VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Những lưu ý của các bậc thầy nhiếp ảnh đường phố

Đăng lúc: . Đã xem 13769 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Chụp ảnh đường phố
Những lưu ý của các bậc thầy nhiếp ảnh đường phố

Những lưu ý của các bậc thầy nhiếp ảnh đường phố

Đó là những đúc kết ngắn gọn từ sự nghiệp nhiếp ảnh của Henri Cartier-Bresson, Josef Koudelka, Sebastião Salgado, Anders Petersen, William Klein ... Có lẽ mỗi người có hướng đi và cách học chụp riêng cho chính mình, có thể khác biệt nhau, nhưng thấy đây cũng là những lưu ý cần thiết cho nhiều người chập chững.

1 - Hãy thể hiện tối đa nét riêng của bạn


“Điều hấp dẫn tôi trong khi chụp ảnh chính là mức tối đa – mức tối đa hiện hữu trong một tình huống và mức tối đa mà tôi có thể tái hiện lại tình huống ấy.”
Josef Koudelka

Trong vòng mười năm trở lại đây, tôi đã cố tìm cho cho mình tiếng nói, phong cách và lối đi riêng trong nhiếp ảnh. Hành trình này đã dẫn dắt tôi trải qua cuộc sống bằng nhiều cách không thể tin nổi. Tôi đã học được rất nhiều bài học trong nhiếp ảnh (và đời sống) mà đã biến đổi tôi thành một con người nhân bản thực sự.

Mối quan tâm đặc biệt của tôi chính là nhiếp ảnh đường phố; bắt dính những khoảnh khắc của cuộc sống đời thường giữa những chốn công cộng. Tôi luôn bị hấp dẫn bởi đồng loại, và nhiếp ảnh đường phố đã giúp tôi càng lúc càng trở nên một con người đầy cảm thông hơn.

Nói gì thì nói, nhiếp ảnh là nhiếp ảnh. Tôi thường cảm thấy mình chỉ nên chụp “ảnh đường phố”, nhưng, trong hướng đi riêng của mình, tôi đã khám phá ra điều quan trọng, không phải là bạn chụp được những gì, mà là việc chụp ảnh làm cho bản cảm thấy như thế nào, mới là quan trọng; Điều quan trọng là việc chụp ảnh có thôi thúc bạn bước ra khỏi nơi tiện nghi của mình, và bạn có khả năng thể hiện được tối đa cái riêng tư của bạn hay không.

Tôi cảm thấy mục đích sống của mình là tích lũy kiến thức, và chắt lọc thông tin cũng như các bài học mà mình đã học được về nhiếp ảnh từ quảng đại quần chúng. Tất nhiên tôi không phải là một “bậc thầy”; tôi chỉ là một sinh viên tầm thường dành hết cuộc đời mình để theo đuổi việc học tập. Những gì tôi chia sẻ trong tập sách này là một rút tỉa từ những bài học tôi đã học được từ các nhiếp ảnh gia bậc thầy.

Đừng cho bất cứ điều nào trong tập sách này là “chân lý”. Thay vào đó, hãy xem các bậc thầy nhiếp ảnh giống như những người hướng dẫn riêng cho bạn. Hãy coi những bài học này như một nhúm muối; hãy nhón ra và chọn lấy những bài học nào đánh động đến bạn nhất, và gạt bỏ tất cả những gì còn lại.

Cuối cùng, để tìm ra quan điểm và phong cách riêng của bạn trong nhiếp ảnh, bạn chỉ cần biết bạn là một con người. “Biết mình” chính là sự khôn ngoan vĩ đại nhất mà các triết gia cổ đại đã đưa ra cho chúng ta.

2 - Đến gần hơn

“Nếu bức ảnh bạn chụp không đủ đẹp, chính là do bạn không đến đủ gần” – Robert Capa

Một trong những khuyết điểm phổ biến mà nhiều người mới bắt đầu chụp ảnh đường phố thường mắc phải, đó là : họ không đến đủ gần.

Chúng ta có nhiều nỗi lo sợ và đưa ra nhiều lời biện bạch để không đến đủ gần trong việc chụp ảnh đường phố. Chúng ta ngại chọc giận người khác, ngại làm người khác cảm thấy khó chịu, và sợ những người không quen biết gọi cảnh sát đến (thậm chí còn sợ bị hành hung).

Hãy hoàn toàn nhận thức được điều này trong đầu bạn. Việc đến gần một người xa lạ, sẽ không làm bạn chết được. Quả thực, tôi đã học được trong chụp ảnh (và trong cuộc sống), tiếp cận thể lý thì dẫn đến tiếp cận cảm xúc.

Chỉ dùng một ống kính télé hay một ống kính zoom để “đến gần” chủ thể bạn chụp, thì không đủ. Dùng một ống kính télé, tức là bạn đang nén nhỏ bức ảnh của bạn lại, và khi nhìn vào nó, người ta ít có cảm giác gần gũi. Nó khiến cho có cảm tưởng như bạn chỉ là một du khách đứng ngoài nhìn vào, chứ không phải là một người tham gia chủ động trong cảnh chụp.

Trong chụp ảnh đường phố, tôi thường khuyến cáo nên dùng một ống kính 35mm (tương đương với full-frame) đối với hầu hết những người chụp ảnh, (Alex Webb, Constantine Manos và Anders Peterson thường chụp với độ dài tiêu cự như vậy). Mắt người nhìn thế giới chung quanh trong một góc nhìn 40mm, và tôi thấy rằng chụp ảnh với một ống kính 35mm thì có đủ mức độ xê xích chung quanh các mép của khung hình.

Một ống kính 50mm cũng tốt (Henri Cartier-Bresson nổi tiếng là do đã dùng loại ống kính này gần như cả đời ông), nhưng trong thế giới đông đúc ngày nay, tôi cho rằng việc đó hơi khó. Một ống kính 28mm cũng khá tốt (William Klein, Bruce Gilden và Garry Winogrand cũng dùng loại này), nhưng với loại ống kính này, bạn phải chấp nhận đến đủ gần mới làm đầy khung hình được.

Như một quy tắc chung, tôi cố gắng chụp bằng ống kính 35mm với khoảng cách ít nữa là 2 cánh tay (hoặc gần hơn nữa). Khoảng cách hai cánh tay tương đương 1,2m (khoảng 4 feet). Do đó, tôi luôn thiết đặt trước máy ảnh lấy nét ở cự li 1,2m, với khẩu độ f/8, ISO 1600, và chỉ việc ra khỏi nhà rồi tìm cho đúng lúc để chụp.

3 - Chụp nhiều hơn 25% so với ý định của bạn

Nếu có lúc nhìn thấy một nhân vật thú vị trong cuộc đời mình, bạn hãy nhận thức được rằng mình sẽ không bao giờ nhìn thấy lại họ lần thứ hai. Vậy hãy sống mà không nuối tiếc và hãy chụp ảnh đi.

Tôi đã gặp một người phụ nữ trên đường phố New York City và nói với bà ấy rằng, “Ôi lạy Chúa, thưa cô, cô là người phụ nữ tuyệt vời mà tôi chưa từng gặp. Cô có phiền khi tôi chụp một vài bức ảnh không ?” Bà ấy tỏ ra hết sức khiêm tốn và bảo, “Tất nhiên rồi !”.

Tôi đến thật gần với chiếc máy ảnh KTS Ricoh Gr, và chụp bằng ống kính 28mm, chức năng Cận Cảnh trong chế độ “P” cùng với ISO 400. Để đưa gương mặt của bà vào đầy khung, tôi đã chụp với khoảng cách 0,3m. tôi chụp nhiều bức, một vài bức bằng đèn flash, vài bức khác thì không. Tôi bảo bà hướng vào tôi rồi lần lượt nhìn lên và nhìn xuống.

Đến bức thư 19, bà nén cười và nói, “Chụp nhiều ảnh thế, ông điên thật !” rồi bà bật cười lớn. Trong bức ảnh ấy, tôi đã bắt dính được “khoảnh khắc quyết định”.

Sau khi bắt dính khoảnh khắc, tôi vẫn chưa chắc chắn 100% là mình đã có được bức ảnh đẹp nhất hay chưa, do đó, tôi tiếp tục bấm máy thêm khoảng 10 tấm nữa.

Như một quy tắc chung, khi nghĩ rằng mình đã chụp được ảnh rồi, tôi vẫn tiếp tục chụp thêm 25% số bức đã chụp (bởi vì chẳng bao giờ bạn biết được liệu mình có chụp được bức ảnh đẹp nhất hay chưa).

Sau đó bà ấy nói với tôi là bà đã 82 tuổi. Lý do bức ảnh hết sức ý nghĩa đối với tôi là vì lúc ấy đang có quá nhiều những bức ảnh về cái chết, sự hủy hoại và nỗi khốn cùng trên thế giới.

Đấy là một trong những bức ảnh hết sức “may mắn” mà tôi đã chụp được, tôi hy vọng mình có thể chụp được nhiều bức ảnh như vậy để quảng bá tính chất tích cực và tình yêu trên thế giới này.

4 - Hãy chụp bằng cả tấm lòng


“Tôi chụp ảnh không phải là “chụp bằng trí tuệ”. Tôi không vận dụng đầu óc của mình để chụp ảnh. Tôi chụp ảnh với tất cả tấm lòng của mình”. Anders Peterson.

Anders Peterson là một trong các bậc thầy nhiếp ảnh đương đại có nhiều ảnh hưởng rộng lớn nhất. Ông chỉ chụp bằng một chiếc máy ảnh phim ‘point-and-shot’ (Contax T3) và chụp những bức ảnh trắng đen rất có hồn mà ông gọi là “tư liệu”. Ông tự làm cho mình và những người ông gặp gỡ trở thành chủ thể chính, và ông chụp từ trái tim.

Một bức ảnh không có cảm xúc là bức ảnh chết. Vấn đề mà nhiều người chụp ảnh thường mắc phải là cố làm cho việc chụp ảnh của họ quá nặng tính phân tích. Họ chú trọng vào việc sắp xếp bố cục, lên khung, hình thức, ánh sáng đẹp, nhưng lại quên đi điều quan trọng nhất, đó là tạo ra một bức ảnh đáng nhớ : một bức ảnh có hồn, chất chứa đầy niềm say mê.

Khi ra ngoài để chụp ảnh, bạn đừng cố thể hiện quá chi li. Hãy chụp bằng trực giác và chụp bằng cả tấm lòng của mình.

Thậm chí có khi bắt gặp điều gì đó không mấy thú vị, bạn cũng đừng nên quá khắt khe với chính mình.

Chớ để cho đầu óc bạn bảo : “Đừng chụp bức ảnh ấy, chẳng hấp dẫn tí nào, và không ai thấy nó thú vị đâu”. Hãy cứ chụp, vì sau đó bạn vẫn có thể chỉnh sửa hoặc xóa nó đi tùy ý. Vậy thì phân tích vào lúc nào ?

“Sau khi chụp một thời gian, tôi mới nhìn lại các bức ảnh để tìm cách phân tich và sắp xếp mọi thứ cho phù hợp với nhau”. Anders Peterson.

Hãy chụp với cả tấm lòng khi bạn ra ngoài để chụp ảnh đường phố, nhưng hãy sử dụng đầu óc của mình khi ở nhà và chỉnh sửa (chọn lựa) các bức ảnh. Hãy phân tích chúng theo từng sự kiện một cách tỉ mỉ, và học biết cách “giết chết những đứa con bé bỏng của mình” (Những bức ảnh không mấy nổi bật song do cảm tính mà bạn gắn bó với nó, tuy biết là nó không đẹp).

Hãy tách riêng việc chụp ảnh với khâu chỉnh sửa. Chúng được tiến hành bằng hai phần khác nhau trong não bộ của bạn, và nếu cố vận dụng cả hai cùng một lúc, bạn sẽ thất bại.

Như một thủ thuật thực dụng, hãy tắt màn hình LCD trên máy ảnh khi chụp, và hãy kềm chế đừng nhìn lại những bức ảnh ngay sau khi vừa chụp (cái này người ta gọi là “lăn tăn”). Tại sao ? Vì nó giết chết “luồng chụp” của bạn.

Hơn nữa, hãy để cho những bức ảnh bạn chụp được “thấm” lâu hơn, bằng cách để yên chúng sau khi chụp một tuần, rồi mới xem lại.

5 - “Thử thách 0,7m”


Để thực sự thoải mái đến gần chủ thể bạn muốn chụp, hãy thử thực hành như ông bạn Satoki Nagata của tôi : Dành nguyên một tháng chỉ để chụp các chủ thể ở cự li 0,7m (khoảng một cánh tay).

Với thực hành này, bạn hãy chuyển máy ảnh sang chế độ lấy nét bằng thủ công, và điều chỉnh ống kính của bạn ở tiêu cự tương tự. Với kiểu “ép máy sáng tạo” như thế, bạn sẽ học được cách tiếp cận được các chủ thể và làm cho họ thoải mái khi bạn chụp ở một cư li rất gần.

Thoạt đầu, hãy nên xin phép, rồi một khi đã cảm thấy dạn dĩ hơn, hãy bắt đầu chụp một cách tự nhiên.

6 - Để cho ảnh “thấm” lâu


Tôi chụp cả bằng phim lẫn bằng KTS, nhưng một ưu điểm lớn nhất của việc chụp phim là, dù có muốn chăng nữa, bạn cũng không thể xem lại được các bức ảnh ngay sau khi vừa chụp.

Với phim, thường là sau khi chụp, tôi để yên từ 6 tháng đến 1 năm mới tiến hành xử lý. Điều này giúp tôi thực sự tách mình ra khỏi cảm tính của tôi đối với các bức ảnh, và có thể nhìn lại chúng một cách khách quan hơn.

Với KTS, tôi thấy thật khó mà để cho các bức ảnh mình chụp được “thấm” lâu hơn, như đã nói ở trên, do cứ mãi “lăn tăn” (nhìn ngay vào bức ảnh vừa chụp xong).

Khi chụp bức ảnh này, tôi nhìn thấy người phu nữ ấy đang đứng trước tấm biển quảng cáo ở Luân Đôn. Tôi đến gần bà và chụp liền hai tấm. Một, chụp lúc bà đang nhìn đi chỗ khác, và một là lúc bà nhìn thẳng về phía tôi.

