1. Đừng mua nhầm loại thẻ
Hãy chắc chắn là bạn biết chính xác loại thẻ nhớ của máy ảnh, máy điện thoại di động, PDA và thiết bị chơi game trước khi bỏ tiền ra mua. Nhiều thiết bị sẽ không tương thích với một loại thẻ nhất định vì thế bạn phải kiểm tra và sử dụng thử để tránh mua nhầm một cách vô tình. Nên kiểm tra xem thiết bị của mình có nhận thẻ không và kích hoạt một số thao tác trên đó.
Hiện nay có khoảng 6 loại thẻ chính có mặt trên thị trường, như SD, MMC, Memory Stick, CompactFlash, xD-Picture Card và SmartMedia. Tuy nhiên cũng theo sự phát triển công nghệ mà hiện nay người sử có thể bị "loạn" vì có nhiều thế hệ hay phiên bản. Ví dụ như SD còn có các loại khác như miniSD, microSD (còn gọi là TransFlash) và SD High-capacity (SDHC). Trong khi đó Memory Sticks thì có Memory Stick Pro Duo... Cùng sử dụng một công nghệ, nhưng kích thước và kiểu dáng của các phiên bản này khác nhau.
2. Đừng ỷ lại vào thẻ nhớ đi kèm theo thiết bị
Một vài thiết bị dân dụng hiện nay bán có đi kèm với nhiều thẻ nhớ, tuy nhiên, nó thường có dung lượng thấp. Ví dụ, các thiết bị chơi game PSP của Sony thường đi kèm theo với thẻ 32 MB Memory Stick Pro Duo, và chúng thường hết nhanh chóng sau khi lưu một vài game, bài hát hay ảnh. Hãy mua dung lượng lớn nhất mà "hầu bao" bạn cho phép vì như vậy bạn có thể lưu trữ nhiều hơn và ít phải thay hơn.
3. Hãy để thiết bị của bạn xác định dung lượng thẻ
Thẻ nhớ với dung lượng lớn không chỉ mang lại sự thuận tiện cho thiết bị mà còn là những thứ bắt buộc đối với một vài thiết bị. Ví dụ, máy ảnh số độ phân giải cao sẽ ngốn nhiều dung lượng. Nếu chỉ dùng thẻ 32 MB, bạn có thể chụp 16 bức với máy ảnh 4 Megapixel và 10 bức với máy 6 "chấm". Vì thế đối với máy ảnh số, quy tắc chung là độ phân giải càng cao, dung lượng thẻ nhớ càng phải lớn.
Dung lượng của thẻ lớn cho phép bạn lưu trữ nhiều tin nhắn, dữ liệu văn bản, nhạc, phim và hình ảnh hơn. Một bài MP3 trung bình chiếm 4 MB bộ nhớ và một bộ phim bằng hàng trăm lần bài hát đó. Do vậy, dễ thấy tại sao một thiết bị đa phương tiện lại dễ đầy thẻ nhớ đến mức nào.
4. Đừng quên tốc độ
Mỗi thiết bị hỗ trợ một loại thẻ khác nhau
Tốc độ của thẻ nhớ thường được thể hiện qua các con số: 10 MB/giây hay 20MB/giây - tốc độ ghi tính trên giây, hay qua tính năng cấp số nhân (như 60x hay 80x). Những ký hiệu hay thuật ngữ đó chỉ ra rằng thông tin hay dữ liệu có thể được ghi hay được đọc với tốc độ nhanh thế nào.
Tốc độ càng nhanh có nghĩa là thẻ nhớ càng dễ hồi phục dữ liệu nhanh sau khi ghi. Điều này đặc biệt quan trọng đối với hình ảnh số. Thẻ nhớ tốc độ cao đồng nghĩa với việc bạn có thể chụp một bức ảnh nhanh hơn bình thường, đặc biệt trong các máy ảnh có độ phân giải cao.
Tuy nhiên, nếu thiết bị của bạn không phải là loại "top ten", tốc độ "như chong chóng" thì cũng chẳng nên dùng thẻ tốc độ nhanh làm gì.
5. Không phải tất cả thẻ nhớ đều giống nhau
Có rất nhiều nhà sản xuất khác nhau, các loại này đều tương tự nhau về dung lượng và tính năng. Nhưng không phải thẻ nào cũng giống nhau. Thẻ nhớ được sản xuất theo nhiều chuẩn nên người dùng có thể mua một chiếc giá rẻ và sử dụng với nhiều thiết bị. Tuy nhiên, trường hợp này hiếm và phần nhiều là may mắn. Lời khuyên là bạn nên mua những loại thẻ có nhãn hiệu quen thuộc và từ các đại lý phân phối chính thức.
6. Có thể sử dụng cùng một loại thẻ trên các thiết bị khác nhau?
Các thiết bị khác nhau có thể sử dụng cùng một loại thẻ, ví dụ, các máy PDA, laptop hay điện thoại di động đều có thể sử dụng thẻ SD. Tuy nhiên, trong quá trình dùng, bạn có thể không truy nhập hay sử dụng được các dữ liệu lưu trữ trên đó khi chuyển thẻ sang một thiết bị khác do thiết bị cá nhân chỉ hỗ trợ những cấu trúc file đặc biệt. Ví dụ, máy điện thoại không hỗ trợ MP3 không thể chạy được các file mp3 trên thẻ.
7. Dữ liệu lưu trữ trên thẻ nhớ có an toàn?
Khi nói đến sự an toàn của dữ liệu, thẻ nhớ có một vài điểm thuận lợi hơn so với ổ cứng hay CD/DVD, như chống sốc tốt hơn. Vì không có nhiều phần tách rời, nên khả năng hỏng khi rơi hay di chuyển của thẻ cũng ít hơn so với một ổ cứng thông thường.
Bên cạnh đó, nó cũng ít bị vỡ và trầy xước hơn so với đĩa CD hay DVD. Nhưng cũng vì kích thước nhỏ nên người dùng thường bị mất thẻ hơn là mất dữ liệu nhỏ lẻ trên đó.
8. Chuyển dữ liệu từ thẻ nhớ sang PC
Một số PC và laptop đã được tích hợp đầu đọc thẻ để bạn chuyển nội dung trực tiếp sang máy tính. Nếu thiết bị của bạn không hỗ trợ tính năng này, có thể sử dụng đầu đọc thẻ độc lập thay vì sử dụng với cáp nối USB để chuyển tải dữ liệu. Phần lớn, đầu đọc thẻ loại này hỗ trợ rất nhiều chuẩn thẻ nhớ khác nhau.
9. Chất lượng dữ liệu xác định dung lượng thẻ
Thiết bị của bạn càng phức tạp hay càng đắt tiền, thì dung lượng thẻ nhớ càng phải lớn. Ví dụ, các máy ảnh số nhiều chấm cần nhiều dung lượng thẻ nhớ hơn so với máy ảnh ít chấm. PDA đắt tiền với đầy đủ tính năng đa phương tiện sẽ cần nhiều dung lượng hơn nếu bạn muốn sử dụng hết các tính năng đó.
Chất lượng của dữ liệu là yếu tố cuối cùng xác định bạn cần dung lượng bao nhiêu. Quy tắc chung là chất lượng càng tốt, dung lượng càng chiếm nhiều. Ví dụ, bức ảnh có độ phân giải cao cần nhiều bộ nhớ hơn so với bức ảnh kém chất lượng, nhạc số nén ở chất lượng cao sẽ chiếm dung lượng hơn so với MP3 nén ở chất lượng trung bình.
Ý kiến bạn đọc