VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Nhiếp ảnh theo phong cách thiền

Đăng lúc: . Đã xem 7238 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Tào lao
Nhiếp ảnh theo phong cách thiền

Nhiếp ảnh theo phong cách thiền

vuanhiepanh.com Kể từ khi Zen ở Nhật phát triển khắp thế giới , bộ môn nhiếp ảnh thiền cũng ra đời trong thâm trầm , đạo vị . Zen là sự thăng bằng , chú trọng đến vật thể thực tại , đơn giản và tầm thường .
 Người thưởng ngoạn ảnh trong phút giây tĩnh lặng nào đó, sẽ có một lần chợt thấy mình bỡ ngỡ vì bức ảnh mới quá, lạ quá, đơn sơ quá cơ hồ như mới thấy lần đầu. Một chân lý vi diệu vừa được khám phá. Đó là khoảnh khắc của sự bừng tỉnh, như căn phòng kín tối tăm đã lâu nay được mở toang mọi cửa nẻo đón ánh sáng của một ngày mới, như ngọn đèn vừa thắp lên sau biết bao tháng năm bỏ quên lăn lóc trong bóng tối âm thầm. 

 

Tư tưởng nhất nguyên (monism) trong thiền mang lại cho ảnh những sắc độ đậm nhạt tượng trưng cho từng mức độ hóa giải, và thể hiện một sự vật nào đó tưởng chừng vô nghĩa như gốc cây, cục đá, cành hoa, con chim trên cành, ngọn lau trĩu tuyết, một cành trúc trước gió, một hòn đá trơ trọi... nhưng lại chuyển tải được sự sống mà không cần giải thích . Một đoá huệ nở cô đơn hay một cánh sen lay trong gió là hình ảnh sống động của một tâm hồn thuần phác nguyên sơ trong cơn giông tố cuộc đời. Một chiếc thuyền câu bé nhỏ trên mặt nước mênh mông cho ta ấn tượng sâu sắc hình ảnh biển cả bao la và sự hiện hữu một tâm hồn sâu kín hòa nhập vào cuộc sống thiên nhiên. Nghệ sĩ Zen đã phản ảnh lại những khoảng khắc mà họ đã sống trong thế giới giác ngộ qua những hiện tượng trung gian : một cánh chim bay trong trời giông bão, chiếc lá trong sương thu, thác nước mơ hồ trong hoàng hôn hay bóng một con chim lẻ loi trong rừng sâu . Tất cả những kỳ diệu sâu kín này lại tựu thành trong sự dung dị và không cần nổ lực nào để đạt nó .


Cái ý tưởng giải phóng bản thân nhỏ hẹp từ cuộc sống hàng ngày thông qua trực giác của mình hoặc mình tự cảm thấy . Nhà thơ haiku Basho cảm thấy đó là một “trực giác đáng kể từ hiện thực” ( a significant intuition into Reality) . Bởi thế Basho nhìn sự vật như chính nó (the thing itself), là nó (isness), như thế đó (suchness) . Ông là một người đã giác ngộ . Nghệ sĩ nhiếp ảnh Edward Weston cũng một quan điểm như thế trong cách chụp ảnh “nhìn sự vật như chính nó” . Nhịp điệu cuộc sống không là gì cả để trở thành biểu tượng cho toàn thể . Chính sự sáng tạo của nhà nghệ sĩ mới thu nhận những nhịp điệu đó để làm cho phù hợp với con người (Newhall) .
Nhiếp ảnh làm thay đổi cách nhìn với thế giới. Lĩnh vực hoạt động của nhiếp ảnh không hẹp hơn bất kỳ một ngành nghệ thuật nào khác trong các nghệ thuật tạo hình. Kỹ thuật điện tử đẩy nhiếp ảnh lên một bước tiến mới : mở rộng khoảng không sáng tạo, vĩnh cửu hóa tư liệu và nghệ thuật. Nhiếp ảnh và hội họa là hai nghệ thuật rất gần nhau. Cả hai nghệ thuật này đều đưa các vật thể từ không gian ba chiều lên mặt phẳng hai chiều và cũng đều chịu sự chi phối của những luật chung như luật phối cảnh, đường chân trời, điểm vô cực.v.v…Nhưng rõ ràng nội dung và hình thức của hai loại nghệ thuật tạo hình này hoàn toàn khác nhau.