Mới đầu, tôi không cho rằng đó là một bức ảnh đẹp, nhưng sau một thời gian để “thấm” – và càng ngồi nhìn vào nó, tôi càng thích nó hơn. Tôi cũng đã đưa nó cho một cặp vợ chồng bạn thân xem, họ đều đồng ý đó là một bức ảnh hấp dẫn. Đối với một số bức ảnh, bạn càng để chúng “thấm” lâu, thì bạn càng thích chúng thêm.

Một số khác thì trái lại, càng “thấm” lâu, bạn càng không thích chúng. Hãy hình dung dầu và nước đựng chung trong một chiếc chai. Bạn lắc mạnh chiếc chai, cả hai thứ chất lỏng ấy hòa trộn vào nhau.

Để yên một lúc, dầu sẽ nổi lên trên (những bức ảnh đẹp), trong khi nước thì lắng xuống dưới (những bức ảnh không đạt).

7 - Đừng chụp ngang hông


“Không bao giờ chụp hình mà tôi không sử dụng ống ngắm”. Garry Winogrand

Một sai lầm phổ biến khác mà người chụp ảnh đường phố thường mắc phải, đó là cố vượt qua nỗi sợ hãi chụp ảnh đường phố, bằng cách chụp ngang hông (chụp ngang thắt lưng và không ngắm qua ống ngắm).

Cá nhân tôi, khi bắt đầu chụp ảnh đường phố, tôi lệ thuộc vào việc “chụp từ ngang hông” (2010). Tôi rất ngại đưa máy ảnh có ống ngắm lên ngang mắt, bởi vì sợ bị “bắt gặp” khi chụp ngẫu nhiên những người xa lạ.

Garry Winogrand là một trong những nhiếp ảnh gia đường phố có nhiều tác phẩm nhất trong lịch sử. Ông chụp bằng một chiếc Leica với ống kính 28mm, và rất nổi tiếng nhờ cách tạo ra những bức ảnh có chiều sâu, rõ cạnh và trực diện. Nếu lên trang Youtube, bạn có thể nhìn thấy ông đứng gần chủ thể khi chụp đến mức nào, và ông luôn nhanh mắt nhìn qua ống ngắm trong lúc chụp. Điều này cho phép ông lên khung một cách phù hợp, và nắm bắt được khoảnh khắc mà ông cho là hấp dẫn.

[Đừng chụp ngang hông], bạn sẽ không làm chủ được việc lên khung.” Garry Winogrand

Theo kinh nghiệm bản thân, tôi thấy việc chụp từ ngang hông thật là một kiểu đối phó vụng về. Càng chụp từ ngang hông, càng khiến tôi ít tự tin mình là một người chụp ảnh đường phố. Không chỉ có vây, nhưng giống như Garry Winogrand nói, tôi không làm chủ được việc lên khung. Những bức ảnh tôi chụp đều nghèo nàn, thiếu cân đối, và bất cứ bức nào hơi khá một chút, thì cũng đã là may mắn lắm rồi.

Là người chụp ảnh đường phố, bạn chẳng làm gì sai trái. Bạn đang cố gắng tạo ra những bức ảnh mà người ta ai cũng có thể thông cảm. Nếu không như vậy, thì các sử gia đã không có được ý tưởng nào về những gì người ta từng làm ở những nơi công cộng trong lịch sử. Tất cả những hình tượng về nhiếp ảnh đường phố như Henri Cartier-Bresson, Helen Levitt, Robert Doisenau và Vivian Maier đã không tồn tại.

Hãy tự tin. Hãy có niềm tin vào chính mình. Bằng cách không chụp từ ngang hông, bạn đang chứng tỏ cho thế giới thấy bạn chẳng làm gì sai. Khi sử dụng ống ngắm (hoặc màn hình LCD), bạn có thể làm chủ tốt hơn việc lên khung và sắp xếp bố cục.

Bạn làm khi đang chụp ảnh đường phố, và “bị bắt gặp quả tang ?

Gợi ý của tôi : hãy nhìn vào chủ thể, mỉm cười, nói “cảm ơn” và rời đi.

8 - Hãy tác động lên cảnh trí


Đôi lúc cũng hay, khi chủ thể để ý thấy bạn sắp chụp ảnh họ.

Chẳng hạn, trong bức ảnh này tôi chụp ở Hollywood, tôi nhìn thấy phần hông của người phụ nữ lớn tuổi đội chiếc mũ rộng vành và đeo đôi mắt kính lớn ấy. Tôi khom người xuống và chụp bằng chiếc Canon 5D, ống kính 24mm. Ngay vào giây tôi chuẩn bị chụp, bà ấy nhìn tôi và tạo dáng với hai bàn tay vung lên một cách “vui nhộn”.

Nếu tôi chụp từ ngang hông, có thể bà đã không để ý thấy tôi. Do đó, bà sẽ chẳng bao giờ tạo dáng để tôi chụp, và bức ảnh ấy đã không tồn tại.

Nhưng việc chủ thể để ý thấy bạn như thế có phá hỏng bức ảnh của bạn không ? Dứt khoát là không..

William Klein có lối tiếp cận rất hay với các chủ thể khi ông chụp ảnh đường phố, và sự có mặt của ông đã làm cho những bức ảnh ông chụp đầy sức sống, năng động và rõ cạnh hơn.

9 - Đừng cắt xén


“Nếu bạn bắt đầu cắt hoặc xén bớt một bức ảnh đẹp, thì đấy có nghĩa là khai tử các tỉ lệ hình học đối xứng tương tác lẫn nhau. Vả lại, hiếm khi có chuyện một bức ảnh mắc lỗi yếu bố cục mà có thể cứu lại được bằng việc tái tạo bố cục cho nó dựa vào máy phóng ảnh trong buồng tối; sự nguyên vẹn về trực quan nguyên thủy đã bị đánh mất” – Henri Cartier-Bresson

Một sai lầm phổ biến mà nhiều người chụp ảnh mắc phải là cắt xén quá nhiều những bức ảnh họ chụp. Họ mắc chứng “nghiện-cắt-xén”, qua đó họ cắt xén bất cứ bức ảnh nào họ chụp (ngay cả khi không cần thiết phải làm như vậy). Tôi cũng đã từng có lúc như thế, cứ cắt xén quá đà những bức ảnh mình chụp (ngay cả khi các mép ảnh cũng rất hấp dẫn).

Một mặt trái khác của việc “nghiện-cát-xén” : tôi sẽ trở nên lười biếng khi chụp ảnh đường phố. Tôi đứng rõ xa với chủ thể và cứ cho là mình cứ việc xén bớt và zoom chủ thể lại gần, thay vì đến thật gần.

Tôi sẽ luôn nhủ thầm trong đầu : “Ối dào, nếu có chụp dở đi nữa, thì sau đó mình cứ xén bớt đi là được ấy mà.” Việc này khiến tôi trở nên lười biếng và ngăn tôi không thể cải thiện được kỹ năng sắp xếp bố cục và lên khung.

Khi lần đầu tiên biết được Henri Cartier-Bresson (Bố Già nhiếp ảnh đường phố và bậc thầy về bố cục) không cắt xén các bức ảnh ông chụp (và ngăn cấm các học trò của ông không được làm như vậy), tôi đã quyết định làm theo như thế.

Mới đầu, thật khó mà không cắt xén các bức ảnh. Vì thế mà khi không còn cắt xén nữa, tôi đã nhận ra mình thật quá cẩu thả khi lên khung cho các bức ảnh. Từ đó, bằng cách đặt ra cho mình nguyên tắc không được cắt xén ảnh, tôi đã bắt đầu tập trung được vào việc “làm đầy khung” và tạo ra những mép ảnh đẹp hơn, khiến cho việc sắp xếp bố cục của tôi được cải thiện đáng kể.

Tôi không có ý nói là bạn đừng bao giờ cắt xén các bức ảnh bạn chụp. Có nhiều bậc thầy nhiếp ảnh đường phố vẫn mạnh tay cắt xén các bức ảnh của họ (Robert Frank đã từng có một số cắt xén triệt để trong tập sách ảnh của ông “The Americans”, thậm chí còn chuyển một số bức phong cảnh thành ảnh chân dung bằng cách xén bớt).

Nếu muốn cải thiện kỹ năng sắp xếp bố cục của mình : bạn hãy bỏ ra nguyên một năm đừng cắt xén. Tôi có thể bảo đảm sau thời gian đó, cách lên bố cục của bạn sẽ được cải thiện đáng kể. Và giả như trong tương lai, bạn quyết định bắt đầu lại việc cắt xén, thì hãy luôn thực hiện có chừng mực (tôi khuyên nên cắt xén ở mức dưới 10% một khung hình).

Khi đang chụp ảnh trên đường phố, hãy tránh đừng làm theo lối “phiến diện” (chỉ nhìn vào trung tâm khung hình). Hãy tập trung vào các mép cạnh của khung hình và đặc biệt là hậu cảnh để cải thiện kỹ năng sắp xếp bố cục của bạn.


Josef Koudelka / Magnum Photos: PORTUGAL. 1976.
 

10. Tập trung vào các mép cạnh khung hình


Nếu muốn sắp xếp bố cục và lên khung tốt hơn trong khi chụp ảnh, bạn hãy tập trung vào các mép ảnh. Đừng quá lo nghĩ đến chủ thể ở giữa khung hình, một khi bạn đã tập trung vào các mép cạnh của khung hình, thì những gì nằm ở trung tâm tự chúng cũng được kiểm soát.

Tại Aix-en-Provence, tôi nhìn thấy một phụ nữ đang ngồi uống rượu bên một chiếc bàn gần chỗ tôi đang ngồi. Tôi thấy chiếc bóng đổ hay hay của bà cùng với ly rượu trên tay, do đó tôi đã đến gần và hỏi bà liệu tôi có thể chụp một vài bức cái bóng của bà không. Bà miễn cưỡng gật đầu.

Tôi liền chụp nhiều bức ảnh khác nhau về chiếc bóng ấy, trong khi tập trung vào các mép cạnh của khung hình để lên bố cục. Tôi muốn bắt dính bóng đổ gương mặt của bà, cái bóng của ly rượu và chiếc bình nước nằm ở góc trái bên dưới khung hình.

 
Aix-en-Provence

11. Hãy tách cảm tính của mình ra khỏi các bức ảnh


“Đôi lúc người chụp ảnh nhầm lẫn cảm tính với những gì tạo ra bức ảnh đẹp về đường phố .”- Garry Winogrand.

Hãy thử hình dung tình huống này : vào một ngày mưa lạnh, ban đi ra ngoài để chụp ảnh đường phố và cảm thấy rất khổ sở. Bạn đang định bỏ ngang và quay về nhà thì trông thấy một bé gái với chiếc dù màu đỏ trên tay sắp nhảy qua một vũng nước. Bạn chợt nhớ đến bức ảnh nổi tiếng của Henri Cartier-Bresson (người đàn ông nhảy qua vũng nước), và bỗng cảm thấy sôi nổi hẳn lên. Cô bé nhảy, và bạn bấm máy. Bạn vừa bắt dính được “khoảnh khắc quyết định”.

 
Henri Cartier Bresson / Magnum Photos

Bạn quay vội về nhà, nhanh chóng tải bức ảnh vào máy tính, xử lý nó rồi đưa lên mạng. Bạn ngồi khoanh tay và nghĩ rằng đó là môt trong những bức ảnh đẹp nhất mà bạn từng chụp. Cuối cùng, bạn háo hức vì cho rằng có thể sẽ nhận được trên 100 ‘like’ dành cho bức ảnh ấy.

Một ngày hoặc vài ngày trôi qua, và bạn chỉ nhận được có 10 – 15 ‘like’. Bạn vung tay hậm hực và thầm nghĩ : “Cái đám người trên mạng ấy chẳng biết thế nào là một bức ảnh đẹp, chắc là phải không đập thẳng nó vào mặt của họ mới xong!” Rồi bạn cứ tiếp tục như thế cho đến hết ngày.

Một hai tuần trôi qua, bạn xem lại bức ảnh của mình. Bấy giờ bạn nhìn vào nó và tự nhủ “Hừ, bức ảnh này đâu có đẹp như mình tưởng”.

Điều gì vừa xảy ra vậy ? Bạn đã gắn bó một cách quá cảm tính với cốt chuyện có nhiều khó khăn khi chụp bức ảnh ấy (kết hợp với cảm xúc phấn khích của bạn). Điều này khiến bạn lầm tưởng đấy là một bức ảnh rất chi là “khách quan”.

Hầu hết chúng ta ai cũng gặp chuyện tương tự. Chúng ta quá gắn bó một cách cảm tính với những bức ảnh mình chup, bởi vì chúng ta có mặt tại chỗ, đã trải nghiệm tình huống và nó có vẻ như vẫn đang sống động trong ký ức chúng ta.

Vấn đề là ở chỗ những người xem chẳng có chút ý tưởng nào về cốt chuyện đằng sau bức ảnh ấy (trừ khi bạn viết một đoạn thuyết minh dài, việc mà thực tình tôi khuyên đừng bao giờ làm).

Giải pháp nào là khả thi ? Hãy tách cảm tính của bạn ra khỏi những bức ảnh bạn chụp. Khi biên tập (chọn lựa) những bức cần “giữ lại” và những bức phải “loại bỏ”, bạn hãy nhờ bạn chuyên nghiệp đánh giá giúp một cách “thẳng thắn tàn nhẫn” đối với các tác phẩm của bạn.
 

12. Tạo bối cảnh sống động trong khung hình


Trong nhiếp ảnh, toàn bộ câu chuyện về bức ảnh phải nằm trong khung hình. Nếu muốn thuật lại một câu chuyện cho sống động hơn, bạn hãy đưa bối cảnh vào trong các bức ảnh bạn chụp.


Tôi luôn nhớ như in câu chuyện về cách tôi đã chụp được bức ảnh. Tôi nhìn thấy người đàn ông phục sức chỉnh tề này ngay tại tiền sảnh của một khách sạn, và đã hỏi ông ta liệu tôi có thể chụp một vài bức ảnh không. Ông ta bảo,”Không sao,” và tôi chụp liền bảy tấm.

