VUA NHIẾP ẢNH - VUA MÁY ẢNH
Kiến thức cô đọng - Chụp ảnh tài ba - Ảnh đẹp cự phách
Rss Feed

Bố cục trong nhiếp ảnh

Đăng lúc: . Đã xem 13610 - Người đăng bài viết: Phạm Hải Đăng
Chuyên mục : Bố cục nhiếp ảnh
bố cục ảnh

bố cục ảnh

Để có 1 bức ảnh đẹp, bạn cần có những kiến thức cơ bản về bố cục trình bày trên bức ảnh, bài biết giải đáp cho bạn những kính thức trên
Khi nhắc tới hai từ “bố cục” trong nhiếp ảnh, rất nhiều người ngay lập tức nghĩ tới “quy tắc 1/3”. Không sai khi nói rằng “quy tắc 1/3” là bố cục phổ biến và kinh điển trong nhiếp ảnh, nhưng cần lưu ý không đánh đồng hai khái niệm này với nhau. Thậm chí, nói “quy tắc 1/3” là một thể loại bố cục trong nhiếp ảnh cũng không đúng, bởi thực chất đó chỉ là một phần rất nhỏ (nhưng đơn giản, dễ áp dụng nên trở thành phổ biến) trong bố cục về vị trí các vật thể trong khung hình mà thôi. Để dễ hình dung hơn, có thể xem bảng sau:
 
Bố cục trong nhiếp ảnh (phần I) 1
 
Tuy nhiên, vì quá phổ biến và rất dễ áp dụng trong các thể loại ảnh chụp thông thường, nên ở phần tiếp theo sau, GenK vẫn sẽ đi sâu vào hướng dẫn bạn đọc cách vận dụng “quy tắc 1/3” này. Còn trước hết, xin được mạn đàm đôi lời về bố cục trong nhiếp ảnh.
 

1.      Bố cục trong nhiếp ảnh là gì? Tại sao tôi cần nó?

 
Theo Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Bình (Thạc sỹ Nhiếp ảnh truyền thông – Đại học Northeastern, Mỹ)  thì “bố cục hình ảnh trong nhiếp ảnh là việc sắp xếp hay sắp đặt các thành tố hình ảnh trong một không gian giới hạn để thể hiện được ý tưởng của nhiếp ảnh gia.”
 
Nhiều người vẫn thường cho rằng “tôi chụp hình cho vui là chính”, hoặc là “tôi ghét bị ràng buộc trong khuôn khổ” để trốn tránh việc tìm hiểu về bố cục trong nhiếp ảnh. Cũng có nhiều người hoang tưởng rằng mình là... thiên tài nhiếp ảnh, nên cố vặn vẹo người sao cho ra những tư thế và góc chụp thật kỳ quặc rồi tự gán những tấm hình đó hai chữ “phá cách”. Thực chất, bố cục trong nhiếp ảnh là một khái niệm quá rộng và bao gồm quá nhiều “tập con” mà không phải ai – ngay cả các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp – có thể khẳng định rằng mình biết được hết, bởi vậy đa phần những gì chúng ta nghĩ rằng mình đang “phá cách”, thực chất chỉ đang nằm trong một vùng tối mà mắt mình chưa nhìn thấy.
 
Một tấm hình không có bố-cục-theo-chủ-đích (để phân biệt với bố cục vô tình tạo ra trong quá trình tìm tòi... phá cách nói tới ở trên) cũng giống như một căn phòng lộn xộn ngổn ngang. Đôi khi, chỉ đôi khi thôi, chúng tạo ra đôi chút ấn tượng đối với người xem. Nhưng trong đa số trường hợp, người ta sẽ đặt câu hỏi “Rốt cuộc tấm hình này có ý nghĩa gì?” Căn phòng này có gì đặc biệt, đâu là những vật dụng quan trọng được sử dụng, chúng nằm ở đâu mất rồi? Bố-cục-theo-chủ-đích khi đó là công cụ để loại bỏ những chi tiết thừa, sắp xếp lại những gì cần thiết theo một trật tự nào đó để bất kỳ một người khách nào khi mở cửa bước vào phòng cũng dễ dàng nhận ra chúng, và đoán biết được phần nào tính cách của chủ nhân căn phòng.
 
