VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Những lưu ý khi chụp ảnh đường phố theo Drew Hopper

Đăng lúc: . Đã xem 7287 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Chụp ảnh ban ngày
Những lưu ý khi chụp ảnh đường phố theo Drew Hopper

Những lưu ý khi chụp ảnh đường phố theo Drew Hopper

Nhiếp ảnh đường phố là một loại hình nhiếp ảnh thường được thực hiện một cách hồn nhiên, có thể cần hoặc không cần xin phép nhưng chẳng cần phải quen biết với đối tượng mới chụp được.
Drew Hopper là một nhiếp ảnh gia du lịch chuyên chụp ảnh nghệ thuật và phong cảnh ngoài phạm vi nước Úc. Do niềm say mê đối về tính đa dạng văn hóa, con người và môi trường sống, Drew mạo hiểm đến những vùng xa xôi và rộng lớn để chụp những bức ảnh, trải nghiệm của ông cùng với quan điểm cho rằng chúng sẽ tác động và gợi cảm hứng cho một bộ phận người xem theo cách riêng của mỗi người. Bạn có thể tìm thấy thêm tác phẩm và bài viết của ông trên trang mạng và blog riêng của ông.

Mở đầu cho bài chia sẻ, Drew Hopper nói:

Điều cơ bản đầu tiên phải nói ngay là trong nhiếp ảnh đường phố, việc diễn giải cuộc sống và tính thời sự hàng ngày của xã hội là ngay trên đường phố, không phải do bạn suy diễn tưởng tượng ra và dựng sẵn trong đầu rồi áp đặt cho những khung hình của mình. Chủ đề ảnh đường phố đâu đâu bạn cũng có thể tìm thấy nhiều cơ hội thực hành nhiếp ảnh đường phố và không nhất thiết phải đi du lịch mới chụp được những bức ảnh có ý nghĩa hay giá trị tình thần nào đó.

Nhiếp ảnh đường phố là một loại hình nhiếp ảnh thường được thực hiện một cách hồn nhiên, có thể cần hoặc không cần xin phép nhưng chẳng cần phải quen biết với đối tượng mới chụp được. Tuy nhiên, nhiếp ảnh đường phố không loại trừ những bức ảnh phải có bố cục. Bạn có thể phát hiện ra một nét đặc sắc thú vị thu hút tầm nhìn của bạn; có thể bạn cũng phải nhẩn nha đến bên người lạ để xin họ cho phép chụp. Đây là cách tuyệt vời để có được một bức chân dung gần gũi của một ai đó ngay trong chính môi trường sống thật sự của họ.

anh duong pho

Với nhiếp ảnh đường phố, điều quan trọng chính là niềm vui thích và sự tận hưởng toát ra từ máy ảnh của bạn. Hãy nhớ, mục đích của bạn là nắm bắt được cảm xúc, tình người, và mô tả tính cách của một con người bằng xương thịt và đang sống với những buồn vui phúc hạnh hay khoắc khoải trên dòng đời.

Bạn tốn thời gian vào việc chụp ảnh, nhất là chủ đề ảnh đường phố lại càng mất rất nhiều thời gian, nhưng để đạt được một số kết quả, lòng cảm thông, trải nghiệm cuộc sống, thậm chí tôi luyện lòng nhẫn nại thì điều đó đáng lắm chứ. Sau đây là 10 chia sẻ cần thiết cho những ai thích chủ đề nhiếp ảnh đường phố.

anh duong pho

1 - Chọn ống kính chất lượng nhất

Việc quyết định sử dụng loại ống kính nào là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với nhiếp ảnh đường phố. Bạn có thể bị cám dỗ dùng loại ống kính đa tiêu cự (zoom) để chụp từ xa, nhưng có vẻ như việc đó lợi bất cập hại. Bạn không muốn mình trở thành một kẻ khiến người khác phải khó chịu khi đứng ngay giữa phố, chĩa ống kính to đùng của mình vào những người không quen biết.

Nếu không muốn bị để ý, bạn đến gần, tiếp cận đối tượng và hòa mình vào giữa các hoạt động cuốc sống đang diễn ra., bạn nên sử dụng một ống kính góc rộng và lẩn khuất vào giữa một đám đông nhộn nhịp. Nhiều người chụp ảnh đường phố chọn máy ảnh ‘compact, có lợi thế là nhỏ gọn, nhẹ nhàng và kín đáo hơn so với một chiếc DSLR cồng kềnh.

anh duong pho

2 - Thiết lập thông số máy ảnh

Cách nhanh và dễ dàng nhất để cài đặt máy ảnh của bạn trong việc chụp ảnh đường phố là để máy ở chế độ A (Av - ưu tiên khẩu độ). Với chế độ A (Av), bạn chỉ điều chỉnh khẩu độ (f-stop) và như độ nhạy sáng (ISO) theo ý mình. Máy ảnh sẽ tự điều chỉnh tốc độ màn trập. Trong một ngày đầy nắng, thì vị trí thích hợp để bắt đầu là f/11 - 16 và ISO từ 200 đến 400. Nếu máy ảnh hiển thị cho thấy một tốc độ chụp cao hơn 1/200 giây, thì có nghĩa là bạn đã sẵn sàng chụp được rồi.

