Bố Cục Trong Ảnh

Bố Cục Trong Ảnh
vuanhiepanh.com
Về nội-dung, tác-phẩm phải nói lên được điều gì, vì nhiếp-ảnh là một thứ thế-giới-ngữ, tiếng nói ấy cần rành rẽ, mạch-lạc, giản-dị, sâu sắc, để ai cũng có thể hiểu được và chỉ hiểu một nghĩa mà thôi và phải làm sao khơi động được tình-cảm trong lòng khách thưởng-lãm
.
Về kỹ-thuật, tác-phẩm nhiếp-ảnh đó phải thể-hiện đến cao-độ kỹ-thuật sử-dụng máy ảnh, ống kính, khẩu-độ, tốc-độ, phim, ánh sáng, màu sắc, tráng phim và làm ảnh.
Về phương-diện mỹ-thuật, ta phải kể đến cách chọn đề-tài, cách bố-cục, cách sử-dụng ánh sáng, màu sắc, sắc-độ và cách thức trình-diện tác-phẩm, trong đó phần quan-trọng hơn cả là bố-cục.

Vậy bố-cục là gì ?

A. ÐỊNH-NGHĨA.

Bố-cục trong một tác-phẩm nhiếp-ảnh bao-hàm việc gạn lọc, xắp xếp, phối-hợp và tạo liên-lạc giữa các thành-phần cốt yếu của bố-cục (như chủ-đề, bối-cảnh, đường nét, màu sắc, mảng đậm lợt, mảng đen trắng v.v…) sao cho tấm ảnh được duyên-dáng, bắt mắt và góp phần vào việc đạt tác-dụng chấn-động tâm-lý.

Bố-cục là một trong những vấn-đề sinh tử trong nhiếp-ảnh, là sương sống của một tác-phẩm nhiếp-ảnh và quả thật, bố-cục đóng một vai trò quyết-định. Cho dù ta có sử-dụng máy ảnh, ống kính, phim, giấy… tốt đến đâu đi nữa, trước cảnh vật, không phải ta cứ đem máy ra bấm là sẽ tạo được một tác-phẩm. Ta phải biết cách đưa chủ-đề nổi ra, làm đẹp hơn lên, đồng-thời loại bỏ các rác rưởi rườm thừa, biết sử-dụng màu sắc, sắc-độ, sắp xếp hình ảnh, đường nét, bối-cảnh… sao cho bức ảnh bắt mắt, hấp-dẫn và có ý nghĩa.

Việc xắp xếp (hay bài-trí) trong bố-cục không có nghĩa “di sơn đảo hải” mà chỉ có ý nói đến vị-trí của máy ảnh khi thu hình như dời máy sang phải, sang trái, lên cao, xuống thấp, tiến tới hay thối lui sao cho thích-hợp với từng hoàn-cảnh, để gạn lọc, nhằmmục-đích lùa vị-trí tương-đối của các thành-phần của bố-cục, sao cho các thành-phần này ở vào vị-trí thuận lợi (hay ta có thể chấp-nhận được) để tạo liên-lạc và liên-tục về hình-thức và ý nghĩa (1).

B. NHỮNG THÀNH-PHẦN CỦA BỐ-CỤC.

Bố-cục là một tập-hợp được tạo nên do nhiều thành-phần mà mỗi thành-phần đó tuy giữ một nhiệm-vụ riêng nhưng lại liên-lạc, cấu-kết, bổ-túc lẫn cho nhau một cách rất mật-thiết để cùng vun đắp cho ý nghĩa của tác-phẩm cho được thuần-nhất.

