CÁCH PHA CHẾ HÓA CHẤT ÐỂ TRÁNG PHIM VÀ LÀM ẢNH

CÁCH PHA CHẾ HÓA CHẤT ÐỂ TRÁNG PHIM VÀ LÀM ẢNH
Ở Việt-Nam, các nhiếp ảnh gia thường tự pha chế lấy thuốc để dùng. Để làm ảnh đen trắng, hoá chất cần có như thuốc hiện hình, thuốc định hình, thuốc hãm hình..
 Trước đây có rất sẵn và có nhiều loại mua về dùng luôn, nhưng cũng có nhiều loại phải pha chế thủ công. Bây giờ thường hiếm hoi hơn nhưng với ai thực sự thích chơi máy ảnh cơ (chụp bằng phim)do đó nếu muốn làm ảnh đen trắng ta vẫn phải pha chế lấy, nên chúng ta phải mầy mò vào lĩnh vực cân, đo, đong, quấy những công thức thuốc không có hãng nào bào chế sẵn…

Xin đi thẳng vào vấn đề, để những bạn yêu ảnh nào muốn pha lấy thuốc một cách tự tin, thì vui lòng đọc bài chia sẻ này và có thể coi như là vấn đề cơ bản của làm ảnh đen trắng được chụp từ phim.
TRÁNG PHIM LÀM ẢNH
Dụng cụ để pha hoá chất làm phim ảnh
DỤNG CỤ PHA CHẾ THUỐC.
Trước hết ta cần một cái cân tiểu ly, độ nhạy đến một gram, tối đa được tới 100 gram (nếu cân nặng hơn được thì càng tốt; nếu cần cân hóa chất nào nặng hơn 100 gram, ta cân làm hai, ba lần…). Một vài cái thìa bằng nhựa để đong thuốc, thí dụ dùng thìa B đong hóa chất X thì mỗi thìa đó nặng 3 gram… khá chính-xác.
Ta cũng cần một bình pha thuốc có dung lượng khoảng một lít, bằng thủy tinh hay bằng nhựa, có chia ra từng cc, quarts, ounces v.v…
Ta cần khoảng 4 chai để đựng thuốc ảnh sau khi pha, mỗi chai khoảng một gallon (cỡ cái bình đựng sữa), màu nâu đậm hay đen, bằng plastic và hai ba chai nhỏ, mỗi chai khoảng một lít. Mỗi chai đựng một loại thuốc, đề tên phía ngoài rõ ràng, tuyệt đối không dùng chai dán nhãn hiệu này để đựng thuốc kia… để tránh những hậu quả đáng tiếc do nhầm lẫn.
Ta cũng cần phải có một nhiệt kế (loại để đo nồng độ) có khắc độ F và C để đo nhiệt độ của nước hay thuốc. Nên dùng loại nhạy, bằng thủy ngân, thử bằng cách nắm hai ngón tay vào bầu thủy ngân, mực thủy ngân chuyển động là tốt. Không nên dùng nhiệt kế để quấy thuốc vì rất dễ vỡ.
Ngoài ra còn có một số dụng cụ linh tinh như que quấy thuốc (bằng thuỷ tinh hay plastic thì càng tốt, đơn giản thì chỉ cần dùng đũa tre, nhưng nhớ phải thay đũa khi quấy thuốc khác hoặc phải rửa thật sạch), bao tay làm bếp (để đong, pha chế thuốc, tránh khỏi bị dính hoá chất…), phễu và bông gòn để lọc thuốc.
CÁCH PHA CHẾ HÓA CHẤT.
Nước dùng để pha thuốc nên dùng nước lọc (nước tinh khiết bán ở cửa hàng, siêu thị, nước Arroheads, nước lọc theo phương pháp thẩm thấu trong nhà…), nước cất, nước mưa (nước mưa ở gần thành phố không được trong lành lắm, nên tránh dùng)… bất quá, nếu không có hãy dùng nước máy (vòi nước trong nhà, vì nước này có nhiều hóa chất).
