Hai bức đầu tiên trong bộ hình đều được nhiếp ảnh gia Hải Tre chụp ở khu thắng cảnh Cửu Trại Câu, vườn quốc gia Ngawa, Trung Quốc. Ảnh được chụp từ máy Fujifilm X-T10 vào thời điểm hơn 9h sáng với ánh nắng chiếu ngang tạo bóng núi trên núi nối tiếp nhau và soi trên mặt hồ khá lạ mắt.
"Không giống như ảnh đời thường đòi hỏi khoảnh khắc và đôi khi mang đến sự phiền toái cho người được chụp, thể loại phong cảnh đem đến cảm giác tự do khi được thoải mái đùa nghịch với ánh sáng, màu sắc và đường nét", anh Hải chia sẻ. Mặt hồ xanh trong kết hợp với ánh sáng mạnh chiếu vào rặng cây ở thời điểm gần trưa đã khiến bức ảnh thêm rực rỡ.
Nhiếu nhiếp ảnh gia đều cố gắng tìm kiếm sự sáng tạo với ánh sáng trong ảnh bởi đây là nhân tố số một trong nhiếp ảnh. Ảnh trên được chụp với kỹ thuật phơi sáng nhẹ ở Cebu, Philippines.
Một bức ảnh khác chụp trên đèo Ô Quy Hồ vào lúc 6h40 phút tối, thời điểm mặt trời đã gần như lặn và chỉ còn quan sát được từ các vị trí cao. Bức hình thuộc trường phái ảnh ngược sáng silhouette với ánh sáng le lói của mặt trời kết hợp cùng đường nét nghệ thuật từ các đỉnh núi khuất bóng.
Nhiều người chơi ảnh nghiệp dư thường hiểu theo nghĩa mọi chi tiết đều có thể nhìn thấy mới là đủ sáng. Nhưng đủ sáng lại là một khái niệm khá trừu tượng trong nhiếp ảnh. Bức hình trên được chụp trong điều kiện môi trường xung quanh hoàn toàn tối và không hề có ánh trăng hay đèn chiếu sáng. Tuy nhiên, ánh sáng le lói phát ra từ các đèn trên tay của người dân lại tạo ra một khoảnh khắc đẹp.
Ánh sáng vào buổi tối từ đèn và việc soi bóng luôn được tận dụng triệt để. Để có thành quả "lai" trong bức hình chụp ở Hội An về đem, tác giả đã sử dụng thân máy Panasonic GM1, ngàm chuyển Tilt-shift của Lens Baby kết hợp với ống kính Nikkor 24 f/2.8.
Theo nhiếp ảnh gia Hải Tre, cách mà ánh sáng được nhiếp ảnh ghi lại có đôi chút khác biệt so với mắt thường. Điều này khiến người cầm máy có thể khai thác những khác biệt đó theo một cách sáng tạo hơn.
Không có ánh nắng vàng rực rỡ và cũng không có trời trong xanh nhưng bức ảnh chụp Angkor Wat lúc 4h chiều khi bắt đầu cơn giông vẫn gây được ấn tượng mạnh nhờ chọn khoảnh khắc và ánh sáng thích hợp. Mây đen vần vũ xunh quanh và để hở một khoảng trống với ánh sáng chiếu thẳng vào đền.
Cách chụp ngược sáng cũng rất được ưa chuộng trong các bức hình cưới. Hiệu ứng ánh sáng kết hợp cùng một khung cảnh đẹp sẽ trở nên lung linh và huyền ảo hơn.
Ý kiến bạn đọc