1. CHỦ-ÐỀ.

Chủ-đề là đối-tượng chính yếu của tác-phẩm nhiếp-ảnh. Chủ-đề được ví như nguyên-thủ trong một quốc-gia. Trong một tác-phẩm chỉ nên có một chủ-đề mà thôi để tránh việc chủ-đề này lấn lướt chủ-đề kia, do đó chủ-đề có được tư-cách độc-tôn, lộ ra và ta dễ tạo ý nghĩa cho chủ-đề đó.
Công việc tìm kiếm chủ-đề không khó lắm. Những gì ta thấy đẹp, như người, cảnh, vật… ta muốn ghi lại trên ảnh, thì đó là chủ-đề. Do đó, chủ-đề có thể to lớn, hùng-vĩ như rặng Tuyết-sơn, hay nhỏ bé mong manh như nụ hoa dại đong đưa trong sương sớm…
Nói đến cái đẹp thì thật là cô cùng. Có những cảnh-vật hay sự việc vì vui tươi mà đẹp, cũng có thể vì nhẹ nhàng thơ mộng mà đẹp, cũng có thể vì man-mác buồn mà đẹp, cũng có thể vì khổ đau mà đẹp, cũng có thể vì tàn-nhẫn mà đẹp, cũng có thể vì điêu-tàn, quạnh hiu mà đẹp, cũng có thể vì tương-phản mà đẹp, cũng có thể vì mong-manh mà đẹp, cũng có thể vì hùng-vĩ mà đẹp, cũng có thể vì đổ nát, hoang-tàn mà đẹp, cũng có thể vì cổ-quái hay tân-thời mà đẹp, cũng có thể vì san-sát, trùng trùng điệp điệp mà đẹp, cũng có thể vì nhịp nhàng mà đẹp… và biết đâu, cũng có những cảnh vật hay sự việc sở-dĩ nó đẹp là bởi vì khi nhìn vào, ta thấy nó đẹp, đâu cần phải biết lý-do…
Do đó, khi đi tìm hay quan-sát, ta thấy : trên một vách núi khô khan cằn cỗi, một nụ hoa dại từ trong kẽ đá mọc ra cô-đơn khoe sắc… nụ hoa đó là chủ-đề. Trong một rừng cây xanh tốt bao la, đột nhiên có một cây thông già khô cằn, vỏ cây sần sùi mốc thếch, thân cây quằn quại ngả nghiêng… cây thông đó là chủ-đề. Cứ theo định-luật đó, cái gì điển-hình nhất, khác lạ nhất, nổi bật ra từ đám đông, ta đưa nó ra, làm cho nổi bật hơn (giới nhiếp-ảnh gọi là “công-kênh nó lên”) để làm chủ-đề và như vậy, tĩnh-vật, động-vật và trên hết là con người chia nhau chiếm giữ ngôi vị chủ-đề.
Nhưng trong một bức ảnh ta chụp chỉ gồm có nhiều đơn-vị đồng loại, thí-dụ cây với cây, đá với đá, người với người… ta lấy gì làm chủ-đề ? Và có cần chủ-đề hay không ? Câu trả lời là có ! Ta lựa cây nào cành lá xum xuê nhất hay thưa thớt nhất, ta lựa cục đá nào sần sùi nhất hay nhẵn nhụi nhất, ta lựa người nào đẹp nhất hay già nhất, y-phục có màu sắc nhẹ nhàng nhất hay đậm màu nhất… tóm lại là cái gì đẹp nhất, hoặc nổi nhất, hoặc lạ nhất, hoặc tiêu-biểu nhất, ta công-kênh lên để làm chủ-đề.
Thậm chí trong một tấm ảnh chỉ có toàn đường nét hay màu sắc, hay trong một tấm ảnh trừu-tượng hoặc siêu-thực mà bản-chất gần như không chấp nhận chủ-đề, ta vẫn phải tìm nơi nào đó có đường nét xoắn xuýt nhất hay buông lơi nhất… nơi mà màu sắc nổi nhất hay chìm nhất… nơi có trống vắng nhất hay đông đảo nhất… tóm lại đó là nơi con mắt ta, sau khi đảo một vòng trên toàn tác-phẩm, quay về tìm kiếm một chỗ nào đó để khám-phá hoặc nghỉ ngơi. Nơi này gọi là chủ-điểm.
Chủ-điểm có thể đứng một mình trên một tác-phẩm hay cũng có thể đứng ở một nơi nào đó ở chủ-đề. Thí-dụ :
“Bước chân uyển chuyển một bên co lên vừa độ rướn tới phía trước, một bên nhẹ đặt lên mặt đất của một thôn-nữ miền Trung trên đường đến chợ. Ðôi quang gánh thõng thẹo trên vai nhún nhẩy nhịp nhàng với đôi tay vung vẩy, với đôi chân thoăn thoắt. Gió nhẹ đùa cợt tà áo dài bay bay đã tạo một chủ-điểm thích thú hi-hữu, cho cảm-tưởng như chủ-đề đang lướt (chứ không phải đi) trên bờ đê cao. Vắng tà áo dài bay bay, người chuyên-môn kêu chưa đủ động, người tế-nhị thấy thiếu điển-hình nhẹ nhàng và người yêu quê-hương khẳng-định chưa phải Việt-Nam” (2).
Chọn được chủ-đề rồi, ta phải tìm cách công-kênh cho chủ-đề nổi bật hẳn lên. Có nhiều cách công-kênh chủ-đề :

