“Đấu xảo” là một cách gọi tên của cái mà ngày nay chúng ta thường dịch từ chữ “exposition” tức là “triển lãm”. Ý định tổ chức một cuộc triễn lãm ở Hà Nội của người Pháp xuất hiện từ rất sớm.
Trong phiên họp đầu tiên của hội đồng bảo hộ ngày 2/5/1886, toàn quyền Paul Bert đã bày tỏ: “Ngay từ bây giờ, tôi lập một cuộc triển lãm các sản phẩm tự nhiên hoặc gia công của Bắc kỳ vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới. Tôi hy vọng đa số những người tham gia triển lãm sẽ để lại cho chúng tôi những sản phẩm đã trưng bày để làm cơ sở cho một bảo tàng Canh nông, Thương mại và Kỹ nghệ sau này”.
Cuộc triển lãm đầu tiên ở Hà Nội đã được tổ chức vào năm 1887 nhưng cuộc triển lãm có quy mô vào loại lớn nhất và có sự tham dự của nhiều quốc gia thì phải đến cuộc triển lãm năm 1902. Nó đặc sắc không chỉ là sự kiện diễn ra vào đầu thế kỷ XX mà năm đó còn diễn ra một sự kiện trọng đại là khánh thành chiếc cầu thép khổng lồ bắc qua sông Hồng (cầu Long Biên).
Một gian hàng trưng bày trong cuộc đấu xảo 1902.
Cuộc đấu xảo này được trưng bày tại một công trình kiến trúc mà quy mô và vẻ đẹp của nó được coi là điểm nhấn đặc sắc nhất ở Hà Nội vào thời điểm 10 năm trước khi Nhà hát lớn thành phố được khai trương (1911). Toà nhà do kiến trúc sư Bussy thiết kế. Công trình được ví như một tòa lâu đài tráng lệ.
Từ cổng đến lâu đài dài 300m. Cửa vào đặt hai con sư tử đồng lớn. Giữa quảng trường đặt một tốp tượng. Công trình có chiều dài 110m, rộng 30m và cao 27m, giữa là một gian mái tròn nối với các gian khác bằng nhiều hành lang. Hai phía gian đầu có những mái tròn nhỏ hơn. Toàn bộ diện tích xây dựng lên tới 3000m2. Trong lâu đài trang trí bằng nhiều tranh vẽ lên tường của họa sĩ Vollet.
Toà nhà này sau đó được chuyển giao để thành lập một bảo tàng kinh tế đầu tiên và lớn nhất Đông Dương (Bảo tàng mang tên Maurice Long). Đây được xem là số ít công trình đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người lao động. Bởi lẽ viên giám đốc Crevost đã mở trường thủ công, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều dân làng mấy tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Bắc Ninh.
Chính tại khu vực nhà đấu xảo đã diễn ra cuộc mít tinh biểu tình rầm rộ chào mừng ngày quốc tế lao động diễn ra vào năm 1938. 16h ngày 1/5, cuộc mít tinh mớt bắt đầu nhưng ngay từ xế trưa, trên nhiều ngả phố, những dòng người tham gia mít tinh đã cuồn cuộn lên đường. Tổng cộng có trên 25.000 người của 25 đoàn khác nhau. Đây là cuộc mít tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ, biểu dương sức mạnh của nhân dân lao động.
Khi Nhật vào Đông Dương, chúng chiếm đấu xảo làm doanh trại và kho quân lương, quân khí vì nhà bảo tàng có tầng trệt là một tầng hầm kiên cố, xây bằng đá hộc. Đây là nguyên nhân khiến cho toà kiến trúc đẹp đẽ biến mất sau trận ném bom của máy bay Đồng Minh. Dấu tích duy nhất không bị bom đạn huỷ hoại của công trình xưa chính là đôi sư tử bằng đồng rất đẹp mà ngày nay chúng ta còn thấy đặt trước rạp xiếc Hà Nội tại khu vực Công viên Thống Nhất.
Đôi sư tử đồng đặt trước rạp xiếc Hà Nội
Sau khi Nhật thua trận, đầu hàng, đại đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu chuyển sang đóng ở đấu xảo. Từ đây khu đấu xảo rộng lớn vừa là vị trí đóng quân chủ yếu của Đội tự vệ chiến đấu, vừa là trụ sở của Ban chỉ huy tự vệ Thành và Trường đào tạo cán bộ tự vệ của thành phố. Trong những ngày toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946, những chiến sĩ tự vệ chiến đấu tại khu đấu xảo đã nêu cao tinh thần cách mạng góp phần đẩy lùi cuộc tiến công của địch.
Vào những năm 1960, khu đấu xảo trở thành Nhà hát nhân dân, một sân khấu biểu diễn ngoài trời vào loại lớn nhất thủ đô lúc bấy giờ. Sau này Công đoàn Liên Xô xây tặng cho nhân dân thủ đô Hà Nội một cung văn hóa làm nơi sinh hoạt, giải trí. Công trình do kiến trúc sư Liên Xô Ixakôvich thiết kế xây dựng từ 1/1/1978, khánh thành 1/9/1985. Tên cũ là Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt – Xô (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội).
Cung Văn hóa ngày nay
Công trình có quy mô lớn, gồm toà nhà lớn 4 tầng cao 33 m, dài 96 m, rộng 60 m, và một toà nhà 3 tầng song song với ngôi nhà lớn, nối liền với nhau bằng một nhà mái bằng có sân thượng. Có nhiều phòng lớn, nhỏ khác nhau thích hợp với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, tổ chức hội nghị, hội thảo. Phòng lớn nhất có 1.194 chỗ ngồi. Đây là công trình thấm đẫm tình cảm hữu nghị Việt - Xô.
Bình luận