băng hay đông cứng trong khối bằng để thử nghiệm. Hoặc đôi khi một mặt hồ phẳng lặng như gương với lớp băng mỏng phía trên cũng có thể làm nên ảnh đẹp.
Giờ bạn chỉ cần chuẩn bị máy ảnh DSLT, ống macro hoặc tele và một chân máy. 
Những dòng nước nhỏ chảy ở những khe đá, dòng suối có thể bị đóng băng và tạo nên những nhũ nước với nhiều hình dạng khác nhau. Khi chụp nên để thời gian phơi sáng dài để có thể làm nổi sự lay động của dòng nước tương phản với sự bất động của những khối nhủ đóng băng. Chọn độ mở hẹp cho trường ảnh nét hơn. Các lá cây, ngọn cỏ trên mặt đất trong những ngày băng giá cũng có thể hình thành những bức ảnh rất đẹp nếu bạn chọn được đúng góc. Bạn có thể cần thêm kính phân cực để hạn chế phản chiếu từ những khối băng này.

10. Chụp sương mù


...Về mặt kỹ thuật, sương mù cũng là hơi nước nên vẫn có thể xếp cùng với các kỹ thuật chụp nước. Làn sương mù kết hợp với phong cảnh có thể tạo nên những bức tranh thủy mặc tuyệt vời.
Theo những nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm, sương mù chụp hợp lý nhất trong những ngày và nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm chênh lệch nhiều nhất, khi màn sương sẽ trở nên dày đặc hơn vào chiều tối và đến sáng hôm sau vẫn còn, đủ để cho người chụp tha hồ sáng tác.
Sương mù thường làm cho độ tương phản giảm xuống và làm ánh sáng dịu đi, vì thế chụp sương mù không nên cầm tay do ánh sáng yếu mà nên sử dụng chân máy.
Về đo sáng, tương tự như khi chụp với tuyết, khi chụp sương mù máy ảnh sẽ có xu hướng lấy sáng dựa trên nền trắng của làn khói sương, vì thế ảnh sẽ có xu hướng tối hơn nên người chụp sẽ phải tiến hành bù sáng. Ánh sáng đèn flash sẽ không mấy tác dụng đối với kiểu chụp này, vì thế tốt nhất là nên chụp với ánh sáng tự nhiên.
Trong các ảnh sương mù, có thể bạn nghĩ nên để điểm nét ở gần máy ảnh sẽ rõ hơn, nhưng thực sự cũng còn tùy và không phải lúc nào cũng như vậy. Đôi khi ống zoom với khoảng tiêu cự dài chụp một phần tiền cảnh với hậu cảnh mờ dần và biến mất như ảnh dưới cũng có thể tạo nên những bức ảnh rất ấn tượng. Vì thế tốt nhất nên mang theo một vài loại ống kính và thử với các tiêu cự khác nhau.
Tùy thuộc vào ảnh bạn định chụp là gì mà bạn nên dùng thêm kính lọc để tăng thêm hiệu quả. Chẳng hạn với những cảnh rừng xa với lớp sương mù hơi bảng lảng thì một kính phân cực có thể hữu ích do nó giúp kích thêm các màu lục và lam hay với những vùng ánh sáng mạnh, sương mỏng thì kính ND Grads lại hữu ích hơn.
Tác giả bài viết:
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 4.3/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close