Ngoại trừ công thức nào có nhu cầu đặc biệt, nếu không, khi pha thuốc nên dùng nước ấm khoảng 100-120 độ F (40 đến 50 độ C) để hóa chất dễ hòa tan (hóa chất khó tan trong nước lạnh). Ðổ khoảng 750 cc nước ấm vào bình rồi bắt đầu pha thuốc. Khi hoà tan xong hóa chất cuối cùng, thêm nước vào cho đủ 1000 cc. Ta có thể pha mỗi lần một lít, hai lít hoặc bốn lít, tùy nhu cầu, tuy nhiên không nên pha nhiều quá vì có một số thuốc ảnh để lâu bị oxy hóa.
Nên pha thuốc ở nơi thoáng khí. Khi pha chế acid nên mang găng tay, mang kính để tránh bị cháy da hay ngứa ngáy.
Pha chế hóa chất theo thứ tự ghi ở công thức. Bỏ từng dúm nhỏ vào trong nước, quấy đều tay cho tan hẳn, quấy thêm vài phút nữa rồi hãy cho hóa chất kế tiếp vào. Công thức nào có dùng acid (cường toan) thì khi pha, ta đổ acid vào nước, TUYỆT ÐỐI KHÔNG ÐỔ NƯỚC VÀO ACID (vì dung dịch có thể nổ). Khi pha xong, quấy thêm cho thật hoà tan, để nguội, lọc qua phễu, qua bông gòn vào trong chai đựng thuốc rồi cất ở nơi mát mẻ.
Có những loại thuốc ảnh không bền, pha xong là phải dùng ngay; có những loại để lâu được (ví dụ thuốc hãm hình, fixer); có loại không nên giữ lâu (thí dụ thuốc hiện hình, developer). Với những loại thuốc dễ bị oxy hóa (như thuốc hiện hình), nên chứa vào chai màu nâu hay đen, đổ thuốc thật đầy tới nắp (để giảm thiểu bề mặt tiếp giáp thuốc/không khí và lượng không khí bên trong).
Nếu thuốc đang dùng dở trong khay, muốn giữ lại để tối hôm sau dùng nữa, trải một lớp plastic mỏng (plastic wrapper dùng trong nhà bếp – loại màng co bọc thực phẩm) lên trên khay thuốc, tiếp giáp kín mặt thuốc, cho đến thành khay. Ðừng bao giờ đổ thuốc dùng dở dang vào chung với thuốc mới. Cách tốt nhất là dùng xong, đổ thuốc đi.
TRÁNG PHIM LÀM ẢNH
Pha chế hoá chất tráng phim
DẠNG THỨC CỦA HÓA CHẤT.
Hóa chất trong nhiếp ảnh có nhiều dạng thức, kể từ đây, tên hóa chất và dạng thức, (dùng  bằng tiếng Anh cho tiện, vì khi đi mua, chúng ta sẽ phải dùng những tên này).
Hóa chất dạng anhydrous (khan, khoảng 98% tinh chất), trông như loại bột hơi to hạt, khô.
Hóa chất dạng monohydrate (khoảng 85% tinh chất).
Và dạng crystal (tinh thể, khoảng 35% tinh chất, hạt thô như hạt bắp, hay kết tinh hình khối, dạng này có chứa nước).
Công thức thuốc ảnh thường có nhu cầu về dạng thức, ví dụ sodium carbonate “anhydrous”, công thức thuốc đòi hỏi hóa chất X ở dạng anhydrous cần 10 gram, nếu ta chỉ tìm được hóa chất đó ở dạng crystal, ta phải dùng tới gấp ba lần, bởi nhiều hơn mới được coi là tương đương, chỉ vì tinh chất nhiều hay ít.
NHỮNG NHÓM HÓA CHẤT.
Hóa chất thông dụng trong nhiếp ảnh được chia ra thành những nhóm như sau, mỗi nhóm có một công dụng :
Chất hiện hình (developing agents).