Sau đó, tôi lại hỏi ông ta làm gì. Ông ta trả lời, “Tôi là chủ khách sạn này !

Thế là tôi có được cốt chuyện sống động ẩn chứa đằng sau, nhưng người xem thì chẳng có ý tưởng gì về câu chuyện hoặc thông tin về bức ảnh ấy.

Người xem nhận thấy bức ảnh hấp dẫn là do người đàn ông phục sức trông giống như đang ở vào thập niên 1950 – một gợi nhắc về quá khứ. Bấy giờ người xem tự dựng lên cho mình một câu chuyện về người đàn ông, dựa theo những cuốn phim mà họ đã xem trong quá khứ.

Nếu bạn có một bức ảnh do mình chụp nhưng lại yếu về cốt chuyện, thì hãy loại bỏ nó đi. Khi bạn “giải thích” cốt chuyện đằng sau một bức ảnh đường phố, thì khác nào bạn đang giải thích một câu chuyện tiếu lâm. Chuyện tiếu lâm thì đâu cần phải “giải thích”.

13. Hãy kích thích các chủ thể


“Thay vì chụp ảnh người khác mà họ lại chẳng hay biết gì, hãy để họ bày tỏ gương mặt họ muốn bày tỏ. Không tạo dáng, bị chụp ảnh mà không hay biết, họ có thể để lộ những biểu cảm mông lung, chân mày nhíu lại trong một suy tưởng mơ hồ, khó hiểu và có thể chẳng có chút ý nghĩa gì. Sao lại không để chủ thể tự bày tỏ thái độ của họ đối với cuộc sống, với người chung quanh, và ngay cả với người chụp ảnh nhỉ ?” – William Klein


Stockholm

Trong nhiếp ảnh đường phố, có một kiểu rẻ rúng đối với những bức ảnh “được tạo dáng” (hoặc những bức không được chụp một cách ngẫu nhiên). Có rất nhiều người đi theo trường phái nhiếp ảnh đường phố Henri Cartier-Bresson, trong đó người chụp không nên tương tác với chủ thể, và phải là một người quan sát vô tư.

Tuy nhiên, có nhiều phương pháp để chụp ảnh đường phố. Một người chụp ảnh đường phố thường tương tác với các chủ thể là William Klein; một nhiếp ảnh gia đường phố trỏ “ngón tay thối” vào tất cả các “quy tắc” nhiếp ảnh. Klein kích thích các chủ thể và tương tác với họ.

Ngay cả với bức ảnh nổi tiếng “Đứa trẻ với cây súng” của mình, Klein đã bảo đứa bé : “Làm mặt ngầu đi nào!”. Ngay lúc đó, đứa bé chĩa thẳng cây súng đồ chơi của nó vào mặt Klein với ánh mắt ra vẻ thù hằn, bực tức và dữ dội.

 
Gun 1, New York, 1955 (c) William Klein

 ​

Một bài học tôi học được từ Martin Parr khi chụp “chân dung trên đường phố” là: đề nghị chủ thể nhìn thẳng vào ống kính và đừng cười. Đôi lúc tôi trực tiếp tạo dáng cho các chủ thể bằng cách đề nghị họ nhìn sang hướng khác, khoanh tay lại, phà khói thuốc, hoặc nhìn trái, phải, lên, xuống.

Một phản bác mà tôi thường nghe thấy : “Nhưng mà một khi cậu tiếp xúc với các chủ thể và đề nghị họ làm điều gì đó theo ý cậu, thi chẳng phải như vậy là làm cho bức ảnh mất bớt tính chân thực của nó sao ?”

Câu trả lời của tôi là : Mỗi bức ảnh chúng ta chụp đều là một bức chân dung chúng ta tự chụp chính mình. Chúng ta toàn quyền quyết định việc chắt lọc tính chân thực. Chúng ta toàn quyền quyết định cái gì cần đưa vào khung hình, cái gì cần loại ra.

Đừng ngần ngại chứng tỏ phiên bản riêng của chúng ta về sự chân thực qua việc chúng ta chụp ảnh. Hãy cứ làm như mình muốn.
 

14. “Ông (bà, cô, anh…) có thể làm lại giúp tôi một lần như vậy được không ?”


Đôi lúc bạn nhìn thấy nhiều thứ xảy đến trên đương phố; một số hành vi cử chỉ, những biểu cảm trên gương mặt. hoặc các hành động của chủ thể nhưng bạn lại để lỡ mất “khoảnh khắc quyết định”. Nếu chưa từng nhìn thấy một khoảnh khắc như bạn vừa để lỡ mất, hãy thử làm thế này : đến gần chủ thể và đề nghị họ : “Ông (bà, cô, cậu…) có thể làm lại giúp tôi một lần như vậy được không ?”

Chẳng hạn, tôi đang ở trong khu Kinh Doanh Buôn Bán L.A, tại khu vực các cửa hàng thời trang, thì nhìn thấy một người đàn ông đang hỉ mũi. Hành vi ấy có nét gì đó rất thú vị, và tôi thích đôi mắt ông ta, bộ quần áo ông ta mặc trên người và toàn bộ khoảnh khắc ấy.


Downtown LA, 2011

Tuy nhiên, đúng lúc tôi đưa máy ảnh lên, ông ta đánh rơi tấm khăn giấy và nhìn thấy tôi (và thôi không hỉ mũi nữa). Thế là tôi nói :, “Xin lỗi, thưa ông, tôi thích cách ăn mặc và phong thái của ông. Ông có thể vì tôi mà vui lòng hỉ mũi lại một lần nữa được không ?”. Ông ta bật cười và hỉ mũi lại, thế là tôi vừa thụt lùi vừa chụp vài tấm với đèn flash.

Giờ tin hay không tin thì tùy, nhưng đa số người ta rất vui vẻ vì bạn mà lặp lại một vài hành vi cử chỉ nào đó nếu bạn đề nghị.

Một kỹ thuật khác bạn có thể thử khi chụp ảnh đường phố nếu thấy mình rụt rè không dám đến gần người lạ và chụp ảnh họ mà không xin phép, đó là cứ đến gần và đề nghị họ, “Xin cứ làm như tôi không có mặt ở đây nhé.”

Trường hợp bạn nhìn thấy một gã có vẻ chịu chơi đang đứng hút xì-gà trước một cửa hiệu, bạn có thể đến gần và đề nghị, “Xin lỗi, tôi thấy ông thật ấn tượng khi hút loại xì-gà đó đấy. Đừng bận tâm đến tôi, ông cứ việc hút và coi như tôi không có mặt ở đây, được không ạ ?”

Phần lớn người ta sẽ bật cười, và hoàn toàn thoải rmái với bạn. Điều này có thể giúp bạn chụp được một bức ảnh hết sức tự nhiên (mà không bị thoi vào giữa mặt).

Có khi chủ thể của bạn bắt đầu tạo dáng và mỉm cười, tiếp tục hút xì-gà. Trong trường hợp như thế, bạn chỉ việc nấn ná một lúc, chẳng nói gì cả, và chờ khoảng 30 giây cho đến lúc họ hoàn toàn phớt tỉnh, rồi mới chụp.

Một mẹo khác : bạn có thể bắt đầu kháo chuyện với họ và hỏi thăm đôi chút về sinh hoạt đời thường của họ. Khi họ bắt đầu nói chuyện và buông lỏng sự dè chừng, bạn có thể tiếp tục nói thẳng vào chuyện chụp ảnh. Việc này cho phép bạn chụp được nhiều bức ảnh trông tự nhiên hơn (không có vẻ gì là tạo dáng).

Suits-2.jpg

15. Đừng quá lệ thuộc vào máy ảnh


“Bạn đừng để cho mình trở thành nô lệ của các công cụ máy móc, chúng được làm ra để giúp bạn và chúng càng nhỏ, càng không quan trọng thì càng hay, để khỏi gây phiền toái đến việc giao tiếp.”Anders Petersen

Hiện có một căn bệnh và một thói tật đang làm day dứt hàng triệu người chụp ảnh trên toàn cầu, và khiến họ phải tốn kém hàng triệu, hàng chục triệu đồng. Thói tật thì làm cho người chụp ảnh cảm thấy bất an, vì lúc nào cũng cho rằng loại máy ảnh mình đang sở hữu là không đủ tốt. Họ cứ nghĩ một khi nâng cấp máy ảnh của mình lên một phiên bản mới và rẻ hơn (hoặc mua ống kính mới), bấy giờ họ sẽ đột nhiên trở thành “đầy năng lực sáng tạo” hơn.



Còn căn bệnh ? Cái này được gọi là “G.A.S.” (Hội Chứng Nghiện Trang Thiết Bị=tạm dịch cụm từ=‘Gear Acquisition Syndrome’). Thứ quan niệm mà các hãng sản xuất máy ảnh, những tay ‘blogger’ và giới tiếp thị đang tìm cách gây ra cho người chụp ảnh sự không hài lòng và bất an bằng cách bảo họ rằng : “Lý do mà các bức ảnh bạn chụp đều chán ngắt là bởi vì máy ảnh của bạn không đủ tốt.”

Vậy mà bản thân tôi cũng đã từng khổ sở với chứng “G.A.S” ấy đấy. Hễ không hài lòng với việc chụp ảnh của mình là tôi cứ hy vọng, nếu mua được một chiếc máy ảnh mới, mình sẽ đột nhiên đầy cảm hứng trở lại, và mở ra được những cánh cửa đến với khả năng sáng tạo. Hãy tin tôi đi : hoàn toàn không phải vậy.

Một trong những ý tưởng mà tôi thường lặp đi lặp lại là : “Mua sách, chứ không mua trang thiết bị”. Thực tình mà nói, tôi cứ tiếc mãi thời gian, năng lực và công sức đã phí phạm vào việc mua sắm máy ảnh và ống kính mới. Tôi ước là mình đã đầu tư tất cả thì giờ và tiền bạc vào việc học hỏi thêm về nhiếp ảnh (sách báo, hội thảo) cũng như đi du lịch.

Tiền có thể mua được cho bạn niềm vui sướng, nhưng chỉ với điều kiện bạn tiêu tốn nó để mua lấy kinh nghiệm, chứ không phải mua các đồ đạc dụng cụ.

Không chỉ vậy, tôi nhận ra việc đọc các trang web, những bàn tán và các diễn đàn về trang thiết bị, luôn xúi giục tôi muốn mua máy ảnh và ống kính mới mà tôi không cần. Tôi đã bổ sung một ‘plugin’ (“StayFocused”) vào Google Chrome để ngăn mình khỏi lên những trang web liên quan đến máy ảnh (bởi vì tôi không tự kiểm soát được mình).

Tôi đã khám phá ra rằng khi đi ra ngoài để chụp ảnh, thì tôi không mấy nghĩ đến máy ảnh. Tôi chỉ nghĩ đến máy ảnh của mình khi ngồi ở nhà hoặc bỏ bê công việc để lướt web.

Khi đã có công việc toàn thời gian (45 tiếng mỗi tuần), tôi chỉ có rất ít thời gian để chụp ảnh đường phố và tôi chán ghét cuộc sống của mình. Cách nào đó tôi tự thuyết phục mình tin rằng mua một chiếc máy ảnh mới, thì tôi sẽ dành nhiều thời gian để ra ngoài và chụp ảnh hơn.

Hễ mua được một chiếc máy ảnh mới là tôi chỉ “hứng khởi” trong vòng một hay hai tuần lễ gì đấy thôi, sau đó thì ‘vũ như cẩn’.

Cần nhớ : bạn hãy đầu tư tiền bạc của mình để mua lấy kinh nghiệm, du lịch, thảo luận, học hỏi, và mua các sách viết về nhiếp ảnh, Không một loại máy ảnh nào có thể giúp bạn cải thiện được cách nhìn của bạn đâu.


Italy - © William Klein

16. Hãy chữa cho mình khỏi “G.A.S” (hội chứng nghiện trang thiết bị)


Bản thân tôi đã từng phải khổ sở vì “G.A.S.” (kiểu ăn mấy cũng không đủ no). Tôi là người duy vật chủ nghĩa, và hằng ngày tôi vẫn phải chiến đấu chống lại nỗi thôi thúc muốn có một chiếc điện thoại thông minh mới, một chiếc xe hơi, một căn nhà, áo quần, đồng hồ, máy tính xách tay, máy tính bảng, máy ảnh, ống kính, hoặc phụ tùng mới.

Tôi vẫn chưa hoàn toàn khỏi hẳn căn bệnh nghiện thiết bị, nhưng có một số thứ khiến tôi cảm thấy (bớt) “nghiện” đi :


© William Klein

1 - Bằng lòng với những gì đang có

Thay vì cứ muốn một chiếc máy ảnh mới mà mình chưa có, tôi cố viết ra lý do tại sao tôi lại thích chiếc máy ảnh mình đang sở hữu.

2 - Nhìn nhận không có máy ảnh nào là “hoàn hảo”
Máy ảnh nào cũng có ưu và khuyết điểm riêng của nó. Thay vì cố tìm cho được một chiếc máy ảnh “hoàn hảo”, thì hãy tìm cho mình một máy ảnh “vừa tầm”. Hãy là một người “bằng lòng” với cái mình đang có (vui thích với cái “vừa tầm”) thay vì làm một người “bày vẽ quá đáng” (cứ thích “hoàn hảo”). Để đi sâu hơn, bạn hãy đọc bài viết của tôi : “Cần Cân Nhắc Những Gì Khi Mua Một Máy Ảnh Mới Để Chụp Ảnh Đường Phố” và cuốn : “Nghịch Lý của Chọn Lựa”.
  • Đặt ra cho mình một giới hạn trong việc nâng cấp :
    Bạn không định sở hữu mãi một chiếc máy ảnh KTS trong phần đời còn lại của mình. Ví dụ, đa phần máy tính xách tay và điện thoại thông minh đều hoạt động rất tốt trong thời gian khoảng 3 năm. Do đó, bạn hãy đặt ra cho mình một quy tắc : “Tôi không cho phép mình mua máy ảnh mới, trừ khi tôi đã sử dụng chiếc máy ảnh cũ được 3 năm”.
     
