VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Kỹ thuật chụp ảnh đường phố (Toàn tập)

Đăng lúc: . Đã xem 30550 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Chụp ảnh đường phố
Kỹ thuật chụp ảnh đường phố (Toàn tập)

Kỹ thuật chụp ảnh đường phố (Toàn tập)

vuanhiepanh.com Nếu bạn có thể ngửi thấy mùi của một đường phố bằng cách nhìn vào bức ảnh, thì đấy là nhiếp ảnh đường phố!

Có 5 phần được tách ra  như sau:

  1. Bắt đầu từ đâu? Máy ảnh & ống kính nào phù hợp với chủ đề đường phố?
  2. Kỹ thuật quan sát, nhạy bén ánh sáng tự nhiên, chọn lựa bố cục tốt như thế nào?
  3. Thiết lập máy ảnh phù hợp, khoảnh khắc quyết định, chọn phối cảnh ra sao?
  4. Ảnh màu hay trắng đen, về việc xử lý hậu kỳ, những kỹ năng cần thiết là gì?
  5. Chọn thời điểm nào, các cách xử lý tình huống, tạo phong cách riêng như nào?


Bắt đầu từ đâu? Máy ảnh và ống kính nào phù hợp?


A. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ


Tôi tên là Thomas Leuthard và tôi là một người chụp ảnh đường phố đến từ Thụy Sĩ. Năm 2009, tôi bắt đầu tập trung vào việc chụp ảnh đường phố sau khi quyết định chụp tất cả các bức ảnh bằng ống kính 85mm trên đường phố. Một thời gian sau, tôi nhận ra loại ống kính này quá dài, không phù hợp để đạt được mục đích đã đề ra. Độ dài tiêu cự ống kính thay đổi, nhãn hiệu vẫn giữ nguyên và tôi càng lúc càng tiến gần hơn. Đến nay, tôi đã chụp được một số bức ảnh đường phố bằng ống kính 50mm từ một khoảng cách rất gần. Tất cả những gì trải qua thăng trầm với loại ảnh nghe thì dễ chụp thì khó này, xin chia sẻ cho những người thích chụp.

Sao tôi lại viết tập hướng dẫn này ?
Có một số lý do khiến tôi thực hiện tập sách này và một số lý do khác thì không. Tôi không viết tập sách này để phô trương hay vì để được người khác hoan hô. Tôi bắt đầu viết blog trên 500px và nhận thấy có nhiều người đọc và còn muốn đọc thêm nữa. Thậm chí có người còn đề xuất tôi nên viết thành một cuốn sách. Điều này cũng chẳng có gì lạ. Tôi chỉ bắt đầu từ chỗ viết ít và dần dà đến chỗ viết nhiều hơn. Bạn không thể khởi đi từ chỗ viết nhiều rồi nói là muốn viết một cuốn sách bán chạy nhất và từ đó nổi tiếng. Không phải như vậy. Đây chỉ là một góp nhặt những suy nghĩ của tôi vềnhiếp ảnh đường phố và một số thủ thuật giúp bạn biết cách làm thế nào khi chụp ảnh đường phố, thế thôi.

Tại sao tôi lại đưa ra cuốn sách này một cách miễn phí ?
Tôi hết sức may mắn khi trở thành một người chụp ảnh đường phố nhờ những trang thiết bị hiện đại và có điều kiện để đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Tôi đủ sức làm như vậy thông qua công việc IT toàn thời gian của mình. Một vài người tôi đã gặp không có được lợi thế như vậy. Nhưng họ lại muốn tìm hiểu thêm về nhiếp ảnh đường phố. Họ háo hức và bị thôi thúc ra khỏi nhà cùng với chiếc máy ảnh để chụp ảnh. Nhiếp ảnh đường phố là một cách chụp ảnh rất dễ tiếp cận và tôi muốn làm cho nó luôn như vậy. Đó là lý do tôi cho ra tập sách này mà không cần nhuận bút …

Với tôi, nhiếp ảnh đường phố là gì ?
Nhiếp ảnh đường phố đã thay đổi cuộc sống của tôi một cách không ngờ. Bỗng dưng tôi có một kế hoạch trong cuộc đời mình. Tôi có một hoạt đông qua đó tôi có thể sử dụng óc sáng tạo của mình. Tôi được thử nghiệm từng ngày. Tôi không cảm thấy nhàm chán, vì các thử nghiệm lúc nào cũng khác nhau. Tôi có lý do để có thể đi du lịch khắp thế giới và có thể gặp gỡ với nhiều người. Sau hết và cũng không kém phần quan trọng, tôi thức dậy vào buổi sáng với nụ cười trên môi. Nhiếp ảnh đường phố không chỉ là một cách khác để chụp ảnh. Đó là cách sống của tôi…

Sao không phải là một tập sách nào khác ?
Tôi không chú trọng đến lịch sử nhiếp ảnh đường phố hoặc những bậc thầy trong lịch sử. Tôi quan tâm đến cách mà hôm nay nó được thực hiện và những loại công cụ cũng như khả năng chúng ta hiện đang có. Từ đó, tập sách này khác với những cuốn sách khác vì nó là kinh nghiệm của bản thân tôi được viết theo lối suy nghĩ của tôi. Đôi lúc tôi có khuynh hướng đưa ra một quan điểm hơi khác về mọi thứ, nhưng cứ đọc đi rồi bạn sẽ hiểu. Đến nay, tôi bước chân vào nhiếp ảnh đường phố đã được hơn hai năm và đã đến lúc tôi viết ra những gì tôi biết về loại hình nhiếp ảnh này.​


B. BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?


Đây rõ ràng là câu hỏi mà đa số người trong các bạn thường tự hỏi khi mới tìm hiểu về nhiếp ảnh đường phố. Tôi sẽ giúp bạn bằng câu trả lời “Hãy đọc tập sách này…”. Sau khi đọc xong, tất nhiên bạn sẽ có đủ sự am hiểu đủ để bước ra đường phố và bắt đầu chụp ảnh. Đừng có tham vọng trở thành một bậc thầy tức khắc. Bạn không thể học hỏi được hết mọi thứ chỉ vỏn vẹn trong vòng một ngày. Bạn phải trải qua nhiều giai đoạn và có thể sẽ chẳng bao giờ thấy mình đã đạt đến đỉnh cao. Nhưng chính xác đây là những gì làm cho việc đó trở nên thích thú và hấp dẫn.

1. Nhiếp ảnh đường phố là gì ?
Để giải thích được thì không đơn giản. Tất nhiên bạn có thể lên Wikipedia và tìm ra ở đấy một câu trả lời. Riêng tôi, tôi nói đó là việc dẫn chứng bằng tư liệu về cuộc sống công khai một cách hồn nhiên vô tư. Không có gì được cài đặt sẵn, không ai được hỏi ý kiến, và sẽ luôn như vậy. Nó giống như dùng một tấm gương để phản ánh lại xã hội. Là một thời điểm được bắt dính vào một khoảnh khắc quyết định.

2. Chụp ảnh đường phố vào lúc nào ?
Bruce Gilden có lần đã nói:

Nếu bạn có thể ngửi thấy mùi của một đường phố bằng cách nhìn vào bức ảnh, 
thì đấy là nhiếp ảnh đường phố!

Nói như vậy là hết mức. Bạn không thể cứ việc chĩa máy ảnh của mình ra đường phố và chụp ảnh. Không đơn giản thế đâu. Tôi chắc là bạn phải đi sâu vào mới hiểu được. Có người thậm chí còn nói rằng 99% bức ảnh đang trưng bày kia không phải đều là nhiếp ảnh đường phố. Đừng quá bận tâm về điều đó, hãy cứ nhìn vào những bức ảnh của người khác đi. Quan trọng hơn cả là bức ảnh biết thuật lại một câu chuyện.

3. Đâu là những khác nhau ?
Nhiếp ảnh đường phố rất linh hoạt. Những người có sở thích riêng chỉ nhìn thấy những điều kỳ lạ. Thích các nhân vật ở tiền cảnh nổi bật lên trên hậu cảnh đầy những màu sắc, kiểu mẫu khác nhau, v.v…. Số khác lại thích một tình huống hay xúc cảm thường ngày. Số khác nữa thì thích những bức ảnh khiến người khác suy nghĩ hoặc kể lại một câu chuyện. Tôi thì lại rất thích những bức chân dung ngẫu nhiên, nhưng có người thì cho đấy hoàn toàn không phải là nhiếp ảnh đường phố. Không có quy tắc hoặc cách làm nào là đúng cả. Hãy cứ hình dung ra những gì bạn thích và tiếp tục cho đến khi bạn bắt trúng nó.​


C. THIẾT BỊ CHỤP ẢNH ĐƯỜNG PHỐ


Đừng quá lệ thuộc vào trang thiết bị
Bạn có thể hỏi nhiều người và sẽ nhận được nhiều câu trả lời khác nhau về loại máy ảnh tốt nhất dành cho việc chụp ảnh đường phố. Bạn cũng có thể mỗi năm sắm một chiếc máy ảnh mới cũng như luôn có công nghệ nổi tiếng bảo bạn hãy mua các trang thiết bị mới. Nhưng bạn hãy nhớ lại đi, các bậc thầy về nhiếp ảnh ngày xưa làm gì có những trang thiết bị hiện đại ? Quả thực là không. Họ không có gì giống như chúng ta hôm nay. Nhưng với cái “không có gì” ấy, họ đã có những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Đừng bao giờ cho rằng bạn có thể chụp được những bức ảnh đẹp hơn bằng những chiếc máy ảnh tốt hơn. Điều đó tuyệt nhiên chẳng có ý nghĩa gì cả.

Hãy sử dụng những công cụ đang có
Chỉ có một điều duy nhất làm nên sự khác biệt trong nhiếp ảnh đường phố là con mắt của bạn. Nếu có con mắt tinh tế, bạn sẽ nhìn thấy được những gì thích đáng. Nếu không, bạn sẽ gặp vấn đề. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng bạn hãy chỉ rèn luyện con mắt của mình để trở nên một người chụp ảnh đường phố lão luyện hơn.

Trang thiết bị tôi đang sử dụng
Hiện nay, tôi thực hiện 95% việc chụp ảnh đường phố của mình bằng chiếc Lumix nhỏ và một ống kính pancake 20mm (pancake=loại ống kính có kích thước nhỏ gọn, mỏng và đường kính lọc là 52mm). Đối với những bức chân dung vô tư ngẫu nhiên, tôi sử dụng chiếc Nikon D7000 với ống kính 50mm. Đó là tất cả những gì tôi cần. Không có nhiều trang thiết bị nhiếp ảnh khác nhau được sử dụng trên đường phố. Bạn có thể xem qua dữ liệu EXIF (viết tắt của Exchangeable Image File Format=định dạng file ảnh có thể chuyển đổi) của các bức ảnh trong tập sách này bằng cách click chuột vào đây. Tôi đã tạo liên kết từng bức ảnh với Flickr để các bạn có thể lên đó xem tất cả các chi tiết.

Càng nhỏ càng tốt
Khi chụp ảnh cho một khách hàng, bạn phải có một chiếc máy ảnh lớn thì tâm lý họ mới yên tâm hoặc thích thế, nhưng trong khi chụp ảnh đường phố, điều quan trọng hơn là phải có một chiếc máy ảnh không làm chướng mắt người khác. Điều chủ chốt là càng nhỏ càng hay. Kể từ khi bắt đầu chụp với chiếc máy của mình, tôi nhận thấy người ta thậm chí còn không nhận ra là tôi đã chụp ảnh. Như là khách du lịch, với tôi thì như vậy thật là quá tuyệt.​

"Máy ảnh tốt nhất là máy ảnh thích hợp với bạn nhất…" Chase Jarvis



Càng nhanh càng tốt
Tôi thích chiếc máy ảnh khi nó xử lý đủ nhanh để bắt dính các chuyển động. Tôi phải chắc chắn là mình đã chụp được bức chụp mình muốn. Vì thế, không một rung lắc hay các vấn đề lấy nét nào được phép xảy ra. Do đó, lấy nét tự động và tốc độ chụp là hai yếu tố chủ chốt đối với một chiếc máy ảnh được nắm chắc tay trên đường phố. Thường là bạn phải nhanh nhạy và nếu bạn có thể chụp được một loạt các bức ảnh thì, ngay từ đầu, việc đó có thể giúp bạn bắt dính được khoảnh khắc quyết định.

Máy ảnh Leica thì sao?
Một số người thích loại máy ảnh Leica, loại dùng ống ngắm quang trắc. Họ cho rằng đây là loại máy ảnh duy nhất dành cho việc chụp ảnh đường phố. Lý do chính là kích cỡ của máy ảnh so với kích thước cảm biến (full frame). Dĩ nhiên là rất tốt khi chụp với máy ảnh Leica, nhưng dù sao thì bạn cũng phải có đủ tiền để mua nó đã. Tôi có thấy những bức ảnh đẹp được chụp bằng điện thoại di động và cũng thấy những bức ảnh không đẹp được chụp bằng Leica đời M9. Không phải máy ảnh chụp ra bức ảnh. Có thể ngày nào đó, tôi sẽ đưa ra một ý kiến khác về máy ảnh Leica, nhưng lúc này tôi đang thích thú chụp ảnh bằng một chiếc máy ảnh vừa với túi tiền của mình.​



D. ỐNG KÍNH MỘT TIÊU CỰ (PRIME)


Ống kính prime (một tiêu cự) : nhỏ hơn, nhanh hơn, rẻ hơn, sắc nét hơn, tốt hơn…
Một ống kính prime (còn được gọi là ống kính zoom (bằng) chân) là ống kính chỉ có một tiêu cự cố định (vd, 24mm, 35mm, 50mm) mà bạn không thể dùng chính nó để zoom. Bạn phải di chuyển để làm cho chủ thể cách nào đó lớn hơn hoặc nhỏ hơn trong ống ngắm. Thế thì tại sao tôi nên sử dụng ống kính prime ? Ống kính prime có nhiều ưu điểm. Đây là 5 ưu điểm hàng đầu của nó.

Nhỏ hơn
Ống kính prime có thể được sản xuất rất nhỏ. Nhiều ống kính thậm chí rất mỏng. Đặc biệt đối với chụp ảnh đường phố, loại ống kính này có thể rất dễ sử dụng khiến bạn không có vẻ gì là phóng viên ảnh. Việc chụp ảnh đường phố của bạn sẽ trở nên kín đáo hơn nhiều với chiếc ống kính prime, mà rồi bạn sẽ đánh giá nó rất cao.

Nhanh hơn
Ống kính prime thường có khẩu độ lớn (f/1.4, f/1.8...). Khẩu lớn sẽ giúp chụp ở môi trường thiếu sáng tốt hơn, ánh sáng lọt vào cảm biến nhiều hơn, có thể giữ được tốc độ màn trập đủ để không bị mờ nhoè do rung lắc hay vật chuyển động vì tốc độ trập chậm. Bạn có thể chụp với ánh sáng ít hơn và có thể có một độ sâu trường ảnh đủ mỏng khi cần hơn. Chỉ việc bảo đảm đã xác định được ống kinh prime của bạn đạt độ sắc nét nhất ở khẩu độ nào, là được. Chẳng hạn ống kính 50mm 1.8D của hãng Nikkor ít sắc nét ở f/1.8 bằng f/4. Đây là điểm quan trọng cần ghi nhớ.