Có đặc tính làm hiện hình ở phim hay giấy ảnh, những nơi mà ánh sáng tác dụng vào mặt lớp nhũ tương. Ví dụ : metol (hoặc genol, hoặc elon), hydroquinone, một số công thức dùng pyro, amidol, glycin…
Chất hỗ trợ (preservative agents hoặc antioxidant agents).
Có đặc tính làm bớt tính oxy hóa, bớt những phản ứng hóa học không cần thiết của các hóa chất trong dung dịch, giúp hòa tan chất quinone để hóa chất khỏi bám vào mặt phim. Ví-dụ : sodium sulfite.
Chất xúc tác (accelerator hoặc activator).
Có tính cách thúc đẩy cho các phản ứng hóa học xẩy ra nhanh hơn. Ví dụ : sodium carbonate, sodium hydroxide, Kodalk (sản phẩm của Kodak), borax…
Chất khử mù (restrainer).
Làm giảm hoặc làm chậm lại phản ứng “mù hóa học”, phản ứng này làm phim ảnh bị mờ như màn sương,  do ảnh hoặc phim hiện hình lâu. Thí dụ : potassium bromide.
Chất hãm hình (fixer).
Có đặc tính giữ cho hình ảnh không hiện thêm lên được, tồn tại lâu bền, vì khi hiện hình, hình ảnh trên lớp nhũ tương cứ đen dần lên, đến một lúc nào đó, nếu không hãm lại, ảnh sẽ đen kịt ta không thấy gì nữa. Ví dụ : hyposulfite (hoặc họi tắt là hypo).
THUỐC ẢNH THÔNG DỤNG.
Gọi chung là thuốc ảnh, ta chia thành thuốc hiện hình tráng phim, thuốc hiện hình tráng giấy, thuốc định hình và thuốc hãm hình.
Có nhiều công thức thuốc, mỗi công thức có một đặc tính, có thứ tốt, có thứ không tốt lắm. Có thể nói là có rất nhiều bài thuốc, nhưng không biết có ai có thì giờ, tiền bạc, khả năng… để thử hết các công thức đó không ? Thành ra liệt kê cho nhiều không có nghĩa là hay và tiện lợi cho bạn yêu ảnh. Vả lại phim, giấy ảnh ngày nay tiến bộ không ngừng, công thức tốt đối với phim Adox, với giấy Varigram ngày hôm qua không nhất thiết sẽ tốt với phim T-Max, với giấy Seagull ngày hôm nay… Vì lý do đó, các bạn yêu ảnh nên dùng thuốc ảnh nào mà hãng phim, hãng giấy khuyến cáo; nếu có thì giờ và lòng ham thích công việc sáng tạo trong phòng tối hãy nên dùng các công thức sau đây. Dĩ nhiên D-76 tiền chế của Kodak vẫn giống như D-76 do chúng ta pha chế lấy, nếu chúng ta cân, đo và pha đúng theo lời chỉ dẫn.
Trong các công thức sau đây, (a) là chữ viết tắt của anhydrous và (m) của monohydrate.
TRÁNG PHIM LÀM ẢNH
Các bước tráng phim
– CÔNG THỨC THUỐC TRÁNG PHIM THÔNG DỤNG (standard fine grain film developers).
Sau đây là ba công thức mà Ansel Adams thường dùng (hoặc nói đến) :
Công thức D-23.
Nước ấm 750 cc
Metol 7.50 g
Sodium sulfite (a) 100 g
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Thời gian hiện hình : x phút ở 68 độ F.
Công thức D-25.
Nước ấm 750 cc
Metol 7.5 g
Sodium sulfite (a) 100 g
Sodium bisulfite 15 g
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Thời gian hiện hình : x phút ở 68 độ F.
Công thức D-76.
Nước ấm 750 cc
Metol 2 g
Sodium sulfite (a) 100 g
Hydroquinone 5 g
Borax 2 g
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Thời gian hiện hình : x phút ở 68 độ F.
