Kỹ năng cơ bản khi chụp ảnh

Kỹ năng cơ bản khi chụp ảnh
vuanhiepanh.com Một chiếc máy ảnh kỹ thuật số “thật sự” cần phải cung cấp các tùy chọn giúp người chụp có khả năng kiểm soát một cách sáng tạo những đặc tính của bức ảnh sẽ chụp. Khả năng kiểm soát này thường thông qua các tùy chọn về điều khiển ánh sáng, mức độ sắc nét....Mặc dù hầu hết các loại máy ảnh kỹ thuật số thông dụng đều là loại tự động (fully automatic), tuy nhiên đều có các tùy chọn giúp kiểm soát đặc tính của ảnh ở một mức độ nhất định nào đó

TỐC ĐỘ TRẬP KIỂM SOÁT ÁNH SÁNG VÀ TÍNH ĐỘNG CỦA ẢNH

Khi cửa trập mở, ánh sáng sẽ tác động vào bộ cảm nhận ánh sáng theo đó hình ảnh sẽ được tạo ra. Khoảng thời gian cửa trập mở sẽ ảnh hưởng đến mức độ phơi sáng của hình ảnh cũng như tính động của ảnh (motion of the picture)

Tốc độ trập và độ phơi sáng 

Tốc độ trập càng chậm thì lượng ánh sáng tác động vào bộ cảm nhận ánh sáng càng nhiều và do đó hình ảnh sẽ sáng hơn. Tốc độ trập càng nhanh, lượng ánh sáng tác động càng ít, hình ảnh sẽ tối hơn
 
.         

Trong hai ảnh trên: ảnh bên phải có thời gian phơi sáng dài hơn do đó hình ảnh sẽ sáng hơn

Tốc độ trập và tính động của ảnh 

Tốc độ trập đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kiểm soát tính động của ảnh. Hiểu biết về tốc độ trập là một việc thiết yếu khi chụp các chủ đề động, thông qua việc điều khiển tốc độ trập, người chụp sẽ kiểm soát được chủ đề động sẽ hiện ra như thế nào trên bức ảnh: rõ nét hay mờ. Tốc độ trập càng chậm thì hình ảnh của chủ đề động sẽ càng mờ, toàn bộ hình ảnh cũng dễ bị mờ do chuyển động của tay người chụp

         

Ảnh bên trái được chụp ở tốc độ trập nhanh do đó sẽ bắt cứng được chuyển động của cánh quạt quay, ảnh phải  chụp ở tốc độ trập chậm hơn do đó các cánh quạt sẽ không hiện rõ (nhưng thể hiện được sự chuyển động của cánh quạt - tính động của chủ đề chụp)
Theo truyền thống dãy tốc độ trập thường được biểu diễn theo tỷ lệ một phần của giây: 1/1000, 1/500, 1/250, 1/125, 1/60, 1/30, 1/15, 1/8, 1/4, 1/2 và 1 giây. Tuy nhiên trên máy ảnh kỹ thuật số, tốc độ trập đôi khi chỉ được biểu diễn bởi một chữ số: 2 có nghĩa là tốc độ trập là 1/2 giây.

Làm thế nào để lựa chọn tốc độ trập?

Đọc phần hướng dẫn sử dụng của máy về shutter. Chế độ chụp ưu tiên tốc độ trập thường có ký hiệu Tv (time value) hoặc Sv (shutter value), khi chuyển máy sang chế độ chụp này, người sử dụng sẽ điều khiển được tốc độ trập.
 
 

ĐỘ MỞ ỐNG KÍNH - KIỂM SOÁT ÁNH SÁNG VÀ VÙNG ẢNH RÕ

Độ mở ống kính có tác dụng kiểm soát mức độ phơi sáng thông qua việc kiểm soát lượng ánh sáng đi vào trong máy, đồng thời còn kiểm soát cả vùng ảnh rõ.
 

Độ mở và mức độ phơi sáng

Độ mở càng lớn thị lượng ánh sáng tác động vào bộ cảm nhận ánh sáng càng nhiều và hình ảnh thu được cũng sáng hơn.
 