 

Nội dung tác phẩm nghệ thuật không chỉ là đối tượng mô tả, hay là đề tài mà chính là cái đẹp có trong tác phẩm đó. Còn hình thức là sự thể hiện nội dung thực tế qua nguyên liệu chính của loại hình nghệ thuật đó. Nói cách khác hình thức của tác phẩm nghệ thuật là hệ thống tín hiệu khác nhau dùng để thu nhận, thể hiện và truyền đạt cho người xem (nếu là nghệ thuật tạo hình), người nghe, người đọc (văn học)... Nhiệm vụ của nhà nhiếp ảnh là phải xác định cho được nội dung của tác phẩm, để từ đó có hình thức thể hiện phù hợp. Đối với nhiếp ảnh thiền, trong nội dung hình tượng bao giờ cái khách quan cũng được đặt lên trên cái chủ quan. Nghĩa là đối tượng thể hiện bao nhiêu vẽ đẹp, thì nhà nhiếp ảnh chỉ có thể thể hiện bấy nhiêu vẽ đẹp. Nhiếp ảnh gia không cần tưởng tượng xem đối tượng của mình sẽ như thế nào, bối cảnh, môi trường sẽ ra sao… Vẫn biết rằng những yếu tố này góp phần biểu hiện tư tưởng, tình cảm, nội tâm của tác giả (ngoại trừ cảnh lắp ghép, xử dụng phần mềm photoshop). Nói cách khác , sự biểu hiện của nghệ sĩ nhiếp ảnh được tìm ngay trong cuộc sống, trong hiện thực khách quan : những hiện tượng , sự kiện , khoảnh khắc nào biểu hiện được tư tưởng, tình cảm và thái độ của nghệ sĩ đối với ngoại giới. Ý muốn sáng tác của nhà nhiếp ảnh không định trước, mà phụ thuộc vào đối tượng khi tìm thấy sự kiện, sự vật hấp dẫn đến mức độ nào, chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào trạng thái, tâm hồn mà nhà nghệ sĩ muốn biểu hiện lúc đó. 


Điều này xảy ra ngay trong lúc nảy sinh ý xây dựng tấm ảnh thiền. Tức là lúc một hiện tượng cuộc sống nào đó ăn khớp với trực giác của nhà nhiếp ảnh và thôi thúc tác giả xây dựng tác phẩm . Nhà nghệ sĩ coi hiện tượng đó như hình thức có nội dung, một thứ có sức truyền cảm. Bởi trong hiện tượng này hàm ý có tư tưởng và cảm xúc. Ý nghĩa đó được khám phá qua cái vẻ bên ngoài của nó, mà nhà nghệ sĩ đã nhìn thấy.
Đối với ảnh thiền, lối bố cục có nhịp điệu mang tính độc đáo riêng, không phải bản thân ảnh tạo ra được nhịp điệu. Nhịp điệu đó sẵn có trong tự nhiên. Vấn đề quan trọng là nhà nhiếp ảnh phát hiện ra được và đánh giá được nhịp điệu đó. Chẳng hạn bức ảnh chụp những chú chim sâu đậu rải rác trên những sợi dây thép, tạo ra như những nốt nhạc, rất có nhịp điệu. Một bức ảnh dù đạt nghệ thuật cao, nhưng thoát ly thực tế, xa rời cuộc sống, thì giá trị bức ảnh đó không đáng giá, nó chỉ còn là một trò chơi ánh sáng. Đó cũng là lý do tại sao dòng thiền phải loại ra khỏi nghệ thuật ảnh thiền những cái gọi là tác phẩm, mưu toan dùng những kỹ xảo khác nhau để “giải phóng” ảnh nghệ thuật ra khỏi “xiềng xích” của sự chân thật . 

