VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Những kĩ năng cần có để chụp ảnh đường phố.

Đăng lúc: . Đã xem 5065 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Tào lao
Những kĩ năng cần có để chụp ảnh đường phố.

Những kĩ năng cần có để chụp ảnh đường phố.

Trở thành một nhiếp ảnh gia giỏi là một chuyện, và để trở thành một nhiếp ảnh gia đường phố giỏi lại là một chuyện khác. Nghệ thuật nắm bắt lại cảm xúc chân thực của con người đòi hỏi người chụp phải am hiểu không chỉ thiết bị của mình và còn cả đối tượng chụp của anh ta. Hôm nay Viven Jose Balsomo sẽ chia sẻ với chúng ta những kĩ năng cần có để chụp ảnh đường phố.

Tại sao anh lại chọn nhiếp ảnh đường phố?

Nhiếp ảnh đường phố là một thể loại mang nhiều tính ngẫu nhiên. Với những thể loại nhiếp ảnh khác, bạn có thể sắp đặt cho bức ảnh nhưng chụp ảnh trên phố thì không giống như vậy. Nó đặt ra nhiều thách thức để có được một bức ảnh đẹp trong một môi trường hỗn độn và khó đoán. Và đó chính là cái mà tôi thích.

“Trực thăng của tớ”

Có nhất thiết phải chụp ảnh đường phố ở những không gian mở và công cộng hay không?

Tốt hơn là thế vì nhiếp ảnh đường phố chính là bắt lại những khoảnh khắc chân thật và những khung cảnh “không sắp đặt”. Nếu không phải ở một không gian công cộng, bạn sẽ mất đi tính “chân thực” của thể loại nhiếp ảnh này.

Anh thường tìm kiếm điều gì khi chụp ảnh trên đường phố?

Tôi thường quan sát cuộc sống diễn ra trên đường phố và những biểu cảm của con người mà tôi có thể ghi lại. Tôi cũng tìm kiếm khung cảnh có ánh sáng đối lập, ví dụ như một bóng râm đen vào một ngày trời nắng, vì nó có thể khiến bức ảnh kịch tính hơn.

“Tín ngưỡng”

Nhiếp ảnh đường phố có thực sự cần có con người trong đó không?

Hầu hết nên có, nhưng cũng có những trường hợp chụp vật thể lại cho ra những sản phẩm rất thú vị. Chẳng hạn như bức ảnh chụp ngược sáng một vòi cứu hỏa vị vỡ đang phun nước dưới ánh mặt trời. Có thể nó không mang nhiều yếu tố kịch tính nhưng không có nghĩa nó không phải là một tấm ảnh đẹp.

“Chị em”

Nếu vậy, nên tiếp cận một người lạ như thế nào khi muốn chụp ảnh họ?

Đây có lẽ là khía cạnh khó khăn nhất của nhiếp ảnh đường phố, và cũng là lý do vì sao tôi thường thích sử dụng ống kính dài để có thể chụp từ xa mà không “làm phiền” đối tượng. Nếu họ vẫn nhận ra tôi, tôi sẽ đơn giản cười và hỏi (thông qua cử chỉ) liệu tôi có thể chụp ảnh họ không Nếu họ đồng ý, tôi sẽ cho họ xem ảnh tôi đã chụp và họ cũng thường hỏi xin ảnh, khi đó tôi sẽ đưa họ danh thiếp hoặc lấy email để gửi ảnh sau. Tôi luôn cố gắng giữ lời. Còn nếu họ không đồng ý, tôi sẽ đơn giản là bước đi và tìm thứ khác để chụp.

“Suy tư”

Ảnh đường phố (chân dung) có có cần phải chụp lén không?

Sẽ có nhiều cảm xúc chân thực hơn khi chụp lén vì khi đó đối tượng hoàn toàn không biết họ đang bị chụp. Cũng có những tấm ảnh đường phố mà đối tượng nhìn thẳng vào máy ảnh. Tập trung vào đôi mắt của họ là điều cần thiết để có được một tấm ảnh đẹp.

“Đẩy”

Anh xử lý thế nào khi có quá nhiều yếu tố trong cảnh nền?

Nguyên tắc đầu tiên khi chụp ảnh đường phố của tôi là luôn làm trống cảnh nền. Để làm được điều đó, tôi thường thích sử dụng ống kính EF70-200mm f/2.8L IS II USM vì nó cho phép tôi tạo ra một trường ảnh nông để có thể tách biệt chủ thể khỏi môi trường. Tôi cũng tìm kiếm những góc chụp sao cho cảnh nền ít bị ảnh hưởng nhất có thể.

Anh có bí quyết nào để trấn tĩnh những người cực kì hồi hộp và rụt rè trước ống kính?

Cách tốt nhất là chụp kín đáo. Trong những tình huống không thể tránh được, tôi sẽ mỉm cười và trò chuyện để giúp họ thoải mái. Hãy nhớ, với hầu hết chúng ta, nụ cười luôn có sức lan tỏa!

Một vài người nói khi có cây cối, nước hay một vài yếu tố tự nhiên trong khung ảnh thì đó không còn là nhiếp ảnh đường phố nữa. Anh nghĩ sao về điều này?

Tại sao không chứ? Điều then chốt của nhiếp ảnh đường phố là đối tượng chính – miễn là cảnh nền không trở thành điểm thu hút sự chú ý của người xem thì bất kì cảnh nền nào cũng có thể được đưa vào ảnh đường phố.

Điều gì làm nên một tấm ảnh đường phố đẹp?

Sự kết hợp giữa con người và ánh sáng. Những yếu tố kĩ thuật như điểm lấy nét, khung hình, bố cục và độ phơi sáng đúng sẽ giúptạo hiệu ứng và tăng giá trị cho bức ảnh.

“Đi làm như mọi ngày”

Anh thích ảnh màu hay đen trắng hơn, tại sao?

Khi chụp ảnh đường phố, tôi thường chọn chụp ảnh đen trắng. Tôi thích những bức ảnh của mình bắt được sự tương phản và đối lập giữa sáng và tối - điều khó có thể thể hiện bằng ảnh màu. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp sử dụng ảnh màu lại đẹp hơn, chẳng hạn như khi có những mảng màu đối lập hoặc tách biệt.

Nhiếp ảnh đường phố giống với nhiếp ảnh báo chí như thế nào?

Tôi nghĩ nhiếp ảnh báo chí chỉ đơn thuần là ghi lại một câu chuyện trong khi đó nhiếp ảnh đường phố mang nhiều tính nghệ thuật hơn. Trong nhiếp ảnh báo chí, nhiều bức ảnh vẫn được chấp nhận dù có lỗi kĩ thật miễn là nó có nội dung. Ngược lại nhiếp ảnh đường phố tập trung vào những kĩ năng như bố cục, ánh sáng, điểm lấy nét và độ phơi sáng.

“Cười”

Đâu là nguồn tham khảo ưa thích của anh cho phong cách nhiếp ảnh đường phố?

Tôi không thích một nguồn nhất định nào cả! Tôi luôn luôn quan sát và học hỏi, dù khi xem ảnh trên các ấn phẩm in ấn, trên web hay các trang mạng xã hội. Bất cứ khi nào gặp một bức ảnh đường phố đẹp – dù nguồn gốc là từ đâu – thì nó luôn truyền cảm hứng cho tôi, khích lệ tôi và thách thức tôi nhiều hơn nữa.
Tác giả bài viết:
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 5/5

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Close