  • Đọc lại những bài viết cũ về chiếc máy ảnh mình đang sở hữu
    Hâm nóng lại niềm phấn khởi đã từng có khi mới sở hữu chiếc máy ảnh bạn đang dùng.
    Hãy hình dung ra tình huống bị mất máy ảnh : Giả như ngày mai bạn đánh mất máy ảnh (hoặc bị người khác lấy trộm), bạn sẽ cảm thấy thế nào ? Tôi cá là bạn sẽ trân trọng chiếc máy ảnh bạn đang có rất nhiều.
     
  • Đừng có nhiều hơn một máy ảnh và một ống kính:
    Tôi cho rằng thật là tốt khi sở hữu máy ảnh chất lượng cao và đắt tiền. Có điều, hãy cố đừng để mình có nhiều chiếc cùng một lúc. Bản thân tôi, trước đây, khi có hơn một máy ảnh và một ống kính, tôi không dứt khoát được là nên mang theo mình chiếc nào khi rời nhà để ra ngoài. Các tâm lý gia gọi là chứng “paralysis by analysis” (=có quá nhiều chọn lựa nên, rốt cục không chọn được cái nào; tiếng Việt có thành ngữ : ngày lắm mối, tối nằm không’). Nếu chỉ có duy nhất một máy ảnh và một ống kính, thì chẳng tội gì mà bạn phải “lăn tăn” (nguyên văn=bạn biết chắc là mình mang theo máy ảnh nào rồi).
 
Poster © William Klein
 
 


17. Hãy luôn theo đuổi “tâm nguyện ban đầu”


“Tôi mong sao. khi bước đi trên những con phố mà ở đấy bạn đã từng chào đời, bạn nhìn chúng như thể lần đầu mới nhìn thấy trong đời, dẫu bạn đã sinh sống tại đó đến 60 năm”. – Anders Petersen.

Bạn có nhớ lần đầu khi mới cầm lên một chiếc máy ảnh, và không bị rối trí bởi những giáo điều, nguyên tắc, gò bó, hoặc bất cứ “lý thuyết” nào trong nhiếp ảnh chăng ? Có nhớ lại sự thoải mái khi bạn lang thang qua các đường phố, và chỉ chụp những bức ảnh hấp dẫn mà chẳng có bất cứ một định kiến hoặc kềm chế nào không? Bạn có nhớ là mình đã phấn khích, như một đứa bé, đến mức nào không ?

Trong Thiền học Phật Giáo, người ta gọi đó là “phát tâm”. Khi bắt đầu một đeo đuổi, một sở thích hay một nghệ thuật nào đó trong đời, chúng ta bộc lộ tâm tư của mình. Chúng ta nhìn thấy thế giới như tươi mới hẳn và có đầy những cơ hội. Chúng ta phẩn khởi, linh hoạt hẳn lên và đầu óc thoáng ra. Chúng ta nhìn thấy nhiều khả năng, chứ không phải những trở ngại.

Vấn đề nằm ở chỗ càng trở nên kinh nghiệm trong nhiếp ảnh (và đời sống), chúng ta càng thấy mất đi hứng thú. Mọi thứ dường như càng lúc càng trở nên nhàm chán. Chẳng có gì làm cho chúng ta quan tâm được nữa. Bạn có thể sống trong một thành phố hấp dẫn nhất thế giới (Paris, Tokyo, New York) và sau một thời gian, những gì bạn nhìn thấy đều chán ngắt.

Hãy nghe theo lời khuyên của Anders Petersen và tiếp xúc với đường phố như mới lần đầu. Hãy tưởng tượng đây là lần đầu tiên bạn trải nghiệm nó. Hãy hình dung ra những gì bạn cho là hấp dẫn và độc đáo. Hãy cứ làm như bạn là một khách du lịch ngay trong chính thành phố bạn đang sinh sống.

Hãy cố xoay chuyển mọi thứ. Hãy dạo quanh thành phố bằng một con đường khác với con đường mọi khi bạn vẫn đi. Nếu được, hãy rời khỏi thành phố đôi ba ngày, và quay trở về với cái nhìn tươi mới hơn.

Hãy hình dung bạn là một người đến từ một hành tinh khác. Giả như là một người ngoài hành tinh và lần đầu tiên đến thăm quan các đường phố nơi bạn đang ở, thì bạn sẽ thấy có gì hấp dẫn và độc đáo ?

Đứng quá phân tích tỉ mỉ những cảnh trí khi bạn chụp ảnh. Chỉ chụp những gì bạn thấy hấp dẫn, và cứ thế mà bấm máy.

Đừng quan tâm đến những suy nghĩ nào khác: hãy cứ chụp ảnh giống như những người mới vào nghề một cách nghiêm túc.


@Anders Petersen

18. Cảm nhận thế nào thì chụp thế ấy


Các xúc cảm của chúng ta rất đa dạng : có những ngày chúng ta cực kỳ lạc quan và nghĩ rằng mọi sự trong cuộc sống đều hoàn hảo và vô cùng tuyệt diệu. Lại có những ngày chúng ta cảm thấy rất đáng ghét, đầy bất hạnh và buồn tênh.

Bản thân tôi, tuy đang có một cuộc sống “hoàn hảo” (đi du lịch, giảng dạy về nhiếp ảnh, gặp gỡ với những con người thú vị), nhưng vẫn cứ phải trải qua rất nhiều những lúc không hài lòng về cuộc sống của mình. Tôi đã có những nỗi lo toan về tài chánh, về những khó khăn của gia đình và bản thân.

Có nhiều lúc tôi cảm thấy mất mát, hoang mang và chán nản. Tôi không biết cuộc đời mình đang trôi theo hướng nào. Lúc khác, tôi chẳng có chút ý tưởng nào về những gì mình đang làm khi chụp ảnh và tự hỏi, “Sao mình lại chụp những bức ảnh như vậy được nhỉ ? Không ai quan tâm đến tác phẩm của mình. Mình đang xuống dốc. Mình sẽ chẳng bao giờ trở nên vĩ đại.”

Tuy nhiên, nhiếp ảnh cũng là một trong những hình thức tự chữa bệnh tốt nhất. Đừng phán xét những cảm xúc của bạn (bất luận là tiêu cực hay tích cực). Hãy biết rằng cuộc sống luôn thăng trầm, chúng ta sẽ trải qua những lúc xuống thật sâu và những khi lên rất cao.

Khi cuộc đời đang ở triền dốc đi xuống, thì con dốc rồi cũng kết thúc ở chân đồi. Cũng vậy, khi mọi sự đang tiến triển tốt đẹp, thì hãy nhớ rằng không phải sẽ được mãi mãi như vậy.

Khi cảm thấy đen tối và buồn rầu ủ rũ, tôi nhận ra việc chụp ảnh trắng đen là rất thích hợp với tâm thế của mình.

Trái lại, khi cuộc sống của tôi tỏ ra tích cực và lạc quan vui vẻ hơn, tôi thấy việc chụp ảnh màu khiến tôi hạnh phúc hơn.

Một bức ảnh không chất chứa cảm xúc là bức ảnh chết. Hãy tránh chụp những bức ảnh chỉ thiên về cách làm sao cho bố cục hài hòa hoặc theo mẫu mã có sẵn. Hãy làm cho những bức ảnh đường phố mở ra những cánh cửa truyền cảm đến người xem.


London

19. Biết hạn chế thì dẫn đến tự do


“”Đừng “bá nghệ bá tri” mà sẽ đi đến chỗ “vị chi bá láp”. Hãy “nhất nghệ tinh”, bấy giờ bạn sẽ “nhất thân vinh” (Nguyên văn=“Có quá nhiều chọn lựa thì sẽ phá hỏng cuộc sống của bạn. Hãy làm một việc cho thật tốt, rồi sau đó mới mở rộng ra hơn”. – David Alan Harvey

Vấn đề đối với xã hội hiện đại hôm nay là chúng ta có quá nhiều chọn lựa. Bạn có nhớ được lần mới đây nhất bạn đến cửa hàng bách hóa và muốn mua một ít ngũ cốc dùng cho bữa ăn sáng không ? Cứ cho là bạn muốn mua một ít ngũ cốc đi. Bạn đến trước dãy kệ bày bán ngũ cốc và ở đấy bạn thấy có hàng chục thương hiệu khác nhau. Có điều tệ là ở đấy có các loại hương vị khác nhau : đường, sô-cô-la, vani và việt quất. Tệ hơn nữa, ở đấy lại có một số ngũ cốc được chế biến với sữa chua, số khác thì với ít đường hơn, và số khác nữa được quảng cáo là “bổ cho tim mạch”.

Bị rối mắt nên bạn chỉ chọn ra một ít thứ ngũ cốc trộn sô-cô-la, rồi bạn đi về và sáng hôm sau bạn có một tô ngũ cốc loại ấy để điểm tâm. Bạn hơi thất vọng về chọn lựa của mình và tự trách là đã không chọn loại ngọt hơn.

Cái đó người ta gọi là “Nghịch Lý Chọn Lựa”. Khi có quá nhiều chọn lựa hoặc tùy chọn, chúng ta bị rối trí. Điều này gây ra nhiều chuyện đáng tiếc và khiến cho đầu óc căng thẳng.

Có quá nhiều chọn lựa (ví dụ, có nhiều hơn một chiếc máy ảnh và một ống kính) có thể dẫn đến căng thẳng. Khi là một người chụp ảnh mà phải chọn lựa quá nhiều, thì bạn có rất ít thời gian để chụp ảnh và phí phạm nhiều thời gian và năng lực vào việc đắn đo không biết sử dụng loại máy ảnh, ống kính hay loại phim nào.

Thật là trớ trêu, khi có ít chọn lựa thì ít bị căng thẳng hơn, và được bình tâm hơn.

Hồi còn thói quen sở hữu hơn một ống kính, thì “sự mệt mỏi vì phải quyết định” đã khiến tôi thất bại. Tôi ra ngoài để chụp ảnh và liên tục thay qua đổi lại hết ống kính 28mm đến 35mm rồi 50mmm. Không có ống kính nào là hoàn toàn “lý tưởng” đối với tình huống tôi đã chụp. Trước đó, tôi còn chụp cả với một ống kính Sigma 18-200mm nữa kia (thứ đã làm cho tôi trở thành một gã nhiếp ảnh lười biếng).

Nếu chỉ có một ống kính ‘prime’ (không zoom), bạn hãy học cách thao tác trong phạm vi các đường canh lề của độ dài tiêu cự. Nếu ống kính 35mm của bạn không vừa để chụp toàn thân chủ thể, có lẽ bạn chỉ nên tập trung vào phần mặt hoặc hai tay họ. “Kiểu ép máy sáng tạo” sẽ giúp bạn chụp được những bức ảnh hấp dẫn và thú vị hơn.

Nhiều bậc thầy nhiếp ảnh đường phố đã đi theo triết lý “một máy ảnh, một ống kính”. Henri Cartier-Bresson chụp phần lớn các bức ảnh mẫu mực của ông bằng máy Leica, 50mm chụp với phim đen trắng. Daido Moriyama đã rất gắn bó với những chiếc máy ảnh ‘point-and-shot’ Ricoh GR, 28mm và vẫn luôn trung thành với phong cách nhiễu hạt trắng đen.

Tất nhiên còn có những nhiếp ảnh gia vĩ đại khác như Todd Hido đã từng sử dụng nhiều loại máy ảnh, ống kính, phim và các khổ ảnh khác nhau và đã làm ra những tác phẩm tuyệt vời. Song, giả như bạn là người mới vào nghề, thì việc bắt đầu với chỉ một máy ảnh và một ống kính cũng như gắn bó với chúng lâu dài, có thể đưa bạn đến chỗ đầy sáng tạo.

Hãy cố hình dung ra cách bạn bắt đầu loại bớt những chọn lựa và tùy chọn khỏi công việc chụp ảnh (và đời sống) của mình. Việc có thêm những giới hạn sẽ giúp bạn trở nên sáng tạo và làm bạn cảm thấy thoải mái hơn.


London

20. Hãy lưu giữ lại những khoảnh khắc trong cuộc sống của bạn


Tháng Giêng năm 2013, tôi được tin ông tôi qua đời. Tôi liền lên máy bay và chỉ mang theo một chiếc máy ảnh cùng với một ống kính duy nhất : chiếc Ricoh GR 1v (một loại máy ảnh chụp phim ‘point-and-shot’ và một ống kính 28mm). Tôi cũng chỉ mang theo 10 cuộn phim (Neopan 400) và chọn ISO 1600. Tôi tự đặt ra cho mình giới hạn ấy và mục đích của tôi là ghi lại đám tang của ông tôi một cách đầy ý nghĩa, chân thực và với cả tâm tình.

Khi chỉ có chiếc máy ảnh ‘point-and-shot’ đơn giản ấy, tôi đã có thể tập trung thực sự vào trải nghiệm về việc hòa mình vào đám tang của ông tôi. Do máy ảnh chụp bằng phim, nên tôi không thể “lăn tăn” và kiểm tra lại màn hình LCD sau mỗi lần chụp.

Tôi hòa mình thực sự, chứ không bị phân tâm bởi máy ảnh. Tôi nghĩ là việc không còn tập trung vào máy ảnh đã giúp tôi tạo ra một trong những công trình đầy ý nghĩa nhất trong sự nghiệp nhiếp ảnh của tôi : loạt ảnh về “Ông tôi”.

Nếu là một người chụp ảnh có nhiều máy ảnh và ống kính, bạn chỉ nên mang theo một máy ảnh và một ống kính khi ra ngoài để chụp ảnh. Hoặc giả như bạn đang theo đuổi một kế hoạch chụp ảnh nào đó, thì hãy tiến hành với chỉ một máy ảnh, một ống kính và một loại phim (hoặc một phong cách xử lý hậu kỳ, nếu bạn chụp bằng KTS).



Hãy tập trung vào “tiến trình chụp”, chứ đừng tập trung quá nhiều vào trang thiết bị và các thiết đặt kỹ thuật đi kèm.