a. SO SÁNH TỶ-LỆ.

Áp-dụng luật cận viễn (gần lớn xa nhỏ), ta trình bày chủ-đề lớn hơn các hình-thể khác. Giữa một vườn hoa hồng trăm hoa đua nở, ta lựa bông hồng mới nở ba phần tư, mỡ màng và tươi nõn nhất để làm chủ-đề. Ta lại gần, lại gần hơn nữa để cho bông hồng này chiếm phần lớn trong diện-tích tấm phim và lấn lướt các bông hồng khác nhỏ hơn ở phía xa… do đó chủ-đề này nổi bật vì tỷ-lệ.

b. SO SÁNH MÀU SẮC.

Chủ-đề có thể được nổi hơn nhờ màu sắc (hay sắc-độ) khác với màu sắc của các màu bên cạnh. Giữa một rừng người quần đen áo vá bán bán buôn buôn của một phiên chợ, tà áo dài màu sắc chói lọi của một bà nội-trợ tay sách nách mang… là một chủ-đề nổi bật về màu sắc.

c. SO SÁNH ÁNH SÁNG.

Trong một cảnh chùa, tranh tối tranh sáng, các Phật-tử đang lâm râm tụng niệm, ta lựa một tín-đồ ngồi gần cửa nhất, ánh sáng trải lên khuôn mặt già nua hằn nét thời-gian, phía sau là những tín-đồ khác chìm trong bóng tối lung linh… Chủ-đề này nổi ra khỏi đám đông vì ánh sáng.

d. SO SÁNH ÐỘNG TĨNH.

Trong một cuộc tranh tài bóng rổ, một đấu-thủ chộp được quả banh, anh ta ngừng lại, chỉ thoáng trong một giây ngắn ngủi, đảo mắt nhìn quanh, tìm một kẽ sơ hở để đem banh đi, trong khi đó phe địch lăng xăng chạy tìm thế bao vây. Chỉ thoáng một giây đó, với cái bấm đúng lúc, cho ta chụp được tấm ảnh anh ta rõ nét còn các đấu-thủ khác chao mờ, làm cho chủ-đề nổi bật vì động tĩnh.

e. SO SÁNH MỜ NÉT.

Giữa một bầy thiếu-nữ ngày xuân đi lễ chùa, ta lựa thiếu-nữ mặt trái xoan có mớ tóc dài óng ả làm chủ-đề. Dùng viễn-kính hay mở lớn khẩu-độ ống kính và lấy nét cho chính-xác, ta có thể chụp thiếu-nữ đó nét đanh hẳn lên so với một hai thiếu-nữ khác đứng phía sau, hơi mờ, làm cho chủ-đề nổi bật ra vì nét.

f. SO SÁNH TƯƠNG-PHẢN.