Rẻ hơn
Hiện có những ống kính 50mm rất rẻ trên thị trường, và thực sự rất tuyệt vời. Ống kính prime luôn có giá dễ sắm hơn. Chúng rẻ hơn là do dễ chế tạo hơn. Tất nhiên cũng có những loại ống kính prime cao cấp rất đắt. Nhưng chẳng bao giờ ống kính zoom có thể so sánh với chúng được. Đặc biệt đối với người mới bắt đầu, ống kính prime là chọn lựa tốt hơn cả. Ấy thế mà khi mua chiếc máy ảnh đầu tiên của mình, bạn cho rằng phải zoom được càng nhiều càng tốt. Ai cũng mắc phải sai lầm như vậy khi mới bắt đầu.

Dễ sử dụng hơn
Với ống kính prime, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian, khỏi phải zoom tới zoom lui. Điều này nghe có vẻ chẳng ý nghĩa gì. Song, nếu lúc nào cũng chụp với một tiêu cự không đổi, thì bạn biết được chính xác khung hình của bạn sẽ như thế nào. Do đó, bạn cũng biết một cách chính xác bạn phải đứng ở đâu để có một bức ảnh chân dung ngẫu nhiên lọt đầy vào khung hình. Có kiến thức như thế về việc lên khung thì không cần phải zoom, rõ ràng là bạn tiết kiệm được thời gian. Trong giây phút đó bạn có thể chụp được 4 bức ảnh mà có thể trở thành chủ chốt cho một bức chân dung ngẫu nhiên. Bạn có thể cho rằng như vậy thì có là gì đâu, nhưng bạn nên thử xem. Nó thực sự làm nên sự khác biệt đấy. Dần dà, bạn có tư duy bố cục nhanh nhạy và tốt hơn rất nhiều.

Sắc nét hơn
Chất lượng và độ sắc nét của ống prime luôn tốt. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một ống kính prime tồi. Ngay cả loại rất rẻ là Nikkor AF 50mm 1.8D có giá 120USD còn sắc nét hơn bất cứ loại ống kính zoom trung bình nào của hãng Nikon. Tôi dùng nó đã 2 năm và đã chụp được một số bức ảnh đẹp nhất của mình. Chỉ việc bảo đảm bạn sử dụng nó ở f/4 để đạt kết quả tốt nhất. f/1.8 không sắc nét bằng f/4.​

chup-anh-duong-pho

KẾT LUẬN


Không có gì ngoài một ống kính prime, đặc biệt là với chụp ảnh đường phố. Đối với các loại hình nhiếp ảnh khác, ống kính prime có thể không thích hợp. Tôi hoàn toàn thích hiệu suất và giá cả của ống kính prime. Với việc chụp ảnh đường phố, chúng là vô giá và thậm chí còn giúp cho trở nên một người chụp ảnh lão luyện hơn. Bạn phải cân nhắc về việc lên khung, trước khi nhìn qua ống ngắm vì không thể zoom. Với một ống kính 50mm, bạn sẽ có nhiều khám phá về việc lên bố cục và lên khung hình. Điều đó cũng thúc đẩy nhanh việc chuẩn bị để có được một bức ảnh có thể trở thành chủ chốt.

Tuỳ theo không gian nơi bạn sống, hãy bắt đầu việc chụp ảnh đường phố của bạn với một ống kính một tiêu cự, 28mm, 35mm hay 50mm giá vừa phải và bạn sẽ thấy rất tốt.



chup-anh-duong-pho


Quan sát, ánh sáng, chọn góc chụp và bố cục?

A. BẮT ĐẦU NHÉ!


Quy trình làm việc của tôi
Những người chụp ảnh, khi nói về quy trình làm việc của họ, thường muốn nói đến việc tạo ra một bức ảnh từ lúc bắt đầu nhấn nút chụp cho đến khi in nó ra. Trong chụp ảnh đường phố và theo tôi thấy, quy trình ấy bắt đầu sớm hơn nhiều và thực sự không bao giờ kết thúc. Có nhiều hoạt động bạn có thể tiến hành để nó được công chúng xem thấy. Nó kết thúc cách nào đó khi bạn tải nó lên website và chia sẻ với cộng đồng xã hội hay triển lãm. Khi một bức ảnh được tạo ra và chia sẻ, thì vòng đời của nó chỉ mới bắt đầu và quy trình làm việc chỉ mới khởi sự.

Sự hiện hữu vô hình
Tôi đã thấy nhiều người chụp ảnh có những tác phẩm lớn và những trang web hấp dẫn, nhưng chẳng có ai nhìn vào các bức ảnh họ chụp. Theo quy trình làm việc của mình, tôi cố gắng thay đổi điều đáng buồn về những bức ảnh đẹp, thực sự hiện hữu, nhưng không được nhìn vào. Hiện nay đang có nhiều cơ hội lớn để đưa những tác phẩm được thực hiện bằng máy ảnh của bạn lên màn hình của mọi người. Tất nhiên, việc nổi tiếng hay kiếm ra tiền không phải là dễ. Tập sách này không nhằm đến chuyện kiếm tiền, nhưng nhằm đến chỗ bạn có thể trở thành một người chụp ảnh đường phố thành thạo, biết sử dụng những phương tiện và có một lối suy nghĩ khác về việc chia sẻ công việc chụp ảnh của mình như thế nào.​

Phương pháp 3 bước
  • Thứ nhất, là việc chuẩn bị, một ý tưởng, một kế hoạch, học cách nhìn, rèn luyện đôi mắt và những việc tương tự. Những thứ này thực ra không liên quan đến máy ảnh. Điều đó có nghĩa là tất cả những suy nghĩ, những gì đọc được, cách tìm kiếm những cơ hội mới và các ý tưởng.
  • Thứ hai, giai đoạn tiếp theo là những thứ liên quan đến máy ảnh và việc tiến hành sau đó cho đến khi một bức ảnh được hoàn thành. Tức là bạn phải lấy máy ảnh ra cầm trên tay, chụp và chụp, trở về nhà, xử lý và lưu giữ nó vào đĩa cứng.
  • Thứ ba, là bắt đầu giai đoạn quan trọng nhất. Bạn định làm gì với bức ảnh bạn đã chụp và xử lý? Có nhiều phương pháp và ý tưởng về giai đoạn này. Sẽ bàn ở phần sau.
Không mất thời gian quá vào máy và kỹ thuật
Nhiều người quá sa đà vào kỹ thuật và thiết bị. Giai đoạn thứ hai được đánh giá rất cao trong nhiếp ảnh đường phố. Đã hẳn tôi thích đi ra ngoài để xem những thứ hấp dẫn và chụp ảnh chúng. Nhưng tất cả những gì liên quan đến máy ảnh cùng với tiến trình xử lý không phải là lý do khiến tôi chụp ảnh đường phố. Đây không phải là một thử thách chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn rồi thôi. Máy ảnh làm công việc của nó và tiến trình xử lý do tôi thực hiện, trong phần lớn thời gian, chỉ diễn ra không đến 2 phút. Bạn không nên phí phạm thời gian vào tiến trình xử lý và kỹ thuật. Chỉ việc nắm vững những điểm cơ bản về nhiếp ảnh và máy ảnh của bạn là được. Phần còn lại bạn sẽ học hỏi trên đường phố qua việc chụp ảnh.​

chup-anh-duong-pho

 

B. QUAN SÁT - LUYỆN TẬP "NHÌN THẤY"


"Chiếc máy ảnh không tạo được một chút khác biệt nào.
Tất cả những gì chúng làm là ghi nhận những gì bạn đang nhìn thấy.
Nhưng bạn phải NHÌN THẤY"

Ernst Haas (1921 - 1986 Nhiếp ảnh gia Áo)​

Tất cả là do con mắt của bạn
Trong nhiếp ảnh đường phố, chỉ có một điều duy nhất đáng tin cậy thực sự:
Đó là con mắt, con mắt của bạn. Bạn phải nhìn thấy các sự vật mới có thể chụp được chúng. Bất luận máy ảnh của bạn đang dùng có là máy gì, hãng nào hoặc như thế nào chăng nữa, thì trước hết bạn phải nhìn thấy chuyện gì đang diễn ra, trước tiên bạn phải nhận thức được điều gì xảy ra và liền ngay sau đó gần như bạn phải lên bố cục cho bức ảnh.

Hãy quên máy ảnh đi!
Nhiều người quá bận tâm đến máy ảnh, ống kính, các trang thiết bị, định dạng tập tin ảnh và các chi tiết kỹ thuật khác. Hãy quên đi tất cả những gì về kỹ thuật và các thiết đặt máy ảnh. Để máy ảnh của bạn ở chế độ P và đừng suy nghĩ thêm gì về nó nữa. Bạn phải rèn luyện con mắt của mình trước đã, sau đó mới có thể nghĩ đến chuyện chụp một quang cảnh.

Đây là cách tập luyện đơn giản nhưng rất hiệu quả
Tập luyện đầu tiên là hãy tìm kiếm một tông màu. Chẳng hạn bạn có thể thử chỉ tìm những thứ có màu Vàng Cam và chụp suốt ngày với chỉ một màu ấy. Bạn sẽ bất ngờ khi nhận ra có rất nhiều thứ màu Vàng Cam bạn có thể nhìn thấy trong thành phố của bạn, mà trước đó bạn không để ý. Việc này có nghĩa là bạn phải tập trung nhìn vào một thứ duy nhất để thực sự nắm bắt đươc nó cách tốt nhất.

Thậm chí bạn không cần phải chụp ảnh; bạn có thể bước đi, thả bộ thong thả và đảo mắt nhìn chung quanh, cố làm sao nhìn thấy cho được nhiều thứ có màu Vàng Cam trên đường đi. Bạn sẽ thấy là nhìn thấy các sự vật thì quan trọng hơn là chụp ảnh chúng. Khi bỏ lỡ một cơ hội, tôi luôn vui sướng vì ít nữa thì cũng đã nhìn thấy nó. Cứ tập luyện với những tông màu, những chi tiết, những đối tượng mà bạn muốn tách chúng ra khỏi tất cả những lộn xộn trên đường, dần dần, bạn sẽ tinh nhuệ trong cách "nhìn thấy".

Đường phố là sân khấu của bạn
Cũng hãy tìm cách để nhìn cho ra mọi thứ kết hợp như thế nào, màu sắc, hậu cảnh cùng với các nhân vật trên “sân khấu” của bạn. Hãy hình dung bạn chuẩn bị sẵn cho họ một sân khấu lớn và họ là các diễn viên. Bạn chỉ việc chờ cho đến khi họ bước ra rồi chụp ảnh họ. Hãy tìm cho được vị trí thích hợp và chờ các diễn viễn bắt đầu trình diễn. Đôi khi việc này đòi hỏi phải tốn thời gian, nhưng nếu bạn thực sự muốn thường thì nó sẽ xảy đến. Tôi thường không phải chờ quá vài phút. Những gì phải đến sẽ đến trong chừng ấy thời gian. Nhược bằng không, bạn hãy tiếp tục với một cảnh huống khác.

Hãy bắt đầu mà không có máy ảnh
Nếu muốn bắt đầu chụp ảnh đường phố, bạn hãy bắt đầu bằng cách sử dụng đôi mắt của mình thay vì máy ảnh. Hãy ra khỏi nhà với một khung hình trong đầu và bắt đầu lên khung tưởng tượng các thứ thay vì chụp bằng máy ảnh. Sau này phải dành nhiều thời gian để chụp ảnh, nhưng bạn phải học cách nhìn trước đã. Nhìn thấy được những gì thú vị trên đường phố mới là việc khó khăn nhất.

Tập luyện mỗi ngày
Bạn có thể thực hành tập luyện này mỗi ngày theo cách riêng của bạn. Hãy nhìn chung quanh và bắt đầu lên khung cho các tình huống, suy nghĩ về các chủ đề, tìm kiếm các cơ hội. Có rất nhiều tình huống trong từng ngày sống mà qua đó bạn có thể chụp được nhiều bức ảnh. Không phải là chụp chúng vào ngay lúc đó, nhưng là nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống đang diễn ra nơi công cộng. Hãy nhìn những gì người khác làm, cách họ hoạt động, họ ăn mặc ra sao. Tôi thích nhìn những con người giữa chốn hoang vu. Họ rất thú vị và tôi tin rằng sự thú vị ấy khiến tôi cứ muốn chụp ảnh họ mãi. Chính nét hấp dẫn, niềm khát khao mãnh liệt rất người ấy sẽ lôi cuốn bạn.

Mối quan tâm của bạn phải được đặt vào cuộc sống của những con người bình thường, chứ không phải trong việc chụp ảnh. Điều này tạo nên sự khác biệt giữa một người chụp ảnh thông thường với một người chụp ảnh đường phố. Người chụp ảnh đường phố là một ký giả ghi lại những nét sinh động của cuộc sống hằng ngày. Họ chụp lại những khía cạnh thú vị của đời sống thường nhật nơi chỗ đông người.​

"Nếu không nhìn thấy, bạn không thể chụp gì.”
Thomas Leuthard​

chup-anh-duong-pho

C. CHUẨN BỊ LÊN ĐƯỜNG


Biết rõ mình tìm kiếm điều gì
Làm thế nào đôi mắt bạn có thể tập trung vào một điều gì đó được, nếu đôi mắt ấy không biết bạn đang tìm kiếm cái gì?Điều đầu tiên dành cho mỗi chuyến ra đường phố là một kế hoạch vững vàng, là những gì bạn muốn tập trung trong ngày hôm đó. Đấy có thể là một “Màu Sắc”, một hạng mục nào đó, một chủ đề.... chẳng hạn như “những Chiếc Túi Xách”, một phần thân thể như “Đôi Chân” hoặc môt loại bố cục hay điều kiện ánh sáng.

Nên có ý tưởng trong đầu
Với những thông tin như thế trong đầu bạn sẽ bước đi theo một cách khác trên đường phố và rõ ràng là sẽ nhìn khác đi những gì mình trông thấy. Bạn có thể nhìn vào những bức ảnh của người khác hoặc những tạp chí thời trang để đưa ra ý tưởng cho kế hoạch riêng của mình. Có thể bạn chỉ việc loanh quanh trên đường phố để nhìn người ta qua lại mà đưa ra một ý tưởng, đưa ra những gì bạn sẽ bao quát trong kế hoạch tiếp theo.