21. Hãy chụp theo “luồng-cảm-nhận”


“Với tôi, việc nắm bắt được những gì mà tôi cảm nhận được bằng thân xác của mình, thì quan trọng hơn các kỹ thuật nhiếp ảnh. Bức ảnh chụp bị mờ do rung lắc ư ? Không sao; bi ‘out’ nét ư ? Cũng chẳng sao. Nhiếp ảnh không nhất thiết phải luôn rõ nét “. – Daido Moriyama

Một trong những sai lầm phổ biến mà nhiều người chụp ảnh phạm phải, đó là quá chi li khi chụp ảnh đường phố. Họ quên đi phần quan trọng nhất của nhiếp ảnh : chụp những gì bạn cảm nhận được bằng con tim.

Daido Moriyama, một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất của Nhật Bản, đã phổ biến phong cách “luồng-cảm-nhận” trong nhiếp ảnh. Không chỉ có vậy, ông còn phổ biến nguyên tắc thẩm mỹ cơ bản “are, bure, boke” (tiếng Nhật=nhiễu hạt, mờ nhòe, ‘out’ nét”), đi ngược với trào lưu nhiếp ảnh đương thời vốn tập trung vào việc tạo ra những bức ảnh siêu nét bằng những máy ảnh cực kỳ tinh xảo.

Bạn muốn biết “luồng-cảm-nhận” trong nhiếp ảnh là gì ư ? Vâng, đó là một khái niệm cho rằng các suy nghĩ, cảm xúc và ý tưởng của bạn giống như một con sông hay một dòng chảy, tràn lên trong tâm trí bạn. Bạn tin tưởng vào trực giác, bản năng và quyết tâm của mình.

Khi chụp ảnh đường phố, bạn chỉ chụp những gì bạn cho là hấp dẫn, mà không hề đắn đo, kềm chế hoặc chán nản nào. Bạn cài đặt máy ảnh ở chế độ hoàn toàn tự động rồi chỉ việc chĩa máy ảnh và bấm phím chụp, Đó là hình thức thuần túy nhất về nhiếp ảnh ‘snapshot’, trong đó bạn không suy nghĩ như một “nghệ sĩ”. Bạn chỉ giống như một đứa bé đang khám phá thế giới và chụp những gì bạn cho là hấp dẫn.

Trường hợp bạn chụp theo “luồng-cảm-nhận”, thì hãy nhìn nhận là đa số những bức ảnh bạn chụp đều không đạt cho lắm. Quả thực, bạn sẽ chụp rất nhiều những bức ảnh không hấp dẫn và chán ngắt.

Tuy nhiên, nếu bạn lồng cảm xúc của mình vào trong các bức ảnh, chúng sẽ trở nên đầy ý nghĩa với bạn hơn. Đằng khác, cảm giác ấy sẽ lan truyền sang người xem.

Việc này khiến cho khâu biên tập chọn lựa trở nên rất quan trọng. Bạn phải luôn có một ý kiến dự phòng đối với bức ảnh mình chụp, và liệu xem có làm cho người khác, khi nhìn vào bức ảnh, có cùng những cảm xúc như bạn hay không.


Prague

22. Chụp đúng những gì mình cảm nhận


“Chỉ nhìn thấy thôi, thì không đủ; bạn còn cần phải cảm nhận được những gì mình chụp ảnh” – Andre Kertesz

Tôi chụp bức ảnh này tại Saigon, Việt Nam. Đang ngồi trong một quán ‘bar’, tôi nhìn thấy thần thái và biểu cảm đầy bí ẩn của người đàn ông này qua một lớp màn. Về mặt thiết đặt kỹ thuật, tôi đã chụp bức ảnh này bằng một chiếc Fujifilm x 100s, và cài đặt máy ở chế độ lấy nét bằng tay, tập trung vào người đàn ông, và chỉ việc chụp ở chế độ “P” (khẩu độ được cài tự động, tốc độ màn trập cũng vậy) và ISO là 3200.

Tôi thường sử dụng chế độ “P” khi chụp bằng máy ảnh KTS, do nó tự giúp tôi tập trung vào việc sắp xếp bố cục cho cảnh trí, lên khung và “chủ động với cảnh trí” (thay vì phí thời gian loay hoay với máy ảnh).

Tôi thích biểu cảm trên gương mặt của người đàn ông, toát ra nét cô độc và sự bí ẩn của nơi diễn ra cảnh tượng ấy. Tôi không suy nghĩ nhiều lắm về việc sắp xếp bố cục và lên khung. Tôi chỉ cứ chụp những gì mà cảnh trí mang lại những cảm giác như : u ám, xa lạ và lạc lõng.

Sau này, khi chia sẻ bức ảnh với các bạn bè và những người chụp ảnh khác mà tôi tin tưởng, họ đều bảo rằng họ cũng cảm nhận được cảm giác mà tôi đã cảm nhận qua cảnh tượng ấy.

Những xúc cảm bạn cảm nhận trong lúc chụp ảnh đường phố không phải lúc nào cũng được diễn dịch cho người xem các bức ảnh của bạn. Tuy nhiên, càng chụp ảnh bằng con tim (chứ không phải bằng đầu óc), hầu như bạn càng có thể diễn dịch được cho người xem những cảm giác mà cảnh trí đã gây ra.


ANDRE KERTESZ Broken Bench, NY, 1962

23. Hãy rút kinh nghiệm từ những thất bại


“May mắn – hoặc có thể là ‘ăn may’ – đóng một vai trò quan trọng…Nhưng không bao giờ bạn biết được điều gì sắp xảy đến. Và điều quan trọng nhất chính là, khi điều bất ngờ xảy đến, bạn thu xếp được cho mình có mặt đúng nơi đúng lúc – và nhấn nút chụp đúng vào khoảnh khắc quyết định. Phần lớn thời gian đều không được như vậy. Nhiếp ảnh đường phố có đến 99,9% thất bại”. – Alex Webb

Chụp ảnh đường phố hầu như là hoàn toàn thất bại. Như Alex Webb nói, “Nhiếp ảnh đường phố có đến 99,9% thất bại”. Mỗi lần bạn nhấn nút chụp, chỉ có 0,1% cơ may bạn chụp được một bức ảnh hấp dẫn. Phần lớn thời gian, có thể bạn bỏ ra cả một ngày, nhưng không chụp được một tấm nào ra hồn, và cảm thấy chán nản thất vọng.

Hãy biết rằng thất bại như thế là một điều hay. Càng thất bại, bạn càng thành công. Như Thomas Edison có lần đã nói : “Nếu muốn gia tăng tỉ lệ thành công, bạn hãy nhân đôi tỉ lệ thất bại của mình”. Bạn có thể kiểm soát được sự nỗ lực, chứ không kiểm soát được thành quả. Nghĩa là bạn có thể dành ra 8 tiếng trong một ngày để chụp ảnh, và làm việc cần mẫn như thế nào tùy bạn. Duy có điều bạn không thể kiểm soát được mình có thể chụp được một bức ảnh đẹp hay không.

Trong sự nghiệp chụp ảnh đường phố của tôi, tôi thường nhận thấy rằng càng đi ra ngoài và mang theo máy ảnh, tôi càng cảm thấy mình “may mắn”. Khi mang theo máy ảnh, tôi lại bắt gặp được nhiều cơ hội hơn. Sự may mắn không phải là cái gì đó ma thuật ập đến với chúng ta như tia chớp. Tuy nhiên, sự may mắn luôn đãi ngộ những ai có chuẩn bị trước.

Hãy chuẩn bị sẵn sàng bằng cách luôn mang theo máy ảnh bên mình, luôn quan sát các cảnh tượng đang diễn ra và môi trường chung quanh bạn, và hãy biết rằng đôi khi, có thể bạn có mặt “đúng nơi đúng lúc”. Nếu bạn thoải mái với máy ảnh của mình và có đủ tài năng, bạn cũng sẽ nhấn phím chụp đúng vào khoảnh khắc quyết định.


Khi thất bại vì không chụp được, bạn đừng nản lòng. Tốt hơn, bạn hãy học hỏi từ các thất bại và những sai lầm của mình. Cái gì đã khiến bạn bỏ lỡ bức chụp ? Có phải do cài đặt máy ảnh không đúng ? hay do máy ảnh vẫn còn nằm trong túi xách (chứ không nằm sẵn trên tay bạn) ? Có phải là do bạn quá lo lắng và không đủ can đảm để bấm máy ? Hãy học hỏi từ những thất bại của mình, và chẳng bao lâu bạn sẽ làm chủ được việc chụp ảnh của mình.

24. Đừng ngại nhấn phím chụp



Istanbul, 2014



Một trong những sai lầm mà những người chụp ảnh đường phố mắc phải, đó là ngại nhấn phím chụp, sợ chụp phải những bức ảnh tệ hại. Hãy nhận thức được rằng càng chụp những bức ảnh xấu, bạn càng trở nên kinh nghiệm hơn.

Trong cảnh chụp này ở Istambul (chàng trai đang lao mình xuống nước), tôi đã quất đến 6 tấm “tệ hại” cho đến khi may mắn chụp được tấm rất đẹp.

25. Hãy đưa thêm “thứ gì đó” vào trong khung hình


“Không chỉ có vậy, mà còn…còn…còn nhiều thứ khác nữa trong khung hình. Tôi luôn tìm thêm cái gì đó khác. Nhưng nếu đưa vào thêm nhiều quá, thì có thể làm thành một đống hổ lốn. Tôi luôn làm theo cách này : đưa thêm thứ gì đó vào, nhưng vẫn giữ cho ngăn nắp”. – Alex Webb.


© Alex Webb / Magnum Photos

Càng trải nghiệm nhiều trong chụp ảnh đường phố, bạn càng trở nên thành thạo. Bạn có thể bắt đầu cảm thấy nhàm chán với những bức ảnh bạn chụp và muốn có thêm thứ gì đó để thêm vào.

Alex Webb nổi tiếng về việc tạo ra những bức ảnh phức hợp, với nhiều lớp ảnh và màu sắc trong khi vẫn rất ít có sự chồng chéo trong khung hình của ông. Những bức ảnh của ông đều tràn trề sức sống, nghị lực và mối tương quan giữa chủ thể với người chụp. Ảnh của ông có thể nói là thường mấp mé bên bờ sự hỗn độn, nhưng lại rất đẹp.

Điều Alex Webb luôn làm là không ngừng tìm kiếm thêm điều gì đó mà ông có thể đưa thêm vào trong khung hình, đặc biệt là những gì nằm ở hậu cảnh.

Khi mới bắt đầu chụp ảnh đường phố, chúng ta thường chỉ bị ám ảnh bởi những gì nằm ở trước mắt chúng ta và chẳng quan tâm đến hậu cảnh. Chúng ta không biết hậu cảnh cũng quan trọng như tiền cảnh.

Nếu nhìn thấy chỉ có môt chủ thể duy nhất ở tiền cảnh, bạn cứ chụp, nhưng hãy kiên nhẫn chờ và tìm xem có thêm “điều gì đó” nữa hay không. Biết đâu bên phải cảnh trí, bạn bắt gặp một bà già sắp lọt vào khung hình. Và phía trên bên trái, có thể bạn nhìn thấy một người phụ nữ đang đẩy chiếc xe nôi hướng vào khung hình, chẳng hạn.

Hãy tìm cách lên khung cho bức chụp ở bất cứ đâu mà bạn có thể cân đối bức hình bằng cách phân tán các chủ thể ra các cạnh của khung hình. Cũng hãy tìm cách tránh tạo ra sự chồng chéo trong các bức ảnh bằng cách để lọt lại môt chút khoảng trắng giữa các chủ thể.

Nhưng làm cách nào để biết được khi nào thì một cảnh chụp “quá nhốn nháo” ? Điều này thường liên quan đến sở thích. Những gì tôi cố tìm cho được chính là “nhiều câu chuyện” trong một cảnh chụp mà luôn làm cho người xem cảm nhận được và bị hấp dẫn.

Đừng chỉ vì thế mà đặt quá nhiều chủ thể vào khung hình. Hãy chỉ thêm vào những gì bạn cho là thiết yếu và làm tăng giá trị cho bức ảnh.

26. Hãy làm chủ ngôn ngữ cơ thể


“Nếu đã lâu năm trong nghề chụp ảnh, chắc bạn cũng đã hiểu ngôn ngữ cơ thể là gì. Tôi thường không nhìn vào những người mà mình vừa chụp ảnh, đặc biệt là về sau này. Cũng vậy, khi muốn chụp một bức ảnh, tôi đã cách nào đõ trở nên dạn dĩ hơn và điều này rất hữu ích. Ở ngoài kia luôn có một ai đó để bạn chụp ảnh, và khi có cơ hội, bạn bắt đầu ngay”. – Martin Parr


© Martin Parr / Magnum Photos

Là người chụp ảnh, bạn muốn học cách làm chủ ngôn ngữ cơ thể của mình. 90% việc giao tiếp là không phải bằng lời nói, chúng ta giao tiếp thông qua biểu cảm trên gương mặt, ngôn ngữ cơ thể và các điệu bộ của đôi tay.

Nếu bạn muốn chụp được những bức ảnh hấp dẫn, thì đây, Martin Parr giải thích cho thấy tầm quan trọng của việc đến gần chủ thể bạn muốn chụp ảnh, và việc đó khó khăn như thế nào :

“Tôi tiến đến gần người ta, và sở dĩ phải làm như vậy bởi vì đó là cách duy nhất để có thể chụp được ảnh. Bạn tiến thẳng về phía họ. Ngay cả hiện nay, tôi vẫn thấy chẳng dễ dàng gì”. – Martin Parr

Ngay cả với Martin Parr là người đã chụp ảnh đường phố hàng chục năm rồi song vẫn cảm thấy khó khăn trong việc đến gần người khác để chụp ảnh.

Bằng cách “giấu mình đi”, Martin Parr tiếp cận các chủ thể với dáng vẻ như đang tập trung vào một thứ gì đó khác :

“Chẳng hề gây ra chút chú ý nào, tôi làm như mình đang tập trung vào đâu đó. Nếu bạn chụp ảnh một người nào, thì thật là khó mà không nhìn họ liền ngay sau đó. Nhưng đấy lại là thứ khiến cho cuộc chơi kết thúc. Tôi không định làm như thế và lúc nào cũng che giấu việc mình đang làm – nếu không, thì thật là điên rồ”. Martin Parr.