Chụp ảnh một cháu bé hai tuổi mũm mĩm, được bà bế, bà thì niên-kỷ đã cao. Sự tương-phản giữa bà và cháu, bà già cháu trẻ, tóc bà trắng tóc cháu đen, da bà nhăn nheo da cháu mịn màng… làm cho đứa cháu nổi bật ngay ra vì tương-phản.
Sự tương-phản có thể tạo ra do ý nghĩa, do màu sắc, do sắc-độ, do đường nét, do hình-thể v.v…

2. BỐI-CẢNH.

Bối-cảnh là những thành-phần xuất-hiện trên cùng một tấm ảnh với chủ-đề và có nhiệm-vụ bổ-túc ý nghĩa cho chủ-đề. Trong nhiều trường-hợp chủ-đề một mình đứng trơ trọi không nói lên được trọn vẹn ý nghĩa thì bối-cảnh sẽ tiếp tay nói cho đầy đủ cái ý nghĩa đó, đồng-thời công-kênh cho chủ-đề nổi hơn lên… Bởi vậy, tuy là thành-phần phụ nhưng vai trò của bối-cảnh không kém phần quan-trọng. Nếu chủ-đề, trong nhiếp-ảnh, được ví như nguyên-thủ trong một quốc-gia thì bối-cảnh có thể được coi như tổng, bộ-trưởng trong nội-các vậy.
Vì thuộc thành-phần phụ nên bối-cảnh không thể nổi hơn hay bằng chủ-đề và tuyệt-đối không thể lấn lướt hay tranh dành ảnh-hưởng với chủ-đề. Nếu chủ-đề nét thì bối-cảnh phải mờ đi đôi chút; nếu chủ-đề có sắc-độ đậm thì thì bối-cảnh phải nhạt hơn v.v… và cứ theo chiều hướng đó, bối-cảnh phải thua sút chủ-đề về tỷ-lệ, về màu sắc, về sắc-độ, về động tĩnh, về mờ nét v.v…
 
Có bốn loại bối-cảnh :

a. BỐI-CẢNH ÐỒNG LOẠI.

Là bối-cảnh cùng có một tính-chất hay ý nghĩa với chủ-đề. Chụp một hoạt-cảnh miền quê, chủ-đề là một nông-dân đang cày ruộng. Sau bác nông-dân ta thấy nào người tát nước, người làm cỏ, trẻ chăn trâu, toán thợ cấy, xa xa có lũy tre xanh, có mái nhà tranh v.v… Một vài hình ảnh kể trên có thể được sử-dụng làm bối-cảnh cho tấm ảnh chụp bác nông-dân vì nó phù-hợp với môi-trường sinh-hoạt của chủ-đề. Tuy nhiên ta không nên dùng tất cả những hình ảnh trên để làm bối-cảnh cho chủ-đề vì tấm ảnh như vậy sẽ trở thành rối mắt vì ôm đồm qua, rối reng quá. Một bối-cảnh khác, chủ-đề được lập đi lập lại, thí-dụ cũng một cảnh sinh-hoạt nông thôn, chủ-đề là hai thôn-nữ đang tát nước, xa xa một cặp nữa cũng đang tát nước… tất cả cùng một hình ảnh, cùng một ý nghĩa với chủ-đề, nhưng nhỏ hơn và mờ hơn, cũng là bối-cảnh đồng-loại.

b. BỐI-CẢNH TƯƠNG-PHẢN.