Hãy khác biệt!
Có thể có những ý tưởng đơn giản hoặc những ý tưởng độc đáo. Nhưng nếu muốn làm cho các bức ảnh của mình trở nên hấp dẫn cuốn hút, bạn có thể suy nghĩ một cách đột phá cho riêng mình. Bạn nên cố gắng trở nên càng sáng tạo, khác biệt và điên rồ càng hay. Có lẽ để được như thế, chúng ta luôn thử đặt những câu hỏi, những tìm kiếm, những khởi điểm để phát triển ý tưởng trong đầu... rồi sẽ gặp vào lúc nào đó.

…chụp một bóng đổ?
…khuông mặt những người đang ăn ?
…cảnh người ta chen lấn tại một sân ga ?
…những bàn tay đang làm những việc khác nhau ?
…những tư thế kỳ quặc của đôi chân ?
... những ánh mắt và biểu cảm nào đó?


Đó là một vài ví dụ nhằm kích hoạt đầu óc suy nghĩ cho một cuộc tìm kiếm để nhìn thấy và ghi hình. Bạn nên tìm những gì khác với thứ người khác đã làm. Hãy tìm cho mình những ý tưởng riêng, bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ nhặt đơn giản rồi dần dà đến những ý tưởng lớn hơn. Đang có rất nhiều những ý tưởng ở ngoài kia.
chup-anh-duong-pho

Hãy thử tạo một danh mục để thực hiện dần
Việc này giúp bạn tạo ra một liệt kê ngắn gọn theo các tiêu chuẩn mà bạn phải tuân thủ. Đó có thể là một khái niệm tóm tắt về những giới hạn mà bạn phải đi theo đối với từng bức ảnh bạn chụp. Nó sẽ làm cho việc bạn chọn lựa các động lực trở nên dễ dàng hơn. Một liệt kê như thế có thể bắt đầu từ rất đơn giản là:

 Chụp những đôi giày
 Chỉ chụp những gì hấp dẫn bạn
 Chỉ chụp những người đang đứng
 Góc máy thấp
 Chụp từ đằng sau
 Chụp gần
 Ưu tiên khoảnh khắc tự nhiên
 Thử các tiêu cự khác nhau: 28mm, 35mm, 50mm
 Khẩu độ khác nhau (e.g. f/2.8)
 Dứt khoát
 Màu sắc
 Một loạt 5-10 bức chụp​
Mang theo bản liệt kê ấy cùng với bạn khi ra ngoài. Bạn sẽ chỉ tập trung vào những đôi giày hấp dẫn. Bạn sẽ nhìn vào những nơi người ta đang đứng, sẽ tìm cách hình dung ra khung ảnh, làm thế nào để chụp một bức ảnh mà không bị người ta để ý. Bạn sẽ mường tượng ra những thiết đặt nào là tốt nhất.

Chọn trang thiết bị
Khi đã có một kế hoạch vững vàng, bạn biết rõ những gì mình muốn chụp và từ đó cũng biết được cần phải mang theo loại ống kính nào. Tôi thường nhìn thấy nhiều người cứ loanh quanh với những chiếc ba-lô hay túi máy ảnh to đùng trên đường phố. Không nên như vậy. Bạn chỉ cần một máy ảnh và một ống kính khi đã có được một kế hoạch chụp ảnh. Điều rất quan trọng là bạn đừng mang theo mình nhiều trang thiết bị. Khi chụp những bức ảnh ngẫu nhiên, tôi thường sử dụng máy ảnh Nikon với một ống kính prime như nói ở phần trước.​
chup-anh-duong-pho

D. ÁNH SÁNG


Nhiếp ảnh không tồn tại nếu không có ánh sáng. Tất cả đều tùy thuộc vào ánh sáng, mặc dầu trên đường phố bạn không có nhiều chọn lựa để có nguồn ánh sáng hoặc vị trí có hướng sáng như ý. Bạn có thể còn phải sẵn sàng chuẩn bị cho nhiều tình huống bối cảnh khác nhau, để khỏi phạm sai lầm. Trước hết, bạn chọn đúng điều kiện ánh sáng trong ngày, trước khi ra ngoài để chup ảnh. Dưới đây là một vài lời khuyên về các trạng thái ánh sáng (mặt trời buổi sáng và buổi chiều thường dịu hơn):

Ngày nắng chói chang (khó)
Tuy ai cũng thích ánh nắng rực rỡ, nhưng trong nhiếp ảnh đường phố thì ánh nắng rực rỡ là rất khó để chụp ảnh. Đặc biệt khi bạn muốn chụp chân dung người ngoài phố, nó quá sáng rực dưới ánh nắng trực tiếp. Bạn sẽ nhìn thấy những bóng đổ rất đậm, đổ bóng loang lỗ không đẹp trên mặt người. Khi có ánh nắng trực tiếp thì bạn chỉ có thể chụp các bóng chiếu hay bóng đổ, chứ không chụp được chân dung. Bạn có thể có được nhiều sáng tạo với các bóng đổ…

Ngày mưa dầm (không đẹp)
Người ta không thích mưa hoặc những người chụp ảnh sẽ không ra ngoài vì sợ ướt máy ảnh. Vào một ngày mưa, người ta không quan tâm đến môi trường chung quanh mình như thường lệ. Họ cứ loay hoay để lo cho mình khỏi bị ướt. Và mưa càng lớn thì càng nhìn thấy điều đó rõ hơn. Vấn đề duy nhất là đừng để bị ướt và có đủ ánh sáng để chụp. Tăng độ nhạy ISO để bù sáng. Nhưng dứt khoát là phải thử chụp một lần trong mưa đã...

Ngày đầy mây / sương mù (tốt)
Tôi thích trời đầy mây hoặc sương mù. Vì sương mù hoặc mây có tác dụng như một chiếc hộp tản sáng lớn mềm mại và ánh sáng dịu hơn so với trời đầy nắng. Bạn không phải bận tâm nhiều đến việc mặt trời nằm ở đâu. Do đó, bạn có thể trực tiếp tập trung vào chủ thể bạn muốn chụp. Để bắt đầu làm người chụp ảnh đường phố, bạn nên chọn những ngày có mây để thực hành. Việc đó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều và bạn sẽ chụp được những bức ảnh đẹp hơn.

Ban đêm (đặc biệt)
Hẳn sẽ có nhiều người cho rằng ban đêm khó mà chụp ảnh. Điều đó không đúng. Trong các thành phố thì mức độ nhiễu sáng rất cao, nghĩa là rất nhiều ánh sáng đèn phưc tạp; ban đêm sẽ không còn tối như trước. Ở nhiều nơi công cộng, bạn còn có thể đọc báo ngay khi đang là nửa đêm. Hãy vận dụng điều đó như một ưu điểm và đi ra ngoài vào ban đêm. Hãy nhìn xem ánh sáng phát xuất từ đâu để xác định nguồn và hướng, rồi dùng nó để lên bố cục. Bạn có thể cần đến giá ba chân để giữ cho máy ảnh khỏi bị rung lắc quá nhiều. Hãy chụp những vật tĩnh hoặc lên bố cục các hiệu ứng chuyển động mờ. Chụp ảnh ban đêm đúng là một trải nghiệm hoàn toàn khác lạ.

Điều chỉnh ánh sáng
Hãy bảo đảm là bạn không chụp những bức ảnh của mình trong điều kiện ánh sáng không thích hợp. Hãy luôn biết rõ ánh sáng phát xuất từ đâu trước khi chụp. Ánh sáng luôn hiện hữu, hãy vận dụng, sử dụng, đưa nó vào trong bức ảnh của bạn. Càng am hiểu tốt về ánh sáng, bạn càng có được những bức ảnh đẹp.

Nếu muốn nhìn thấy rõ các gương mặt, bạn hãy có ánh sáng đến từ phía sau bạn (Chân dung).
Nếu muốn nhìn thấy các hình dáng, hãy có ánh sáng đến từ phía trước bạn (Bóng đổ).



Chân máy ba càng, cần hay không ?
Tăng trị số ISO để bù cho nguồn ánh sáng yếu (hoặc sử dụng giá ba chân). Trên đường phố thì gía ba chân có thể không tiện, trừ khi dùng để chụp chuyển động mờ hoặc phơi sáng lâu. Hãy tìm cách đặt máy ảnh của bạn trên một mặt phẳng đủ vững để tránh phải dùng đến chân máy (mang theo cồng kềnh).​

Hãy thử qua các tình huống ánh sáng khác nhau để học biết cách nó vận hành như thế nào và đâu là những khó khăn. Càng hiểu biết về ánh sáng, bạn càng cảm thấy thoải mái hơn khi chụp ảnh. Bạn nên ra ngoài vào những thời điểm khác nhau trong ngày để có được một cảm nghĩ đúng về những tình huống ánh sáng khác nhau. Điều quan trọng là am hiểu ánh sáng, vì nếu không, thì sẽ không có nhiếp ảnh...

chup-anh-duong-pho

E. BỐ CỤC KHUNG HÌNH


Một điều duy nhất
Với tôi, bố cục là thứ duy nhất làm cho một bức ảnh trở nên cuốn hút. Nhiều người cho rằng họ có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách thông thuộc nhuần nhuyễn chiếc máy ảnh của họ, tạo ra những thiết đặt thủ công hoặc có kiến thức từ các bậc thầy nhiếp ảnh lão luyện. Điều duy nhất đối với một bức ảnh đẹp chính là bố cục. Có rất nhiều thứ bạn có thể thực hiện, là cách bạn chọn sắp đặt các thành phần trong một khung ảnh, theo ý tưởng bạn muốn.

Tôi thích đặt máy góc thấp
Nhiều người chụp ảnh không thực sự nghĩ đến vị trí đặt máy ảnh của họ chút nào. Họ chụp ngang tầm mắt bình thường, như chúng ta vẫn nhìn thấy hằng ngày. Cách làm như thế chỉ tạo ra những bức ảnh quen thuộc. Trong khi đó, một cách đặt điểm ngắm khác có thể làm cho bức ảnh của bạn thêm thú vị, mà không phải tốn nhiều công sức. Chỉ việc quỳ thấp xuống hoặc đặt máy ảnh của bạn trên nền đất. Cách này rất hữu ích trong một số tình huống để có được một điểm ngắm hấp dẫn đối với điều gì đó ngang tầm. Bạn sẽ thấy được một sự khác biệt thú vị.

Độ sâu trường ảnh
Với một ống kính khẩu lớn, bạn có thể xử lý DOF (độ sâu trường ảnh). Điều này giúp bạn có thể làm mờ hậu cảnh trong một bức ảnh chân dung hoặc tập trung nhìn vào một đối tượng nào đó trong bức ảnh. Tuy tôi hay nói máy ảnh không phải là điều quan trọng, nhưng một ống kính tốt với khẩu độ lớn có thể giúp bạn chụp được những bức ảnh tốt. Thường là một ống kính tiêu cự trung bình, 50mm f/1.8 có thể là một chọn lựa đúng. Bạn sẽ có thể làm được nhiều việc với một ống kính 50mm như thế trên đường phố. Đây có thể là một đầu tư ngon bổ rẻ.

Hãy ghi sâu trong đầu 
Trên đường phố, bạn thường không có đủ thời gian để suy nghĩ về bố cục. Bạn chỉ phải nhấn nút chụp trong một phần trăm giây. Nếu không luyện tập cách nhìn đối tượng và ý tưởng chủ đề để bố cục, bạn sẽ lỡ mất nó. Bạn có thể tập trung quá nhiều vào đối tượng chụp, lỡ mất một vài khía cạnh quan trọng khác của một bức ảnh đẹp.​

chup-anh-duong-pho

Kết luận

Bạn có thể tạo ra một bức ảnh đẹp từ một chủ thể chẳng có gì hấp dẫn, nhưng cũng có thể làm cho một chủ thể hấp dẫn trở thành chán ngắt qua bức ảnh bạn chụp. Hãy bắt đầu học, luyện tập cách nhìn, nhạy bén với các bối cảnh ánh sáng, lên bố cục khung hình theo cách mà bạn nghĩ là nó thể hiện tốt nhất câu chuyện mà bạn "nhìn thấy" ngoài phố.



chup-anh-duong-pho


Thiết lập máy ảnh, khoảnh khắc quyết định, góc chụp

A. THIẾT LẬP MÁY ẢNH


Hãy tập trung vào điều quan trọng
Có quá nhiều người cho rằng một bức ảnh tốt thì dù muốn dù không cũng phải liên quan đến những thiết đặt máy ảnh thủ công (Manual). Thực ra điều đó không đúng. Máy ảnh hiện nay đủ khả năng để tự làm hết mọi thứ. Vậy sao ta không tập trung vào việc lên bố cục và để cho máy ảnh lo việc mà nó có thể làm được ở các chế độ tự động. Bạn sẽ chẳng mất mát gì khi cài đặt máy ảnh của mình ở chế độ A/Av (nếu cần ưu tiên khẩu độ), S/Tv (khi cần ưu tiên tốc độ màn trập), và thậm chí chế độ P (tự động cặp khẩu độ và tốc độ màn trập).

Hãy tin tưởng máy ảnh của bạn
Thoạt đầu có thể bạn gặp khó khăn trong việc làm chủ tất cả những gì cần phải làm trong lúc chụp ảnh. Thế thì tại sao không tin tưởng vào chiếc máy ảnh của bạn và đừng nghĩ gì đến những thiết đặt thủ công. Còn có nhiều thứ bạn cần phải suy nghĩ cân nhắc trước khi bấm nút chụp. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ học được cách chụp.

Chế độ P
Nếu mới bắt đâif mà chụp bằng chế độ thủ công (M), thì bạn đừng nghĩ mình sẽ nhanh thành thạo. Để bắt đầu, bạn chỉ nên dùng chế độ P và rồi ngày càng nên tinh tế hơn. Bạn cứ thử đi. Nó hoạt động rất tuyệt và tôi chẳng cần phải nghĩ ngợi nhiều. Đừng cho rằng mình là một người chụp ảnh kém khi sử dụng chế độ P. Những cách thiết đặt không phải là thứ làm cho bạn trở thành người chụp ảnh giỏi đâu. Hiểu rõ từng cách để dùng đúng lúc đúng cách mới là vấn đề.

Sử dụng chế độ A
Sau một thời gian, bạn sẽ một cách nào đó làm chủ được máy ảnh của mình và có thể chuyển sang chế độ A. Tôi thường hay sử dụng chế độ ưu tiên khẩu độ và nó rất hữu ích để điều chỉnh độ sâu trường ảnh của bức ảnh. Với những bức chân dung ngẫu nhiên, tôi luôn dùng chế độ A với khẩu độ là f/4 trong lúc máy ảnh tự thiết đặt tốc độ màn trập. Mở khẩu lớn hơn f/4, trong nhiều tình huống khoảng ảnh rõ (Dof) mỏng, nguy cơ độ nét không cao, theo tôi cứ từ f/4 là an toàn với loại ảnh này, trừ khi chắc chắn mở khẩu lớn hơn vẫn đảm bảo độ sắc nét cần thiết.