Hãy để ý đến tốc độ màn trập của máy ảnh, điều chỉnh về khẩu độ cũng như độ nhạy phù hợp. Nếu máy ảnh đưa ra cho bạn một tốc độ chụp dưới 1/80, thì bạn có nguy cơ chụp ảnh bị nhoè do sự rung lắc của tay cầm máy, trừ khi bạn muốn tạo hiệu ứng mờ nhoè của các chuyển động một cách cố ý. Để khắc phục hiện tượng bị mờ nhoè do tốc độ màn trập chậm, bạn chỉ việc tăng độ nhạy ISO và/hoặc chọn khẩu độ lớn hơn (chỉ số f nhỏ hơn).

Nếu là một người mới bắt đầu chụp ảnh, bạn có thể thiết đặt máy ảnh ở chế độ P (lập trình tự động) để máy ảnh tự chọn các thiết đặt. Bạn cũng có thể điều chỉnh bù sáng (EV) cho bức ảnh được như ý muốn. Chế độ này rất hiệu quả nếu bạn trong tình huống chụp vội (không kịp suy nghĩ), không đủ thời gian để kiểm soát hoạt động của máy ảnh. Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng là tùy chọn tốt nhất. Chế độ P lập sẵn phù hợp cho phép giơ máy bấm chụp chả phải suy nghĩ, nhưng không luôn đáng tin cậy trong bối cảnh ánh sáng yếu, tốc độ màn trập của máy ảnh trở nên quá chậm để bắt dính cảnh chuyển động.

anh duong pho

3 - Tiếp cận đối tượng

Sử dụng một ống kính góc rộng giúp bạn có thể thoải mái tiến sát các đối tượng mình muốn chụp. Hiệu ứng ống kính góc rộng là cho người chụp cảm giác đang có mặt ngay trong khoảnh khắc chụp, và người xem ảnh cũng có cảm giác đó. Bạn có thể hòa mình vào đám đông như là thành phần của bối cảnh, thay vì đứng ngay giữa đường phố với một ống kính dài ngoằng, zoom ra zoom vô.

Nhiều bức ảnh đường phố thành công khi chụp cách đối tượng vài mét và đôi khi chỉ vài xăng-ti-mét. Tản bộ qua một khu phố, một khu chợ hoặc một công viên nhộn nhịp có thể tiếp cận một số cảnh huống đẹp nếu bạn quan sát và chú ý những đối tượng hấp dẫn. Nếu các bức ảnh không đúng như bạn hình dung, có thể bạn cần phải tiến đến gần hơn, vì thế bạn hãy sử dụng đôi chân của mình như một ống zoom để bảo đảm bạn đang ở đúng nơi và đúng lúc.

anh duong pho

4 - Luôn mang theo máy ảnh mọi lúc mọi nơi

Việc chụp ảnh đường phố là ngẫu phát và chẳng chờ đợi bất cứ ai. Đó là một quy tắc mà bạn phải thực hành nhiều để hoàn thiện nếu bạn thực sự thích. Máy ảnh của bạn như đôi mắt vươn rộng con người của bạn – là cổng nối kết để bạn chia sẻ góc nhìn của mình với thế giới. Chắc chắn bạn không muốn bỏ lỡ cơ hội có một bức ảnh tuyệt vời vì không mang theo máy ảnh bên mình. Nếu nghiêm túc với chụp ảnh đường phố, bạn sẽ luôn giữ máy ảnh của mình trong tầm tay vào bất cứ thời điểm nào.

Người ta gọi “khoảnh khắc quyết định”, là lúc mà bạn chỉ có một phần tư giây để nắm bắt đối tượng chụp của mình trước khi nó biến mất mãi mãi. Hiếm khi bạn có được cơ hội thứ hai, vậy hãy luôn sẵn sàng.

anh duong pho

5 - Đừng để ý đến tiếng nói trong đầu mình

Một số người thì ưu tư tìm kiếm ý tưởng để chụp ảnh đường phố. Số khác lại đang bận tâm đến nỗi lo bị các đối tượng nổi nóng vì chụp ảnh họ, sợ bị đe dọa, hoặc bị đánh, hoặc ở một số nơi sẽ bị gọi cảnh sát. Nỗi sợ hãi đơn giản chỉ là biểu hiển giả tạo có vẻ như thật.Tất cả đều là nỗi sợ phổ biến, nhưng có thể vượt qua bằng cách rèn luyện và hóa giải bằng máy ảnh của bạn. Dưới đây là một số gợi ý để vượt qua những mối bận tâm của bạn.