Ngay cả với người sử dụng máy ảnh du lịch để chụp một tấm hình cho cả gia đình (hoặc nhóm bạn) khi đi du lịch, việc sắp đặt người cao đứng giữa, thấp dần về hai bên hay nam nữ xen kẽ, khuỵu gối xuống hất máy lên để lấy được cả mái nhà hay ngọn cây phía sau,... cũng là một kiểu bố cục trong nhiếp ảnh. Vậy có gì là không tốt nếu chúng ta nắm được phần nào đó kiến thức về chúng và áp dụng để có được những tấm hình đẹp hơn?
 

2.      Quy tắc 1/3 (The Rule of Thirds)

 
Như đã nói ở trên, bố cục trong nhiếp ảnh là một khái niệm rất rộng, bao gồm nhiều thể loại như bố cục ánh sáng, bố cục màu sắc, bố cục vị trí các vật thể trong khung hình. Trong khuôn khổ có hạn của bài viết này, GenK chỉ xin được giới thiệu tới bạn đọc “quy tắc 1/3”, một “tập con” trong bố cục về vị trí các vật thể trong khung hình.
 
Quy tắc 1/3 tạo bởi 2 đường cắt ngang và 2 đường cắt dọc, chia khung hình ra thành 9 phần bằng nhau:
 
Bố cục trong nhiếp ảnh (phần I) 2
Bố cục 1/3.
 
Các đường cắt dọc gọi là các “đường dọc mạnh”, các đường cắt ngang gọi là các “đường ngang mạnh” hay các “đường chân trời”, chúng giao nhau tại 4 điểm (đánh dấu đỏ) gọi là các “điểm mạnh”.
 
Một tấm hình tuân thủ tốt quy tắc 1/3 là khi người chụp đặt các điểm nhấn của chủ thể vào càng nhiều các đường mạnh và điểm mạnh càng tốt, và phần hậu cảnh nếu có đường chân trời thì đường chân trời này nằm song song hoặc trùng khớp với 1 trong 2 đường ngang mạnh.
 
Hãy xem các hình dưới đây để hiểu rõ hơn về cách xếp đặt theo quy tắc này. Nguồn hình: Internet.
 
Bố cục trong nhiếp ảnh (phần I) 3
Đường chân trời phía xa được đặt song song và gần sát với đường ngang mạnh phía trên. Phần đầu
của con thuyền được đặt tại điểm mạnh phía dưới bên trái.
 
Bố cục trong nhiếp ảnh (phần I) 4
Khung hình dọc cũng áp dụng quy tắc 1/3, với bông hoa hướng dương và cô gái đều nằm ở các điểm mạnh bên phải.
 
Bố cục trong nhiếp ảnh (phần I) 5
Ảnh chân dung vận dụng khá nhiều quy tắc 1/3. Trong tấm hình này, chủ thể là cô gái với toàn bộ trục cơ thể nằm trên 2 đường dọc mạnh bên
phải và ngang mạnh phía dưới, đi qua 3 điểm mạnh (quá tuyệt!). Đường chân trời phía sau nằm song song với đường ngang mạnh phía trên.
 
Bố cục trong nhiếp ảnh (phần I) 6
Chân dung cận cảnh cũng không phải ngoại lệ. Đặc biệt đôi mắt – “cửa sổ tâm hồn” là điểm nhấn thường được
khai thác nhiều nhất, được ưu ái đặt trên đường ngang mạnh và điểm mạnh phía trên bên phải.
 