Ánh mắt chạm nhau thường tạo nên bức ảnh đường phố sống động, nhưng cũng khiến cho chủ thể thấy rõ là bạn đang muốn chụp ảnh họ. Vì thế, nếu không muốn bị bắt gặp khi chụp ảnh đường phố, bạn hãy tránh tiếp xúc bằng mắt.

Ngôn ngữ cơ thể bạn càng ít úp úp mở mở, thì các chủ thể càng ít nhận ra hơn.


26. Hãy nói dối (qua bức ảnh) một cách thuyết phục

Với bức ảnh này, bạn có thể nhìn thấy hiệu ứng mạnh mẽ về ánh mắt giao nhau trong đó. Riêng tôi, người đàn ông kia có vẻ như đang chăm chú nhìn thẳng vào tâm hồn bạn; Một cái nhìn đăm đăm thường khiến cho người xem khó mà quên được.


Istanbul, 2014



Làm thế nào để bạn tạo ra những bức ảnh đường phố không thể nào quên ?

Hãy đưa vào đó những “lời nói dối” đầy thuyết phục.

Lời nói dối trong bức ảnh này chính là cái trông giống như một bức ảnh chụp ngẫu nhiên, khi tôi chụp người đàn ông ấy mà không xin phép, và như thể ông ta sẽ tiến thẳng về phía tôi, và muốn thoi thẳng vào giữa mặt tôi vậy.

Thật vậy ư ? Không đâu. Ông ta là một người dễ chịu nhất trên đời : Bức ảnh ấy là một lời nói dối đấy. Tôi nắm bắt thực tế theo một phiên bản riêng, thay vì chụp những gì nhìn thấy trước mắt. Cuối cùng tôi thấy làm như thế thì bớt nhàm chán hơn.

Trong cảnh chụp ấy, tôi không làm ra vẻ như mình đang chụp ảnh một ai khác. Tôi táo bạo để cho ánh mắt mình tiếp xúc với chủ thể, và tương tác với người ấy. Nếu không thực sự tự tin là mình có thể tiếp xúc bằng mắt với người lạ, tôi đã không thể nào chụp được bức ảnh này.

Hãy biết linh động trong việc chụp ảnh đường phố. Có lúc bạn hãy tương tác với các chủ thể và đề nghị họ đừng cười. Lúc khác, hãy chụp những bức ảnh ngẫu nhiên mà không xin phép. Hãy chụp bất cứ những gì phù hợp với tâm trạng của bạn, và hãy biết rằng không có cách chụp nào gọi là “đúng” hay “sai” cả.

Hãy làm theo những gì bạn cảm thấy đúng với mình, và hãy quên đi những gì còn lại.

28. Đừng cứ khăng khăng làm theo thầy dạy (nguyên văn=‘Kill your master’)


“Thời gian này, Henri Cartier-Bresson chỉ cho phép chúng tôi chụp ảnh với ống kính từ 35mm đến 90mm. Khi đưa cho ông xem các bức ảnh tôi chụp, ông nói, “Giỏi đấy, René !”. Tôi vừa đi ra vừa reo lên “Ha ha !”. Ông nghe thấy và hỏi tôi chuyện gì vậy ?. Tôi đáp “Dạ, không có gì ạ”. Ống kính mà tôi đã dùng để chụp là loại 180mm – Tôi không nói cho ông biết điều đó ! Thế là tôi đã bứt mình ra khỏi những ràng buộc với ông thầy của mình. Tôi đã không còn làm người học trò chỉ có biết rập khuôn theo lời thầy dạy nữa rồi!” – René Burri.

Copyright Rene Burri / Magnum Photos. BRAZIL. Sao Paulo. 1960.

Nói như vậy nghe thật buồn cười, vì cuốn sách này đang đề cập đến chuyện học hỏi các bậc thầy nhiếp ảnh đường phố kia mà. Nhưng còn có rất nhiều những “bài học” bạn có thể học được từ các bậc thầy trước khi đi đến chỗ “không rập khuôn theo ông thầy của mình nữa”.

Chẳng hạn, khi René bắt đầu chụp ảnh trong nhóm Magnum, Cartier-Bresson đã là một trong những người dẫn dắt và là “thầy” của René. Ông vô cùng thán phục những tác phẩm của Cartier-Bresson, và cứ tuân theo các triết lý của ông thầy là không dùng ống kính télé, không cắt xén và không tạo dáng cho các chủ thể.

Đều trớ trêu là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của Burri chụp chiếc bóng đổ của những người đàn ông ở Brazil, lại được ông chụp với ống kính 180mm (đi ngược hẳn với các nguyên tắc do Cartier-Bresson đề ra). Bằng cách “phá vỡ các nguyên tắc”, Burri đã có thể chụp được một trong những bức ảnh mẫu mực và đáng nhớ nhất của chính mình.

Hãy nhớ rằng sau khi học hỏi các bậc thầy, bạn cần phải biết đến lúc nào thì nên quên hoặc đi ngược lại với những gì các thầy đã giảng dạy.

Hãy chỉ xem các “bậc thầy” nhiếp ảnh đường phố như những người dẫn dắt. Đừng nghe lời các vị ấy một cách mù quáng, bởi vì ngày nào đó, bạn cần phải rời khỏi những thực hành rập khuôn để học cách tự mình xoay sở.


Copyright: Rene Burri / Magnum Photos. SOUTH KOREA. 1961. Tae Song Dong. Women entertaining GIs.


29. Hãy đi ngược lại “nguyên tắc”


Nếu có môt “nguyên tắc” nào đó trong nhiếp ảnh mà bạn thường tuân thủ, thì hãy phá vỡ nó một thời gian, và đi theo một cách khác đầy sáng tạo hơn.

Nếu nguyên tắc là “đừng cắt xén”, thì bạn hãy làm ngược lại bằng việc trải nghiệm sự cắt xén cho “đến nơi đến chốn”. Đây chính là điều mà William Klein và Robert Frank đã làm với những bức ảnh của hai ông, và rất hiệu quả. Vậy, bạn đừng bao giờ khư khư với các “nguyên tắc” – hãy luôn thử chúng và làm ngược lại với chúng.


Public Park, Cleveland, Ohio, 1955-56. © Robert Frank

Tôi vốn có một nguyên tắc riêng, đó là không chụp phía sau đầu người khác. Sao vậy ? Đại để là nếu không thể nhìn thấy gương mặt ai đó, thì bạn khó mà nắm bắt được những biểu cảm trên mặt họ, cũng như không thể đưa được một xúc cảm vào trong bức chụp. Tôi hầu như lúc nào cũng thích chụp các gương mặt hơn.

Trong tình huống này dành cho chương trình ảnh “Suits” của tôi, tôi đã đến thăm quan khu phố kinh doanh ở Tokyo vào khoảng nửa đêm. Tôi nhìn thấy lối đi có mái vòm ở tầng trên cùng và dạo quanh để chụp một vài bức ảnh với đèn ‘flash’. Tôi bắt gặp người đàn ông lớn tuổi đang ngồi chơi bên máy chơi game và chỉ chụp một hai tấm gì đó rồi rời đi.

Với tôi, lý do khiến tôi nghĩ rằng bức ảnh ảnh này rất hợp lý là ở chỗ, phần phía sau đầu ông ta thật thú vị : nó cho thấy ông ta “đúng” là một người lớn tuổi, rõ ràng là đang ở vào độ tuổi 60 hoặc già hơn (do chiếc đầu hói của ông ta).



Nếu phía sau đầu một ai đó hấp dẫn hơn gương mặt của họ, bạn cứ việc chụp. Đừng quá nguyên tắc một cách tiêu cực.


30. Hãy làm theo sự thôi thúc của óc tò mò


“Máy ảnh giống như con mắt thứ ba của tôi và là một công cụ thỏa mãn trí tò mò của tôi. Tôi luôn hiếu kỳ như một đứa trẻ và phải sử dụng hết các gác quan của mình. Tôi muốn gặp được những người khổng lồ của TK. 19, một nhà điêu khắc, một họa sĩ, một nhà độc tài và thế là tôi đã có thể tìm thấy những bức ảnh đúng lúc chúng xảy đến. Bạn không chụp một bức ảnh không phù hợp với ý thích của mình. Tôi ứng tác theo tình huống và trở nên rất nhanh nhạy – như tay súng nhanh nhất miền viễn Tây – ngay cả khi đã ở vào độ tuổi này.” – René Burri.
 
Copyright: Rene Burri / Magnum Photos. BRAZIL. Rio de Janeiro. 1960. Ministry of Health.

Một trong những đặc tính tốt nhất mà người chụp ảnh đường phố cần phải có là sự tò mò. Bạn không thể giả tạo sự tò mò trong cuộc sống. Tò mò là “chất đốt” của cuộc sống. Tò mò là thứ luôn làm cho chúng ta khao khát học hỏi, trải nghiệm và sống hơn nữa.

Nếu muốn trở thành một nhiếp ảnh gia giỏi, bạn hãy học cách trở nên tò mò hơn trong cuộc sống. Hãy trở nên trẻ thơ hơn là người lớn. Một khi cứ mãi làm người lớn, chúng ta sẽ không mở mình ra với các ý tưởng và những cách suy nghĩ mới. Đúng ra là hãy tự khám phá mọi thứ và nghe theo sự tò mò của chúng ta hơn là cứ nhất nhất nghe theo những câu trả lời của Google.

Jacob Aue Sobol là một nhiếp ảnh gia lúc nào cũng tò mò về cuộc sống những người khác. Đấy chính là điều tiếp thêm nhiên liệu cho công việc và niềm say mê của ông.

“Tôi cũng chụp ảnh bởi vì tôi tò mò. Tôi tò mò về những gì mà người đứng bên kia đường ấy đang suy nghĩ, cách họ sống, cách họ cảm nhận. Tôi luôn tìm kiếm một ai đó để chia sẻ với họ một lúc”. – Jacob Aue Sobol

Đừng chụp những gì bạn cho là người khác sẽ cảm thấy thú vị. Một trong những cách tốt nhất để khám phá “phong cách” của bạn trong nhiếp ảnh là tìm hiểu những gì bạn không thích chụp. Hãy chụp những gì bạn cảm thấy hấp dẫn. Nếu có một vùng ngoại ô hay một góc nào đó của nơi bạn đang ở mà bạn cảm thấy thú vị, hãy cứ việc đến đấy với một chiếc máy ảnh và chụp những bức ảnh.


Copyright: Rene Burri / Magnum Photos

Đừng suy nghĩ quá nhiều. Hãy đi theo và chụp những gì khiến bạn tò mò.

31. Đừng giải thích các bức ảnh bạn chụp

“Tôi để cho người khác tự nói ra ý nghĩa (các bức ảnh của tôi). Các bạn biết những bức ảnh tôi chụp, đã phổ biến chúng, triển lãm chúng, thế thì các bạn đã có thể nói được chúng có ý nghĩa hay không rồi còn gì.” – Josef Koudelka


Josef Koudelka / Magnum Photos: CZECHOSLOVAKIA. Slovakia. Zehra. 1967. Gypsies.

Một trong những lỗi phổ biến mà người chụp ảnh thường mắc phải là không chịu để cho các bức ảnh họ chụp được mở ra với sự diễn giải. Họ thích dùng những tiêu đề giải thích điều họ muốn người xem rút ra được từ bức ảnh.

Hãy làm ngược lại : cứ để cho các bức ảnh của bạn mở ra với sự diễn giải của người xem. Bạn càng để cho các bức ảnh bạn chụp mở ra với sự diễn giải, chúng càng trở nên hấp dẫn đối với người xem.

Một phương pháp then chốt để thực hiện việc ấy là đừng gợi nhắc những thông tin chủ yếu về bức ảnh, hoặc nên đưa thêm vào đấy đôi chút mơ hồ. Cố tình cắt đầu xén đuôi hoặc làm tối đi hậu cảnh. Che khuất đi ý nghĩa của nội dung cảnh chụp. Hãy làm cho người xem cố tìm mọi cách diễn giải những gì đang diễn ra trong bức ảnh.

Một câu chuyện khôi hài không cần phải “được giải thích” bởi người kể chuyện. Cũng vậy, một người giỏi chụp ảnh đường phố thì không cần phải đưa ra lời thuyết minh chi tiết cho một bức ảnh.

Tương tự như vậy, những cuốn phim hay nhất luôn được kết thúc một cách “lấp lửng”, trong đó người xem tự tạo riêng cho mình một đoạn kết tùy ý. Khi đạo diễn kết thúc một cuốn phim mà không có phần kết rõ ràng, thì cuốn phim ấy thường được người ta nhớ đến.

Nhiếp ảnh gia Joel Sternfeld chia sẻ cách mà một người chụp ảnh, khi chụp một bức ảnh, diễn dịch thế giới như thế nào :

“Nhiếp ảnh luôn có thể được vận dụng. Bất cứ lúc nào bạn đưa thế giới vào khung hình, thì đấy luôn là một diễn dịch. Tôi có thể nâng máy ảnh lên và chĩa nó vào hai người này chứ không vào người thứ ba vô gia cư đang có mặt bên phải khung hình, hoặc không đưa thêm một việc gay go đang diễn ra ở bên trái.” – Joel Sternfeld.

Richard Kalvar, một bậc thầy nhiếp ảnh trong nhóm Magnum, cũng chia sẻ tầm quan trọng của việc có đối chút bí ẩn đằng sau các bức ảnh bạn chụp và đừng giải thích chúng :

“Thật là hấp dẫn khi làm thỏa mãn sự tò mò của người khác cũng như khi mọi thứ “diễn ra suôn sẻ” trong một cảnh chụp, nhưng điều này luôn để lại trong tôi một cảm giác rất khó chịu. Nếu có chút gì đó hơi bí ẩn, người xem sẽ tự vận dụng trí thông minh, óc tưởng tượng và sự liên tưởng của họ để cố làm cho sáng tỏ một cách khách quan. Tôi muốn người xem cứ trầm ngâm một lúc trước một bức ảnh, chứ không vội chuyển sang bức kế tiếp ngay.” – Richard Kalvar

Có nên học cách làm ngược đời này của Richard Kalvar không ?