Chế độ S
Chế độ ưu tiên màn trập, tôi chỉ sử dụng khi muốn tạo những bức ảnh có chuyển động mờ nhòe. Khi một ai đó đang bước đi đằng trước một hậu cảnh thú vị, tôi có thể làm nhòe chuyển động của họ. Tôi dùng tốc độ màn trập khoảng 1/20 giây chẳng hạn dành cho một chủ thể đang di chuyển. Với mục đích này, đôi khi bạn cần phải sử dụng c hoặc phải chân máy hoặc đặt máy trên vị trí chắc chắn là máy ảnh không bị rung lắc.

Phơi sáng đúng
Với ảnh đường phố, tôi cho rằng việc có được mức độ phơi sáng đúng trên các bức ảnh còn quan trọng hơn là chế độ được sử dụng. Một số ống kính sáng hơn những ống kính khác. Tôi thường dùng cách đo đa điểm với một điều chỉnh phơi sáng là -0.7EV trên chiếc Nikon của mình gắn ống kính 50mm. Đây là điều mà bạn phải thử nghiệm và tập làm quen với máy ảnh của mình để gia giảm EV cho phù hợp. Tôi không nghĩ là bạn có đủ thời gian để thay đổi các thiết đặt trong một chuyến đi chụp. Bạn phải biết rõ cái gì hiệu quả nhất trong phần lớn các tình huống.​

Nói về ISO
ISO là vô chừng tuỳ theo cảnh huống ánh sáng. Thường thì luôn ưu tiên ISO thấp nhất có thể để ảnh được mềm mịn màng. Nhưng, ở bối cảnh bắt buộc, phải biết mình có thể nâng trị số ISO lên cao đến đâu, mà không bị nhiễu hạt quá nhiều. Điều này với mỗi máy ảnh mỗi khác và tôi luôn cố tránh không dùng các trị ISO cao. Tôi chỉ giới hạn ở mức ISO 800. Tôi không lên cao hơn trừ khi không thể làm khác được.

Những thiết đặt cho máy ảnh của tôi
Có thể bạn cũng quan tâm đến những thiết đặt máy ảnh của tôi. Tôi chụp với chiếc Lumix GF1 theo chế độ P, trị ISO tùy chỉnh và tôi sẽ chẳng động vào bất cứ thiết đặt nào. Tôi chụp với định dang RAW + JPG, trong đó JPG sẽ là Trắng&Đen. Với chiếc Nikon D7000, tôi chụp ở chế độ A (ưu tiên khẩu độ) với khẩu độ thường xuyên là f/4.0, EV -0.7, tự động cân bằng trắng, đo theo kiểu đa điểm, lấy nét tự đông đơn và định dạng là RAW. Hãy thử chụp theo định dạng RAW bởi vì nó sẽ mang lại cho bạn nhiều tùy chọn nhất, nhưng cũng có dung lượng tập tin ảnh lớn nhất.
chup-anh-duong-pho

B. BA CÁCH CHỤP ẢNH ĐƯỜNG PHỐ THÔNG DỤNG


Cách 1 : chụp mà không bị để ý
Bạn có thể chụp ảnh đường phố mà người khác không hề để ý đến bạn. Đây có thể là cách tốt nhất để không gây ra phản ứng nơi họ. Người ta sẽ sinh hoạt bình thường một khi không nhìn thấy bạn với chiếc máy ảnh trên tay. Chỉ có một nhược điểm là có thể họ sẽ không nhìn vào ống kính của bạn. Tôi thường thích người ta nhìn vào máy ảnh của tôi, vì như thế mới tạo ra được một nối kết nhất định; đó là một cách giao tiếp giữa người khác với tôi là người chụp ảnh trên đường phố. Có lúc cái nhìn đó không cần thiết, nhưng có những lúc thì lại là rất tốt.

Cách 2 : chụp bất ngờ
Một khả năng khác để chụp ảnh người ta trên đường phố, có thể là sự bất ngờ. Bạn chỉ việc đưa máy ảnh ngắm ai đó và nhấn nút chụp. Người ấy nhìn thấy bạn và nhận ra bạn chụp ảnh họ. Phản ứng từ kiểu chụp ảnh này có thể khác nhau, không tự nhiên, thậm chí còn bị “sốc” nữa là đằng khác. Nhiều người không muốn mình bị chụp ảnh và bạn có thể thấy được điều đó qua phản ứng của họ. Tôi thích kiểu chụp này trên đường phố, vì cách nào đó nó cũng cho thấy được thực tế. Tôi thấy có người tỏ ra bỡ ngỡ, giận dữ, bị “sốc” hoặc tùy bạn gọi nó như thế nào. Nhưng là thử thách thực sự, khi bạn muốn chụp những bức chân dung tự nhiên.

Cách 3 : xin phép để chụp
Và cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng, đó là bạn luôn có thể xin phép ai đó để chụp ảnh họ. Tôi chẳng bao giờ làm vậy hoặc họa hoằn lắm mới làm. Điều khó nhất là bạn làm sao nắm bắt được vẻ tự nhiên khi mà thường là người ta hay có khuynh hướng tạo dáng vì đã được báo trước. Vì là người xa lạ, nên bạn không biết được họ như thế nào trong trạng thái tự nhiên. Nếu không quen chụp ảnh đường phố và lo ngại những phản ứng của người ta, thì đây là có thể là cách tốt nhất để bắt đầu. Nó cũng giúp bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp qua việc nói chuyện với người khác về một điều gì đó. Thậm chí bạn còn có thể nắm bắt được nhiều thông tin về một ai đó mà bạn không hy vọng có được, nhưng có thể là rất thú vị.​

chup-anh-duong-pho 

C. KHOẢNH KHẮC QUYẾT ĐỊNH


Thời điểm đúng
Trước khi nhấn nút chụp, bạn phải chọn thời điểm. Mới đầu, việc đó có thể hơi khó một chút, nhưng sau một thời gian, bạn sẽ thuộc nằm lòng. Bạn dần dà có được một bản năng nhất định để biết đúng lúc nào để chụp. Tất cả đều do thực hành thật nhiều và đúc kết thành kinh nghiệm.

Chụp một loạt nhiều tấm
Bạn có thể chụp một loạt ảnh để bắt dính được khoảnh khắc quyết định. Ít nữa là vào lúc mới bắt đầu, khi mà mà bạn không chắc chắn lắm về đâu là thời điểm đúng. Sau đó bạn tiếp tục chụp và quyết định bức ảnh nào là tốt nhất. Trong thời đại máy ảnh số phát triển như ngày nay, việc đó không còn là vấn đề.

Hãy rút kinh nghiệm và ghi nhớ
Càng chụp ảnh đường phố, bạn càng có nhiều kinh nghiệm. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi có thể nói được rằng bạn sẽ dần dà có được ý niệm về thời điểm đúng. Bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy được mọi chuyện trước khi chúng xảy ra. Bạn sẽ biết được lúc nào là lúc để nhấn nút chụp.

Không phải lúc nào cũng gặp may
Có người bảo rằng mọi chuyện chỉ là gặp may mà thôi. Tất nhiên là cũng có như vậy khi bạn chụp ảnh đường phố. Nhưng tôi cho rằng may mắn đến khi có sự chuẩn bị tốt. Đôi khi trong khâu xử lý hậu kỳ một bức ảnh, tôi thấy có những thứ mà tôi đã không nhìn thấy vào lúc chụp. Dù sao đi nữa, điều quan trọng là những gì có trong bức ảnh bạn chụp chứ không phải tất cả những gì bạn đã nhìn thấy và đã tự mình sắp xếp bố cục. Thậm chí tôi còn cho rằng tiềm thức cũng hoạt động trong lúc bạn chụp ảnh trên đường phố.​

“May mắn xảy đến khi sự chuẩn bị gặp đúng cơ hội”
- Seneca - 

chup-anh-duong-pho

D. GÓC CHỤP


Bạn có thể tạo nên sự khác biệt…
Khi muốn tạo nên sự khác biệt và tách mình ra khỏi đám đông, bạn phải chọn cho mình một góc nhìn khác. Con người chúng ta nhìn cuộc đời mình dựa theo tầm vóc của mỗi người. Đấy là một thực tế. Mọi thứ mà chúng ta nhìn thấy theo lối nhìn thông thường thì gây ra sự tẻ nhạt chứ không mang lại sự hấp dẫn. Đó là lý do đủ để bạn thay đổi cách nhìn của mình.

Chỉ có hai cách thay đổi. Hoặc hướng lên cao hơn (vd. một con chim) hoặc hạ xuống thấp (một con nhái, chẳng hạn). Vì lên cao thì khó hơn xuống thấp, nên tôi chụp ảnh từ sát mặt đất, nền nhà nhiều hơn. Chụp từ mặt sàn rất đơn giản và hiệu ứng mà bạn đạt được luôn hấp dẫn và độc đáo. Bạn có thể chụp mọi thứ gần hơn từ mặt đất.​

chup-anh-duong-pho

Hãy thấp xuống ngang mặt đất
Tôi thích chụp ảnh từ ngang mặt đất. Đặc biệt là những đôi giày hoặc những chú chó dễ thương trông hấp dẫn hơn khi “tầm mắt” của bạn ngang tầm với chúng. Toàn bộ tầm nhìn chỉ có vậy. Tôi rất thích, khi bạn nhìn thấy những thứ bình thường theo một cách nhìn khác thường.

Bạn nên thử nghiệm và “lăn lê bò toài” trên nền hè phố trong cả một buổi chiều đi. Bạn sẽ thấy thế giới hoàn toàn khác hẳn. Bạn cũng có thể chỉ việc đặt chiếc máy ảnh của bạn cho ngay ngắn trên mặt đất là được; bạn chẳng cần phải nhìn qua ống ngắm làm gì. Vấn đề duy nhất ở đây là tính năng lấy nét tự động đôi khi lại tập trung vào hậu cảnh thay vì đối tượng chụp. Nhưng lúc nào bạn cũng có thể sử dụng ống ngắm. Việc đó tùy vào nỗ lực tập luyện và làm chủ cái máy của bạn.

Hãy chụp một loạt…
Hãy tìm cách làm cho bức chụp tiếp theo của bạn hấp dẫn hơn bằng cách thay đổi góc nhìn của mình. Bạn sẽ thấy những bức ảnh mình chụp sẽ trông khác đi. Hãy thực hiện một loạt ảnh được chụp từ mặt sàn và bạn sẽ thích cách đặt điểm nhìn như thế cho mà xem. Chẳng riêng gì những đôi giày, mà còn cả chó, những đôi chân hoặc bất cứ thứ gì khác bạn nhìn thấy, trong lúc nằm xoài trên sàn…​

chup-anh-duong-pho

Màu hay trắng đen, xin phép hay không, xử lý hậu kỳ?

 
chup-anh-duong-pho

A. MÀU HAY TRẮNG ĐEN?


Hỏi vậy là sao ?
Rất nhiều ảnh đường phố được chụp trắng đen, và cũng rất nhiều bạn thắc mắc màu hay trắng đen. Tôi từng nhận ra là không phải bất cứ bức ảnh màu nào cũng có thể chuyển sang ảnh trắng đen. Có những bức ảnh trông đẹp hơn khi chúng là ảnh màu. Nhưng giả như bạn hỏi những người khác, thì luôn có người chỉ thích ảnh trắng đen, và không thiếu những người chỉ thích ảnh màu tươi sáng. Chẳng có luật nào bắt phải là màu hay phải là trắng đen cả. Nhưng, trong thực tế, thật là một quyết định khó khăn, bởi vì kho ảnh của bạn sẽ trông chẳng giống ai khi trộn chung ảnh màu với ảnh trắng đen. Tôi tự hỏi không biết liệu đấy chỉ là giải pháp nhất thời hay là về lâu về dài?

Phải chăng nhiếp ảnh đường phố chỉ chụp ảnh trắng đen?
Tôi tự hỏi tại sao mình lại phải chụp trắng đen hay phải chuyển một bức ảnh màu sang trắng đen, trong khi có những màu sắc sinh động làm cho bức ảnh đẹp hơn. Một điều là có nhiều người cho rằng, nhiếp ảnh đường phố chỉ chụp ảnh trắng đen. Tôi không nghĩ vậy. Điều khác nữa là chính bạn nên có phong cách riêng của mình và do đó bạn không thể trộn lẫn ảnh trắng đen với ảnh màu được. Sẽ trông thế nào khi mà, trên thư viện ảnh của bạn, lúc thì màu, lúc thì trắng đen rồi lại màu lộn xộn... Đối với tôi, như vậy thì thật là khó chịu. Có thể cá nhân tôi sẽ phải quyết định cách làm thế nào để tiến bộ trong sự nghiệp chụp ảnh đường phố của mình chứ. Tôi có nên cứ việc công bố ảnh trắng đen mà không cần biết nó trông như thế nào? Hay tôi chỉ nên bắt đầu chia sẻ ảnh màu thôi chăng? Trước mắt, tôi quyết định chụp màu hoặc trắng đen cho từng bức ảnh và bắt đầu định hình cho hướng lâu dài của chính bản thân mình.

Khi so sánh bức ảnh bên dưới đây với bức ở trang sau, bạn thích bức nào hơn…?
chup-anh-duong-phochup-anh-duong-pho
 

Tùy bạn quyết định
Rốt cuộc, chính bạn là người đưa ra quyết định về phong cách những bức ảnh bạn chụp chứ không chiều theo thị hiếu của người khác. Phong cách riêng cũng là thị hiếu và là cách xử lý riêng của mỗi người. Hoặc bạn chụp ảnh vì đám đông hoặc chỉ chụp cho riêng bản thân mình. Miễn sao phù hợp với ý của bạn là được. Nhưng do tôi chụp ảnh vì chính tôi chứ không phải vì đám đông, nên rõ ràng là tôi sẽ tự quyết định bức ảnh nào nên được chụp trắng đen hay không trắng đen.

Phong cách thường thay đổi
Trong nhiếp ảnh đường phố, không có quy tắc. Chỉ có chuyện bạn chụp những bức ảnh theo ý bạn và muốn làm mọi cách để những người khác cũng thích chúng như bạn. Bằng không thì cứ ở nguyên trên xe buýt và tiếp tục làm những gì bạn muốn làm riêng cho thế giới của mình. Nếu cảm thấy thích ảnh màu, cứ chụp ảnh màu. Còn nếu thấy trắng đen thể hiện tốt hơn, thì hãy chụp trắng đen. Khi nhìn vào những bức ảnh đã chụp từ lâu, tôi thấy phong cách của mình đã thay đổi nhiều. Có thể đây chỉ là một phong cách thay đổi nhất thời và trong một lần được hỏi: “Sao bạn lại chụp ảnh màu?” tôi sẽ trả lời, “Tôi đã có mặt tại New York, đã suy nghĩ cẩn trọng về điều đó và quyết định không chụp ảnh trắng đen nữa..."