 

Ảnh thiền phải có các tính chất sau :
- Bất đối xứng (Fukinsei ) : Hình ảnh gắn liền với một bất đối xứng nhẹ . Sự phá vỡ đối xứng không phải là một sự phá vỡ hoàn toàn đối xứng ban đầu để đi đến hỗn độn mà là một sự phá vỡ nhất định xảy ra trên nền đối xứng cơ sở ban đầu. Nếu thiên nhiên là hiện thân của sự sống, của cái đẹp thì sự vi phạm đối xứng phải là một dấu hiệu tất yếu của sự sống và cái đẹp. Sự đối xứng tuyệt đối chỉ là nguyên lý.
- Giản dị (Kanso) : Hình ảnh đơn giản , loại bỏ những gì không cần thiết , tránh những cấu trúc rối mắt, màu sắc lòe lẹt .
- Chân phương (Koko) : Giảm tất cả mọi chi tiết rườm rà, chỉ giữ lại cái tinh tuý của ảnh chính .
- Tự nhiên (Shizen) : Bản chất của Zen là thô kệch , vì thế ảnh không chỉnh sửa , để tự nhiên .
- Sâu kín (Yugen) : Phải để ảnh lắng đọng trong sâu kín , huyền hoặc , và một khoảng bóng tối. Chẳn hạn một đường nét gợi ý sự mềm dịu của mặt trăng trên bầu trời .
- Tự do (Datsuzoku) : Ảnh chụp không gò bó theo một nguyên tắc nào . Tự do lựa chọn đề tài , hình ảnh được ghi lại bất chợt , không có định kiến trước . Yếu tố bất ngờ và đặc tính ngạc nhiên là bí quyết của ảnh thiền .
- Im lặng (Seijaku) : Hướng về nội tâm , vắng lặng và đơn độc . Toàn ảnh bao trùm trong yên lặng tuyệt đối giống như sự lặng thinh của những hạt bụi , buổi bình minh , thời gian cuối thu hay đầu xuân ...

 

Nghệ thuật của ảnh thiền là dùng kỹ thuật để ghi lại những hình ảnh và gợi lên sự giác ngộ . Nhiếp ảnh gia hay nhà thơ haiku đều cùng chung một nguồn . Nghệ sĩ người Pháp Henri Cartier Bresson cũng nói : "Khi tôi vẽ cùng lúc với tư duy , mọi thứ đều mất" ( Berger) . Sức mạnh của trực giác như là một kết nối giữa thiền và nhà nghệ sĩ . Hầu hết nghệ thuật là nhận thức từ trực quan , một nhận thức trực tiếp sâu sắc và không phải là một sản phẩm của sự phân tích . Tóm lại khi đang tìm kiếm ảnh để chụp là phải theo cảm xúc cho đến khi bạn có thể "nghe ánh sáng hát". Ðó là một hiện tượng trực quan và đó cũng là thời điểm để ghi lại trên ảnh .


Có nhiều con đường để đi đến giác ngộ . Ngộ cũng có thể thông qua bắn cung , thơ haiku , tranh thiền hoặc hiện đại hơn là ảnh thiền . Chẳn hạn khi Buber chụp một mảnh mi ca nằm trên đường vì chợt thấy ánh sáng phản chiếu từ vật vô tri đó khiến nhà nghệ sĩ chứng ngộ rằng giữa ta và người có mối quan hệ với tấm mi ca , đúng lúc ấy Buber quên hẳn chủ thể và đối tượng , ông tức khắc ghi hình ảnh đó vào máy . Bởi thế đám mây, vỏ cây ,vỏ sò , đá sỏi ... đều nằm trong toàn bộ ảnh , đó là cuộc sống và đáng để nhà nghệ sĩ ghi hình .
Bước vào cõi ảnh thiền là bước vào thế giới u mặc đầy gợi ý. Người nghệ sĩ ảnh thiền muốn gởi cho mọi người một thông điệp ẩn tàng qua những hình ảnh đơn sơ đời thường tưởng chừng vô nghĩa nhưng lại có tính cách giải thoát tâm linh. Trong chừng mực nào đó ảnh thiền có thể xem là một phương tiện chứng ngộ. Chức năng của ảnh thiền gắn với chức năng của công án thiền.
Tác giả bài viết:
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 5/5
 
Close