Độ mở và vùng ảnh rõ

Cũng giống như tốc độ trập, độ mở cũng ảnh hưởng đến sự sắc nét của hình ảnh nhưng theo một kiểu khác hẳn. Thay đổi độ mở sẽ thay đổi vùng ảnh rõ, độ mở càng nhỏ thì vùng hình ảnh rõ nét sẽ càng lớn. Đối với một vài kiểu cảnh chụp ví dụ như chụp phong cảnh (landscape) người chụp luôn mong muốn sẽ lấy được sắc nét toàn bộ khung cảnh từ điểm gần nhất cho tới điểm xa nhất vì vậy mà độ mở ống kính thường được để ở độ mở nhỏ nhất. Khi chụp chân dung, người chụp thường mong muốn có được bức ảnh trong đó mặt người được chụp sẽ sắc nét nhất trong khi hậu cảnh sẽ mờ hơn nhằm làm nổi bật chủ đề chụp lúc này độ mở ống kính càng lớn̉ càng tốt.


Độ mở ống kính càng lớn, vùng ảnh rõ càng cạn, thì chủ đề chụp càng nổi bật
 
 

Độ mở ống kính càng nhỏ, vùng ảnh rõ càng sâu, toàn bộ khung cảnh sẽ sắc nét
 
Theo truyền thống dãy giá trị độ mở ống kính thường được biểu diễn như sau: f/1, f/1.4, f/2, f/2.8, f/4, f5.6, f/8, f/11, f/16, f/22, f/32, f/45 (không một ống kính nào có đủ các độ mở trên). Khi chuyển một giá trị từ trái sang phải lượng ánh sáng tác động vào bộ cảm nhận sẽ giảm đi đúng một nửa. Ống kính có độ mở càng lớn thì càng dễ chụp trong ánh sáng yếu cũng như các chủ đề chụp chuyển động nhanh.
 

Lựa chọn độ mở ống kính như thế nào?

Đọc sách hướng dẫn đi kèm máy phần Aperture. Trên máy ảnh chế độ chụp ưu tiên độ mở thường có ký hiệu Av (aperture value)
 
 

PHỐI HỢP TỐC ĐỘ TRẬP VÀ ĐỘ MỞ ỐNG KÍNH

Tốc độ trập và độ mở ống kính đều ảnh hưởng đến mức độ phơi sáng (lượng ánh sáng tác động vào bộ cảm nhận ánh sáng) qua đó ảnh hưởng đến mức độ sáng tối của hình ảnh. (Tốc độ trập ảnh hưởng đến khoảng thời gian ánh sáng tác động vào bộ cảm nhận, độ mở ống kính ảnh hưởng đến cường độ sáng tác động đến bộ cảm nhận.). Giá trị tốc độ trập và độ mở vì vậy thường đi với nhau theo từng cặp một. Độ mở ống kính lớn thường đi kèm với tốc độ trập nhanh và ngược lại qua đó nhằm thu được hình ảnh có mức độ phơi sáng phù hợp. Nếu chỉ xét trên khía cạnh phơi sáng thì việc lựa chọn cặp giá trị nào trong hai cặp trên là không quan trọng vì cả hai đều cho mức độ phơi sáng giống nhau. Tuy nhiên sự khác biệt nằm ở tính động của hình ảnh và vùng ảnh rõ. Khi tăng độ mở ống kính lên một nấc (f-stop, hay còn gọi là một khẩu) lượng ánh sáng sẽ tăng lên gấp đôi, tốc độ trập sẽ giảm đi một nửa nhằm giảm lượng ánh sáng tác động xuống một nửa do đó độ phơi sáng vẫn giữ nguyên nhưng sự khác biệt nằm ở vùng ảnh rõ: vùng ảnh rõ sẽ sâu hơn. Nếu như làm ngược lại tăng tốc độ trập thì vùng ảnh rõ sẽ cạn hơn nhưng khả năng bắt các chuyển động sẽ tăng lên hình ảnh của chủ đề động sẽ hiện ra sắc nét hơn. Nhờ có sự biến đổi này mà người chụp sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc sáng tạo hình ảnh.
 
 

LỰA CHỌN CHẾ ĐỘ PHƠI SÁNG (EXPOSURE)

Hầu hết các máy ảnh đều cung cấp nhiều chế độ phơi sáng. Trong chế độ hoàn toàn tự động (fully automatic) máy ảnh sẽ tự chọn cả tốc độ trập và độ mở ống kính, tuy nhiên còn có hai chế độ chụp nữa thường được sử dụng: ưu tiên tốc độ trập (shutter priority) và ưu tiên độ mở (aperture priority). Mỗi chế độ chụp đều có ưu, nhược điểm riêng.
 

