Chẳng phải nói thì ai cũng biết là chụp ảnh khi trời nắng thì...dễ đẹp. Thế nhưng đôi lúc trên đường du lich ta lại gặp phải hoàn cảnh trớ trêu của thời tiết như mưa, mây mù, biển động...Vậy thì làm thế nào để vẫn có được những bức ảnh đẹp?
Chụp ảnh trong khi trời Mưa
Điều này không có nghĩa là bạn sẽ phải chịu trận dưới làn mưa xối xả, ướt như chuột lụt để có được những khoảnh khắc đẹp đâu nhé. Đơn giản là chúng mình sẽ chụp ảnh từ phía bên trong một khung cửa sổ, từ trong xe taxi hay là dùng ô che mưa nếu...gió không mạnh quá!
Bạn là người ưa dùng phim cổ điển? Giải pháp đơn giản là lựa chọn các phim có tông màu ấm và tương phản cao như: Fuji Velvia 50, Kodak Elitechrome ExtraColor 100 có khả năng ghi hình tốt những độ tương phản thấp và giảm bớt tông màu lạnh của trời mưa.
Bạn dùng máy ảnh kỹ thuật số (dSLR)? Để làm cho hình ảnh ấm áp hơn thì việc lựa chọn vị trí cân bằng trắng (WB) ở Mây mù là thích hợp. Trong trường hợp máy ảnh của bạn cho phép chỉnh cả độ bão hoà mầu, mầu sắc...thì bạn nên thử hết để tìm ra một cách hiệu quả nhất cho hình ảnh của mình. Nên xem lại hình ảnh bằng màn hình máy tính đã được chỉnh màu chuẩn để có thể biết chính xác kết quả.
Bạn muốn chụp ảnh hạt mưa đang rơi? Ý tưởng đôc đáo đấy! Để đạt được hiệu quả mong muốn thì tốc độ chụp phải lớn hơn 1/500. Nếu trời vẫn còn sáng sủa thì ngay cả với thể loại ống kính amateur kém nhạy sáng thị bạn vẫn có thể ghi được hình ảnh đẹp với khẩu độ ống kinh mở rộng và phim có độ nhạy cao.
Sự trợ giúp của đèn Flash trong chế độ "fill-in" (cân bằng với ánh sáng của không gian) sẽ tạo nên một hiệu quả thú vị của những hạt mưa ánh lên một lớp sáng dịu dàng. Để tránh hiện tượng những hạt mưa ở vị trí tiền cảnh bị thừa sáng bạn nên lùi lại một chút để có một khoảng cách thích hợp với làn mưa. Tuy nhiên nếu bạn sử dụng các loại đèn flash nhà nghề thì vấn đề này không phải là phức tạp lắm.
Những hạt mưa cũng hoàn toàn có thể được ghi lại bằng tốc độ chậm (1/30)khi đó chúng sẽ đem lại cảm giác liên tục như một dòng nước chảy. Bạn có thể thử chụp cảnh mưa với những tốc độ chậm hơn nữa để có một bức ảnh với một màn nước xối xả đầy ấn tượng. Cách xử lý này đặc biệt đạt hiệu quả cao khi chụp trong đêm tối với ánh sáng của phông tản ra, loé lên qua những hạt mưa....
Chụp ảnh khi trời gió to
Người ta thường hay nói "mưa gió" vì hai yếu tố này luôn gắn liền với nhau và cho dù bạn sử dụng một chiếc máy SLR hay dSLR thì các mạch điện tử ở bên trong chúng không hề...tương thích với sự...ngấm nước một chút nào hết cả! Trong hoàn cảnh này thì một kính lọc trung tính là cần thiết để bảo về bề mặt ống kính của bạn và nên sử dụng một chiếc túi ni-lông bao bọc lấy toàn bộ thiết bị chụp ảnh. Nếu bạn nhất thiệt phải chụp ảnh khi trời mưa thì việc dán thêm một chút băng dính ở phần đầu ống kính với túi ni-lông sẽ hạn chế đáng kể sự thấm nước không cần thiết ấy.
Trời gió to thì mọi vật đều chuyển động: mây, cây cối, những vật nhẹ...Như thế để tái tạo lại ấn tượng này thì tốc độ chậm là giải pháp tuyệt vời nhất. Thêm vào đó gió to sẽ làm cảnh vật chao đảo và làm sai số đáng kêt độ nét, như thế hoá lại hay vì ta sẽ có những tấm ảnh rất...nghệ thuật! Nếu như ánh sáng tự nhiên quá mạnh khiến cho bạn không thể sử dụng tốc độ chậm thì chỉ cần dùng thêm một kính lọc phân cực (Polariseur) để giảm tốc độ xuống 2 nấc.
