Đây là lễ hội lớn nhất Lạng Sơn, được tổ chức long trọng hằng năm để tri ân công đức với các bậc tiền nhân, vào tạo không khí tươi vui phấn khởi đầu xuân. Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ diễn ra vào giờ Ngọ ngày 22 tháng Giêng, bắt đầu với lễ rước kiệu ông Tuần Tranh từ Đền Kỳ Cùng lên tạ nghĩa với ông Thân Công Tài ở Đền Tả Phủ. Đến giờ Ngọ ngày 27 tháng Giêng, nhân dân địa phương lại làm lễ tiễn biệt, rước kiệu ông Tuần Tranh trở lại Đền Kỳ Cùng.
Thông tin chi tiết
Theo truyền thuyết, đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại) thờ quan Tuần Tranh thuộc nhà Trần, do oan khuất nên ông nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn. Sau này, Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài được nhà Lê cử lên Lạng Sơn đã minh oan cho cái chết của ông Tuần Tranh, sau khi ông mất người dân lập đền Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ) để thờ cúng. Cảm kích trước công ơn của ông Thân Công Tài, ngày 22 tháng Giêng hàng năm, vào đúng Ngọ người dân địa phương mở hội rước bát hương ông Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ tạ nghĩa. Ngày 27 sẽ rước kiệu quay ngược lại, đặc biệt ngày 27 diễn ra lễ cướp đầu pháo, theo quan niệm dân gian ai cướp được đầu pháo năm ấy sẽ gặp may mắn tài lộc.
Đền Kỳ Cùng rất linh hiển nên mỗi khi sứ bộ đi qua đây đều sửa lễ cáo yết rồi mới sang đò.” Theo truyền thuyết, trước đây khi mới được xây dựng, đền Kỳ Cùng thờ thần Giao Long nhưng qua quá trình biến đổi, tác động của lịch sử, đền đã thay việc thờ thần Giao Long bằng thờ quan Tuần Tranh, một vị quan thời nhà Trần vốn có nhiều công lao dẹp giặc nhưng bị oan khuất nên đã nhảy xuống bến đá sông Kỳ Cùng tự vẫn. Ông được nhân dân tôn làm thần sông ngự tại đền Kỳ Cùng và sau này ông được vị quan nhà Lê là Thân Công Tài minh oan. Để cảm tạ công lao lớn của Thân Công Tài nên hàng năm vào mùa hội Kỳ Cùng, quan Tuần Tranh phải đi kiệu đến đền Tà Phủ (là nơi thờ tự Thân Công Tài, cạnh phố chợ Kỳ Lừa) làm lễ tạ ơn. Những người tham gia rước kiệu là thanh niên trai tráng mặc trang phục lộng lẫy gọi là "Đồng Nam". Một tốp thiếu niên mặc đồng phục gọi là “Đồng Tử” khiêng đỉnh hương trầm, có đội múa rồng, múa sư tử vây xung quanh. Đoàn rước đi vòng qua các dãy phố, cứ đến ngã ba, ngã tư lại thực hiện động tác quay vòng, thu hút sự quan tâm của du khách. Nhân dân các dân tộc sinh sống trên địa bàn thành phố Lạng Sơn tùy điều kiện mà sắm các mâm lễ, sản vật to nhỏ bày trước cửa nhà mình cùng cùng dâng lên quan lớn Tuần Tranh khi kiệu rước qua.
Phần hội còn có các trò chơi dân gian như: Cờ người, chọi chim, đẩy gậy... Đặc biệt có trò chơi đốt đầu pháo diễn ra ngày 23, 24 tháng giêng.
Các đầu pháo theo thứ tự 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9, 10 (không có số 7 vì người dân quan niệm số 7 không tốt). Đầu pháo có gắn đầu kim loại, cuốn vải cẩn thận, rước ra sau đền làm lễ cúng thần. Sau đó, được đem ra đốt. Khi pháo nổ, vòng kim loại bay lên không trung rơi xuống, mọi người cùng tranh nhau cướp đầu pháo. Những ai tranh được đầu pháo thì đem đến trình với thần Đền và Ban Tổ chức lễ hội để nhận phần thưởng. Cùng với phần thưởng được trao, những người thắng cuộc mang đầu pháo thờ tại gia đình để cầu may mắn, bình yên.
Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tà Phù là hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian độc đáo, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và ngày càng khẳng định là điểm đến hấp dẫn của người dân Lạng Sơn và du khách.