VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Chọn máy ảnh SLR hay Rangefinder ?

Đăng lúc: . Đã xem 35725 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Máy ảnh DSLR
Chọn máy ảnh SLR hay Rangefinder ?

Chọn máy ảnh SLR hay Rangefinder ?

vuanhiepanhcom Máy ảnh SLR (Single-Lens Reflex) được phổ biến vào thập niên 1960s. Tuy nhiên từ trước đó và bây giờ, một loại máy ảnh khác gọi là máy ảnh lấy nét quang trắc RF (Rangefinder) không có gương lật vẫn tồn tại và phát triển.
Nếu như máy ảnh SLR là dòng máy ảnh phổ thông được đa số các nhà nhiếp ảnh sử dụng thì máy ảnh RF vẫn được xem là máy ảnh “đắt giá”, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Vì vậy một điều chắc chắn rằng máy ảnh Rangefinder vẫn đang sở hữu những tính năng ưu việt có từ lâu mà máy ảnh SLR cho tới bây giờ vẫn không thể thay thế được.
 

Máy ảnh Single-lens Reflex và máy ảnh Rangefinder (2 ống kính cùng tiêu cự)
 
Máy ảnh SLR (hoặc máy ảnh DSLR nói riêng cho các máy ảnh SLR kỹ thuật số)
Máy ảnh Single-lens Reflex là loại máy ảnh một ống kính sử dụng gương lật để phản chiếu khung cảnh nhìn thấy từ ống kính đi lên lăng kính 5 mặt hoặc hệ 5 mặt gương phản chiếu (Pentaprisms hoặc penta-mirrors). Từ khung ngắm (view finder), người chụp quan sát được đúng những gì ống kính đang ghi nhận. Mọi hoạt động cơ bản của máy ảnh SLR như lấy nét và đo sáng đều thông qua kính (TTL – Through the Lens).  Do đó, yếu tố phản chiếu (reflex) hình ảnh từ ống kính qua gương lật được xem như cấu trúc căn bản của máy ảnh SLR.
 

Cấu trúc TTL trên máy ảnh Nikon DSLR D2H
Gương lật (Mirror Lock Up – MLU) nằm nghiêng 45 độ phản chiếu những gì ống kính ghi nhận. Trước khi chụp, khung ngắm (viewfinder) hiển thị thu nhỏ những hình ảnh phản chiếu từ gương lật. Khi chụp, hệ thống cơ khí sẽ lật gương lên trong khoảng thời gian vài phần trăm của giây (0.037s đ/v máy ảnh Nikon D2H) để lộ màn trập và phim (hay cảm biến).
 

Cấu trúc gương lật của máy ảnh Nikon DSLR D2H
Với cấu trúc của gương lật như vậy, máy ảnh SLR có những ưu và nhược điểm như sau:
Giữa phim (hay cảm biến) và ống kính phải có khoảng cách nhất định dành cho gương lật.  Điều này khiến cho kích thước thân máy sẽ lớn hơn so với máy ảnh không có gương lật. Hơn thế nữa, do phần đuôi của ống kính cách xa mặt phẳng tiêu điểm, nên độ phân giải quang học giảm đi theo độ dài khoảng cách. Và nếu so với ống kính góc rộng dùng cho máy ảnh không có gương lật, ống kính góc rộng thiết kế dành cho máy ảnh SLR sẽ có thêm thành phần retrofocus để kéo dài khoảng cách hôi tụ, nghĩa là ánh sáng sẽ phải qua thêm một cửa ải nữa khiến cho độ dẫn truyền ánh sáng kém đi. Cũng nên nhớ một điều rằng, nếu ánh sáng đi từ ống kính lên tới khung ngắm (viewfinder) thì ngược lại ánh sáng từ khung ngắm cũng sẽ đi được từ khung ngắm xuống phía dưới. Vì không được “cách ly”, nếu trong lúc phơi sáng khung ngắm không được che kín, ánh sáng có thể lọt qua khung ngắm đi tới trước mặt phim (yên tâm về vấn đề này nếu đang sử dụng máy ảnh điện tử SLR).
 

Hệ Retrofocus kéo dài khoảng cách hội tụ để có không gian cho gương lật
Khoảng thời gian gương lật di chuyển tuy rất ngắn, nhưng thời chụp cũng đã giảm đi và có thể làm trễ thời khắc chụp đặc biệt trong những tình huống chụp bắt tốc độ cao. Và cho dù màn trập chỉ mở lên sau khi gương đã lật, nhưng cũng ít nhiều thì di chuyển gương lật cũng để lại sự rung động cơ học nội bộ trong thân máy làm cho ảnh không được sắc nét. Năng lượng để di chuyển gương lật được xem tổn hao nhiều nhất.
 

Do không có “gương lật” nên ống ống kính và máy ảnh rangefinder có kích thước nhỏ hơn DSLR
Gương lật phản ánh đúng sự thật những gì ống kính ghi nhận kể cả ảnh trường DOF (tuỳ theo SLR). Do đó, việc bố cục ảnh trở nên dễ dàng. Khi sử dụng Graduated Filter (kính lọc chuyển), các thiết bị thay đổi tiêu cự (attachment below, close-up filter, teleconverter… ) hoặc các ống kính hiệu ứng (fisheye, DC lens, PC lens, tilt&shift Lens…) người chụp nhìn vào khung ngắm biết được kết quả mà máy ảnh sẽ ghi nhận.

