VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Những kỹ thuật cơ bản trong chụp ảnh ngược sáng

Đăng lúc: . Đã xem 13056 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : kỹ thuật chụp ảnh ngược sáng
Những kỹ thuật cơ bản trong chụp ảnh ngược sáng

Những kỹ thuật cơ bản trong chụp ảnh ngược sáng

Ảnh ngược sáng (silhouette) là những bức ảnh được tạo nên bởi những hình khối màu tối nổi bật trên phông nền sáng. Nói một cách cụ thể, trong ảnh ngược sáng, chủ thể của bức ảnh sẽ trông như một khối đen đã được loại bỏ các chi tiết để tạo sự tương phản mạnh mẽ với khung nền sáng xung quanh.

Để có thể thực hiện kỹ thuật chụp ảnh ngược sáng, đơn giản bạn chỉ cần đặt đối tượng cần chụp sao cho ánh sáng đến từ phía sau chủ thể; và thay vì đo sáng đối tượng cần chụp như bình thường, bạn sẽ phải đo sáng vào các vùng sáng của bức ảnh. Điều này sẽ khiến chủ thể trong ảnh trở nên thiếu sáng và trở thành một hình khối đen nổi bật trên khuôn hình.

Dưới đây là những kỹ thuật cơ bản trong kỹ thuật chụp ngược sáng được tổng hợp từ những website và diễn đàn nhiếp ảnh uy tín:

Ánh sáng nền cho chủ thể


Trong ảnh ngược sáng, cách đơn giản nhất để tạo ánh sáng nền là đặt chủ thể sao cho hướng ánh sáng mặt trời đến từ phía sau. Lưu ý, mặt trời càng thẳng góc với mẫu chụp, bạn càng dễ dàng tạo ra một bức ảnh ngược sáng có độ tương phản mạnh.


Tuổi thơ trong tôi của tác giả Nguyễn Khương Thiện trong chủ đề ảnh Ngược Sáng của Số Hóa.

Tương tự như các kỹ thuật chụp ảnh khác, thời điểm tốt nhất để chụp ảnh thể loại này là ngoài trời lúc bình minh và khi mặt trời bắt đầu lặn. Dĩ nhiên, vẫn có thể dễ dàng tạo được một bức ảnh ngược sáng ngay trong chính ngôi nhà của mình bằng cách đặt một nguồn sáng phía sau chủ thể; hay sử dụng ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ phòng.

Chủ thể cho ảnh ngược sáng


Bất kỳ một vật thể nào cũng có thể được dùng làm chủ thể trong ảnh ngược sáng. Tuy nhiên, để có được những bức ảnh đẹp, gây ấn tượng mạnh với người xem, bạn cần chọn những gì có hình khối hay đường nét rõ ràng – vì một khi lên ảnh, tất cả chi tiết bên trong hay màu sắc của chủ thể đó sẽ hoàn toàn bị loại bỏ.

Đo sáng nền


Với ảnh ngược sáng, hãy chọn đo sáng vào một trong các vùng sáng của phông nền thay vì đo sáng trực tiếp vào chủ thể cần chụp. Để làm được điều này, chỉ cần đơn giản hướng ống kính vào vùng sáng và có độ tương phản rõ rệt, sau đó nhấn nhẹ nút chụp hình nhanh để máy tự động đo sáng và đưa ra các thông số khẩu/tốc độ tương ứng. Khi có được giá trị khẩu độ và tốc độ này, hãy ghi nhớ chúng để có thể thiết lập lại cho đúng trong chế độ chụp thủ công (Manual) sau đó. Nếu đã có một ít kinh nghiệm về máy ảnh và yêu thích chế độ sáng tạo tùy chỉnh thủ công hoàn toàn, bạn có thể đo sáng nền sau đó nhấn nút khóa sáng rồi bố cục lại khung hình sao cho ưng ý.

Chụp tự động hay tùy chỉnh thủ công


Hầu hết máy ảnh hiện đại đều được trang bị hệ thống đo sáng tự động có độ chính xác cao để đảm bảo chủ thể của bức ảnh luôn đủ sáng. Tuy nhiên, chính vì quá “thông minh” nên người dùng sẽ gặp chút rắc rối khi máy tự động tăng sáng cho chủ thể - trái ngược hoàn toàn với tiêu chí làm cho chủ thể thiếu sáng trong chụp ảnh silhouette.


Bình minh Vũng Tàu của tác giả Du Chi Hung trong chủ đề ảnh Ngược Sáng của Số Hóa.

Chính vì vậy, nếu sử dụng các chế độ chụp tự động hay bán tự động, khi đo sáng nền, bạn phải nhấn nhẹ nút chụp hình nhanh rồi tiếp tục giữ nguyên trong khi bố cục lại khung hình, sau đó nhấn mạnh nút này để chụp. Với hầu hết các máy ảnh hiện nay, bạn có thể chụp ảnh ngược sáng bằng cách này. Tuy nhiên, đôi khi hình ảnh không được sắc nét nếu sử dụng chế độ lấy nét tự động.

Với chế độ chụp chỉnh tay hoàn toàn, cách đơn giản nhất là sử dụng các thông số khẩu độ và tốc độ mà máy tính toán được khi đo sáng nền bằng chế độ tự động. Nếu chủ thể vẫn chưa thật tối như mong muốn, hãy tiếp tục đóng từ 1 đến 2 khẩu; hoặc sử dụng tính năng “bracketing” để máy tự động chụp nhiều ảnh ở nhiều mức độ phơi sáng khác nhau.

Tắt đèn flash


Ánh sáng từ đèn flash tích hợp trên máy sẽ làm chủ thể sáng lên và làm hỏng bức ảnh ngược sáng của bạn. Vì thế, hãy luôn nhớ tắt đèn flash, nhất là khi bạn chụp bằng các chế độ tự động.

Bố cục


Một bức ảnh chụp ảnh ngược sáng đẹp cũng cần phải có một bố cục tốt. Sự kết hợp hài hòa giữa chủ thể và phông nền giúp tác phẩm của bạn trông thú vị và lôi cuốn hơn. Người chụp có thể tận dụng những vật xung quanh như khung cửa sổ, mái vòm hay một tán cây để bức ảnh trông sinh động, gần gũi hơn với người xem.

Lấy nét



Quê hương thanh bình của Huynh Lam. Ảnh chụp bằng máy Nikon D200. Thông số: f/9, 24mm, ISO 200.

Trong nhiếp ảnh, để có được một bức ảnh đẹp thì ngoài bố cục, độ sắc nét cũng là một yếu tố rất quan trọng. Nếu sử dụng tính năng lấy nét tự động khi chụp ảnh ngược sáng, người dùng chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn có thể do chủ thể không có độ tương phản; hay khi đo sáng nền và chụp bằng chế độ chụp tự động trên máy.

Để giải quyết vấn đề này, có thể sử dụng chế độ chỉnh nét bằng tay (MF) để lấy nét vào chủ thể trước khi tiến hành đo sáng vào hậu cảnh. Ngược lại, nếu không tự tin vào khả năng lấy nét thủ công, hãy sử dụng độ sâu trường ảnh lớn (thiết lập trị số khẩu độ vào khoảng f/16) để đảm bảo toàn bộ khung cảnh được chụp luôn sắc nét.

Nguồn tin: sohoa
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 4/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close