– CÔNG THỨC THUỐC TRÁNG PHIM MỊN HẠT (high acutance film developers).
Công thức HA-72.
Nước ấm 750 cc
Metol 0.5 g
Sodium sulfite (a) 5 g
Sodium carbonate (a) 5 g
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Thời gian hiện hình : x phút ở 68 độ F.
– CÔNG THỨC THUỐC TRÁNG PHIM ÐẶC BIỆT (special film developers).
Công thức POTA sau đây là thuốc tráng phim cực kỳ dịu, để tráng những phim thông dụng chụp cảnh thật tương phản, hoặc tráng phim Kodak Technical Pan 2415 hay 6415 (hai phim này có tính tương phản cao) để có được nhiều độ xám dịu. Thuốc phải pha bằng nước cất và pha ngay trước khi dùng vì thuốc bị tự hủy rất nhanh.
Công thức POTA :
Nước cất (100 độ F) 750 cc
Sodium sulfite (a) 30 g
1-Phenyl-3-pyrazolidone 1.5 g (xem ghi chú)
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Ghi chú : Chất này còn có tên là Ilford Phenidone-A (của Ilford) hoặc Kodak BD-84 (của Kodak).
Khi dùng, hạ nhiệt độ xuống 68 độ F, thời gian hiện hình khoảng 15 phút.
– CÔNG THỨC THUỐC TRÁNG PHIM CỰC KỲ TƯƠNG PHẢN (high contrast film
developers).
Công thức D-8.
Nước ấm 750 cc
Sodium sulfite (a) 90 g
Hydroquinone 45 g
Sodium hydroxide 37.5 g
Potassium bromide (a) 30 g
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Dung dịch D-8 này không bền vì tự hủy khá nhanh, nên pha ngay trước khi dùng. Dùng xong đổ bỏ.
Khi dùng pha 2 phần thuốc với một phần nước. Thời gian hiện hình : 2 phút ở 68 độ F.
TRÁNG PHIM LÀM ẢNH
Thuốc developer A03 và Thuốc fixer A300
– CÔNG THỨC THUỐC TRÁNG GIẤY (standard paper developers).
Công thức D-72 :
Nước ấm 750 cc
Metol 3 g
Sodium sulfite (a) 45 g
Hydroquinone 12 g
Sodium carbonate (m) 80 g
Potassium bromide 2 g
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Công thức thuốc D-72 có đặc tính giống như thuốc Dektol. Khi dùng, pha 1 phần thuốc với 1 phần nước.
Công thức ANSCO 120.
Nước ấm 750 cc
Metol 12.3 g
Sodium sulfite (a) 36 g
Sodium carbonate (a) 30 g
Potassium bromide (10%) 18 cc
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Công thức trên có đặc tính tương-tự như thuốc Kodak Selectol Soft, nghĩa là dịu, vì chỉ dùng metol. Khi dùng, pha 1 phần thuốc với 1phần nước.
– CÔNG THỨC THUỐC TRÁNG GIẤY ÐẶC BIỆT (special paper developers).
Công thức tráng giấy dịu (để tráng những ảnh có độ tương phản cao).
Nước ấm 750 cc
Metol 6 g
Sodium carbonate (a) 38 g
Potassium bromide 1 g
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Khi dùng pha 1 phần thuốc vào 3 phần nước, dùng xong đổ bỏ.
Công thức thuốc tráng giấy có sắc độ “đen như than”.
Nước ấm 750 cc
Sodium sulfite (a) 25 g
Amidol 6 g
Potassium bromide 0.8 g
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Khi dùng, dùng nguyên chất, không pha loãng.
Công thức thuốc tráng giấy có sắc nồng (ấm).
Nước ấm 750 cc
Sodium sulfite (a) 28 g
Hydroquinone 7.5 g
Glycin 4.3 g
Sodium carbonate (a) 28 g
Potassium bromide 1 g
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Khi dùng, dùng nguyên chất, không pha loãng.
