Công nghệ nhận diện khuôn mặt càng ngày càng được nhiều người lựa chọn như một tính năng quan trọng phải có của máy ảnh. Tuy nhiên nếu túi tiền không rủng rỉnh và nhất là hiểu được cơ chế nhận diện, bạn hoàn toàn có thể có những bức ảnh đẹp kể cả khi máy không có tính năng này.
Có rất nhiều thuật toán đã được phát triển nhằm cải thiện quá trình nhận dạng khuôn mặt ngày càng tốt hơn, trong đó có cả cách tiếp cận dùng mạng thần kinh (neural network) xử lý các vấn đề về giới tính, cảm xúc.... Với cơ sở dữ liệu so sánh lớn, thuật toán phức tạp, sự hỗ trợ từ phần cứng hay chíp xử lý riêng, hệ thống nhận diện có thể nhận diện ngay cả khi mặt người quay ngang hay nhìn lên, nhìn xuống, chuyển động hay đứng yên, thậm chí mặt chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong toàn bộ khung hình. Tuy nhiên trong máy ảnh số, để phù hợp giữa tính năng giá thành, công nghệ nhận dạng chủ yếu dùng phần mềm và được đặt trong điều kiện lý tưởng: người được chụp có mặt hướng thẳng vào ống kính, điều kiện ánh sáng tương đối tốt, tỷ lệ khuôn mặt/khung hình lớn từ 10% trở lên...
Ở khâu định vị, hệ thống trước hết quét toàn bộ khung hình để tìm sự hiện diện của một khuôn mặt. Thông qua một thư viện mẫu tông màu da mặt (skin tones) xác định bằng nhiệt độ màu (đơn vị Kelvin), khi tìm được một vùng tông màu da thống nhất liên tục nhau, hệ thống sẽ giả định vùng này có thể là một khuôn mặt. Để đưa ra quyết định chính xác, khu vực giả định khuôn mặt này lại tiếp tục được quét để tìm các đặc điểm đặc trưng của mặt khác là khoảng cách giữa hai mắt, mũi và mồm. Ở giai đoạn này, thư viện về tông màu môi và thư viện về tông màu mắt (gồm vùng màu trắng của trong mắt bao quanh vùng màu tối của con ngươi) cũng được so sánh. Nếu trung hợp, hệ thống nhận định đây chính là khuôn mặt một người.
Tốc độ nhận diện vốn bị kêu ca là làm tốc độ lấy nét chậm đi thì nay cũng đã được cải thiện đáng kể với việc tăng tốc độ vi xử lý hình ảnh (DIGIC III của Canon), hay hỗ trợ phần cứng (của Fujiflim, theo quảng cáo của hãng, có thể đạt tốc độ chỉ mất vài phần trăm giây).
Trước hết, do máy ảnh tự động không có khả năng lựa chọn vùng lấy nét, nên nếu đối tượng là người không ở vị trí trung tâm của khung hình, bạn cần dịch chuyển máy ảnh sao cho đối tượng cần chụp nằm ở chính giữa. Chọn vùng đo sáng (metering) là vung trung tâm. Bấm nhẹ nút chụp (half-press) để lấy nét. Khi máy đã được lấy nét vào đối tượng (hiện lên một hình vuông nhỏ), giữ nguyên tay bấm sao cho hình vuông nhỏ không mất đi, quay máy về đúng khuôn hình ban đầu định chụp và bấm mạnh để chụp (full-press). Thao tác giữ nguyên hình vuông lấy nét nhằm khóa tiêu cự và khóa đo sáng, nên khi chụp ảnh kết quả thu được không thua kém chức năng tự nhận diện khuôn mặt. Đối với công nghệ nhận diện nụ cười hoặc nhận diện mắt nhắm, trước khi bạn làm thao tác tương tự như trên, bạn chuyển chế độ chụp một kiểu (single shot) thành chụp liên tục (multi-shot). Mặc dù tốc độ chụp liên tục của máy ảnh bình dân không cao, nhưng nếu bạn tắt flash, chụp trong điều kiện có ánh sáng tốt, thì các máy đời mới hiện nay cũng có thể đạt được tốc độ khoảng 1,5 khuôn hình/giây, đủ để thu được một nụ cười, hay đủ để cho đối tượng nhắm rồi mở mắt. Cùng với sự phát triển của công nghệ kéo theo mức giá ngày càng giảm, rất có thể sau này các máy ảnh sẽ được tích hợp đầy đủ toàn bộ công nghệ nhận dạng. Như vậy, máy ảnh có thể thay đổi tông màu theo tâm trạng người được chụp, hay tự động phân loại mỗi người một album ảnh riêng sau khi nhận diện được khuôn mặt họ. |
Từ khóa: nhận dạng khuôn mặt, Thuật ngữ, Thuật ngữ nhiếp ảnh