Hãy tìm một địa điểm thú vị để ngồi cùng với chiếc máy ảnh. Tôi bỏ ra hằng tiếng đồng hồ ngồi ở các quán cà phê hoặc nhà hàng khi đi du lịch, máy ảnh luôn sẵn sàng trước mọi cơ hội. Quan sát từ một vị trí thuận lợi, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và có thể chờ cho các bức ảnh đến với mình. Bạn ít bị để ý khi ngồi bên ngoài một quán cà phê với chiếc máy ảnh bên cạnh, hơn là đứng ngay giữa đường phố.

anh duong pho

Hãy bật chiếc Ipod lên và nghe nhạc trong khi tản bộ cùng với máy ảnh. Âm nhạc là một tiêu khiển có thể giúp bạn thư giãn và gợi óc sáng tạo. Điều này nghe có vẻ không mấy hợp lý, nhưng nó có tác dụng diệu kỳ, và giả như nó giúp bạn thoải mái giữa những gì đang bao quanh, thì cũng đáng để chụp một bức ảnh. (Tôi không gợi ý làm điều này vào ban đêm, giữa những nơi ít người hoặc xa lạ ! Hãy luôn cẩn thận với những gì chung quanh.)

6 - Chụp ảnh từ ngang hông

Như một quy tắc chung về nhiếp ảnh đường phố, nếu có thể đưa máy lên ngang mắt, bạn sẽ có được một bức ảnh tốt hơn. Tuy nhiên, có nhiều thời điểm bạn không thể kịp nâng máy ảnh lên ngang mắt để chụp, vì thế việc chụp ảnh từ ngang hông là phương pháp hữu dụng nhằm chộp được một khoảnh khắc quyết định.

Khi mới khởi sự chụp ảnh trên đường phố, tôi thấy thật khó mà giữ cho máy ảnh ngang mắt rồi nhắm vào người lạ để chụp, từ đó tôi bắt đầu giữ máy nằm ngang hông để chụp những bức ảnh tự nhiên hơn. Thoạt đầu, tôi không thành công, nhưng làm chủ được máy của mình và khoảng cách lấy nét, tôi có được nhiều khoảnh khắc tự nhiên tuyệt vời hơn.

anh duong pho

7 - Chụp ban đêm

Chụp ảnh ban đêm trong thành phố là cơ hội tuyệt vời để có được những bức ảnh độc đáo. Việc này không dễ như chụp vào ban ngày; bạn sẽ cần phải quan tâm đến tốc độ màn đủ nhanh nhằm tránh bị mờ và sử dụng ISO và khẩu độ để bù cho tình trạng thiếu sáng.

Hãy mang theo một chân máy ba chân trong trường hợp bạn định thực hiện nhưng bức ảnh cần chụp phơi sáng lâu. Cách khác nữa là sử dụng một ống kính có khẩu độ lớn sẽ giúp bạn có thể chụp được những cảnh thiếu sáng và cả những đối tượng chuyển động. Khi chụp ảnh vào ban đêm, hãy cố gắng tìm ra những đường nét, những chỗ tối và bố cục hấp dẫn nhằm mang lại cho bức ảnh một thể hiện trực quan rõ nét. Những đối tượng in bóng đều rất hay và có thể tạo nên những bố cục tuyệt đẹp cùng với màn đen phủ kín hậu cảnh.

anh duong pho

8 - Suy nghĩ thông thoáng và linh hoạt hơn

Những ý tưởng và cảm xúc mạnh mẽ có thể được miêu tả sinh động qua những gì đơn giản nhất trong một cảnh chụp. Đa phần người ta kết hợp một cách sai lầm việc chụp ảnh đường phố với chụp các nhân vật hoặc chân dung trên đường phố. Không phải lúc nào bạn cũng cần phải có người ở trong khung hình, cần phải nắm bắt cho được những thứ liền kề hấp dẫn hay dồn thật nhiều người hoặc các vật thể khác nhau vào trong khung hình.

Có thể có khó khăn ở một số địa điểm nhộn nhịp, hãy làm một cuộc tản bộ đi vào hẻm phố vắng lặng hoặc lề đường rồi tìm kiếm cho mình những đối tượng hấp dẫn khác nhau. Có vô số cơ hội dành cho mọi loại ảnh chụp có người hay không có người.