Công thức BEERS và FARBER.
Ðây là hai công thức khá đặc biệt, giúp ta tạo được sắc độ tương phản giữa hai số giấy, Ví dụ, nếu giấy số 2 hơi dịu, giấy số 3 hơi gắt, ta có thể dùng hai bài thuốc này để có được độ gắt 2.1, 2.3, 2.75 v.v…
Công thức BEERS :
Dung dịch A :
Nước ấm 750 cc
Metol 8 g
Sodium sulfite (a) 23 g
Sodium carbonate (a) 20 g
Potassium bromide (10%) 11 cc
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Dung dịch B :
Nước ấm 750 cc
Hydroquinone 8 g
Sodium sulfite (a) 23 g
Sodium carbonate (a) 27 g
Potassium bromide (10%) 22 cc
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Dung dịch A có tính dịu. Dung dịch B có tính gắt. Khi dùng, phối hợp hai dung dịch đó với nước, tính theo dung lượng để có thuốc hiện hình dịu (số 1, 2 hoặc 3), hoặc trung  bình (số 4 hay 5), hoặc gắt (số 6 hay 7). Số càng nhỏ thì độ gắt càng giảm; những số từ 1 đến 7 này không liên quan gì đến số giấy.
Thuốc Beers 1 : 8 phần dung-dịch A + 8 phần nước (không cần dung dịch B).
Beers 2 : 7 phần A + 1 phần B + 8 phần nước.
Beers 3 : 6 phần A + 2 phần B + 8 phần nước.
Beers 4 : 5 phần A + 3 phần B + 8 phần nước.
Beers 5 : 4 phần A + 4 phần B + 8 phần nước.
Beers 6 : 3 phần A + 5 phần B + 8 phần nước.
Beers 7 : 2 phần A + 14 phần B (không cần thêm nước).
Công thức FARBER :
Dung dịch A :
Nước ấm 750 cc
Metol 6.5 g
Sodium sulfite (a) 35 g
Hydroquinone 2.8 g
Potassium bromide 2.8 g
Sodium chloride (muối) 0.6 g
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Dung dịch B :
Nước ấm 750 cc
Sodium carbonate (mono.) 105 g
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Khi dùng, nhận chìm giấy ảnh vào dung dịch A khoảng 45 giây sau đó nhận vào dung dịch B 45 khoảng giây nữa, hoặc cho đến khi nào ảnh hiện hình đầy đủ. Từ A sang B ảnh không cần phải xả nước. Mỗi lít dung dịch không nên dùng quá 50 tấm 8”x10”.
WATER BATH.
Water bath không phải là một công thức mà là một phương pháp hiện hình trong thuốc/ nước/ thuốc/ nước… có mục-đích này làm giảm tương phản bằng cách hạn chế sắc độ hiện hình ở những vùng nhiều sáng, còn sắc độ ở những vùng ít sáng vẫn tiếp tục được hiện hình như thường.
Cách thực hiện như sau :
Ta cần hai cái khay, một khay thuốc hiện hình và một khay nước. Nhúng giấy ảnh vào trong thuốc hiện hình khoảng 30, 45 giây để phản ứng hóa học tác dụng; tác dụng này ảnh hưởng đồng đều trên mặt giấy. Sau đó lấy giấy ảnh ra khỏi thuốc, bỏ vào khay nước. Trong nước, thuốc hiện hình bám ở mặt giấy ảnh tiếp tục tác dụng, tuy nhiên nơi nào nhận được nhiều ánh sáng, thuốc hiện hình sẽ bị chai dần đi rồi không tác dụng nữa, còn chỗ nào nhận được ít sáng, thuốc hiện hình vẫn tác dụng và hình ảnh vẫn tiếp tục hiện hình. Thời gian ở trong khay nước khoảng 1 tới 2 phút. Nếu chưa đủ, ta nhúng giấy ảnh trở lại khay thuốc 15 tới 30 giây rồi lại lấy ảnh ra bỏ vào khay nước lã… cho đến khi nào độ tương phản đạt tới mức ta mong muốn thì lấy ra định hình rồi hãm hình.
