Bí quyết chụp ảnh chân dung ngoài trời

Bí quyết chụp ảnh chân dung ngoài trời
Chụp chân dung ngoài trời cần nhiều thứ hơn so với việc chỉ cần một ngày đầy nắng và mẫu sẵn sàng. Một số hướng dẫn đơn giản dưới đây được tổng hợp từ trang web digitalcameraworld sẽ giúp bạn có những cảnh chụp và kỹ thuật ánh sáng phù hợp. Từ việc kiểm soát ánh sáng tự nhiên và làm chủ độ sâu trường ảnh để cân bằng độ phơi sáng và tinh chỉnh flash..
Ngày đẹp trời là thời điểm hoàn hảo để chụp chân dung ngoài trời. Thực tế bạn có thể chụp từ bình minh tới hoàng hôn, đơn giản là vì đủ ấm áp cho cả người chụp và mẫu có thể dành nhiều thời gian ở ngoài trời.

chụp chân dung

Những gì bạn cần

Để có được những bức chân dung ngoài trời đẹp không cần thiết phải sắm những thiết bị đắt tiền. Dưới đây là một số thứ cơ bản mà bạn sẽ cần để bắt đầu:
  • Ống kính zoom tiêu chuẩn
  • Súng Flash
  • Tấm hắt sáng

Phụ kiện hữu ích

Những phụ kiện bổ sung dưới đây có thể giúp mở rộng những tùy chọn về ánh sáng của bạn, và giúp cho bức ảnh của bạn nhìn chuyên nghiệp hơn:
  • Ống kính tiêu cự cố định có khẩu độ lớn (như 50mm f / 1.8)
  • Ống kính tele zoom
  • Wireless flash trigger
  • Bộ khuếch tán Flash

Nắm vững những điều cơ bản của nhiếp ảnh chân dung ngoài trời

chụp chân dung
Trước khi đi sâu vào kỹ thuật chụp ảnh chân dung ngoài trời, bạn cần phải nắm vững những điều cơ bản:
Vị trí
Một trong những điều tuyệt vời của chụp ảnh chân dung ngoài trời là bạn có thể chụp gần như bất cứ nơi nào, từ một khu vườn đến một bãi biển. Nhưng điều quan trọng là nhận được những gì từ những vị trí bạn lựa chọn để chụp.
Có vài quy tắc nhỏ khi nói đến vị trí chụp. Cảnh quan địa điểm chụp thường sẽ làm nền cho bức hình, nếu nơi đó không được đẹp cho lắm bạn có thể chỉnh độ sâu trường ảnh nông để tập trung sự chú ý vào chủ thể chính.
Những bức chân dung nổi bật nhất thường thể hiện mọi thứ rất đơn giản, vì vậy tại sao bạn không thử chụp với nền đơn giản như bầu trời, một bức tường hoặc cành lá. Điều này cũng sẽ giúp chủ thể của bạn được nổi bật.
Tuy nhiên, cũng như hầu hết các quy tắc khác trong nhiếp ảnh, trong nhiều trường hợp cũng có thể bị phá vỡ, ví dụ với chụp ảnh chân dung về đề tài môi trường, cảnh quan xung quanh nhiều khi lại cần được tập trung nhiều hơn cả chủ thể.
Bố cục và khung hình
Bạn nên định vị mặt (đối với chụp bán thân hoặc toàn thân) hoặc mắt của đối tượng theo quy tắc một phần ba. Điều đó giúp cho bố cục bức ảnh cân bằng hơn so với việc đặt ở trung tâm khung hình.
Khi cắt cúp khung hình bạn cũng cần chú ý. Một nguyên tắc nhỏ là tránh cắt xén tại các khớp như đầu gối hay khuỷu tay.