Cứ thử đi! Tại sao lại không thử?
Nói gì thì nói, bạn phải thử mới biết. Hãy thử tập trung vào việc làm quen với màu sắc trên đường phố trong những dịp sắp tới. Ít nữa là trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, bạn không phải quyết định nên chụp ảnh trắng đen hay ảnh màu. Bạn không nên khư khư với ảnh trắng đen. Còn có rất nhiều màu sắc ở ngoài kia và có thể đang có một thay đổi trong việc chụp ảnh đường phố để tiến đến chỗ chụp ảnh màu. Việc đó sẽ mỗi lúc một khác, song chúng ta phải tận dụng ưu điểm của công nghệ hiện đại để chụp ảnh cuộc sống bằng màu sắc.

Cứ chụp ảnh màu, nếu thích
Đôi khi người ta hỏi tôi, có phải máy ảnh của tôi được thiết đặt để chỉ chụp ảnh trắng đen mà thôi không. Đừng làm như vậy, vì bạn chẳng bao giờ có thể quay lại với ảnh màu. Hãy luôn chụp với định dạng RAW, vốn là định dạng màu. Sau đó bạn có tất cả những chọn lựa và cơ sở tốt nhất để xử lý các bức ảnh của mình. Tôi biết là nó choán nhiều không gian lưu trữ, nhưng bạn phải chỉ sử dụng 5% những bức ảnh bạn chụp mà thôi.

Hãy kiên quyết trong khâu tuyển chọn
Thật quan trọng đối với bạn khi phải quyết định giữ hay xóa những bức ảnh nào bạn đã chụp. Ở đây cần chất lượng chứ không cần số lượng. Mới đầu thì khó có thể chụp được những bức ảnh đẹp thực sự ngay, nhưng sau một thời gian, bạn sẽ thoải mái hơn khi xóa hết 99% những bức ảnh bạn chụp trong một ngày. Đến một lúc nào đó, lão luyện thì bạn có thể bấm cú nào ăn cú đó. Tuỳ vào khả năng, sự cố gắng và yêu thích chụp ảnh nói chung và thể loại ảnh đường phố nói riêng.​

chup-anh-duong-pho

B. HÃY TÁO BẠO MẠNH MẼ LÊN


“Chụp ảnh đường phố gồm 80% táo bạo và 20% kỹ năng."
Eric Kim

Eric cực kỳ chính xác khi đưa ra lời phát biểu ấy. Gần như phải có một chút can đảm mới tiếp cận được những con người trên đường phố để chụp ảnh họ. Trong chụp ảnh đường phố, tuy còn có những ý tưởng khác ngoài việc chỉ chụp các gương mặt, song không có gì mãnh liệt hơn một chân dung rất tự nhiên của một con người hấp dẫn. Đang có ở ngoài đó nhiều con người khác nhau; bạn chỉ việc nhìn thấy họ. Nhìn thấy họ thì dễ, nhưng bắt dính được họ trên cảm biến ảnh của bạn còn khó hơn nhiều.

Hãy nâng cao kỹ năng giao tiếp
Tôi muốn nói bạn nên bắt đầu xin phép người khác để chụp chân dung của họ. Có chương trình chụp ảnh 100 Người Lạ trên Flickr. Hãy bắt đầu từ đó, bắt đầu thử chụp 100 bức chân dung đầu tiên của bạn bằng cách xin phép người lạ. Dần dà bạn có kỹ năng thuyết phục người ta và có cả những kỹ năng chụp ảnh chân dung ngoài trời nữa. Có được những kỹ năng ấy rồi, bấy giờ bạn lại đi ra ngoài và cũng làm như vậy mà không cần phải xin phép.

Xin phép hay không?
Tôi không thích xin phép và tôi không làm như vậy, trừ khi bị người khác bắt gặp trong khi tôi vẫn cứ muốn chụp chân dung họ. Lúc ấy thì tôi phải xin phép. Còn tất cả những lúc khác, thì không. Thi thoảng người ta quát mắng phản đối, nhưng có hề gì đâu. Bạn vẫn có thể nói chuyện với họ, nói cho họ biết là bạn đang làm gì và có lúc phải xóa bức ảnh đi, nếu buộc phải làm vậy.

Họ không hành hung tôi
Đa số người ta sợ chụp ảnh một người lạ trên đường phố chỉ vì nghĩ rằng những người ấy có thể chửi mắng, hành hung và đập vỡ máy ảnh của người chụp. Tôi thì đã làm việc này những năm qua và có những lúc tôi tiến đến rất gần để chụp ảnh. Tôi vừa có mặt ở New York đấy thôi và chẳng gặp phải khó khăn gì nhiều. Tất nhiên, cũng có những người chửi thẳng vào mặt tôi và đã từng có 4 tay người Mỹ gốc Phi đứng vây lấy tôi, nhưng tôi đã giải quyết những “sự cố” ấy mà không gặp vấn đề gì.

Tiếp cận đối tượng ... 
Còn có sự tùy thuộc giữa độ dài tiêu cự ống kính cộng với sự táo báo của bạn. Đại để tôi định nói như thế này:​

“Độ dài tiêu cự càng ngắn, bạn càng cần phải táo bạo…"

Ý nói chụp ảnh đường phố thường là dễ dàng nếu chụp với một ống kính góc rộng, nhưng càng khó khăn hơn khi bạn phải chụp chân dung ngẫu nhiên của một người lạ bằng một ống kính 24mm, 28mm, 35mm hay 50mm. Để luyện tập, có thể bạn nên bắt đầu với một ống kính zoom, nhưng càng lúc càng tiến lại gần hơn. Vả lại, điều quan trọng là hãy để cho người ta nhìn vào máy ảnh của bạn. Việc này càng khiến khó tiếp cận người khác hơn. Nhưng tất cả là do bạn có biết cách để tiếp cận họ hay không thôi.
chup-anh-duong-pho

Không khó lắm
Những gì tôi có thể nói là bạn phải làm quen và có thể thực hành việc tiếp cận. Nó dễ hơn bạn tưởng nhiều. Đừng cho rằng, trong thành phố bạn đang ở, việc ấy khó khăn hơn bất cứ nơi nào khác. Có thể trong một thành phố xa lạ, bạn cảm thấy thoải mái hơn. Tôi có thể khẳng định, trong các thành phố lớn, việc đó cũng không dễ hơn đâu. Ở đâu cũng vậy thôi.

Những điều lưu ý:

 Ra vẻ như một khách du lịch, thì có thể sẽ dễ dàng hơn
 Chụp tai một điểm du lịch, thì có thể sẽ dễ dàng hơn
 Dùng một máy ảnh lớn, bạn trông giống nhà báo, phóng viên hơn (= gây nhiều thắc mắc hơn)
 Sử dụng một máy ảnh nhỏ, bạn giống khách du lịch (= ít gây thắc mắc hơn)
 Làm bộ chụp thứ gì khác
 Luôn cố gắng ưu tiên chụp ảnh ngẫu nhiên hơn
 Tránh tiếp xúc bằng mắt với đối tượng chụp, sẽ tránh được những phiền toái​

chup-anh-duong-pho

C. ƯU TIÊN SỰ TỰ NHIÊN CỦA BỐI CẢNH


Làm cách nào để “chộp”được gương mặt của người khác…
Tôi thích những bức ảnh chân dung tự nhiên nên phải tiến lại gần thực sự. 1m là khoảng cách bình thường mà tôi hay tiếp cận cùng với ống kính 50mm trên chiếc máy ảnh Nikon D7000. Việc này đưa đến chỗ chụp được những bức chân dung hấp dẫn thực sự và những vẻ mặt sống động của những người lạ bạn chụp. Xin phép trước?

“Nếu bạn xin phép trước, người ta sẽ trông khác đi trên máy ảnh của bạn.
Nếu xin phép sau, bạn phải xóa đi một bức ảnh đẹp.”

Nhưng làm thế nào để tiếp cận gần để chụp được?

Chọn đúng nơi đúng chỗ
Điều này quan trọng khi có mặt trong một khu vực đông người. Một sân ga, một trạm xe buýt, một lễ hội hay bất cứ một nơi nào khác mà ở đấy có rất nhiều người. Một lợi thế khác nữa là, khi ấy người ta đang đứng yên tại chỗ. Những người di chuyển thì khó chụp chân dung hơn nhiều. Do đó, bạn hãy chắc chắn là bắt gặp được họ ở những nơi mà họ phải đứng yên không di chuyển. Ngay cả trước vạch dành riêng cho người đi bộ cũng là một vị trí tốt. Người ta dừng lại để chờ đèn đỏ và thế là bạn có thể chụp ảnh họ. Bạn phải nhớ là người ta luôn hướng mắt nhìn về phía những chiếc xe đang qua lại. Ở một góc nào đó, người ta sẽ không nhìn vào ống kính máy ảnh của bạn. Hãy bảo đảm là bạn đã chọn đúng phía thích hợp với ánh sáng và đúng với hướng nhìn của họ.

chup-anh-duong-pho

Chọn đúng hình mẫu
Một bức ảnh chân dung tự nhiên là một chuyện, một gương mặt người lại là chuyện khác. Bạn phải tìm cho ra những gương mặt hấp dẫn. Tôi thích những người già cả có khuôn mặt như đang thuật lại một câu chuyện nào đó. Trong các thành phố lớn có đầy những người già cả như thế, bạn chỉ cần để ý là thấy ngay. Cứ dạo quanh những nơi như đã nói ở trên và mở lớn mắt của bạn ra. Bạn sẽ trông thấy họ.

Máy ảnh tốt nhất
Khi bạn chộp được gương mặt của họ, thì máy ảnh không còn là quan trọng. Thường thì tôi thích một chiếc máy ảnh nhỏ gọn nhẹ, nhưng đối với loại ảnh chụp này, thì không phù hợp. Tôi dùng chiếc Nikon D7000 với ống kính 50mm, AF-S 1.8 G. Nếu sử dụng một máy ảnh ‘full frame’, bạn có thể dùng ống kính tiêu cự phù hợp với bạn. Lấy nét nhanh có thể sẽ hữu ích và chụp liên tiếp ít nhất là 4 tấm một giây sẽ mang lại cho bạn những thành quả tốt. Tôi luôn chụp 2-3 lần để bảo đảm chắc chắn là đã thực sự chụp được và một trong những tấm ấy sẽ sắc nét. Thường thì bạn chỉ có được một giây ngắn ngủi khi họ nhìn vào bạn, vì thế bạn hãy luôn sẵn sàng. Điều này có nghĩa là bạn phải chĩa sẵn máy ảnh của mình vào chủ thể, tập trung nhìn vào và sẵn sàng chụp. Họ sẽ quay đầu lại, nhìn thẳng vào bạn và bấy giờ bạn phải chụp nhanh.

“Trên đường phố có nhiều gương mặt, hãy tìm cho ra những gương mặt hấp dẫn…” 
Thomas Leuthard​

Do ống kính của tôi sắc nét nhất khi chụp với khẩu độ f/4, nên tôi dùng chế độ A với khẩu độ f/4, tốc độ màn trập do máy ảnh tự thiết đặt (hãy chắc chắn là nó đủ nhanh, chí ít là 1/160 với ống kính 50mm) và trị ISO tùy theo ánh sáng. Tôi thường sử dụng ISO 400 vì ở trong thành phố nhà cao khuất luôn tối hơn ngoài đồng trống. Tôi cài đặt máy ở “Tốc Độ Chụp Liên TiếpContinuous High Speed”, do đó máy ảnh của tôi chụp lên đến 6 khung hình một giây. Tính năng tự động lấy nét được bật sẵn và dùng chế độ lấy nét đa điểm. Với ống kính 50mm trên chiếc Nikon, tôi thường có độ phơi sáng chính xác khi giảm -0.7EV.

chup-anh-duong-pho

Từng bước trở nên dạn dĩ hơn
Không phải ai cũng có thể chộp được gương mặt người khác, nhưng bạn có thể vượt qua trở ngại ấy. Bạn chỉ cần phải thực hành với một ống kính dài hơn và có thể là phải hỏi xin phép trước đã. Sau một thời gian bạn mới có thể đến gần hơn. Bạn sẽ không hình dung trước được người ta sẽ phản ứng thế nào đâu. Cũng có lúc người ta thậm chí không quan tâm. Càng có mặt nhiều người, nhiều khách du lịch và người chụp ảnh, lại càng dễ. Hãy thử đi !

Bạn tìm được đúng nơi đúng chỗ, đúng chủ thể và bạn tiến đến gần. Có thể bạn làm bộ như đang chụp gì đấy trước đã rồi sau đó mới chĩa máy ảnh vào họ rồi nhấn nút chụp. Hãy chờ cho đến khi đã chụp được 3 bức hẵng rời đi. Điều quan trọng hơn cả là đừng bao giờ để cho mắt bạn giao nhau với mắt của chủ thể. Việc tiếp xúc duy nhất bằng mắt chỉ xảy ra thông qua ống ngắm. Nếu bạn nhìn vào người ta, họ nhận ra là bạn đã chụp ảnh họ và họ sẽ đặt ra những câu hỏi. Và khi họ đã đặt câu hỏi, thì bạn phải trả lời và có thể gay go đấy. Chỉ việc đến gần, chụp và bỏ đi.

Video về “cách chụp …”
Tôi đã thực hiện video ngắn để cho thấy cách mà việc đó diễn ra như thế nào. Tôi đoán là bạn có thể thấy được những gì tôi muốn nói và có thể làm theo kỹ thuật hoặc theo cách mà nó mang lại hiệu quả. Thời điểm đó đang diễn ra một lễ hội và ở đấy tiếng nhạc ầm ĩ cùng với nhiều người tham gia. Trong những sự kiện như thế luôn có nhiều nhân vật đặc biệt trên đường phố và rất dễ để chụp ảnh chân dung của họ. Nó không khó như bạn nghĩ. Hãy nhìn và tự làm thử đi :



Kết luận
Như bạn có thể thấy trong hai cuốn video, người ta thậm chí còn lật mặt sau để xem tôi đã chụp những gì. Nghĩa là, khi bạn làm đúng, người ta thực sự không quan tâm. Chỉ việc làm như bạn không chụp ảnh họ và rồi bỏ đi. Họa hoằn lắm mới có người đến gần bạn và hỏi han gì đó. Bấy giờ bạn sẽ chỉ việc nhã nhặn xin lỗi hoặc xóa ngay bức ảnh. Đừng tranh cãi lôi thôi, hãy cứ thân thiện và làm theo lời họ yêu cầu, nếu họ muốn.

chup-anh-duong-pho

D. HẬU KỲ


Hãy quên Photoshop đi
Nhiều người cho rằng họ cần phải nhờ đến Photoshop mới thực sự trở thành người chụp ảnh tốt. Tất nhiên đó là công cụ tốt hiện nay để xử lý các bức ảnh của bạn. Nó cũng là phần mềm đắt tiền và phức tạp nhất. Trong nhiếp ảnh đường phố, việc xử lý hậu kỳ không quan trọng như trong nhiếp ảnh thời trang hoặc mỹ thuật. Bạn không trở thành người chụp ảnh giỏi hơn bằng cách sử dụng Adobe Photoshop. Tôi nhớ một bình luận của Siegfried Hansen (một trong những nhiếp ảnh gia lão luyện nhất châu Âu) trên một diễn đàn đề cập đến việc ông sử dụng một phiên bản Adobe Photoshop cũ đến 10 năm để xử lý các bức ảnh của ông. Và cho dẫu là như vậy đi nữa, ông cũng chỉ dùng một số xử lý tự động mà thôi. Ông làm việc bằng đôi mắt cực kỳ tinh tế và phần còn lại chẳng là gì đối với ông.