TRÁNG PHIM LÀM ẢNH

Trong nước, thuốc hiện hình bám ở mặt giấy ảnh tiếp tục tác dụng
Phương pháp này cũng được dùng để tráng phim chụp ở hoàn cảnh có độ tương phản cao.
– CÔNG THỨC THUỐC ÐỊNH HÌNH (stop baths).
Nước ấm 750 cc
Acetic acid (28%) 45 cc
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Ghi chú : Muốn chế Acetic acid 28% thì pha 3 phần glacial acetic acid với 8 phần
nước (tính theo dung lượng).
– CÔNG THỨC THUỐC HÃM HÌNH (fixers).
Công thức Kodak F-6. (Có tính bảo tồn lớp nhũ tương khỏi bị chẩy, đỡ bị trầy sát khi nhiệt độ cao).
Nước ấm (125 độ F) 750 cc
Hyposulfite 240 g
Sodium sulfite (a) 15 g
Acetic acid (28%) 48 cc
Kodalk 15 g
Potassium alum. 15 g
Thêm nước cho đủ 1000 cc
 TRÁNG PHIM LÀM ẢNH
Thuốc làm ảnh đen trắng
– CÔNG THỨC THUỐC “KHỬ MÙ” TRÊN ẢNH.
Một số ảnh sau khi phóng, ở phần trắng của ảnh bị đục đục, kém trong trẻo, giống như bị “mù”. Công thức thuốc sau đây sẽ làm bớt hoặc mất chất mù đó đi, khiến phần trắng của ảnh trong trẻo hơn.
Dung dịch A :
Nước 300 cc
Potassium ferricyanide 62.5 g
Potassium metabisulfite
(hoặc Sodium bisulfite) 4.2 g
Thêm nước cho đủ 500 cc
Dung dịch B :
Nước 750 cc
Ammonium thiocyanate 330 g
Potassium bromide 30 g
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Khi dùng, pha 1 phần dung dịch A với 2 phần dung-dịch B, thêm vào đó 10 tới 15 phần nước. Nhúng tấm ảnh khô vào trong dung dịch hỗn hợp đó, di chuyển tấm ảnh luôn tay trong khoảng 5 tới 10 giây, sau đó lấy ảnh ra, rửa ngay trong nước cho đến khi hóa chất hoàn toàn bị triệt tiêu. Lập lại nếu cần. Xin lưu ý : nếu nhúng ảnh còn ướt vào dung dịch hỗn hợp này, hoặc dung dịch hỗn hợp quá loãng, thì vùng có sắc độ xám và đen cũng bị ảnh hưởng, làm giảm sắc độ toàn thể tấm ảnh đi, thay vì ta chỉ muốn khử mù ở phần trắng.
– CÔNG THỨC LÀM GIẢM SẮC ÐỘ TỔNG QUÁT CỦA ẢNH.
Công thức sau đây có tính làm giảm sắc độ tổng quát của ảnh.
Công thức FARMER (R-4a) :
Dung dịch A :
Nước 300 cc
Potassium ferricyanide (a) 37.5 g
Thêm nước cho đủ 500 cc
Dung dịch B :
Nước ấm 750 cc
Sodium thiosulfate (hypo) 240 g
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Khi dùng, pha 3 cc dung-dịch A với 12 cc dung-dịch B vào 1000 cc nước. Nhúng ảnh vào trong nước khoảng 5-10 phút cho thật ngấm, rồi hãy nhúng vào dung dịch hỗn hợp, di chuyển luôn tay trong khoảng 5-10 giây rồi lấy ra rửa trong nước sạch. Lập lại nếu cần. Sau khi rửa, hãm hình trong 5 phút rồi xả nước.
Trường hợp muốn khử mù ở vùng trắng (như trên), nhúng ảnh khô vào dung-dịch hỗn- hợp thay vì ảnh ướt.