Quy tắc 1/3 phổ biến và dễ áp dụng tới mức trong hầu hết mọi chiếc máy ảnh – từ du lịch tới ống kính rời, đều tích hợp sẵn thước ngắm phục vụ cho quy tắc này. Cụ thể trong kính ngắm (viewfinder) của máy ảnh ống kính rời, ta sẽ thấy nhìn các đường vạch mờ chia khung hình ra làm 9 phần đúng như trên. Còn ở máy ảnh du lịch, ngắm chụp qua LCD, ta có thể kích hoạt các đường vạch này bằng cách vào Menu / Camera Settings / Grid Lines: On.
 
Thậm chí tính năng này có ngay cả trên iPhone:
 
Bố cục trong nhiếp ảnh (phần I) 7
Bật gridlines trên iPhone.
 
Quy tắc 1/3 không phải là quy tắc duy nhất trong bố cục về vật thể trong nhiếp ảnh, nhưng đó lại là quy tắc thường gặp nhất với các thể loại hình chụp mà chúng ta hay thực hiện. Chỉ cần áp dụng nhuần nhuyễn quy tắc này – nhận định được đâu là điểm nhấn của chủ thể, đâu là đường chân trời, v..v.. là bạn đọc đã có thể nâng cao trình độ của mình lên rất nhiều rồi.
 

A.      Tính cân bằng trong bố cục nhiếp ảnh

 
Tính cân bằng đóng một vai trò rất quan trọng trong bố cục tạo hình của nhiếp ảnh. Có thể chia đặc tính này ra thành 2 dạng: cân bằng đều và cân bằng lệch.
 
 
Trong tấm hình này, có thể thấy nhiếp ảnh gia đã đặt đường chân trời (phân cách mặt nước) vào vị trí gần như chính giữa khung hình. Bằng cách đó, tấm hình được chia thành 2 nửa đối xứng nhau, với các vật thể phía bên trên được mặt nước bên dưới phản chiếu lại hoàn toàn. Kiểu cân bằng đều này rất thường được sử dụng trong nhiếp ảnh phong cảnh và nhiếp ảnh kiến trúc, bởi nó tạo cảm giác chặt chẽ và tĩnh lặng cho tấm hình.
 
Thay vì xếp đặt góc nhìn dựa trên vị trí các vật thể, cân bằng lệch lại thường là loại bố cục được xây dựng dựa trên sự đối lập về màu sắc hoặc kích thước của các vật thể trong khung hình:
 
Bố cục trong nhiếp ảnh (phần II) 2
Ảnh của NAG James Dương - jamesphotoworld.com.
 
Nhìn ảnh trên, có thể thấy rằng quy tắc 1/3 thực ra cũng là một dạng của bố cục cân bằng lệch. Và thực vậy, cân bằng lệch là dạng bố cục mà ta sẽ thường bắt gặp nhiều hơn trong nhiếp ảnh, bởi nó ngay lập tức dẫn dụ con mắt người xem đến với điểm nhấn của tấm hình, trước khi “giải phóng” tầm nhìn về phía những khoảng không gian rộng lớn hơn, qua đó tạo cảm giác nhẹ nhõm, phóng khoáng cho người xem.
 

B.      Một vài mẹo giúp bạn trở nên “chuyên nghiệp” hơn

 
Để trở thành một người chụp ảnh chuyên nghiệp – hay còn gọi là một nhiếp ảnh gia, có lẽ là điều không tưởng và cũng không phải là mục đích của đại đa số các bạn đọc đang đọc bài viết này. Tuy nhiên, khi đã bỏ tiền ra đầu tư một chiếc máy ảnh cho riêng bản thân mình, dù là du lịch bình dân hay ống kính rời cao cấp, chắc chắn không ai muốn ảnh chụp của mình chỉ dừng lại ở mức độ lưu niệm. Trong khi việc rèn luyện kỹ năng chụp ảnh cũng như học hỏi kiến thức về nhiếp ảnh là thứ không thể có được trong một sớm một chiều, thì một vài mẹo nho nhỏ sau đây có thể sẽ giúp bạn trở nên “chuyên nghiệp” hơn một chút trong mắt mọi người.
 