- Hoàn toàn tự động (Fully automatic):

 Máy ảnh tự động lựa chọn tốc độ trập, độ mở ống kính, cân bằng trắng… Người sử dụng chỉ còn phải tập trung đến việc định khung hình của ảnh, lựa chọn góc chụp, sắp xếp chủ thể chụp sao cho biểu đạt được thông tin như mong muốn.
 

- Ưu tiên độ mở ống kính (Aperture priority):

 Chế độ chụp này cho phép người sử dụng lựa chọn độ mở ống kính nhằm thu được vùng ảnh rõ thích hợp theo ý muốn. Người chụp sử dụng chế độ này khi mà vùng ảnh rõ là yếu tố được ưu tiên hàng đầu:
  + Khi muốn toàn bộ hình ảnh có trong khung hình đều rõ nét (như trong trường hợp chụp phong cảnh) thì nên để độ mở ống kính nhỏ (vùng ảnh rõ sẽ sâu, tóm bắt được nhiều chi tiết của phong cảnh)
  + Khi chụp với mong muốn chỉ làm nổi bật một vùng hình ảnh có trong khung hình thì nên để độ mở ống kính lớn (vùng ảnh rõ sẽ cạn, hạn chế ảnh hưởng gây giảm sự tập trung chú ý vào chủ đề chụp gây ra bởi các chi tiết của hậu cảnh.
 

- Ưu tiên tốc độ trập (Shutter priority):

Chế độ chụp này cho phép người sử dụng lựa chọn tốc độ trập qua đó người chụp có thể chụp bắt cứng chủ đề động hoặc cố tình làm mờ chủ đề động. Chế độ này thường được sử dụng khi tính động của ảnh là yếu tố được ưu tiên hàng đầu.

Một số máy ảnh còn cung cấp tuỳ chọn cao cấp đó là chế độ chụp tự chỉnh MANUAL, trong chế độ này người chụp tự do lựa chọn cả tốc độ trập và độ mở ống kính.
Một trong những điều làm cho nhiếp ảnh trở nên hấp dẫn đó là người chụp có được khả năng diễn đạt chủ đề chụp theo như ý tưởng hay chủ định của chính bản thân. Chụp ưu tiên tốc độ trập và chụp ưu tiên độ mở là hai công cụ hữu dụng giúp cho bức ảnh trở nên độc đáo, duy nhất và đầy tính sáng tạo.
 
 

CHỤP THEO CHIỀU DỌC - CHIỀU NGANG (Shooting vertical or horizontal)



Đừng bao giờ quên rằng có thể xoay máy ảnh để chụp theo chiều dọc (hay còn gọi chiều thẳng đứng – Vertical). Xoay thẳng đứng máy ảnh để chụp thường được áp dụng khi chụp các toà nhà cao tầng, thác nước, hoặc chụp người. Xoay máy ảnh nằm ngang để chụp một nhóm người, các vật thể thông thường…Tuy nhiên không phải quy luật này lúc nào cũng đúng, tốt hơn cả là nên thử chụp cùng một cảnh với hai kiểu chụp thẳng đứng và nằm ngang. Đôi khi chủ đề thường được chụp theo kiểu nằm ngang (Horizontal), khi được chụp theo kiểu thẳng đứng (Vertical) sẽ thu được hình ảnh khác lạ, bất ngờ và đầy tính khám phá.

 
 

CHỤP CHÂN DUNG (PHOTOGRAPHING PEOPLE)

Có lẽ chủ đề chụp xuất hiện nhiều nhất trong các bức ảnh chính là con người trong các hoạt động thường ngày. Chụp được những bức ảnh đẹp của người thân hay những người xung quanh luôn là điều mong muốn của những người cầm máy ảnh.


 

Chụp một nhóm người

Đối với chụp một nhóm người thì kiểu chụp thường được ưa thích cũng như dễ chụp nhất là chụp ngoài trời dưới ánh sáng ban ngày. Khi chụp ngoài trời cách tốt nhất là chụp trực diện, hướng chiếu của ánh sáng cần phải hướng được vào mặt của những người được chụp. Nếu như cường độ sáng quá lớn (chụp dưới ánh nắng) thì tốt hơn cả là di chuyển mọi người vào vùng bóng râm nơi có cường độ chiếu sáng vừa phải, độ tương phản vừa phải sẽ dễ dàng hơn trong việc lấy nét đặc biệt là khuôn mặt của mọi người.


