VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Nikon Flash: Những điều cần biết

Đăng lúc: . Đã xem 9035 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Đèn flash
Nikon Flash: Những điều cần biết

Nikon Flash: Những điều cần biết

Nikon Flash – đèn ảnh / đèn chớp Nikon – với công nghệ mới nhất phổ biến hiện nay là SB600, SB800 và SB900. Các đèn này đều ứng dụng công nghệ thông minh mà Nikon gọi là CLS (Creative Lighting System), tạm dịch là hệ thống đánh đèn sáng tạo. Công nghệ này của Nikon chỉ phát huy tác dụng khi sử dụng ở chế độ TTL (hay iTTL).
TTL/iTTL (Through The Lens / intelligent Through The Lens) là công nghệ đo sáng cho đèn flash của Nikon để xác định đúng cường độ sáng của chủ thể và cân bằng ánh sáng đèn flash với ánh sáng môi trường. Sở dĩ gọi là TTL/iTTL (xuyên qua ống kính) bởi hệ thống đo sáng cho đèn flash sử dụng chính cảm biến đo sáng của máy ảnh đặt trong thân máy, đo ánh sáng sau khi đã qua hệ thống thấu kính của ống kính, giúp đo sáng phù hợp với chế độ phơi sáng người chụp đặt trên máy, từ đó đo được giá trị ánh sáng chính xác và tạo ra ánh sáng đèn flash phù hợp để ảnh không bị thiếu sáng hay thừa sáng.
nikon
Đặt chế độ đánh đèn không dây CLS trên Nikon D90
Trước khi bàn tiếp về chế độ TTL/iTTL, chúng ta dạo qua các cách sử dụng cơ bản của Nikon flash. Có 3 cách sử dụng chính như sau:

Cách 1. TTL gắn trên nóc máy: Gắn đèn lên nóc máy qua chân đế đèn (hotshoe), đặt đèn ở chế độ TTL/iTTL và để cho máy và đèn tự quyết định cường độ đèn. Với chế độ này, người chụp có thể vi chỉnh bổ sung bằng 2 cách khác nhau là (1) chỉnh bù trừ cường độ đèn (flash compensation) trên thân máy thông qua LCD nhỏ ở nóc máy, và (2) chỉnh bù trừ cường độ đèn ngay trên đèn bằng cách điều chỉnh nút +/- trên đèn. Tất cả quá trình điều chỉnh cường độ đèn còn lại đều được tự động hóa dựa vào giá trị phơi sáng (tốc độ của chập + khẩu độ mở + ISO) được đặt trên máy. Tuy nhiên, đối với rất nhiều người mới sử dụng đèn flash của Nikon, các quá trình tự động này dường như không đem lại hiệu quả mong muốn, ảnh chụp với đèn flash ở TTL/iTTL thường không cho kết quả ổn định, cái thừa sáng, cái thiếu sáng và hiếm khi có được cái ảnh ánh sáng đẹp. Vấn đề nằm ở chỗ nào và giải quyết như thế nào sẽ là nội dung của phần sau bài viết này của VinaCamera.com.
Cách 2. TTL không dây: Đèn flash không gắn trên nóc máy mà được gắn rời và được kích nổ bằng hệ thống kích nổ không dây hồng ngoại (wireless) phát ra từ đèn cóc của máy trong hệ thống CLS. Ở chế độ này, người chụp phải bật đèn cóc (built-in flash) làm đèn điều khiển (Commander Mode / C), sau đó đặt chế độ của đèn cóc (TTL/ thủ công/ giá trị 0) và chế độ của đèn chính (SB600 / SB800 / SB900 với SB900 có thể sử dụng thay thế đèn cóc) bao gồm nhóm đèn (group A, B, C) và kênh liên lạc (channel 1, 2, 3) cũng như chế độ hoạt động (TTL/ thủ công/ bù trừ sáng). Một hay nhiều đèn chính muốn liên lạc được với máy qua hệ thống CLS không dây cũng sẽ phải đặt đúng nhóm và kênh với các cài đặt trên máy. Chúng ta sẽ trở lại các cài đặt này ở phần sau của bài viết.
Cách 3. Thủ công không dây: Đèn flash đặt rời và sử dụng hoàn toàn ở chế độ thủ công được kết nối với máy thông qua hệ thống kích nổ không dây rời – không sử dụng hệ thống CLS. Ở chế độ này, người chup sẽ phải sử dụng các bộ kích nổ đèn có dây hoặc không dây rời (wireless triggers). Đây là chế độ không sử dụng các quá trình tự động xác định cường độ đèn TTL/iTTL trong hệ thống CLS của Nikon. Lúc này đèn flash sẽ giảm giá trị của các chế độ tự động TTL/iTTL trong hệ thống CLS và hoạt động như bất kỳ đèn chớp lớn nhỏ nào (flash gun / strobe), nhưng lại tạo điều kiện cho nhiếp ảnh gia hoàn toàn làm chủ hệ thống đánh đèn của mình.
Những điều cần biết về chế độ TTL/iTTL của Nikon flash (SB600, SB800, SB900)
Ở chế độ TTL/iTTL, hệ thống đánh đèn thông minh CLS của Nikon sẽ sử dụng thông tin đo sáng thu được trên cảm biến đo sáng đặt trên thân máy Nikon (thân tương thích CLS) để xác định cường độ sáng của đèn – cũng như độ mở (zoom) của đầu đèn (zoom head) – để ảnh có ánh sáng đẹp. Các thông tin hệ thống CLS sử dụng trong quá trình tính toán này bao gồm: ánh sáng khung hình, khoảng cách từ máy tới chủ thể (cả chính và hậu cảnh) và tiêu cự hiện thời ống kính.