Sử dụng tỷ lệ ảnh 3:2
 
Tỷ lệ ảnh (hay tỷ lệ khung hình) là tỷ lệ kích thước hai cạnh liền kề nhau của một tấm hình. Tỷ lệ này về bản chất chính là tỷ lệ kích thước hai cạnh liền kề nhau của cảm biến nằm bên trong máy. Với máy ảnh du lịch, tỷ lệ này là 3:4, trong khi đó máy ảnh ống kính rời lại có tỷ lệ ảnh là 3:2.
 
Bố cục trong nhiếp ảnh (phần II) 3
Tỷ lệ ảnh 3:4. Ảnh: Tiểu Phong.
 
Bố cục trong nhiếp ảnh (phần II) 4
Tỷ lệ ảnh 3:2. Ảnh: Tiểu Phong.
 
Trong số ít trường hợp, tỷ lệ ảnh 3:4 cho hiệu quả tốt hơn vì chúng bao phủ được một diện tích lớn hơn của khung hình (như ở ví dụ trên), nhưng trong đại đa số trường hợp, tỷ lệ ảnh 3:4 tạo cảm giác “béo phì” cho tấm hình, và nó cũng không tương thích với kích cỡ ảnh in 12x18cm (có tỷ lệ 2 cạnh tương đương 2:3) mà ta thường sử dụng. Bởi vậy trước khi chụp, hãy vào Menu / Camera Settings / tìm mục Aspect Ratio (hoặc bất cứ mục nào tương tự có chữ ratio kèm theo các tùy chọn 3:2, 3:4, 1:1, 16:9, v..v.. tùy theo cách đặt tên của từng máy) và chuyển về tỷ lệ ảnh 3:2. Một số máy (du lịch) không có tùy chọn này thì bạn có thể chụp bình thường (với tỷ lệ 3:4) rồi sử dụng một phần mềm chỉnh sửa ảnh hậu kỳ nào đó để cắt (crop) hình lại theo tỷ lệ 3:2. Bằng cách đơn giản này, bạn sẽ có được một tấm hình với tỷ lệ khung hình đẹp hơn, và… “đánh lừa” người xem rằng bạn đang sở hữu một chiếc máy ảnh ống kính rời! (just for fun)
 
Tránh để lộ điểm yếu của cả máy lẫn người chụp
 
Nếu chiếc máy ảnh của bạn khử noise không tốt thì đừng chụp với ISO cao. Thông thường máy ảnh du lịch chỉ nên chụp với ISO từ 400 trở xuống. Với máy ảnh ống kính rời, con số này có thể là 800, 1600 hoặc 3200 tùy theo mức độ hiện đại cũng như giá thành của chúng. Đây chính là một ví dụ về tránh để lộ điểm yếu của chiếc máy mình đang dùng.
 
Về phía người chụp, khi chưa chắc chắn về một thể loại ảnh chụp nào đó thì đừng “mạnh miệng” tuyên bố rằng mình có thể. Bởi ngay lập tức sau đó, rất có thể bạn sẽ rơi vào cảnh “há miệng mắc quai”, bị người khác nhờ chụp đúng thể loại đó. Những thể loại ảnh như phơi sáng, ngược sáng, “đóng băng” chuyển động mà vuanhiepanh.com từng nhắc tới đều cần đến kiến thức vững vàng, sự luyện tập và phần nào đó sự trợ giúp từ thiết bị chứ không đơn giản cứ giơ máy lên là làm được.
 