Là loại bối-cảnh có hình ảnh hay ý nghĩa ngược lại với chủ-đề. Thí-dụ chụp cảnh một em bé phải chống nạng mặt mày buồn thiu đứng nhìn các bạn cùng lứa đang vui vẻ, hăng say chơi túc-cầu. Các em nhỏ đang chơi bóng đằng kia càng hoạt-động bao nhiêu, càng vui vẻ bao nhiêu, càng làm em bé chống nạng buồn tủi bấy nhiêu… Trường-hợp này ta lấy động làm tăng tĩnh, lấy vui làm tăng buồn… Tùy cách sắp đặt hoặc tùy góc độ thu hình, ta có thể dùng em bé làm chủ-đề, bạn em làm bối-cảnh hay ngược lại. Một tấm ảnh khác chụp một bé gái ngồi chải tóc cho bà. Tóc cháu đen tóc bà trắng, da cháu mũm mĩm da bà nhăn nheo, cháu trẻ bà già… Bối-cảnh này ta lấy hình ảnh và ý nghĩa tương-phản để làm tăng ý nghĩa cho chủ-đề. Tùy cách sắp đặt hoặc tùy góc độ thu hình, ta có thể chọn cháu làm chủ-đề, bà làm bối-cảnh hay ngược lại.

c. BỐI-CẢNH TRUNG-TÍNH.

Là bối-cảnh được sử-dụng như một thành-phần trang-trí, hình ảnh, tính-chất, ý nghĩa không thuận mà cũng chẳng ngược lại với chủ-đề, chẳng giúp đỡ nhưng cũng không phá-hoại. Thí-dụ một em nhỏ chơi lăn vòng bánh xe trước mảng hàng rào gồm toàn những thanh gỗ ngang hoặc dọc hay một bức tường loang-lổ…

d. BỐI-CẢNH PHẢN BỘI.

Ðây là một thứ rác rưởi trong nhiếp-ảnh mà chúng ta phải tuyệt-đối tránh thu vào ống kính. Rác rưởi vì đã không giúp ích gì cho ý nghĩa của tấm ảnh, nó còn tác hại, hại từ nội-dung tới hình-thức. Tiếc thay đây lại là loại bối-cảnh chúng ta hay gặp nhất, gặp thường đến độ mỗi lần đưa máy lên nhìn là không ít thì nhiều, ta thấy chúng hiện-diện qua ống kính. Nó đang và sẽ đeo đẳng ta suốt cuộc đời, cho đến ngày ta “rửa tay gói máy”!
Với các nhiếp-ảnh-gia tài-tử, bối-cảnh phản-bội mà ta thường gặp nhất là những dây phơi quần áo, cột nhà, mái nhà, cửa sổ, xe cộ, cột đèn, dây điện, bảng tiệm, cây cối, hàng rào hỗn độn… kể cả những đệ-tam-nhân không liên-hệ gì đến tấm ảnh của chúng ta mà cứ hiện-diện một cách hết sức chướng mắt trong ảnh. Những bối-cảnh này ngây ngô từ hình-thức đến màu sắc, đến ý nghĩa, đến tính-chất… phá-hoại vẻ thuấn nhất, óng chuốt của tấm ảnh.
Với những nhiếp-ảnh-gia ảnh nghệ-thuật thì ngoài những rác rưởi kể trên, ta còn phải kể đến những gì không hợp với tính và chất của chủ-đề như màu sắc, ánh sáng, sắc-độ, động tĩnh, đường nét, hình ảnh, ý nghĩa v.v… Thí-dụ ảnh chụp một thiếu-nữ buồn buồn ngồi cô-đơn bên bờ hồ, nơi nàng và người yêu cũ thường hay ngồi tâm-sự; ánh sáng, màu sắc và bối-cảnh đều phù-hợp với ý nghĩa của chủ-đề, nhưng trên tay thiếu-nữ lại cầm tờ báo ngoại-ngữ, điều này trên thực-tế không phải không thể sảy ra, nhưng riêng trong hoàn cảnh này, tờ báo đó là rác rưởi. Xin xem bài “Rác rưởi trong ảnh”.

3. ÐƯỜNG NÉT.