Tuy đừng tạo ra quá nhiều bí ẩn hay kịch tính đối với người khác khi họ xem các bức ảnh của bạn, nhưng cũng đừng “lật ngửa quân bài” quá rõ ràng, mà cần phải có chút gì đó để họ tự tò mò, phân tích và tìm cách giải mã.

32. Sự khác nhau giữa ảnh “mở” và ảnh “đóng”

Trong nhiếp ảnh, có hai xu hướng : ảnh “mở” và ảnh “đóng”.
  • Ảnh “mở” - Ảnh “mở” để mở ra với sự tùy nghi diễn giải; điều này có nghĩa là người xem có thể tự tạo nên trong đầu họ một câu chuyện riêng. Ảnh “mở” thường dễ được ghi nhớ và hấp dẫn hơn.
     
  • Ảnh “đóng” - Ảnh “đóng” không dẫn đến tùy nghi diễn giải. Một bức ảnh “đóng” chỉ có thể được diễn giải bằng một cách duy nhất. Nhìn chung, những bức ảnh “đóng” dễ bị người ta quên; người xem nhìn vào bức ảnh một lần rồi thôi, không có lý do gì để nhìn lại lần thứ hai.

Đây là hai cách thực hành bạn có thể thử :

#1. Tạo một bức ảnh “mở” 
Hãy chụp một bức ảnh không có chi tiết rõ ràng. Cố tìm cách sử dụng kỹ thuật mờ nhòe, hiệu ứng ‘out’ nét, dùng đèn flash, mức độ tương phản trắng đen cao, ‘không đầu, không đuôi’.

Chụp một bức ảnh khó diễn giải và đề nghị bạn bè hoặc người xem tìm hiểu theo cách riêng của họ. Chụp người khác với những hành vi hay cảm xúc mạnh của họ, và đừng làm rõ những gì chính xác đang diễn ra.

Hãy tạo một bí ẩn cho các bức ảnh bạn chụp, quá đó người xem phải tự làm “thám tử”.

#2. Tạo một bức ảnh “đóng”
Đôi lúc, khi thực hiện chụp ảnh tư liệu hay ảnh làm báo, bạn không mở các bức ảnh bạn chụp ra để cho người khác tùy nghi điễn giải. Bạn muốn chúng chia sẻ một quan điểm đặc thù.

Trong trường hợp này, bạn cần có một miêu tả chi tiết hoặc lời thuyết minh, để người xem khỏi hiểu sai. Nhưng nhiếp ảnh đường phố thì cần đến sự diễn dịch của bạn về thế giới hơn, thay vì chỉ tìm cách chụp lại một thực tại “khách quan” nào đó.

Đừng quên rằng, bạn càng làm cho các bức ảnh của mình “lấp lửng” hoặc có một kết thúc mở, thì nó càng thú vị và hấp dẫn đối với người xem.​


33. Hãy loại hẳn cái tôi của bạn ra ngoài


“Tôi sẽ không nói về những bức ảnh. Không, tôi đang cố tách mình hoàn toàn ra khỏi những gì tôi đang làm. Tôi cố bước lùi lại để nhìn chúng như một người chẳng liên quan gì đến chúng.” – Josef Koudelka


Josef Koudelka / Magnum Photos: ROMANIA. 1968.

Có thể chúng ta thường hay để cho cái tôi của mình chen vào việc chụp ảnh. Chúng ta cho rằng những bức ảnh giống như những đứa con của chúng ta, và trở nên quá gắn bó một cách cảm tính đối với chúng (cho dẫu là những bức ảnh tệ hại). Chúng ta cần học cách “giết chết những đứa con do mình đẻ ra”

Tôi có một thời gian khó khăn trong việc vượt qua sự gắn bó với các bức ảnh mình chụp. khi người khác chê bai chúng, tôi cảm thấy như họ đang chỉ trích thẳng vào con người tôi.

Hãy nhớ : bạn không phải là những bức ảnh do mình chụp. khi người ta phê phán hay chỉ trích chúng, không phải họ chỉ trích bạn. Họ chỉ đưa ra lời đánh giá những bức ảnh của bạn.

Một trong những cách tốt nhất để vượt qua điều đó là hãy tách cái tôi của bạn ra khỏi những bức ảnh bạn chụp. Một khi đã tách mình ra khỏi chúng, bạn có thể đánh giá chúng một cách trung thực và khách quan hơn.

Khi muốn có những phản hồi về những bức ảnh bạn chụp, hãy đề nghị người khác, “Xin cứ thẳng thắn và đưa ra những lời phê bình chân thật đến tàn nhẫn.” Cũng như khi đánh giá tác phẩm của mình, bạn hãy tưởng tượng như chúng được một ai đó chụp, chứ không phải bạn.

Một bậc thầy nhiếp ảnh khác, Sebastião Salgado làm cho thấy được cảm giác đó. Ông toàn tâm toàn ý chụp ảnh để cho người khác tạo nên tác động tích cực trên thế giới, chứ không phải nhằm đề cao cái tôi của ông :

“Mối nguy hại lớn nhất đối với người chụp ảnh chính là khi họ bắt đầu cho rằng họ quan trọng.” - Sebastião Salgado

Hãy chắt lọc một cách không thương xót, và hãy loại hẳn cái tôi của bạn ra khỏi tiến trình.


Copyright by Sebastião Salgado
 

Cuộc đời như cái máy ảnh
Chỉ lấy nét điều quan trọng,
đúng thời điểm,
hình thành âm bản,
và, nếu có trục trặc,
chụp tấm khác!
[Daireth Winehouse]

35. Đừng chần chừ


Khi nhìn thấy người đàn ông này trong khu thương mại LA, tôi rất sợ đến gần để chụp ảnh anh ta. Tuy nhiên tôi đã lấy hết can đảm đến gần và đề nghị được chụp một vài bức chân dung.

Tuy trông có vẻ đáng sợ, nhưng anh ta lại cực kỳ thân thiện và chẳng tỏ ra chút khó chịu nào đối với việc tôi chụp ảnh. Tôi chụp liền hai tấm bằng đèn flash trên máy ảnh và rất vui vì đã nghe theo sự thôi thúc trong lòng và trực giác để để nghị được chụp ảnh người đàn ông ấy.

Nếu nhìn thấy điều gì đó có thể là một bức ảnh đẹp đối với bạn, bạn đừng chần chừ, cứ chụp đi. Hãy sống mà không phải hối tiếc.

36. Đừng cố trở thành một ai khác (Hãy là chính mình)


“Hãy chụp ảnh đúng theo phong cách riêng bạn !” – Bruce Gilden
”Photograph who you are!” 

Một trong những nhiếp ảnh gia đường phố quyết đoán nhất chính là Bruce Gilden. Ai yêu ai ghét cũng mặc, ông vẫn cứ luôn là chính ông. Ông được sinh ra và lớn lên trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của Thành Phố New York và không hề giấu diếm việc bố ông là một tay “xã hội đen”. Bruce có một quan điểm dứt khoát là chụp rất gần bằng đèn flash với ống kính 28mm, và không cần giải thích biện bạch về cách chụp ảnh hoặc làm việc của mình cho ai cả.


© Bruce Gilden / Magnum Photos

Nhiều người chỉ trích ông quá lạm dụng các chủ thể, hoặc tỏ ra coi thường ông. Bản thân tôi đã từng gặp ông và có thể nói được rằng ông luôn là chính ông thực sự: một con người táo tợn, mạnh bạo, nói là làm. Ấy thế mà ông lại chiếm được nhiều cảm tình nơi những người ông chụp ảnh.

“Tôi yêu những con người mà tôi chụp ảnh. Ý tôi muốn nói, họ đều là bạn của tôi. Tôi chưa từng gặp mặt hoặc biết chút gì đó về họ, tuy nhiên, qua các bức ảnh, tôi cùng chia sẻ cuộc sống với họ. Họ là những biểu tượng. Người trong các bức ảnh tôi chụp chẳng phải là ông X, ông Y hay gì gì đó, song là một ai đó đi ngang qua trên con đường tôi đi hoặc tôi đi ngang qua trên con đường của họ và, nhờ sự trung gian của nhiếp ảnh, tôi đã có thể chụp được bức ảnh đẹp về những cuộc tao ngộ ấy. Họ có riêng cuộc sống của họ, nhưng họ cũng là những biểu tượng. Tôi muốn nói rằng tôi tôn trọng người xem, nhưng không muốn nói hết mọi điều cho họ biết”. – Bruce Gilden. 

Khi bắt đầu chụp ảnh đường phố, tôi cố bắt chước Henri Cartier-Bresson (người cực kỳ hướng nội và không thích tương tác với các chủ thể ông chụp). Nhưng nếu như vậy thì tôi không còn là chính mình, không còn chụp ảnh theo phong cách riêng của mình nữa. Tôi đang bắt chước một người chụp ảnh mà nhân cách và thế giới quan hoàn toàn khác tôi.

Sau nhiều năm, tôi đã khám phá ra phong cách nhiếp ảnh đường phố riêng cùa mình phản ảnh được tôi là một người hòa đồng, thích trò chuyện và gần gũi với người khác. Tự trong tâm khảm, tôi là một người hướng ngoại (thuộc ‘típ” ESFP theo bảng xếp loại của Myers-Briggs=thực dụng, mạnh mẽ, bị hấp dẫn bởi những gì khó khăn, đôi khi lỗ mãng và khiêu khích – Xem Họa Thuật Chín Điểm của hai tác giả : Renée Baron và Elizabeth Wagele).

Nói cho cùng, tôi thích gần gũi với các chủ thể khi chụp ảnh họ (kiểu như Bruce Gilden), và thích chụp cận cảnh cũng như sự mật thiết bằng cách gần gũi thân thiện.

Trong nhiếp ảnh, không có cách chụp “đúng” hoặc “sai”. Bạn hãy chụp theo phong cách riêng của bạn. Điều gì làm cho nhân cách của bạn trở nên độc đáo ? Nếu không thích tương tác với các chủ thể của mình, bạn hãy chụp từ xa và chụp một cách ngẫu nhiên. Nếu là người hướng ngoại và thích đàm luận, bạn đừng ngại nói chuyện với các chủ thể.

Người Hi-lạp cổ đại nói : “Hãy tự biết mình” (connait-toi toi même! - Socrate). Cũng vậy, bạn hãy tự biết chính mình trong khi chụp ảnh đường phố. Hãy chụp những gì phù hợp với nhân cách, tâm trạng, tính khí của ban và đừng quan tâm đến những gì người khác nói hay làm.


© Bruce / Magnum Photos

37. Đừng cứ mải theo một lối mòn


“Khi đến Tiếp Khắc (cũ), tôi đã trải nghiệm được hai sự thay đổi : thứ nhất, tình huống này không lặp lại lần thứ hai. Tôi không nhất thiết phải cần đến ống kính góc rộng. Tôi đã nắm vững thuật rất và cứ lặp lại chính mình, nay thì không còn muốn lặp lại nữa, tôi chỉ muốn thay đổi. Tôi dùng một máy ảnh Leica 50mm/35mmm. Thứ hai, tôi đã bắt đầu đi du lịch khắp nơi. Tôi có thể làm điều đó và đã có được một cái nhìn về thế giới”. – Josef Koudelka.


Boemia, 1963 © Josef Koudelka / Magnum Photos

Luôn có một khoảng cách mong manh giữa sự lặp lại và sự linh động nơi người chụp ảnh và người họa sĩ. Một đằng, bạn muốn lặp đi lặp lại và nhất quán trong tác phẩm của mình hòng tạo ra cho mình một phong cách hay một tiếng nói riêng. Đằng khác, bạn muốn có sự thay đổi nhằm tránh cho bản thân (và người xem) khỏi nhàm chán.

Khi Josef Koudelka thực hiện bộ ảnh “Gypsies”, ông đã đi du lịch và sống với những người Di-gan trong vòng mười năm. Ông chỉ chụp bằng một chiếc SLR với ống kính 25mm. Cách này giúp ông dễ dàng thao tác trong các khu phố chật hẹp đông đúc và tạo ra được một tư liệu sâu sắc về cuộc sống của người Di-gan.

Khi Koudelka hoàn tất bộ ảnh tư liệu, ông nhận ra là không cần phải lặp lại chính mình nữa. Từ đó trở đi, ông chỉ tiếp tục khám phá và du lịch qua các nơi trên thế giới với một chiếc Leica 35mm/50mm.

Koudelka cũng muốn chuyển chủ đề chụp ảnh sang hướng khác :

“Tôi không muốn đạt đến chỗ mà từ đó tôi không biết phải làm thế nào để tiến xa hơn. Thật tốt khi đặt ra cho chính mình những giới hạn; nhưng rồi cũng có lúc chúng ta phải phá hủy những gì chúng ta đã xây nên”. – Josef Koudelka.

Josef Koudelka / Magnum Photos

Có một quan niệm gọi là “phá cách” trong nghệ thuật và cuộc sống. Điều đó có nghĩa là bạn cần một khuôn khổ làm việc để giữ cho mình luôn tìm được nguồn cảm hứng trong công việc nghệ thuật của mình. Nhưng đến một giai đoạn nào đó, khuôn khổ ấy có thể trở nên như một chiếc lồng. Khi điều này xảy ra, bạn phải phá vỡ chiếc lồng đang giam nhốt chính bạn.

38. Hãy xin phép


“Tôi mang theo cuốn album nhỏ có chứa những bức ảnh này do tôi chụp. Tôi có ba sự chọn lựa. Một là, nếu nhìn thấy ai đó đang ở vào tư thế rất đẹp như trong cuốn album, tôi sẽ tiến thẳng đến và đề nghị họ, tôi muốn chụp lại biểu cảm ấy. Một khi đã nhận được sự đồng ý, tôi liền xin họ hãy thể hiện lại nó. Không một ai khác có thể làm được y hết như họ được. Hai là, trường hợp họ không đồng ý, tôi liền giở cuốn album ra cho họ nhìn thấy bức ảnh. Và ba là tôi cứ chụp rồi bỏ chạy “như bị ma rượt”. Tôi luôn có cho mình ba sự chọn lựa như thế”. – Bruce Davidson

Bruce Davidson là một nhiếp ảnh gia không ngại mở lời xin phép người khác để chụp ảnh. Ông là một người chụp ảnh đường phố luôn có được sự cảm thông nơi các chủ thể và cố gắng tạo ra những loạt ảnh kết nối ông với họ.