Nếu bạn muốn chụp ảnh những cơn sóng quay cuồng trong gió lớn thì tốc độ cao 1/500 sẽ giúp bạn bắt được hình ảnh những con sóng đẹp dữ dội. Kinh nghiệm cho thấy cần quan sát kỹ trước hướng gió và hình dáng các con sóng từ xa, so sánh chúng với những con sóng đến trước và nhất thiết cần phải bấm máy một khoảnh khắc trước khi con sóng vỡ tan vào các tảng đá hay bờ biển. Để làm sinh động thêm tấm ảnh của mình bạn nên chọn một vị trí đẹp mà từ đó có thể lấy thêm vào trong cảnh hình các ngôi nhà, hình người hay những vật thể quen thuộc để làm chuẩn so sánh với kích thước của các con sóng.
Còn về việc đo sáng thì bạn hoàn toàn có thể tin cậy giao phó cho máy đo sáng tự động ở chế độ "Multizone" - đo sáng phức hợp, để lấy được đủ các chi tiết. Nếu bạn lại muốn ưu tiên ánh sáng cho một chủ thể cố định thì có thể đo sáng trước vào đó và chịu hy sinh chi tiết trong ngọn sóng bị thừa sáng.
Sau khi chụp ảnh xong thì việc đầu tiên bạn cần làm là sấy khô các túi máy, dùng các loại khăn đa dụng lau chùi thật cẩn thận vỏ máy ảnh sau đó dùng khăn khô bằng vải mềm lau sạch các vết bẩn và nước đọng trên máy ảnh.
Chụp ảnh trong đêm và những tia chớp
Những cơn mưa đêm thẳm sâu và hối hả rơi xuống thành phố rực ánh đèn mầu đó chính là khoảnh khắc sáng tạo của bạn. Hiệu quả nghệ thuật thường rất khả quan. Đôi khi chỉ cần chụp chồng hình những giọt nước mưa đang rơi hay những giọt nước đọng lại trên khung cửa kính lên trên khung cảnh sáng rực của thành phố ban đêm là đã đủ đẹp lắm rồi.
Có một điều chú ý là để thành công trong chụp chồng hình thì phải trừ bớt -1 khẩu độ sáng ở cả hai tấm hình để có được kết quả như ý ở tấm ảnh ghép. Khi bấm máy nhớ không để lọt vào trong khuôn ngắm một nguồn sáng quá mạnh, trong trường hợp không thể làm khác thì cần hiệu chỉnh khoảng +0,5 đến +1 khẩu độ sáng.
Trong thành phố ban đêm thì những trang phục màu trắng hay những đám tuyết trắng (nếu có) ở châu Âu sẽ tạo nên những điểm nhấn và hiệu quả bất ngờ đấy. Chụp ảnh trời mưa buổi tối bạn có thể dùng tốc độ cao thậm chí khuôn hình không cần chân máy ảnh. Để đạt được hiệu quả đẹp hơn về ánh sáng thì bạn nên chụp lúc màn đêm mới vừa buông xuống, bầu trời vẫn còn xanh và mầu sắc vẫn còn trong tông màu ấm thì sẽ có một nền ảnh rất tuyệt.
Còn chủ đề chụp ảnh những tia chớp trong đêm lại có một sự hấp dẫn và đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn của bạn. Nhưng cũng nên lưu ý rằng bộ đồ nghề chụp ảnh của bạn gồm chân máy ảnh (dù là kim loại hay các-bon) đặt trên mặt đất sẽ là một điểm quyến rũ để cho các tia chớp...xả điện đấy nhé. Vậy nên tốt hơn hết bạn nên chụp ảnh từ trong nhà, trong ô-tô...để tránh những rủi ro đáng tiếc.
Ở đây có một câu hỏi khá phổ biến: vậy thì ta sẽ chọn khẩu độ sáng là bao nhiêu? Kinh nghiệm cho thấy khẩu độ giữa f5,6 và f11 là thích hợp. Vấn đề còn lại chỉ là sự kiên nhẫn và cầu mong cho may mắn giúp mình bắt được tia chớp khi onngs kinh vẫn còn mở. Thời gian chụp trung bình thường ít khi vượt quá 30 giây. Cần lưu ý nền trời gần với thành phố thường khá sáng do đó đẽ bị thừa sáng ở khu vực này. Trong điều kiện này thì sử dụng máy kỹ thuật số có ưu thế là biết ngay kết quả chụp để khắc phục. Sau khi có tia chớp bầu trời bao giờ cũng sáng hơn một cách đặc biệt và bạn có thể tận dụng cơ hội này để chụp thêm vài tấm ảnh phong cảnh ban đêm.
Chụp ảnh trong sương mù và tuyết rơi
Chắc trong số chúng ta ai cũng đã có lần được nghe kể về nghệ sĩ lão thành Võ An Ninh chụp ảnh Sapa trong sương. Bức ảnh đẹp đến huyền ảo, có lẽ chỉ thiếu mỗi anh Tôn Ngộ Không là sẽ thành...Tây Du Ký!