Hồi còn ở Việt Nam, tôi dành thời gian đi lang thang qua các ngõ phố để chụp ảnh những chiếc xe đạp và đã tập hợp thành một sưu tập nhỏ các bức ảnh với tiêu đề “Giao thông” và đã trở nên khá phổ biến trong bộ ảnh. Việc đó không phải là do có ý định từ trước, nhưng là vì muốn làm một điều gì đó khác đi nên tôi phát hiện ra một loạt những bức ảnh, mà nếu cứ cứng nhắc, chắc gì tôi đã khám phá được.

anh duong pho

9 - Chất lượng hình ảnh không phải là tất cả

Nhiều người có thể không đồng ý với tôi, nhưng từ kinh nghiệm bản thân trong việc chụp ảnh đường phố, tôi không quan tâm đến chất lượng hình ảnh như khi chụp phong cảnh, dịch vụ hay quảng cáo. Vâng, bạn cố gắng để có bằng được chất lượng hình ảnh cao nhất có thể, nhưng với chụp ảnh đường phố thì điều đó không mấy quan trọng. Theo thiển ý của tôi, bố cục, ánh sáng, kịch tính và câu chuyện mà bạn đang tìm cách thuật lại cho khung hình sẽ chụp là quan trọng hơn chất lượng hình ảnh. Nếu ảnh chụp của bạn nắm bắt được bốn điều đó, thế thì đúng là bạn đang trên đường trở thành một nhiếp ảnh gia đường phố vĩ đại rồi đấy.

Độ nét cao, độ nhiễu thấp và chất lượng hình ảnh không chê vào đâu được cũng chẳng có giá trị gì nếu bố cục của bạn nghèo nàn, ánh sáng tồi và không có bầu khí thuật chuyện. Tập trung vào những gì quan trọng –đó là điều cơ bản tạo nên một bức ảnh đường phố tuyệt vời.

anh duong pho

10 - Quan trọng hơn cả là hãy có niềm vui thích

Tất cả mọi chủ đề nhiếp ảnh, điều quan trọng là hãy thưởng thức những gì bạn thực hiện và thực hiện những gì bạn thưởng thức. Giả như việc chụp ảnh trên đường phố có vẻ không phải là thể loại bạn thích, thì rõ ràng cơ may của bạn sẽ chính là chụp những bức ảnh thông thường khác. Sự sáng tạo sẽ chỉ tuôn trào vào nơi có niềm đam mê sống động, vì thế hãy làm những gì khiến bạn hạnh phúc, chứ không phải những gì người khác mong nhìn thấy. Tôi thích chụp ảnh đường phố vì nó đưa tôi đi đi về về, gặp gỡ những con người thú vị, và nhìn cuộc sống từng ngày bằng một quan điểm tươi tắn. Đấy chính là điều mang lại cho tôi cảm hứng làm những gì mình làm.

anh duong pho

Kết luận :

Chụp ảnh đường phố đòi phải thực hành và càng đi ra ngoài nhiều, mắt của bạn càng trở nên sắc sảo và sự tự tin của bạn càng gia tăng. Phương pháp chụp ảnh này là đơn giản hơn nhiều so với các thể loại khác và việc vận dụng cần tập trung vào những gì cơ bản, cùng với việc giảm thiểu đến mức không còn phải xử lý hậu kỳ nữa. Cách vận dụng duy nhất mà tôi định thực hiện với việc chụp ảnh đường phố của mình là thông qua ống ngắm máy ảnh. Phán đoán và trực giác là hai yếu tố quan trọng. Phán đoán rồi nhận thức bối cảnh đòi hỏi một con mắt sáng tạo về chi tiết và là một nỗ lực tập trung chú ý. Trực giác là ngay lập tức và không cần đến bất kỳ lập luận nào. Hai yếu tố ấy được kết hợp để tạo ra khoảnh khắc quyết định, một tiến trình đáng kinh ngạc nâng bức ảnh chụp của bạn lên tầm cao hơn. Bởi vì tiến trình ấy xảy ra ngay trong thời điểm nhiếp ảnh đường phố được nắm bắt và thể hiện.

Những bức ảnh đường phố sinh động phát xuất từ những ý tưởng và cảm xúc mạnh mẽ được nắm bắt một cách hết sức đơn giản. Nó đi vào nhận thức khiến bạn buộc phải đi ra ngoài cùng với chiếc máy ảnh của mình để nắm bắt những khoảnh khắc quyết định mở ra trước mắt.

anh duong pho
Tác giả bài viết:
Nguồn tin: Drew Hopper Drewhopperphotography.com​
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 5/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close