Thời lượng tối thiểu
Theo thiển ý, tôi thấy bạn nên bỏ ra càng ít thời gian càng tốt vào việc dùng phần mềm để xử lý. Bằng không, bạn chỉ phí thời gian, vì bạn chẳng cải thiện được bao nhiêu khi xử lý hậu kỳ các bức ảnh của bạn. Hoặc nói cách khác, những thao tác chính của tiến trình ấy nên được tự động hóa. Một điều khác nữa mà bạn nên chắc chắn là hãy dùng cùng một cách xử lý như nhau để có cho thống nhất phong cách riêng của mình. Hiện thời thì phải nói thẳng là tôi chưa có phong cách riêng.

Đâu là công cụ tốt nhất ?
Không có công cụ tốt nhất trong việc xử lý hậu kỳ. Tôi sử dụng phiên bản mới nhất của Apple Aperture để thực hiện việc đó. Nó gần giống với Adobe Lightroom. Qua đó tôi có thể sắp đặt những “thứ còn giữ lại được” (nguyên văn=”keepers”) của mình và sắp xếp chúng theo địa danh những nơi chúng đã được chụp. Tôi luôn nhớ tên thành phố khi nhìn vào một bức ảnh. Đối với tôi, đây là giải pháp tốt nhất và rất hiếm khi tôi dùng đến Photoshop, còn với những bức ảnh đường phố thì không.

Nên giữ lại những tấm ảnh nào ?
Việc chọn lựa những bức ảnh mà bạn muốn giữ lại là một tiến trình quan trọng ngay khi bạn trở về sau một chuyến đi. Đặc biệt là khi không muốn làm đầy chiếc đĩa lưu trữ chỉ trong thời gian ngắn, cho nên bạn phải chọn phương pháp đúng. Có nhiều người giữ lại tất cả những gì mình chụp trong một chuyến đi.

Trở về sau một chuyến đi, bạn hãy chọn ra những bức ảnh tốt nhất, nhập chúng vào phần mềm mà bạn quen sử dụng (với tôi là Aperture), xử lý và chia sẻ chúng; chấm hết ! 95% các bức ảnh còn lại đều phải xóa đi. Vâng, xóa hết. Nếu không thể xóa đi những bức ảnh xấu, thì sớm muộn gì bạn cũng gặp vấn đề. Và như vậy, viên quản lý, người mà sẽ tìm thấy những bức ảnh chưa được phát hiện của bạn sau khi bạn chết, ngày ấy sẽ cảm ơn bạn, anh ta phải xem cho bằng hết tất cả chúng. Mong sao được giống như trường hợp John Maloof (người quản lý của Vivian Maier, 01/02/1926 – 21/4/2009), một nhiếp ảnh gia đường phố người Mỹ .

Cách xử lý của tôi
Trở về nhà sau khi chụp ảnh đường phố, tôi luôn nhớ đến một số bức ảnh đã chụp tốt. Tôi thường xử lý chúng. Tôi không nhìn màn hình hiển thị của máy ảnh trong lúc chụp, vì bạn không thể nhìn thấy được nhiều và đang chụp chứ không nhìn vào các bức ảnh. Tôi nhập tất cả những bức chụp tốt vào công cụ xử lý và sau đó là tiến hành các bước:

 kiểm tra chất lượng (độ sắc nét/độ nhiễu)
 sắp xếp cho ngăn nắp, nếu cần
 cắt xén nếu cần (chỉ rất ít)
 điều chỉnh theo các thiết đặt từ trước, gồm những việc như sau:
  • Thêm độ tương phản
  • Thêm độ phân giải
  • Làm sắc nét
  • Đen & Trắng (33% Đỏ / 33% Xanh lá / 33% Xanh dương)
  • Với ảnh màu, tôi giảm độ bão hòa xuồng 10-20%
  • Và gia thêm độ sặc sỡ 10-20%
  • Tôi thêm một ít độ ‘vignette’ cho một vài bức chụp

Việc đó mỗi lúc mỗi khác. Bạn không thể nói lúc nào cũng giống nhau được. Tùy theo bức ảnh, có khi phải xử lý nhiều, có khi ít. Thường thì chúng ta quá bận tâm đến việc xử lý ảnh. Nếu nhìn cùng một bức ảnh ấy vào hôm sau, có thể bạn còn làm khác hơn nữa. Đấy là một kiểu chiều theo những cảm nhận đang diễn ra trong bạn.

chup-anh-duong-pho

 


Phong cách riêng, chụp ở đâu, lúc nào, chuyện pháp lý

chup-anh-duong-pho

A. TẠO PHONG CÁCH RIÊNG CỦA BẠN


Làm thế nào để tìm ra cho mình một phong cách riêng
Bạn phải có một kế hoạch, một ý tưởng, một cách làm việc và phải thực hiện công việc của mình. Không có quá nhiều người ảnh hưởng bạn và nhiều người bảo bạn hãy làm những việc khác. Đừng nhìn quanh nhìn quất, nhưng chỉ nhìn ra đằng trước và tập trung vào những gì bạn muốn thực hiện. Tôi thường thấy có những người chụp ảnh không có mục đích, cứ bạ gì cũng chụp hoặc cố sao chép phong cách của một ai đó. Dĩ nhiên bạn cần phải được khơi gậy niềm cảm hứng, nhưng sớm muộn gì bạn cũng phải tìm ra cho mình một phong cách riêng. Người ta có thể nhận ra tác phẩm của bạn qua phong cách riêng chứ không phải dấu bản quyền (chữ ký) trên các bức ảnh của bạn.

Đừng nghe theo người khác
Gần đây có nhiều chỉ trích dành cho những bức chụp chân dung ngẫu nhiên của tôi ở khắp nơi. Có người bảo rằng đấy không phải là nhiếp ảnh đường phố, nào là vô nghĩa, lạ lẫm, chống lại luật pháp hoặc vi phạm nhân quyền. Tất cả những phê phán ấy có thể đúng theo một cách hay một quan điểm nào đó. Nhưng giả như tôi cứ bận tâm, hẳn là tôi không thể chụp được những bức ảnh như thế này nữa. bạn không thể và không buộc phải làm vừa lòng hết thảy mọi người. Chừng nào người ta thảo luận về một bức ảnh của bạn và có một cuộc tranh cãi, bấy giờ bạn mới can thiệp vào. Và đấy mới chính là tất cả những gì cần làm. Trong thế giới hiện đại, bạn phải xác định đúng vị trí của mình nhằm tạo ra một sự khác biệt trong nhiếp ảnh. Chỉ với ảnh chụp phong cảnh và cỏ cây hoa lá, bạn không thể lôi kéo được sự chú ý của người khác thêm nữa. Bạn cần nhiều hơn; bạn cần điều gì đó mới mẻ, cái gì đó mà trước đây người ta chưa nhìn thấy. Quả là khó, nhưng không phải là không thể.

Đừng hùa theo đám đông
Nếu bạn muốn đi theo dòng chính thống, thì nhiếp ảnh đường phố có thể không phải là chọn lựa tốt nhất của bạn. Chụp ảnh đường phố theo lối chính thống là cái mà chúng ta nhìn thấy hằng ngày. Bạn chỉ việc mang máy ảnh ra khỏi nhà và chụp. Như vậy thì sẽ chẳng bao giờ tạo ra được sự khác biệt và thậm chí người ta còn không mở ra xem trên Flickr nữa. Hãy tìm một cách khác, một góc máy khác, một phương pháp xử lý khác, một phong cách khác và gắn bó vào đó. Có thể lúc đầu rất khó khăn, nhưng thời gian sẽ trả lời. Cần phải có một luồng chảy nhất quán trong dòng ảnh của bạn để người ta nhận ra phong cách của bạn và nhìn nhận bạn như một người chụp ảnh đường phố lão luyện.

Không thay đổi cách xử lý
Điều quan trọng là bạn chọn cho mình một cách xử lý, một định dạng, một chọn lựa ảnh màu hay ảnh trắng đen và gắn bó lâu dài với nó. Có như vậy người ta mới nhận ra bạn qua những bức ảnh khi họ nhìn. Tôi thường thay đổi phong cách của mình sau hai năm. Thậm chí tôi còn đi ngược lại với trào lưu ảnh màu ngày nay để chụp ảnh trắng đen nữa kia. Điều này gây khó khăn cho tôi và cho cả những người xem cũng như những người ủng hộ. Nhưng đành chịu vậy. Có đôi lúc tôi chỉ nhìn thấy những điều mới mẻ và chụp ảnh theo một cách khác. Tôi không thể cứ mãi chụp những bức chân dung ngẫu nhiên trong suốt phần đời còn lại của mình. Vậy thì chán quá. Vì thế tôi làm những điều không giống ai trên đường phố, có những ý tưởng khác lạ và thường thực hiện chúng. Điều này thì không hợp với việc bạn đang tự kiến tạo một phong cách hoặc dấu ấn riêng của bạn đâu. Nhưng đây là cách mà tôi đang làm.

Không thay đổi trang thiết bị, cách nhìn
Không thay đổi máy ảnh hoặc ống kính của bạn là điều rất quan trọng để tạo lập một phong cách riêng. Tôi đang có môt chiếc Nikon với ống kính 50mm và một chiếc Lumix, ống kính 20mm. Tôi chụp những bức ảnh hoàn toàn khác hẳn bằng hai chiếc máy ảnh ấy và bạn có thể thấy đúng là như vậy. Hãy luôn quan tâm đến một chiếc máy ảnh duy nhất và có thể cả với một ống kính cố định. Việc đó nghe có vẻ nhàm chán, nhưng lại giúp cho bạn giữ được một phong cách vững vàng sẽ được người ta nhận ra. Thật là quan trọng khi bạn giữ nguyên một cung cách nhất định nào đó trong lúc chụp ảnh trên đường phố. Quả là rất dễ bị cám dỗ thử nghiệm những thứ khác nhau, nhưng bạn đừng làm vậy. Có thể tôi sẽ phải bán đi chiếc Nikon D7000 và chỉ giữ lại chiếc GF1…
chup-anh-duong-pho
Hãy ở nguyên trên chiếc xe ‘cmn’ buýt
Có một bài viết khá hay gọi là “Lý thuyết Trạm xe buýt Helsinki” (The Helsinki Bus Station Theory). Nó hết sức chính xác và tôi chỉ việc đồng ý với lý thuyết ấy bằng cả hai tay. Đó là điểm cơ bản trong việc trở thành một người nhiếp ảnh giỏi và nổi tiếng. Đành rằng bạn có thể chụp ảnh bằng nhiều cách khác nữa để thư giãn, nhưng rồi đến một ngày bạn phải đầu tư thời gian vào kế hoạch số 1 của bạn. Nếu đấy không phải là chụp ảnh đường phố, bạn có thể ngưng việc đọc tập hướng dẫn này tại đây. Bạn có thể lên hết chuyến xe buýt này đến chuyến xe buýt khác suốt cả ngày, có được nhiều niềm vui thích, song chẳng đi đến đâu cả. Nhưng nếu bạn chọn đúng tuyến xe buýt, ngồi yên ở trên đó và bất chấp mọi chuyện xảy ra, bạn sẽ đến được nơi bạn muốn. Tất cả chỉ có vậy…

Linh động để bồi bổ
Tôi có nhiều thời gian để chụp ảnh trong cuộc đời mình. Tôi thường thỏa thuê với chụp ảnh đường phố sau những chuyến cuốc bộ dài hàng giờ để chụp ảnh. Tôi có một số tác phẩm được trả tiền mà đôi lúc tôi xem như một thứ để bồi bổ. Cứ việc thư giãn và làm những chuyện khác để rồi sau đó quay lại với chụp ảnh đường phố. Có thể tôi không đủ khả năng để chụp ảnh đường phố mãi. Tôi sẽ phải nghỉ ngơi một thời gian dài mới sống tiếp được. Với một vài linh động thì việc đó diễn tiến tốt hơn. Mấy hôm trước tôi đã chụp cuộc bắn phao hoa chỉ để giải trí. Thật là thích thú vì tôi chưa bao giờ làm như vậy trước đây. Một lần nữa tôi đã học biết được rằng bất cứ thể loại nhiếp ảnh nào cũng sẽ giúp bạn bồi bổ nhanh chóng. Duy có điều là hãy thực hành cho thật nhiều vào.

Đừng công bố
Thi thoảng tôi có chụp cỏ cây hoa lá; vài ngày trước tôi cũng đã chụp cảnh bắn pháo hoa. NHƯNG, tôi không công bố thứ nội dung ấy ở đâu khác ngoài Facebook. Nơi đây tôi không có một cộng đồng lớn những người chụp ảnh đường phố và chỉ có những người bạn thích xem bất cứ thể loại nhiếp ảnh nào mà tôi thực hiện. Họ không ủng hộ tôi về phương diện chụp ảnh đường phố. Tôi sẽ chẳng bao giờ công bố một bức ảnh không phải ảnh chụp đường phố trên tài khoản Flickr của tôi. Điều này có nghĩa là bạn phải nhất quán trong việc công bố theo phong cách riêng của mình. Bạn có thể tạo một tài khoản khác cho công việc khác, nhưng đừng có mà than phiền về chuyện phí mất thì giờ đấy nhé. Hãy tập trung vào việc chụp ảnh đường phố, chỉ có vậy thôi...

Đừng để mình bị phân tâm bởi thế giới nhiếp ảnh. Có rất nhiều địa hạt, nhiều công nghệ, nhiều sự việc và ý tưởng để thử qua. Tốt hơn bạn nên tập trung vào phong cách của bạn thay vì công nghệ. Nếu không tập trung vào một điều gì đó, bạn sẽ vẫn cứ là tay ngang. Và ngoài kia đang có nhiều những người chụp ảnh tay ngang như vậy. Bạn đâu có muốn mình kết thúc giống như họ, phải không nào ?​

“Hãy làm việc cần cù với phong cách riêng của bạn, chứ không phải với 'watermark' xác định bản quyền riêng của bạn...” 
Thomas Leuthard
chup-anh-duong-pho

B. CHỌN THỜI ĐIỂM TỐT


Đâu là thời điểm tốt nhất để chụp ảnh…?
Điều này tùy thuộc rất nhiều vào những gì bạn muốn thể hiện qua những bức ảnh bạn chụp. Vào giờ cao điểm ở ga xe lửa, bạn có thể chụp được cảnh hối hả chuyển động. Vào một buổi sáng bình thường trên đường phố, bạn có thể bắt dính được cảnh người ta đang chuẩn bị một ngày mới. Tôi thích thời điểm trước lúc các gian hàng mở cửa. Lúc ấy bạn có thể nhìn thấy người ta lau chùi cửa sổ, quét dọn vỉa hè, chuẩn bị bày hàng. Đó là tất cả những gì mà không phải ngày nào chúng ta cũng thường thấy. Và những thứ mà không phải ngày nào chúng ta cũng thấy thì luôn hấp dẫn chúng ta. Chúng ta không muốn mình phải nhàm chán vì những chất liệu đơn điệu; chúng ta muốn thấy những gì mới mẻ.

