VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Tưng bừng du xuân lễ hội Đền Vua Mai ở Nghệ An
669

Tưng bừng du xuân lễ hội Đền Vua Mai ở Nghệ An

vua mai nghệ an, lễ hội nghệ an, lễ hội vua mai

Sự kiện nói chung, bởi
Từ đến
(tức bắt đầu vào ngày 13/1 âm lịch)
Không giới hạn khách
Đã xem 669
Tổng số điểm của sự kiện là: 10 trong 2 đánh giá
5  Click để đánh giá sự kiện
Hàng năm, cứ đến ngày 13-15 tháng giêng âm lịch, người dân tưng bừng, náo nức trở về huyện Nam Đàn - Nghệ An cùng tham dự Đền Vua Mai với nhiều hoạt động đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa vùng quê xứ Nghệ bên dòng sông Lam.

Thông tin chi tiết

Lễ hội Đền Vua Mai gắn liền với với cuộc khởi nghĩa Hoan Châu của vị anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan - vị vua đầu tiên trên đất Nghệ An cách đây gần 13 thế kỷ. 


 

Năm 713, Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa, ông cho xây đắp chiến lũy thành Vạn An ở ngay thị trấn Nan Đàn bây giờ, chứa voi trận, khí giới, lương thực dự bị để tính kế lâu dài. Khi binh hùng, tướng mạnh, căn cứ vững chắc, nhân dân một lòng ủng hộ, chẳng mấy chốc Mai Thúc Loan đã thu được một vùng rộng lớn, trước hết chiếm giữ Hoan Châu làm căn cứ, sau đó mở rộng thế lực ra các châu huyện rồi tiến công đánh chiếm Tống Bình phủ thành (nay là Hà Nội) giải phóng cả nước. Mai Thúc Loan đã xưng đế (tức vua Mai Hắc Đế), chọn thành Vạn An (Nam Đàn, Nghệ An) làm quốc đô. Dưới sự trị vì của Mai Hắc Đế, nước ta đã giành được độc lập, tự chủ trong gần 10 năm (713 - 722). Cùng với khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Lý Bí, khởi nghĩa Phùng Hưng, công cuộc giành quyền tự chủ của Khúc Thừa Dụ - Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ và chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, khởi nghĩa Hoan Châu của Mai Thúc Loan là một trong những cuộc khởi nghĩa vào loại lớn nhất của thời kỳ chống Bắc thuộc, là một trong những mốc son quan trọng trên con đường đấu tranh giành độc lập của dân tộc, phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn 1000 năm Bắc thuộc. Ý nghĩa và bài học lịch sử của cuộc khởi nghĩa này vẫn vẹn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. 



 Công ơn của Mai Thúc Loan và nghĩa quân đến ngàn đời sau vẫn luôn được biết đến như những chiến công hiển hách nhất của dân tộc. Cũng từ chiến công đó mà tạo nên một lễ hội có một không hai ở Nghệ An: Lễ hội Đền Vua Mai, lễ hội đã góp phần tô thắm thêm giá trị lịch sử - văn hóa hào hùng của xứ Nghệ nói riêng, cả nước nói chung. Lễ hội Đền Vua Mai mang đậm nét văn hóa truyền thống gắn liền với những truyền thuyết, sự tích lịch sử về Mai Hắc Đế và nghĩa quân. Lễ hội là một di sản phi vật thể của quê hương Nam Đàn, mang đầy đủ hai yếu tố lễ và hội. Phần lễ bao gồm lễ Mộc dục, lễ Khai quang, lễ Yết cáo, lễ Rước nước, lễ Đại tế và lễ Tạ. Ngày 13 tháng Giêng sẽ tiến hành các lễ: Rước nước, Mộc dục, Tế Gia quan. Ngày 15 tháng Giêng là ngày Đại tế (lễ Tế thần) có ý nghĩa thỉnh mời và đón rước các chư vị thần linh về dự hội để dân làng chúc tụng, tỏ lòng biết ơn đấng thần linh. Đây là nghi lễ trang trọng nhất trong hệ thống lễ kỳ Đại tế có thể kéo dài đến hết ngày 17 tháng Giêng.



Phần hội gồm nhiều hoạt động sôi nổi mang đậm bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tinh thần thượng võ, đoàn kết như: đua thuyền, đấu vật, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên, đẩy gậy, thi đấu bóng chuyền, bóng đá. Nhân dân các địa phương của huyện Nam Đàn tổ chức hội thi làm “Cỗ xôi gà” tươm tất để dâng lên Vua Mai và các nghĩa quân; tổ chức cắm trại tại khu lăng Vua Mai, tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng với chủ đề ca ngợi công đức Vua Mai, ca ngợi quê hương đất nước. 



 

Một trong những điểm nhấn quan trọng của Lễ hội là Đêm Hội thả đèn Hoa đăng tưởng niệm công đức Vua Mai, cầu cho “Quốc thái, dân an; Nam Đàn phát triển; nhà nhà no ấm” . Hàng ngàn chiếc đèn hoa đăng sẽ được thả trong hồ nước trước Lăng Vua Mai kèm theo những lời tri ân sâu sắc đối với công đức Vua Mai, những lời cầu mong, ước nguyện mong cho quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. 


 

 
Close