Làm thế nào để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên

Ánh nắng mùa hè có thể là ánh sáng hoàn hảo cho việc chụp chân dung ngoài trời, nhưng không phải lúc nào cũng mang đến những sản phẩm hoàn hảo. Khi mặt trời lên cao nhất vào giữa ngày, ánh nắng mạnh và gay gắt có thể khiến xuất hiện những vệt bóng đổ phía dưới mũi, cằm và mắt của mẫu… Hãy chú ý một số lời khuyên sau:
Tìm cho mình một số bóng râm
Một giải pháp đơn giản là tìm vị trí chụp trong một bóng râm nhưng đừng quên chú ý đến các thiết lập cân bằng trắng. Nếu background vẫn còn ánh sáng mặt trời chiếu có thể làm cho làn da của mẫu bị xanh, vì máy sẽ chọn cân bằng trắng ánh sáng ban ngày, chứ không phải là bóng râm.
Chờ một số đám mây
Nếu bạn không thể tìm thấy bất kỳ bóng râm nào, nhưng trên trời có một số đám mây, bạn có thể chờ những lúc mặt trời bị mây che khuất, sẽ tạo ra hiệu ứng khuếch tán tự nhiên.
Chụp trong ánh sáng thay đổi khiến bạn sẽ cần phải thực hiện một cách nhanh chóng để có được bức ảnh đẹp nhưng cũng phải chú ý đến vấn đề phơi sáng.
Hãy chắc chắn rằng bạn thiết lập phơi sáng với mẫu chứ không phải cho background sáng hoặc tối.
Khuếch tán ánh sáng
Nếu không có đám mây nào để khuếch tán ánh sáng mặt trời, bạn vẫn có thể có được hiệu ứng tương tự bằng cách sử dụng một bộ khuếch tán giữa chủ thể và mặt trời. Bộ khuếch tán có thể đơn giản là một miếng vải trắng mờ hoặc một vật gì đó thực hiện cho mục đích này.
Điều này có thể mang lại hiệu quả tốt khi chụp phần đầu đến vai nhưng sẽ hơi khó khăn để tìm một bộ khuếch tán đủ lớn khi muốn chụp bán thân hoặc toàn thân.
XEM THÊM: Bí quyết nhỏ, hiệu quả lớn dành cho chụp ảnh chân dung
Tấm hắt sáng
Nếu bạn thấy có những bóng tối trên khuôn mặt của mẫu, hoặc nó chỉ đơn giản là một chút tối, sử dụng một tấm hắt sáng là một trong những cách đơn giản nhất để bổ sung thêm ánh sáng cho ảnh. Tùy thuộc bề mặt tấm hắt sáng màu trắng, bạc hoặc vàng sẽ phản xạ ánh sáng theo những cách khác nhau và tạo ra hiệu ứng khác nhau.
chụp chân dung
Không có hắt sáng
chụp chân dung 
Hắt sáng trắng
chụp chân dung 
Hắt sáng bạc
Cách thực hiện rất đơn giản, chỉ cần đặt các tấm hắt ở phía đối diện với nguồn ánh sáng để làm sáng các vùng tối của chủ thể.
Một phản xạ trắng cho kết quả khá tinh tế trong khi tấm màu bạc phản chiếu ánh sáng trực tiếp trở lại mẫu. Tấm hắt sáng màu vàng tương tự như bạc, nhưng tạo ra hiệu ứng ấm áp hơn, đó là màu sắc khá hoàn hảo cho một bức chân dung.

Các ống kính tốt nhất để chụp ảnh chân dung ngoài trời

chụp chân dung

Sử dụng ống kính tele chụp chân dung ngoài trời

Hầu hết mọi người đều công nhận rằng ống kính tele là loại ống kính phù hợp nhất dành cho chụp chân dung, hình ảnh được chụp từ loại lens này khá “nịnh” mắt và giúp nổi bật mẫu.
Ưu điểm của ống kính tele là giúp xóa phông dễ dàng, khuôn mặt không bị biến dạng như khi dùng các loại lens khác tiêu cự 50mm và nhỏ hơn. Nó sẽ làm cho background (và bất kỳ đối tượng nào khác trong tiền cảnh) xuất hiện gần hơn với chủ thể.
chụp chân dung
Một số tiêu cự phổ biến cho ống kính tele để chụp chân dung có thể kể đến như:
  • 85mm, đây là loại Short tele thích hợp khi chụp chân dung nửa người hay cả người. Khi chụp cận mặt với khẩu độ tối đa, trường ảnh sẽ rất nông, người chụp cần chú ý tới điểm lấy nét. Hãy lấy nét vào đôi mắt – điểm thu hút nhất khi nhìn vào một bức ảnh chân dung.
  • 100mm/105mm/135mm f2: đây cũng là dòng tiêu cự kinh điển cho chân dung, hiệu ứng “phóng đại” background thể hiện rõ rệt hơn nhiều so với ống kính tiêu cự 85mm. Những tiêu cự này được nhiều nhiếp ảnh gia ưa chuộng hơn 85mm vì tiêu cự 85mm vẫn gây biến dạng mặt khi chụp cận mặt.
“phóng đại” background: Tiêu cự càng dài thì phông sẽ càng lớn và gần hơn so với chủ thể. Ngược với ống kính góc rộng, vật thể càng gần ống kính càng lớn, càng xa ống kính thì càng nhỏ.
Những ai sử dụng máy crop-frame nên chọn tiêu cự 85mm. Với tỷ lệ crop 1.5, các ống kính trên 105mm trở nên khá xa cho việc chụp chân dung, gây khó khăn cho những người chưa nhiều kinh nghiệm.

Sử dụng ống kính góc rộng cho ảnh chân dung ngoài trời

Ống kính có độ dài tiêu cự 18mm hoặc ít hơn cho một máy ảnh APS-C (hoặc 28mm trên một máy ảnh full-frame) thường bị bỏ qua khi chụp chân dung.
chụp chân dung
Tuy nhiên nó rất thích hợp nếu bạn muốn phần nền,  khung cảnh xung quanh cũng trở thành một phần của hình ảnh. Nhưng với ống kính góc rộng chủ thể bị biến dạng nhiều khi chụp ở khoảng cách gần.
Ưu điểm
  • Dễ dàng lấy được không gian nền hơn với ống kính góc rộng.
  • Có thể chụp toàn thân mà không cần đứng quá xa mẫu.
Nhược điểm
Cũng chính vì dễ dàng lấy được không gian nền nên với ống kính góc rộng, phần Background cũng dễ “dính” luôn những chi tiết dư thừa, nếu muốn tập trung vào chủ thể thì cần cắt bỏ bớt hình ảnh như vậy đã đánh mất rất nhiều pixel.
chụp chân dung
Khi chụp phần đầu, vai chủ thể quá gần và dễ bị biến dạng hình (mặc dù điều này nhiều khi được cố tình sử dụng). Ngoài ra có thể thấy rất khó để có được hiệu quả cao về độ sâu trường ảnh với một ống kính góc rộng.