Nếu chủ-đề được ví như xương sống của một tác-phẩm nhiếp-ảnh thì đường nét có thể được coi như xương sườn của tác-phẩm đó.
Ðường nét có tác-dụng mạnh trong bố-cục, đóng góp phần không nhỏ trong việc tạo nội-dung cho tấm ảnh và có tính cách hướng-dẫn ý nghĩa của tác-phẩm.
Ðường nét có nhiều hình dạng như đường thẳng, đường cong, đường chéo, đường gẫy, đường xoáy trôn ốc…
Ðường nét có thể đã có sẵn tại địa-điểm thu hình hay nhiếp-ảnh-gia phải tạo lấy. Có nhiều cách cấu-tạo đường nét :

a. ÐƯỜNG NÉT CẤU-TẠO BỞI SỰ VẬT.

Con đường mòn cắt đôi thảm cỏ xanh rì, uốn éo ngược lên đồi tạo thành đường nét hình chữ S; một hàng rào gỗ cuối công-viên tạo một đường cong hình chữ C; một rừng cây trụi lá cuối thu tạo thành những đường thẳng san sát liền nhau; một dãy ống cống chồng bên nhau tạo thành những đường nét vòng tròn…

b. ÐƯỜNG NÉT CẤU-TẠO BỞI ÁNH SÁNG.

Một đám đông tín-đồ tay cầm nến đi hàng một, rước tượng Ðức Mẹ trên con đường làng cong cong trong đêm tối. Những đốm lửa lung linh nối tiếp nhau tạo thành đường nét trắng hình chữ C trên nền đen; những tia sáng cuối cùng trong ngày rọi một làn ánh sáng vàng vọt lên hàng rào gỗ tạo thành ba sợi chỉ vàng song song uốn lượn trên cánh đồng đã bắt đầu chìm vào tối…

c. ÐƯỜNG NÉT CẤU-TẠO BỞI MẢNG MÀU SẮC, MẢNG ÐẬM LỢT.

Một đóa hoa cúc màu vàng, một đóa hoa thược-dược màu tím; đám hoa cúc tạo thành một mảng vàng, đám hoa thược-dược tạo thành một mảng tím. Nối tiếp nhau ta có một giải màu vàng song song với một giải màu tím, tạo bởi những mảng vàng và tím. Với ảnh đen trắng, vàng trở thành xám lợt và tím trở thành xám đậm và ta có hai đường song song tạo bởi những mảng đậm lợt…

d. ÐƯỜNG NÉT CẤU-TẠO BỞI NHỮNG ÐƠN-VỊ HỖN-HỢP.

Binh nhì Hai đứng nghiêm tạo một đường thẳng; trung-sĩ Ba mệt mỏi cong lưng xuống thở tạo một đường cong, nhưng cả một tiểu-đoàn quân-nhân, trong đó có người là đường thẳng, có người là đường cong, có người là đường gẫy… cả đoàn người, từ xa trông lại, chỉ là một đường tổng-hợp, đường đó thẳng hay cong tùy theo tiểu-đoàn đó đứng trên con đường thẳng hay cong…

e. ÐƯỜNG NÉT VÔ-HÌNH HAY HỮU-HÌNH.

Những thí-dụ trên cho ta một hình ảnh về đường nét hữu-hình. Nhưng đường nét không nhất-thiết lúc nào cũng phải là đường nét hữu-hình.
Tấm ảnh chụp một em bé chạy trên bờ đê cao ngoái cổ nhìn lại, góc trên cao phía bên kia là một cánh diều. Vì ảnh chụp qúa xa hay vì sợi dây quá nhỏ, ta không nhìn thấy sợi dây, nhưng nhìn tấm ảnh ai cũng như mường-tượng ra sợi dây nối từ tay em bé đến cánh diều và đó là một hình ảnh về đường nét tuy hữu-hình nhưng lại trở thành vô-hình.
Trong một trường-hợp khác chụp cảnh chia-ly trên sân ga : chàng, trên con tàu vừa chuyển bánh cố nhoài mình ra khuôn cửa sổ đưa tay vẫy vẫy, nàng, còn lại cô-đơn nơi sân ga, rưng rưng nước mắt, hai bàn tay chới với trong không… Ánh mắt nhìn lại và ánh mắt đưa theo, tuy không có vật-thể gì nối tiếp, nhưng đã tạo nên một đường nét nối tiếp hai người và đây là một hình ảnh về đường nét tuy vô-hình nhưng lại được coi như một đường nét hữu-hình.

f. Ý NGHĨA CỦA ÐƯỜNG NÉT.