Thời điểm khác nhau, động cơ khác nhau
Hãy tìm cách ra ngoài vào những thời điểm, những ngày khác nhau trong tuần, vì luôn có một sự khác biệt lớn. Bạn sẽ nhìn và cảm nhận đường phố dưới một bộ áo mới và một nhịp sống khác hẳn vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Bạn nên cảm nếm những hương vị khác nhau trong ngày mà đường phố mang lại. Có khi im ắng, có lúc lại ồn ào náo nhiệt, có khi hoang vắng, có lúc lại tấp nập. Đó chính là sự độc đáo của nhiếp ảnh đường phố. Nếu chưa khám phá vào ban đêm, bạn cũng nên làm thử cho biết.

Thời điểm như nhau, con người như nhau
Cách đây mấy tháng, tôi đã từng có một trải nghiệm khi chụp ảnh vào giờ nghỉ trưa. Cũng những con người ấy vào cùng một thời điểm tại cùng một nơi. Zurich là môt thành phố lớn nhưng bạn vẫn nhìn thấy cùng những con người vào cùng thời điểm như nhau. Đây có thể là một thuận lợi trong trường hợp bạn bị lỡ mất một bức chụp, nhưng cũng có thể bạn cảm thấy nhàm chán vì không có gì mới mẻ. Nếu đi chụp ảnh vào những giờ thông thường, bạn sẽ cứ gặp cùng những con người ấy trên xe buýt hoặc trên đường đi. Do đó, bạn nên đi vào những giờ khác nhau trên những con đường khác nhau, nếu có thể. Việc này sẽ mang lại cho bạn một cái nhìn khác hẳn về thành phố và cách làm việc của bạn.

Hãy chụp hàng loạt
Chụp một loạt ảnh về một thứ gì đó là điều luôn hấp dẫn. Ví như “Buổi sớm Chúa Nhật” hoặc “Giờ ăn trưa”. Trong đó sẽ là những bức ảnh chụp những người chạy thể thao, người dắt chó đi bộ và những người già cả bước những bước khoan thai vào một sáng Chúa Nhật. Còn có những người đang ăn uống, mua sắm hoặc làm những việc khác vào giờ ăn trưa. Tôi cho rằng mỗi giờ phút trong ngày đèu kể lại một câu chuyện nào đó. Bạn phải ra khỏi nhà để đến đúng nơi đúng chỗ và bắt dính được câu chuyện bằng chiếc máy ảnh của mình.

Không có lúc đúng để chụp ảnh. Nhưng chính là mối quan tâm và động cơ thúc đẩy bạn chụp đúng sự vật vào đúng nơi đúng lúc. Bạn không thể chờ cho đúng lúc mới chụp những chuyện đang xảy ra ở đâu đó. Bạn phải chọn chủ đề phù hợp với thời điểm bạn chụp. Vậy hãy đi ra đường phố và tận dụng tối đa thời gian đang trôi dần trong ngày. Hãy bảo đảm bạn sử dụng thời gian bạn có được một cách khôn ngoan.​

chup-anh-duong-pho

C. TÌM ĐỊA ĐIỂM MỚI


Nơi mà bạn chưa bao giờ đến
Sau khi đã nói về những thời điểm khác nhau, giờ thì đến lượt những nơi chốn khác nhau. Đa số người chụp ảnh đường phố đều rảo tới rảo lui trên các con phố chính trong một thành phố để săn tìm động lực cho mình. Sao bạn không chọn những nơi mới lạ khác nhau để chụp ảnh trên phố ? Có rất nhiều cơ hội ở những nơi bạn chưa đặt chân đến.

Các siêu thị
Có bao giờ bạn chụp ảnh trong một siêu thị chưa ? Sao lại chưa nhỉ ? Hãy đến đấy và thử đi. Có thể bạn không cần phải thử với chiếc DSLR lớn nhất của bạn đâu. Chỉ cần dùng một chiếc ‘point and shoot’ kín đáo hoặc loại như GF1 tôi đang dùng. Lọai này hoạt động rất tốt, tôi đã thử rồi. Có nhiều chuyện thú vị đang diễn ra trong một siêu thị đấy.

Những quán Café
Trong các cửa hàng ăn uống và quán cà phê bạn thường bắt gặp người ta làm những chuyện khá thú vị, ngoài việc ăn uống. Có thể điều kiện kiện ánh sáng ở đấy hơi khó chụp, nhưng bạn nên thử cho biết. Hãy sử dụng một chân máy vững vàng và bạn sẽ hài lòng.

Những cửa hàng bách hóa
Tuy có thể không được phép chụp ảnh trong các cửa hàng, nhưng bạn vẫn có thể theo dõi những khoảnh khắc thú vị trong những nơi ấy. Đừng xin phép, cứ đến và chụp một vài bức. Bạn có thể làm ra vẻ như là một khách du lịch và chẳng cần phải “lăn tăn”…​

chup-anh-duong-pho

D. PHÁP LUẬT


Đúng sai thế nào ?
Luôn có một tranh cãi căng thẳng về những bức ảnh chân dung ngẫu nhiên của tôi. Tôi cũng biết có một qui định về nhân quyền. Nhưng mặt khác, tôi không muốn chụp những bức ảnh đã được tạo dáng. Bằng không thì đâu còn là nhiếp ảnh đường phố nữa. Tôi vẫn giữ nguyên ý kiến ấy nếu sau này có ai hỏi. Đối với tôi, nếu cứ làm theo luật định thì tốn quá nhiều công sức và sẽ không dẫn đến thành công.

Tôi không phải là luật sư
Thực ra tôi vẫn chưa thấy có điều khoản nào cho thấy sẽ xảy ra điều gì đó khi có người phát hiện bức ảnh chụp mình xuất hiện trên Flickr. Chúng ta làm việc này vì lợi ích của nghệ thuật chứ không phải là thiếu tôn trọng một ai đó. Thường thì người ta chỉ là những diễn viên trên đường phố và có thể bất cứ ai cũng làm như vậy. Người ta có thể hoán đổi với nhau nhưng không thể thay thế cho nhau được. Phải có tính nhân văn trong bức ảnh, vì thế mà tôi chụp con người. Không có con người, thì sẽ thật là tẻ nhạt.

Giữ cho mình được an toàn…
Nếu muốn luôn được an toàn, bạn phải thôi chụp ảnh hoặc chí ít là ngưng việc phổ biến ảnh chụp những người lạ trên Internet. Nhưng đó là điều mà tôi sẽ chẳng bao giờ làm. Chính là do chọn lựa riêng của mình mà bạn muốn sống với cách làm điều gì đó có thể không phù hợp với luật pháp. Hoặc bạn tìm ra cách làm cho nó tuân thủ theo luật. Chỉ chụp những người mà bạn sẽ không nhận ra trên bức ảnh và cứ thế mà làm. Hãy đọc chương sau nói về nhiếp ảnh đường phố hợp pháp.

…hoặc bất cần.
Bạn không thể là người chụp ảnh đường phố giỏi và hiệu quả thực sự, khi cứ tuân thủ pháp luật 100%. Hoặc bạn vô tư và quên đi pháp luật, hoặc tuân thủ pháp luật và đánh mất tinh thần của nhiếp ảnh đường phố. Đây chỉ là ý kiến của riêng tôi. Ai cũng phải tự hình dung ra cách riêng của mình và làm những gì mình thấy thoải mái. Tôi không gợi ý bạn làm như tôi; Tôi chỉ kể lại cách làm của tôi. Còn đúng sai là tùy bạn.​

chup-anh-duong-pho ​

E. HÃY HỢP PHÁP HOÁ


Hợp pháp hóa nhiếp ảnh đường phố như thế nào...
Nhiều người gặp vấn đề với việc chụp ảnh người khác trên đường phố. Họ sợ pháp luật của nước sở tại và điều này cản trở họ đi ra ngoài và chĩa máy ảnh vào một ai đó. Có một vài cách đơn giản để tránh được vấn đề này. Sau đây là một số gợi ý :

Không chụp chân dung
Điều chính yếu đối với luật pháp là người ta không bị nhận diện trên bức ảnh mà bạn muốn công bố. Bạn cố gắng giữ cho máy ảnh của bạn tránh xa phần đầu của một người nào đó. Lúc ấy bạn cảm thấy thật là chán. Không sao. Hãy nhìn vào ví dụ trên trang viết này. Khi nhìn qua các bức ảnh của mình, tôi thấy có nhiều bức phù hợp với cách mình chụp ảnh.

Chụp ngược sáng
Có lần tôi đã viết, “Muốn nhìn thấy rõ những gương mặt như kiểu "sáng mặt ăn tiền", bạn chọn hướng ánh sáng phát xuất từ phía sau lưng bạn. Nếu muốn nhìn thấy các hình dáng bóng đổ hay nổi khối, hãy có ánh sáng đến từ phía trước mặt bạn”. Bạn có thể tạo những bóng chiếu ngược sáng nhằm tránh việc người ta nhận ra chính họ. Đây thực sự là một kỹ thuật rất tốt mang lại cho bạn những bức ảnh đẹp hoàn toàn thích hợp.

Chụp từ đằng sau
Điều này nghe có vẻ khác thường và có thể bạn cho là như vậy thì sẽ không có được bức chụp đẹp. Bạn cứ việc nhìn vào hai bức ảnh tiếp theo sau đây để hiểu được những gì tôi muốn nói.

Chuyển động nhòe
Bạn cũng có thể che giấu nhân thân của một ai đó bằng cách làm cho ảnh chụp họ nhòe đi. Với một tốc độ màn trập lâu hơn, thì hình người đang chuyển động sẽ nhòe đi và không còn ai nhận ra họ nữa.

Chụp những chú chó
Đến đây tôi biết có người sẽ cười mỉm. Nhưng tại sao bạn không thử chụp ảnh những con chó trên đường phố nhỉ. Đấy là một mục tiêu dễ chụp và chẳng dính dáng gì đến luật pháp, từ đó bạn có thể chụp được một bức ảnh phù hơp. Biết đâu rồi bạn sẽ trở thành “Nhiếp ảnh gia về Chó Đường Phố” đầu tiên và có thể còn có nhiều hứa hẹn để được nổi tiếng nữa kia. Tôi muốn nói ra điều đó một cách hoàn toàn nghiêm túc. Tôi sẽ đưa ra một loạt những kỹ thuật hiệu quả để bắt đầu. Nhưng hãy cân nhắc để làm những điều khác biệt khiến cho người khác phải chú ý trước đã.

Chụp ở những nơi diễn ra sự kiện công khai
Tại châu Âu, bạn có thể chụp bất cứ ai tham dự vào một sự kiện công khai như diễu hành, biểu tình, lễ hội carnaval, v.v…. Không chỉ chụp những người tham gia, mà còn chụp cả những người kéo đến xem. Như vậy, bạn có đủ khả năng để chụp thẳng gương mặt một số người. Thậm chí bạn cũng có thể là một thành phần tham dự vào sự kiện đang diễn ra, nếu ăn mặc tươm tất và chỉ chụp những người bắt gặp ngẫu nhiên. Một mẹo khác : Chỉ việc có mặt tại chỗ một tiếng đồng hồ trước khi sự kiện diễn ra và bạn sẽ nhìn thấy nhiều người chuẩn bị và làm những việc mà không phải ngày nào bạn cũng thấy (chẳng hạn như chưng diện bảnh bao, v.v…).​

Chụp trước, xin phép sau
Tôi sẽ không xin phép ai trước để chụp ảnh họ, vì như vậy sẽ làm thay đổi dáng vẻ tự nhiên của họ đi. Bạn có thể chụp rồi mới trao đổi với người ta sau. Nếu thực sự muốn được bảo đảm là họ đồng ý, bạn phải có một mẫu ký tắt. Có những thỏa thuận hữu hiệu ấy trên iPhone/iPad (tìm ở chỗ EasyRelease) làm cho việc xử trí trở nên dễ dàng hơn nhiều (người ta ký bằng ngón tay). Với tính năng này bạn có đủ chứng từ để có thể sử dụng và công bố bức ảnh.

Nhưng hãy nhớ một điều
Đừng cho rằng bạn có thể lắp ghép tùy tiện một bức ảnh đường phố. Điều đó không có nghĩa gì cả và như vậy là không đúng. Theo thiển ý của tôi, nó còn tệ hơn cả việc vi phạm luật pháp khi công bố bức ảnh của một người lạ. Vậy, đừng nghĩ đến chuyện đó.​

Có nhiều ví dụ điển hình để chỉ cho bạn thấy có những cách hợp pháp để chụp ảnh đường Nếu vẫn cứ ở nhà và không chịu đi ra ngoài để chụp ảnh trên đường phố, bạn chỉ là người rụt rè nhút nhát. Hãy thôi viện cớ luật pháp để biện minh cho lý do bạn không bước ra đường phố để chụp những bức ảnh hấp dẫn. Ai cũng có thể làm và chẳng có gì là bất hợp pháp ở đây cả, nếu bạn làm đúng cách.

chup-anh-duong-pho

F. PHƯƠNG DIỆN ĐẠO ĐỨC


Khi nhìn thấy người đàn ông này đang chạy trong khu phố 5 ở New York (ảnh dưới), tôi liền nghĩ ngay đến chuyện có nên chụp ảnh một người đàn ông chẳng có chiếc chân nào không đây. Tôi đã quyết định chụp bởi vì, quả đúng đây là một chuyện đau lòng nhưng cũng có cả thứ công nghệ cao giúp cho những con người như vậy quay lại với cuộc sống. Hơn nữa, việc đó còn cho thấy điều gì đang xảy ra trong thế giới ngoài kia và nhân loại có thể đa dạng đến mức nào.

“Cuộc sống không tô son điểm phấn, nó trần trụi tự nhiên”. 
Thomas Leuthard​

Có nhiều người cho là không nên chụp ảnh một số tình huống hay con người. Tất cả đều tùy thuộc vào quyết định của bạn nên chụp hay không nên chụp cái gì. Bạn phải thấy thoải mái với tình huống đang xảy ra. Nếu không thích những gì mình nhìn thấy, thì cứ nhìn đi chỗ khác. Đối với tôi, điều quan trọng là tôi làm cho người khác nhìn thấy cuộc sống đúng như nó đang diễn ra. Không cắt ghép, không dàn cảnh, không gì cả. Chỉ nhìn chung quanh và chụp những gì mình trông thấy...