Khi chụp nên tránh việc sắp xếp mọi người một cách cứng nhắc theo kiểu “duyệt binh”, mỗi người cần có tư thế riêng sao cho tự nhiên và thoải mái, không nhất thiết mọi người đều cần nhìn về phía máy ảnh. Khi chụp một nhóm người trong nhà, việc quan trọng trước tiên là di chuyển lại gần tránh chụp quá xa, khoảnh cách chụp tốt nhất nằm trong vùng hoạt động có hiệu quả của đèn flash (vùng này thường không vượt quá khoảng cách 5 m). Kiểu chụp này thường gặp giới hạn về số lượng người có thể chụp được (do phải chụp trong khoảng cách gần), không nên sắp xếp người chụp vượt quá hai hàng do khó thu được một cách sắc nét mặt của những người đứng ở hàng thứ ba.

Chụp ảnh bán thân (Semi-formal portrait)



Khi chụp loại ảnh này, người chụp cần xác định xem điều gì là quan trọng nhất cần được thể hiện trên bức ảnh: thể hiện tính cách người được chụp, nét đặc sắc của khuôn mặt hay chỉ là một cái nhìn thoáng qua thể hiện một ý tưởng nào đó, minh hoạ cho một quan điểm nào đó. Khi đã xác định được tiêu chí để chụp thì cần tập trung việc sắp xếp, bố cục, góc chụp của bức ảnh nhằm thể hiện tập trung vào ý tưởng đó. Các yếu tố sau cần được quan tâm, sử dụng khi chụp:
  • Sử dụng ánh sáng được chiếu sáng từ nhiều nguồn khác nhau (diffuse light), cường độ sáng vừa phải nhằm tôn lên chủ đề chụp, đây là yếu tố quan trọng nhất khi chụp.
  • Hậu cảnh cần phải đơn giản tránh các chi tiết gây “loãng”, và cần có tác dụng hỗ trợ chủ đề chụp, làm nổi bật chủ đề, ý tưởng.
  • Cần chụp ở khoảng cách gần, tầm cao của máy ảnh thấp hơn một chút so với mắt của người được chụp.
  • Cần chú ý đến góc nhìn khi chụp tay và đầu bởi hai bộ phận này đôi khi hiện ra khá khôi hài ở một số góc nhìn đặc biệt.
  • Khi muốn làm nổi bật đường nét của khuôn mặt, thể hiện cá tính thì hướng chiếu ánh sáng là yếu tố cực kỳ quan trọng. Ánh sáng chiếu ngang luôn luôn là kiểu chiếu sáng tôn tạo các góc cạnh của khuôn mặt, thể hiện cá tính.

Chụp các cảnh đời thường (Everyday picture)



Có thể sử dụng máy ảnh bất cứ lúc nào, không nhất thiết cứ phải chụp với một lý do đặc biệt nào đó, các bức ảnh chụp các hoạt động sinh hoạt đời thường luôn tạo ra cảm hứng, thể hiện tính chân thực của đời sống. Các lời khuyên sau có thể hữu ích khi chụp các bức ảnh loại này:
  • Di chuyển lại gần chủ đề chụp, nhưng không quá gần để ảnh hưởng hoạt động đang diễn ra, tránh hiện tượng gây mất tự nhiên cho người được chụp.
  • Khi các hoạt động đang diễn ra, tốt nhất là chụp liên tục hàng loạt bức ảnh qua đó có thể thu được hình ảnh của những khoảnh khắc đáng nhớ, những bức ảnh đẹp, thú vị đều là những bức được chụp khi mọi người đang trong trạng thái hoạt động.
  • Sử dụng luôn điều kiện chiếu sáng hiện tại, đừng quá chú ý đến góc chiếu sáng, cách sắp đặt, bố cục của chủ đề, điều quan trọng là nắm bắt được các hoạt động đang diễn ra.

Chụp ảnh vào những dịp đặc biệt (Milestone event)


Một trong những lý do thông thường để sử dụng máy ảnh đó là ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của đời người: sinh nhật, lễ cưới, buổi đoàn tụ, hay ngày gặp mặt đầu năm…Có thể những ý kiến sau đây sẽ là hữu ích khi chụp những bức ảnh kiểu này:
  • Khi chụp những đứa trẻ: tốt nhất là chụp cạnh những vật thể quen thuộc ví dụ như cây cối chẳng hạn qua đó thể hiện được tầm vóc, mức tuổi của đứa trẻ.
  • Khi chụp gia đình: có thể tốt hơn là nên chụp cả gia đình đứng trước mặt tiền của ngôi nhà hoặc quây quần bên bàn tiệc sẽ cho cảm giác ấm cúng cũng như thể hiện phong cách của một gia đình…
  • Khi chụp lễ cưới tốt nhất là di chuyển tới gần chủ đề chụp, tập trung vào việc lấy nét của khuôn mặt, nên chọn thời điểm mà người được chụp đang trong trạng thái tự nhiên, chủ động và thư giãn (thời điểm lý tưởng cho những bức ảnh kiểu này), góc chụp là yếu tố rất quan trọng khi chụp cô dâu và chú rể (hai nhân vật chính).