– CÔNG THỨC LÀM TĂNG SẮC ÐỘ TỔNG QUÁT CỦA PHIM (intensifiers).
Sắc độ tổng quát của phim có thể gia tăng bằng cách thêm kim loại như bạc, thủy ngân, kền… vào lớp muối bạc sẵn có trên mặt phim, hoặc làm hơi đậm vùng phim trong trẻo để cản bớt phần nào ánh sáng khi phóng ảnh. Trong cả hai trường hợp, sắc độ vùng đậm cũng như vùng lợt của phim đều gia tăng, do đó ta gọi là “làm tăng sắc độ tổng quát” của phim. Phương pháp này chỉ dùng để sửa phim tráng non chứ không giúp ích gì trong trường hợp chụp thiếu, tuy nhiên ảnh sẽ có hột. Hai công thức sau đây tạo sắc độ lâu bền hơn.
Công-thức GAF-332 :
Nước ấm 750 cc
Potassium bichromate 9 g
Hydrocloric acid C.P. 6 cc
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Thực hiện dưới ánh sáng trong phòng, nhúng âm bản vào dung dịch trên để tẩy hình ảnh cho đến khi gần biến hết, xả nước thật kỹ khoảng 5 phút, rồi hiện hình trong thuốc hiện hình giấy Kodak D-72 hay Dektol. Khi sắc-độ hiện lên vừa ý, lấy ra xả nước thật kỹ. Lập lại nếu chưa đủ sắc độ.
Nếu phim bị áp sắc xanh, khử màu xanh bằng cách rửa phim trong nước có pha ít giọt ammonia, hoặc dung dịch 5% sodium sulfite, hoặc dung dịch 5% potassium metabisulfite.
Công thức Kodak IN-5.
Công thức DuPont 3-1.
Dung dịch A :
Nước ấm 750 cc
Silver nitrate (crystals) 60 g
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Dung dịch B :
Nước ấm 750 cc
Sodium sulfite (a) 60 g
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Dung dịch C :
Nước ấm 750 cc
Sodium thiosulfate (hypo) 105 g
Thêm nước cho đủ 1000 cc
Dung dịch D :
Nước ấm 2000 cc
Sodium sulfite (a) 15 g
Metol 26 g
Thêm nước cho đủ 3000 cc
Dùng dưới ánh sáng trong phòng. Khi dùng pha chế như sau : Từ từ đổ một phần dung dịch B vào một phần dung dịch A, quậy đều tay, dung dịch sẽ trở màu trắng đục. Thêm một phần dung dịch C vào, quấy đều tay, dung dịch sẽ trong trẻo lại. Thêm vào ba phần dung dịch D.
Dung dịch hỗn hợp này không bền, sẽ tự hủy trong khoảng 30 phút ở 68 độ F. Nhúng phim vào dung dịch hỗn hợp khoảng 15-25 phút, kiểm soát luôn. Khi được, ngâm phim trong dung dịch hypo 30%, lắc đều tay khoảng 2 phút. Xả nước thật sạch.
Công thức này dùng được cho cả phim đen trắng âm cũng như là dương.
– CÔNG THỨC LÀM GIẢM SẮC ÐỘ TỔNG QUÁT CỦA PHIM (reducers).
Cũng dùng dung-dịch A và B của công-thức Farmer (R-4a). Khi dùng, pha 30 cc dung dịch A với 120 cc dung-dịch B vào với 120 cc nước. Dưới ánh sáng dịu trong nhà, nhúng phim vào dung-dịch hỗn hợp đó. Quan-sát phim luôn luôn. Khi nào thấy sắc-độ gần xuống đến mực mong muốn, lấy phim ra rửa, hãm hình, rồi xả nước.

Mời các bạn xem: Hướng dẫn tráng phim của tác giả Đặng Trường Giang




Hướng dẫn rửa ảnh (Rọi ảnh)

Tác giả bài viết: trungthanhphoto.