Mỗi đường nét mang một ý nghĩa. Ðường thẳng ngang có ý nghĩa bình-thản, yên tĩnh… Ðường thẳng đứng có ý nghĩa khoẻ mạnh, sôi nổi, rành rẽ, dứt khoát… Ðường chéo gợi ý-tưởng sống động, mạch lạc… Ðường cong đứng có ý nghĩa uyển-chuyển, mềm dẻo, rung cảm… Ðường cong ngang uốn lên có ý nghĩa cố gắng, hướng lên, cầu tiến… Ðường cong ngang uốn xuống có ý nghĩa buông thả, nổi trôi… Ðường gẫy có ý nghĩa phức-tạp, sôi nổi… Ðường nét hỗn-tạp cho ý nghĩa hỗn loạn, hoang mang… Những đường hội-tụ, dù thẳng hay cong cũng cho một cảm-tưởng về chiều sâu, gợi một ý-tưởng xuất-phát hay đạt tới… Những hình kỷ-hà đều đặn, lập đi lập lại, tạo một ý-tưởng nhịp nhàng…
Ta phải chọn lựa làm sao cho ý nghĩa của đường nét đóng góp vào nội-dung bức ảnh bằng cách giúp bổ-khuyết ý nghĩa cho chủ-đề.
Diễn-tả hình ảnh của một cặp tình-nhân líu lo tràn trề hạnh-phúc ta phải đặt họ vào bối-cảnh có những đường thẳng đứng, cao vút, nhịp-nhàng như những hàng cây thẳng tắp bên đường hay trong lòng đô-thị với những nét kiến-trúc thẳng đứng vươn lên… nhẹ nhàng và bay bổng như tâm-hồn họ vậy.
Ngược lại, muốn diễn-tả tâm hồn của một thiếu-nữ buồn lê thê, đầu óc nặng chĩu, người cong như một dấu phẩy, ta phải đặt nàng vào một bối-cảnh có những đường cong như đang thả bước trên con đường mòn với hàng hàng lớp lớp những cành dương-liễu ủ rũ bên hồ, như Nguyễn-Du đã tả :
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Những đường nét có ý nghĩa hợp với chủ-đề được gọi là đường nét thuận, ngược lại là đường nét nghịch. Trong nhiều trường-hợp cảnh đâu có chiều người, ta hay gặp những đường nét chống đối, phản bội lẫn nhau tạo thành đường nét hỗn-tạp, không những đã không giúp ích gì cho ý nghĩa của chủ-đề mà lại còn tác hại nữa, nên người ảnh kinh-nghiệm thường áp-dụng phương-pháp gọi là “tránh voi” (tránh voi chẳng xấu mặt nào !) bằng cách sửa chữa lại cảnh vật, nếu được, cho có đường nét thuận trước khi thu hình, hay tìm một vị-trí thu hình khác thuận lợi hơn, hay dùng những thành-phần của tiền-cảnh che dấu đi, hay tìm cách dồn các đường nét phản-bội đó về một phía để loại chúng ra khỏi thị-trường của máy ảnh, hoặc đối-đế lắm, ta dồn chúng về một góc và cứ thu hình như thường, sau này sẽ cắt bỏ khi phóng ảnh. Ðôi khi ta cũng có thể sử-dụng kính lọc để dìm những đường nét phản-bội đó vào trong tăm tối.