Tuyển tập ảnh đầu tiên của Davidson là “East 100th Street”, trong đó, bằng một chiếc máy ảnh khổ lớn, ông đã ghi lại hình ảnh những con người và những gia đình khố rách áo ôm, một cách chân chực và đầy yêu thương. Trước khi có thể tạo được lòng tin nơi các chủ thể, ông thường hay lui tới nhiều lần để thăm những người lân cận. Một điều rất hay nơi ông là ông thường in ra các bức ảnh những người được ông chụp và tặng lại cho họ, thay vì chỉ việc chụp rồi bỏ đi mất dạng.

Sau công trình ấy, ông bắt đầu chụp ảnh màu cho công ty xe điện ngầm New York, bằng cách sử dụng một chiếc SLR và đèn flash đời 1980.

Nếu bạn xem các bức ảnh Davidson chụp trong bộ ảnh “Subway” của ông, thì đa phần trong số chúng đều có vẻ ngẫu nhiên và không có chuyện xin phép Nhưng trên thực tế, Davidson đã hỏi xin phép rất nhiều chủ thể trong đó. Ông mô tả phương pháp của mình nư sau :

“Thường thì tôi chỉ việc đến gần người ta: “Xin lỗi, tôi đang thực hiện một cuốn sách về xe điện ngầm và cho phép tôi được chụp ảnh ông (bà, bạn, cô, cậu…) nhé. Tôi sẽ gửi cho ông (bà, bạn, cô, cậu…) một tấm. Nếu họ phân vân, tôi sẽ đưa bộ ảnh ra và chỉ cho họ thấy công việc có liên quan đến xe điện ngầm của tôi; Cũng có khi họ từ chối, nhưng không phải luôn như vậy.

Davidson không phải lúc nào cũng xin phép. Nhưng đôi lúc chụp một cách ngẫu nhiên thì lại lôi kéo sự chú ý một cách không cần thiết :

Thi thoảng tôi chụp trước, xin lỗi sau, giải thích rằng tình huống ấy quá hấp dẫn, tôi không thể bỏ qua được và mong họ không phiền. Lúc khác, tôi chụp ảnh mà hoàn toàn chẳng nói gì.. Nhưng ngay cả với cách này, thì đèn flash cũng tố cáo sự có mặt của tôi. Khi nó lóe lên. mọi người trên xe đều biết đó là một pha chụp ảnh – ánh đèn đã chiếu vào một ai đó. Việc này cũng đánh động cho bọn trộm ngấm ngầm biết được đang có một chiếc máy ảnh ở đâu đấy. Rất cảnh giác về chuyện này nên tôi thường đổi sang xe khác sau khi chụp ảnh”. – Bruce Davidson.

Hãy biết rằng không có lý do gì để bạn phải ngại xin phép. Chỉ có tình huống xấu nhất là người ta từ chối lời đề nghị của bạn mà thôi.

Zoe Strauss, một nữ nhiếp ảnh gia trong nhóm Magnum, cũng bị nhiều người từ chối khi cô đề nghị được chụp ảnh họ :

“Tôi đã từng chặn đường hàng trăm người và xin phép đươc chụp ảnh họ. Nếu là một bức chân dung cận cảnh, tôi luôn ngỏ ý xin phép. Thường thì câu trả lời là ‘không’” – Zoe Strauss

Zoe Strauss / Magnum Photos

Hỏi xin phép không phải là việc dễ dàng gì. Bạn tự đặt mình vào tình huống có thể bị tổn thương vì lời từ chối của người khác, nên không lấy làm tự tin cho lắm.

Điều tuyệt diệu đối với việc xin phép là tiến trình chụp ảnh trở nên một hợp tác giữa hai cá nhân với nhau, thay vì người chụp đơn giản chỉ “đánh cắp” bức ảnh từ chủ thể.

Nếu sợ đến gần người lạ và chụp ảnh họ mà không xin phép, bạn hãy bắt đầu bằng cách dò ý họ trước. Càng dò ý và càng bị từ chối, thì bạn càng tạo được cho mình sự tự tin hơn. Không chỉ có vậy, bạn còn cải thiện được kỹ năng của mình để tranh thủ được sự đồng ý của họ. Dưới đây là một số lời khuyên thực tiễn khi hỏi xin phép :
  • Bày tỏ lời khen
    Lần đầu đến gần chủ thể mình muốn chụp, bạn hãy đưa ra những lời khen ngợi bằng cách nói cho họ biết lý do tại sao bạn muốn chụp ảnh họ. Chẳng hạn, có thể là khen màu tóc hoặc màu mắt, cách ăn mặc, đồ trang sức hoặc chiếc kính râm của họ. Tôi đã từng nói, “Xin lỗi, thưa ông. Tôi rất thích gương mặt của ông. Ông có phiền khi tôi chụp một bức ảnh không ạ ?”, và đã thành công hưn cả mong đợi.

    Trường hợp nhận ra một ai đó có vẻ hơi buồn nhưng bạn vẫn cứ muốn chụp ảnh họ, thì đừng nói với họ những lời khen ngợi giả tạo. Tuy nhiên, bạn có thể nói một lời tích cực nào đó như, “Xin lỗi, thưa ông, trông ông hình như đang có tâm sự gì đó. Ông có phiền khi tôi chụp một bức ảnh không ạ ?”
  • “Ghi lại” so với “chớp” một bức ảnh
    Tôi cũng đã nhận ra rằng bằng cách nói “ghi lại” một bức ảnh (thay vì “chớp”), thì tôi càng nhận được sự đồng ý của người ta hơn. Tại sao vậy ? “Ghi lại” là một tiến trình có sự hợp tác và sáng tạo hơn. Còn “chớp” thì nghe giống như hớp hồn một ai đó vậy. (Tạm dịch= “make a photo” và “take a photo”, là hai động từ không có sự khác nhau nhiều lắm trong tiếng Việt).
  • “Chân dung” so với “tấm ảnh”
    Bằng cách nói là chụp “chân dung”, thay vì một “bức ảnh”, thì các chủ thể thường sẵn lòng hơn. Sao lại có sự khác nhau như thế ? “Chân dung” nghe có vẻ quý phái và trân trọng hơn. Đa phần người ta sẽ cảm thấy vinh dự khi được chụp “chân dung”. Trong khi đó, “bức ảnh” lại nghe không được chuyên nghiệp và có vẻ rờn rợn sao ấy. (Ở đây cũng tạm dịch chữ “portrait” và “picture”).
    •  
  • Chìa màn hình LCD cho người ta xem
    Nếu chủ thể trả lời “đồng ý” cho bạn chụp ảnh, thì hãy làm cho họ tham gia vào tiến trình chụp bằng cách chìa màn hình LCD cho họ xem sau khi bạn chụp xong. Hãy hỏi họ thích bức nào nhất, thậm chí còn sẵn lòng gửi nó cho họ một tấm.
  • Hỏi thăm về cuộc sống của họ
    Nói chung, khi tiến đến gần người khác để chụp ảnh mà không có chuyện gì để nói, tôi thường phá vỡ sự im lặng bằng cách dạm hỏi đôi chút về cuộc sống của họ. Việc này mở ra rất nhiều những câu chuyện thú vị và lúc nào bạn cũng có thể tìm được tiếng nói chung. Theo lối này, bạn có thể tìm ra cách để tiếp xúc với bất cứ người lạ nào trên đường phố, đồng thời chia sẻ với họ đôi chút về cuộc sống của chính bạn.

Zoe Strauss / Magnum Photos

39. Hãy để cho mình nếm mùi bị từ chối


Chúng ta thường sợ bị từ chối hơn là lời từ chối.

Nếu muốn nhanh chóng đập vỡ “vỏ ốc” của mình trong nhiếp ảnh đường phố, bạn hãy bắt đầu bằng cách xin phép. Mục đích đặt ra là, cho đến cuối ngày, bạn có được 10 người “đồng ý” cho bạn chụp và 10 người “không đồng ý”.

Nếu chủ thể nói “đồng ý”, thì hãy chụp ít nhất 10 tấm và sau đó chìa màn hình LCD cho họ xem. Thậm chí còn sẵn lòng gửi ảnh cho họ.

Bạn cũng có thể hỏi xem họ thích bức chụp nào nhất. Việc này khiến chủ thể của bạn thấy thich thú và làm cho họ cảm thấy thoải mái hơn khi được chụp ảnh.

Toronto, 2015

40. Đừng định danh chính mình


“Ái chà ! có người tự cho mình là chụp ảnh tư liệu. Ngay cả đó là gì tôi cũng không biết. Nhiều người khác lại cho mình là phòng viên ảnh. Rất hiếm khi tôi cho đăng ảnh trên báo. Người khác nữa lại cho mình là nhiếp ảnh gia mỹ thuật. Đến lượt tôi, tôi bảo rằng tôi không phải như vậy. Tôi đang khao khát mình được trở thành một người chụp ảnh đúng nghĩa, thế thôi.” – Bruce Davidson.

Đừng phân loại chính mình bằng cách tự định nghĩa mình trong nhiếp ảnh (đặc biệt là “nhiếp ảnh đường phố”). Hầu hết những “người chụp ảnh đường phố” được nêu tên trong tập sách này đều không bao giờ tự gọi họ là “nhiếp ảnh gia đường phố”.


Bruce Davidson / Magnum Photos / Steidl

“Chụp ảnh đường phố” chỉ là một từ ngữ chung chung được chúng ta sử dụng để mô tả thể loại ảnh chúng ta chụp người khác nơi công cộng (nhằm phân biệt chúng ta với những người chuyên chụp phong cảnh thiên nhiên).

Nhiếp ảnh là nhiếp ảnh. Có những ngày bạn muốn chụp “ảnh đường phố”, ngày khác bạn lại muốn chụp bạn bè, gia đình hoặc những buổi hoàng hôn. Đừng để cho những định nghĩa cầm chân bạn. Đừng quan tâm đến những “nhãn hiệu” người khác tìm cách gán cho bạn.

Bruce Davidson thường được xác định như một nhiếp ảnh gia “tư liệu” hoặc “đường phố”. Một số ảnh chụp của ông là “tư liệu” theo nghĩa ông dành nhiều thời gian cho một chủ đề duy nhất. Số khác lại là “nhiếp ảnh đường phố” theo nghĩa đôi lúc ông chụp những bức ảnh các chủ thể một cách ngẫu nhiên, ở những nơi công cộng. Bruce Davidson tự xem mình như một người “rất người” khi tiến hành công việc chụp ảnh, chứ không phải là bất cứ một kiểu “nhiếp ảnh gia” nào.

Bạn là một con người, đấy mới là điều quan trọng trong cuộc sống. Hãy chỉ nghĩ về mình như là một cá nhân yêu thích cuộc sống, và chỉ việc chụp ảnh. Khi đã gạt bỏ hết những định nghĩa, bấy giờ quan điểm của bạn mới rộng mở ra với thế giới. Bạn không còn tập trung vào việc chụp theo một chủ đề nhất định nào, bởi vì đấy không phải là “nhiếp ảnh đường phố”.

Hãy chụp bất cứ thứ gì có vẻ hơi hấp dẫn đối với bạn. Đừng sợ bức ảnh có thể “sáo rỗng” hoặc “chán ngắt”. Bạn đâu cần phải công bố tất cả những bức ảnh bạn chụp. Và nếu bạn chụp bằng KTS, thì không có gì là xấu khi tạo ra những bức ảnh “hơn cả mong đợi”.

Đừng cố quyết làm cho mình trở thành một “nhiếp ảnh gia đường phố”, mà hãy chọn mục đích trở thành một người chụp ảnh tài giỏi. Đừng hỏi những người chụp ảnh khác có nghĩ những bức ảnh bạn chụp là “ảnh đường phố” hay không. Hãy chỉ hỏi xem những bức ảnh có gây ra cảm xúc nơi họ hay không mà thôi.

Tai sao những người chụp ảnh cứ thích định nghĩa nhau và nhốt nhau vào những “chiếc hộp” như thế ? Việc đó làm cho người khác cảm thấy thoải mái với họ.

Khi đặt những người chụp ảnh khác “vào hộp”, bạn cảm thấy an toàn cho mình hơn. Thật là tham lam và ích kỷ khi áp đặt cho người khác định nghĩ riêng của bạn. Con người vốn khó chịu với tính chất lập lờ nước đôi, và lúc nào người ta cũng muốn thấy họ đang đứng ở vị trí nào so với bạn.

Tôi thường bị chê không phải là một “người chụp ảnh đường phố”. Thay vì biện bạch với họ, tôi chỉ khôi hài nói rằng, “Bạn đúng rồi, tôi không phải là người chụp ảnh đường phố, tôi chỉ là một người châu Á đi du lịch có mang theo máy ảnh, thế thôi”.

Để trở thành một người chụp ảnh giỏi, bạn hãy quan tâm đến đồng loại :

“Tôi hoàn toàn là một con người. Tôi chỉ ghi lại hoàn cảnh nhân sinh mà tôi bắt gặp đang diễn ra. Những hoàn cảnh mà có khi rất nghiêm túc, nhưng cũng có lúc ngang trái hoặc đầy dí dỏm hài hước. Tôi có chính kiến riêng của mình, nhưng không bày tỏ một cách công khai”. – Bruce Davidson.

Ngay đến Garry Winogrand cũng ghét cụm từ “nhiếp ảnh gia đường phố”. Trong một lần được phỏng vấn, ông đã nói đùa rằng người ta hỏi ông thuộc loại nhiếp ảnh nào, ông chỉ đáp lại rằng, ông là một “nhiếp ảnh gia vườn bách thú”.

Tóm lại, hãy lấy việc yêu thương người khác làm mục đích trước đã, sau đó mới tập trung vào việc chụp ảnh. Tôi tin rằng việc nối kết với người khác thì quan trọng hơn việc chụp ảnh nhiều.


Henri Cartier Bresson / Magnum Photos

Tác giả bài viết:
Nguồn tin: Tinhte
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 31 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 4.4/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close