Sử dụng một phần mềm chỉnh sửa ảnh hậu kỳ
 
Không nhất thiết cứ phải là Photoshop, một phần mềm chỉnh sửa ảnh hậu kỳ với các tính năng đơn giản, tự động cũng có thể khiến tấm hình của bạn trở nên đẹp hơn. Cá nhân người viết xin khuyến cáo các bạn thử cài đặt và sử dụng phần mềm miễn phí Photoscape phiên bản mới nhất 3.6.2 (HĐH Window). Đây là một phần mềm rất nhẹ, chỉ 15-16 Mb nhưng rất mạnh mẽ và thông minh. 
 
Bố cục trong nhiếp ảnh (phần II) 5
Phần mềm Photoscape với giao diện trực quan, dễ sử dụng.
 
Cách sử dụng một phần mềm chỉnh sửa hậu kỳ theo kiểu one-click (một nhát ăn luôn) này rất đơn giản: load ảnh vào, bấm vào nút auto (auto white balance là tự động cân bằng trắng lại cho ảnh, auto contrast là tự động tăng giảm độ tương phản lại cho ảnh, v..v..), so sánh với ảnh gốc – nếu thấy đẹp hơn thì save lại, không đẹp bằng thì undo.
 
Thu nhỏ hình trước khi chia sẻ và tăng độ sắc nét (sharpness) cho ảnh sau khi thu nhỏ (resize) hình
 
Với những dịch vụ chia sẻ ảnh trực tuyến như Flickr, 500px hay thậm chí Facebook, cũng đều có một mức giới hạn về dung lượng hoặc kích thước ảnh tối đa được upload lên. Lấy ví dụ với Facebook: nếu bạn upload một file ảnh với kích thước lớn hơn cho phép (tối đa là 1024 pixel), Facebook sẽ tự động resize lại ảnh của bạn tron quá trình uploading. Vấn đề là thuật toán mà Facebook sử dụng để resize ảnh có chất lượng rất tệ, kết quả là ảnh upload lên trên website này thường bị mất chi tiết và vỡ hình kinh khủng. Bởi vậy, bạn nên tự resize hình về kích thước tối đa này bằng một phần mềm nào đó (có thể là Photoscape ở trên) trước khi tải lên để tránh bị Facebook “mó tay vào”.
 
Sau khi resize hình, tức là lược bỏ bớt đi một số pixel trong hình mà phần mềm cho rằng không cần thiết, cần làm tăng độ nét lại cho tấm hình bằng cách sử dụng tính năng sharpen trong phần mềm chỉnh sửa trước khi upload.
 
Tránh lạm dụng chữ ký
 
Chữ ký giúp khẳng định bản quyền của tấm hình. Tuy nhiên, khi hình chụp ra còn chưa đẹp thì bạn đừng quá ham hố chuyện đóng lên nó một cái chữ ký thật oách theo kiểu “abc | photography” hay là “xyz photographer | copyright”.  Chữ ký lúc này rất dễ gây tác dụng ngược, khiến người xem thêm phản cảm với tấm hình.
 
Với một tấm hình đẹp, chữ ký cũng cần chọn lựa font màu cẩn thận, với kích thước vừa đủ và vị trí nằm hợp lý, tránh làm hỏng bố cục hoặc che mất những chi tiết quan trọng của tấm hình.
 
Và cuối cùng: đừng upload tràn lan
 
Thời đại của Facebook, việc đăng tải và chia sẻ ảnh trở nên rất đơn giản và nhanh chóng. Tuy vậy, trừ những album ảnh mang tính chất lưu niệm, với những album ảnh mang hơi hướng nghệ thuật một chút như “Street-life” (Đời thường), “Portrait” (Chân dung), hay “Sen”, “Tháng Tám mùa Thu”, “Chiều ngược nắng”, v…v.. hãy chắt lọc và chỉ đăng tải lên những tấm hình đắt giá nhất. Bấm Next liên tục để xem đến mười mấy tấm hình na ná nhau sẽ khiến người xem ngán đến tận cổ.


Nguồn tin: Genk
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 24 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Được đánh giá 4.8/5

Ý kiến bạn đọc

 
Close