Bạn đọc có thể tham khảo thêm về sự khác nhau của 2 loại ống kính kể trên trong chụp ảnh chân dung qua video được thực hiện bởi DucTienLucas:

Chọn ống kính chụp ảnh chân dung (Nguồn: Youtube DucTienLucas)

Độ sâu trường ảnh (DoF) trong chụp chân dung ngoài trời


Độ sắc nét của hình ảnh từ phía trước đến phía sau là yếu tố quan trọng trong việc nhìn và cảm nhận bức ảnh.
chụp chân dung
Có ba yếu tố để độ sâu trường ảnh trong bức ảnh của bạn - khẩu độ, tiêu cự của ống kính và khoảng cách từ đối tượng đến máy ảnh. Chúng ta cùng xem xét các yếu tố quan trọng này ảnh hưởng đến bức ảnh như thế nào?
Khẩu độ
Một trong những cách dễ nhất để kiểm soát độ sâu trường ảnh là thay đổi khẩu độ mà bạn sử dụng. Đối với DoF nông, chọn một khẩu độ rộng (f-số nhỏ) như f / 2.8 hoặc f / 4. DoF nông sẽ giúp mờ phông nền và nổi bật mẫu.

Ảnh trái chụp ở tốc độ 1/250 giây, khẩu độ f/5.0 tạo ra DoF nông, ảnh bên phải chụp ở tốc độ 1/5 giây và khẩu độ f/32 nên có DoF sâu với hậy cảnh sắc nét.
Để lấy thêm cảnh sắc nét, sử dụng một khẩu độ nhỏ hơn (f-số lớn hơn), chẳng hạn như f / 11 hoặc f / 16.
Lens Prime khẩu độ rộng (như 50mm f / 1.8) tạo ra DoF rất nông, đây cũng là ống kính tốt cho chụp chân dung.
Tiêu cự
Nếu cùng các thiết lập, so với một ống kính tiêu cự ngắn, một ống kính tiêu cự dài hơn sẽ làm cho background của ảnh mờ hơn và chủ thể được nổi bật hơn. Bạn hãy thử chọn độ dài tiêu cự khoảng 55-70mm để xóa phông của bức hình muốn chụp.
Khoảng cách chụp
Yếu tố cuối cùng ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh của bức ảnh là khoảng cách mà mẫu đứng so với máy ảnh.
Theo đó nếu đối tượng chụp đứng càng gần thì DoF nông, ít cảnh xung quanh được sắc nét, ngược lại nếu đứng càng xa thì độ sắc nét được cải thiện từ tiền cảnh đến hậu cảnh (background) tức sẽ có DoF sâu.
chụp chân dung
Sử dụng một ống kính 85mm, khẩu độ f / 2 tạo ra DoF nông
Khoảng cách từ bạn đến chủ thể được chi phối bởi độ dài tiêu cự của ống kính và việc bạn muốn cắt cúp bao nhiêu phần của mẫu.
chụp chân dung
Trong trường hợp chụp cận cảnh đầu vai sẽ có được độ sâu trường ảnh nông dễ dàng hơn khi chụp toàn thân. Tuy nhiên bằng một ống kính tiêu cự dài hơn bạn cũng có được điều đó, nhưng hình ảnh cũng có thể bị biến dạng nếu bạn đến quá gần chủ thể.

Chế độ lấy nét tốt nhất cho chụp chân dung ngoài trời

Đối với thể loại chụp chân dung, khu vực lấy nét cần quan tâm nhất chính là đôi mắt, khi chọn độ sâu trường ảnh nông bạn nên tập trung lấy nét vào khu vực này trên khuôn mặt của mẫu.
Phụ thuộc vào khả năng “tĩnh” của mẫu mà bạn có thể sử dụng chế độ lấy nét bằng tay hoặc tự động (AF). Sử dụng tự động lấy nét, bạn nên chọn chế độ cho một lần chụp (single-shot) hay còn gọi One-Shot AF (với máy Canon) và Single-Servo AF (của Nikon) để có thể khóa các thiết lập bằng cách nhấn nửa nút chụp và lấy nét vào đôi mắt.
Đối với đối tượng chuyển động, bạn nên cài đặt máy ảnh để chế độ Servo hoặc tự động lấy nét liên tục. Sau đó, máy ảnh có thể theo dõi đối tượng, mặc dù khi kết hợp với độ sâu trường nông có thể hơi khó khăn để ghim được khu vực sắc nét khi đối tượng đang di chuyển.

Nguồn tin: digitalcameraworld/van.vn