1. Độ mở đầu đèn (zoom head): Các đèn Nikon SB600, SB800, SB900 có thể đặt ở 2 chế độ đối với zoom đầu đèn là:
(a) Chế độ tự động: Ở chế độ này, khi thay đổi tiêu cự của ống kính, đèn sẽ tự động thay đổi độ mở của đầu đèn cho phù hợp với tiêu cự (hoặc vị trí gần nhất với tiêu cự đang đặt). Tiêu cự ngắm (góc rộng) đầu đèn sẽ tiến về phía trước để mở rộng góc chiếu sáng; ở tiêu cự ngắn (góc hẹp), đầu đèn sẽ lùi về phía sau để khép góc chiếu sáng, tập trung ánh sáng vào chủ thể/ khuôn hình hẹp; và
(b) Chế độ thủ công: Ở chế độ này, người chụp sẽ tự điều chỉnh vị trí của đầu đèn để mở hoặc khép góc chiếu sáng của đèn bằng cách bấm vào nút ZOOM một hay nhiều lần tới khi có độ mở mong muốn.
Do đầu đèn (zoom head) được điều chỉnh dựa trên thông số tiêu cự ống kính có căn cứ khoảng cách từ máy tới chủ thể, khi sử dụng đèn ở chế độ đặt rời – không gắn trên máy – người chụp sẽ phải tự điều chỉnh thủ công độ zoom của đầu đèn mới có thể có góc chiếu sáng phù hợp nhất (vì lúc này khoảng cách từ máy tới chủ thể và từ đèn tới chủ thể sẽ khác nhau). Khi đặt đèn rời, mặc dù vẫn sử dụng chế độ TTL/iTTL, đèn sẽ không tự động điều chỉnh zoom đầu đèn với lý do trên.
Ngoài ra, để chức năng này hoạt động (khi đèn gắn trên nóc máy), phải sử dụng ống kính tương thích, có chức năng “gửi” thông tin khoảng cách tới máy mới tích hợp được thông số này vào hệ thống CLS.
2. Cường độ đèn: Để hệ thống CLS với chức năng TTL/iTTL làm việc hiệu quả, người chụp cần hiểu được hệ thống này căn cứ vào đâu để xác định cường độ đèn. Một số điểm cần chú ý như sau:
Hệ thống CLS TTL/iTTL sử dụng cảm biến đo sáng trên thân máy để đo sáng chủ thể, từ đó xác định cường độ đèn phù hợp. Tuy nhiên, hệ thống CLS không sử dụng giá trị đo sáng hoàn toàn giống như thân máy đo sáng để xác định giá trị phơi sáng (exposure value / EV). Đây là điểm khác biêt cơ bản cần lưu ý khi sử dụng đèn flash của Nikon.
Như ta đã biết, thân máy Nikon có nhiều chế độ đo sáng (metering), phổ biến là đo sáng toàn bộ khuôn hình và lấy giá trị trung bình hay còn gọi là ma trận (matrix), đo sáng toàn bộ khuôn hình và ưu tiên khu vực giữa khuôn hình (center-weighted), và đo sáng một điểm nhỏ theo điều chỉnh điểm đo sáng của người chụp (spot). Tuy nhiên, dù ở chế độ đo sáng nào trên thân máy, hệ thống CLS xác định cường độ đèn chỉ sử dụng duy nhất một chế độ là đo sáng ưu tiên khu vực giữa khuôn hình (center-weighted). Nói cách khác, cùng sử dụng một cảm biến đo sáng đặt trên thân máy nhưng có sự khác biệt về xác định phơi sáng (trên thân máy) và xác định cường độ đèn (của hệ thống CLS).
Chính vì chỉ sử dụng đo sáng theo chế độ ưu tiên giữa khuôn hình nên đối với nhiều người chụp ảnh chưa sử dụng quen đèn Nikon có CLS thường có ảnh với ánh sáng không ổn định, và luôn lo ngại khi sử dụng đèn flash. Hiệu quả ánh sáng của ảnh đặc biệt nằm ngoài mong muốn (sáng quá hoặc tối quá) thường trong các trường hợp sau:
- Hậu cảnh lớn và sáng hơn chủ thể rất nhiều
- Chủ thể nằm lệch về một bên, ví dụ khi áp dụng qui tắc 1/3 và hậu cảnh chênh sáng với chủ thể khá lớn (cả tối hoặc sáng hơn)
Do hệ thống CLS căn cứ vào ánh sáng của toàn khuôn hình và chỉ ưu tiên khu vực ở giữa, trong cả 2 trường hợp trên, hệ thống CLS sẽ quyết định ánh sáng dựa trên thông số ở khu vực giữa ảnh là chính, và nếu chủ thể nhỏ và tối hơn hậu cảnh cũng như chủ thể lệch sang một bên, hệ thống CLS sẽ đưa ra quyết định sai lệch về chủ thể, khiến cường độ ánh sáng đèn dành cho hậu cảnh cũng bị sai lệch, thường là quá yếu (chủ thể bị tối do đèn đánh theo hậu cảnh sáng) và đôi khi là sáng quá (chủ thể bị cháy sáng do đèn đánh theo hâu cảnh tối).
Để khắc phục hiện tượng sai lệch (hay hiểu nhầm) này của hệ thống CLS, có 2 giải pháp đơn giản sau:
Giải pháp 1: Cúp hình đưa chủ thể vào giữa khuôn hình. Tuy nhiên, cách này sẽ hạn chế rất nhiều khả năng sáng tạo bố cục của cả tấm ảnh.
Giải pháp 2: Sử dụng khóa giá trị phơi sáng FV (Flash Value Lock). Cách sử dụng như sau:
- Đặt nút khóa FV: Trên các máy DSLR của Nikon luôn có một nút chức năng (Function button). Nút này không có chức năng cố định mà hoàn toàn do người sử dụng mặc định có chức năng gì. Nút này được cài đặt thông qua Menu chính trên máy, thường nằm ở phần CUSTOM SETTING MENU (có ký hiệu cái bút chì), và có thể khác nhau đôi chút ở các máy khác nhau như nằm trực tiếp dưới Menu này hoặc trong một menu phụ như Controls (điều khiển). Với nhu cầu khóa giá trị cường độ đèn FV, ta cần đặt nút chức năng này là nút khóa FV (Flash Value Lock).
- Chụp ảnh có đèn ở chế độ TTL/iTTL sử dụng nút khóa FV: Sau khi đã đặt nút chức năng là nút khóa FV, thao tác như sau khi chụp có đèn:
a. Ngắm chủ thể chính ở giữa khuôn hình và nhấn nút chức năng FV Lock (có thể phải giữ đến khi nhấn nút chụp). Khi nhấn nút FV Lock, đèn sẽ đánh nhẹ để đo ánh sáng phản xạ từ chủ thể (pre-flash).
b. Chuyển máy ngắm tạo bố cục mong muốn cho ảnh và nhấn chụp. Do giá trị đo sáng cho đèn đã được khóa bởi nút khóa FV lock, đèn sẽ nổ theo giá trị phù hợp với chủ thể. Lúc này, ánh sáng hậu cảnh sẽ hoàn toàn do giá trị phơi sáng được xác định theo chế độ đã đang đặt, và có ảnh hướng chính tới ánh sáng hậu cảnh, trong đó có yếu tố ánh sáng môi trường, còn chủ thể chủ yếu được thắp sáng bằng đèn flash với chế độ phù hợp.
3. Chế độ BL (Balanced Fill Flash) của đèn flash Nikon
Khi đang sử dụng chế độ TTL/iTTL, người sử dụng có thể bật hoặc tắt lựa chọn Cân bằng ánh sáng hậu cảnh với chủ thể, Nikon gọi là Ballanced Fill Flash (BL). Bật tắt chức năng này bằng cách nhấn nút Mode trên đèn. Ghi chú: Để kích hoạt chế độ BL này, máy ảnh phải chuyển sang chế độ đo sáng ma trận (matrix) hoặc ưu tiên khu vực trung tâm (center-weighted); ở chế độ đo sáng một điểm (spot), chế độ BL không hoạt động và chữ BL sẽ không hiển thị trên màn LCD của đèn.