Máy ảnh RF (hoặc máy ảnh DRF nói riêng cho các máy ảnh RF kỹ thuật số)
 

Máy ảnh kỹ thuật số full frame DRF Leica M9 kế thừa những tính năng huyền thoại  của dòng máy ảnh Leica M-System (M từ viết tắt tiếng Đức là “Messsucher”, theo tiếng Anh có nghĩa là “rangefinder”)
Máy ảnh RF (rangefinder) là loại máy ảnh không có gương lật và lấy nét bằng cách điều chỉnh thị sai (parralax error) trên máy. Nó ra đời trước máy ảnh SLR trên 30 năm (máy ảnh rangefinder đầu tiên là 3A Kodak Autographic ra đời năm 1918) và cho tới ngày hôm nay dòng máy ảnh rangefinder vẫn tiếp tục phát triển.

Cấu trúc máy ảnh rangefinder Leica M-System không sử dụng gương lật và cấu trúc thông qua ống kính TTL. Nếu lấy tự động AF, máy ảnh rangefinder sử dụng cấu trúc điều thị sai tự động (automatic parallax compensation)

A: Gương phản xạ một nửa (semitransparent mirror) – B: Cửa sổ lấy sáng – C: Frameline – D: gương phản xạ nửa pản chiếu ảnh frameline và cho ảnh từ lăng kính 5 mặt ( E ) đi qua – F: khung ngắm
Được gọi là máy ảnh quang trắc – rangefinder vì việc lấy nét sử dụng kết cấu quang trắc trên máy ảnh độc lập với ống kính. Trên máy ảnh không có khung ngắm theo kiểu “viewfinder” mà thay vào đó là “frameline”. Người chụp nhìn thấy chủ thể trực tiếp qua khung ngắm hoàn toàn độc lập với ống kính (đôi khi người chụp quên tháo nắp ống kính trong lúc chụp mà vẫn không biết). Trên khung ngắm sẽ có 2 ảnh, một ảnh là ảnh thật và một ảnh là gọi là ảnh lấy nét. Khi lấy nét, người chụp sẽ điều chỉnh trên máy  ảnh sao cho ảnh thật và ảnh lấy nét trùng nhau. Một số máy ảnh RF cho phép phóng lớn frameline để việc lấy nét chuẩn xác hơn.

Cách thức “lấy nét” trên máy rangefinder là điều chỉnh thị sai – parallax error
Trên máy ảnh rangefinder không có gương lật. Vì vậy, máy ảnh rangefinder không gặp phải những khuyết điểm mà gương lật mang lại. Khi nhấn nút chụp, thì lập tức màn trập sẽ mở & đóng, không bị trễ thời chụp do gương lật di chuyển. Máy ảnh rangefinder chụp rất êm vì không tiếng động do gương lật di chuyển. Và cũng chính vì vậy mà ảnh chụp rangefinder vượt qua được khuyết điểm “rung cơ học” bên trong máy ảnh do gương lật di chuyển, vì thế sẽ cho ảnh sắc nét hơn. Trên tất cả, đuôi ống kính máy ảnh gần sát với phim (hay cảm biến) nên độ phân giải quang học MTF là tối ưu.

Cấu trúc quang trắc trên máy ảnh rangefinder
Nếu so sánh khung ngắm, thì máy ảnh SLR cho người chụp thấy được thực tế những ghi nhận của ống kính. Nhưng máy ảnh rangefinder có khung ngắm không bị giới hạn bởi góc nhìn của ống kính nên có thể nhìn thấy những sự việc đang diễn ra ở xung quanh, thậm chí người chụp còn có thể tiên lượng trước những đối tượng đang ở ngoài và sắp tiến vào khung ảnh. Trong khung ngắm, có rất nhiều kích thước của framelines tương ứng với từng tiêu cự sẵn có của ống kính dành cho máy ảnh rangefinder như 28mm, 35mm, 50mm, 70mm, 90mm nhưng không có tiêu cự dài trên 135mm. Vì vậy muốn chụp đối tượng ở xa, bắt buộc phải người chụp phải lắp thêm một viewfinder khác (có thể hiểu nôm na như là một cái ống nhòm) để lấy nét. Máy ảnh rangefinder đo khoảng cách theo kiểu “tam giác lượng” trên máy, nên hầu hết các máy rangefinder không thể lấy nét ở khoảng cách gần (từ 0,6m đến 1,0m). Do đó, rất khó chụp ảnh “close-up” ngay cả khi ống kính cho phép lấy nét gần hơn.
Lựa chọn máy ảnh SLR hay rangefinder?
Hầu hết những cảnh vật có thể thấy được bằng mắt thì máy ảnh rangefinder có thể chụp được và cho chất lượng hình ảnh tốt hơn. Nhưng máy ảnh SLR có thể đáp ứng tất cả nhu cầu sáng tác nhiếp ảnh.

Máy ảnh DSLR vs Rangefinder
Với máy ảnh SLR sẽ không có giới hạn về khoảng cách chụp, nhà nhiếp ảnh có thể chụp những vật ở rất gần hoặc ở rất xa. Những hiệu ứng từ ống kính (fisheye, super wide) hoặc các hiệu ứng từ kính lọc (filter) đều có thể đáp ứng được. Mọi thể loại ảnh phong cảnh, du lịch, đời thường, ảnh thể thao… máy ảnh SLR đáp ứng tất cả.
Nếu nhu cầu về thể loại ảnh miêu tả hiện thực cuộc sống như mắt người  có thể quan sát được như các thể loại ảnh phong cảnh, du lịch hoặc đời thường thì máy rangefinder có thể là lựa chọn tối ưu. Máy ảnh Rangefinder có kích thước nhỏ hơn, thanh tao hơn, chụp rất êm và cho chất lượng quang học tốt hơn.

Tác giả bài viết:
Nguồn tin: nhiepanhsangtao.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 5/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close