Nhiếp ảnh với làm nghề tay trái

Nhiếp ảnh với làm nghề tay trái
vuanhiepanh.com Bắt đầu từ sở thích, sự đam mê, nhiếp ảnh đã trở thành nghề tay trái với một số người. Thế nhưng khoảng cách từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp là bao xa?
 
 
Image: Nhiếp ảnh với làm nghề tay trái Image 2009-08-18
(Ảnh: Trọng Tùng) 

Sở thích và niềm đam mê

Hiện đang học về thiết kế đồ họa (graphic design) tại Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Hà theo đuổi niềm đam mê nhiếp ảnh “được tròn một năm nếu tính từ lúc có cái máy ảnh ‘đàng hoàng”. Niềm đam mê của Hà được tập hợp từ nhiều yếu tố: sự ảnh hưởng của ngành đang học với cái mà Hà gọi là ‘thể nghiệm về nghệ thuật’; những cuộc đi chơi với bạn bè mà Hà muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc đáng nhớ... và “cả việc gia đình cho phép nữa chứ không phải mình muốn là theo đuổi cuộc chơi này được”.
Tập trung vào ảnh chân dung, Hà cho biết với bạn thì thú đam mê này “không quá tốn kém vì nhiếp ảnh quan trọng là bố cục, ánh sáng và kỹ thuật chứ không phải là máy xịn hay không. Mới vào thì đâu cần ảnh phải quá nét hay quá chuẩn mà chủ yếu là nắm kỹ thuật. Khi đã lên tay rồi thì máy ảnh nào vào tay mình cũng xử lý được”.
Linh sang Úc từ khi còn học trung học. Anh cho biết mình thích nhiếp ảnh từ nhỏ vì “gia đình có người chú làm báo thường xuyên chụp ảnh cho Hoa Học trò, Mực tím..., rồi còn có một người chú khác chuyên về quay phim”. Học đại học chuyên ngành kỹ sư nhưng sau đó Linh lại chuyển sang học về Multimedia Design (Thiết kế Truyền thông Đa Phương tiện) cũng chỉ vì niềm đam mê nhiếp ảnh. Bên cạnh những kiến thức chung về nghệ thuật tiếp thu tại trường, Linh tìm hiểu thêm về nhiếp ảnh thông qua sách báo và các diễn đàn trên Internet. “Bây giờ rất nhiều nhà báo và nhiếp ảnh gia nổi tiếng trên thế giới thường hay viết blog và có trang web riêng. Họ cập nhật những kinh nghiệm đúc kết được trong quá trình chụp ảnh hay những tấm ảnh họ vừa hoàn thành qua một chuyến đi. Mình học được rất nhiều điều kiểu ‘hậu trường' như thế.”

Nghề tay trái

Ngoài giờ học, Hà làm việc bán thời gian tại một cửa hàng bánh mì của Ý. “Trong thời gian làm việc, Hà có nói chuyện với người chủ cửa hàng rằng những tấm hình chụp thức ăn của tiệm không thu hút lắm và đề nghị chụp thử hai ba tấm. Sau đó thì họ đã đề nghị Hà chụp toàn bộ ảnh để làm catalogue mới”, Hà cười khoe ‘chiến công’ của mình.
Bên cạnh công việc chính là thiết kế catalogue và quảng cáo tại một công ty chuyên về sản phẩm nội thất, Linh ‘thả’ niềm đam mê nhiếp ảnh của mình vào nghề tay trái là chụp ảnh đám cưới. Anh cho biết: “Tôi thích chụp ảnh đám cưới vì muốn nắm bắt khoảnh khắc người ta vui nhất. Mỗi lần đi chụp về là một lần học thêm kinh nghiệm và đi đúng hướng hơn.”

Tay trái - tay phải: khoảng cách bao xa?

Khi hỏi về kế hoạch chuyển từ nghề tay trái sang nghề tay phải, Hà trả lời: “Nhiếp ảnh chỉ là sở thích và niềm đam mê của bản thân. Hướng của Hà trong tương lai là mở một doanh nghiệp riêng liên quan đến những gì đã được học - thiết kế đồ họa”.