4. Chế độ đồng bộ đèn cao FP (Focal Plane)
Với các máy ảnh (D)SLR có màn chập quét qua lại để đóng mở cửa chập (focal plane) – ngoại trừ Nikon D40, D50, D70s là các máy “đóng mở” cửa chập điện tử, vấn đề xuất hiện khi sử dụng đèn ảnh flash ở tốc độ của chập cao. Do anh sáng đèn flash chỉ chớp lên rồi tắt trong thời gian rất rất ngắn khoảng 1/1000 giây, cấu tạo màn chập này của máy ảnh (D)SLR gây ra hiện tượng có một phần của ảnh không nhận được ánh sáng từ đèn flash. (Xem thêm bài: Tốc độ đồng bộ đèn: Khi nào trở nên quan trọng? http://vinacamera.com/?p=4).
Vì vậy khi sử dụng với đèn flash, người chụp phải giới hạn tốc độ cửa chập (shutter speed) ở tốc độ mà máy ảnh cụ thể cho phép, tốc độ tối đa có thể sử dụng với đèn flash này được gọi là tốc độ đồng bộ đèn (flash sync speed). Các máy ảnh tầm trung thường có tốc độ đồng bộ đèn là 1/200 – 1/250 giây, chỉ có các máy ảnh chuyên nghiệp hàng đầu mới có tốc độ đồng bộ đèn lên tới 1/500 giây hay thậm chí 1/1250 giây. Tốc độ đồng bộ đèn thấp (1/200 – 1/250 giây) thường gây rất nhiều phiền toái trong các trường hợp chụp ảnh ngược sáng, chụp ngoài trời khi muốn giảm ánh sáng hậu cảnh bằng cách tăng tốc độ cửa chập lên cao.
Để tạo điều kiện tăng tốc độ chụp với đèn flash cao hơn nữa – cao hơn tốc đồng bộ đèn thông thường máy ảnh cho phép, Nikon đã chết tạo chế độ chụp FP. Ở chế độ này, thay vì đèn chỉ chớp một lần, đèn sẽ chớp nhiều lần liên tục để duy trì nguồn sáng, đảm bảo tất cả khuôn hình đều nhận được ánh sáng của đèn flash. Tuy nhiên, khi sử dụng chế độ này cần lưu ý:
- Chế độ FP sử dụng được với trạng thái đèn gắn liền trên nóc máy hoặc gắn rời sử dụng chế độ kích nổ không dây hồng ngoại CLS thông qua đèn cóc đặt ở chế độ điều khiển (commander mode).
- Do đèn chớp liên tục, cường độ chớp sáng sẽ giảm đi rất nhiều, đồng thời cũng giảm khả năng đặt đèn từ xa chủ thể. Vì vậy, để bảo đảm ánh sáng, cần đặt đèn ở vị trí gần hơn. Bạn nên thử nghiệm các vị trí đặt đèn phù hợp trong tình huống chụp cụ thể.
- Do đèn chớp liên tục, pin đèn sẽ nhanh hết hơn, cần nhớ mang theo nhiều pin dự phòng.
5. Mẹo đánh đèn TTL/iTTL
Theo kinh nghiệm của VinaCamera.com, khi sử dụng đèn flash ở chế độ TTL/iTTL, đèn sẽ cho ánh sáng đẹp nhất khi đặt bù trừ sáng đèn (flash compensation) trong các trường hợp:
- Đèn đánh thẳng, không sử dụng tản sáng hoặc hắt sáng gắn liền đèn: Trừ khoảng 1.3 – 2.0 (-1.3 <> -2.0)
- Đèn đánh chếch, có sử dụng tản sáng – và có thể kết hợp hắt sáng nhỏ – gắn liền đèn: Trừ 0.7 đến 1.0 (-0.7 <> -1.0)

Nguồn tin: VinaCamera.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 4.7/5

Những tin mới hơn

Ý kiến bạn đọc

 
Close