Bạn đã từng leo lên tận cùng đỉnh Yên Tử, hay ngủ đêm ở Tam đảo trong mây, có thể một lần nào đó trên sân Mây của Sapa bạn đã băn khoăn để làm sao ghi lai được những phong cảnh đẹp như mơ...Hôm nay chúng ta sẽ cùng "Đằng Vân" đi xuyên qua những màn sương khói ấy để đem về nhà những tấm ảnh kỷ niệm có một không hai nhé.
Chụp ảnh trong sương mù.
Với cấu trúc của hàng tỉ tỉ tinh thể nước lơ lửng trong không khí sương mù là một hiện tượng của thời tiết mà tuỳ thuộc vào vị trí của nguồn sáng nó sẽ trợ giúp làm phân tán ánh sáng hay phản xạ ánh sáng. Trong ánh sáng tự nhiên thì sương mù làm cho cảnh vật trở nên huyền ảo đôi khi siêu thực. Để chụp được một tấm ảnh phong cảnh trong sương mù đẹp, trong trường hợp chủ thể có độ tương phản tối thiểu, bạn có thể hoàn toàn tin cậy vào chức năng đo sáng tự động phức hợp của máy ảnh "Multizone". Cũng vẫn dùng kỹ thuật như thế bạn có thể chờ đợi lúc màn sương đột ngột rẽ ra để lộ một phần của phong cảnh tuyệt đẹp. Có một điểm cần chú ý là việc dùng tiêu cự tự động trong trường hợp này sẽ rât rủi ro vì máy ảnh có thể không thể lấy nét được vào chủ thể do độ tương phản kém của màn sương. Giải pháp chắc chắn nhất là canh nét bằng tay "Manual". Nếu như bạn thấy sương mù chiếm phần lớn khuôn hình thì rất có thể hệ thống đo sáng Multizone sẽ bị nhầm (thường là cho một chỉ số thiếu sáng) bạn nên cẩn trọng tăng thêm một khẩu độ sáng +1.
Trong trường hợp bạn muốn chụp ảnh ai đó trong màn sương thì nên lưu ý rằng phông sẽ sáng hơn chủ thể. Việc dùng đèn flash ở chế độ "fill-in" là giải pháp hoàn hảo nhất, nhân vật sẽ sáng rõ và nổi bất trên màn sương một cách rất nghệ thuật. Đa phần các máy ảnh hiện hành có thể xử lý rất tốt các cảnh sương mù nhưng tại sao ta không thử làm "Bracketing" * với nhiều chỉ số đo sáng khác nhau xung quanh khẩu độ sáng trung bình để có được phông ảnh sương mù hoặc là sáng sủa, hoặc là tối sẫm cân bằng với tiền cảnh. Bạn cũng có thể thử nghiệm thêm với kính lọc mầu hay dùng flash với thiết bị phản xạ, tạo ánh sáng không trực tiếp...Như thế bạn sẽ hài lòng với những sáng tạo của cá nhân mình.
Chụp ảnh khi tuyết rơi
A, xứ sở của nàng Bạch tuyết luôn là đề tài cho những câu chuyện cổ tích và chủ đề cho những ai muốn sáng tạo cho riêng mình những tấm ảnh mang hồn cổ tích.
Một hôm bạn mở cửa ra và bỗng nhiên thấy tuyết rơi, cảm giác thật tuyệt vời! Hay lần nào đó nghe đài báo trên Sapa có tuyết thể là cả hội khăn gói lên đường chờ khoảnh khắc kỳ diệu ấy.
Bạn cần phải thật khẩn trương để có thể bắt được những khoảnh khắc đẹp nhất trước khi tuyết tan. Vấn đề của chụp ảnh tuyết thì có lẽ ai cũng đã biết đó là lỗi đo thiếu sáng của máy trong trường hợp cảnh chụp rộng mặc dù hệ thống đo sáng multizone rất hiệu quả trong đa số các trường hợp. Để tránh cho tấm ảnh của bạn không bị quá tối những vùng không có tuyết thì bạn nên hiệu chỉnh ánh sáng thêm +1 tới +1,5 khẩu độ sáng và những đám tuyết của bạn sẽ ánh lên một mầu trắng tinh khôi diệu kỳ.
Mải mê chụp ảnh nhưng bạn không được quên mang thêm trong hành lý của mình ít pin dự trữ nhé vì thời tiết lạnh sẽ làm giảm tuổi thọ của pin đáng kể đấy. Kinh nghiệm cho thấy là bạn nên đổi pin chụp liên tục thì cả bộ pin sẽ chụp được lâu hơn. Nếu bạn chụp bằng phim cổ điển thì cần lưu ý nhiệt độ thấp sẽ làm cho phim bị cứng lại, rất giòn và sắc nữa. Thế nên bạn cần tua phim lại bằng tốc độ chậm để tránh phim bị gãy hoặc những rủi ro đáng tiếc.
Ý kiến bạn đọc