Vì nhiếp ảnh đường phố tồn tại được là do những gì không phải lúc nào bạn cũng nhìn thấy, nên có thể một số người nghĩ rằng đó là một kiểu mê hoặc. Tôi không nghĩ vậy. Đó chỉ là giới thiệu cuộc sống như nó đang là. Với tôi, nhiếp ảnh đường phố là một cách làm báo bằng hình ảnh. Hằng ngày bạn ghi lại cuộc sống trên đường phố. Bất cứ điều gì xảy ra, bạn đều ghi lại, bất kể là gì.

Bạn nên tập trung vào những người ăn xin vì họ cũng là một chủ đề chụp ảnh. Bằng cách nào cũng được. Bạn cần phải minh chứng thực tế, những tương phản, cách mà đời sống đang diễn ra. Có những người nằm lê lết trên đường phố và những người khác cứ đi ngang qua mà chẳng ngó ngàng gì đến. Nếu thấy có vấn đề về những sự việc có thể không hợp với đạo lý, bạn cũng nên xin phép trước. Bạn có thể chụp ảnh một người không cần phải nhìn thấy gương mặt của họ, bằng cách hạ thấp máy ảnh của bạn xuống sát mặt đất. Việc này làm cho bức ảnh trở nên rất hấp dẫn và bạn có được nó mà không vi phạm đạo đức.

Theo thiển ý, không có vấn đề đạo đức trong nhiếp ảnh đường phố. Chính bạn là người đưa ra quyết định chụp hay không mà thôi.​

chup-anh-duong-pho 

G. SAO CHÉP & BẢN QUYỀN


Hãy quên đi “bản quyền” 
Một chủ đề thực sự nhạy cảm trong nhiếp ảnh chính là khía cạnh bản quyền. Một số người cho rằng họ phải bằng mọi giá bảo vệ tác phẩm của họ. Điều này khiến tôi nhớ lại kỹ nghệ âm nhạc cũng cố làm như vậy từ bao năm nay và đang đánh mất nhiều thị trường chia sẻ hằng năm. Ngày nay với Internet, người ta phải thay đổi não trạng của mình liên quan đến bản quyền và kiếm tiền bằng nhiếp ảnh đường phố.​

“Nhiếp ảnh đường phố là một cách sống,
chứ không phải là một cách kiếm tiền…"

Thomas Leuthard​

Không có thị trường
Dĩ nhiên có người có thể kiếm tiền bằng việc chụp ảnh, nhưng nhiếp ảnh đường phố là một thể loại nghệ thuật đặc biệt. Không phải ai cũng treo những tác phẩm nghệ thuật ấy trong phòng khách nhà họ. Do đó, tôi đoán là không có một thị trường lớn cho ảnh chụp đường phố. Như vậy cần phải có những cách khác để kiếm tiền hơn là bán các bức ảnh bạn đẫ chụp. Nhưng đây không phải là chủ đề của chương này, chúng ta đang nói về khía cạnh bản quyền.

Đừng làm ra thêm những hình chìm (watermark)
Có nhiều người làm ra những hình chìm để đánh dấu riêng những bức ảnh của họ. Một số người làm việc đó một cách quá tệ đến độ bạn không thể nhìn ra bức ảnh của họ nữa. Sao họ lại làm thế ? Tôi đã từng hỏi một tay trong số đó và có vẻ như có người trước đó đã đánh cắp tác phẩm của anh ta. Vậy chuyện gì xảy ra khi ai đó trích xuất bức ảnh của bạn từ Internet ? Sao bạn lại tải chúng lên đó làm gì ?

Internet là một mặt bằng khác hẳn, việc sao chép trở nên dễ dàng hơn và đúng là bạn không thể bảo vệ được tác phẩm của mình, trừ khi bạn đánh dấu thẳng vào giữa bức ảnh và tải nó lên với chất lượng xấu. Cách tốt nhất để “đánh dấu” những bức ảnh của bạn chính là tìm cho được phong cách riêng của bạn mà mọi người có thể nhận ra. Tất nhiên việc này không phải là dễ, nhưng lại rất hiệu quả. Do đó, bạn không nên phí phạm thời gian vào việc đánh dấu riêng các bức ảnh của mình, nhưng hãy đi ra ngoài và chụp những bức ảnh đẹp hơn và đầy ý nghĩa hơn.

Tài Sản Sáng Tạo Công Cộng
Một cách khác để tác phẩm của bạn được phổ biến toàn cầu là đánh dấu nó bằng chứng nhận Tài Sản Sáng Tạo Công Cộng. Điều này có nghĩa là người ta có thể sử dụng nó, thay đổi nó và xuất bản lại nó một cách miễn phí, nhưng phải nêu tên bạn lên. Điều này nghe ra có vẻ lạ lẫm đối với một số người mà bạn tặng không tác phẩm của bạn cho họ, nhưng rõ ràng là bạn phải luôn cho đi một thứ gì đó trước, rồi sau đó mới có thể nói đến chuyện tiền nong. Càng có nhiều người thích và chia sẻ tác phẩm của bạn, bạn càng nổi tiếng và có thêm nhiều người ủng hộ bạn hơn. Rồi đến một ngày bạn có thể bắt đầu bán những bức ảnh, đưa ra những buổi thảo luận hoặc thử kiếm tiền bằng cách khác. Tôi định nói là bạn không thể kiếm tiền ngay từ đầu được.

Tất cả những bức ảnh của tôi trên Flickr đều có thể được tải xuống miễn phí, đúng y như kích thước gốc. Bạn chỉ cần nêu tên tôi khi sử dụng chúng ở bất cứ đâu, là được. Hình thức bản quyền vẫn tồn tại đấy chứ. Tôi vẫn cứ là chủ sở hữu bức ảnh, nhưng bạn có thể sử dụng nó tùy ý. Do làm như vậy mà tôi nhìn thấy các bức ảnh của mình xuất hiện trên nhiều blogs khác nhau khắp thế giới. Tất cả những mở ra như thế đang đưa nhiều người quay lại với trang Flickr của tôi để xem thêm các tác phẩm khác của tôi.

Tiền bạc không lèo lái tôi được
Tôi không muốn kiếm tiền bằng kiểu công việc của mình. Tôi chỉ muốn có niềm vui thú, đi du lịch khắp thế giới, gặp gỡ được nhiều người và chia sẻ những hiểu biết của mình. Biết đâu rồi có ngày, người ta sẽ trả nhiều tiền để tham gia vào một trong những buổi hội thảo của tôi. Trước mắt thì những hội thảo ấy vẫn không đòi hỏi gì nhiều và như vậy là rất tốt. Tôi không muốn kiếm sống bằng chụp ảnh đường phố, bởi tôi không muốn chịu áp lực phải cho ra lò những bức ảnh đẹp. Hiện nay tôi có thể cứ việc lang thang đây đó cùng với chiếc máy ảnh của mình và không phải bận tâm liệu vào cuối ngày, mình có được bao nhiêu bức ảnh đẹp. Nếu bạn muốn kiếm sống bằng nhiếp ảnh, thì quả là khó khăn và áp lực càng nặng nề hơn. Tôi cũng đâu có muốn ngày nào cũng dạy về chụp ảnh. Đó không phải là những gì tôi thích. Tôi thích cách mà cuộc sống của tôi đang diễn ra ngay lúc này. Tôi có một công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin với mức lương khá, mang lại cho tôi sự linh động cần thiết để đeo đuổi niềm đam mê của mình và cho phép tôi đi du lịch đến các thành phố lớn trên thế giới.
chup-anh-duong-pho ​

Nói gì thì nói, rốt cuộc bạn phải chắc chắn hoặc muốn chia sẻ công việc của mình hoặc bảo vệ nó khỏi những tay bất hảo sao chép nó. Nếu có ai đó sao chép lại, bạn cứ coi như đó là một công nhận dành cho tác phẩm của bạn. Thật quá phiền phức khi phải xác định chắc chắn ai đó trên hành tinh này ăn cắp một bức ảnh. Vì thế bạn phải làm quen với việc các bức ảnh bị đánh cắp và sẽ quen với những hệ quả khác. Hãy bảo đảm bạn làm việc cần cù trong lĩnh vực nhiếp ảnh, chứ không phải trong việc ghi dấu bản quyền. Hãy tìm cách khác để kiếm tiền hơn là bán những bức ảnh hay cứ khăng khăng làm giàu bằng chụp ảnh đường phố. Mọi thứ chỉ là chia sẻ; Chia sẻ kiến thức, chia sẻ những bức ảnh và thông tin. Hãy vào tài khoản Flickr của bạn và thay đổi các bức ảnh của bạn từ chỗ “Tác giả giữ bản quyền” thành “Được cấp quyền riêng” (Attribution), nếu bạn thích. Hãy tìm hiểu thêm thông tin về “Tài Sản Sáng Tạo Công Cộng”.​

chup-anh-duong-pho ​

H. TƯƠNG LAI

Còn bao lâu nữa…?
Tôi thường hay thắc mắc không biết đến bao giờ thì việc chụp ảnh đường phố bị cấm. Nhiều người nói với tôi rằng, ở quê họ, người ta rất hậm hực đối với những người mang máy ảnh giữa những nơi công cộng. Vẫn chưa có nhiều qui định pháp lý nhằm bảo vệ việc chụp ảnh đường phố. Cùng với đà phát triển của những máy ảnh KTS, quần chúng sẽ đòi hỏi phải có điều luật bảo vệ sự riêng tư của họ. Tôi không chắc là liệu điều đó có xảy ra và sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc chụp ảnh đường phố như một thứ văn hóa không. Chúng ta phải nắm bắt cơ hội của mình hôm nay để biết chắc chúng ta có thể có được chụp ảnh đương phố một cách hợp pháp đến bao giờ. Chúng ta không thể biết được hoàn cảnh sẽ như thế nào sau 5 năm nữa.

Tương lai sẽ ra sao…?
Tương lai nhiếp ảnh đương phố sẽ ra sao ? Tôi đoán là sẽ có nhiều người theo đuổi nó, bởi vì hiện nay cũng đã có rất nhiều người theo đuổi. Tôi cũng cho là sẽ khó khăn hơn khi chụp ảnh người khác, vì có thêm quá nhiều người chụp ảnh xuất hiện trên các đường phố. Những chiếc máy ảnh sẽ nhỏ hơn, nhanh hơn và thông minh hơn. Tuy nhiên, điều đó sẽ không thực sự ảnh hưởng đến toàn cảnh. Luôn có những phong cách khác nhau, ý kiến khác nhau, luôn có nhiều phản ứng vì những vấn đề riêng tư và sẽ có nhiều cuộc tranh cãi. Những hiểu biết cơ bản về nhiếp ảnh sẽ vẫn không thay đổi. Đó là những gì mà người ta dựa vào để làm và là cách mà người ta phát triển phong cách riêng của họ. Đấy mới là điều duy nhất có thể thay đổi toàn cảnh. Biết đâu chừng chúng ta sẽ nhìn thấy có nhiều ảnh màu hơn hoặc sẽ có những phong cách mới được phát triển hơn, có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nghệ thuật nhiếp ảnh đường phố.

Bạn có thể làm gì…?
Chúng ta đang có trong tay những gì sẽ xảy đến với nhiếp ảnh đường phố trong tương lai. Tôi biết mình không phải là kẻ được nhiều người khác coi trọng. Nhưng chúng ta vẫn đang cố để không giết chết loại hình nhiếp ảnh này bằng cách cứ lẽo đẽo bám theo người khác nơi công cộng cùng với những chiếc máy ảnh của mình. Chúng ta phải kín đáo khi chụp ảnh và đừng bước quá sâu vào đời tư của người khác. Tuy ở ngoài kia luôn có một thay đổi nào đó, nhưng chúng ta phải sát cánh bên nhau hơn nữa và không ngừng chia sẻ những suy nghĩ và những bình luận của chúng ta về phong cách chụp ảnh này.

Có thể sẽ tồn tại mãi mãi…
Tôi không thể nghĩ đến một cuộc sống mà không có nhiếp ảnh đường phố. Tôi hy vọng nó sẽ vẫn luôn tiếp diễn về lâu về dài mà không gặp phải vấn đề gì về luật pháp hay những hạn chế khác. Hãy cùng nhau làm việc để đấu tranh cho quyền lợi của chúng ta trong tư cách người chụp ảnh đường phố luôn ghi lại cuộc sống đời thường nơi công cộng. Cùng nhau chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn và tiếng nói chung của chúng ta sẽ được nghe thấy. Hãy đứng lên để bảo đảm chúng ta vẫn có thể làm những gì chúng ta đã làm từ lâu nay.

"Nhiếp ảnh đường phố là nghệ thuật,
và giả như nghệ thuật là một tội ác,
thì lạy Chúa, xin hãy tha thứ cho con."

Thomas Leuthard

chup-anh-duong-pho

Cảm ơn

Cộng đồng mạng thân mến,
Những dòng viết này là dành để cảm ơn sự nâng đỡ của tất cả các bạn. Tập sách này sẽ không thể thực hiện nếu không có các bạn. Các bạn, những người đã động viên tôi viết, chia sẻ, thảo luận, gặp gỡ khắp nơi trên Internet và trong Thế Giới thực. Tuy tôi không quen biết với hầu hết các bạn, song thật là cả một niềm vui sướng khi được chia sẻ những suy nghĩ của tôi với các bạn. Các bạn cũng có thể chia sẻ một số kiến thức với những người khác và được đền đáp bằng một cách khác. Như đã đề cập ở trước, tôi không viết tập sách này vì tiền, nhưng là để chia sẻ. Tôi thích chia sẻ sự hiểu biết của mình và cảm thấy hạnh phúc khi các bạn, sau khi đọc tập sách này, sẽ trở nên những người chụp ảnh đường phố thành thạo hơn. Nếu thích tập sách này, các bạn hãy chia sẻ nó với những người chụp ảnh khác, hãy kể lại cho bạn bè của các bạn nghe về nó và gửi cho tôi những phản hồi. Đừng quên đi ra ngoài để “biến đổi” kiến thức của các bạn thành nhiếp ảnh. Hãy luôn cảm thấy thoải mái để tham gia những diễn đàn khác nhau và ghi lai cho tôi ít dòng, nếu bạn đang có mặt tại Thụy Sĩ. Hy vọng ngày nào đó tôi có thể gặp được một số người trong các bạn ở đâu đó trên các đường phố trong thế giới này để cùng nhau chụp ảnh. Cảm ơn vì đã đọc cho đến hết. Đây không chỉ là tập sách duy nhất; Đã có cuốn thứ hai đang được tiến hành. Hãy chờ xem…



Thomas Leuthard
Copyright © 2011 by Thomas Leuthard
All rights reserved. No part of the contents of this book may be reproduced or transmitted in any form or by any means without the written permission of the publisher.
Published on July 26, 2011 on http://www.thomasleuthard.com/Book
Bản chia sẻ miễn phí tại: http://thomas.leuthard.photography/wp-content/uploads/2014/02/GoingCandid.pdf

Tác giả bài viết:
Nguồn tin: Tinhte
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 30 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 5/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close