Ánh sáng - Yếu tố cực kỳ quan trọng khi chụp chân dung


Ánh sáng là yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng rất nhiều tới sắc thái của bức ảnh đặc biệt là khi chụp chân dung. Sự thay đổi điều kiện chiếu sáng có thể biến một bức hình chụp từ rất đẹp sang rất xấu. Có một vài đặc điểm đáng chú ý về ánh sáng khi chụp chân dung:
  • Chụp dưới điều kiện chiếu sáng mạnh, dưới ánh nắng:

Kiểu chiếu sáng này thường tạo ra bóng (shadow) gây che lấp mặt, các nếp nhăn, các khiếm khuyết sẽ hiện rất rõ trên ảnh trong điều kiện chiếu sáng loại này, tuy nhiên mầu sắc của ảnh sẽ rất đẹp và rực rỡ.
  • Chụp dưới ánh sáng của bầu trời
    Ánh sáng loại này lan tỏa khắp do đó không bị hiện tượng bóng che lấp một phần khuôn mặt, các nếp nhăn, các khiếm khuyết trên khuôn mặt sẽ ít hiện rõ hơn, mắt của người được chụp sẽ không bị nheo lại.
  • Hướng chiếu sáng (Direction of light):

Hướng chiếu sáng đặc biệt là khi chụp dưới trời nắng ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh của người được chụp. Vậy chụp theo hướng nào là tốt nhất ? điều này phụ thuộc vào ý tưởng của người chụp:
- Ánh nắng chiếu thẳng trực tiếp vào mặt người được chụp thường gây ra hiện tượng nhăn mặt, tuy nhiên sẽ rất dễ bắt nét từng chi tiết nhỏ trên khuôn mặt. Các nếp nhăn, góc cạnh thể hiện cá tính sẽ hiện ra rất rõ
- Ánh nắng chiếu từ trên đỉnh đầu xuống: kiểu chiếu sáng này thường gây ra bóng che lấp khuôn mặt, tốt nhất là dùng đèn flash để loại bỏ bóng che cũng như làm cho hình ảnh khuôn mặt sẽ sáng hơn.
- Ánh sáng bên: kiểu chiếu sáng này thường xuất hiện vào sáng sớm hay chiều tà, nên bố trí người được chụp sao cho ánh sáng chỉ chiếu sáng một bên mặt. Một bên mặt được chiếu sáng và một bên không sẽ tạo ra hình ảnh khá “gai góc” tạo ra chiều sâu của nét mặt, để hạn chế mức tương phản quá lớn có thể sử dụng đèn flash chế độ fill flash.
- Ánh sáng chiếu ngược (backlight): Mặt của người được chụp thường bị tối do đó cần sử dụng đèn flash
- Chụp trong điều kiện chiếu sáng trong nhà (Indoor lighting)
Chụp được một bức ảnh đẹp trong nhà luôn là một thách thức lớn do cường độ sáng thường không đạt. Ánh sáng từ đèn bàn hay đèn trần không phải là nguồn sáng tốt để chụp ảnh, trong rất nhiều trường hợp nên cân nhắc việc sử dụng đèn flash. Chủ thể được chụp cần được sắp xếp nằm trong khoảnh cách hoạt động có hiệu quả của đèn flash, nếu như chụp một nhóm người thì cần sắp xếp sao cho mọi người có khoảng cách gần như nhau tới máy ảnh, bật tất cả các loại đèn có sẵn để hạn chế hiện tượng mắt đỏ, cần chú ý để mặt người được chiếu sáng tốt nhất. Cần chú ý đến việc lựa chọn chế độ cân bằng trắng (WB) cho phù hợp nếu không tone mầu của ảnh hiện ra sẽ không thật (có thể là quá đỏ hoặc quá thiên về mầu xanh).

Nguồn tin: Sưu tầm