Hiện nay, phong trào nhiếp ảnh bùng nổ trong giới trẻ Việt Nam không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Bắt đầu từ sở thích, sự đam mê, nhiếp ảnh đã trở thành nghề tay trái với một số người. Hiện nay, ở Hà Nội và TP.HCM có rất nhiều nhóm bạn trẻ mở studio nhận làm dịch vụ về nhiếp ảnh như một nghề tay trái. Mục đích là có thêm thu nhập và cả sức ép để làm việc nghiêm túc.

Thế nhưng, một câu hỏi đặt ra là khoảng cách giữa nghiệp dư và chuyên nghiệp như thế nào? Phải chăng ai cũng có thể làm nghề chuyên nghiệp khi mà việc mua một chiếc máy ảnh bây giờ không phải là quá đắt đỏ, chụp được một bức ảnh tương đối - đạt 5,6 điểm cũng không nằm ngoài tầm tay.

Tốt nghiệp ngành cơ khí tại Đại học Bách Khoa Hà Nội nhưng Trọng Tùng chưa từng một ngày làm việc gì liên quan đến ngành nghề của mình. Thay vào đó, với niềm đam mê nhiếp ảnh có sẵn từ lúc nhỏ được phát triển dần cùng sự trau dồi bản thân, Trọng Tùng hiện được những người trong nghề đánh giá cao. Hiện Trọng Tùng đang sở hữu một studio nhỏ mở chung cùng một nhiếp ảnh gia người Mỹ là Justin Mott, đồng thời anh còn cộng tác chụp ảnh cho một số tạp chí trong nước.
Nói về niềm đam mê bản thân, Trọng Tùng cho biết: “Cái mà từ trước đến giờ mà mình vẫn thích nhất là chụp ảnh đời thường, ghi lại cuộc sống hàng ngày của mọi người xung quanh. Mình luôn muốn chụp ảnh làm sao để kể lại một câu chuyện - câu chuyện bằng ảnh.”

Đã trải qua quá trình từ nghiệp dư sang chuyên nghiệp, Tùng chia sẻ: “Từ 'chơi ảnh' sang làm việc nghiêm túc, cung cấp sản phẩm cho khách hàng thì không phải ai cũng có đầy đủ kiến thức cơ bản về công việc mình đang làm. Nhiều người 'chơi ảnh' với kiến thức cóp nhặt, rồi dần trở thành thói quen về cách chụp ảnh. Họ không có được kiến thức cơ bản về mỹ thuật, tư duy sáng tạo và phân tích nhu cầu của khách hàng. Điều đó dẫn đến việc là không phải lúc nào họ cũng giải quyết mọi việc trôi chảy. Ví dụ như hôm nay họ hứng thú, trời đẹp, cô người mẫu xinh xắn... thì mọi việc trôi chảy nhưng trong trường hợp khác mọi việc không thuận lợi. Như vậy thì họ không có được tư duy để thích ứng với mọi điều kiện làm việc, cuối cùng họ sẽ bị hỏng mất buổi chụp đó và không có được sản phẩm tốt.”

“Khoảng cách từ làm nghề tay trái chuyển sang tay phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó lớn nhất là yếu tố con người: phải chuyên tâm, chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, tự phát triển bản thân và thái độ làm việc nghiêm túc. Bên cạnh đó là những lợi thế bên ngoài như các mối quan hệ tốt và quá trình làm nghề.”
"Nhiếp ảnh hay bất cứ môn nghệ thuật nào đều không phải những sân chơi để bạn dùng ‘tay chiêu’. Chúng cần cả một tâm hồn chứ không chỉ những giác quan của bạn. Con đường đến với nhiếp ảnh chuyên nghiệp hay nghệ thuật đỉnh cao phải là từng bước chậm rãi từ cái gốc vững chắc", Trọng Tùng kết luận.


*Website ảnh của các nhân vật trong bài viết:
Trọng Tùng: http://www.rphoto.vn/
Việt Hà: http://www.flickr.com/photos/vhabui/
Linh: http://www.flickr.com/photos/linh_rom/

Nguồn tin: australiaplus.com